Thứ Ba, tháng 6 16, 2015

Tự Do Thương Mại và Dân Chủ Tai Hại



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150616
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Nỗi vật vã của Tổng thống Obama để hoàn thành hiệp ước TPP

* Obama và Pelosi - hai kịch sĩ * 



Lãnh đạo Bắc Kinh vừa được một món quà bất ngờ từ Hạ viện Hoa Kỳ.

Cách nay một tháng, Quốc vụ viện của Trung Quốc ban hành kế hoạch “Made in China 2025” để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Tầu trong các lãnh vực tiên tiến. Khi công bố kế hoạch, Bắc Kinh nêu ra mối nguy từ Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình dương TPP do Mỹ đề xướng cùng 11 quốc gia trên bốn lục địa vây quanh biển Thái Bình vì 1) nâng tiêu chuẩn cạnh tranh trong các lãnh vực dịch vụ, sở hữu trí tuệ, luật lệ lao động và bảo vệ môi sinh, 2) thu hẹp ưu thế về giá xuất cảng hàng công nghiệp của Trung Quốc, 3) khiến các doanh nghiệp Tầu khó phát triển ra ngoài.

Bắc Kinh đánh giá không sai mục tiêu của TPP: liên kết các nền kinh tế vây quanh Trung Quốc vào một trận tuyến thống nhất. Nếu kể thêm Hiệp định Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership gọi tắt là T-TIP) do Hoa Kỳ đang thương thuyết với các nước Âu Châu, thì đây quả là một trận tuyến toàn cầu.

Nhìn trên toàn cảnh, với hàng loạt sáng kiến của Bắc Kinh về “Con Đường Tơ Lụa”, hay Tân Ngân hàng Phát triển BRICS, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á Châu AIIB, v.v… quả nhiên là ta thấy “kinh tế cũng là chính trị”. Và thương mại cũng là đấu tranh, một diện trong nhiều diện, giữa hai khái niệm về tổ chức và sinh hoạt chính trị ở hai bờ Thái Bình dương.


*


Từ phía Hoa Kỳ, lãnh đạo Mỹ không che giấu việc đó.

Hiệp ước TPP là phần âm nhu của nỗ lực “chuyển trục” hay “tái cân bằng” tương quan lực lượng của Hoa Kỳ tại Á Châu. Chính quyền Barack Obama nói ra nhu cầu chuyển trục đó từ năm 2011, qua lời phát biểu dõng dạc của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Nhưng ngày nay, sự thể đã khác vì chính trường Mỹ đi vào một mê cung quái đản với nhu cầu thông qua một đạo luật ủy quyền thương thảo cho Hành pháp theo thủ tục nhanh gọn gọi là “fast track”, tên chính thức là “Trade Priorities and Accountability Act”, được viết tắt là TPA. 

Từ sáu năm qua, Chính quyền Obama kín đáo vận động Quốc hội tái tục đạo luật TPA để có thể hoàn tất việc thương thuyết và ký kết Hiệp ước TPP. Ông phải kín đáo vì biết là yêu cầu này sẽ gây phân hóa ngay trong đảng Dân Chủ của mình. Nhưng sau sáu năm và hai chục vòng đàm phán với 11 quốc gia đối tác, Hoa Kỳ không thể lùi nữa.

Hành pháp cần được Lập pháp ủy quyền thương thảo qua việc ban hành đạo luật TPA.

Một cách cụ thể thì Thượng viện và Hạ viện đồng ý với nhau là cho phép Hành pháp đàm phán với các nước bản Hiệp ước TPP. Sau khi việc đàm phán thành hình thì Quốc hội có 90 ngày để duyệt xét những cam kết của Hành pháp, và Ủy ban Thương mại Quốc tế trong Nội các Obama có 105 ngày để trình bày với Quốc hội những lợi hại kinh tế của Hiệp ước trước khi văn bản chính thức được công bố như một Dự luật. Sau khi Dự luật TPP thành hình thì Hạ viện có 60 ngày để thẩm xét và phê chuẩn. Sau đó, Thượng viện có thêm 30 ngày. Nếu cả hai viện cùng phê chuẩn thì Tổng thống mới được ban hành Đạo luật TPP.

Viết lại cho gọn một chuỗi thủ tục nhiêu khê: trước khi có TPP thì phải có TPA, mà sau khi hoàn thành Hiệp ước TPP thì cũng phải mất từ 90 đến 120 ngày mới có hy vọng phê chuẩn và ban hành.

Nhưng Hoa Kỳ chưa đi tới ngày vinh quang đó.


*


Sau nhiều trận đánh liên miên về thủ tục, ngày 22 Tháng Năm, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật TPA với tỷ lệ 62-37, bên trong, các Nghị sĩ Dân Chủ gài sẵn một số điều kiện tiên quyết, như quyền điều tra về việc các nước đối tác có hành vi lũng đoạn hối đoái để bán hàng rẻ hay không. Tổng thống Obama đã nói trước rằng nếu có điều khoản đó thì ông sẽ phủ quyết.

Nhưng ông không ngờ là một đạo luật khác được Thượng viện lồng trong dự luật TPA mới là vấn đề. Đó là đạo luật tăng cường nâng đỡ những ai bị thiệt hại – mất việc – vì đạo luật tự do thương mại TPP.

Có tên là Trade Adjustment Assistance Enhancement Act, hay TAA, đạo luật là một thủ thuật lâu năm của đảng Dân Chủ nhằm tranh thủ hậu thuẫn của nghiệp đoàn. Đó là trích xuất từ ngân sách liên bang một khoản trợ giúp thành phần dân chúng bị mất việc khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng nhập cảng hoặc phải đóng cửa và đầu tư ra ngoài. Từ nhiều năm rồi, cơ quan giám định hoạt động công quyền là GAO đã thẩm xét kết quả của luật trợ giúp TAA này và thấy rằng một năm mất một tỷ là lãng phí.

Nhưng các Nghị sĩ Dân Chủ vẫn đòi gài đạo luật TAA vào dự luật TPA thì mới chịu. Bài này xin miễn nói về giá trị kinh tế không có của đạo luật TAA vì kinh tế cũng là chính trị!

Đến ngày Thứ Sáu 12 tuần qua, Tổng thống Obama đích thân vào tới Hạ viện để vận động các Dân biểu Dân Chủ biểu quyết dự luật TPA. Nhưng ông bị đâm vào lưng cũng vì điều kiện TAA đó: Trưởng khối thiểu số bên đảng Dân Chủ là Dân biểu Nancy Pelosi lên lưới kêu gọi các đồng chí trong đảng hãy gạt TAA ra ngoài.

Xin viết lại cho rõ: xưa nay, đảng Dân Chủ vẫn đòi Chính quyền trợ giúp “nạn nhân” của tự do mậu dịch bằng một đạo luật gây lãng phí, nhưng tuần qua họ biểu quyết chống TAA, chỉ để trì hoãn dự luật TPA nhằm gây khó cho Tổng thống Obama. Và nhân tiện lấy lòng các nghiệp đoàn vì chứng tỏ là họ không ủng hộ quyền tự do thương mại.

Hành động ấy chỉ là một “loạn chiêu về thủ tục”, chữ của phát ngôn viên Phủ Tổng thống, nhằm gây dị biệt với dự luật đã được Thượng viện biểu quyết tháng trước. Nó khó cản được Hạ viện sẽ ủy quyền cho Hành pháp Obama vì ngay sau đó, nhiều Dân biểu Cộng Hòa nhảy vào cứu giá Obama với đa số là 219 phiếu. Hơn số tối thiểu được một phiếu.

Sau vụ nổi loạn trong đảng Dân Chủ với đòn TPA, ngày Thứ Ba 16 Hạ viện vẫn hy vọng huy động được đủ phiếu thông qua dự luật TPA theo nội dung thống nhất với dự luật của Thượng viện. Sau đó sẽ là nhiều tháng vật vã nữa.


*


Vật vã tới đâu?

Nếu nữ thần Dân Chủ của nước Mỹ có tạo ra phép lạ là 1) lưỡng viện Quốc hội đạt đồng thuận giữa hai đảng để thông qua đạo luật TPA vào cuối Tháng Sáu, rồi 2) Hành pháp Obama hoàn thành hiệp ước TPP vào cuối Tháng Bảy, thì sớm nhất là đầu Tháng 12, cỗ xe TPP mới lăn bánh. Với chữ “nếu”, người ta có thể bỏ thành phố Paris vào cái lọ. Ngạn ngữ Pháp nói như vậy.

Nền dân chủ Mỹ thì thực tiễn hơn.

Nếu nhờ phép lạ mà cuối Tháng Bảy này Chính quyền Obama hoàn thành được hiệp ước TPP thì trận đánh về sự lợi hại của tự do mậu dịch còn kéo dài nhiều tháng. Khó ai biết được là bao nhiêu tháng. Lạc quan nhất sẽ là giữa năm tới. Nghĩa là mất thêm một năm nữa.

Khi ấy, giữa năm 2016, cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ lên tới cao điểm và chi phối lá phiếu của các dân biểu nghị sĩ đang ra tái tranh cử. Ứng cử viên Hillary Clinton hiểu ra điều ấy. Vì vậy, tuần qua bà không còn ngồi trên hàng rào mà nhảy vào đấu trường bên cạnh Dân biểu Pelosi.

Chẳng những Hillary cố quên nhu cầu “chuyện trục về Á Châu” năm 2011, bà cũng quên rằng Dân biểu Pelosi đã nhảy rào mà ủng hộ đối thủ của mình trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 là Nghị sĩ Barack Obama. Bà càng cố quên hiệp ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA mà đức phu quân là Tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1994. Nền dân chủ làm nhiều người mắc bệnh quên trí nhớ.

Tai hại thật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét