Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 121029
"Kinh Tế Cũng Là Chính
Trị"
Nhìn Vào Hố Sâu Tài Chánh Sau Khi
Thắng Cử
* Bước ngoặt vĩ đại *
Ngày Thứ Năm đầu tiên sau ngày Thứ
Hai đầu tiên của Tháng 11 tới, có một số người sẽ rất bận.
Ngày đó, ban tham mưu của liên
danh đắc cử Tổng thống hôm Thứ Ba mùng sáu Tháng 11 chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức
vào ngày 20 Tháng Giêng năm 2013. Họ phải hoàn tất danh sách nội các, và cấp bách
không kém là thảo luận với Quốc hội "vịt què" - của khóa 112 sẽ mãn
nhiệm ngày mùng ba Tháng Giêng - và Quốc hội khóa 113 vừa được bầu lên hôm mùng
sáu.
Đề mục cấp bách trong các cuộc thảo
luận ấy là làm sao tránh được "vực thẳm ngân sách" sẽ mở ra toang hoác
vào năm 2013. Bài viết này trình bày riêng về vụ đó, một đề tài tiêu biểu của
"kinh tế cũng là chính trị".
***
Xin hãy tóm lược về bối cảnh:
Tháng Tám năm 2011, Quốc hội phải
cho Hành pháp nâng mức đi vay, nếu không thì công khố kẹt tiền, công chức khỏi
lãnh lương. Nhân dịp này, đảng Cộng Hoà vừa chiếm lại đa số tại Hạ viện từ cuộc
bầu cử năm 2010 đã đòi thu hẹp bội chi ngân sách và duy trì kế hoạch giảm thuế để
kích thích kinh tế. Chính quyền Barack Obama và Thượng viện trong tay đảng Dân
Chủ thì kèo nèo việc tăng chi để kích thích kinh tế và chỉ giảm thuế cho thành
phần gọi là "trung lưu".
Đó là về đại thể.
Sau nhiều tháng tranh cãi đến nghẹt
thở khiến trái phiếu Hoa Kỳ bị công ty S&P giáng cấp tín nhiệm - chuyện hy
hữu và nhục nhã - đôi bên đồng ý tăng mức đi vay. Nhưng vì nhiều dị biệt khó
dung hoà, họ cài nút bật tự động bên trong Đạo luật Kiểm soát Ngân sách 2011 do
Tổng thống Obama miễn cưỡng ban hành hôm mùng hai Tháng Tám.
Nút bật trong đạo luật
"Budget Control Act" này là điều khoản mặc nhiên bãi bỏ việc giảm thuế
(là sẽ tăng thuế) và mặc nhiên giảm chi kể từ đầu năm 2013.
Lý do cài đặt ác ôn đó là để Quốc
hội và Hành pháp cùng thoả hiệp trước khi kinh tế lao xuống vực từ mùng hai Tháng
Giêng năm 2013. Nhưng sự thoả hiệp không thành sau nhiều đề nghị từ Hạ viện Cộng
Hòa và cưỡng chống từ Thượng viện Dân Chủ. Nói cách khác, kinh tế Hoa Kỳ bị đe
dọa suy trầm vì bế tắc về chính trị.
Bây giờ, bầu cử đã xong, người đắc
cử Tổng thống có thể làm gì để đẩy lui nguy cơ đó nhờ một số biện pháp dung hòa?
***
Kinh tế Hoa Kỳ chưa hồi phục mạnh
sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, nay chỉ đạt mức tăng trưởng èo uột cỡ 2% và thất
nghiệp vẫn mấp mé 8%. Trong khi ấy, nước Mỹ mắc nợ đến kỷ lục, xấp xỉ Tổng sản lượng,
vì nạn bội chi ngân sách, nhất là trong bốn năm vừa qua vì lý do "kích thích
kinh tế".
Nhìn trong trường kỳ, Hoa Kỳ không
thể là siêu cường Chúa Chổm và gánh nợ là quả bom nổ chậm. Nhưng ngay trước mắt
mà lại tăng thuế và giảm chi thì kinh tế có thể bị suy trầm.
Vì vậy, cả nước phải vượt qua vực
tài chánh (fiscal cliff) hay tận thế thuế vụ (Taxmageddon) thì mới khá. Mà vực
sâu đó gồm có những gì cho năm tới?
Thứ nhất về thuế khóa, hai đạo luật
giảm thuế thời Bush mà mãn hạn thì thuế sẽ tăng 265 tỷ Mỹ kim, gồm có 55 tỷ của
bọn "nhà giàu" và 210 tỷ của những người được gọi với mỹ từ là
"trung lưu". Chuyện đấu phép và mặc cả giữa hai đảng liên quan đến 55
tỷ này – so với hơn ngàn tỷ bội chi trong một năm thì chẳng là vấn đề bên Cộng
Hoà, hay giải pháp bên Dân Chủ. Lý luận đấu tranh giai cấp, gọt tóc nhà giàu để
cứu dân nghèo chỉ là thủ thuật chính trị cho cử tri nguy ngơ.
Thứ hai, về ngân sách thì mức giảm
chi là cỡ 160 tỷ, trong đó có 110 tỷ bị ốp (sequestration) và sẽ bị cắt, đa số
liên quan đến quốc phòng. Đôi bên đều ngại chuyện cắt đốt cột này nên cãi cọ mãi
thì cũng sẽ... cắt khoản cắt ấy, nghĩa là vẫn chưa thật sự giảm chi.
Thứ ba, một phần của kế hoạch tăng
chi để kích thích kinh tế của Obama năm 2009 cũng triệt tiêu, đó là 2% của tiền
An sinh và việc triển hạn trợ cấp thất nghiệp. Hóa đơn trị giá 140 tỷ. Sau khi
tăng chi để kích thích, nếu giảm chi thì ta gặp hiện tượng... "phản kích
thích" một nền kinh tế có thể bị suy trầm nữa.
Thứ tư, có biện pháp tăng thuế các
hộ gia đình khá giả từ đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế (Obamacare), trị
giá chừng 24 tỷ. Trong khung cảnh hiện nay, giàu là cái tội, nên coi như những
kẻ có tóc sẽ bị gọt thêm 24 tỷ!
Sau cùng, còn ngân khoản cứ được thò
ra kéo vào hàng năm, gồm có số dự chi được điều chỉnh ("doc fix") và
Thuế Tối thiểu Điền thế (xin lỗi, Alternative Minimum Tax), trị giá khoảng 105
tỷ. Đây là đòn chính trị rất Mỹ, năm nào cũng đáo hạn rồi lại được triển hạn, để
nhắc nhở là nhà nước lo cho dân nghèo.
Cộng năm khoản đó thì ta thấy vực
thẳm tài chánh có thể sâu tới 694 tỷ Mỹ kim cho một nền kinh tế có sản lượng gần
15 ngàn tỷ. Tương đương với chuyện kiêng khem chừng 4,6% của một thực đơn đã khá
đạm bạc. Nhưng xét cho kỹ thì phải trừ bớt hai khoản dọa dẫm là thuế trung lưu
(210 tỷ) và mục chi thứ năm nói trên (là 105 tỷ), tức là 315 tỷ; vị chi, kinh tế
có thể bị hụt 380 tỷ. Đã vậy, trong hoàn cảnh thật ra vẫn bất ổn về an ninh, từ
Trung Đông tới Trung Quốc, ít ai dám cắt mạnh về quốc phòng nên cò kè rồi cũng
đành giảm mức giảm chi.
Như vậy, liên danh vừa đắc cử sẽ
lãnh một cái hố có mức co giãn từ 694 tỷ đến 380 hay 300 tỷ hoặc 80 tỷ Mỹ kim.
Sâu hay nông là tùy khả năng dọa, dụ và trả giá. Khi đó, với sự lạc quan của
người đắc cử, Tổng thống tân cử có thể hỏi ban tham mưu kinh tế là hậu quả sẽ
ra sao?
***
Đấy là lúc các kinh tế gia được
phép làm thầy bàn. Họ nói về "cấp số nhân" hay multiplier.
Nếu mức công chi mà bị giảm, giả
dụ như 1% Tổng sản lượng, thì đà tăng trưởng sản xuất có thể bị mất chừng bao
nhiêu? Trước khi có vụ Tổng suy trầm, đa số giới kinh tế cho rằng cấp số nhân là
0,5%. Giáo sư kinh tế Larry Summers, từng là Tổng trưởng Ngân khố thời Bill
Clinton và cố vấn cho Obama thì nói đến ít nhất là 1%. Gấp đôi. Hai vợ chồng
kinh tế gia nổi tiếng là Christina và Paul Romer thì ước tính cấp số đó cho nước
Mỹ là gấp ba 3: giảm chi 1% thì làm kinh tế sụt mất 3%. Bà Christina từng là Cố
vấn trưởng về kinh tế của Chính quyền Obama.
Hai tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc
tế vừa công bố phúc trình cập nhật về Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu, với nội dung báo
động về nguy cơ tổng suy trầm lần nữa. Bên trong tài liệu 250 trang này có chi
tiết chuyên môn đáng chú ý: cấp số nhân khó là 0,5% mà có thể là 0,9%, thậm chí
1,7%.
Nghĩa là làm sao? Kinh tế học không
là khoa học chính xác, mọi dự báo chỉ là dự đoán và còn phải điều chỉnh. Cho nên,
hiệu ứng của hố sâu có thể là 0,5 hay 1% hay 2-3% khi đà tăng trưởng chỉ có 2%....
Tai hại hay nhẹ nhàng là còn tùy cách chọn. Tùy khả năng thuyết phục thị trường
của chính trường về cái giá phải trả trong ngắn hạn – ít ra là bốn năm quý, cả
năm – để về dài thì đạt một lợi ích bền vững hơn.
Nhưng, như một kinh tế gia lừng
danh đã nói, "về dài thì ai cũng chết!" Các chính khách rất ngại đưa
ra chén thuốc đắng cho năm 2013 mà đến 2014 mới công hiệu vì năm đó lại có bầu
cử Quốc hội! Cho nên, sự thể không tùy ở Tổng thống mà ở Quốc hội. Và tùy lá
phiếu cử tri năm nay, cho Quốc hội khóa 113.
Vấn đề không chỉ là chọn Obama
hay Romney mà còn là chọn các dân biểu và nghị sĩ trong từng tiểu bang, ở từng
địa phương.
Cử tri cứ mất tiền cho họ mua bánh vẽ thì đừng có than!