Thứ Năm, tháng 3 31, 2016

Ai Sẽ Lãnh Đạo Cuba?



Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160330
"Hồ Sơ Người-Việt"

Quân Phiệt Cộng Sản Cuba Trong Buổi Giao Thời


* Lãnh tụ  Fidel Castro sau khi lãnh một tụ: "điên sao mà đổi?" *



Truyền thông Hoa Kỳ - và nhà báo thông ngôn của xứ khác – gọi chuyến thăm viếng Cuba vừa qua của Tổng thống Barack Obama là biến cố có ý nghĩa lịch sử vì từ 88 năm nay mới có một Tổng thống Hoa Kỳ đặt chân lên đảo quốc này. Có lẽ, đấy là ý nghĩa lịch sử cho sự nghiệp của ông Obama, chứ chưa hẳn là cho người dân Cuba. Sau khi ông Obama ra về, cựu lãnh tụ Fidel Castro nay đã 90 tuổi liền có một bài đả kích vị Tổng thống thượng khách của người em là Chủ tịch Raúl Castro. Cũng có ý nghĩa lịch sử vì Fidel ngợi ca thành tích của chế độ cộng sản Cuba do ông sáng lập và chối từ lời kêu gọi cải cách của ông Obama. 

Toàn là chuyện lịch sử cả, trong ý nghĩa là quá khứ. Tương lai rồi sẽ ra sao?

Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu về tương lai ấy, giúp cho các nhà báo thông ngôn ở gần xa.



Một Chế Độ Quân Phiệt Đỏ


Trong nhiều thập niên, truyền thông Hoa Kỳ thường mô tả Cuba như một quốc gia theo chế độ cộng sản. Có một phần sự thật trong đó, nhưng một phần thôi thì chưa thể là sự thật.

Sau khi lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista năm 1959, Fidel Castro lên cầm quyền và áp dụng chủ thuyết Mác-Lênin để cai trị. Nhưng như nhiều lãnh tụ Nam Mỹ, ông lại xây dựng và củng cố một tổ chức lãnh đạo trong tay các tướng lãnh thân tín với vây cánh của mình. Đấy là nếp Castro.

Sáu chục năm sau, là ngày nay, tổ chức ấy vẫn tồn tại - và sinh con đẻ cái. Từ khi thành lập, Chính quyền Cuba là sản phẩm của quân đội (tạm dùng chữ này), không phải của đảng Cộng sản Cuba. Từ khi làm cuộc cách mạng với lực lượng quân sự, Castro dùng quân đội để kiểm soát cả chính quyền lẫn toàn dân. Ông không tin vào đảng mà dùng nó như bình phong để mê hoặc người dân với lý tưởng độc lập của José Marti và tư tưởng Mác-Lê, chứ tập trung quyền lực vào quân đội và các tướng dưới quyền.

Theo lý luận dân chủ, người ta có tam quyền phân lập là Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Theo lý luận cộng sản thì ta có đảng ở trên, nhà nước ở dưới, để cùng cai trị toàn dân theo đường hướng của đảng. Theo tổ chức Castro, người ta có quân đội ở trên, đảng và nhà nước cộng sản ở dưới. Điều ấy có nghĩa là quân đội là một định chế, một institution (mà người Hà Nội dịch là thể chế!). Nhưng là một định chế vừa lãnh đạo vừa cầm quyền trong các lãnh vực chính trị, an ninh và cả kinh tế. Vì lối tổ chức ấy, các tướng lãnh có tiếng nói trong mọi quyết định của đảng và nhà nước.

Sáu chục năm sau và qua hai bản hiến pháp, Chủ tịch Raúl Castro kế thừa sự nghiệp ấy. 


Quân Đội Trên Đảng


Raúl Castro có thể là Bí thư thứ nhất của đảng Cộng sản, cầm đầu Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, nay là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương tự Thủ tướng). Nhưng trước hết là Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng trong suốt thời kỳ lãnh đạo của người anh là Fidel Castro.

Với tư cách lãnh đạo đảng và cơ chế lấy quyết định về chánh sách là Bộ Chính trị, Raúl thực tế chỉ định các Ủy viên Bộ Chính trị và trưởng ban. Qua trang nhà của đảng, được cập nhật lần cuối vào năm 2014, ta biết Bộ Chính trị có 14 Ủy viên. Ngày nay, một Ủy viên đã mất, nhưng trong 13 người còn lại thì có năm người là tướng lãnh đương nhiệm, hai người là sĩ quan quân đội hay an ninh đã hồi hưu và một người đang phục vụ quân đội, vị chi là tỷ lệ 8/13. Trong cơ chế gọi là Hội đồng Bộ trưởng, quân đội cũng nắm vai trò quyết định trong Bộ Quốc phòng, các Bộ Nội vụ (Công an), Thông tin, Giao thông Vận tải, Kinh tế và Du lịch.

Về mặt an ninh thì Bộ Nội vụ giữ vị trí chủ yếu, với khả năng và trình độ cao về tình báo đến độ gài được gián điệp cao cấp vào Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và một số Đại học uy tín của Hoa Kỳ, rồi qua đó khuynh đảo được đối sách của Mỹ về Cuba. Khi tái lập bang giao, Chính quyền Obama đã mau mắn trao trả cho Cuba các điệp viên bị sa lưới và ít ai nói đến họ.

Cầm đầu Bộ Nội vụ là một viên tướng, dưới quyền là các Thứ trưởng hay Cục trưởng về An ninh và Tình báo, cũng đều từ quân đội ra. Trong Bộ Nội vụ, Cục Tình báo Trung ương Dirección de Intelligencia (DI) là mũi nhọn tình báo của Cuba, đã từng yểm trợ chế độ Hugo Chavez của Venezuela để được viện trợ dầu hỏa, và phụ trách tình báo quốc ngoại và hoạt động mật vụ. Cũng trong Bộ Nội cụ, Cục An ninh Quốc gia đảm nhiệm việc bảo vệ an ninh quốc nội, theo dõi người dân và công tác phản gián. Sau cùng, lực lượng Cảnh sát Quốc gia cũng thuộc thẩm quyền của Bộ này.

Những người cộng sản lãng mạn ở bên ngoài ít chú ý đến khía cạnh quân phiệt ấy của nền chuyên chinh vô sản!


Quân Đội Castro Nắm Kinh Tế


Trong Bộ Nội Vụ, một nhân vật chỉ mang lon Đại tá Bộ binh mà lại là kẻ chủ chốt vì là cố vấn cho Hội đồng An ninh và Quốc phòng, và cầm đầu ủy ban phối hợp hoạt động tình báo giữa hai bộ Nội vụ và Quốc phòng. Then chốt hơn nữa, đấy là con trai của Raúl Castro, Đại tá Alejandro Castro Espin, sinh năm 1966.

Và người giữ tay hòm chìa khóa cho hệ thống kinh tài của chế độ quân phiệt này là Thiếu tướng Luis Alberto Rodríguez López-Callejas, Chủ tịch tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất của Cuba. Tập đoàn GAESA (Corporate Management Group SA) quy tụ 57 doanh nghiệp, đem lại từ 50 đến 80% nguồn lợi cho Cuba trong các ngành béo bở như du lịch, kỹ nghệ đường và rượu và là cánh tay kinh tài của Quân đội Cách mạng Cuba. Đấy cũng là trung tâm ban phát quyền lợi cho các sĩ quan thân tín với gia tộc Castro vì Luis Alberto Rodríguez là con rể của Raúl.

Qua tập đoàn GAESA, Tướng Luis Alberto Rodríguez trực tiếp quản lý dự án phát triển hải cảng Mariel (Mariel Port Special Development Zone), một đặc khu kinh tế đang hy vọng tiếp nhận đầu tư của nước ngoài để trở thành đầu máy cho toàn quốc. Giới đầu tư quốc tế hay Hoa Kỳ mà muốn làm ăn thì phải gặp viên tướng nhiều quyền thế này.

Sau khi lên kế nhiệm Fidel từ năm 2008, Raúl có tiến hành “đổi mới kinh tế”. Là người chung thủy với lý tưởng cách mạng kiểu Fidel, và góp phần xây dựng chế độ quân phiệt đỏ, ông cũng đủ thực tiễn để hiểu ra mối nguy của Cuba sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Trong Giai đoạn Thoái trào mà dân Cuba gọi là Periodo Especial từ 1993 đến 1997, kinh tế Cuba sụt mất hơn một phần ba, 36%. Vì vậy, từ năm 2010 ông cải tổ cơ cấu để kinh tế bớt suy sụp và cho tiểu doanh thương được quyền sinh hoạt.

Nhưng khác với giải pháp tai hại năm xưa của Mikhael Gorbachev, Raúl tăng cường kiểm soát thông tin và đàn áp chính trị, lại càng sử dụng các tướng lãnh trung thành nhất. Dự án trọng điểm Mariel do Luis Alberto Rodríguez đang thực hiện nằm trong hướng đó.

Mục tiêu của Raúl Castro không phải là áp dụng kinh tế thị trường, hoặc theo tư bản chủ nghĩa. Mà là tìm phương tiện bảo vệ quyền lực và quyền lợi của chế độ quân phiệt quy tụ quanh đại gia đình Castro. Nhưng sinh năm 1931, Raúl Castro cũng đã xế chiều, và cho biết là sẽ về hưu khi hết nhiệm kỳ vào năm 2018 này, khi ông ở tuổi 87.


Ai Sẽ Kế Nhiệm Raúl Castro?


Cho đến nay, chế độ quân phiệt đỏ chưa có quy định chính thức về việc kế thừa quyền bính sau khi Raul ra đi.

Trên nguyên tắc – mà nguyên tắc là điều cách mạng có thể sửa – thì Phó Chủ tịch Thứ nhất của Hội đồng Nhà nước và của Hội đồng Chính Phủ (tương tự như Phó Tổng thống kiêm Phó Thủ tướng) là nhân vật số hai của chế độ nên sẽ kế nhiệm Chủ tịch, như Raúl đã kế nhiệm Fidel.

Năm 2013, Raúl Castro đã bổ nhiệm Miguel Diaz-Canel vào chức vụ này và theo Hiến pháp thì Diaz-Canel sẽ lãnh đạo nếu Raúl hết khả năng vì chuyện bệnh, tử… Sinh năm 1960, nổi tiếng bảo thủ, Diaz-Canel có thể đảm bảo việc duy trì cách mạng Cuba. Nhưng đấy là một người chưa từng ở trong quân đội, một nhân vật dân sự. Các tướng lãnh nghĩ sao? Khi ấy, họ có thể nghĩ đến Đại tá Alejandro Castro Espín, con trai của Raúl Castro.

Có thành tích “tác chiến” trong trận Nội chiến tại xứ Angola bên Phi Châu, Castro Espín có ba ưu điểm là biết về tình báo và có bằng đại học về an ninh và quân sự, lại thường xuyên có mặt để trợ giúp thân phụ từ khi Raúl nắm quyền vào năm 2008. Trong nhiều chuyến công tác ở nước ngoài, và cả khi đón tiếp Tổng thống Obama hôm 21 vừa qua, Castro Espín đều hiện diện bên Raúl, như nhân vật số hai, hay ít ra là thân tín nhất.

Ngoài sự kiện Fidel Castro có quá nhiều vợ lẫn đào và địch và lý lịch của các con được “sử gia” cạo sạch, chế độ Cuba cũng ít cung cấp thông tin về các nhân vật trọng yếu. Vì vậy người ta ít biết về Phó Chủ tịch Diaz-Canel và Đại tá Phò mã Castro Espín. Đấy là quy luật sinh tồn trong chế độ độc tài: càng nổ lắm thì càng banh xác pháo. Fidel không muốn ai nổi ở chung quanh, Raúl cũng vậy.

Vì thế, giới đầu tư đang mong chờ ngày đổi mới thật của Cuba sẽ phải tìm dữ kiện dự đoán bằng ngả khác. Đại hội Khóa bảy của Đảng Cộng sản Cuba dự trù tổ chức vào Tháng Tư này có thể là cơ hội. Sau đó họ phải tìm xem giá biểu sẽ là bao nhiêu, để góp phần xây dựng Thiên đường Castro.

----

Kết luận ở đây là gì?

Việc Hoa Kỳ hòa giải với Cuba chưa hề đe dọa quyền lực của chế độ Castro và các thành phần quân phiệt đang chia nhau quyền lợi kinh tế.

Cho tới nay, thiếu số lãnh đạo này cũng chưa có dấu hiệu tranh quyền hay chống đối việc hòa giải và vẫn bảo vệ được an ninh nội bộ - trên lưng những người mơ ước dân chủ.
 
Nhưng kinh nghiệm của các lân bang, từ Venezuela tới Brazil, Chile và Argentina, cho thấy là kinh tế có thể bị khủng hoảng vì nạn tham nhũng và chuyên quyền. Đấy là chuyện nên theo dõi trong buổi giao thời của gia tộc Castro.

Thứ Tư, tháng 3 30, 2016

Đụng Độ Vì Nước Và Cá

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160330
Diễn đàn Kinh tế   

Á Châu thiếu nước nhất và ăn cá nhiều nhất thế giới nên có xứ đi ăn cướp!   

 
000_8M53S-622.jpg
* Một con kênh khô nước ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam ngày 8/3/2016.
AFP PHOTO *  





Trong khi người dân tại vùng đồng bằng Cửu Long đang bị khốn khổ vì hạn hán và ngập mặn thì nhiều biến cố xảy ra ngoài Đông Hải của Việt Nam còn cho thấy một khía cạnh khác của vấn đề khan hiếm tại Á Châu. Lục địa này thiếu cả nước lẫn cá và riêng động thái của Trung Quốc càng gây rủi ro xung đột trong khu vực. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu sự kiện ấy qua phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Mâu thuẫn nghiêm trọng

 

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế của đài Á Châu Tự Do. Thưa ông, trên đất liền thì vùng châu thổ sông Cửu Long đang là nạn nhân của hạn hán và nước ngập mặn khiến cuộc sống của 20 triệu người dân và cả hệ sinh thái của con sông chiến lược này bị đe dọa. Tình hình chưa có dấu hiệu khả quan sau khi Trung Quốc cho xả nước trên hồ đập Cảnh Hồng tại thượng nguồn của dòng sông chảy qua sáu quốc gia. Giữa khung cảnh ấy thì nhiều biến cố khác lại bùng nổ, điển hình là việc Hải quân của Indonesia rồi Malaysia đã ứng xử với việc tầu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập hải phận và cướp cá của họ tại quần đảo Natuna của Indonesia vào ngày 19 và tại Cụm Bãi Đá Luconia của Malaysia vào ngày 25. Ông nhận xét thế nào về những sự kiện dồn dập ấy? 


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đi vào thời điểm mà hai mâu thuẫn nghiêm trọng nhất của Châu Á đang được phơi bày và có thể dẫn tới xung đột. Trước là nước, sau là cá.

Chúng ta đi vào thời điểm mà hai mâu thuẫn nghiêm trọng nhất của Châu Á đang được phơi bày và có thể dẫn tới xung đột. Trước là nước, sau là cá. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Thứ nhất vì địa dư hình thể, Á Châu thiếu nước ngọt nhất địa cầu nếu so với các châu lục kia. Thế rồi, vì lý do kinh tế, nhu cầu nước ngọt lại tăng mạnh sau nhiều thập niên công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đã vậy, các nước Á Châu lại kém hiệu năng khi tiêu thụ và bảo vệ nguồn nước với các công trình thủy điện và thủy lợi thật ra là thủy hại. Tại Á Châu, Trung Quốc khan hiếm nước ngọt nhất, lại kiểm soát đầu nguồn của 10 con sông lớn nhất mà lạm thác – là lạm dụng trong khai thác - với các đập thủy điện từ thượng nguồn Hy Mã Lạp Sơn và Tây Tạng rồi các con kinh dẫn nước từ Nam lên Bắc nên gây thêm khan hiếm và ô nhiễm ở bên trong, với 90% nguồn nước ngầm bị nhiễm độc, và còn gieo họa cho các nước bên ngoài. Các tổ chức quốc tế đã báo động về mối nguy này từ lâu mà Á Châu không giải quyết nổi. Đầu nguồn chuyện nước nôi vẫn là Trung Quốc, làm thiên tai bị nhồi thêm nhân họa vì tinh thần vô trách nhiệm với người dân của họ và với các nước khác.

- Thứ hai, người ta ít chú ý đến một yếu tố bất ổn kia. Không chỉ thiếu nước, rồi tranh đoạt lãnh thổ để đòi chủ quyền lãnh hải và các nguồn lợi về năng lượng như dầu thô và khí đốt, Á Châu còn thiếu tôm cá và thủy sản. Dân Á Châu ăn nhiều cá hơn hẳn các nước Tây phương giàu có hơn. Cùng đà tăng trưởng và công nghiệp hóa, mức tiêu thụ ngư hải sản của Á Châu đã tăng vọt, trong 10 quốc gia có sản lượng thủy sản cao nhất thì Á Châu có 6 nước, dẫn đầu là Trung Quốc rồi mới tới Indonesia, Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia… Ngư hải sản là ngành kinh tế trọng yếu đang trở thành đầu mối tranh chấp ngoài biển Đông. Và Trung Quốc cũng lại có vai trò rất lớn, với sản lượng đánh cá tăng gấp 60 lần từ hơn 60 năm qua. Ba năm về trước, họ lập kế hoạch ăn cướp tinh vi nên đến nay Indonesia là quốc gia hữu nghị nhất tại Đông Nam Á cũng chịu không nổi mà có phản ứng cương quyết khác thường.



000_8M53O-622Ruộng lúa gần một con kênh khô hạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam ngày 8/3/2016.


Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể giật mình khi ông nêu ra nạn thiếu nước từ đầu nguồn và nạn tranh đoạt thủy sản ngoài biển với vai trò chủ chốt của Trung Quốc. Ông nói là họ đã có kế hoạch ăn cướp khá tinh vi từ ba năm trước, thưa ông, chuyện ấy là thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta khó quên là trong mấy ngàn năm lịch sử, ưu tiên về an ninh của Trung Quốc thường tập trung vào bên trong là nơi xuất phát nội loạn và ngoại xâm. Sau khi cải cách kinh tế từ 36 năm trước, họ quan tâm hơn đến thế giới bên ngoài vì cần nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và tìm thị trường bán hàng hóa ra ngoài. Với tiến trình kỹ nghệ hóa và nhu cầu rất cao về nhiều mặt cho một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước, Trung Quốc phải nhập rất nhiều và việc bảo vệ nguồn cung cấp trở thành một ưu tiên sinh tử.

- Khi thấy vùng biển cận duyên lại có tiềm năng về dầu khí và thủy sản, lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ đến việc chiếm đoạt và củng cố thành vùng trái độn quân sự tương tự ba khu vực biên trấn mà họ đã kiểm soát được như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Việc bành trướng ấy tất nhiên gây mâu thuẫn với các nước lân bang, như Nhật Bản hay các quốc gia Đông Nam Á và có thể dẫn tới xung đột ngoài biển. Đấy là bối cảnh giải thích nhiều chuyện hôm nay.

- Lãnh thổ Trung Quốc có bờ biển dài nhất thế giới, từ cửa sông Áp Lục bên bán đảo Triều Tiên đến Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam là hơn 22 ngàn cây số. Nhưng vì là cường quốc lục địa mới vươn ra ngoài nên họ không có hệ thống duyên phòng hay hải cảnh thống nhất. Chi tiết ấy đáng chú ý vì Bắc Kinh có năm bộ phận với cấp số khoảng bốn vạn người cùng chia sẻ trách nhiệm về hải dương mà lại không phối hợp nên từ Tháng Ba năm 2013, họ cho tổ chức lại.

 

Trung Quốc tái tổ chức

 

Nguyên Lam: Thưa ông, năm cơ quan ấy là gì và Bắc Kinh đã tổ chức lại như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa năm cơ quan ấy là Hải Sự, Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám. Trong năm cơ chế, lớn nhất là Cục Hải Sự (Maritime Safety Administration) có hai vạn nhân viên phụ trách việc thi hành luật lệ liên quan đến hải dương, như an ninh hay an toàn hàng hải, cứu hộ, kiểm tra tầu bè, quản lý hải cảng. Cơ quan có vẻ hành chính này mới thành lập từ năm 1998 sau khi sát nhập hai bộ phận thanh tra tầu bè và kiểm tra hải cảng nằm trong Bộ Giao Thông. Cơ quan thứ hai là lực lượng cảnh sát ngoài biển, gọi là Hải Cảnh (Coast Guard), nằm trong bộ Công An tức là bộ Nội Vụ. Về hình thức, Hải Cảnh là cơ quan duy nhất được võ trang và chứ thực tế thì đấy là cánh tay bạo lực hay cưỡng hành cho các cơ quan kia.

- Cơ quan thứ ba là Hải Quan Tổng Thự (General Administration of Customs), phụ trách về quan thuế, bài trừ buôn lậu và quản lý các thương cảng. Thứ tư là Ngư Chính (Fisheries Law Enforcement Command) thuộc Bộ Nông Nghiệp, với nhiệm vụ bành trướng và bảo vệ quyền lợi đánh bắt thủy sản cho một quốc gia tiêu thụ nhiều cá nhất thế giới. Thứ năm, nổi tiếng vì thẩm quyền và sức bành trướng rất mạnh từ nhiều năm qua là Hải Giám (Marine Surveillance), nằm trong Cục Hải Dương Quốc Gia của Bộ Tài Nguyên Quốc Thổ (quản lý đất đai và tài nguyên quốc gia). Với cấp số khoảng tám ngàn người, cơ quan Hải Giám này có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trên một diện tích ngoài biển khoảng ba triệu cây số vuông, kể cả Đặc Khu Kinh Tế EEZ và là mũi nhọn trong những xung đột với lân bang như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines nhờ phi cơ, trực thăng và cả tầu tuần duyên.

Tôi cho rằng đã đến lúc các nước Đông Nam Á nên cùng nhìn về một hướng và có cùng một tiếng nói về mối nguy cướp nước và cướp cá đến từ phương Bắc. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Có lẽ vì vậy mà từ mấy năm qua, người ta cứ thấy tầu Ngư Chính đi cắt cáp quang hoặc tầu Hải Giám uy hiếp ngư phủ của xứ khác. Thưa ông , Bắc Kinh đã tổ chức lại năm cơ quan này như thế nào kể từ năm 2013?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng các cơ quan ấy được thành lập trước sau và riêng lẻ, dưới quyền giám hộ hay chỉ huy của nhiều cục hay bộ với ngân sách riêng, chẳng hạn của bộ Công An, Giao Thông, Nông Nghiệp, Tài Chính và Tài Nguyên. Họ gặp vấn đề thiếu thông tin và phối hợp hành động, lại cạnh tranh với nhau về phương tiện và ngân sách, khi hữu sự thì nhiều bộ phận chẳng có khả năng cưỡng hành, như võ khí, trực thăng hay chiến hạm. Một lý do kinh tế rất Tầu của tình trạng phòng thủ rời rạc ấy là nhu cầu tạo ra việc làm! Qua một giai đoạn khá lâu, mỗi bộ phận lại phát triển và củng cố thói riêng về nghiệp vụ nên không muốn chia sẻ hay sát nhập. Tình trạng ấy bắt đầu thay đổi sau quyết định ngày 10 Tháng Ba Năm 2013.

- Quyết định này vẫn duy trì trách nhiệm riêng của từng cơ quan nhưng đưa bốn bộ phận là Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám vào quyền chỉ đạo của Quốc Gia Hải Dương Cục thuộc bộ Tài Nguyên. Hải Dương Cục này là cơ quan đang chỉ huy lực lượng Hải Giám. Còn lực lượng Hải Sự vẫn được duy trì dưới quyền giám hộ của Bộ Giao Thông.

Nguyên Lam: Thưa ông, mục tiêu của việc tái tổ chức ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là một cơ quan vừa được nâng thẩm quyền chỉ huy bốn bộ phận có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và thi hành luật lệ ngoài biển của Trung Quốc, đó là Hải Dương Cục, thuộc Bộ Tài Nguyên và Quốc Thổ. Trên nguyên tắc, cục Hải Dương này cũng chỉ huy lực lượng cảnh sát ngoài biển là Hải Cảnh, thuộc bộ Công An. Đó là nguyên tắc. Trong thực tế, cục hải dương có thẩm quyền chỉ đạo về hành chính chứ về hoạt động của các bộ phận dù sao vẫn còn được duy trì thì đấy là trách nhiệm của bộ Công An.

- Tôi xin giải thích cái chuyện lắt léo này một chút. Bắc Kinh tăng cường khả năng can thiệp võ trang ở vùng biển cận duyên nên tái phối trí trách nhiệm của bốn bộ phận riêng lẻ, nhưng lại trình bày với thế giới như một biện pháp hành chính thuộc trách nhiệm của bộ Tài Nguyên. Đấy là một quyết định có tính chất ngoại giao tinh vi là dùng phương tiện bán quân sự mà gọi là phi quân sự, có danh nghĩa là thuộc Bộ Tài Nguyên nhưng thực chất là cánh tay nối dài của Bộ Công An. Vì vậy tầu Ngư Chính mới ngang nhiên đi cắt dây cáp của thiên hạ và tầu Hải Cảnh mới đi bảo vệ ngư phủ đánh bắt cá trong vùng biển của xứ khác.

Nguyên Lam: Thưa ông, Nguyên Lam vẫn chưa hiểu vì sao Bắc Kinh lại phải lập mưu như vậy? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hải quân Trung Quốc đã được cải tiến và tăng cường rất mạnh, với quân số là 25 vạn lính, mà chưa thể là đối thủ của các cường quốc như Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Vì vậy, trong đà bành trướng thì họ dùng vỏ bọc dân sự để tránh đụng độ với hải quân của xứ khác. Cái vỏ bọc ấy là Quốc Gia Hải Dương Cục hiền khô trong Bộ Tài Nguyên và Quốc Thổ, nhưng mũi nhọn giấu sau vỏ bọc chính là của bộ Công An. Thành thử, cùng với việc xây dựng các đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với trang bị võ khí ngày càng cao cấp thì ngư thuyền của họ có thể xâm phạm vùng độc quyền kinh tế của xứ khác, dưới sự hộ tống của Hải Giám, Hải Cảnh thuộc bộ Tài Nguyên. Có lẽ Indonesia hiểu ra chuyện ấy nên khác với lần trước vào năm 2012, họ đưa Hải quân bắt tầu cướp cá của họ và từ chối lời yêu cầu của bộ Ngoại giao Bắc Kinh mà làm lớn chuyện cho công luận cùng biết. Chuyện này có thể ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về hồ sơ khiếu tố của Philippines. Tôi cho rằng đã đến lúc các nước Đông Nam Á nên cùng nhìn về một hướng và có cùng một tiếng nói về mối nguy cướp nước và cướp cá đến từ phương Bắc.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.

Lãi Suất Âm

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 160329
Tạp Chí Kinh Tế RFI 

Lãi suất ngân hàng số âm, con dao hai lưỡi  


Lãi suất ngân hàng số âm, con dao hai lưỡi
* Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. Ảnh 12/03/ 2016.REUTERS/Kai Pfaffenbach *



Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bất lực trước mục tiêu vực dậy kinh tế. Dù đã hạ lãi suất xuống «số âm», tiêu thụ và đầu tư tại Châu Âu, Nhật Bản vẫn không khởi sắc trở lại. Lãi suất «số âm» là gì? Kéo dài biện pháp bất thường này mở ra viễn cảnh chiến tranh tiền tệ, đảo lộn cả thị trường tài chính và thương mại của thế giới. Phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ.


Trong bối cảnh khu vực đồng Euro bị đe dọa giảm phát, từ năm 2014 Ngân hàng Trung ương Châu Âu BCE giảm lãi suất xuống số âm, tăng mức lưu hoạt có định lượng «quantitative easing» để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Trên thực tế, từ hơn hai năm nay, các ngân hàng thương mại eurozone khi gửi tiền vào BCE chẳng những không được tiền lời mà còn phải «nộp phạt» cho định chế ngân hàng này 0,20 %. Nhiều thành viên trong khối euro, như Pháp, Đức, được giới đầu tư tín nhiệm thì đã dễ dàng phát hành công trái phiếu với lãi suất âm.

Không chỉ eurozone mà cả các ngân hàng trung ương của Thụy Sĩ, nhiều nước bắc Âu và gần đây nhất là Nhật Bản cùng áp dụng chính sách «tiền rẻ», mà tăng trưởng vẫn chưa hồi sức. Hiện tượng bất thường này đang làm đảo lộn trật tự và thể thức vận hành trên các thị trường tài chính, làm nản lòng những người có khả năng tiết kiệm và nhất là đang tạo nên một quả bóng tài chính mới.

Phải chăng đã đến lúc thế giới cần tìm ra một chính sách tiền tệ mới để tạo đà cho tăng trưởng? Trả lời ban Việt ngữ đài RFI chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trước hết giải thích cặn kẽ thế nào là lãi suất ở số âm, vì sao các ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau lao vào một cuộc chiến tiền rẻ mà vẫn không đạt được mục tiêu chính là tiếp sức cho tăng trưởng?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãi suất âm là biện pháp tiền tệ cực bất thường, lần đầu tiên được Ngân hàng Trung ương Đan Mạch áp dụng vào tháng 7/2012, sau đó được các Ngân hàng Trung ương Âu Châu, rồi Thụy Điển, Thụy Sĩ áp dụng từ năm 2014 và mới đây nhất, từ tháng 1/2016, là Nhật Bản cũng áp dụng. Cụ thể thì thông thường khi các ngân hàng thương mại được hưởng tiền lời khi ký thác dự trữ vào trương mục của Ngân hàng Trung ương. Với biện pháp lãi suất âm, Ngân hàng Trung ương chẳng những không trả tiền lời mà còn đòi các ngân hàng thương mại nộp tiền như nộp phạt trên khoản ký thác cao hơn mức dự trữ pháp định.

- Mỗi Ngân hàng Trung ương lại có một lý do áp dụng biện pháp này, nhưng chủ yếu vẫn là nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại không lưu giữ ký thác mà cho vay ra để kích thích sinh hoạt kinh tế, như tiêu thụ hay đầu tư. Hậu quả là khoản lời của các ngân hàng thương mại bị thu hẹp nên họ dùng thanh khoản ấy vào mục tiêu khác để khỏi lỗ. Những mục tiêu ấy là gì ? Có thể là chuyển tiền mua trái phiếu là giấy nợ, có phân lời cố định dù rất bèo thì cũng còn hơn không, hay đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Kết quả là phân lời trái phiếu giảm và đã có nơi giảm tới số không, thậm chí số âm như đã thấy tại Nhật Bản trong tháng qua khi phát hành trái phiếu có kỳ hạn 10 năm với phân lời dưới số không, còn thị trường cổ phiếu thì lên giá làm giới đầu tư cổ phiếu giàu to. Nhưng quan trọng nhất là biện pháp lãi suất âm gây nhiều biến động rất khó đoán trên các thị trường tài chính.


Mối nguy hiểm khi biện pháp này kéo dài?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên nguyên tắc, người ta chỉ áp dụng biện pháp bất thường ấy trong ngắn hạn để kích thích tiền tệ nhưng vì không thấy công hiệu, biện pháp ngắn hạn lại kéo dài qua nhiều năm. Mối nguy hiểm là thị trường bị xáo trộn, những tính toán lời lãi bị đảo lộn, tiết kiệm bị trừng phạt và các quỹ đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm hay qũy tín thác cho hưu bổng bị lỗ. Những người sống nhờ tiền lời hưu bổng khi về già bị thiệt nặng mà có khi chưa biết! Trong trước mắt thì ai cũng muốn lưu giữ tiết kiệm bằng tiền mặt hay hiện kim chứ chẳng muốn ký thác vào trương mục tiết kiệm hay thị trường trái phiếu.

- Mối nguy trường kỳ là khi hạ lãi suất thì người ta cũng làm giảm hối suất hay trị giá đồng bạc so với các ngoại tệ khác. Việc giảm hối suất có thể kích thích xuất cảng nhờ hàng hóa của mình bán rẻ hơn, nhưng vì các nước đều bị suy trầm và chẳng thể xuất cảng lên cung trăng mà xuất cảng cho nhau, biện pháp hạ lãi suất như vậy lại dẫn tới trận chiến ngoại tệ, là xứ nào cũng tìm cách hạ tỷ giá đồng bạc của mình để tìm lợi thế xuất cảng và càng làm ngoại thương suy sụp.

Tại sao các hạ lãi suất thấp đến hết cỡ mà vẫn không đạt hiệu quả tiếp sức cho tăng trưởng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thông thường, khi kinh tế suy trầm, các nước có thể áp dụng biện pháp ngân sách là tăng chi hoặc giảm thuế để kích thích sản xuất. Nhưng tại nhiều quốc gia, trước hết là Nhật Bản rồi khối Euro, và sau cùng là Hoa Kỳ, nạn ách tắc chính trị giữa nhiều khuynh hướng và trường phái kinh tế, dẫn tới sự tê liệt của biện pháp ngân sách – nhà nước không thể tăng chi và đi vay mãi - nên sau cùng, chỉ còn một định chế là các ngân hàng trung ương phải giải quyết. Họ áp dụng biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất tới sàn, mấp mé số không, rồi bơm thêm tiền vào kinh tế, thí dụ như những đợt “quantitative easing” gọi là tăng mức lưu hoạt có định lượng, mà cũng chẳng công hiệu. Vì vậy mới có biện pháp hạ lại suất dưới số không.

- Về lý do tại sao thì người ta có thể kể ra rất nhiều. Thứ nhất, các nền kinh tế hậu công nghiệp đang bước qua một hình thái khác, với dân số bị lão hóa, nên đã và sẽ có đà tăng trưởng thấp hơn trước trong nhiều năm liền. Thứ hai, sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, người ta thấy tình trạng tập trung tư bản vào các doanh nghiệp lớn, với lợi nhuận rất cao mà xí nghiệp loại nhỏ và vừa lại khó thành hình để gia tăng sản xuất. Thứ ba, người ta quá chú ý đến phần kích thích số cầu mà quên phần cung là giải tỏa luật lệ và kiểm soát cho việc đầu tư được thông thoáng để loại doanh nghiệp trẻ và mới có thể ra đời thì họ sẽ nâng sản lượng và tuyển dụng thêm nhân công.

- Sau cùng, trường phái trọng cầu theo kiểu John Maynard Keynes đang phá sản vì chẳng kích thích được tăng trưởng và sự phá sản ấy thể hiện ở biện pháp hạ lãi suất xuống cõi âm. Kinh tế toàn cầu không bị đe dọa bởi nguy cơ lạm phát như trước đây mà gặp rủi ro giảm phát tương tự như sau vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933. Ở cuối đường là những bất trắc lớn.


Thứ Ba, tháng 3 29, 2016

Bản Sắc Hoa Kỳ

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt ngày 160328
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Giữa tranh cử và khủng bố, nước Mỹ là gì?

* Hý họa tuyệt vời của Michael Ramirez trên tờ IBD. Thằng Hề ham vui tại Buenos Aires *  
 

Trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ, dân Mỹ ngỡ ngàng về bùn nhơ được các ứng cử viên ném cho nhau. Chung quanh, quần chúng của họ thì coi đối thủ là bọn phản quốc, tội nhẹ nhất là làm suy yếu nền cộng hòa.

Thật ra những chuyện ấy không có gì là mới, hay lạ!

Nhìn từ bên ngoài, nhiều người Mỹ và cả chúng ta lẫn thế giới đã quên là từ thời lập quốc, quan hệ giữa John Adams với Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ nhì và thứ ba của Hoa Kỳ, đã có nhiều năm gay gắt đến độ không thèm nhin mặt sau những thậm từ được đôi bên gán cho nhau.

Một thí dụ là ban tranh cử của Jefferson gọi Adams là “có căn tính lại cái xấu xí” (hideous hermaphroditical character), thiếu nét trượng phu quả cảm mà cũng chẳng được dịu dàng yêu kiều như một nữ lưu! Nói kiểu hiện đại thì đấy là là tay anh chị xí giai - vì vừa là anh vừa là chị, mà chẳng giống ai. Các cảm tình viên của Adams bèn đáp lễ: Thomas Jefferson có tâm địa hẹp hòi bần tiện, là đứa con của một mụ lai da đỏ tằng tựu với một gã lai đen của đất Virginia!
Trời đất ơi! Cả hai từng là bạn thân và là lãnh tụ đáng kính về tài năng lẫn đức độ, chứ không xuất thân từ đám cùng đinh vô giáo dục!

Các vị tổng thống đời sau cũng chẳng khá hơn trong nhiệt tình tranh cử. Phu nhân của Andrew Jackson bị gọi là con điếm; Grover Cleveland bị tố là có con ngoại hôn, Abraham Lincon thì bị gán tội lù đù ngơ ngác, lâu lâu cũng biết kiếm chác nhặt nhạnh. Franklin Roosevelt? Một tên trọc phú có học và theo xã hội chủ nghĩa – xin hiểu là thân cộng! Còn Tướng Dwight Eisenhower, tư lệnh của lực lượng Đồng minh và anh hùng thời Đệ nhị Thế chiến, thì được đối thủ đánh giá là cù lần và lười biếng, nhược điểm nặng nhất là chẳng biết gì về sự phức tạp của thế giới!

Khác với ngày xưa, ngày nay có thêm phương tiện truyền thông tức thời để mọi người nức lời ca tụng con gà của mình và gọi đối thủ là con qué. Rồi báo chí ào ạt loan tin nên tạo ra ấn tượng kỳ cục là Hoa Kỳ chỉ chọn rặt phường lộn giống lên làm Tổng thống. Các ứng cử viên ngày nay chẳng phát minh cái gì mới và, nhờ trời, nước Mỹ vẫn bình an sau khi bầu lên những người bị gần phân nửa quần chúng cho là bất xứng!

Chỉ vì khi tranh cử thì người ta có quyền tranh luận gay gắt, còn dàn vỗ ở dưới thì hăng say náo nhiệt hơn nên cho đối thủ ăn đủ thứ. Xong rồi, kẻ thua vẫn mừng người thắng và chẳng sợ là đêm hôm đó sẽ được Tổng thống tân cử ra lệnh thủ tiêu hay cho nằm ấp. Thời lập quốc, như Miến Điện ngày, người được ít phiếu hơn lại làm Phó Tổng thống để hai vị chánh phó kèm nhau rất mực cho dân chúng ở dưới được tự do và chuẩn bị cho kỳ bầu cử sau. Đấy là bản sắc rất lạ của nền dân chủ Hoa Kỳ, với thói chửi bậy khi tranh cử và nét mã thượng sau bầu cử.

Chỉ những người chưa thấm nhuần tinh thần dân chủ mới ưa cay cú và coi đối phương là kẻ phải diệt trừ để cứu nguy tổ quốc!

Cho nên, tranh cử Tổng thống tại Mỹ là màn trình diễn tài năng kiếm phiếu hơn là khả năng lãnh đạo. Khi đắc cử rồi, vị Tổng thống tân nhậm mới tổ chức ra nội các và học bài lãnh đạo.
Chỉ vì với phương tiện thông tin hiện đại, và qua một hai tiếng của mươi lần tranh luận trước màn ảnh, các ứng cử viên không thể diễn giải chương trình hành động giả định, trong đó giả nhiều hơn thật, vì quần chúng không thể nghe hết. Jeb Bush là nạn nhân của sự hiểu lầm ấy. Quần chúng chỉ cần tài hùng biện đốp chát. Người tỉnh táo thì cân nhắc về cá tính của ứng cử viên hơn là những chi tiết của kế hoạch kinh bang tế thế bề nào cũng thành lạc hậu hoặc bị đẩy vào ưu tiên thấp hơn.

Khi tranh cử năm 2008, Nghị sĩ Barack Obama hùng hồn nói về chuyện đối ngoại và triệt thoái khỏi Iraq. Ông đắc cử nhờ vụ khủng hoảng tài chánh năm đó và dù có đi vái tứ phương Hồi giáo thì nay vẫn phải đưa quân vào Iraq và giữ quân tại Afghanistan mà cũng chẳng đóng nổi trại tù Guantanamo. Ngược lại, ông tiến hành cải tạo xã hội theo quan điểm cực tả và để lại vài ba kế hoạch đang bị các ứng cử viên Cộng Hòa đòi vứt sọt rác. Dàn ứng cử viên này cũng ồn ào hứa hẹn nhiều chuyện đầy mâu thuẫn nhưng bắt mắt và hợp nhĩ cử tri, cho tới khi đắc cử thì mới thấy sự tình lại khác hẳn, với những thách đố bất ngờ.

Tuần qua chẳng hạn, tỷ phú Donald Trump trả lời phỏng vấn rất dài và quanh co nhiều điều mâu thuẫn để nói ra sự thật môt cách rất hùng biện, tức là rất gian: “Tôi dại gì nói trước là chiến hay hòa mà phải giữ thế bất ngờ, unpredictabily, cho thiên hạ khó đoán”.

Rất chính xác! Chứ dại gì mà như Tổng thống Obama đòi chế độ hiếu sát Basher al Assad tại Syria phải ra đi và nay lại thỏa hiệp với Liên bang Nga để hòa giải với al Assad hậu tập trung giải quyết nạn khủng bố của lực lượng ISIL?

Nhưng cũng chính là lối nói thế này mà làm thế nọ mới là bản sắc thật của lãnh đạo Hoa Kỳ. Lúc nào Chính quyền Hoa Kỳ cũng nói thật, được chừng vài tiếng hay khá hơn thì vài năm, rồi sau đó, khi tình hình thay đổi, lập trường cũng phải đổi thay. Tổng thống có khả năng là người làm cho dân đồng ý với chuyện đổi thay ấy vì đấy mới là quyền lợi đích thức của đất nước.

Nếu so sánh với lãnh đạo một xứ độc tài, như Nga Tầu hay Bắc Hàn, Iran, lãnh đạo Hoa Kỳ đáng sợ hơn nhiều. Các chế độ hung đồ kia và dàn thông tin tuyên truyền của họ đều luôn luôn nói thật, như xây dựng xã hội chủ nghĩa hoặc đánh thắng Đế quốc Mỹ. Họ ra sức làm như vậy mà thiên hạ cứ tưởng là khẩu hiệu cho vui. Ngược lại, lãnh đạo Mỹ thì nhanh tay mau miệng như kẻ tráo bài ba lá ngoài chợ mà làm thiên hạ hoa mắt, đôi khi coi thường và bị ngạc nhiên. Giữa nét thật của bọn hung đồ, rất nghiêm và buồn, với màn kịch giả của những người đang đòi làm Tổng thống Hoa Kỳ, cái nào mới đáng ngại?

Nhìn từ bên ngoài người ta mới thấy nét phong phú của xã hội Hoa Kỳ, dân chủ đến mức dại dột khùng điên, nhưng biết lạnh lùng đổi trắng thay đen mỗi khi cần thiết!

Thứ Năm, tháng 3 24, 2016

Khủng Bố Đa Diện



Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160323
"Hồ Sơ Người-Việt"



Những điểm chung và riêng của khủng bố


 * Ba hung thủ của vụ khủng bố tại Bruxelles *



Như thường lệ, vụ khủng bố sáng 22 tại thủ đô Bruxelles của Vương quốc Bỉ - và là trụ sở hành chánh của Liên hiệp Âu châu – khiến mọi người bị chấn động. Trong con chấn động, người ta liền nhớ tới vụ khủng bố ngày 13 Tháng 11 tại Paris và thị xã Saint Denis, với kết luận về mối liên hệ giữa hai vụ, hình như là có cùng một gốc là tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIL.

Người ta có thể quên một số chi tiết.

Ngày 18, nghi can Salah Abdeslam, kẻ chủ mưu của vụ khủng bố Tháng 11 tại Paris, bị bắt tại Bruxelles sau 127 ngày lẩn trốn trong khu Molenbeek ai cũng biết là có nhiều người theo Hồi giáo. Hôm sau, ngày 19, thành phố Istanbul của xứ Turkey bị khủng bố tấn công và hung thủ là một thành viên người Thổ của tổ chức ISIL. Trước đấy, ngày 13, xứ Turkey còn bị quân khủng bố tấn công tại thủ đô Ankara khiến 37 người thiệt mạng. Lần này, nghi can là thành viên người Kurd của tổ chức Kurdistan Freedom Falcons (viết tắt theo tiếng Thổ là TAK). Và ngày ba Tháng Ba, hai phụ nữ đã đột kích một xe buýt của cảnh sát Thổ, gần trụ sở cảnh sát tại quận Bayrampasa của Istanbul và bị hạ sát. Họ là đặc công của một tổ chức khủng bố… cộng sản, có tên là Marxist Revolutionary People’s Liberation Party-Front (DHKP-C). Như nhiều thứ cộng sản khác, tên gọi rất dài bao gồm đủ chuyện từ Mặt trận Giải phóng đến Đảng Mác-xít, cho thấy tổ chức này đang tự lỗi thời hóa. Nhưng võ khí của họ thì không. Vẫn là chất nổ.

Chúng ta nghĩ sao về ngần ấy chuyện quá khác biệt mà vẫn có chung một nét, là khủng bố? Hồ Sơ Người-Việt xin gỡ mối tơ vò của hiện tượng này…


Khủng bố vào Trái tim Âu châu?


Khi thủ đô Bruxelles bị khủng bố tấn công hôm 22, ai ai cũng có thể kết luận rằng Âu Châu bị đánh trúng tim vì Bruxelles là trụ sở hành chánh của Liên hiệp Âu châu. Đấy là kết luận sai. Liên Âu là một tổ chức có trung tâm mà chẳng có tâm hay có tầm!

Với nhiều người, Paris mới là trái tim của một quốc gia và một nền văn hóa.

Vụ khủng bố Tháng 11 tại Paris mới thật sự gây xúc động khi 130 người bị thiệt mạng. Ngay sau đó, Paris như trung tâm của một quốc gia đã lập tức phản ứng. Từ Tổng thống François Hollande đến Nội các và mọi cơ quan hữu trách đều nhập cuộc, rồi nước Pháp lập tức trả đòn bằng quyết định tham gia mạnh mẽ hơn vào chiến dịch diệt trừ khủng bố tại Trung Đông. Luật lệ của Pháp cũng được tu chỉnh với những quy định kiểm soát khắt khe hơn và ngân sách an ninh được tăng chi cho nhu cầu bảo vệ. Nước Pháp có thay đổi sau vụ khủng bố.

Liên Âu không được như vậy.

Bruxelles chỉ là biểu tượng của xứ Bỉ ngơ ngác bại xuội trước sự kiện là quân khủng bố có thể từ thủ đô của mình ra tay sau khi đã đạt thành tích đánh vào bộ não của nước Pháp. Liên Âu cũng không thể yêu cầu Bruxelles tu chỉnh luật lệ của Vương quốc Bỉ để tảo thanh và làm sạch khu Molenbeek, một hang ổ của khủng bố. Liên Âu chẳng có bộ máy an ninh, tình báo hay quân sự thống nhất để thực hiện một kế hoạch chung của cả tập thể nhằm gỉai trừ mối nguy khủng bố. Liên Âu chỉ là một câu lạc bộ kinh tế không có thẩm quyền chính trị để giải quyết khủng hoảng kinh tế trong thời bình, huống hồ đối phó với nạn khủng bố.

Do đó, từng nước Âu Châu tiếp tục đối phó với nạn khủng bố một cách riêng lẻ, với những dị biệt càng làm Liên Âu thêm rạn nứt về quy chế tự do di trú, về thể thức thanh lọc di dân hay nạn dân…. Chẳng lẽ lực lượng ISIL lại nhìn thấu tới đó khi tấn công Bruxelles? Dù không thể có câu trả lời cho câu hỏi này, Liên Âu vẫn phải nghĩ lại về lẽ tồn vong của mình. Nhiều phần thì chỉ nghĩ thôi chứ không thể làm gì! Khủng bố sẽ tiếp tục cho tới ngày Liên Âu gục ngã.


Chiến Tuyến Âu-Thổ


Sau khi nhìn vào cái chung và riêng của hai vụ khủng bố tại Pháp và Bỉ, với kết luận không lạc quan, hãy bước qua lằn ranh chia cắt xứ Turkey của dân Thổ với Âu Châu.

Quốc gia Hồi giáo này từng xin gia nhập Liên Âu mà bị nhiều nước Âu châu từ chối. Bây giờ, Turkey có chung số phận với Âu Châu khi bị ISIL tấn công, cách nhau có ba ngày.

Chúng ta có thể suy đoán rằng ISIL nhắm vào hai đối tượng Âu-Thổ như những kẻ thù phải tiêu diệt. Lý do thật ra cũng dễ hiểu. Turkey có cộng đồng Hồi giáo bên trong có nhiều phần tử mà ISIL kết nạp được. Âu Châu cũng vậy, nhưng dễ kết nạp nhất là thành phần Hồi giáo tại Bỉ, mắt xích yếu nhất mà cũng là cái cửa dễ gõ nhất để gây chấn động cho cả tập thể Liên Âu.

Khi đánh vào Turkey, ISIL muốn chứng tỏ cho thế giới Hồi giáo biết khả năng của mình vì Turkey là một cường quốc Hồi giáo vừa quyết định nhập trận tại Syria. Đòn tấn công này sẽ khích động nhiều nhóm khủng bố khác, từ Hồi giáo đến dân Kurd đòi tự trị và thậm chí cộng sản, để làm suy yếu khả năng của chính quyền Ankara trên chiến trường Syria. Khi đánh vào nước Bỉ, tại thủ đô hành chánh mà bất lực của Liên Âu, ISIL cũng muốn khích động tập thể Hồi giáo của Âu Châu. Bốn tháng sau khi phô diễn thành tích tại Pháp, ISIL vừa biểu dương khí thế một cách tương đối dễ dàng vì đánh vào những mục tiêu mềm rất khó bảo vệ.

Trong vụ Bruxelles, ISIL còn chứng tỏ được việc khác nữa. Đấy là vị trí gần bộ chỉ huy của Minh ước NATO, tấm khiên bảo vệ Âu Châu và cánh tay nối dài của Hoa Kỳ. Tại phi trường quốc tế Zaventem của Bruxelles, quân khủng bố đặt bom trước quầy vé của hãng American Airlines và quán cà phê Starbucks, hai biểu tượng dân sự - rất “mềm” - của nước Mỹ.

Nghĩa là dù đang bị liên quân quốc tế tấn công bằng hình thái chiến tranh quy ước tại Syria và Iraq, ISIL vẫn phản đòn và vừa tuyên chiến với liên minh Âu-Thổ lại còn gửi tín hiệu cho dân Mỹ. Hậu quả sẽ là gì?

Turkey đang giữ vai trò thanh lọc di dân Hồi giáo cho Âu Châu. Vụ khủng bố khiến quan hệ Âu-Thổ sẽ khắng khít hơn và chương trình thanh lọc sẽ tốn kém hơn cho Âu Châu và tạo thế mạnh cho Ankara khi thương thảo về cái giá của việc canh cửa. Mà Liên Âu càng suy yếu thì Turkey lại càng quyết liệt hơn trên chiến tuyến chống khủng bố ISIL. Trước sự bàng hoàng rời rạc của Liên Âu thì phản ứng của Turkey cũng dứt khoát như phản ứng của Pháp. Đằng sau là hai nước có tinh thần “quốc gia” cũng triệt để không kém là Ba Lan và Hungary.

Còn Hoa Kỳ? Tổng thống Barack Obama đang bận khoác vai Raul Castro và thưởng lãm trận banh hữu nghị baseball giữa hai đội Cuba và Hoa Kỳ. Trong khi ấy, dân Mỹ bày tỏ tình liên đới với dân Bỉ, còn các ứng viên của cuộc tranh cử tổng thống thì tiếp tục phát biểu lung tung và các cơ quan an ninh thì tăng cường phòng thủ mà chẳng dám nói ra phương pháp để khỏi vẽ đường cho hươu chạy. 

---

Kết luận ở đây là gì?

Sau vụ khủng bố 9-11 năm 2001, dân Mỹ đã chán ngán chiến tranh và quên dần mối nguy khủng bố. Hoàng loạt những vụ bạo động ở rất xa, bên Pháp, bên Bỉ và trong xứ Thổ, là hồi chuông cảnh báo.

Phản ứng rời rạc và mâu thuẫn của Âu Châu khiến người ta có thể thông cảm với những lập trường đôi khi quái đản của các ứng cử viên đang ra tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ.

Còn lại, thế giới sẽ chưa yên bình vì khủng bố là điều dễ làm khi người ta không khó tìm võ khí, lại sẵn sàng tự sát vì những tư tưởng sát nhân.


____

Chúng ta vừa mất sử gia Tạ Chí Đại Trường. Ông từ trần tại Việt Nam sáng ngày 24 Tháng Ba, 2016, hưởng thọ 81 tuồi. Đây là một tin buồn chung cho những người quan tâm đển văn hóa và lịch sử Việt Nam.