Chủ Nhật, tháng 2 10, 2013

Mạt Chược, Xoa Chim và Ma Dược


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Báo Xuân Quý Tỵ Việt Tribune

Người Tầu phát minh môn mạt chược để tiêu khiển, dân ta cải tiến thành trò ma dược ác liệt

* Bốn kiều nữ Đông Á, là Tầu Nhật Mỹ Nga, trong canh mạt chược, đứng chầu rìa là em nhỏ Đài Loan với con dao trong tay. Bức tranh xưa cho thấy em gái Nga đang ăn gian giúi bài cho em Tầu! * 



Ngày xưa, kẻ viết này học mạt chược từ thân phụ. Ông cụ lại thụ giáo cái thú tao nhã ấy từ một ông thầy... Tây.

Đấy là một viên kỹ sư trường Bách Khoa Polytechnique và trường Kiều Lộ nổi tiếng của Pháp, từng tham gia kháng chiến trong lực lượng ủng hộ Tướng de Gaulle tại Đông Dương, đến nỗi lội bộ từ Hà Nội qua Vân Nam móc nối với các lực lượng chống Nhật! Phải chăng ông Tây đó học mạt chược từ bên Tầu, giữa những tai biến của thời sự sáu bảy chục năm về trước?

Ngày nay, vào một ngày xuân, xin miễn bình về thời sự mà luận về một lạc thú trong đời, là chơi mạt chược. Chúng ta đều biết rằng đó là thú chơi cờ - trước khi thành cờ bạc – do người Hoa phát minh ra. Họ gọi đó là "ma tước" – xoa chim sẻ - hay "ma tướng" nếu nói theo Quan thoại. Có chuyện xoa chim vì cây "nhất sách" vẽ hình con chim.

Nhiều người đoán rằng môn giải trí này xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, có khi từ loại bài "mã điếu" hay "diệp tử" với từng lá bài mỏng, trước khi khắc thành từng quân bài vuông bằng ngà, bằng sừng hay bằng nhựa như chúng ta biết sau này.

Chi tiết đáng nhớ là khi trò chơi xuất hiện bên Tầu thì cũng là lúc Pháp tấn công nước ta! Chi tiết ly kỳ khác là khi "mạt chược" được Hoa Kỳ nhắc đến lần đầu, vào năm 1895, thì đấy là lúc quan Đình nguyên Phan Đình Phùng phất cờ Cần Vương chống Pháp! Cuốn "Rules of Mah-Jongg" – "hồng thư" đầu tiên dạy dân Mỹ chơi bài này - là do Joseph Park Babcock xuất bản năm 1920. Hội mạt chược đầu tiên được lập ra tại Mỹ là vào năm 1937....

Nếu tìm hiểu, ta có thể biết rằng mạt chược đã qua Nhật, qua Anh qua Mỹ, đã phát triển tại Đông Nam Á. Thế giới có nhiều hiệp hội mạt chược, hàng năm tổ chức tranh giải quốc tế ở nhiều nơi. Nhưng mình không biết là dân ta bắt đầu chơi mạt chược từ lúc nào! Chỉ có thể đoán rằng đấy là thú tiêu khiển của thành phần thị dân khá giả ở thành phố, tập trung tại miền Bắc và miền Trung.

Và sau đó mạt chược Bắc kỳ đã di cư vào Nam từ Genève 1954. Rồi cùng dân chơi miền Trung phát triển cái thú tiêu khiển này trong Nam từ năm 54 đến 1975 - thì mới vượt biên.

Trong khi ấy, môn mạt chược bị cấm tại Hoa lục từ năm 1949. Đã là cờ bạc, lại có xuất xứ phong kiến, thì quả là thiếu đạo đức cách mạng. Cũng vì thế mà môn chơi này, hay cả thú hát ả đào và nhiều chuyện khác, cũng đã có thời trở thành quốc cấm ở miền Bắc nước ta!

Rồi khi cả nước được thống nhất vào một năm Thìn, 1976, mạt chược tiêu vong luôn.

Nhưng khi mạt chược tiêu vong ở trong nước thì nó lại lưu vong ra ngoài. Nó hồi sinh khá chậm nhờ đoàn người tỵ nạn đầu tiên quăng bị xuống đất làm lại cuộc đời nơi xứ lạ. Dần dà rồi thú chơi mạt chược mới tái xuất giang hồ khi thế hệ tỵ nạn đầu tiên đã tạm an cư lạc nghiệp. Một số rất nhỏ còn giữ lại được cỗ bài xưa.

Ngày xưa ở nhà, dân sành điệu chỉ chơi loại bài này, bằng nhựa đặc màu trắng, nhưng phải do thợ Tầu tại Chợ Lớn khắc khảm với nghệ thuật tinh xảo hơn hẳn các cỗ bài xanh rì như miếng bánh da lợn được chế tại Hương Cảng. Ngày nay cỗ bài quý ấy chỉ còn là kỷ niệm. Vì tại hải ngoại, dân ta đã cải tiến nghệ thuật với rất nhiều bộ khung mới....


***


Từ nguyên thủy, mạt chược là thú chơi cờ giữa bốn người, họa hoằn lắm mới là ba người, năm người hay sáu người.

Từ nguyên thủy, cả cỗ bài thường có 136 quân. Rồi người Trung Hoa nghĩ ra cách tính thêm điểm bằng hai bộ "hoa", là loại quân bài không giúp gì cho hy vọng thành bài nhưng lại cho bài ù được thêm điểm. Họ đặt tên hoa như "tứ quý" là bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông hay "tứ bình" Mai Lan Cúc Trúc, cứ theo thứ tự đó từ một đến bốn của vị trí từng người mà thêm một điểm khi ù.

Vì vậy, cỗ bài nguyên thủy - và cách chơi phổ biến nhất tại Trung Hoa, Nhật Bản, Hoa Kỳ và khá nhiều nước khác - gồm có 144 quân bài. Khi chơi thì xếp thành bốn tụ, mỗi tụ 36 cây là bốn cặp 18, như bốn khung thành trên một cái bàn vuông.... Thế rồi vào đến tay người Việt ta thì "mạt chược" mới trúng cách "biến hóa vô lường"! Lạc thú của chúng ta là sự vô lường đó!


***


Không biết là tự bao giờ, có thể từ đầu thế kỷ 20 khi mạt chược vào đến nước ta, người Việt mình đã... "vườn cũ thêm hoa". Đó là bày thêm hai bộ hoa nữa để tăng số điểm ù cho cao hơn. Thông thường là hai bộ "hoàng" hay "hậu". Nhiều cỗ tinh vi và nghệ thuật hơn thì có bộ "tứ bảo" là bốn quân có hình "cầm-kỳ-thi-hoạ", hoặc "ngư-tiều-canh-độc", được chạm trổ rất đẹp theo lối tranh cổ.

Nhưng ảo diệu hơn thế là các cây "khung", loại quân bài có đặc tính là thay cho nhiều quân bài khác để gia tăng xác suất thành bài. Trước hết là bộ khung chữ xanh, có bốn cây đọc theo thứ tự là "Tổng, Thùng, Soọc, Màn". Kế đó là bộ khung viết chữ đỏ, nên gọi là "khung đỏ" gồm có Hoa, Hỷ, Nguyên, Hợp. Nếu không giữ khung trong bài để dễ ù thì ta có thể hạ xuống, ngả ra trước mặt, thì được tính thêm điểm, nếu ù, điểm cao hay thấp là tùy chỗ ngồi và hạ trước say sau. Cân nhắc việc giữ hay không là cả một nghệ thuật!

Vì lối cải tiến đó của Việt Nam, cỗ bài nguyên thủy 144 cây thông dụng nhất lại trở thành đạo quân 160 tinh hoa thiên địa. Đó là loại bài "có một bộ khung" rất đặc biệt của Việt Nam thời xưa.

Thế rồi khi đã lưu vong, dân chơi mạt chược học được phép "yêu cuồng sống vội" của xứ lạ mà bầy thêm một bộ khung thứ hai, khác với bộ trước ở đường viền. Phép tính "combination" gia tăng gấp bội và giá trị cũng thế, nếu người ta hạ khung để tính điểm.

Và thừa thắng xông lên, dân chơi còn gia tăng độ sát phạt với ba bộ khung, thậm chí "ba bộ khung rưỡi" với cây "nhị khẩu" có thể thay cả ba cây tam nguyên lẫn bốn cây tứ hướng.... Ngày nay, không còn mấy ai đánh bài một bộ khung như Sàigon thời xưa, bài ba bộ khung mới là phổ biến, đến độ Hong Kong sản xuất riêng những cỗ bài như vậy cho người Việt.

Ngồi vào bàn mạt chược thời nay, ta thấy hoa mắt choáng đầu vì đầy khung xanh đỏ!

Chưa biết tính sao thì nhà kia đã ngả ra ù! "Mủn cun" sáu phán là dễ, chứ "đúp mủn" hay "tríp mủn", 12 hay 18 phán, mới đáng mặt anh hào..... Chuyện vừa dựng bài lên mà "thiên ù" hay "địa ù" ngày xưa thì vài năm mới được một lần, ngày nay đã là thường tình trong một "tẩy". Người ngoại quốc mà chơi mạt chược với dân ta theo kiểu hiện đại này thì họ chỉ còn biết khóc.

Vì chưa kịp hiểu gì đã rách túi, sạch mất một "ca vờ"....


***


Nhìn lại tiến trình phát triển và biến hóa của môn mạt chược, chúng ta để ý trước hết đến ngôn ngữ. Dân chơi mạt chược dùng cả tiếng Ta, tiếng Tầu và... tiếng Tây!

"Coong xường phá" là phiên âm từ "giang thượng hoa", hoa bốc trên sông, nói theo tiếng Tầu. Một "cave" hay "war chess" là vốn liếng ban đầu của mọi người, từ vài chục đến vài trăm đồng. Bị sạch vốn thì gọi là "décavé" hay "đề ca vếch", là gốc tiếng Tây! Khi mình ù mà toàn do bốc lấy chứ không ăn quân bài nào của người khác thì gọi là "bất cầu nhần" - bất cầu nhân - lại một tiếng Tầu. Bài toàn cầu nhần, vì nhờ ăn của thiên hạ từ đầu đến cuối thì gọi là "tú tu ve", "tout ouvert"! Nếu ù bằng 14 cây bài có bảy cặp thì gọi là "pe pe", từ chữ "paire" của Tây!

Nhiều lắm, những chữ nghĩa kỳ quái như vậy! Dân ta đã Việt hoá một thú tiêu khiển gốc Tầu, mà Việt hoá qua kiểu ăn nói rất Tây, và biết đâu chừng rất Mỹ sau này!

Chúng ta tiếp nhận và cải tiến tinh hoa của thiên hạ, để mà chơi, mà nói! Có lẽ quý vị sành điệu nên viết cuốn sách về ngôn ngữ hay thuật ngữ mạt chược. Nếu lại châm thêm những giai thoại hay phép chơi chữ trong mạt chược thì mình thấy ra một khía cạnh xã hội học khác.

Một thí dụ rất... dâm là cách nhiều người gọi quân bài "hỷ" - trên cười dưới cười! Từ chữ ấy mà nghĩ đến quân bài mới, được gọi là "nhị khẩu", hai miệng, có lẽ phải mời Sigmund Freud vào sòng nhờ cụ làm cho một màn tâm phân học! Bài toàn phu dọc gọi là "phình" thì dẫn tới chuyện "già rồi, làm sao mà bà đòi phình?" "Xuyên kín phình" là một cách ù gợi nhớ Hồ Xuân Hương.

Mà nào chỉ có ngôn ngữ.

Cách đánh bài với những bộ khung mới khiến khách chơi bài có sự may rủi cao hơn và phải tính toán rất nhanh, hơn hẳn các cụ còn đánh bài với một bộ khung như ở nhà. Và vượt khỏi phản ứng lờ ngờ của người Tầu người Mỹ người Nhật, những người còn đánh loại bài không khung chỉ có 144 quân vào thời nguyên thủy!

Người Tầu phát minh ra mạt chược như kẻ bày ra pháo bông cho vui ngày Tết. Dân ta cải tiến thú vui đó thành hỏa tiễn bắn lên cung quế! 

Ngày xưa, khi có dịp trả lại ơn thầy Tây cho thân phụ, người viết cất công dạy bằng hữu người Pháp môn mạt chược. Họ chạy dài và vái lại một cái: "hèn gì dân Việt Nam quá giỏi về điện toán!" Một thế hệ sau, mạt chược kiểu Việt Nam đã lên đến cõi xuất thần nhập hóa và trở thành ma dược. Nhưng điện toán Việt Nam đâu? 

__________________

Bài viết cho vui ngày Xuân, với lời chúc an lạc!


1 nhận xét:

  1. Bài viết thật tuyệt ! Kiến thức và thú chơi của tác giả( NXN ) quả thật cao sâu. Gợi nhớ một Vương Hồng Sển và những thú chơi tao nhã ở VN ngày xưa . Chúc nhà phê bình NXN vui khỏe và càng có thêm nhiều bài viết hay ! Trân trọng. THD.

    Trả lờiXóa