Thứ Bảy, tháng 4 16, 2016

Trung Quốc Kinh Tế Sử



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160416


Hổ Mọc Cánh…  Bay Vào Cõi Bốn Không


 * Chết mẹ! Coi vậy mà không phải vậy sao? *


Hôm 13 Tháng Tư vừa qua, các thị trường tài chánh từ Á sang Âu đều hồ hởi, trong hai ngày liền đã lên giá hơn 3% tại Đức và 6% tại Nhật, nhờ một con số do Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh công bố: quy ra toàn năm, xuất cảng của Trung Quốc đã tăng 11,5%. Sau chín tháng sa sút liên tục, mức gia tăng ấy được thông tấn xã Reuters đánh giá là “blistering”.

Cực kỳ ngoạn mục về tầm nhìn cụt ngủn:

Như mọi chuyện về Trung Quốc ngày xưa hay Trung Cộng ngày nay, thiên hạ cứ ngó vào một tấm hình mà tưởng là xem cuốn phim! Trước khi nói về cuốn phim (loại trường thiên, vì vậy mới có hai bài liền vào tuần trước trên cột báo này), xin coi lại tấm hình về tình hình xuất cảng trong có một tháng, nhất là một tháng sau Tết Con Khỉ, khi bá tánh được nghỉ ngơi hơi dài để san sẻ việc làm cho người khác!


Một Tấm Hình Hơn Nghìn Chữ?


Cùng kỳ này năm ngoái, ta biết số xuất cảng Tháng Ba 2015 của Trung Cộng quy ra toàn năm đã giảm 15% so với Tháng Ba  2014, vì vậy nếu Tháng Ba 2016 mà có tăng được 11,5% thì đâu đó vận hụt đầu đuôi! Cứ cho con số ấy là đúng – chuyện đáng ngờ về thống kê Bắc Kinh – ta có thể hỏi vì sao xuất cảng lại tăng? Vì hạ giá và bán rẻ? Và bán không lời mà còn lỗ?

Số liệu ấy chẳng cho biết gì về mức lời lỗ nhưng nếu nhìn sâu hơn một con số, ta nhớ là Trung Cộng đang ráo riết bán tháo thép ế, năm ngoái xuất cảng thép chỉ sau Nhật Bản, làm các nước Âu Châu kêu trời và cho là họ bán rẻ từ 20 đến 50% thực giá. Xuất cảng tăng nhờ phá giá thì càng bán càng lỗ và mức gia tăng ấy cho thấy tình hình trầm trọng hơn thiên hạ nghĩ! Mà sở dĩ ta chẳng biết gì về mức lời lỗ vì Bắc Kinh không muốn thị trường nhìn ra cái hố đen của mình.

Cũng từ thống kê của Bắc Kinh, bản tin Reuters xoáy vào một chi tiết tích cực khác – chữ tích cực này thì phải “trừ bì”, là đếm lại – rằng số nhập cảng có giảm mà chỉ giảm có 7,6% thôi so với những dự đoán trước đó. Diễn nôm là tình hình chưa đến nỗi nào. Đấy là chuyện “may quá, ly nước đã đầy được một nửa”, hoặc “may quá, ly nước mới chỉ vơi có một nửa!”

Trong cõi mờ ảo của quản lý kinh tế với màu sắc Trung Cộng, người ta biết xứ này bị nạn sản xuất thừa đến nổi phải thải người như Bắc Kinh thông báo từ cuối năm ngoái – mà thải đi đâu và làm gì để khỏi biểu tình thì chưa ai rõ.

Hiện nay, kinh tế Trung Cộng còn nhiều thương phẩm chất đống như đồng và quặng sắt, nên lẽ ra lượng nhập cảng phải giảm mạnh hơn. Nếu họ tiếp tục nhập vào những kim loại ấy thì phải chăng là để kích thích khu vực xây cất? Nghĩa là vẫn cất lên nhà ma chỉ để công nhân ngành xây dựng còn có việc làm, hầu giảm nguy cơ động loạn xã hội? Đâm ra cả thế giới đang bám víu vào hy vọng là kinh tế Trung Cộng sẽ hạ cánh nhẹ nhàng, soft landing, chứ không hạ cánh nặng nề hay hạ cánh tan tành!

Sự thật thì nền kinh tế này đang hạ cánh, và viễn ảnh “vượt mặt Hoa Kỳ” chỉ là chuyện viển vông…. Và hậu quả của chuyện hạ cánh không còn là bài toán kinh tế mà là an ninh chính trị.

Cho nên cuốn phim về kinh tế Trung Cộng không sáng lên nhờ số liệu xuất nhập cảng của một tháng từ một tấm ảnh có đặc tính mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Bây giờ, xin lại hồi thị, nhìn ngược về sau, để xem tư bản nhà nước của Bắc Kinh xoay vần với kinh tế thị trường ra sao, khi Đặng Tiểu Bình chuyển sang từ trần.



Cải Cách Doanh Nghiệp Để Củng Cố Tư Bản Nhà Nước


Sau chuyến “Nam tuần” năm 1992 của họ Đặng để huy động lãnh đạo và các tỉnh không vì vụ Thiên An Môn 1989 mà từ bỏ cải cách, quy luật thị trường đã lại quật ngược với nạn lạm phát, bội chi ngân sách và thiếu hụt chi phó, nôm na là cán cân ngoại tệ bị thiếu tư bản. Vì vậy mới có một đợt cải cách nữa vào các năm 1993-1994. Chúng ta xem tiếp cuốn phim từ đoạn này….

Chế độ tìm cách hạ nhiệt kinh tế để đẩy lui lạm phát và chấn chỉnh chi thu hầu giảm khiếm hụt ngân sách và chi phó, nói theo người Hà Nội đời nay là thiếu hụt cán cân vãng lai. Bắc Kinh bắt các ngân hàng hãm nguồn tín dụng, đòi các tỉnh nộp số thu nhập cho ngân sách trung ương và triệt để phá giá đồng Nguyên nhằm kích thích xuất cảng.

Nhưng trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng của nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn lù lù những con khủng long là các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng, bị thua lỗ và ế ẩm.

Khi ấy, tức là 20 năm về trước, giới hữu trách trong Chính quyền Giang Trạch Dân và Lý Bằng đã có cuộc tranh luận. Nhà nước có nên uống liều thuốc đắng là giải tư – ngược với đầu tư – bằng cách bán các doanh nghiệp ấy cho tư nhân hay không? Nhờ sự cố vấn kỳ lạ của Ngân hảng Thế giới - ta còn trở lại chuyện gian manh này vì đó vẫn là thời sự - Bắc Kinh không tư nhân hóa mà cổ phần hóa. Có hai họ Chu lập công trong giai đoạn này.

Chu Tiểu là Chu Tiểu Xuyên, sinh năm 1948, nay là Thống đốc Ngân hàng Trung ương có mỹ danh là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, People’s Bank of China. Chu Đại là Chu Dung Cơ, sinh năm 1928, khi ấy là Thống đốc Ngân hàng Trung ương rồi Phó Thủ tướng và lên làm Thủ tướng từ năm 1998.

Là một chuyên gia ngân hàng, năm 1993, Chu Tiểu Xuyên được Ngân hàng Thế giới và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF khuyên ngược là nên cải cách để củng cố hệ thống doanh nghiệp nhà nước làm rường cột kinh tế cho chế độ. Đấy là lời khuyên ngược – và kín – vì tôn chỉ của hai định chế quốc tế này là phát huy kinh tế thị trường và phát triển tư doanh chứ không là củng cố hệ thống quản lý của nhà nước với xí nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo.

Hai thầy trò họ Chu tiến hành khuyến cáo ấy.

Họ mạnh tay cải cách doanh nghiệp, sa thải công nhân viên dư dôi trong khu vực quốc doanh, khỏang 35 triệu người, nhưng kiện toàn tập đoàn kinh tế nhà nước thành quả đấm thép của tư bản Bắc Kinh. Khi ấy, như khi này, thế giới ngợi ca biện pháp táo bạo của Chu Dung Cơ mà không thấy hai ba chuyện ngược đời. Sau vụ Thiên an môn, Trung Cộng bị ba khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật trừng phạt kinh tế nhưng hai định chế tài chánh quốc tế vẫn kín đáo giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng quản lý của nhà nước với các tập đoàn còn lớn mạnh hơn các chaebols của tư doanh Nam Hàn.

Ngày nay, các tập đoàn ấy là mũi nhọn của Bắc Kinh và hiện diện trong danh mục Fortune Global 500 của 500 xí nghiệp lớn nhất thế giới! Nhưng dù có được ông trời cố vấn, Trung Quốc vẫn không ra khỏi sự dằn xóc của thị trường. Từ năm 1999 đến 2000, kinh tế xứ này lại nóng máy với lượng đầu tư quá lớn, nhồi theo là hiệu ứng của vụ khủng hoảng Đông Á 1997-1998 khiến các ngân hàng chất lên một núi nợ không sinh lời và sẽ mất.

Bắc Kinh bèn lập ra bốn công ty quản lý tài sản với nhiệm vụ mua lại các khoản nợ xấu của bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất (Bank of China, China Construction Bank, Industrial and Commercial Bank of China và Agricultural Bank of China). Bắc Kinh tốn 200 tỷ đô la cho việc giải phẫu  thẩm mỹ ấy và ngày nay bốn ngân hàng ấy đang là đại gia toàn cầu.

Tư bản nhà nước vẫn được củng cố và tăng cường. Nhân đó, tay chân và thân tộc của nhà nước đã thành tỷ phú. Những tiết lộ gần đây từ văn phòng luật sư Mossack-Fonseca của xứ Panama chỉ xác nhận chiều hướng ấy mà thôi. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc vẫn gặp may, cứ như Hổ Mọc Cánh.


Chắp Cánh WTO Bay Vào Cõi Bốn Không


Nhờ sự ưu ái đặc biệt của Chính quyền Bill Clinton trước khi mãn nhiệm, bước vào Thế kỷ 21, năm 2001, Trung Cộng được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO - World Trade Organization). Nhưng Quốc hội Hoa Kỳ thận trọng lập ra một Hội đồng Giám sát Quan hệ Kinh tế và Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (US-China Economic and Security Review Commission để theo dõi tình hình giữa hai nước, về cả an ninh lẫn kinh tế.

Từ đấy, xuất cảng của xứ này tăng vọt và đa số ngoại tệ thu về trong quỹ dự trữ được Bắc Kinh gửi qua Mỹ khi đầu tư vào Công khố phiếu Hoa Kỳ. Được tiếng là chủ nợ của Mỹ, làm lãi suất giảm tại Hoa Kỳ càng kích thích tiêu thụ và nhập cảng… Đấy là khi thế hệ thứ tư lên lãnh đạo sau các thế hệ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, đó là thời của Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo, kể từ năm 2002….


Mười năm sau khi hai Chu được Ngân hàng Thế giới tiếp sức, Bắc Kinh còn có sự hỗ trở của tay Kinh tế trưởng của định chế này, là Justin Lim, hay Lâm Nghị Phu.

Y như viên sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ là Edward C. Lin vừa bị điều tra vì làm gián điệp cho Bắc Kinh, Justin Lim cũng sinh tại Đài Loan (năm 1952). Nhưng sau khi tốt nghiệp trường Quốc lập Chính trị tại Đài Bắc, Đại úy Lâm Nghị Phu lại vượt biển theo phò Trung Cộng, học kinh tế tại Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh), rồi qua Mỹ lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Chicago và trở về làm tư vấn kinh tế cho Trung Cộng. Justin Lim trở thành Kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới từ năm 2008 tới 2012, để từ đấy là công trình sư của chiến lược kinh tế Bắc Kinh. Chiến lược ấy có khác với chủ trương của Ngân hàng Thế giới và nhắm vào việc gây vốn cho tư bản nhà nước Bắc Kinh có thể vượt mặt Hoa Kỳ. 

Dù gì thì tư bản chủ nghĩa cũng thắng, với màu sắc Trung Cộng.

Nhưng với ngần ấy lợi thế, như Bạch Hổ ngộ Phi Liêm, nền kinh tế phi cầm phi thú ấy vẫn lao vào bế tắc. Người nhận ra chuyện ấy chẳng là ai khác hơn Tổng lý Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo. Sau năm năm ngồi ghế Thủ tướng, ông đã phát giác cái lẽ “Tứ Bất” của kinh tế Trung Cộng: không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững.

Khi ấy, cả Hồ Cẩm Đào lẫn Ôn Gia Bảo đều nói tới nhu cầu cải cách về chính trị để giải quyết ách tắc về kinh tế. Mà không xong, vì khủng hoảng và Tổng suy trầm toàn cầu bùng nổ vào năm 2008 khiến Trung Cộng phải tiếp tục lao vào cái chốn bốn không. Cho tới ngày nay….

---

Vì số trang số chữ có hạn, lại xin hẹn kỳ tới để viết về bài toán ngày nay của Tập Cận Bình trong loạt tổng kết về kinh tế sử của Trung Cộng giữa hai ngả thị trường và tư bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét