Thứ Tư, tháng 10 26, 2011

"Chó Chết Hết Chuyện"?


Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20111024
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Thắng Rồi Đã Vậy... Hoa Kỳ Sẽ Múa Gậy Làm Sao?  





Một ngày sau khi lãnh tụ độc tài của Libya là Moammar Gaddafi bị hạ sát, Thứ Sáu 21 Tháng 10, Tổng thống Barack Obama thông báo việc Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi Iraq như ông đã hứa hẹn từ khi tranh cử. Cùng một lúc, hai hồ sơ nóng coi như đã được giải quyết....

Nhưng thực tế vốn cứng đầu hơn vậy và "hậu quả bất lường" là cái gì đó vẫn thường ám ảnh những người lãnh đạo, dù là lãnh đạo một siêu cường toàn cầu như Hoa Kỳ.


***


Ngoài câu hỏi về nhân quyền, diễn biến của việc Gaddafi bị giết không thuộc diện "chó chết hết chuyện". 

Nó tèm lem như nhiều cuộc "cách mạng".

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, vào cuối tháng này, Minh ước NATO cùng các nước chủ chốt như Mỹ, Pháp, Anh, Ý trao tương lai cho một tập thể là Hội đồng Chuyển giao Quốc gia NTC. Người ta mong rằng từ đó dân Libya sẽ có tự do và tiến dần đến dân chủ, nhưng nên chờ đợi nhiều sự biến chính trị hoặc xung đột sắc tộc tại Libya. Với hậu quả lan rộng ra ngoài: Ai sẽ thực sự lãnh đạo NTC - và Libya? Thủ đô sẽ là Tripoli hay Benghazi? Cơ chế nào quyết định về các hợp đồng dầu khí, cho những ai? Võ khí từ trong kho của Gaddafi hoặc được NATO tung vào sẽ chạy đi đâu, vào tay ai?

Liệu Libya có vần với Somalia, trở thành một trung tâm phát triển khủng bố chăng? Còn nhiều câu hỏi lắm. Đó là về Libya.

Một giờ trước khi thông báo việc kết thúc hồ sơ Iraq vào cuối năm nay, Tổng thống Obama điện đàm với Thủ tướng Iraq là Nouri al-Malaki về những điều thỏa thuận để Mỹ rút nốt 41.000 quân tại Iraq trước khi dân Mỹ nghỉ lễ cuối năm và chào mừng năm bầu cử.

Sự thật lại không gọn như vậy.

Năm 2008, Chính quyền Bush có thỏa ước gọi là "Quy chế Quân sự" Status of Forces Agreement với Iraq, trong đó có điều khoản là nếu Baghdad yêu cầu thì Mỹ vẫn "rút mà không  ra". Sẽ lưu lại một số đơn vị yểm trợ việc huấn luyện, từ 10 đến 20 ngàn quân theo đề nghị của giới quân sự Mỹ.

Cho đến vào Thu, giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ còn thương thảo với Baghdad về lời yêu cầu đó mà không đạt thỏa thuận về quy chế miễn tố cho các binh lính ở lại. Thủ tướng al-Malaki bị áp lực chống Mỹ - nhất là từ nhóm 40 dân biểu và các dân quân của giáo sĩ Muqtada al-Sar, một lãnh tụ Shiite thân Iran – nên Hoa Kỳ phải bực bội rút hết.

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ hát khúc khải hoàn, từ Trung Á, Ngoại trưởng Hillary Clinton phải vớt vát: cảnh báo Iran và hứa hẹn tiếp tục yểm trợ Iraq. Thực tế thì sứ quán Mỹ có nhân lực, cả văn lẫn võ, là 12.000 để hoàn thành lời cam kết. Chưa kể các hợp đồng tư vấn về an ninh ký kết với các công ty bảo vệ và huấn luyện. Mỹ sẽ có nhân viên quân sự và tình báo mặc áo thường dân để bảo đảm sự ổn định và quyền lợi của mình trong khu vực.

Lý do không chỉ là nhu cầu xây dựng quốc gia hay phát huy dân chủ tại Iraq. Mà do ảnh hưởng của Iran với Iraq và trên toàn cõi Trung Đông.

Ảnh hưởng ấy khiến các nước đều ngại. Đứng đầu là Saudi Arabia. Xứ này đang chuyển giao quyền lực bất ổn khi Quốc vương đã 87 và lâm trọng bệnh, Hoàng thân sẽ kế nhiệm lại vừa qua đời hôm 22, và mùa Xuân Á Rập lại phả hương nhài khét lẹt vào cộng đồng Shia. Với Iran đứng sau thổi lửa thành đám cháy. Làn gió táp đã xém tiêu rụi chế độ hoàng gia của Bahrain – nơi hải quân Mỹ có một căn cứ trọng yếu!...

Nhớ lại thì khi Tổng trưởng Tư pháp và Giám đốc FBI long trọng họp báo vào ngày 11 Tháng 10, dư luận đã thấy khét. Hoa Kỳ chính thức tố cáo đặc vụ Quds trong lực lượng ưu binh của Iran là "Vệ binh Cách mạng Hồi giáo" đã qua các tổ chức ma túy Mexico xâm nhập vào Mỹ. Mục tiêu là mưu sát Đại sứ Saudi và tấn công nhiều nơi khác trong lãnh thổ Hoa Kỳ.

Chuyện Iran trực tiếp can dự vào âm mưu rắc rối này là điều khó tin vì chẳng khác gì tuyên chiến với Hoa Kỳ. Nhưng dù khó tin chắc cũng có thật, nếu không Tổng trưởng Eric Holder và Giám đốc Robert Mueller đã chẳng xuất hiện. Nhu cầu tái tranh cử của ông Obama không thể giải thích được vụ này! Nó liên hệ đến cả hồ sơ Iran và Iraq, và đến vị trí của Saudi Arabia lẫn chủ trương của Israel, hai đồng minh sau cùng và trung kiên nhất trong khu vực.

Chưa nói đến Turkey và nhiều xứ khác....



***


Nhìn từ bên ngoài, từ các quốc gia khác, Hoa Kỳ ôm đồm bao biện thật ra vẫn... có ích!

Không có hỏa tiễn Tomakawk và máy bay không người lái của NATO và Hoa Kỳ, Gaddafi vẫn thọ. Bây giờ, khi Libya đổi chủ thì có khi cái đuôi là cả khu vực Sahel ở miền Nam qua tới Đông Phi lại quậy, nên lính Mỹ lại phải vào Uganda, như Obama loan báo hôm 11 Tháng 10.

Bây giờ, sau tám năm chinh chiến, khoảng trống Iraq là một cám dỗ cho Iran. Nơi đây, một mấu chốt cho Mỹ là "xứ Kurdistan" của dân Kurd có thể là cái neo cho Hoa Kỳ - về dầu khí và an ninh. Nhưng đòi hỏi chính đáng ấy của dân Kurd lại xâm phạm vào quyền lợi của Iraq và dân Shiite, của xứ Turkey ở mạn Bắc và Iran ở miền Đông. Chúng ta nên chờ đợi thời sự nhắc đến dân Kurd, đến Turkey, Iran và Saudi Arabia.... Chuyện Iraq chưa êm.

Còn chiến trường A Phú Hãn – cách viết này tiện sắp chữ trên một cột báo hơn là cái tên quá dài là Afghanistan! - cũng chưa êm với nguyên nhân từ Pakistan và hậu quả là nạn đất chuồi từ rặng Hindu Kush đến tận Ấn Độ! Đó là trên đại thể.

Nhìn lại thì từ đầu năm nay, người ta có quá nhiều kỳ vọng về "Mùa Xuân Á Rập".

Thật ra, chỉ Tunisie là có thay đổi tạm khả quan về chính trị, với cuộc bầu cử êm ả vào cuối tuần qua. Tại Egypt, sau vụ quân đội đảo chánh Tổng thống Hosni Mubarak, xã hội chưa có dân chủ và vẫn bị nội loạn với vụ biểu tình đẫm máu của dân Ai Cập theo Thiên chúa giáo (gọi là Coptic Christians).

Sau khi ba chế độ bị lật ở Bắc Phi (Tunisie, Egypt, Libya), hai xứ còn lại đều bị rúng động. Cời mở nhất là Hoàng gia Maroc phải ráo riết cải cách để có thêm dân chủ mà không bị xu hướng Hồi giáo cực đoan hoặc chống Tây phương khuynh đảo. Lãnh đạo Algérie thì ngồi trên lò lửa và các giếng dầu khí có thể bốc khói, đó là bài toán cho chế độ quân phiệt trước những dư chấn từ Libya và Tunisie và phong trào khủng bố Hồi giáo. Nói chung, hy vọng dân chủ vẫn có thể bị hai thế lực bóp nghẹt, chế độ quân phiệt ở trên và các nhóm sắc tộc hay khủng bố Hồi giáo ở dưới.

Hoa Kỳ xử trí ra sao để vừa bảo vệ quyền lợi vừa có vẻ phát huy dân chủ trong thế giới Á Rập Hồi giáo?

Vấn đề ấy khiến mọi người cùng nhìn vào Syria với ước vọng quá lớn về dân chủ và thực lực tưởng thu hẹp của chế độ Allawite và nhóm lãnh đạo chung quanh gia đình al-Assad. Mà hoàn cảnh Syria – và sự yểm trợ của Iran – lại trực tiếp liên quan đến an ninh của Lebanon và Israel. Tháng trước, khi lực lượng Fatah của Chính quyền Palestine đệ đơn xin độc lập với Liên hiệp quốc trước sự can gián của Hoa Kỳ và phản đối của Israel, người ta còn thấy ra một bất ổn khác....

Vì vậy, chó chết vẫn chưa hết chuyện. Như kinh nghiệm của Tổng thống George H. Bush, người hùng của cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 với tỷ lệ ủng hộ hơn 90%, dù đạt thành tích đối ngoại rất lớn, một lãnh tụ vẫn có thể là Tổng thống một nhiệm kỳ nếu kinh tế sa sút. Năm tới, cử tri Mỹ sẽ đi bầu vì chuyện nội bộ quá u ám hơn là vì thành quả quốc tế huy hoàng. Chưa kể là môi trường quốc tế còn đầy bất trắc.

Và khi dư luận Mỹ quá chú ý vào chuyện bên trong thì đấy là cơ hội mà các chế độ độc tài và chống Mỹ sẽ không bỏ lỡ!

5 nhận xét:

  1. Hình như mái nhà xưa bị... dột nên Dainamax Magazine xin tạm mở ra một căn khác, Dainamax Tribune. Xin quý độc giả quen biết loan tin cùng bằng hữu cho.

    Xin đa tạ,

    Nguyễn Xuân Nghĩa

    Trả lờiXóa
  2. Xin chào tái ngộ bác Nghĩa. Và xin cám ơn.

    THQ

    Trả lờiXóa
  3. Căn nhà này bắt mắt hơn nhiều, bác Nghĩa ơi.
    Chúc bác khỏe, viết nhiều hơn trong nhà mới.

    "Lỳ 1 lam " chúc mừng tân gia bác Nghĩa.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn các bạn, cũ và mới. Căn nhà này "bắt mắt" nhưng hơi... nhiều sách chứ không u ám khắc khổ như căn Dainamax Magazine. Khi nào lợp xong mái cũ trở về bến xưa thì sẽ đổi template cho vui mắt hơn.

    NXN

    Trả lờiXóa
  5. Ôi.. còn bao nhiêu những bài cũ mình có backed up được không ạ bac Nghĩa ơi?
    (theo cháu hiểu thì nhà mình bị mất trộm hả bác? Và bác đang cho dựng lại nhà mới. Cháu không tới nhà bác thường xuyên được nhưng theo cháu thì đây là một trong những nơi tôt và đáng tin cậy nhất, có cái nhìn căn bản nhất về tình hình kinh tế cũng như chính trị trên thế giới và VN.
    Cháu chúc bác luôn mạnh khỏe và căn nhà mới của bác luôn an toàn và rộng mở tới mọi người.
    Trước đây cháu là 1 fan của bác trên SBS radio Sydney, bây giờ ở VN thì đây là nơi cháu đến để cập nhật tin tức, học hỏi và cũng để cảm thấy được ở gần một người mà mình ngưỡng mộ và kính trọng.
    Một lần nữa cháu xin chúc bác mạnh khỏe và có thêm nhiều bài hay.

    Thank you soverymuch! :))

    Trả lờiXóa