Thứ Ba, tháng 5 01, 2012

Chỉnh Phong Trong Vụ Trùng Khánh

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 120430 
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Trận đánh "Bạc-Ôn" về phát triển kinh tế....

 * Bản đồ Trung Quốc và những loay hoay của đảng *



Lịch sử đảng Cộng sản Trung Hoa là một chuỗi dài "chỉnh phong" nhằm thay đổi nhân sự và đường hướng lãnh đạo của một đảng độc quyền luôn luôn tự cho là chân lý. Chuyện hạ bệ Bạc Hy Lai là một vụ mới. Bài này nhìn vào khía cạnh kinh tế của một cuộc thanh trừng chính trị trước Đại hội 18. 



Số là sau những tin tức và đồn đãi dồn dập, hôm 18 Tháng Tư, Tân hoa xã có bài xã luận tiếng Anh với chủ điểm về vụ điều tra họ Bạc, rằng "không hề có đấu tranh chính trị trong đảng". Chúng ta nên kết luận... là có! Vì sao vậy?

Nếu hai mạng tin tự do xuất phát từ các nhà đấu tranh cho dân chủ Trung Hoa tại Mỹ là Bác Tấn (Boxun) và Minh Kính (Mingjing) hoặc tờ The Epoch Time của Giáo phái Pháp luân công, cùng những tiết lộ từ hệ thống chính trị Trung Quốc, người ta nên cân nhắc đúng/sai và mục tiêu của lời đồn đãi hay tin tức và cần đợi dịp kiểm chứng qua nguồn tin khác. Nhưng nếu đấy là lý luận chính thức từ Tân hoa xã hay các mạng tin của hai phe tả hữu trong đảng, ta nên "trừ bì" mà suy luận ngược – may ra thì bắt được sự thật!

Khi Tân hoa xã nhấn mạnh đến sự "đồng thuận và thống nhất trong đảng", ta biết là có rạn nứt và một vụ chỉnh đảng đang xảy ra. Sự biến là vụ thanh trừng trong đảng mà ngụy danh tội hình sự. Về nội vụ ban đầu, xin quý độc giả đọc lại trên cột báo này bài "Mẫu mực Trùng Khánh lấm lem mực Tàu" ngày 21 Tháng Hai 2012.


***


Trước hết, xin tìm vào ngọn nguồn, chuyện chỉnh đảng mà được gọi cho đẹp là "chỉnh phong".

Từ khi thành lập năm 1921 đến nay, đảng Cộng sản thường xuyên tự chỉnh đốn nếu ta hiểu ra sự biến hóa của chữ này. Văn hoá Trung Hoa dạy rằng "quân tử kiến cơ nhi tác", tùy thời mà làm. Vấn đề là nếu không có dân chủ và hệ thống pháp quyền thì ai làm, theo cái hướng của ai?

Vì là đảng tiên tiến của giai cấp tiên tiến, lại thấm nhuần một tư tưởng đấu tranh của Tây phương – nhìn từ Trung Quốc, nước Nga cũng là Tây phương – nên đảng phải thường trực thay đổi theo thực tế và thời gian để tiếp tục "nắm giữ chân lý" hầu bảo vệ quyền lãnh đạo. Vì yêu cầu thay đổi ấy, lãnh đạo phải dẹp bỏ mọi sự chệch hướng: thiên về Liên Xô như Vương Minh, hay hữu khuynh như Trần Độc Tú, hoặc cực tả như Lâm Bưu gì cũng đều không được. 

Dù rằng cái "đúng" hôm nay có thể là cái "sai" năm tới.

Khi ấy, nhân danh nhân dân, lãnh đạo mới phát động chỉnh phong. Nhân tiện, lãnh tụ như Mao Trạch Đông diệt sạch mọi nguy cơ đối lập. Đó là 30 năm khủng hoảng trong đảng với hơn chục lần thanh trừng lớn nhỏ, trung bình hai năm một lần! Qua thế hệ Đặng Tiểu Bình, rồi Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào ngày nay, đòn chỉnh phong vẫn tiếp tục, với nội dung khác và phương thức "ôn hoà" hơn.

Họ Đặng chỉnh đốn bằng lý luận "làm giàu không có tội". Giang chỉnh theo hướng "đảng viên có quyền kinh doanh" – doanh gia được vào đảng – và Hồ chỉnh theo hướng san bằng dị biệt giữa vùng duyên hải và các tỉnh bên trong, giữa trung ương với các địa phương, giữa nông thôn với thành thị, giữa đa số nghèo túng với thiểu số đại gia.... Mục tiêu chỉnh đốn là chứng minh rằng đảng luôn luôn là đại biểu chân chính cho trào lưu tiến hóa và quyền lợi của nhân dân.

Bây giờ, hãy xem đảng xoay trở ra sao với bài toán kinh tế của 30 năm qua.


***


Sau khi họ Đặng mở cửa năm 1979, kinh tế Trung Quốc đã có sức bật.

Nhưng cũng bị sức ly tâm do quá nhiều khác biệt về hình thể và dân số trong một nước có ba nền kinh tế ở ba khu vực: miền Đông gần biển, vùng Trung Bộ bị khoá trong đất liền và các phiên trấn được gọi là khu tự trị thiểu số, dựng thành vùng trái độn quân sự vây quanh ba hướng Nam, Tây và Bắc.

Do đó, từ năm 1999, thế hệ lãnh đạo thứ ba là Giang Trạch Dân đã giữ lại chiến lược phát triển hướng ngoại của Đặng với đầu máy tăng trưởng là khu vực duyên hải buôn bán với bên ngoài. Nhưng họ cân bằng lại sự dị biệt bằng chiến lược "Đại khai phá Tây bộ". Kế hoạch "Tây tiến" này trùm lên sáu tỉnh bị khóa là Vân Nam, Quý Châu, Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, và năm khu tự trị của các dị tộc thiểu số là Quảng Tây, Tây Tạng, Tân Cương, Ninh Hạ và Nội Mông, và một thành phố là Trùng Khánh – dù nằm trong tỉnh Tứ Xuyên mà vẫn là đơn vị hành chánh do trung ương quản lý. Kết quả là sự thất vọng triền miên. Vì trang báo có hạn, xin miễn đi vào chi tiết.

Thế hệ thứ tư lên cầm quyền mới phát động hàng loạt kế hoạch khác.

Phục hoạt lại khu vực Đông Bắc lỡ dại theo chiến lược xây dựng kỹ nghệ nặng đậm mùi Xô viết thời Mao thì có kế hoạch "Chấn hưng Đông-Bắc Lão công nghiệp Cơ địa", đề ra năm 2003 để phát triển ba tỉnh Mãn Châu cũ là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh cùng một số huyện Nội Mông.

Đẩy tiếp nỗ lực "Tây tiến" thời họ Giang thì có "Trung bộ Quật khởi Kế hoạch" phát động năm 2004 trên sáu tỉnh, là Sơn Tây, Hà Bắc, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây. Chỉ đạo các kế hoạch quy mô đó là Ôn Gia Bảo, theo tư tưởng xây dựng "xã hội hài hòa" của Hồ Cẩm Đào.

Nhìn lại về kinh tế thì "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt sự nghiệp của đảng là tinh thần "tiểu khang" của Trung Hoa từ 3.000 năm trước. Nhưng được Đặng, Giang và Hồ cập nhật: tiểu khang không chỉ là sống vừa đủ mà phải sung túc và hòa đồng hơn. Trước sau, kinh tế vẫn phải là chính trị.

Các chiến lược kinh tế ấy dẫn tới việc chỉnh đảng, vì là nền tảng đúng sai của từng quyết định lẫn việc bố trí người thi hành. Thành công thì vào trung ương đảng, lên Bộ Chính trị hoặc còn là một trong chín nhân vật quyền uy nhất của Thường vụ Bộ Chính trị.

Mà các chiến lược kinh tế cũng là cơ sở đấu tranh của các đảng viên cao cấp. Họ thuộc "Thái tử đảng" là đám con ông cháu cha thời Đặng Tiểu Bình, hoặc "Cánh Thượng Hải" là đảng viên ưu tú miền duyên hải được Giang Trạch Dân cất nhắc, hay "Đoàn phái" là Đoàn Thanh niên Cộng sản được Hồ Cẩm Đài bố trí và nâng đỡ....

Khi ấy, ta thấy ra hai khuôn mặt nổi bật: Ôn Gia Bảo và Bạc Hy Lai.


***


Sinh năm 1942, tốt nghiệp kỹ sư địa chất, Ôn Gia Bảo có sự nghiệp là bí thư hay phụ tá các nhân vật nổi tiếng thực tiễn, trước tiên là Tổng bí thư Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, rồi Thủ tướng Chu Dung Cơ. Lọt mắt xanh của Hồ Diệu Bang, họ Ôn thoát khỏi vụ chỉnh đảng sắt máu thời Triệu Tử Dương, dù đứng bên họ Triệu khi khuyên sinh viên tự giải tán tại Thiên an môn năm 1989. Và tồn tại rồi lên chức trong hệ thống lãnh đạo của thế hệ thứ ba là Giang Trạch Dân.

Người như vậy tất nhiên có bản lãnh.

Bản lãnh của họ Ôn là bày tỏ sự gần gũi với quần chúng lao khổ hoạn nạn mà không quậy sóng vào cơ chế lãnh đạo tối cao và đe dọa các đồng viện. Dù không thành công trong hai kế hoạch Đông Bắc và Trung Bộ, hình ảnh thân dân và mềm mỏng khiến ông vẫn được tín nhiệm vì cái đảng mị dân có dịp bày tỏ mối quan tâm với giới nghèo khổ.

Khi nhớ lại các kế hoạch kinh tế nói trên, ta cũng nhìn ra vị trí Liêu Ninh và Trùng Khánh, là nơi mà Bạc Hy Lai từng làm Bí thư đảng, với phong cách hoàn toàn trái ngược.

Cũng mị dân, nhưng theo xu hướng cực bảo thủ của Mao – mà lại gọi là "Tân tả" – với nét huê dạng của minh tinh nhuốm mùi sùng bái cá nhân kiểu Mao. Hành vi bất chính của họ Bạc cùng gia đình đã khoả lấp hai vấn đề nghiêm trọng hơn trong đảng: mô thức phát triển Trùng Khánh và sự cấu kết mờ ám với các thế lực khác để tác động vào tiến trình quyết định của Thường vụ Bộ Chính trị.

Người bị tấn công nhiều nhất trong các cuộc vận động chính là Ôn Gia Bảo, thậm chí diễn văn còn bị kiểm duyệt. Đằng sau Ôn Gia Bảo, chính Hồ Cẩm Đào cũng bị chiếu cố. Vì vậy, Trung Quốc vừa có một vụ chỉnh phong, Bạc Hy Lai và phe phái không thể có tương lai.

Còn tương lai của việc phát triển hài hòa? Mờ mịt như tiền đồ của đảng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét