Thứ Ba, tháng 1 29, 2013

Di Dân Qua Ống Kính Vạn Hoa


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130128
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Truyện Dài Di Dân Tự Vệ Trong Sự Hình Thành Của Hoa Kỳ

* Hoa Kỳ - Một quốc gia của di dân *  


Tám Nghị sĩ thuộc cả hai đảng vừa đạt một số thỏa thuận sơ khởi về kế hoạch cải tổ chế độ di trú nhằm hợp thức hóa khoảng 11 triệu di dân bất hợp pháp đang có mặt tại Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama đề nghị kế hoạch của Hành pháp, sẽ được ông công bố Thứ Ba 29 tại Las Vegas. Sau đó là trận đánh tại Hạ viện, do đảng Cộng Hoà đang kiểm soát, để từ nguyên tắc chung mà tiến tới một đạo luật cải cách có đầy chi tiết phức tạp. Vì vậy, Hồ sơ Di dân sẽ trở thành thời sự chính trị của Quốc hội khóa 113, ít ra đến mùa Thu năm nay....



Nhìn từ bên ngoài thì đâu là vấn đề của một quốc gia thành hình từ di dân?


***


Khỏi cần nói đến "người Mỹ bản địa" là di dân đầu tiên, từ thời lập quốc, Hoa Kỳ tiếp nhận nhiều đợt di dân từ nhiều nơi khác nhau. Tùy hoàn cảnh từng thời nhằm giải quyết các nhu cầu khác biệt, sự hình thành của nước Mỹ nhờ di dân có vài đặc tính bất di bất dịch - cuộc tranh luận năm 2006, 2010 hay năm nay chẳng có gì mới lạ, nếu ta không mắc bệnh quên trí nhớ.

Đầu tiên là tinh thần thực dụng của người Mỹ - con cháu di dân. Mỗi làn sóng di dân đều đáp ứng các mục tiêu kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự của một cộng đồng có lãnh thổ rộng lớn cần khai phá và bảo vệ. Đằng sau giá trị tinh thần có tính chất lý tưởng, là đất tạm dung của người khốn cùng ở tứ xứ, các đợt di dân này có chức năng nhất thời và nhất định để tạo thành nước Mỹ đa nguyên, đa năng và cả đa văn hóa ngày nay.

Thí dụ là các làn sóng di dân gốc Việt sau năm 1975 đã đáp ứng nhiều nhu cầu của nước Mỹ, kể cả sẽ cạnh tranh với thành phần người Hoa có sự chung thủy đáng ngại với chế độ Bắc Kinh!

Đặc tính thứ hai là những va chạm trong tiến trình hội nhập mới cũ.

Mỗi đợt di dân mới lại gây phản ứng "chua ngọt" nơi lớp dân định cư từ trước. Tùy nơi tùy lúc, kẻ đến sau được người tới trước cho là nguồn nhân lực cần thiết giải quyết nhu cầu phát triển của họ. Đó là vị ngọt của di dân. Nhưng người đến sau cũng là kẻ xa lạ có thể làm biến chất những gì mà người đi trước đã xây dựng được. Do đó, di dân thường xuyên là chuyện lợi hại!

Người Mỹ gốc Anh từng coi di dân gốc Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan (Scots-Irish) là bọn du thủ du thực nhưng là tay phiêu lưu cần thiết để mở mang "Đàng Trong" của họ. Sau đó, cả hai đều nghi đám dân nghèo hèn từ Đông Âu và Nam Âu, nhiều người còn theo đạo Công giáo nữa chứ! Rồi cả ba đều ngại đám da vàng mắt híp đưa từ Á Châu qua để làm đường rầy và giặt ủi....

Đã vậy, từ bản chất thâm sâu lâu dài của chuyện di dân đến ấn tượng tất nhiên hời hợt của đa số, nhiều người có định nghĩa khác về chữ "di dân".

Di dân là dân không có quốc tịch Mỹ từ nơi khác đến sống hợp pháp trên lãnh thổ Hoa Kỳ để sẽ thành công dân Mỹ. Nhưng di dân cũng có thể là nhóm người khác biệt về xã hội và ngôn ngữ vào đất Mỹ hợp pháp hay không. Nếu đặt sự khác biệt về hai định nghĩa ấy vào một nồi nấu có vị chua ngọt rất khó nêm nếm, ta dễ tranh luận và tạo ra đề mục dễ khai thác trên chính trường. Làm dân chúng bị loạn thị.

Nhưng di dân còn có nhiều góc cạnh nảy lửa khác.

Đại đa số là lớp người đã tự nguyện vượt nhiều chướng ngại từ Âu Châu, rồi Á Châu hay Nam Mỹ để vào Hoa Kỳ thành người Mỹ. Nhưng một thiểu số là người bị cưỡng bách từ Phi Châu vào đất Mỹ như dân nô lệ cho kẻ đến trước từ Âu Châu. Con cháu họ không quên điều ấy và ngày nay vẫn muốn được đền bù. Nhưng thuần về quyền lợi, họ không mấy vui khi thấy di dân bất hợp pháp từ Trung Nam Mỹ cũng đòi được nâng đỡ, dù cả hai thành phần đều thuộc diện da màu và có hoàn cảnh hẩm hiu như nhau.

Một góc cạnh nảy lửa khác là người đến trước có thể bị kẻ đến sau khuất phục bằng võ lực và chịu phận thiểu số sống bên lề lãnh thổ nguyên thủy của họ. Đó là hoàn cảnh của dân "da đỏ", vốn đã từng tranh giành đất sống với nhau trước khi bị dân da trắng chế ngự. Nhiều người gốc Mễ (Mexico) cũng có cảm nghĩ đó. 


Dân gốc Mễ biểu tình: nếu quý vị nghĩ tôi là 'bất hợp pháp" thì xin học lại lịch sử, vì tôi đang ở trên đất của tổ quốc tôi!

Họ cho rằng miền Tây Nam Hoa Kỳ là lãnh thổ xa xưa của họ bị dân da trắng thôn tính: họ là nạn nhân của di dân từ nơi khác đến! Cảm nghĩ ấy khiến nhiều người giương cờ Mễ trong cuộc biểu tình năm 2007 để đòi hợp thức hóa di dân bất hợp pháp từ đất Mễ. Giăng cờ Mễ để đòi thành dân Mỹ là chuyện khó hiểu mà bị suy diễn là đòi biến biên vực Tây Nam của Hoa Kỳ thành lãnh thổ Mexico theo lối "châu về Hợp Phố"....

Nói cho gần gũi: nếu dân thiểu số vùng thượng du miền Bắc nước Việt mà đòi thành dân Tầu của Quý Châu, Vân Nam hay Lưỡng Quảng thì Hà Nội có loạn! Hoặc một số người Việt gốc Miên, dân Khmer Krom, đòi lại An Giang Châu Đốc hay cả Lục tỉnh vì là Thủy Chân Lạp ngày xưa, Việt Nam sẽ nghĩ sao?

Cho nên những khía cạnh quá phức tạp của một hồ sơ được dân Mỹ gọi chung là "di dân" khiến người ta khó tìm ra giải pháp. Nhất là nếu không phân biệt vấn đề di dân hợp pháp và cần thiết với riêng hoàn cảnh của di dân bất hợp pháp từ một quốc gia láng giềng là Mexico.

Thất bại năm qua của đảng Cộng Hoà, một đảng từ nguyên thủy có tinh thần đa nguyên và giải trừ chế độ nô lệ, đã khai thông được một ách tắc mà Tổng thống George W. Bush không vượt nổi khi dự luật cải tổ của ông năm 2006 bị Thượng viện bác bỏ vì thiếu lá phiếu Cộng Hoà để đủ đa số 60 trên 100. Nhưng ngày nay khi đảng Cộng Hoà lại tập trung vào yếu tố Mễ - và lá phiếu cử tri gốc Latino vẫn thiên về đảng trước năm 1987 - người ta có thể sẽ lại lẫn lộn chuyện cục bộ nhất thời với nhu cầu lâu dài của nước Mỹ....


***


Nhiều người cho rằng nếu quá nhiều miệng ăn trên cùng một dải đất thì người đang ăn bị thiệt vì bị kẻ đến sau cướp mất cả khạp gạo lẫn việc làm. Nhưng đấy là lối nghĩ tiêu cực của dân Âu-Á theo kiểu "hơn bù kém" trên một kho tài nguyên có hạn. Hoa Kỳ là ngoại lệ!

Không kể đất Alaska buốt giá mênh mông, Hoa Kỳ có mật độ dân số thưa thớt trên một lãnh thổ phì nhiêu bát ngát: chừng 35 mạng trên một cây số vuông so với 140 người tại Trung Quốc, 340 người tại Nhật, 255 người tại Anh hay 230 người tại Đức. Mỹ có thể nuôi sống một tỷ người, gấp ba hiện tại mà vẫn giàu hơn Trung Quốc. Và nếu có mật độ bằng nước Anh thì Hoa Kỳ có thể có hai tỷ dân!

Dân số Mỹ lại trẻ nhất trong các nước công nghiệp hóa, tuổi trung vị (phân nửa già hơn và phân nửa trẻ hơn) khoảng 37 nên không bị lão hóa như các nước kia. Đấy là nhờ di dân, thành phần có dân số trẻ (trung vị khoảng 21 tuổi) vì là trẻ mới dám qua xứ khác lập nghiệp. Trong số này, trẻ hơn cả là dân nhập lậu từ Mễ, 17 tuổi! Như vậy, trung bình thì di dân còn có 40 năm sản xuất và đóng thuế cho nước Mỹ, nên là nét cộng chứ không phải dấu trừ.

Cho nên, trong khi các chính trị gia đang xào bài ba lá để mà mắt cử tri, ta nên nhìn ra vòng tròn ba góc của hồ sơ di dân: 

Thứ nhất là di dân từ các khu vực khác trên thế giới nên được dễ dàng nhập cư vào Mỹ, một cách chính thức. Thứ hai, di dân từ Mễ vào nên được khuyến khích và hội nhập tại các vùng đất không thuộc lãnh thổ cũ của Mexico, và chấp nhận thành người Mỹ trọn vẹn. Thứ ba mới là tuần tự kiểm tra để hợp thức hóa những người ngụ cư phi pháp mà không khuyến khích thêm nạn di dân lậu.

___________________


"Chỉ Có Tại Nước Mỹ": Vì nội dung nhức đầu, từ nay mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" sẽ có "mưỡi hậu" trăm chữ về chuyện chỉ có tại nước Mỹ, để mua vui cũng được một vài phút giây:

Quán nước "I Love Drilling Juice & Smoothie Bar" tại Vernal của Utah vừa đòi khách hàng nào tự xưng là thiên tả phải trả thêm một đồng khi mua hàng. Chủ tiệm là George Burnett giải thích mục đích là để cảnh báo nguy cơ khủng hoảng ngân sách của Hoa Kỳ mà ông ta cho là thuộc trách nhiệm của cánh tả. Khó tin mà có thật.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét