Thứ Ba, tháng 5 14, 2013

Nhật Bản và ASEAN


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130513
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Từ ASEAN+3 đến ASEAN+1

* Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Tài chánh Taro Aso cùng Thống đốc Haruhiko Kuroda tại Ấn Độ - ảnh Japan Times *


Nhật Bản vừa khai thác một cơ hội tăng cường quan hệ tài chánh với khối ASEAN - một nỗ lực kinh tế có nội dung chính trị....

Hàng năm, Ngân hàng Phát triển Á châu (gọi tắt là ADB) vẫn họp thường niên với sự tham gia của tổng trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng trung ương của các thành viên. Kỳ họp thứ 46 vừa kết thúc hôm mùng năm vừa qua tại New Dehli có một biến cố đáng chú ý từ phía Tokyo.

Ngân hàng ADB là định chế tài trợ phát triển cấp vùng, chuyên về viện trợ tài chánh và kỹ thuật cho các nước đang phát triển tại Á Châu. Theo truyền thống từ khi thành lập năm 1966, Chủ tịch ADB là giới chức Nhật vì xứ này góp vốn nhiều nhất (12,78%, bằng Hoa Kỳ; so với 5,45% của Trung Quốc và 5,36% của Ấn Độ). Chủ tịch của nhiệm kỳ trước là ông Haruhiko Kuroda vừa từ trụ sở ADB tại thủ đô Manila của Philippines về Tokyo làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật vào ngày 18 Tháng Ba.

Tuần qua, với tư cách Thống đốc Nhật, ông Kuroda tham dự kỳ họp của ADB với một nhân vật đáng chú ý hơn. Đó là cựu Thủ tướng (2088-2009), đương kim Phó Thủ tướng và Tổng trưởng Tài chánh Nhật, ông Taro Aso.

Bên lề kỳ họp của ADB thường có một hội nghị còn quan trọng hơn, đấy là hội nghị cấp tổng trưởng và thống đốc của nhóm ASEAN+3. Từ năm 1999, Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á có một khuôn khổ hợp tác với ba cường quốc Đông Bắc Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn. Họ lập ra cơ chế ASEAN+3 và năm 2000 còn phát huy "Sáng kiến Chiang Mai" với việc thành lập một quỹ hoán đổi ngoại tệ từ nền tảng song phương qua đa phương kể từ năm 2010 để cấp cứu các nước nhất thời bị thiếu ngoại tệ khỏi bị khủng hoảng như vào năm 1997-1998. Trị giá tương đương 120 tỷ Mỹ kim vào năm 2010, quỹ này hiện có 240 tỷ để các nước Đông Nam Á ứng phó với bất trắc về hối đoái....

Do sáng kiến của Nhật, nhu cầu cấp cứu này còn có tham vọng tiến tới một "Quỹ Tiền tệ Á châu AMC" để bổ sung cho – chưa hẳn là cạnh tranh với - Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Ngoài khía cạnh tài chánh đó, mọi người cũng hiểu cơ chế ASEAN+3 là môi trường tác động của ba nước Đông-Bắc Á vào các nước Đông Nam Á nghèo yếu hơn và từ cả chục năm nay thực tế là diễn đàn tranh thủ vai trò lãnh đạo Á châu giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hoặc vai trò quốc tế của đồng Yen và đồng Yuan!

Là chủ nợ và chủ đầu tư lớn nhất tại châu Á, nước Nhật sa sút sau hai chục năm khủng hoảng và đình trệ kể từ 1991, và bị Bắc Kinh qua mặt. Tuần qua, Nhật lặng lẽ chiếm lại thế thượng phong nhân kỳ họp ADB, với đề nghị ASEAN+1. Lý do là hai nước kia đã vắng mặt.

Năm nay, diễn đàn ASEAN+3 thiếu đại diện Bắc Kinh và Hán Thành vì Trung Quốc và Nam Hàn phản đối việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cùng nhiều nhân vật trong nội các, kể cả ông Taro Aso, đã thăm viếng đền Yasukuni.

Có tên chính thức là Tĩnh Quốc Thần Xã, ngôi đền được Minh Trị Thiên hoàng lập ra từ năm 1869 tại cố đô Kyoto sau dời qua Tokyo để thờ các chiến binh đã hy sinh cho Thiên hoàng. Thực tế thì họ được phong thần theo nghi lễ Thần đạo. Nhưng trong ngôi đền cũng có hài cốt binh lính Nhật đã chết trận khi Nhật Bản bành trướng ảnh hưởng và xâm lăng xứ khác, như Trung Quốc, Đại Hàn, Đài Loan. Vì vậy, việc thăm viếng đền Yasukuni có thể được xem là một biểu lộ của lòng ái quốc mà cũng bị phản đối là đề cao tội ác chiến tranh!

Nói cách khác, ngôi đền trở thành đầu mối tranh chấp trong bối cảnh đầy mâu thuẫn ngoại giao giữa Nhật Bản với Trung Quốc và với Nam Hàn. Thí dụ như tháng 10 năm ngoái, các Tổng trưởng và Thống đốc Bắc Kinh không tham dự khóa họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, được tổ chức ở Tokyo.

Năm nay, khi hai nước Hoa Hàn vì "bận việc ở nhà" mà vắng mặt tại hội nghị cấp Tổng trưởng Tài chánh và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nhóm ASEAN+3, Tổng trưởng Aso và Thống đốc Kuroda đã tiếp xúc với giới chức tương nhiệm của 10 nước ASEAN. Rồi đề nghị một kế hoạch hợp tác rộng lớn về tài chánh với cả khối và về ngoại tệ với từng nước như Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Khi nhớ lại chuyến công du Indonesia, Việt Nam và Thái Lan của Thủ tướng Abe vào Tháng Giêng năm nay, người ta có thể nghĩ đến chuyện liên hoàn.


***


Từ năm 1991, Nhật đã trải 20 chục năm đình đọng về kinh tế với bảy lần suy trầm và dân tình thì chán nản với tình trạng giảm phát kéo dài. Đấy cũng là lúc Trung Quốc vươn lên ví trí đại cường kinh tế, với sản lượng đã vượt Nhật Bản về mệnh giá từ năm 2010. Không chỉ có thế lực kinh tế, Bắc Kinh còn bành trướng ảnh hưởng về mọi mặt và gây mâu thuẫn với lân bang về chủ quyền lãnh hải hay lãnh thổ ở ngoài Đông hải, kể cả với Nhật Bản trong vụ tranh chấp về quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản trị.

Phản ứng khó chịu của người dân Nhật khi hàng hóa bị tẩy chay, doanh nghiệp Nhật bị đập phá tại Hoa lục vì vụ Senkaku vào năm ngoái có thể là cái trớn cho đảng Tự do Dân chủ LDP đại thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Diet. Ông Abe lại trở về làm thủ tướng với một kế hoạch cải tổ đầy tham vọng tới độ liều lĩnh. Hai nhân vật cùng ông tiến hành kế hoạch là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Tài chánh Taro Aso và Thống đốc Haruhiko Kuroda.

Sự hiện diện của hai ông Aso và Kuroda tại hội nghị ASEAN+3 với dự án đầy màu sắc "ASEAN+Nhật" là điều đáng chú ý, nếu người ta nhớ đến quy luật "kinh tế cũng là chính trị" và đến cuộc bầu cử Thượng viện Nhật vào Tháng Bảy.

Mà không chỉ có vậy.

Trước khi phái bộ Nhật mở vòng vận động nhân hội nghị ADB ở New Dehli - một hội nghị do Thủ tướng Ấn long trọng khai mạc - Thủ tướng Abe đã thăm Liên bang Nga trong hai ngày 28-29 Tháng Tư. Tại đây, lãnh đạo Nga Nhật tạm gác một bên những tranh chấp về chủ quyền trên bốn quần đảo Kuril ở miền Bắc nước Nhật và ở phía Nam đảo Sakhalin của Nga.

Đầu mối tranh chấp đã có từ 128 năm nay và trở thành vấn đề vì Liên Xô chiếm đoạt bốn đảo này vào cuối Thế chiến II khi Nhật vừa bị Hoa Kỳ đánh bại. Nó là vấn đề khiến cho đến nay, hai xứ chưa hề ký hòa ước kết thúc một cuộc chiến đã chấm dứt từ năm 1945!

Lần này, lãnh đạo hai nước nhìn xa hơn mâu thuẫn Kuril và thảo luận về hợp tác kinh tế.

Nga muốn Đông tiến qua Thái bình dương để bớt lệ thuộc vào các khách hàng mua khí đốt tại Âu Châu. Nhật muốn có một nguồn năng lượng bổ sung cho năng lượng nguyên tử bị hao hụt sau vụ động đất Fukushima năm 2011. Không chỉ bàn về khí đốt, Nhật còn đề nghị thành lập một ngân hàng đầu tư hỗn hợp Nga-Nhật để giúp Tổng thống Vladimir Putin tiến hành kế hoạch cổ phần hóa và tư nhân hóa các tài sản kinh doanh của nhà nước.

Quan trọng hơn cả, Thủ tướng Abe còn thúc đẩy việc cải cách bên trong để Nhật có thể tham dự sáng kiến thành lập hệ thống đối tác trên vành cung Thái bình dương về kinh tế và về chiến lược. Đó là Hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP, do Hoa Kỳ chủ xướng và thúc đẩy.  

Chưa biết rằng việc Mỹ "chuyển trục" về Đông Á có nên cơm cháo gì không, việc Nhật lẳng lặng "quật khởi hoà bình" tại Đông Á là chuyển động đáng theo dõi. Thiên triều đỏ lại thấy bất an! Gieo gió?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét