Thứ Năm, tháng 11 14, 2013

Cải Cách Củ Mật


Nguyễn-Xuân Nghĩa- Việt Báo Ngày 131114

Bắc Kinh Phù Phép Mà Chưa Có Phép Lạ

 * Khách sạn JingXi tại Bắc Kinh, nơi họp Hội nghị Trung ương kỳ ba *



Các kinh tế gia khó là thiền sư để như Bạch Ẩn Huệ Hạc của dòng Lâm Tế mà nghe được "tiếng vỗ của một bàn tay". Lý do đơn giản là vì họ có hai tay....

Chúng ta có thể suy luận như vậy khi nhớ lại những lời - thậm chí nhiều pho sách – ca tụng phép lạ kinh tế Trung Quốc với những dự đoán kinh người về thời điểm "vượt Mỹ". Sau khi có sản lượng vượt Đức rồi vượt Nhật, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để dẫn đầu thế giới vào năm 2016, hay 2020, 2025, 2030, v.v.... Tất cả đều chỉ là dự đoán thôi. Vì kinh tế học cũng có hơi hướm khoa học, các kinh tế gia hiểu rằng mọi tiên đoán đều có thể trật.

Thầy bói mà đoán trật thì bể tráp hay mất khách, giới kinh tế biết vậy nên khi đoán mò là họ khéo nhấc bàn tay kia.

"Một đàng" thì Trung Quốc có những động lực tất yếu để đưa mức tăng trưởng thần kỳ qua mặt Hoa Kỳ vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng - bàn tay kia được giương lên cho thêm phần hùng biện - nhưng "đàng kia" thì cũng còn lý này hay lẽ nọ để có chuyện lỡ hẹn! Trong mọi cuốn sách ngợi ca Trung Quốc, họ đều yểm bên dưới dòng chữ li ti trong phần cước chú một vài lý luận về "đàng kia" – on the other hand....

Tức là đúng sai gì thì họ vẫn có lý.

Chúng ta nhớ lại điều ấy vì từ hai chục năm nay, sau khi kinh tế Nhật Bản sa sút rồi suy trầm, đã có cả một kỹ nghệ ca tụng kinh tế Trung Quốc với nhiều dự đoán tưng bừng.

Các doanh nghiệp đầu tư vào xứ này đã huy động cả truyền thông lẫn giới nghiên cứu để cổ võ cho việc làm ăn với Hoa lục. Họ dùng lý luận kinh tế đưa ra những luận chứng khoa học về một kỷ nguyên hay một Thế kỷ mới của Trung Quốc. Các tay cò mồi quốc tế lẫn chính khách có sự nghiệp gắn liền với việc buôn bán đó cũng chen vai xác nhận.

Rồi họ sẵn sàng tìm ra cái lý giảm khinh để biện bạch cho những điều bất toàn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Hoa.

Tham nhũng ư? Chế độ nào mà chẳng có tham nhũng? Môi sinh bị hủy diệt ư? Các nước nghèo và mới nổi thảy đều phải qua giai đoạn ấy, nhưng khi đã giàu có hơn thì họ sẽ cải tiến. Bất công xã hội ư? Làm sao bằng tình trạng quá đáng của các nước tư bản với 1% dân số đã ăn trùm 99% còn lại! Độc tài ư? Các chế độ kinh tế Á Châu đều phải như vậy, khi kinh tế phát triển rồi thì giới trung lưu sẽ đẩy mạnh những đổi thay về chính trị. Huống hồ, trước những biến động liên tục của các nước tư bản Tây phương từ dăm bảy năm nay, mọi người đều thấy ưu điểm của chế độ tư bản nhà nước và vai trò trọng yếu của chính quyền để điều tiết và vận dụng thị trường....

Kết luận, vạn tuế kinh tế thần kỳ!

Cho đến năm nay thì bỗng dưng nhạc lắng mây chìm và đà tăng trưởng thần kỳ chỉ là vang bóng.

Thành thử, như nhiều nước đi trước, Trung Quốc cũng sẽ phải chuyển hướng. Lãnh đạo Bắc Kinh đã nói đến nhu cầu cải cách họ gọi là lịch sử và sinh tử. Sau khi thế hệ thứ năm lên ngôi từ Đại hội 18 vào năm ngoái, Hội nghị Trung ương kỳ ba sẽ đưa ra kế hoạch cải cách thần kỳ này.

Tuần qua, Hội nghị đó đã kết thúc.

Hội nghị quy tụ 373 Ủy viên Trung ương đảng và Dự khuyết kéo nhau vào nơi củ mật nhất của thủ đô Bắc Kinh để họp bốn ngày liền. Nơi củ mật là Khách sạn Kinh Tây do Quân đội quản lý và bảo vệ như một pháo đài. Dân chúng Bắc Kinh bị bóp họng đã nhân dịp chơi chữ mà gọi chốn linh thiêng đó là "Kinh Hí" (cũng phiên âm là Jingxi), có nghĩa là tuồng hát ở kinh đô! Truyền thông uyên bác thì gọi là Beijing Opera.

Có máu Ba Giai thì ta gọi ký kịch đó là "Cải cách Củ mật", xin ai đừng nghĩ bậy như Tú Xuất sang "Kủ kải", vì chữ "củ" cũng có nghĩa là rối beng. Rối ren trong bí mật!


***


Bộ Chính trị Khoá 18 đã mất gần một năm để thu thập ý nguyện của ngần ấy phe phái, vây cánh và cơ sở quyền lực kinh tế lẫn chính trị và soạn ra một thực đơn 18 món. Có đủ sơn hào hải vị, thất tình lục dục lẫn bát trân bát bửu. Phe nào cũng thấy những đòi hỏi chính đáng của quần chúng nhân dân lao động bên dưới được thể hiện rõ ràng trong một mớ chữ đầy mâu thuẫn.

Rốt cuộc thì vẫn là kinh tế thị trường mà theo định hướng xã hội chủ nghĩa (xin nói về chữ nghĩa để đừng dịch sai, "xã hội chủ nghĩa" là phạm trù tư tưởng, khác với "chủ nghĩa xã hội" là trạng thái xã hội). Vẫn là xã hội chủ nghĩa nhưng với màu sắc Trung Quốc ("Trung Quốc đặc sắc xã hội chủ nghĩa"), tức là nét lưỡng thể phi cầm phi thú của "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa".

Nhưng vẫn nằm trong Chủ nghĩa Mác-Lênin, được cải tiến bằng "Tư tưởng Mao Trạch Đông", hoàn thiện bằng "Lý thuyết Đặng Tiểu Bình" và "Phương hướng Giang Trạch Dân", là dùng lực đẩy của thuyết "tam biểu": đảng là đại biểu của các phương tiện sản xuất tiên tiến, của nền văn hóa kỹ thuật tiên tiến và của quyền lợi chính đảng của đại đa số quần chúng nhân dân...

Sau khi dựng lên tấm bình phong kiên cố và phải đạo như vậy rồi, Hội nghị mới thông báo một thực đơn toàn những món ăn chơi.

Các nhà bình luận quốc tế đều soi kính hiển vi và phát giác bước ngoặt vĩ đại là nỗ lực "thâm hóa cải cách" – cho sâu hơn – để quy luật thị trường giữ vai trò "quyết định" thay vì "cơ bản" như trước đây. Thế là vui rồi!

Chứ nội dung bên dưới khẩu hiệu huy hoàng này vẫn là chuyện củ mật.

Làm sao vận dụng quy luật thị trường mà tránh được dao động quá đáng và nạn bong bóng đầu cơ đang nổi lên từ các đại gia trong đảng? Làm sao san bằng bất công xã hội và khác biệt quá lớn giữa đô thị với nông thôn, giữa vùng duyên hải lý tài nhộn nhịp với các tỉnh bị khóa bên trong? Làm sao thị trường có thể vận hành khi mà một lực lượng lao động rất lớn, đến vài trăm triệu "dân công" trong tổng số 900 triệu người, vẫn chưa có hộ khẩu?

Vì sao Hội nghị không nhắc đến con quái vật nằm giữa đại sảnh là chế độ hộ khẩu?

Dưới ánh sáng tù mù đó, ta mới chú ý đến việc Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị lập ra một "Quốc gia An toàn Ủy trung hội", một Hội đồng An ninh Quốc gia, để tập trung các phần vụ ngoại giao, an ninh, tình báo, quân sự và trật tự công cộng trước đây vẫn phân tán ở nhiều nơi.

Trong hệ thống tổ chức của đảng, Ban Chính Pháp Trung ương là bộ phận có trách nhiệm giữ gìn trật tự công cộng bên trong (qua Bộ Công An) và công tác tình báo phản gián với bên ngoài (qua Bộ Quốc An). Với nạn Bạc Hy Lai cùng kẻ đỡ đầu là Trưởng ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, sau Đại hội 18, người lên cầm đầu cái ban bệ ghê gớm này (Mạnh Kiến Trụ) không ở trong Thường vụ Bộ Chính trị nữa. Và Tập Cận Bình cần dưới tay một cơ chế phối hợp trực tiếp hơn. Mục tiêu không nhắm vào an ninh đối ngoại mà để kiểm soát tình hình bên trong.

Đấy mới là một cản trở của cải cách và có thể giải thích vì sao chưa có thay đổi gì lớn trong chế độ hộ khẩu như nhiều người đã đề nghị hoặc trông đợi. Nếu không giải tỏa chính sách hộ khẩu thì làm sao giải quyết bài toán an sinh xã hội, nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa làm lực đẩy thay thế cho đầu tư của khu vực công?

Một con voi trắng lù lù trong đại sảnh của khách sạn Kinh Tây cũng thơ thới bước ra. Đó là kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Người ta chỉ được biết tư nhân sẽ có thêm quyền hạn đầu tư – châm tiền cấp cứu – xí nghiệp quốc doanh, nhưng vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được duy trì. Chế độ tư bản nhà nước và đám tòng vong là tham ô, lãng phí và bóc lột, vẫn tiếp tục tung hoành, dưới một núi nợ vĩ đại của hệ thống tín dụng cũng của nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Cũng vậy, việc cải cách chính sách tín dụng và hệ thống ngân hàng hay cải cách thuế vụ để tránh nạn địa phương cướp đất của dân làm nguồn thu ngân sách, những yêu cầu đó vẫn là mờ mồ nhân ảnh. Chưa nói gì đến chuyện phòng the cũng củ mật không kém: nới lỏng chế độ kiểm soát sinh đẻ và chấm dứt chính sách mỗi hộ một con để trong vài thế hệ nữa sẽ tạo ra sự chuyển dịch dân số tốt đẹp hơn tình trạng chưa giàu đã già như hiện nay.

Còn nhiều lắm....


***


Chúng ta đều có thể hiểu rằng sau một hội nghị có tầm chiến lược như vậy, lãnh đạo Bắc Kinh phải mất nhiều năm khai triển, thuyết phục, hoặc bẻ tay đấu đá rồi mới có kế hoạch và chương trình áp dụng. Vì vậy, không ai chờ đợi một nghị quyết hoàn chỉnh để trên dưới sẽ răm rắp thi hành. Mặc dù như vậy, việc lãnh đạo xứ này phải dung hòa nhiều quan điểm trái ngược và nói ra những ước nguyện đầy mâu thuẫn có thể cho thấy một sự thật khác: Đảng chưa nhất trí!

Chỉ vì bên dưới vẫn còn quá nhiều thế lực cưỡng chống và muốn duy trì hiện trạng để bảo vệ quyền lợi riêng.

Hiện tượng đó thì tự cổ chí kim nơi nào cũng có. Nhưng nếu có thông tin minh bạch trong một thể chế dân chủ được gạn lọc qua bầu cử tự do thì ít ra những người trong cuộc vẫn còn tiếng nói. Trung Quốc tiên tiến thì chưa đi tới chốn đó. Vì vậy, giấc mộng Trung Hoa và đà tăng trưởng thần kỳ vẫn là mộng mị.

Hỏi các kinh tế gia lạc quan năm xưa thì họ giơ cả hai tay lên trời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét