Thứ Sáu, tháng 3 21, 2014

Ukraine Tự Phế



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo 140320

Quân tử động mồm, không động thủ, nên Ukraine bị điểm huyệt

 * Ba Tổng thống Clinton, Yeltsin và Kravchuk xiết tay hồ hởi đầu năm 1994 tại Moscow *

 
Sau mấy tháng nhức đầu về chuyện Ukraine, người viết xin tìm một chút thư giãn trong tinh thần lãng mạn của Kim Dung.

Khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, có ba cường quốc đứng đầu thế giới về võ khí hạch tâm là, theo thứ tự, Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Cộng hòa Ukraine. Sau đó mới đến các nước khác. Ngày nay, trước đà bành trướng ngang ngược của Vladimir Putin, tại bán đảo Crimea rồi nơi khác trên lãnh thổ Ukraine, dân Ukraine có thể nghĩ đến... Kim Dung:

Họ đã lỡ dại tự phế bỏ võ công trong khi các nước danh môn chính phái của người quân tử đã thành những anh tư quẩn.

Đôi dòng lịch sử đã!


***


Từ 1946 đến 1991, vào thời Chiến tranh lạnh - một khái niệm dại dột nhuốm mùi gian trá của các nước dân chủ Tây phương, vì thời đó là chiến tranh nóng ở rất nhiều nơi khác – Liên Xô đã yểm võ khí nguyên tử (rồi hạch tâm, atomic rồi nuclear) trên khắp lãnh thổ, trong nhiều nước Cộng hoà Xô viết.

Khi Liên Xô tan rã nhiều nước của Liên bang này đã giành lại độc lập.

Trong số đó, Ukraine là nước Cộng hoà Xô viết lớn nhất và giàu nhất, chỉ đứng sau Liên bang Nga, với kho ám khí đáng nể là 1.800 đầu đạn hạch tâm, kể cả võ khí chiến thuật có tầm ngắn, oanh tạc cơ và phi đạn thiềm du (cruise missiles). Nhờ tư thế đó, Ukraine có sức gián chỉ, can ngăn - deterrence - bất cứ cường quốc nào muốn nhảy vào làm thịt. Thí dụ như đòi lại bán đảo Crimea mà Stalin giật mất của dân Thát Đát Tatars.

Nhưng Chiến tranh lạnh đã nguội và nếu kho ám khí lớn lao đó của Ukraine mà rơi vào tay bọn hung đồ thì thiên hạ sẽ mất ngủ.

Vì thế, vui hưởng "cổ tức hoà bình" khi nguy cơ chinh chiến đã tàn, Chính quyền Hoa Kỳ thời Bill Clinton vẫn ưu lo về kho đạn Ukraine. Ưu tiên của nước Mỹ khi ấy là phải giải giới Ukraine. Bằng cách hợp tác với Liên bang Nga và mời Ukraine một bánh vẽ là Hiệp ước Không-Phổ biến Võ khí Hạch tâm (Treaty of Non-Proliferation of Nuclear Weapons, viết tắt là NPT, Non-Proliferation Treaty). Kết quả là một Giác thư (Memorandum), chứ không là một hiệp định. Đấy là một văn kiện gọi là Budapest Memorandum on Security Assurance. Ngày nay và mấy tuần qua cứ được gọi tắt là "Budapest Memorandum".

Chỉ vì, Tháng 12 năm 1994, ba cường quốc hạch tâm là Hoa Kỳ, Nga và Anh quốc cùng ký giác thư tại thủ đô Budapest của xứ Hung Gia Lợi, với thỏa thuận là ba nước cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine (cùng Belarus và Kazakhstan). Đổi lại thì Ukraine giao nộp kho võ khí hạch tâm của mình cho Liên bang Nga.

Không, viết như thế vẫn là thiếu xót theo kiểu nhà báo nông cạn của Mỹ – hai chữ này thường là đồng nghĩa. Những cam kết đó còn sâu rộng hơn vậy, xin đọc từng chữ mà nghĩ đến ngày nay:

1) Ba nước cùng tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine trong ranh giới lãnh thổ hiện hành; 2) Không hăm dọa hay sử dụng võ lực với Ukraine; 3) Không gây áp lực kinh tế để chi phối chính trị Ukraine; 4) Yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hành động nếu võ khí hạch tâm được sử dụng chống Ukraine; 5) Không sử dụng võ khí hạch tâm chống Ukraine; 6) Cùng tham khảo ý kiến với nhau nếu có vấn đề về những cam kết nói trên.

Dù chỉ học năm thứ nhất về bang giao quốc tế thì các sinh viên cũng hiểu là trong ba nước Nga, Mỹ, Anh, chỉ Liên bang Nga mới là cường quốc có thể vi phạm những cam kết hoặc gây khó cho Ukraine. Mà giác thư này chỉ là cam kết chính trị, không là một hiệp định được Quốc hội phê chuẩn. Xin ghi thêm rằng cùng Anh, Mỹ, Nga, có Pháp và Trung Quốc cũng ký một văn kiện đính kèm, với những cam kết còn mơ hồ và yếu ớt hơn thế.

Khi ấy, Chính quyền Ukraine có do dự và muốn một thời hạn tự giải giới lâu hơn. Nhưng, Chính quyền Clinton đòi là càng sớm càng hay, kỳ hạn cuối là năm 1996. Bố khỉ, năm đó, nước Mỹ có bầu cử Tổng thống.

Khúc khải hoàn của Hoa Kỳ khi ấy là thế giới có thêm một quốc gia tham dự Hiệp ước NPT! Yếu tố then chốt là vì Hoa Kỳ đã có lời cam kết bảo vệ an ninh, sự vẹn toàn lãnh thổ và vân vân cho Ukraine. Đấy là thành tích 20 năm trước của chàng Xuân Tóc Đỏ Bill Clinton, người hay liếm mép và hút mà không hít.

Ngày nay, đến Cậu Bé Quàng Khăn Đỏ Barack Obama, cũng với giấc mơ giải trừ võ khí hạch tâm cho một thế giới thái hòa.

Đúng năm năm trước, Tháng Tư 2009, tại thủ đô Praha của Cộng hoà Tiệp, Tổng thống Obama hứa hẹn một nỗ lực toàn cầu, một cuộc "thập tự chinh" để kêu gọi các nước cùng noi gương Hoa Kỳ mà tài giảm võ khí hạch tâm. Vì nếu có chuyện gì thì đã có sự bảo vệ của nước Mỹ.

Trong thâm tâm, có thể Tổng thống Hoa Kỳ muốn nhắn gửi với hai quốc gia hung đồ đang đòi luyện công, là Bắc Hàn và Iran. Hoặc để trấn an các nước khác, như Nam Hàn, Nhật Bản, hay Saudi Arabia, rằng khỏi cần những võ khí sát thương đó. Vì?

"Trăm điều hãy cứ trông vào một ta."

Tại sao lại chỉ một ta? Vì nếu có vin vào điều bốn của Giác thư Budapest - sự can thiệp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc – thì ai cũng yên tâm rằng định chế quốc tế này sẽ thủ vai bà già trầu cầm súng nước, nhờ lá phiếu phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an.

Ngẫm lại thì không ai chứng minh được rằng Putin có ý sử dụng võ khí hạch tâm với Ukraine, nhưng đều thấy là quân đội Ukraine hiện không có khả năng chống đỡ khi Putin mắt lạnh sử dụng võ lực. Cũng không ai có thể chứng minh rằng nếu Ukraine vẫn là một cường quốc hạch tâm thì chưa chắc Putin đã dám chơi bạo như vậy.

Nhưng mọi người đều thấy là Anh và Mỹ đều đánh vần "ơ như quả mơ" - làm ngơ về những cam kết năm xưa với Ukraine. Tuần tới, tại Thượng đỉnh ở The Hague, ta sẽ xem Obama nói năng xoay trở ra sao về lý tưởng "An ninh Hạch tâm"!


***

Kết luận ở đây là gì?

Nhiều lắm, chỉ xin lơ thơ vài lẽ mà buồn!

Các chế độ hiền nhân quân tử mà tự phế bỏ võ công, như Ukraine, thì có thể mời giặc vào nhà. Các chế độ hung đồ có thể yên tâm luyện võ hạch tâm mà bất chấp thiên hạ. Các đồng minh của Mỹ mà tin vào lá chắn bảo vệ của Hoa Kỳ thì đều xét lại vì sau vụ Ukraine. Lời khuyên giải giới của nước Mỹ bất lực lại mở ra một cuộc thi đua võ trang toàn cầu.

Đâm ra, các quốc gia thuộc danh môn chính phái đều ưa nói chuyện đạo ly vu vơ, chứ khi hữu sự thì lại núp sau cụ Khổng mà khuyên răn thiên hạ, rằng "quân tử động mồm chứ không động tay." Gọi là anh "tư quẩn" thì chẳng hề sai!

Nhưng tại sao người viết lại ỡm ờ nhắc tới Kim Dung?

Vì nghĩ tới đám tà ma Bắc Hàn và Iran đang âm thầm tự luyện thứ võ công thượng thừa theo Cửu Âm Chân Kinh. Nghĩa là vung đao tự thiến để thành đệ nhất anh hùng. Họ có lý phần nào trong sự tật nguyền đó....

5 nhận xét:

  1. Thưa giáo sư,
    Đọc những bài viết của giáo sư gần đây em thấy Mỷ bịnh quá. Chắc chắn cái gì mình biết là thiên hạ điều biết, nhất là quân sư của các đại môn phái. Pu và Xi ra tay là chuyện đương nhiên. Hôm qua đọc bài "America's Incredible Shrinking Navy" trên WSJ, em thấy Mỷ đâu có "chuyển trục" gì đâu! Hơn nửa, chuyến Hoa du của thím Obama làm em có cảm giác lịch sử lập lại, Mỷ sẻ liên minh với Tàu để chận Nga? Nếu vậy, Xi sẻ là bá chủ biển đông. Em thiển nghĩ, again, cái gì mình đoán ra là thiên hạ điều đoán ra. Nếu vậy, nếu Abe takes this into account, liệu hắn có ngồi yên chờ Mỷ bỏ rơi hay đã nghĩ chuyện này rồi? Em nhớ lại là trước đây, Abe có đi gặp Pu mấy lần, ai biết họ tính gì! Có lẻ phim này dài và lắc léo lắm và làm nhức đầu mấy cụ VN vì Nga đã lấy lại phong độ. Bần thần đứng giữa hai làn nước, đi theo Tàu hay ngã sang Nga? Cám ơn và chờ sự chỉ giáo của giáo sư.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Nghĩa biên bài nài quá độc, tui khen...
    phân tích và so sánh rất sâu sắc cụ thê, thích nhất đoạn liên hệ đám tà ma luyện cử âm chân kinh

    Trả lờiXóa
  3. Lê Minh, theo ai cũng bần cùng cả bạn à. Chọn thằng giàu mạnh dân chủ mà chơi, cứ đưa đầu vào mấy thằng độc tài àm gì.

    Trả lờiXóa
  4. Nước Nga có một lãnh thổ qúa trống trải trong việc phòng thủ nên Putin có tham vọng chiếm lại các nước cộng hòa ly khai trước đây khi Liên bang Xô viết tan rã vào thập niên 90 (tất cả 14 nước trải dài từ biển Baltic xuống đến Đông Âu, sang cả Nam và Trung Á gồm: Estonia, Latvia, Litva, Belorussia, Moldavia, Ukraina, Gruzia, Armenia, Azerbaijan, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan.) Nga đã tự mình làm sống lại "chiến tranh lạnh", bài học cho thấy qúa khứ Nga đã bị hụt hơi trong cuộc chạy đua võ trang với Mỹ. Thời thế đã thay đổi, các nước cộng hòa cũ không còn là trường thành phên giậu để che chắn cho Liên bang Nga nữa nên Nga lúc nào cũng lo sợ khó phòng thủ được các vùng biên địa, nhất là khi Mỹ muốn đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa tại Tiệp Khắc hay Ba Lan vào thời cựu TT Bush thì Nga cuống cuồng lo sợ, quyết liệt chống đối kế hoạch này bằng mọi gía. Nước Mỹ trong tương lai cần có một TT cowboy như Ronald Reagan chứ Obama thiếu đởm lược ngang tàng thì khó mà khuất phục được Putin.

    Trả lờiXóa