Thứ Năm, tháng 6 12, 2014

Nghệ Thuật Đá Điểm



Hùng Tâm / Hồ Sơ Người-Việt Ngày 140611

Làm sao thắng khi đá "Penalty"?

 * Phút khó chịu nhất của cuộc tranh tài - đá penalty *



Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới mở màn ngày 12 này cũng là một tin tức thời sự. "Hồ Sơ Người-Việt" không thể không nói về thời sự, nhưng sẽ đi xa hơn một chút, đi tới khung thành và đá vào tim đen....



Thời Sự World Cup


Bốn năm một lần, cả tỷ người của địa cầu lại thay đổi sinh hoạt để theo dõi những trận đấu của vài chục đội tuyển bóng tròn xuất sắc nhất thế giới thì đấy là thời sự. Trước đó nhiều năm, các quốc gia muốn đăng cai tổ chức phải suy tính, chuẩn bị và vận động để được tuyển chọn. Xong rồi mới dốc sức và méo mặt dốc tiền tổ chức. Các quốc gia này muốn nhân đó giành được uy tín trên trường quốc tế, cho nên nỗ lực tranh đua để xin tổ chức giải FIFA World Cup cũng là thời sự.

Từ nhiều thập niên, người ta còn nghiệm thấy tổ chức FIFA (Liên đoàn Túc cầu Thế giới) thường cho các nước đang phát triển được tổ chức World Cup. Lần trước là xứ Nam Phi, lần này là xứ Brazil (Ba Tây theo cách phiên âm cũ), kỳ sau là Liên bang Nga (2018) rồi đến Qatar 2022. Các nước đã phát triển thì khỏi cần thi thố tài năng tổ chức, chứ với các nước đang lên hay vừa mới nổi thì đấy là cơ hội vươn lên khán đài hoàn vũ. Nỗ lực đó cũng là chuyện thời sự.

Khi nói đến trận này hay trận kia, hay trung phong, tiền vệ và khung thành, v.v... ta mặc nhiên sử dụng khái niệm chiến tranh. Nhưng là hình thái chiến tranh trong hòa bình. Là sự tranh đua của chủ nghĩa quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa, nhất thể hóa, nơi mà quốc tịch không là yếu tố quan trọng nhất, cho đến khi có cuộc tranh đua và lá quốc kỳ tìm lại ý nghĩa thiêng liêng giữa các thương hiệu quảng cáo rợp trời. Hiện tượng đó cũng là thời sự.

Và phản ứng của công chúng, của các cổ động viên ở mọi nơi sau mỗi lần thắng bại cũng là thời sự vì có thể biệu lộ trình độ công dân giáo dục của từng quốc gia nằm sâu dưới tiềm thức của tập thể. Anh quốc là nước đàn anh, rất văn minh và tinh tế, nhưng cổ động viên của Anh thì hay có trò đập phá khả dĩ làm du đãng nhiều nước nghèo phải xấu hổ vì kém tài.

Cũng chẳng oan đâu!

Chữ "hooligans" xuất phát từ Anh quốc, do những sinh hoạt nổ tung từ bên sân cỏ vào tới đường phố nghi ngút khói của các khu thị tứ. Nước Nga đi sau, mới nổi, cũng học thói Đế quốc từ thời Liên Xô nên có hiện tượng "khuligans" oai hùng không kém.

Khép chuyện thời sự lại, "Hồ Sơ Người-Việt" xin tìm hiểu xem người ta có thể đoạt giải thế nào qua một phương thức tranh tài rất lạ mà không hãn hữu: nếu hai đội ngang tài, đá hết hai hiệp rồi đá thêm hai hiệp phụ mà vẫn bất phân thắng bại thì tính sao? Thì đá "penalty" tính điểm! Các giải lớn đã áp dụng thể thức này từ năm 1970.


Penalty là Trừng Phạt


"Hồ Sơ Người-Việt" không hài lòng với chữ "penalty". Đúng là trong một trận đấu, nếu có vi phạm và bị phạt thì cú đá này được gọi là "đá phạt" hay "đá phạt đền". Tuy nhiên, vào cuối một trận đấu gay go, cách đá tính điểm để dứt điểm không thể và không nên gọi là "penalty". Đúng là các cầu thủ mà rơi vào hoàn cảnh nhức tim đó thì coi như bị trừng phạt về tâm lý và thần kinh. Nhưng thể thức này có khác với cú phạt đền.

Những ai am hiểu hơn thì có thể tìm cho chữ khác - sao không mở cuộc thi tìm chữ chính xác hơn? Ở đây, xin tạm dùng chữ nôm na mà dễ hiểu là "đá tính điểm" để dịch "penalty shoot-out" hay "tirs au but".

Và xin áp dụng thống kê cùng kinh tế học để luận anh hùng.

Những ai mất công đọc cột báo này thì đều đã biết thể thức "penalty shoot-out" nên chỉ nhắc sơ. Một cầu thủ được chọn để từ 11 thước tây (12 yards) đá vào lưới của đối phương, qua người thủ môn trấn giữ một khung thành rộng hơn bảy thước (7,32 mét, hay 24 feet), cao hơn hai thước tư (2,44 mét, hay tám yards). Nhân đây, xin đề nghị là ta vẫn dùng cách viết số thông dụng của Việt Nam, hơn là của Mỹ với dấu chấm và dấu phẩy lộn ngược: chúng ta cố duy trì văn hóa Việt mà!


Thống Kê Về Đá Điểm


Các nhà khoa học đều làm thống kê về nhiều chuyện từ phù du đến thiết thực cho nên có tính ra là với các đội tuyển ưu tú, xác suất thành công khi đá điểm là 75%, tức là rất cao.

Thống kê về túc cầu còn cho biết vài chi tiết khác:

Thủ môn phải đón bắt một trái banh được "bắn" với tốc độ ghê người là 128 cây số một giờ - bay qua 11 thước thì chỉ là chớp mắt. Trong khoảnh khắc đó, không ai thấy trước để bắt được nên thủ môn chỉ có thể đoán và tung mình chặn banh bằng cả tứ chi lẫn ngũ túc. Nếu đoán sai thì xác suất thành công của địch từ 75% sẽ lên tới 90%. Đấy là bài toán may rủi của thủ môn.

Về người đá, cầu thủ vào tới trình độ World Cup thì biết là có hy vọng thành công nếu đá mạnh vào góc. Đủ mạnh để cho dù thủ môn đoán trúng cũng khó chặn được banh. Nhưng đá vào góc cũng có rủi ro là lọt khỏi khung thành. Vì vậy để an toàn chắc ăn thì hơi đá vào giữa. Tức là phải cân nhắc vì sự an toàn của cầu thủ có tăng cơ hội thành công cho thủ môn.

Khi được đưa vào hàng xạ thủ cho đội nhà – cho cả quốc gia dân tộc chứ không ít – cầu thủ đá điểm còn phải tính như các chính trị gia: nghiêng vào góc tả hay hữu đây? Khoa vật lý cơ thể học dạy là nếu đá chân phải - trường hợp của đa số con người – thì nơi mạnh nhất sẽ là góc trái.

Các thủ môn vào trình độ đội tuyển quốc gia thì đều có kinh nghiệm chiến trường và biết rõ cầu thủ đối phương thuộc loại khuynh tả hay thiên hữu. Thuận chân trái hay chân phải đây. Và cứ như vậy mà đoán trước lằn đạn. Vì đa số thuận bên phải, các thủ môn thường tung mình qua góc trái (của đối phương, không phải của mình!) để chặn banh. Thống kê về đá điểm cho biết tỷ lệ trái/phải là 57-41.

Phần còn lại, 100 – (57+41), chỉ là 2%!


Thiên Tả, Hữu Khuynh hay Trung Đạo?


Từ thống kê, xin hãy nhìn qua tâm lý.

Cầu thủ đứng trước cầu trường, và cả quốc gia lẫn thế giới, hiển nhiên là ý thức được vai trò lịch sử của mình. Trong khoảnh khắc phải tính cho đúng để bước lên đài quang vinh. Nếu không thì sẽ lưu xú vạn niên, vợ con đào địch gì cũng cho ăn cơm nguội với đậu phụ không muối.

Tính thế nào? Rót vào góc trái hay phải, hay nhích một chút vào giữa cho an toàn?

Trong tiềm thức kết tụ kinh nghiệm nhiều năm, các cầu thủ đều có thể biết là thủ môn bên kia thường tung mình qua góc trái với tỷ lệ 57%, hay góc phải với tỷ lệ 41%. Chỉ có 2% là đứng chặn ở giữa. Mấy con số ngây ngô ấy cho biết một sự thật rất nghịch thường: nếu không đá vào góc phải hay trái mà cứ đá thẳng vào giữa thì hy vọng thành công lại tăng được 7%!

Chỉ vì dù thủ môn cứ đứng giữa nhưng sẽ tung mình qua bên này hay bên kia và chỉ có 2% là giữ phép trung dung đứng giữa, nơi mà bình thường thì dễ bắt banh hơn cả. Trong khi quý độc giả đợi giờ lăn banh, xin châm thêm một thống kê nữa: chỉ có 17% những cú đá điểm là bắn vào giữa, 83% là đá vào hai góc.

Vì sao chiến thuật đá vào giữa thì thêm hy vọng thành công tới bảy điểm mà trong trăm lần lại chỉ được chiếu cố có 17 lần?

Vì tâm lý học!

Tôi là nhân tài của đất nước, sau nhiều năm chầy vẩy mới lên tới trình độ quốc gia rồi đại diện quốc gia tranh tài quốc tế. Khi giờ phút lịch sử nổi lên và có nhiệm vụ ghi điểm cho tổ quốc, tôi phải làm gì? Phải làm cho xứng mặt anh tài! Khi đó, tôi sẽ làm nên lịch sử với một cú đá hóc hiểm vào góc để nổ tung cầu trường.

Bên kia chiến hào, thủ môn cũng vận dụng trí nhớ và kinh nghiệm chiến trường để trong một giây giải mã một bí ẩn của cuộc đời: địch sẽ rót vào góc nào đây? Vì thế, bậc danh tài mà đá vào góc thì cũng phải đá ngược, tức là đánh lừa ký ức của thủ môn để đối phương bị một cú tréo giò, cứ tung mình bên trái mà hở khung bên mặt.

Các nhà tâm lý học đã nghiêng mìng nghiên cứu cầu trường và nói đến một yếu tố chi phối khác. Danh tài thì hay đá ác liệt vào góc chứ ít khi thục mạng đá thẳng vào giữa theo kiểu thường thường bậc trung của thiên hạ. Đại cầu thủ không muốn bị coi thường là đá như tay mơ.


Vì Tổ Quốc, Danh Dự, hay Tự Ái?


"Hồ Sơ Người-Việt" mở đầu bằng chuyện thời sự của giải Túc cầu Thế giới rồi đá lạc qua thống kê và tâm lý học vì một lý do rất... chuyên môn. Người viết này thuộc loại chuyên gia!

Hơn 45 năm trước từng là cầu thủ của đội banh sinh viên Việt Nam của Paris đi dự Đại hội Thể thao Sinh viên Âu châu tại Besançon và giữ vị trí then chốt là đứng sau thủ môn. Cách một cái lưới. Để nhặt banh.

Nhờ vị thế chuyên gia lẫy lừng đó nên biết đọc cuốn sách của một giáo sư kinh tế quái dị (Steven Levitt) và một nhà báo quái chiêu (Stephen Dubner), cuốn "Think Like a Freak" – Nghĩ như quái kiệt. Cuốn sách đó có chương mở đầu bằng thống kê về đá điểm, như người viết đã đầy hùng tâm lược trình ở trên, để đi tới một kết luận để đời.

Trong hoàn cảnh lịch sử khi danh dự của tổ quốc nằm trên sân cỏ, các cầu thủ lại gặp một bài toán của nhân sinh: Nếu đá một cú hóc hiểm thì mới cho thấy tầm cỡ siêu việt của mình. Chứ đá thẳng thì hơi xấu hổ vì có vẻ kém tài. Nhìn lại cho rõ: trong mọi trận tranh đua của thế giới thì quốc gia phải thắng. Vào giai đoạn đá điểm của một giải Túc cầu Thế giới, quốc gia phải thắng điểm. Giữa nhiều bất trắc, hy vọng chiến thắng cho danh dự quốc gia có thể tăng được 7% nếu đá vào giữa.

Nhưng đá vậy thì hơi xúc phạm tự ái của bậc danh tài.....

______________________


Kết luận ở đây là gì?


Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta có thể thất bại vì chấp vào cái riêng rất nhỏ bé của cá nhân, thí dụ như tự ái hão, mà hy sinh cái chung rất to lớn của tập thể. Hãy nghiệm lại mà xem....


1 nhận xét:

  1. Bác làm con làm ướt cái màn hình, cười rung rúng với cái đoạn này.

    "Hơn 45 năm trước từng là cầu thủ của đội banh sinh viên Việt Nam của Paris đi dự Đại hội Thể thao Sinh viên Âu châu tại Besançon và giữ vị trí then chốt là đứng sau thủ môn. Cách một cái lưới. Để nhặt banh."

    Trả lờiXóa