Thứ Ba, tháng 12 02, 2014

Lời Lỗ Trong Quan Hệ Kinh Tế Mỹ-Tầu



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 141201
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Những bất lợi cho Hoa Kỳ khi buôn bán với Trung Quốc 

 * Luồng mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - Số liệu 2012 *


Cuối năm 2000, khi Chính quyền Bill Clinton chuẩn bị chấp nhận Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Quốc hội Hoa Kỳ thời đó đã đóng chốt phòng ngừa qua việc biểu quyết đạo luật cho thành lập một Hồi đồng Duyệt xét Quan hệ Kinh tế và An ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (U.S.-China Economic and Security Review Commission). Hội đồng này thường xuyên nghiên cứu nhiều khía cạnh đa diện trong quan hệ Mỹ-Hoa để khuyến cáo Quốc hội và Hành pháp có biện pháp thích ứng nhằm bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ khi giao kết và hợp tác với nước Tầu. Công trình nghiên cứu do các chuyên gia thực hiện được công bố cho dư luận để theo dõi phản ứng của chính quyền trước những lạm dụng hoặc sai trái của Bắc Kinh.

Tháng 11 vừa qua, căn cứ trên các dữ kiện thu thập tới ngày 17 tháng trước, Hội đồng Duyệt xét đã đệ trình Quốc hội khóa 113 sắp mãn nhiệm bản Phúc trình Thường niên cho năm 2014. Bên trong bản phúc trình dày hơn 600 trang, ta có thể đọc được nhiều chi tiết về quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Tầu....

Vì "kinh tế cũng là chính trị", chúng ta nên chú ý đến nhận định của các chuyên gia đa ngành trong Hội đồng Duyệt xét.

Về bối cảnh thì sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 rồi Hội nghị kỳ 3 của Ban chấp hành Trung ương mới vào Tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra kế hoạch cải cách kinh tế và chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn trong giai đoạn chuyển hướng này. Nhưng theo Hội đồng Duyệt xét thì trong năm 2014, Trung Quốc vẫn lại tập trung kích thích kinh tế hơn là áp dụng cải cách. Kết quả thì kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng sát chỉ tiêu chính thức là 7,5% trong ba quý đầu của năm nay, mà chính quyền lại không giải quyết những thất quân bình trong cơ cấu, như nạn sản xuất thừa, gánh nợ gia tăng của các địa phương và nạn bong bóng đầu cơ.

Hậu quả thì kinh tế Trung Quốc gặp rủi ro đình trệ, thậm chí hạ cánh nặng nề. Nhưng thất quân bình kinh tế của Trung Quốc - ở bên trong và đối với bên ngoài - vẫn đè nặng lên kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu.

Vì vẫn trông vào xuất cảng để tăng trưởng, Trung Quốc áp dụng chính sách hối suất rẻ cho dễ bán hàng và tích lũy một dự trữ ngoại tệ kỷ lục, nhưng lại góp phần gây thêm thất quân bình ngoại thương cho toàn cầu

Dù đà sản xuất có giảm, xuất cảng của Trung Quốc cứ tăng và trong năm 2014 vẫn đạt xuất siêu. Riêng với Hoa Kỳ thì trong tám tháng đầu năm, nhập siêu của Mỹ với Tầu - mua nhiều hơn bán - đã tăng 4,1% quy ra toàn năm và lên tới ngạch số tổng cộng là 216 tỷ đô la. Vì với bên trong, Trung Quốc không chuyển nền kinh tế qua hướng nâng sức tiêu thụ để tìm lực đẩy cho tăng trưởng cho nên vẫn quá lệ thuộc vào xuất cảng và đầu tư. Hậu quả lại làm kinh tế Hoa Kỳ giảm mất cơ hội xuất cảng vào Trung Quốc.

Một khía cạnh khác là về đầu tư trực tiếp (foreign direct investment). Năm 2014 là lần đầu mà đầu tư trực tiếp của Tầu vào Mỹ lại vượt số đầu tư của Mỹ qua Tầu. Có hai yếu tố giải thích chuyện này.

Trong khi đầu tư của Trung Quốc vẫn tăng mạnh do chủ trương "hướng ngoại" được đưa ra năm 2001 thì Bắc Kinh lại tăng cường áp dụng đạo luật có tên là "Chống độc quyền" để cản lượng đầu tư của ngoại quốc vào thị trường của mình. Một cách cụ thể thì họ viện dẫn đạo luật để điều tra và sách nhiễu các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong khu vực được họ gọi là "chiến lược" hay "mới nổi" (nên cần nâng đỡ), kể cả ngành xe hơi và thông tin điện tử. Ngoài ra, cách áp dụng luật lệ không đồng đều, tình trạng thiếu minh bạch và cả chiến dịch truyền thông nhà nước tấn công doanh nghiệp ngoại quốc không khí đầu tư của nước ngoài vào xứ này bị suy đồi.

Hậu quả là đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc giảm 1,8% trong tám tháng đầu năm nay so với cùng kỳ của năm ngoái. Ngược lại, đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ lại tăng, từ một tỷ chín vào năm 2007 thì năm năm sau đã vọt lên tới 17 tỷ và năm nay sẽ còn lên nữa.

Riêng mâu thuẫn về mậu dịch Mỹ-Tầu lại càng căng thẳng vì năm nay có nhiều phán quyết của tổ chức WTO và vì Bộ Thương Mại Hoa Kỳ quyết định truy tố năm binh lính của Quân đội Trung Quốc về tội thi hành một chương trình của nhà nước nhằm xâm nhập không gian điện toán với hy vọng ăn cắp tác quyền thương mại của doanh nghiệp Mỹ.

Về các phán quyết thì WTO đồng ý với nguyên cáo Hoa Kỳ việc Trung Quốc phi pháp giới hạn việc xuất cảng kim loại quý gọi là "đất quý" và áp đặt biện pháp gọi là chống bán phá giá và đòi loại lệ phí gọi là trả đũa chống xe hơi nhập cảng từ Hoa Kỳ. Nhưng còn nhiều mâu thuẫn khác thì cho tới nay WTO chưa phán quyết dù Hoa Kỳ đã lập hồ sơ khiếu nại, như việc Trung Quốc từ chối thông báo về các biện pháp trợ cấp hoặc ban hành những quy định khiến doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao kỹ thuật cho các công ty của Trung Quốc.

Sau những nhận định khái quát, bản phúc trình của Hội đồng Duyệt xét kết luận:

Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, ngoại thương giữa hai nước đã tăng vọt, mà ngày càng thiếu cân đối. Năm ngoái, Tầu bán hàng cho Hoa Kỳ gấp bốn lần số tiền mua hàng của Mỹ và đạt mức thặng dư mậu dịch kỷ lục, cao gấp ba mực thặng dư của Nhật với Mỹ.

Về phẩm, hàng hóa Tầu bán cho Mỹ lại là loại có trị giá gia tăng rất cao so với hàng mua của Mỹ. Hậu quả là một bất công nối dài.

Doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và tuyển thêm nhân công có lương cao hơn ở đây để kiếm lời khi họ xuất cảng ngược về Hoa Kỳ. Nhưng các doanh nghiệp này lại mất dần sức cạnh tranh vì chánh sách bảo vệ của Trung Quốc. Trong khi đó, ngành chế biến tại Hoa Kỳ sa sút dần một phần chính là vì doanh nghiệp Mỹ xuất cảng việc làm qua Tầu. Theo bộ Lao động thì việc làm trong ngành chế biến đã giảm mất 29%.

Đấy là điều bất lợi cho thành phần trung lưu tại Mỹ, cho nên ngày nay đến 52% dân Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ đe dọa quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ trong tương lai.

Đã vậy, lãnh đạo Trung Quốc còn định chế hóa việc bảo vệ doanh nghiệp nhà nước và tạo lợi thế cạnh tranh bất chính cho các ngành họ gọi là "chiến lược" khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng sẽ gặp khó khăn trong tương lai, chứ không thể tiếp lục kiếm lời bằng cách đầu tư vào thị trường Hoa lục.

Từ nhiều năm qua, Washington đã kết hợp cả nỗ lực ngoại giao lẫn pháp lý để tránh tình trạng bất cân xứng trong quan hệ kinh tế với Bắc Kinh nhưng không có kết quả. Chẳng những vậy, trong lãnh vực hối đoái chẳng hạn, Chính quyền đương nhiệm lại thiếu tích cực khi gây sức ép để Bắc Kinh thay đổi chính sách trợ giá nhằm xuất cảng nhờ hối suất rẻ.


***


Bản phúc trình của Hội đồng Duyệt xét Quan hệ Kinh tế và Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy sự bất lợi của kinh tế Mỹ khi làm ăn buôn bán với Tầu. Đấy là chưa nói đến nhiều khía cạnh khác trong quan hệ giữa hai nước. Bản phúc trình được công bố khi Mỹ có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống, với sự thắng thế của đảng Cộng Hòa, đa số theo xu hướng tự do mậu dịch và có thái độ nghi ngờ Trung Quốc. 

Qua năm tới, Quốc hội khóa 114 sẽ có thái độ khác với Bắc Kinh và gây sức ép rất mạnh với Chính quyền Barack Obama để có những biện pháp dứt khoát hơn trong hai năm còn lại....


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét