Thứ Sáu, tháng 2 06, 2015

Âu Châu và Đấu Trường Hy Lạp



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150106

Hy Lạp Dọa Tự Thiêu Giữa Phiên Chợ Âu Sầu

* Tổng trưởng Tài chánh Đức kinh ngạc nhìn Tổng trưởng Tài chánh Hy Lạp tại Berlin *



Hôm Chủ Nhật 25 tháng trước, dân Hy Lạp dồn cho đảng cực tả Syriza 36,3% số phiếu, hôm sau thì Syriza quyết định liên hiệp với đảng cực hữu là Người Hy Lạp Độc Lập (Independent Greeks Party) để cùng 4,7% số phiếu của đảng này nắm được đa số cầm quyền. Lãnh tụ Syriza là Alexis Tsipras, 40 tuổi, lên làm Thủ tướng Hy Lạp. Ông bổ nhiệm Giáo sư Kinh tế Yanis Varoufakis làm Tổng trưởng Tài chánh. Tuần này, Varoufakis đi du thuyết các nước Âu Châu để thảo luận về kế hoạch cứu nguy kinh tế Hy Lạp.

Vì tương lai khối Euro và cả tổ chức Liên hiệp Âu châu tùy thuộc vào hồ sơ Hy Lạp, chúng ta nên nhìn vào đó một chút....

***

Sau năm năm lao đao vì khủng hoảng kinh tế và nhà nước lún sâu dưới một núi công trái, dân Hy Lạp hết tin hai đảng truyền thống. Thuộc cánh trung hữu là Tân Dân Chủ New Democracy và trung tả là đảng Xã hội PASOK (Pan-Hellenic Socialist Movement). Đảng Tân Dân Chủ còn được 27,8% chứ PASOK chỉ được 4,7% rất bèo nhèo. 

Syriza là tiếng Hy Lạp của "Liên hiệp Cực tả" (Coalition of the Radical Left), quy tụ gần hai chục nhóm hành động Mác-xít (khỏi mất công dịch, chắc độc giả cũng thấy đỏ lòm):  1) Active Citizens; 2) Anticapitalist Political Group; 3) Citizens’ Association of Riga; 4) Communist Organization of Greece (KOE); 5) Communist Platform of Syriza: 6) Greek Section of the International Marxist Tendency; 7) Democratic Social Movement (DIKKI); 8) Ecosocialists of Greece; 9) Internationalist Workers’ Left (DEA); 10) Movement for the United in Action Left (KEDA); 11) New Fighter; 12) Radical Left Group Roza; 13) Radicals; 14) Red; 15) Renewing Communist Ecological Left (AKOA); 16) Synaspismós; 17) Union of the Democratic Centre; 18) Unitary Movement, và một nắm cán bộ sách động thiên tả khác.

Khi đi bỏ phiếu, người dân thấy chủ trương của Syriza là hấp dẫn vì họ đòi xoá khoản công trái (nợ của nhà nước) và nhất là tăng lương công chức, nâng mức hưu liễm và cho tư nhân nào mắc nợ không đủ tiền trả thì được miễn, v.v... Thật ra, người dân bình thường ít chú ý đến khái niệm trừu tượng như hiện giá (net present value) của gánh quốc trái sẽ được giảm bao nhiêu, thuật ngữ trong nghề gọi là haircut, gọt tóc bọn có tóc là giới đầu tư chủ nợ. Người dân quan tâm đến lương, bổng, việc làm và những phúc lợi cụ thể của đời sống.

Bây giờ, chuyện đường mật của nhóm ô hợp đầy ảo giác ấy được trao cho một người thực hiện. Đó là Giáo sư Varoufakis. Cái tên làm ta liên tượng đến một Fakir, loại pháp sư có phép thần thông có thể đi trên đinh và đạp lên lửa!


***


Không là kẻ mơ ngủ với bích chương và khẩu hiệu, thật ra, Yanis Faroufakis được đào tạo về thống kê, kinh toán và kinh tế tại Hy Lạp và Anh quốc, từng giảng dạy tại các Đại học Hy Lạp, Úc, Mỹ (Phân khoa Lyndon B. Johnson về Chánh sách Công quyền của Đại học Texas University at Austin, một trường được thành lập từ năm 1883, vào một năm Mùi, khi Karl Marx tạ thế. Vui chi lạ!) Có quy chế song tịch, Hy Lạp và Áo, Varoufakis từng là cố vấn cho Thủ tướng Georgios A. Papandreou thuộc đảng PASOK trong những năm Hy Lạp chất nợ như núi, từ 2004 đến 2006. 

Đáng chú ý là trong lãnh vực kinh tế, Varoufakis chuyên về "thuật đấu trí", game theory. Nôm na là cách dự toán phản ứng của nhiều phe trong một trận đấu trí hay đấu lực. 

Vì vậy, khi tay Fakir này tự nhận là "libertarian-Marxist" ta có thể tin là chàng cũng đang chơi trò đấu trí cho truyền thông nhức đầu và đối phương ngơ ngẩn. Người libertarian theo chủ nghĩa tự do tuyệt đối cho công dân và đòi tiết giảm tối đa vai trò của nhà nước đến tối thiểu. Người Mác-xít thì ngược lại, nhà nước là công cụ của cách mạng nên phải kiểm soát tất cả! Phải là Pháp sư thì mới vẽ ra một hình tròn có bốn góc đối nghịch như vậy....

Bây giờ, từ tháp ngà của cõi hàn lâm bước xuống, Yanis Varoufakis lâm trận để thực hiện giấc mơ Mác xịt cho dân Hy Lạp.


***


Có ý thức về chiến lược, vì đây là một trận đấu trí, Varoufakis khoác áo du thuyết tới các thủ đô Âu Châu như London, Paris, Rome rồi mới đến Frankfurt nói chuyện với Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và sau cùng vào nhày Thứ Năm mùng năm là tới Berlin gặp vị tương nhiệm là Tổng trưởng Tài chánh Wolfgang Schaeuble của Cộng hoà Liên bang Đức.

Trong trận đấu trí, Pháp và Ý thông cảm với lập trường của Hy Lạp hơn các nước khác. Nhưng, Ngân hàng ECB và Chủ tịch Mario Draghi mới giữ vị trí quyết định về chuyện tha nợ hay không. Và tha nhiều hay ít thì tùy vào quốc gia phải chi trả nhiều nhất, tới 17%, là Đức.

Ở vòng ngoài, theo dõi trận đấu trí có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ái Nhĩ Lan (Ireland).

Họ tính điểm của Hy Lạp mà nghĩ đến chuyện ở nhà. Tây Ban Nha có đảng Podemos cũng theo trường phái cực tả Syriza. Hy Lạp mà đòi được giảm nợ thì Podemos sẽ thắng thế trong cuộc bầu cử dự trù vào cuối năm nay. Các chính quyền Ái Nhĩ Lan và Bồ Đào Nha thì lao đao vì chủ trương kinh tế khắc khổ của Âu Châu nên cũng e là nếu Hy Lạp thắng điểm thì họ sẽ bị cử tri trừng phạt vì bắt họ uống thuốc đắng quá lâu mà chưa lành bệnh kinh tế.

Ở vành ngoại biên, có Liên bang Nga của Putin đang cầm một nắm bạc vụn dụ Hy Lạp chơi trò phá bĩnh cho Liên Âu vất vả mà khỏi gây sức ép về chuyện Ukraine. Đảng cực hữu trong liên minh cầm quyền của Syriaza vốn coi Vladimir Putin là thần tượng và chủ nghĩa quốc gia Hy Lạp là trên hết!

Bên kia, Tổng thống Barack Obama cho thấy bộ mặt thật khi bênh vực lập trường của Syriza trong cuộc phỏng vấn được CNN phát hình vào Chủ Nhật vừa rồi. Người phỏng vấn chẳng là ai khác, bình luận gia Fareed Zakaria, một con vẹt của cánh tả và coi Obama là thần tượng!

Gác bỏ bên ngoài những kẻ ở xa mà nhìn vào "đấu trường", ta thấy ra hai cực chính yếu là Đức và Hy Lạp, với quy luật dễ hiểu là Hy Lạp đòi tối đa mà Đức chỉ cho tối thiểu. 

Nếu cho nhiều quá thì đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel bị cử tri phàn nàn, bị cánh hữu tấn công và có khi thất cử vì bắt dân gánh nợ quá nhiều cho Hy Lạp mà Chính quyền Syriza lại chẳng muốn cải thiện tình hình chi tiêu bên trong. Các giới chức tại Berlin đều nói đến lập trường đối đế của Đức: nếu Hy Lạp không chịu và muốn ra khỏi khối Euro thì cũng đành.

Từ góc sân bên này, Yanis Varoufakis đi vào trận với một lời nói thách. Không xóa nợ cho em thì... "Thiên địa đồng thọ" - đôi ta cùng chết! Hy Lạp mà ra khỏi khối Euro - kịch bản "Grexit" - thì đồng Euro sẽ là đồng sứt, nhiều xứ khác cũng túa chạy theo để tha hồ tiêu xài như ý. Họ sẽ chảy ra nước! Mà theo luật lệ hiện nay của Liên hiệp Âu châu, nếu Hy Lạp ra khỏi khối Euro thì cũng ra khỏi Liên Âu. Cả kiến trúc nguy nga do 28 quốc gia dựng lên từ bao năm nay sẽ rung chuyển, có khi đi vào tan rã!

Chúng ta lạnh lùng trở lại "thuật đấu trí" trong bi kịch Hy Lạp.


***

Ta có thể nghĩ đến hai phe mạnh (Đức) và yếu (Hy Lạp) và theo thông lệ thì mạnh dễ thắng yếu. Nhưng trận đấu trí này là cuộc thi đua tự sát. 

Sau khi Hy Lạp dọa già thì Đức đã trả lời: xin cứ tự nhiên. Trong cuộc phỏng vấn của BBC hôm Thứ Tư vừa qua, một kinh tế gia người Đức so sánh đòn dọa của Hy Lạp với hành vi của một người dọa nhảy lầu tự tử. Lối so sánh cho thấy vị học giả đó chưa hiểu ra quy mô của trận đấu:

Thật ra, Hy Lạp không rơi một mình vào khoảng trống mà ôm một bình xăng đòi tự thiêu giữa phiên chợ Âu châu!

Chúng ta cần lùi lại một chút và bịt tai để khỏi nghe nhiễu âm của tuyên truyền hay tranh luận thì mới hiểu ra cái lẽ hư thực về kinh tế và chính trị của trận đấu. 

Trong trận này, dân Đức quan tâm nhất đến việc đừng xoá nợ cho một thành viên đã lạm dụng cơ chế chung mà tiêu xài phung phí. Bên kia, dân Hy Lạp ít lo về gánh nợ ấy mà chỉ mong thoát khỏi khuôn khổ bức bí của chánh sách kinh tế khắc khổ. Xin viết lại cho rõ hơn quy củ của trận đấu: Dân Đức không cần biết đến chế độ hưu liễm hay trợ cấp của Hy Lạp mà chỉ cần giảm nợ tối thiểu. Dân Hy Lạp khỏi cần biết đến mức giảm nợ ấy là bao nhiêu mà chỉ mong có đời sống dễ thở hơn. 

Đấy là chuyện thực và nếu đôi bên đều coi đó là ưu tiên thì vẫn tìm ra giải pháp dung hòa. Là nhượng bộ về chuyện phụ mà đạt thỏa thuận về chuyện chính. Với Hy Lạp, chuyện phụ là biện pháp giảm nợ và chuyện chính là chấm dứt chính sách kiệm ước. Với Đức, chuyện phụ là cái ách kiệm ước của Hy Lạp và chuyện chính là hạn chế việc giảm nợ. Thời điểm quyết định về phép tiến thoái qua đàm phán sẽ là mùng một Tháng Ba tới đây.

Khốn nỗi, vì sự chủ quan duy ý chí tiêu biểu của tư tưởng cực tả, Varoufakis không nói thách về chuyện chính mà lại đưa chuyện phụ, giảm nợ, thành đòn sinh tử cho quốc gia và cả tập thể. Đấy là bi kịch tính đầy chất Hy Lạp. Trong một trận đấu mà phe yếu lại không sợ chết, hoặc tính ngược rủi ro như vậy, thì rất dễ là phe chiến thắng. Chiến thắng ảo của Hy Lạp sẽ là sự tiêu vong của khối Euro và kế tiếp là đà phân hóa rồi tan rã của Liên Âu.

Người ta kể rằng khi chạy qua London viết sách "Tư bản luận", Karl Marx gãi ghẻ sồn sột trong tiếng hậm hực: "Thế giới sẽ phải nhớ đến vết ghẻ của ta!" Ít ai ngờ là 132 năm sau khi Marx qua đời, vi trùng ghẻ của ông đã lan tới Hy Lạp. Và được một đám cộng sản điên thổi ra tứ phương! 

Tội cho Âu Châu....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét