Thứ Tư, tháng 8 12, 2015

Niệm Khúc Cuối….


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống Ngày 150811
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Khi Cuộc Tình Đã Chết   

* Lý Thương Ẩn (813 - 858) *




Nhân khi khách đang ngâm câu “Bắc Du Ngũ Ngôn Khúc” của Nguyễn Thượng Hiền, nôm na là phiêu du lên miền Bắc, người viết thừa cơ đóng cửa chẳng tiếp ai. Và oanh kích vào chuyện sống chết mà đạn lạc vào… vườn nhà.


***


Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta gặp ông ta lần đầu khi Thúc Sinh lén thăm nàng Kiều bị Hoạn Thư nhốt trong Quan Âm Các mà chàng cóc dám cứu. Cái anh chàng đa tình - trò gì cũng biết hơi hơi chứ nết sợ vợ thì thuộc hàng cao thủ – chỉ biết thở vắn than dài, rồi buông lời ai oán:

Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Con tầm đến thác cũng còn vương tơ.

Lần cuối chúng ta gặp ông ta là khi Thúy Kiều tái hồi Kim Trọng và đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm đàn:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp, hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế, hay tình Đỗ quyên?
Trong sao, châu nhỏ doành quyên
Ấm sao, hạt ngọc Lam Điền mới đông!

“Ông ta” đây là Lý Thương Ẩn, một nhà thơ đời Vãn Đường bên Tầu.

Khi gắn vào miệng Thúc Sinh lời thở than đến chết vì cuộc tình với nàng Kiều đang bị Hoạn Thư tập trung cải tạo trong Quan Âm Các, Tố Như đã mượn một bài Vô Đề của Lý Thương Ẩn:

Tương kiến thời nan, biệt diệc nan
Đông phong vô lực bách hoa toàn…

Với câu “thực” là

Xuân tàm đáo tử ti phương tận
Lạp chúc thành hôi lệ thủy can…

Gặp nàng đã khó, xa nàng còn khó hơn nữa
Gió Đông kia bất lực, để trăm hoa tàn
Con tầm mùa Xuân đến chết vẫn còn nhả tơ
Ngọn nến sáp kia có thành tro thì lệ mới khô….

Nguyễn Du lấy thơ Lý Thương Ẩn để cho ta hình ảnh “con tầm đến thác vẫn còn vương tơ”. Sau này, Ngân Giang nữ sĩ cũng lấy câu kia để viết ra “đêm nay lệ nến rơi thành chữ”…

Cái nghiệp tình của cả hai!

Vào đoạn cuốiTruyện Kiều, Nguyễn Du lại mượn bài thơ đầy những điển cố của Lý Thương Ẩn để diễn tả cảnh Thúy Kiều gẩy đàn bên Kim Trọng. Đó là bài Cẩm Sắt, cây đàn gấm. Đấy cũng là một bài Vô Đề nhưng lấy tựa ở chữ đầu tiên:

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ, tứ hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh, châu hữu lệ
Lam Điền nhật noãn, ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đang thời dĩ vọng nhiên!

Nếu có gượng dịch thì ta có

Năm chục tơ huyền những sợi duyên
Mỗi dây mỗi trụ nhớ hoa niên
Mộng sớm Trang sinh mơ con bướm
Lòng xuân Thục đế gửi chim quyên
Trăng chiếu biển xanh, tràn nước mắt
Ngọc ấm Lam Điền, bốc khói tiên
Tình này gợi mãi lên niềm nhớ
Hẹn tới kiếp sau nối ước nguyền!

Đấy chỉ là gượng dịch của thợ thơ này, chứ Tố Như kia mới là thợ trời!

Mà vì sao nhắc tới Lý Thương Ẩn? - Vì chán đời nên đạn lạc!

Tự Nghĩa Sơn, có hiệu là Ngọc Khê Sinh, Lý Thương Ẩn sinh năm 813 mất năm 858, là nhà thơ trác tuyệt thời Vãn Đường ngang hàng Ôn Đình Quân và Đỗ Mục, tài nghệ được Vương An Thạch sánh với Đỗ Phủ. Chuyện ấy thật ra vô ích, nếu không nói thêm rằng ngày nay Tây phương lại đánh giá Lý Thương Ẩn rất cao và còn điểm ra nhiều ảnh hưởng của ông trong thơ, nhạc và phim Mỹ!

Chuyện đáng nói hơn vậy là trong thế giới ngày nay, Lý Thương Ẩn có thể là một “celebrity”.

Chẳng vì tứ thơ lãng mạn hình ảnh trữ tình mà vì chữ tình. Ông nổi tiếng vì cứ hay tìm nỗi đoạn trường mà đi khi mê một đạo sĩ Tống Hoa Dương. Tội nặng với Ngọc Hoàng. Lại còn giỡn mặt tử thần và vuốt râu Hoàng Đế mà trồng cây si trước khuê phòng của hai cung phi là Lư Phi Loan và Khinh Phụng.

Với mối tình éo le như vậy thì làm sao “loan phụng hòa minh” để yên bề gia thất? Vì vậy, thơ Lý Thương Ẩn mới chất ngất niềm u uẩn. Vịnh cây đàn sắt có năm chục dây, ông ngây ngây nhớ chuyện Trang sinh mơ mình hóa bướm, hay vua Thục đế mất nước mà thác ra con chim khóc hoài tiếng quốc quốc.


***


Bài này được viết khi tác giả bật máy định gõ về cái chết của Mohammad Omar, tay Mullah cầm đầu tổ chức Taliban của xứ Afghanistan.

Trong chốn người mù, thằng chột làm vua – nói vậy tại Thái Lan là vào tù vì tội khi quân khi vua Thái có một con mắt bằng thủy tinh – anh chàng chột mắt Omar là vua một cõi A Phú Hãn từ năm 1996 với rất nhiều hành động sát nhân vô đạo. Cho tới khi bị Hoa Kỳ đánh bật khỏi Kabul vào cuối năm 2001. Omar được Mỹ treo giải trị giá 10 triệu đô la nhưng an toàn lẩn trốn bên Pakistan, rồi chết vì bệnh lao trong một nhà thương tại Karachi từ hai năm nay - mà chẳng ai hay! 

Hay thật….

Khi cái chết của Omar được xác nhận thì tổ chức Taliban lâm vòng khủng hoảng vì chuyện kế tục. Đấy là thời sự tuần này.

Và người viết bật máy để gõ chuyện chó chết chưa hết chuyện mà chỉ sợ khách bên đình đòi mình viết về chuyện tương tự, là cái chết thật hay sống giả của Phùng Quang Thanh. Cho nên thấy nản!

Thà là nhớ tới Nguyễn Du, Thúy Kiều hay những mối tình tuyệt vọng của Lý Thương Ẩn còn hơn. Đấy mới là niệm khúc cuối rất đáng niệm. Ít ra cũng được vài trống canh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét