Thứ Ba, tháng 8 04, 2015

Dân Chủ: Đảng Của Dân Nghèo?

Vũ Linh - Việt Báo Ngày 150804

Đảng DC năm 1975 cũng mạnh mẽ chống đối TT Ford mở cửa tiếp nhận dân tỵ nạn....

* Một nhân vật Dân Chủ, thuộc loại giàu nhất, John Kerry, đang đái vào Hiến pháp Hoa Kỳ - Hý họa tuyệt vời của Michael Ramiorez trên tờ Investment Business Daily * 


Đảng Dân Chủ là đảng của dân nghèo, thiểu số, tỵ nạn,... Có thật vậy không? Cách đây khá lâu, cột báo này đã bàn qua những huyền thoại sai lầm về đảng Cộng Hoà (CH), để làm sáng tỏ vài quan điểm đã in sâu trong suy nghĩ của nhiều người, qua những rao rảng của TT Obama và truyền thông dòng chính.

Bây giờ, ta thử nhìn qua những huyền thoại chính về đảng Dân Chủ (DC).


DC LÀ ĐẢNG CỦA DÂN NGHÈO


Đây là hình ảnh quan trọng nhất, được nhiều người chấp nhận nhất. Nhưng cũng là sai lầm lớn nhất.

Trên căn bản, đúng là DC chủ trương giúp dân nghèo nhiều nhất, qua trợ cấp đủ loại. DC có chủ trương rất rộng rãi về trợ cấp, từ phiếu thực phẩm đến bảo hiểm y tế, trợ cấp đông con, tiền thất nghiệp, v.v...

Như đã nhiều lần bàn qua trên cột báo này, Nhà Nước Obama đã hãnh diện khoe số người lãnh Medicaid đạt được kỷ lục cao nhất xưa nay. Một kỷ lục mà nhiều người hoan hô, nhưng riêng kẻ viết này thấy là một... tin đáng buồn hơn vui. Đúng vậy, trách nhiệm của Nhà Nước là làm cho dân giàu nước mạnh, chứ không phải là cố làm sao cho càng nhiều người nghèo khổ, sống nhờ trợ cấp càng tốt.

Trợ cấp trong nhiều trường hợp là điều cần thiết, vì lý do nhân đạo, cũng như để tránh bất ổn xã hội, để giúp những người thiếu may mắn.

Nhưng trợ cấp cũng có mặt trái. Trợ cấp biến con người thành một thứ nô lệ tân thời, nô lệ của trợ cấp, nô lệ của đảng cầm quyền. Một khi dính vào tròng trợ cấp, khó thoát ra, và càng ngày càng lệ thuộc trợ cấp. Người lãnh trợ cấp đâm ra ỷ lại vào trợ cấp, mất dần ý chí tự lập. Mà một khi đã lệ thuộc vào trợ cấp thì sẽ mãi mãi phải vật lộn với mức chi tiêu trong vòng trợ cấp, có nghiã là sẽ luôn luôn nghèo túng, không bao giờ có cơ hội tiến thân vì trợ cấp chỉ giúp sống qua ngày, không bao giờ giúp leo lên bực thang xã hội.

Đó có phải là phương thuốc lý tưởng nhất để giúp dân nghèo không? Tuyệt đối không! Cách giúp dân nghèo đúng nhất là giúp họ thoát ra khỏi vòng nghèo túng chứ không phải giam hãm họ trong vòng trợ cấp.

Mà cách giúp hữu hiệu nhất là tạo công ăn việc làm qua tăng trưởng kinh tế, không phải qua tái phân phối lợi tức, tăng thuế tức là lấy tiền nhà giàu chia lại cho dân nghèo. Nói cách khác, cần làm cho cái bánh lớn ra, tất cả mọi người đều có phần lớn ra, thay vì cứ giữ cái bánh như cũ rồi lo chia phần cho đều hơn. Trách nhiệm của Nhà Nước là bảo đảm khi chiếc bánh lớn ra thì phần của mỗi người, nhất là phần của người nghèo cũng sẽ lớn ra, không bị mấy ông nhà giàu cưỡng chiếm mất.

Một điều nữa không nên quên. Trợ cấp không phải là cái vòi nước bất tận từ trên trời rơi xuống. Đó là tiền trong ngân sách quốc gia, lấy từ thuế hay vay mượn.

Nói trợ cấp có thể được tài trợ bằng tăng thuế nhà giàu, chỉ là nói vu vơ, không nhìn thấy thực tế của thế giới ngày nay. Trong cái thế giới này, không phải là có hai cái phòng có bốn bức tường ngăn cách hoàn toàn, một phòng cho dân giàu sống, một phòng cho dân nghèo, cả hai giới sống biệt lập, do đó, tăng thuế nhà giàu chẳng ảnh hưởng gì đến dân nghèo. Thực tế, cả hai giới sống lẫn lộn. Trong môi trường kinh tế liên đới hiện hữu, tăng thuế nhà giàu cũng là tăng thuế tất cả mọi người, vì mấy ông nhà giàu không dại gì chấp nhận tăng thuế mà không tìm cách chuyển lên đầu người nghèo và trung lưu, bằng cách tăng giá sản phẩm hay dịch vụ họ cung cấp cho thiên hạ, nghèo cũng như giàu. Tăng thuế ông đại gia Kroger sẽ đưa đến tăng giá thịt trong các tiệm Kroger, rồi tăng giá tô phở, và người lãnh đủ cuối cùng là anh nhân công đi ăn phở.

Tài trợ các trợ cấp bằng vay mượn? Nước Mỹ hiện nay đã tích lũy gần 20.000 tỷ nợ. Cái nợ đó không trả năm nay, sẽ phải trả 10, 20, 30 năm nữa. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Nếu nghĩ ăn mặn vẫn ngon hơn, khát nước là chuyện tụi con cháu, sao mình lại phải lo, thì đó có phải là suy nghĩ cho tương lai con cháu không? Nhìn vào gương Hy Lạp thì thấy ngay.

Trợ cấp đến một giới hạn nào đó là cần thiết và chính đáng. Quá mức đó thì cũng trở thành... một hình thức hối lộ, mua phiếu cử tri không hơn không kém.


DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN LAO ĐỘNG


Một màn ảo thuật lớn của đảng DC là thống kê về tỷ lệ thất nghiệp.

Ở đây, phải nói lại cho rõ. Dân Mỹ được chia ra ba thành phần:

a) những người được tính trong thống kê lao động, là những người đang đi làm, và những người thất nghiệp nhưng đang ghi tên tìm việc làm;

b) những người bị loại khỏi thống kê lao động, vì không đi làm quá lâu hay không ghi tên đi tìm việc làm;

c) những người có lý do chính đáng không được kể là lao động như trẻ em, người già đã về hưu, quân nhân tại ngũ, tù nhân, và những người đang nằm nhà thương.

Thành phần (a) là thành phần dùng để tính thống kê về tỷ lệ thất nghiệp. Lấy một ví dụ dễ hiểu: tổng cộng thành phần (a) là 100 người, trong đó 90 người đang đi làm, 10 người không đi làm nhưng ghi danh lãnh tiền thất nghiệp hay tìm việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp là 10/100 là 10%.

Sau một thời gian, có 4 người tìm việc không ra, hay làm biếng muốn nằm nhà không chịu đi tìm việc, hay nản chí không ghi tên tìm việc làm nữa. Họ bị loại ra khỏi (a), chuyển qua loại (b). Bây giờ thị trường lao động (a) còn lại 96 người, 90 đi làm như cũ, nhưng chỉ còn 6 thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp bây giờ là 6/96 là 6,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 10% xuống 6,2% nhờ 4 người đã bị loại ra khỏi thị trường lao động, chuyển qua thành phần (b).

Đó chính là thành quả giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 10% xuống 6% mà TT Obama đang khoe. Tỷ lệ giảm vì số người thất nghiệp quá lâu chứ chưa hẳn là do Nhà Nước tạo được việc làm cho dân. Bằng chứng cụ thể nhất là con số người bị loại khỏi thống kê lao động (a) chuyển qua (b) lên đến con số kỷ lục 93 triệu người, một phần ba tổng số dân Mỹ. Nhà Nước Obama và truyền thông phe ta rầm rộ khoe thành tích giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng im re về số người rơi vào khối (b), chỉ vì đa số thiên hạ không hiểu rõ cách tính thống kê của Nhà Nước mà thôi.

Theo Gallup, năm 2013, vì Obamacare, một nửa số doanh nghiệp tiểu thương đã đóng băng không thuê thêm nhân viên, trong khi một phần năm doanh nghiệp đã sa thải nhân viên. Năm 2014 là năm đầu tiên trong lịch sử Mỹ mà số doanh nghiệp tiểu thương đóng cửa cao hơn số doanh nghiệp mở cửa.

Nói trắng ra, đảng DC không lo âu chuyện thất nghiệp. Chẳng những không phải ưu tiên, mà càng nhiều người thất nghiệp càng tốt vì họ sẽ phải lệ thuộc vào trợ cấp, bắt buộc phải bỏ phiếu cho DC.

DC là đảng cổ võ cho nghiệp đoàn vì nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi nhân công. Chỉ tiếc là coi vậy chứ chưa chắc đã là vậy.

Những người tỵ nạn từ bốn thập niên trước hẳn còn nhớ hai hãng máy bay lớn nhất Mỹ thời đó là Pan American Airlines và Eastern Airlines. Rất nhiều dân tỵ nạn thời mới qua, những năm sau 75, đã làm việc cho hai hãng đó. Cả hai hãng đều đã không còn nữa. Phá sản dưới thời TT Carter, tất cả nhân công bị sa thải hết, hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp khi đó. Tại sao? Xin thưa hai công ty đó phá sản vì chi phí lương nhân viên quá cao, khiến họ không thể cạnh tranh được với mấy hãng máy bay mới và các hãng máy bay ngoại quốc. Lương cao là do kết quả tranh đấu của nghiệp đoàn. Như vậy nhìn cho kỹ, nghiệp đoàn chỉ có lợi ngắn hạn, theo quan điểm rất thiển cận, nhưng đưa đến thảm hoạ trong đường dài.

Kỹ nghệ xe hơi của Mỹ cũng ở trong tình trạng tương tự. Không cạnh tranh nổi với Nhật, Hàn Quốc, và Âu Châu vì lương nhân công quá cao. Đáng lẽ đã sập tiệm nếu không có TT Bush và TT Obama bơm tiền vào cứu, và Chrysler bị bán cho Ý.

Tại Mỹ, có 22 tiểu bang có luật không cho nghiệp đoàn ép nhân công phải gia nhập, và 28 tiểu bang, phần lớn là tiểu bang theo DC, như New York và Cali, có luật bắt ép này. Trong 10 năm qua, 22 tiểu bang không có luật bắt ép gia nhập nghiệp đoàn đã tạo ra 3,6 triệu việc làm, 28 tiểu bang có luật đó chỉ tạo được tổng cộng 0,9 triệu việc làm. Có nghiã là chỗ nào có nghiệp đoàn, chỗ đó nhân công khó kiếm việc làm hơn nhiều.

Những nghiệp đoàn cũng đang tranh đấu đòi tăng lương tối thiểu lên tới 15 đô, và được bà Hillary và đảng Dân Chủ ủng hộ trong khi Cộng Hòa chống đối. Ở đây vấn đề phải nhìn cho kỹ.

Đối với những đại công ty như Wal-Mart (mà bà Hillary trước đây là thành viên Hội Đồng Quản Trị) mà các vị chủ tịch, tổng giám đốc lãnh lương bạc triệu hay chục triệu trong khi một số lớn mấy người bán hàng chỉ được làm bán thời, lãnh lương chết đói mà không có quyền lợi gì như bảo hiểm y tế, nghỉ thường niên,... thì việc tăng lương tối thiểu cho nhân công là chuyện đáng làm và cần làm.

Nhưng đối với hàng triệu cơ sở kinh doanh tiểu và trung thương, tăng lương tối thiểu sẽ giết chết họ. Như cột báo này đã viết nhiều lần, thử hỏi ông chủ tiệm phở tại khu Bolsa, nếu bị bắt phải tăng lương tối thiểu lên 15 đô một giờ cho những người chạy bàn thì ông sẽ phản ứng như thế nào? Vui vẻ tăng lương họ để rồi lỗ lã, phá sản? Hay là sa thải họ để đi thuê dân Mễ ở lậu, trả lương rẻ hơn? Như vậy tăng lương tối thiểu có giúp cho dân lao động tiểu thương không? Hiển nhiên là không. Thay vì lương được lên 15 đô, họ sẽ mất job. Đó là quy luật kinh tế.

Cựu tổng giám đốc chuỗi nhà hàng McDonald khẳng định tăng lương tối thiểu lên 15 đô sẽ giết toàn bộ hệ thống McDonald. Ai cũng biết đây là hệ thống các tiệm ăn nhỏ được hưởng quyền đặc nhượng của McDonald, thường chỉ có một tá nhân viên, phần lớn là giới trẻ, học sinh lãnh lương tối thiểu.

Thành phố Seattle tăng lương tối thiểu lên 15 đô. Kết quả tức thời là hàng loạt nhân viên xin làm ít giờ hơn để còn có thể lãnh lương ít, trong mức xin được trợ cấp. Một khiá cạnh khác rất tai hại của trợ cấp: giảm năng xuất kinh tế cả nước.

Quý độc giả đừng hiểu lầm là kẻ viết này chủ trương cho dân lao động lãnh lương tối thiểu chết đói mãn đời. Kẻ tỵ nạn này khi mới qua Mỹ đã lãnh lương 80 đô một tuần trong nhiều năm. Vấn đề là tăng lương tối thiểu không phải là giải pháp, chỉ có tăng trưởng kinh tế mới giúp mọi người khá hơn. Có tăng trưởng kinh tế thì tự động sẽ có tăng lương. Không có tăng trưởng mà chỉ muốn tăng lương thì mọi người sẽ mất việc.

Chính sách kinh tế của TT Obama là một chính sách chú tâm vào tái phân chia tài sản theo mô thức “công bằng” xã hội chủ nghiã, không chú tâm vào phát triển kinh tế. Theo thông báo chính thức, tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong tam cá nguyệt đầu của 2015 là -0.7% (dấu âm, tức là suy giảm). Nói chung, trung bình tăng trưởng trong tam cá nguyệt đầu trong bảy năm từ 2009, khi TT Obama mới nhậm chức, là 0.4%, một kỷ lục thấp nhất trong tất cả các tổng thống từ sau Thế Chiến II.

Trong cuộc tranh cử năm 2012, TT Obama tố giác đảng CH và TĐ Romney chủ trương ủng hộ các đại công ty mở hãng xưởng ở ngoài nước khiến nhân công Mỹ thất nghiệp. Nếu ta theo dõi tin báo chí, đã thấy trung tuần tháng Năm vừa qua, TT Obama vận động cho TPP (Hiệp Ước Hợp Tác Liên Thái Bình Dương), đã đi thăm trụ sở công ty Nike tại Oregon, nức nở ca tụng chính sách và sự thành công của Nike. Nike chỉ có 8.000 nhân viên ở Mỹ trong khi có hơn một triệu nhân công lãnh lương chết đói trong vùng Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam). Chuyến viếng thăm của TT Obama làm sáng tỏ rất rõ quan điểm của ông đối với vấn đề các đại công ty mang job ra ngoài nước.


ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN DA MÀU


Đảng DC cũng chẳng phải là đảng của dân da màu. Nội chiến Nam Bắc Mỹ xẩy ra vì tổng thống CH Abraham Lincoln chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ da đen bị khối DC miền Nam nước Mỹ chống lại. Ngay cả cho đến thời các TT Kennedy và Johnson, lúc đầu cũng chống lại những tranh đấu của dân da đen đòi bình quyền. Cho đến khi miền Nam đại loạn, biểu tình, chống đối nổi lên khắp nơi dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King thì TT Johnson mới nhượng bộ, ký luật nhân quyền, rồi đúng theo mô thức của chính trị gia, nhẩy ra vỗ ngực khoe công “giải phóng” dân da đen!

Ngày nay, DC là đảng được dân da màu ủng hộ thật, vì là đảng ban bố trợ cấp rộng rãi nhất lịch sử Mỹ. Bất cứ ông bà nào ra tranh cử với danh nghiã DC sẽ được dân da đen nhiệt liệt bầu ngay, chỉ vì trợ cấp.

Nhưng trong con mắt của các chính khách DC, dân da màu vẫn chỉ là công cụ cho họ giữ cái ghế thôi. Ngay cả TT Johnson khi ký các đạo luật nhân quyền cho dân da đen cũng vẫn gọi họ là “mấy tên mọi” – niggers!

Trong vấn đề di dân bất hợp pháp gốc La-tinh cũng vậy, tất cả chỉ là chuyện đếm phiếu không hơn không kém. DC hô hào hợp thức hoá họ, nhưng chỉ là… đánh võ miệng thôi.

Nếu ta tinh ý một chút, sẽ thấy DC là đảng giả dối nhất trong vấn đề này. Trong hai năm 2009-2010, DC nắm Toà Bạch Ốc, và kiểm soát một cách tuyệt đối cả Thượng viện lẫn Hạ viện, họ đã có thể ra luật ân xá toàn diện cả chục triệu di dân lậu. Nhưng họ không làm gì hết, cho đến khi CH chiếm đa số tại Hạ Viện năm 2010 thì mới ồn ào kêu gọi ân xá để lấy điểm với khối cử tri Mỹ gốc La-tinh.

Ngay cả TT Obama, ông cũng chỉ lấy quyết định hoãn trục xuất trong nhiệm kỳ hai, khi ông không còn phải ra tranh cử nữa. Nếu lấy quyết định trước bầu cử năm 2012 thì biết đâu chừng bây giờ ta đã có TT Romney rồi.

Những người nghĩ rằng DC giàu lòng nhân đạo, lo cho di dân lậu chỉ là những nạn nhân ngây ngô nhất của chính trị Mỹ, vì đã không nhìn thấy giá trị của 10 triệu lá phiếu của di dân nếu được hợp pháp hoá.


ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ BẠN CỦA DÂN TỴ NẠN


Đây là lập luận của những ông bà tỵ nạn Việt ủng hộ đảng DC. Nhưng nhìn lại cho kỹ, coi dzậy mà hổng phải dzậy đâu.

Trước tiên, đảng DC là đảng đã bức tử Nam VN, sau khi thanh toán TT Diệm để áp đặt lính Mỹ vào Miền Nam mà vẫn thua VC, ép TT Nixon phải bỏ chúng ta, qua hàng loạt biện pháp khoá tay TT Nixon, cấm “bành trướng” chiến tranh qua CămPuChia và Lào, cắt giảm ngân sách, cắt giảm viện trợ quân sự cho Nam VN,... Chuyện “Nixon bán đứng Nam VN cho bác Mao” chỉ là chuyện đổ thừa chạy tội không có căn bản cũng chẳng hợp tình hay hợp lý mà cột báo này đã bàn quá nhiều lần.

Đảng DC năm 1975 cũng mạnh mẽ chống đối TT Ford mở cửa tiếp nhận dân tỵ nạn, trong đó có ba tiếng nói mạnh nhất là Jerry Brown, đương kim Thống Đốc Cali, John Kerry, đương kim Ngoại Trưởng, và Joe Biden, đương kim Phó Tổng Thống.

Năm 1978 khi hàng triệu quân cán chính miền Nam còn chết dở sống dở trong tù cải tạo, TT Carter gửi một phái đoàn qua Hà Nội thảo luận việc bỏ cấm vận và thiết lập bang giao nếu VC giúp tìm xác lính Mỹ. VC khi đó đang khủng hoảng kinh tế, chuẩn bị đánh CămPuChia và đối phó với Trung Cộng, nên ra giá bắt TT Carter nhận tù cải tạo trong khi gián tiếp trục xuất hàng vạn thuyền nhân, để xả bớt gánh nặng kinh tế và ưu tư an ninh nội bộ. Những người nghĩ Carter đón nhận HO vì lý do nhân đạo chỉ là những người ngủ mơ.
Ưu tiên của TT Carter là xác lính Mỹ, không phải tù cải tạo Việt Nam. Câu chuyện bị gián đoạn vì CSVN đánh CămPuChia, và sau đó, các ông CH Reagan và Bush cha lên làm tổng thống. TT Clinton năm 1994 tiếp nối chính sách của TT Carter, bỏ cấm vận, nhìn nhận và trao đổi quan hệ ngoại giao với CSVN. TT Obama hiện đang cố thân thiện tối đa với CSVN, phá lệ, trịnh trọng đón Tổng Bí Thư đảng CSVN tại Tòa Bạch Ốc, rồi gửi đại sứ Ted Osius đi gặp cộng đồng tỵ nạn tại San Jose, đeo huy hiệu cờ đỏ sao vàng, cấm treo cờ vàng trong hội trường, hô hào hòa hợp hòa giải với CSVN.

Nói tóm lại, tất cả những chuyện Dân Chủ là đảng của dân nghèo, lao động, di dân, da màu, tỵ nạn, v.v... chỉ là những huyền thoại do đảng Dân Chủ tạo ra, rồi được truyền thông phe ta quảng bá. Nguyên tắc chỉ đạo của nghệ thuật tuyên truyền là cho dù là một điều không đúng sự thật, nhưng nói mãi cũng sẽ có người tin, càng về lâu về dài càng nhiều người tin.

_____

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Dainamax xin thêm một tag, "Bài Viết Cho Những Người Ngu", ai giận thì tự xác nhận là đối tượng đáng quan tâm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét