Thứ Tư, tháng 9 23, 2015

Nếu Bắc Kinh Xuất Khẩu Đạn?

Nguyễn Lam - Nguyễn-Xuân nghĩa, RFA Ngày 150923
Diễn đàn Kinh tế
 
"Kho đạn ngoại tệ" của Bắc Kinh giảm sút vì họ "xuất cảng đạn" ra ngoài?

Kinh tế Trung Quốc, khối dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm sút nặng ... (ảnh minh hoạ)
* Kinh tế Trung Quốc, khối dự trữ ngoại tệ đã giảm sút nặng ... (ảnh minh hoạ) *  



Từ hai tháng qua, các thị trường tài chính quốc tế đều chứng kiến hiện tượng là khối dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm sút nặng và tính đến Tháng Bảy vừa rồi thì chỉ còn khoảng ba ngàn 560 tỷ đô la. So với đỉnh cao vào Tháng Sáu năm ngoái thì sụt chừng 440 tỷ đô la. Một trong các nguyên nhân của sự kiện ấy là nạn tẩu tán tư bản, hay chuyển tài sản từ dạng nội tệ là đồng Nguyên qua ngoại tệ là đồng đô la Mỹ. Nhưng nếu lãnh đạo Bắc Kinh lại nhân trào lưu ấy mà có chủ đích tung dự trữ để đầu tư ra ngoài thì sao? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu mặt trái của sự việc này qua phần trao đổi do Nguyên Lam thực hiện sau đây với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.


Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong chương trình phát thanh vào mùng hai vừa qua, ông nói đến sự kiện khối dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, được ước lượng là tương đương với bốn ngàn tỷ đô la vào năm ngoái nay đã hao hụt và chỉ còn chừng ba ngàn 560 tỷ tính đến Tháng Bảy. Ông gọi đó là “kho đạn của Bắc Kinh đang cạn dần” trên trận tuyến kinh tế đối ngoại. Kỳ này, chúng tôi xin hỏi ngược rằng nếu Bắc Kinh cố tình tung ngoại tệ ra ngoài trong mục tiêu đầu tư và bành trướng ảnh hưởng thì sao? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là câu hỏi này rất hay vì cho ta thấy một kịch bản khác về kho dự trữ ngoại tệ như một kho đạn. Có thể gọi kịch bản ấy là “Bắc Kinh xuất khẩu đạn” để sẽ có ngày sử dụng sau này. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về những mục tiêu giả định và khả năng thực hiện kế hoạch này.

- Trước hết, ta nhớ là Trung Quốc học các nước Đông Á khi cải cách kinh tế, lấy đầu tư và xuất khẩu làm lực đẩy, rồi nhà nước thu về một lượng ngoại tệ rất lớn nhờ đạt xuất siêu, là xuất nhiều hơn nhập. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 15 năm trước, quả nhiên Bắc Kinh gom về một khối dự trữ rất cao, tính đến Tháng Sáu năm ngoái là lên tới gần bốn ngàn tỷ đô la. Trong số này, họ dùng gần một phần ba, khoảng một ngàn bốn trăm tỷ, để mua tài sản Mỹ, chủ yếu là Công khố phiếu Hoa Kỳ, là cho Mỹ vay tiền. Mà việc cho vay tiền có giảm phân lời đi vay và lãi suất tại Hoa Kỳ nên giúp Trung Quốc dễ xuất khẩu hơn. Một mục tiêu kia của việc cho vay tiền là yêu cầu về an toàn vì thị trường tín dụng Mỹ có đặc tính sâu và rộng hơn năm thị trường lớn nhất đi sau và có tính lưu hoạt cao, là dễ đổi ra tiền mặt đem về.

- Xin nói thêm về bối cảnh hay tương quan trao đổi thì thị trường tiêu thụ Mỹ chỉ có  12% là nhập khẩu mà nhập khẩu từ Trung Quốc chưa bằng gần 1% của Tổng sản lượng Hoa Kỳ trong khi lại là thị trường sinh tử cho kinh tế Trung Quốc. Thứ nữa, thế giới khi đó cứ nói đến việc Trung Quốc là chủ nợ số một của Mỹ mà quên rằng chủ nợ số hai với gần một ngàn ba trăm tỷ là Nhật Bản và nước Nhật không coi Mỹ là một đối thủ về chính trị. Bây giờ, ta mới bước qua chuyện chính trị ấy.

Nguyên Lam: Trước khi nói đến tương quan chính trị như ông vừa nhắc thì chúng ta thấy một tương quan kinh tế khá bất ngờ. Đó là kinh tế Trung Quốc lại cần thị trường Hoa Kỳ hơn là ngược lại, và sau khi đạt xuất siêu thì cũng đẩy tiền qua cho Mỹ vay thì để dễ bán hàng vào Mỹ! Thưa ông có phải vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là đúng vậy nhưng tình trạng ấy đã hết sau vụ khủng hoảng tài chính và Tổng suy trầm 2008-2009. Hoa Kỳ giảm nhập khẩu và xuất siêu của Trung Quốc hết tăng. Trong khi ấy, Ngân hàng Trung ương Mỹ lại cắt lãi suất tới gần số không rồi ban hành biện pháp bơm tiền gọi là “tăng mức lưu hoạt có định lượng” hay “quantitative easing” khiến tiền rẻ và nhiều mới tràn ngập các thị trường. Trước sự kiện xuất khẩu vào Mỹ thì giảm mà đô la Mỹ lại rẻ, doanh nghiệp Trung Quốc bèn đi vay bằng đô la. Thực tế thì nhiều quốc gia cũng có động thái tương tự nên tổng cộng các nước đã mắc nợ thêm khoảng chín ngàn tỷ đô la, là một con số không nhỏ.

- Nhưng kinh tế Mỹ đã tạm phục hồi dù chưa mạnh nên từ năm kia, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ thông báo là giảm dần và chấm dứt việc bơm tiền rồi sẽ có lúc tăng lãi suất để trở về trạng thái bình thường nên từ năm ngoái, đồng Mỹ kim vọt lên giá. Khi đô la lên giá, và sẽ còn lên nếu lãi suất ngắn hạn được nâng khỏi số không, thì các quốc gia hay doanh nghiệp mà vay vào bằng đô la bị gánh nợ cao và đắt hơn. Vì vậy, yêu cầu trả nợ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc cần nhiều đô la hơn. Đã thế, vì đoán trước là đô la còn lên giá so với các đồng bạc khác, kể cả đồng Nguyên, giới đầu tư hay các doanh nghiệp và đại gia có tiền bèn nghĩ đến việc bán ra đồng Nguyên để mua vào đô la trước khi tiền Mỹ lên giá.

- Ngần ấy yếu tố mới dẫn đến chuyện đồng Nguyên bị sức ép khiến Bắc Kinh phá giá vào tháng trước rồi dùng khối dự trữ bán ra đồng Nguyên để mua vào đô la nhằm thanh toán nợ nần. Dự trữ ngoại tệ vì vậy bị hao hụt cả trăm tỷ trong có một tháng. Đó là chuyện "kho đạ"n của Bắc Kinh bị bào mỏng.

Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, cho dù Bắc Kinh đã mất vài trăm tỷ và sẽ mất thêm thì phần còn lại của khối dự trữ đó cũng có thể là các khoản đầu tư ra ngoài. Huống hồ, như ông vừa phân tích, giới đầu tư hay các doanh nghiệp và đại gia có tiền của họ đều đã đoán trước rằng tiền Mỹ sẽ tăng nên mới bán ra đồng Nguyên để mua trước đô la. Như vậy thì mình có thể nói rằng việc tẩu tán tài sản ấy cũng mang ý nghĩa tích cực là đầu tư ra ngoài được không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là chẳng những lãnh đạo Bắc Kinh có mơ điều ấy mà còn nhắm vào nhiều mục tiêu sâu xa hơn. Nhưng họ có thành công hay không lại là chuyện khác.

- Trong trung hạn, theo quy ước chung là từ hai đến năm năm, thì các dự án xây dựng Con Đường Tơ Lụa trên đất liền và ngoài biển hoặc việc thành lập định chế tài chính như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á Châu AIIB hay Tân Ngân hàng Phát triển của nhóm BRICS đều là loại đầu tư để bành trướng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể đã dự trù 900 tỷ đô la cho giấc mơ đầu tư ấy và tin là kế hoạch lớn lao này sẽ nâng mức xuất khẩu của các tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốc về thiết bị hay công nghệ, mà lại còn có lời lớn nếu đầu tư bằng đô la. Lý do là tiền Mỹ càng lên giá thì đồng bạc của các nước đối tác kia càng mất giá và chủ đầu tư là Trung Quốc sẽ thêm lợi.

- Trong dài hạn thì mối lợi ấy còn tăng gấp bội nếu Trung Quốc yêu cầu các nước đối tác thanh toán việc đầu tư hay đi vay bằng đồng Nguyên. Đấy là một cách đưa đồng bạc của họ vào thị trường quốc tế để sẽ thành một ngoại tệ giao hoán phổ biến trong toàn vùng Châu Á. Từ đó, Bắc Kinh tin rằng các nước kia sẽ dùng đồng Nguyên như một ngoại tệ dự trữ.

Nguyên Lam: Tức là Bắc Kinh vẫn có giấc mộng đưa đồng bạc của mình vào hàng ngoại tệ dự trữ sau này? Phải chăng là để cạnh tranh rồi sẽ có ngày thay thế đồng đô la Mỹ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh thường có tham vọng lớn và có cái nhìn trường kỳ như vậy.

- Chúng ta nên trở lại chuyện vừa nói ở trên là quan hệ kinh tế Mỹ-Hoa chỉ là sự lệ thuộc của toa tấu Trung Quốc vào đầu máy Hoa Kỳ nên họ có nỗ lực ta nên gọi là “thoát Mỹ” chứ không thể tiếp tục cho đối thủ vay tiền để dễ mua hàng của mình. Thứ hai, họ tung tiền đầu tư ra ngoài mà lại đầu tư bằng Mỹ kim để chiếm lợi thế khi đô la lên giá. Thứ ba, họ có thể đòi các nước thanh toán bằng đồng Nguyên để xứ nào cũng ghim sẵn đồng bạc Trung Quốc trong kho. Nếu sau này, hay vào năm tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF mà cho phép đồng Nguyên là một ngoại tệ trong cái giỏ dự trữ có đồng Mỹ kim, đồng Euro, đồng Bảng của Anh và đồng Yen của Nhât, thì sẽ càng củng cố tư thế quốc tế của đồng bạc Trung Quốc.

Nguyên Lam: Đấy có thể là giấc mơ của Bắc Kinh, nhưng thưa ông liệu họ có thành công được chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là ai chẳng mơ chuyện cung trăng, huống hồ lãnh đạo Bắc Kinh! Họ muốn quốc tế hóa đồng Nguyên và kiểm soát được lưu lượng đầu tư ra ngoài lẫn cả luồng đầu tư của nước ngoài vào Hoa lục. Nhưng thực tế thì họ gặp nhiều rủi ro lắm.

- Trước hết trong cái đà họ gọi là chủ động đầu tư ra ngoài thì vẫn có hiện tượng tẩu tán tài sản, chuyển ngân lậu và cả cái nạn rửa tiền cho các đại gia. Chẳng vậy mà nhiều ngân hàng ma bị Bộ Công an đóng cửa vì tội đã rửa hơn 60 tỷ đô la ở nước ngoài chứ không ít. Ta không quên trường hợp tương tự là khi Liên Xô cho đảng viên cán bộ đem tiền ra ngoài để bành trướng ảnh hưởng thì đồng tiền ấy không trở lại sau khi chế độ tan rã.

- Thứ hai, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể mơ ngày đánh bạt ảnh hưởng của đống Mỹ kim bằng một đồng Nguyên được quốc tế hóa, nhưng việc một đồng bạc mà trở thành ngoại tệ giao hoán và dự trữ đòi hỏi nhiều biện pháp cải cách không dễ thực hiện. Một cách cụ thể, khi đồng bạc được thả nổi theo quy luật cung cầu thì cũng có nhiều thành phần bị thiệt hại. Họ không thiết tha với giấc mơ tốn kém của Tập Cận Bình nên tìm cách ngăn cản. Cho nên bên trong hệ thống lãnh đạo chìm và nổi đã có tranh luận và cả thanh trừng dưới danh nghĩa đả hổ diệt ruồi để trừ tham nhũng.

Nguyên Lam: Trong khi ấy, dường như kinh tế Trung Quốc lại bị suy trầm và khi cải cách để chuyển hướng thì càng khó giữ được đà tăng trưởng ngày xưa. Thưa ông, đấy có phải là một rủi ro phụ trội không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nhớ đến lời phát biểu của tỷ phú Warren Buffet, một nhà đầu tư xuất chúng của Hoa Kỳ, đại để là khi thủy triều rút trên bãi biển thì mình mới biết là ai không bận quần! Khi kinh tế suy trầm thì việc chuyển từ chiến lược lỗi thời sang một hướng khác mới làm các vấn đề tiềm ẩn bên dưới bùng phát lên trên.

- Mà lãnh đạo Trung Quốc lại đang ở vào thời điểm rất nhạy cảm về chính trị. Sau chuyến thăm viếng Hoa Kỳ tuần này, qua tháng 10, Chủ tịch Tập Cận Bình phải chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ 5 của khóa 18 để thông qua Kế hoạch Năm năm thứ 13, từ 2016 tới 2020. Chẳng những Trung Quốc đang đi vào bước ngoặt mà bản thân và uy tín của họ Tập cũng gặp vấn đề, và thậm chí bị thách đố, sau mấy tháng lụp chụp về chính sách trên thị trường cổ phiếu rồi thị trường ngoại hối.

- Tuần qua, khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ chưa tăng lãi suất vào ngày Thứ Năm 17 thì Bắc Kinh đỡ bị sức ép trên đồng Nguyên nhưng chẳng vì vậy mà đã ra khỏi những khó khăn triền miên. Vì thế, cả kế hoạch gọi là dùng kho đạn là ngoại tệ dự trữ để chủ động đầu tư ra ngoài như một hình thái xuất khẩu đạn trong thế đối đầu với Hoa Kỳ có khi chỉ là ảo vọng.

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét