Chủ Nhật, tháng 1 24, 2016

Thị Trường Dân Chủ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160122


Khi thị trường bỏ phiếu là cổ phiếu Bắc Kinh xanh lè….


 * Xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng! *



Trước khi vào bài, xin có một chi tiết về chế độ xưng danh cách mạng tại Trung Quốc, là lấy màu đỏ làm biểu tượng anh hùng; khi giá sụt thì thị trường bật màu xanh thay vì màu đỏ như thiên hạ….


Những biến động tuần qua trên thị trường chứng khoán xanh đỏ của thế giới là cơ hội cho chúng ta… nhìn lại mình.

Không phải là ai cũng “chơi stock” - là có tiền đầu tư vào thị trường này và trực tiếp hay gián tiếp lấy quyết định về việc mua vào hay bán ra cổ phiếu của một doanh nghiệp yết giá trên thị trường. Mà nếu như có thì cũng chẳng đọc bài này để lấy quyết định mua hay bán! Nhưng hầu hết đều bị thị trường chi phối – mà có khi không biết. Rất nhiều yếu tố liên quan đến cuộc sống hay mức sống của chúng ta xuất phát từ thị trường chứng khoán: tiền thuế, hưu bổng, thậm chí giá hàng hóa và lương thực đều có thể bị ảnh hưởng….

Bây giờ, hãy nói về biến động của tuần qua.

Thị trường Á Châu mở cửa sớm nhất, và lập tức sụt giá nặng hôm Thứ Ba 19, khi Cục Thống kê Quốc gia của Quốc vụ viện Bắc Kinh công bố mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái là 6,9% và khi giá dầu thô sụt dưới 30 đô la một thùng. Nhưng ngay sau đó, các thị trường trên thế giới đều tăng giá nhẹ vì người ta kết luận là Chính quyền Bắc Kinh sẽ bơm tiền kích thích kinh tế sau khi đà tăng trưởng sụt tới mức thấp nhất kể từ 25 năm nay. Quả nhiên là Bắc Kinh có bơm thêm một ngach số tương đương với 91 tỷ Mỹ kim. Trong khi ấy, dầu thô vẫn rớt giá.

Qua ngày Thứ Tư 20, thế giới bàng hoàng khi các thị trường chứng khoán đồng loạt sụt giá. Ở nơi huyên náo nhất là thị trường New York, chỉ số DJIA (Dow Jones Industrial Average) sụt 560 điểm trước khi ngưng ở - 250 điểm, mất 1,6%. Tính từ đầu năm đến hôm đó thì mất 9,5%. Các chỉ số tiêu biểu hơn như S&P 500 hoặc Russell 200 cũng tương tự. Tức là sau nửa ngày hồ hởi với viễn ảnh Bắc Kinh bơm tiền cứu nguy kinh tế, nhiều nhà đầu tư đã giật mình bỏ chạy.

Thế rồi trong hai ngày cuối tuần, các thị trường đều lại lên giá vì thấy dầu thô lên khỏi ngưỡng 30 và nhiều ngân hàng trung ương đều hạ quyết tâm bơm tiền kích thích kinh tế, dù cho lãi suất tại nhiều nơi đã nằm dưới sàn, và không còn chỗ hạ….

Có hai yếu tố được giới quan sát nêu ra về những biến động này là 1) tình hình kinh tế sa sút tại Trung Quốc và 2) giá dầu sụt mạnh.

Điều này cho thấy sự hàm hồ của “giới quan sát”: sau khi lạc quan quá lâu về Trung Quốc, từ năm ngoái đa số đều đồng ý rằng kinh tế xứ này sẽ trôi vào một thời kỳ khó khăn kéo dài. Còn giá dầu? Nó sụt từ năm ngoái và không thiếu chuyên gia đã báo trước là sẽ xê xích giữa biên độ 20-40 trong nhiều năm. Thế thì vì sao giới đầu tư lại hốt hoảng bán tháo rồi hồ hởi sảng?

Vì không mấy lạc quan về viễn ảnh kinh tế Hoa Kỳ hay toàn cầu trong năm nay?

Về kinh tế Hoa Kỳ, nếu chịu khó theo dõi mà không bị Chính quyền Barack Obama và truyền thông cánh tả bị mắt, người ta đã thấy tình hình năm 2015 không được khả quan và qua năm 2016 thì còn nhiều bấp bênh. Sau sáu năm phục hồi rất chậm kể từ Tháng Bảy 2009 với hàng loạt quyết định tăng chi khiến gánh công trái liên bang đã vọt từ 10 ngàn tỷ lên quá 18 ngàn tỷ (tăng 86%) lẫn ba lần bơm ra hơn bốn ngàn tỷ qua biện pháp “quantitative easing”, kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn èo uột và chỉ hơn được hai khối Âu Châu và Nhật Bản.

Về kinh tế toàn cầu thì tình hình 2015 cũng chẳng khá hơn, với đà tăng trưởng thấp nhất kể từ vụ Tổng suy trầm 2008-2009. Cả chục quốc gia sống nhờ xuất cảng nay đang điêu đứng, đứng đầu là Trung Quốc, Liên bang Nga và Saudi Arabia, ba xứ khét tiếng độc tài. Và tiền Mỹ quả rẻ bơm ra quá nhiều đã thổi lên trái bóng nợ nần trong các quốc gia “đang phát triển”. Đã phát triển hay đang phát triển gì cũng đều vất vả.

Điểm lại như vậy ta mới thấy vụ sụt giá chứng khoán tuần này, hay qua hơn hai tuần đầu năm, chẳng có gì đáng ngạc nhiên! Khi ấy, người ta mới trở lại câu hỏi: thị trường chứng khoán vận hành ra sao, dựa trên những quy luật gì mà lại giật mình vì chuyện không đáng giật rồi lạc quan khi có tin là nhà nước sẽ bơm tiền kích thích?

Chúng ta phải lạc đề mà trở lại một phát minh rất xa xưa của Âu Châu.

Để giải quyết nhu cầu kinh tế cho mục tiêu kinh doanh là kiếm lời, dân Âu Châu lập ra các đơn vị sản xuất gọi là doanh nghiệp hay công ty, có khi khởi sự bằng gia đình, sau mới mở ra ngoài.  Doanh giới bỏ tiền vào công ty và chấp nhận tình trạng lời ăn lỗ chịu trong những tính toán về sản xuất và mua bán của mình. Rồi Âu Châu tiến xa hơn vậy là cải thiện luật lệ để có loại công ty nặc danh, với nhà đầu tư là người chủ vô danh và tách rời khỏi người quản trị. Sau đấy, Âu Châu còn có loại công ty trách nhiệm hữu hạn, là nơi mà người chủ chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn số vốn bỏ vào công ty thôi, chứ tài sản riêng của họ vẫn được bảo tồn. Nhờ vậy mà nhà đầu tư có thể vào nhiều cửa. Nếu mong kiếm lời trong viễn ảnh dài thì là đầu tư, nếu muốn có lời nhanh mà cũng bị rủi ro lớn thì gọi là đầu cơ.

Khoản “vốn” đầu tư ấy là các “cổ phần” được người chủ nặc danh mua bán trên thị trường chứng khoán, dưới hình thức cổ phiếu, mà ta gọi là “stock”.

Nhà đầu tư mà mua cổ phần và trở thành “cổ đông” là hùn vốn vào việc kinh doanh này. Giá cổ phần lên hay xuống là do kỳ vọng về doanh lợi sẽ được chia dưới dạng “cổ tức”, tức là tùy vào khả năng quản trị của giới điều hành và vào khung cảnh kinh doanh của thị trường.

Nhưng, sự đời còn phức tạp hơn vậy vì nhà đầu tư cũng có lời khi giá cổ phiếu tăng so với giá mua vào. Mà giá tăng hay giảm không nhất thiết liên quan đến mức doanh lợi chưa có, hay đến tài năng quản trị của giới điều hành. Có mấy ai trong chúng ta biết về cơ cấu tổ chức của các công ty như GE, Apple hay Nestlé, mà vẫn có thể mua bán cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Giá cả ấy tùy thuộc vào loại yếu tố vô hình là “ấn tượng” của các nhà đầu tư khác.

Nếu tin là giá sẽ tăng, trên cơ sở của những thông tin xác thực hay mơ hồ, thậm chí hàm hồ, có khi tách biệt với mức lời và khả năng của giới điều hành, người ta cũng làm thị trường lên giá. Và lôi kéo theo phản ứng của người khác. Phản ứng “bày đàn” của đám đông hết là chuyện kinh tế quốc dân hay kinh doanh của công ty, mà là tâm lý xã hội học mở ra toàn cầu!

Viết lại cho rõ: thị trường chứng khoán vận hành vì nhiều yếu tố quá phức tạp và đôi khi phi lý. Vụ thị trường hốt hoảng sụt giá hôm Thứ Tư 20 vì loại thông tin đã cũ (Tầu và dầu đều thê thảm!) là một thí dụ của sự phi lý. Đấy là sự phi lý rất hợp lý khi đám đông bỗng giật mình nghĩ lại.

Nhưng sự thật lại còn ly kỳ hơn thế.

Sau hơn hai trăm năm, chủ nghĩa tư bản bất ngờ dẫn đến một hiện tượng lạ, là thị trường chứng khoán không vận hành theo lối “quả đầu” (“quả” là ít) của một số nhỏ các nhân vật thần thế trên doanh trường, như Rothschild, Rockefeller, Ford, Dassault, mà ngày nay cũng chẳng hoàn toàn nằm trong vòng tính toán của các đại gia tỷ phú như Warren Buffet, Jeff Bezos hay Larry Page. Nhiều tỷ phú đã mất bạc tỷ trên thị trường quái ác này.

Thị trường lại càng không lên xuống theo quyết định của Ngân hàng Trung ương xứ nay hay Bộ Tài chánh của nước nọ mà còn tác dụng ngược vào chánh sách tiền tệ hay tài chánh của những quốc gia tiên tiến nhất.

Nó biến hóa vô lường, phi lý và là kết quả của một hiện tượng xin tạm gọi là “dân chủ hóa”.

Thị trường là nơi mà quy luật dân chủ thực tế vận hành khiến đám đông vô danh và có khi vô tâm lại làm giá cả thăng giáng khá bất ngờ. Sau đó mới có “giới quan sát” bình luận, gỉải thích và hợp lý hóa sự thăng trầm ấy, mà nhiều khi giải thích sai. Làm sao giải thích cho đúng cả triệu phản ứng tâm lý trên cơ sở của những ấn tượng mơ hồ hoặc những thông tin tức thời?

Chuyện kỳ lạ ấy mới dẫn ta về…. Bắc Kinh!

Trong môi trường toàn cầu hóa quá phức tạp, thị trường hay cả tỷ người chơi stock ở khắp nơi, có thể ngồi xổm lên nghị quyết của đảng hay phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Và coi quyết định can thiệp của lãnh đạo kinh tế Trung Quốc là trò cười về hối đoái hay cổ phiếu.  Một cách rất dân chủ, thị trường bỏ phiếu theo kiểu của mình và gây ra loại phản ứng bầy đàn mà Bắc Kinh gọi là “phản động”.

Rồi mặt mày xanh lè như khỉ ăn phải ớt!

1 nhận xét:

  1. Xin chào thầy, đọc xong bài này thì em đã hiểu rất rõ vì sao Âu Châu đã mất đến 2 thế kỷ để hưng thịnh và các quốc gia đi sau thì ít hơn vì họ đã rút kinh nghiệm từ những người đi trước. Nhưng khốn nổi Marx lại lý luận theo hướng ngược lại đưa loài người về nguyên thủy!! Cảm ơn thầy, chào thầy

    Trả lờiXóa