Thứ Tư, tháng 3 09, 2016

Tăng Trưởng hơn Cải Cách

Nghi vấn về khả năng cải tổ kinh tế của Trung Quốc  




Nghi  vấn về khả năng cải tổ kinh tế của Trung Quốc
* Đô la và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Reuters *


Bắc Kinh phá giá đơn vị tiền tệ gần một chục lần trong 18 tháng nhưng vẫn không tạo đà cho xuất khẩu. Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s hạ triển vọng định hạng tín nhiệm nợ của Trung Quốc khi nợ của các doanh nghiệp cao gấp đôi so với của các doanh đối tác ở Hoa Kỳ. Nợ của các tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước, quả bóng sắp vỡ.


Tại cuộc họp cấp bộ trưởng Tài Chính G20 ở Thượng Hải trong hai ngày 26 và 27/02/2016, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã trấn an các đối tác là «không có dấu hiệu báo trước Bắc Kinh cần hạ giá đồng nhân dân tệ». Cũng người đứng đầu định chế này bác bỏ mọi kịch bản Bắc Kinh lao vào một cuộc chiến tiền tệ với mục đích hỗ trợ khu vực xuất khẩu.

Nhưng chỉ 48 giờ sau khi tiễn các giới chức tiền tệ của nhóm 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới, chính ông Chu Tiểu Xuyên đã thông báo «nới lỏng biên độ tỷ giá hối đoái» của đồng bạc Trung Quốc 0,17 % so với phiên giao dịch hôm 26/02/2016. Cùng lúc, thủ tướng Lý Khắc Cường giải thích với bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Jack Lew: điều chỉnh tỷ giá hối đoái là một biện pháp cần thiết nhằm giảm bớt lượng sản xuất dư thừa, nhưng đồng bạc của Trung Quốc vẫn «chủ yếu là ổn định».

Từ nhiều tháng qua, thị trường tài chính thế giới và các nhà đầu tư điên đảo vì những tín hiệu trái ngược nhau trong chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos-Thụy Sĩ cuối tháng 1/2016, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, bà Christine Lagarde đã chỉ trích chính sách tiền tệ của Bắc Kinh «kém mạch lạc», đặc biệt là trong bối cảnh đến tháng 10/2016 đồng nhân dân tệ chính thức tham gia rổ tiền tệ của IMF để trở thành một trong 5 đơn vị tiền tệ quốc tế được hưởng quyền trích xuất đặc biệt bên cạnh đồng đô la Mỹ, euro của châu Âu, bảng Anh và yen Nhật Bản.


Hạ giá đồng tiền, đũa thần hết thiêng?


Sáu tuần lễ sau khi chứng khoán Trung Quốc bị chao đảo, từ 3 đến 5 tỷ đô la «bốc hơi», vào tháng 8/2015 Bắc Kinh đột ngột hạ giá đơn vị tiền tệ 5 % so với đồng đô la Mỹ. Cả thế giới đồng loạt lên án Trung Quốc dùng đồng nhân dân tệ như một công cụ để châm thêm củi lửa cho khu vực xuất khẩu đang bị hụt hơi. Trong tháng Giêng 2016, đồng tiền của Trung Quốc lại mất giá thêm 1,4 % so với đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ. Cùng lúc, hơn 750 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc không cánh mà bay. Khối dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đang từ hơn 3.800 tỷ đô la năm 2014 rơi xuống còn chưa đầy 3.200 tỷ.

Kèm theo đó là hiện tượng các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau tích trữ đô la đề phòng đồng nhân dân tệ còn mất giá thêm nữa. Trong khi đó Bắc Kinh lại không hoàn thành mục tiêu tiếp sức cho khu vực xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Giêng 2016 giảm 11,2% so với cùng thời kỳ năm ngoái ; nhập khẩu của quốc gia từng được mệnh danh là «công xưởng của thế giới» trong cùng thời kỳ giảm hơn 19 %. Cả hai dấu hiệu đó chứng minh là nền kinh tế số 2 trên thế giới đang chựng lại, tăng trưởng rơi xuống mức thấp nhất từ 25 năm qua, chỉ đạt 6,9 %.

Những yếu tố như đơn vị tiền tệ mất giá, không có tăng trưởng, trong lúc đầu máy xuất khẩu bị trục trặc càng khiến giới quan sát lo ngại ban lãnh đạo trong tay chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường đang bất lực trong việc cải tổ kinh tế. Nợ của các doanh nghiệp Nhà nước tăng từ kỷ lục này tới kỷ lục khác.


Nợ Trung Quốc, quả bom sắp nổ


Ngày 02/03/2016 cơ quan thẩm định về mức độ rủi ro tài chính Moody’s của Mỹ hạ triển vọng định hạng tín nhiệm nợ của Trung Quốc đang từ «ổn định» xuống «tiêu cực».

Theo thẩm định của Moody’s nợ công của Trung Quốc năm 2015 tương đương với 40,6 % tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này. Nhưng theo tính toán của cơ quan Standard & Poor's được công bố hồi tháng 7/2014, chỉ riêng nợ của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước là 160% so với mức vốn thực sự và tổng nợ của các doanh nghiệp này cách nay hơn 1 năm đã tương đương với 16.000 tỷ đô la và trong 5 năm tới, nợ của các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc sẽ còn tăng thêm 77 % để đạt kỷ lục chóng mặt là 28.800 tỷ đô la.

Thêm một cơ quan thẩm định tài chính thứ ba của Mỹ là Fitch nhập cuộc khi báo động về «nhịp độ» các ngân hàng mở van tín dụng cho khu vực xuất khẩu. Theo cơ quan này, biện pháp đó cho phép các doanh nghiệp thanh toán các khoản chi tiêu, không bị thiếu hụt ngân khoản… Nhưng đó chỉ là những biện pháp ngắn hạn, và kèm theo sau là núi nợ của các công ty lại càng được thổi phồng thêm. Nợ khó đòi được chuyển từ khu vực sản xuất sang bên ngân hàng.

Trong bối cảnh cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa đều ủ rũ, các doanh nghiệp lại chậm cải tổ và chậm giải quyết bớt những khoản nợ lưu cữu, núi nợ hàng trăm ngàn tỷ đô la đó đang trở thành một quả bóng dễ vỡ. Thông cáo đề ngày 02/03/2016 của Moody’s lo ngại Trung Quốc không có khả năng cải tổ kinh tế.

Trước khi phân tích xa hơn về những nguyên nhân khiến Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trở lại với bối cảnh chung của nền kinh tế thứ nhì trên thế giới:

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Mười ngày sau hội nghị đầy thất vọng của giới lãnh đạo tài chánh và ngân hàng của 20 khối kinh tế đứng đầu thế giới - năm nay được tổ chức tại thành phố Thượng Hải - quốc gia đăng cai việc tổ chức hội nghị của nhóm G20 là Trung Quốc lại gây hoài nghi khi phiên họp của Quốc Hội khóa 12 tại Bắc Kinh là cơ hội thông báo đường hướng kinh tế của mình.

- Về bối cảnh chung, kinh tế thế giới đang có nhiều biến động trên thị trường tài chánh với nguy cơ suy trầm lan rộng cho nên, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI cảnh báo, các quốc gia của nhóm G20 cần phối hợp chánh sách để kích thích sản xuất. Tuy nhiên, hai ngày hội nghị của các bộ trưởng Tài Chánh và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương là cơ hội cho các đại biểu đổ lỗi cho nhau mà không đạt thỏa thuận về một giải pháp đồng bộ như trong một hội nghị khác của nhóm G20 vào tháng 4/2009. Thật ra, các nước còn chưa thể đồng ý về mục tiêu chứ chưa nói gì về các biện pháp phải thi hành để đạt các mục tiêu ấy.

- Trong khung cảnh u ám chung, nền kinh tế có sản lượng thứ nhì thế giới là Trung Quốc lại phải trấn an các nước về nhiều mâu thuẫn. Thứ nhất là duy trì được đà tăng trưởng khả quan trước dấu hiệu sa sút nặng kể từ 25 năm qua. Thứ hai là tiếp tục tiến trình cải cách như thông báo từ ba năm qua mà chưa thực hiện. Thứ ba là giảm đà thất thoát tư bản và sự hao hụt của khối dự trữ ngoại tệ, từ gần bốn ngàn tỷ đô la vào hai năm trước nay chỉ còn 3200 tỷ. Thứ tư là Bắc Kinh quyết không phá giá đồng bạc trong viễn ảnh đồng nhân dân tệ còn được gọi là đồng nguyên của họ sẽ được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đưa vào rổ ngoại tệ thông dụng nhất kể từ tháng 10/2016.

- Thế rồi, một tuần sau hội nghị G20, hôm 02/03/2016 công ty Moody’s hạ mức tín nhiệm của công khố phiếu Trung Quốc và trái phiếu của 25 tập đoàn tài chánh và 30 doanh nghiệp Nhà nước vì ba lý do : kinh tế trì trệ, dự trữ ngoại tệ bị bào mỏng và đồng bạc Trung Quốc mất giá.

- Cuối tuần qua, khi Trung Quốc có hai hội nghị song hành là Quốc Hội Khóa 12 và Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị, thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo kinh tế và công bố một số quyết định về chánh sách trong thời gian tới với lời hứa là giữ hối suất ổn định chứ không phá giá đồng bạc. Hiển nhiên là các quyết định ấy được Hội Nghị kỳ 5 của Ban Chấp Hành Trung Ương thông qua từ tháng 10/2015, rồi được Hội Nghị Công Tác Kinh Tế Trung Ương của đảng thảo luận hai tháng sau đó, nay mới được hợp thức hóa trước Quốc Hội.


Ít nhất 5 triệu nhân viên bị sa thải để giải quyết nạn sản xuất thừa


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước đây, mỗi khi quốc tế có lượng định tiêu cực về kinh tế thì Bắc Kinh lập tức phản bác là thiên hạ có ý đồ xấu, lần này thì họ tỏ vẻ chuyên nghiệp và cố chứng minh là tình hình chưa tệ như Moody’s đánh giá. Ngày 06/03/2016 trưởng ban Phát Triển Và Cải Cách Quốc Gia Từ Thiệu Sử nói là mọi tiên báo về việc kinh tế xứ này sẽ hạ cánh nặng nề đều sai và mối lo về gánh nợ hay sa thải nhân công quá nhiều đều không chính đáng. Người phụ trách về kế hoạch của Trung Ương Đảng còn khẳng định là với đà tăng trưởng hàng năm là 6,5% cho tới năm 2020 là kỳ hạn của kế hoạch năm năm 2016-2020, lợi tức người dân sẽ tăng gấp đôi so với mức 2010 để kịp chào mừng 100 năm ra đời của Đảng (1921-2021).

- Về chuyện sa thải thì ngày 29/02/2016, bộ trưởng bộ Nhân Lực, Tài Nguyên và Bảo Vệ Xã Hội Doãn Úy Dân loan báo quyết định sẽ sa thải một triệu 800 000 nhân công trong hai khu vực sản xuất than thép của Trung Quốc mà không cho biết về thời hạn thi hành. Một ngày sau, hãng tin Reuters đưa ra lời tiết lộ của hai viên chức thân cận với giới lãnh đạo, mà giấu tên, là trong 2-3 năm tới, Trung Quốc sẽ sa thải 5-6 triệu công nhân viên trong khu vực Nhà nước. Mục tiêu là để giải quyết nạn sản xuất thừa.

- Cùng với việc Bắc Kinh bắt đầu cho biết số liệu về dự trữ ngoại tệ như Quỹ Tiền Tệ yêu cầu, chi tiết đáng chú ý không kém là Bắc Kinh công khai hóa việc sa thải và nói là đã chuẩn chi 15 tỷ đô la cho việc gọi là “đổi việc làm” - chứ không phải thất nghiệp - của một triệu tám trăm ngàn công nhân.

- Hai chục năm trước, khi phải chủ động cải cách doanh nghiệp Nhà nước, Bắc Kinh đã mất trước sau 11 tỷ đô la cho 35 triệu người bị sa thải từ năm 1995 tới 2003 để đi qua lãnh vực tư doanh. Lần này gánh nặng xã hội và mối nguy chính trị hẳn là cao hơn nên họ chuẩn bị sẵn 15 tỷ. Người ta không quên khía cạnh xã hội và chính trị ấy, khi vào đầu năm dương lịch, các doanh nghiệp Nhà nước được chỉ thị là phải tuyển dụng các bộ đội phục viên, cho nên số thất nghiệp chỉ có 4% của lực lượng lao động chắc hẳn là không đúng với thực tế. Các thị trường quốc tế đều chú ý và bình luận sự kiện ấy.


Cấp tín dụng cho doanh nghiệp trả nợ


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh xác nhận là nhu cầu kích thích kinh tế có ưu tiên cao hơn nhu cầu cải cách và đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tương đối linh động hơn, trong biên độ từ 6,5 đến 7% thay vì 6,9% như thông báo trước đây. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khéo công nhận là các biện pháp kích thích áp dụng trước đây đã gây thất vọng vì không trút tiền vào các khu vực sản xuất hệ trọng nhất. Theo chiều hướng có thể gọi là điều chỉnh tác xạ, lần này, họ lấy thêm biện pháp nhắm vào mức cung là giảm thuế để doanh nghiệp có thêm tiền đầu tư. Nhưng về mức cầu thì họ vẫn tiếp tục chính sách tăng chi và bơm thêm tín dụng, với chỉ tiêu về bội chi sẽ lên tới 3% tổng sản lượng và khối tiền tệ lưu hành sẽ tăng 13%.

- Về các biện pháp tiền tệ khó hiểu, giới quan sát quốc tế gồm các trung tâm đầu tư và nghiên cứu đều có trí nhớ và thấy là khi Bắc Kinh đặt ra một chỉ tiêu về lượng tiền tệ lưu hành, trong đó có thanh khoản và ký thác ngân hàng thì cuối cùng thực tế đều cao hơn.

- Đấy là về lượng, về phẩm thì vì tín dụng Nhà nước bơm ra để kích thích sản xuất lại được đưa vào thị trường cổ phiếu để đắp vốn cho các khách nợ đi vay tiền đánh bạc và bị lỗ. Lần này, Bắc Kinh khôn ra nên muốn rót tiền vào đúng chỗ. Nhưng họ vẫn gặp bài toán cốt tủy là tiền chảy vào khu vực kinh tế Nhà nước để cấp cứu hệ thống quốc doanh lỗ lã vì nợ quá lớn. Tức là Nhà nước lại bơm tiền mà không kích thích sản xuất và chỉ để doanh nghiệp trả nợ. Người ta thấy số nợ của các doanh nghiệp nay lên tới 160% tổng sản lượng, tăng quá nhanh so với năm 2008 và thực tế còn tệ hơn mức nợ của các doanh nghiệp Mỹ, ở khoảng 70% của GDP. Cũng vì vậy mà Moody’s mới hạ mức tín nhiệm.


Doanh nghiệp «quỷ nhập tràng»

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh cứ cố đạp ga nhấn tới để nâng sản xuất trong khi càng lao tới lại càng dung dưỡng các nhược điểm bên trong. Lý do vẫn là chính trị vì khu vực kém hiệu năng ấy từng là xương sống hay chủ lực của chế độ với thế lực rất mạnh trong đảng khi doanh nghiệp tư nhân vẫn bị lấn lướt như con ghẻ. Tuần qua, các đại biểu Quốc Hội gần với tư doanh đã nêu vấn đề này. Thực tế thì vì chính trị, Bắc Kinh vẫn cố nuôi sống loại doanh nghiệp “quỷ nhập tràng - zombies", trong một khu vực kinh tế chỉ là những xác chết chưa chôn như sản xuất xi măng hay than thép bị ế ẩm. 

- Khi hội nhập với bên ngoài, Bắc Kinh nghĩ rằng sẽ quản lý được mọi chuyện, mà rốt cuộc thì lúng túng vì chẳng cải tiến được hệ thống quốc doanh, không phục hồi được khu vực kinh tế lạc hậu ở bên trong mà lại cản trở đà bành trướng của tư doanh trong các khu vực dịch vụ tiên tiến hơn tại miền đông. Lý do là sợ kinh tế và xứ sở vỡ đôi. Cho nên, loay hoay giữa hai ngả thì Bắc Kinh đi vào nẻo cũ, là lại bơm tiền và đi vay mà chưa chắc đã đạt chỉ tiêu tăng trưởng dù rất biểu kiến và phù du. Còn chuyện có đồng Nguyên nằm trong rổ ngoại tệ quý tộc từ Tháng 10 này thì cũng phù du không kém. Trung Quốc sẽ mất nhiều tiền cho hàng mã chỉ để được tiếng phong lưu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét