Thứ Ba, tháng 7 12, 2016

Chuyện Thất Đức: Anh Ý Không Vui!



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160711
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Anh Ra Đi, Ý Ở Lại, Chẳng Mấy Ai Vui Với Liên Âu Vì Chuyện Bail-In và Bail-Out….


 * Ba nguyên thủ Ý, Đức và Pháp sau khi Anh rũ áo đòi đi *




Nước Anh sắp có Thủ tướng mới để chuẩn bị việc triệt thoái khỏi Liên hiệp Âu châu. Dù chủ trương ở lại như Thủ tướng David Cameron, Tổng trưởng Nội vụ Theresa May của đảng Bảo Thủ Anh sẽ nhận lãnh nhiệm vụ khó khăn này. Gần như cùng lúc đó, ta lại nói đến vụ khủng hoảng của Ý. Người không hiểu thì cho rằng vụ khủng hoảng của Liên Âu khi Anh ra đi đang gây biến động cho Ý. Nghĩ như vậy là đảo ngược tương quan nhân quả. Lộn qủa thành nhân!

Đây là một điển hình của hiện tượng “kinh tế cũng là chính trị”.

Ý Đại Lợi bị nguy cơ khủng hoàng ngân hàng ít ra là từ mùa Thu năm ngoái, khi sóng gió Brexit chưa nổi lên. Từ nhiều năm nay, nền kinh tế đứng hạng thứ tư Âu Châu sau Đức, Anh, Pháp, bị suy trầm với thất nghiệp cao, và hậu quả là các ngân hàng không thu được nợ và trong khối nợ có tới 17% là loại không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Vì vậy, hệ thống ngân hàng Ý bị rủi ro vỡ nợ. Nhưng sự thể kinh tế còn trầm trọng hơn vậy vì các ngân hàng của Ý cũng gói các khoản nợ vào kén và mua bán kén nợ cho các ngân hàng khác tại Âu Châu. Nếu ngân hàng Ý vỡ nợ thì nguy cơ sụp đổ có thể lan qua nhiều xứ khác. Chiều hướng bất lợi này đã tích lũy từ nhiều năm rồi, ít ra từ 2014.

Nhưng nước Ý bị kẹt trong những mâu thuẫn của cơ chế Liên Âu và đấy là chuyện chính trị.

Vì kinh tế không tăng trưởng, các ngân hàng không thể thu hồi các khoản tín dụng đã bơm ra và sổ sách đỏ lòm số âm, chi nhiều hơn thu. Gặp hoàn cảnh đó, Chính quyền chỉ còn giải pháp bơm tiền từ công quỹ để chuộc nợ cho ngân hàng, thuật ngữ kinh tế dùng chữ lạ là “bail-out”. Giải pháp này không toàn hảo vì có thể gây hậu quả bất lợi về sau, nhưng cũng bất khả vì Ý Đại Lợi không chỉ là thành viên của tổ chức Liên Âu có 28 nước mà còn nằm trong khối Euro có 18 thành viên. Mọi chánh sách thuế vụ (ngân sách) hay tiền tệ bên trong phải tuân thủ những quy định của hai tập thể ở bên ngoài là Euro và Liên Âu.

Vì Chính quyền của Thủ tướng Matteo Renzi không thể bơm tiền cho ngân hàng để tránh khủng hoảng, Liên Âu đề nghị giải pháp trái ngược, gọi là “bail-in”, nôm na là quịt nợ: các chủ nợ sẽ mất một phần vốn khi lỡ cho ngân hàng vay tiền. Như vậy, ngân hàng có thể tránh được nạn vỡ nợ vì một số nợ xấu, khó đòi và sẽ mất bỗng dưng được xóa trong sổ sách.

Nhưng đấy là biện pháp kinh tế có hậu quả chính trị.

Nó làm rung chuyển chính quyền Renzi và dẫn tới thất cử khi Ý cũng sẽ có trưng cầu dân ý về việc tu chỉnh Hiến pháp vào Tháng 10 này trong ý hướng trao thêm quyền hạn cho địa phương tại Thượng viện. Từ tháng trước, Chính quyền của đảng Dân Chủ theo khuynh hướng trung tả do ông Renzi lãnh đạo đã thấy hậu thuẫn sa sút trước sự vùng dậy của “Phong trào Năm Sao “ Movimento 5 Stelle theo xu hướng bảo thủ, dân túy (mị dân là chữ dễ hiểu hơn) và kịch liệt chống việc hội nhập vào Âu Châu. Nếu áp dụng biện pháp quịt nợ để cứu lấy hệ thống ngân hàng, kinh tế nước Ý sẽ trôi vào khủng hoảng và các ngân hàng càng sớm vỡ nợ.

Vì sao lại có chuyện trái khoáy như vậy? Xin được vài hàng giải thích....

Khi ký thác tiền vào ngân hàng, người ta thực tế cho ngân hàng... vay tiền. Khối ký thác ấy cho phép các ngân hàng tài trợ tín dụng và kiếm lời nhờ sai biệt giữa lãi suất trả cho trương chủ ký thác và lãi suất thu được từ khách nợ sau khi khấu trừ chi phí và dự phòng mất nợ. Chức năng thu tiền ký thác và bơm tín dụng được gọi là chuyển hóa dòng vốn từ người ký thác qua người đi vay. Và cả hai thành phần này đều được hiểu hay được gọi là “nhà đầu tư”.

Bây giờ, ta trở lại chuyện chuộc nợ bail-out và quịt nợ bail-in.

Hệ thống Liên Âu và “tam đầu chế” - gồm Ngân hang Trung ương Âu Châu ECB, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và cơ quan Hành pháp là Hội đồng Âu châu – không muốn bơm tiền chuộc nợ cho các ngân hàng gặp khó khăn vì mất vốn cho vay. Giải pháp bail-out là trường hợp hãn hữu và Chính quyền Ý không được áp dụng trừ phi có rủi ro tan rã cả hệ thống. Ngược lại, Liên Âu đề ra giải pháp bail-in đã áp dụng cho xứ Cyprus vào năm 2010 là cho phép các ngân hàng quịt nợ. Khi ấy, lý luận của Liên Âu có vẻ hợp tình và hợp lý. Xứ Cyprus là bãi đáp cho các đại gia của Liên bang Nga cho nên nếu như họ bị gọt đầu mất vốn thì chẳng ai thương. Nhưng đấy chỉ là “có vẻ” mà thôi, chứ Cyprus cũng bị điêu đứng vì vụ khủng hoảng. May là chỉ nhỏ như mắt muỗi!

Trường hợp của Ý, nền kinh tế hạng thứ tư cùa Âu Châu, lại là chuyện khác.

Ta đụng vào vấn đề ngôn từ, định nghĩa về “nhà đầu tư”. Theo lý luận Liên Âu, trương chủ ký thác cũng là nhà đầu tư khi họ đưa tiền cho ngân hàng kiếm lời cho mình và theo định nghĩa thì đầu tư cũng có rủi ro bị mất vốn. Người ta có thể tránh rủi ro ấy khi các ngân hàng có chế độ bảo hiểm ký thác. Hoa Kỳ có chế độ ấy, gọi là FDIC, Federal Deposit Insurance Corporation từ năm 1933 để bảo đảm là trương chủ ký thác ngân hàng có thể được ngân hàng bồi thường, bằng tiền của nhà nước, khi bị mất vốn ký thác trong một số trường hợp nhất định, thí dụ dễ hiểu là bảo đảm bồi hoàn cho từng trương chủ ký thác tới 250 ngàn Mỹ kim, hay 500 ngàn cho một cặp vợ chồng.

Hệ thống ngân hàng của các thành viên Liên Âu chưa có chế độ ấy vì lý do dễ hiểu là các nước chủ nợ không muốn thanh toán khoản mất mát của các nước khách nợ. Tình liên đới Liên Âu có giới hạn, khác hẳn tình trạng liên đới tự nhiên giữa các ngân hàng tại Texas với ngân hàng tại New York, vì Hoa Kỳ theo thể chế liên bang.

Các ngân hàng Ý Đại Lợi chết kẹt trong chuyện tình lý ấy. Vì sao?

Vì dưới cái nhãn là “nhà đầu tư”, trương chủ ký thác có thể là những nhà tiết kiệm cò con, giới cao niên chắt bóp cho ngày về hưu hoặc các tiểu doanh thương và khi mất vốn đầu tư vì biện pháp quịt nợ, họ mất hết. Cả sự nghiệp lẫn doanh nghiệp và công ăn việc làm. Hậu quả kinh tế và xã hội là chuyện kinh hoàng và trước mắt thì người ta rút tiền ký thác làm ngân hàng còn vỡ nợ nhanh hơn. Và các chính đảng cầm quyền sẽ thất cử, nền kinh tế trôi vào khủng hoảng.

Liên Âu không thể không biết rủi ro ấy. Nhưng họ gặp rủi ro lớn hơn.

Trên đại thể, tình liên đới Liên Âu có nghĩa là vấn đề của Ý thì dân Ý phải lo, chứ quốc gia trụ cột và nền kinh tế số một Âu Châu là Đức cũng có vấn đề của họ. Dân Đức không muốn chính quyền Cộng hòa Liên bang của mình cứ è cổ thanh toán tình trạng lỗ lã hao hụt của Hy Lạp, hay Ý hay Pháp….

Huống hồ hôm Thứ Năm mùng bảy vừa qua, Thủ hiến của tiểu bang Lower Saxony vừa tuyên bố rằng chính quyền địa phương từ chối cấp vốn chuộc nợ cho ngân hàng Bremer Landesbank thuộc chủ quyền của các nhà đầu tư là thành phố Bremer, hiệp hội ngân hàng tiết kiệm tại North-Rhine-Westphalia.

Về bối cảnh thì sự sa sút của ngành hàng hải đang đe dọa các ngân hàng Đức, từ đại gia Deutsche Bank tới một ngân hàng địa phương như Bremer Landesbank. Và Chính quyền Liên bang lẫn các tiểu bang đang gặp bài toán bail-out hay bail-in. Tung tiền chuộc nợ hay cho quịt nợ đây? Từ cấp Liên Âu tới cấp liên bang, quốc gia trưởng tràng là nước Đức đang bị đẩy vào thế kẹt trước sự quan sát hậm hực của các quốc gia khách nợ. Cứu trong mà chẳng cứu ngoài?

Sau Anh và Ý, ta nên nhìn xem nước Đức sẽ làm gì khi dân Đức lại đi bầu vào năm tới dưới quầng mây xám của một vụ khủng hoảng ngân hàng nữa….  Hãy quên chuyện Brexit đi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét