Thứ Tư, tháng 8 10, 2016

Vay Tiền Mua Thuốc Bổ

Ngày 160809



Trung Quốc vẫn «bơm tiền» mua tăng trưởng trong ngắn hạn  
  

Trung Quốc vẫn « bơm tiền » mua tăng trưởng trong ngắn hạn  
* Sức mạnh đồng tiền Trung Quốc. Reuters *


Địa ốc, nợ của các chính quyền địa phương và doanh nghiệp, những mắt xích yếu kém của kinh tế Trung Quốc. Phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài toán nan giải của Bắc Kinh: Cải tổ để chấm dứt tình trạng dư thừa khả năng sản xuất hay tiếp tục bơm tín dụng hòng duy trì tăng trưởng cho dù có đang thổi lên những quả bóng dễ vỡ như trong ngành địa ốc?


Đầu tháng 6/2016 trong một hội nghị tại Thâm Quyến, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh đẩy mạnh cải tổ kinh tế, bởi vì, nhờ được nhà nước «hỗ trợ viễn cảnh tăng trưởng trong ngắn hạn của Trung Quốc tương đối tốt, nhưng về trung hạn, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều bất trắc (…) tín dụng tăng quá nhanh, khả năng sản xuất dư thừa, hệ thống ngân hàng không chính thức thiếu minh bạch, không phù hợp với thực tế» là những mối đe dọa đối với tăng trưởng của Trung Quốc.

Trong báo cáo hồi tháng 4/2016 cũng IMF ghi nhận, tỷ lệ nợ khó đòi của các ngân hàng Trung Quốc đạt mức cao nhất từ 11 năm nay và có thể tương đương với 7 % GDP của Trung Quốc. Riêng nợ của các doanh nghiệp, theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, khoản này đã tương đương với 145 % tổng sản phẩm nội địa của nền kinh tế thứ 2 toàn cầu.

Hơn một nửa nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã được rót vào các tập đoàn do nhà nước kiểm soát trong lúc sản xuất của khu vực quốc doanh chỉ bằng 1/5 các hoạt động kinh tế toàn quốc.

Thống kê về tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 1/2016 cho thấy, GDP tăng 6,7 % trong ba tháng đầu năm. Thành quả đó có được nhờ trong hai tháng 2 và 3/2016 Bắc Kinh đã bơm thêm 300 tỷ đô la vào cỗ xe kinh tế. Nhờ vậy đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong tháng 3/2016 tăng gần 11 % so với cùng thời kỳ một năm trước đó. Chỉ số sản xuất công nghiệ cũng tăng theo.

Nhưng tất cả các nhà bình luận quốc tế đều không xem đó là một tin vui. Kinh tế gia ngân hàng Credit Suisse ghi nhận: «Chính quyền Trung Quốc xưa nay vẫn dùng lĩnh vực địa ốc và đầu tư làm động lực tăng trưởng, mà không mấy thiết tha với mục đích cải tổ».

JP Morgan Chase, chi nhánh tại Hồng Kông cho rằng, qua việc bơm tiền vào cỗ xe kinh tế, Trung Quốc đang đẩy núi nợ lên đỉnh cao và ai cũng biết là một phần lớn các gói kích cầu là nhằm «duy trì sự sống cho nhiều doanh nghiệp nhà nước đã trong tình trạng chết lâm sàng».

Mặt khác chính sách bơm tiền của Bắc Kinh tiếp tục nuôi dưỡng quả bóng địa ốc. Tháng 3/2016 hoạt động trong ngành mua bán nhà đất tăng 60 % so với cùng thời kỳ năm 2015. Giá một thước vuông tại Thượng Hải trong 6 tháng đầu năm nay tăng 30 %.

Nhưng khác với Thượng Hải hay Bắc Kinh và một vài thành phố lớn, thị trường bất động sản ở những nơi khác không được «năng động» như vậy. Hậu quả kèm theo là ngân sách của các chính quyền cấp tỉnh thâm hụt nặng, thất nghiệp gia tăng sẽ gây thêm rủi ro động loạn xã hội.

Bên cạnh đó là ẩn số liên quan đến chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Trong khi các tỉnh mắc nợ nhiều hơn, thì lượng tín dụng ngân hàng cũng tăng vọt vì nhu cầu kích thích sản xuất của trung ương làm người ta e rằng Bắc Kinh đang bỏ tiền ra mua chịu một tương lai chưa chắc đã sáng sủa.

Đấy là bối cảnh của thượng đỉnh sắp tới của nhóm G-20, quy tụ 20 nền kinh tế dẫn đầu thế giới, sẽ được tổ chức tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào đầu tháng 9/2016.



 
Công nghiệp Trung Quốc trong cảnh dư thừa khả năng sản xuất. Reuters


Mâu thuẫn về vai trò nhà nước trong guồng máy lãnh đạo

RFI: Nhiều nhà quan sát quốc tế lại cho rằng Bắc Kinh có thể ráo riết bơm tiền để mua lấy một kết quả tốt đẹp trong ngắn hạn chứ về lâu về dài Trung Quốc chứa chất quá nhiều thất quân bình ở bên trong. Anh nghĩ thế nào về nhận xét ấy ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin nêu ra ba yếu tố đáng chú ý sau đây. Thứ nhất là người ta thấy ra mâu thuẫn về quan điểm giữa hai nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất là chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường. Mâu thuẫn ấy không chỉ phản ảnh cách nhìn khác biệt về thực trạng kinh tế, nhất là về vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước, mà còn cho thấy mầm tranh chấp ngấm ngầm giữa hai người lãnh đạo và các phe cánh chung quanh.

Thứ hai là tình trạng sa sút của thị trường gia cư địa ốc tại nhiều địa phương sau thống kê về tháng 6/2016 vừa được công bố. Sự suy sụp này sẽ gây hậu quả tai hại cho ngân sách các tỉnh thành địa phương và ảnh hưởng tới quan hệ giữa các tỉnh cũng như trung ương. Thứ ba là trong nửa năm đầu 2016, sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã chính thức tăng 6,7% nhưng đó chỉ là kết quả của một đợt bơm tiền ào ạt với rủi ro vỡ nợ đang chờ đợi ở cuối chân trời sau khi ta thấy ra thống kê về tín dụng loan báo hôm 15/07/2016. Cho nên, ta cần chú ý tới hai lĩnh vực là gia cư và tín dụng để thấy ra nhiều bất trắc của kinh tế Trung Quốc.


Vỡ bóng địa ốc

RFI: Trong lĩnh vực bất động sản, sau một thời gian đình đốn, tháng 3/2016 thị trường gia cư địa ốc của Trung Quốc đã có vẻ khởi sắc. Tình hình hai tháng qua có gì đáng ngại?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Xưa nay, lãnh đạo xứ này áp dụng chiến lược lấy đầu tư làm lực đẩy để tăng trưởng cao và cho tới nay thì đầu tư vẫn chiếm 44% của tổng sản lượng. Từ năm 2012, họ bơm tiền đầu tư vào lĩnh vực gia cư nên thổi lên bong bóng, khi bóng bể từ đầu năm 2014 như vừa nói thì họ bơm tiền qua thị trường cổ phiếu nên lại thổi lên bong bóng cho tới khi bóng bể giữa năm ngoái.

Khi ấy, thị trường gia cư lại được chiếu cố vì là cơ hội phát triển khu vực xây cất và tạo ra công ăn việc làm cho các tỉnh thành địa phương. Chính thức mà nói, Trung Quốc có 70 thành phố hay đô thị, xếp thành ba loại từ cao đến thấp về tình hình gia cư phản ảnh qua giá nhà đất, nhưng ngoài ra còn có nhiều thị trấn lớn nhỏ khác.

Từ năm 1994, lãnh đạo xứ này đã cải cách hệ thống công chi thu và để các tỉnh tìm lấy nguồn thu ngân sách qua thuế khóa và qua việc bán quyền sử dụng đất do họ quản lý và chi chác. Vì vậy, thị trường gia cư không chỉ ảnh hưởng tới thất nghiệp và sinh hoạt xã hội mà còn chi phối số thu ngân sách địa phương, với trung bình toàn quốc là các địa phương chỉ thu được khoảng 57% của nhu cầu chi tiêu. Con số bình quân ấy che lấp sự thật là nhiều nơi chỉ thu được từ 10-20% cho số tổng chi, là hoàn cảnh của các tỉnh lạc hậu bị khóa ở bên trong, tại miền Tây và Tây Bắc như Tứ Xuyên, Thiểm Tây hay Hồ Nam.

Thế giới chỉ chú ý tới sự phát đạt biểu kiến tại các thành phố hạng nhất như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân hay Thẩm Quyến, Quảng Châu, chứ nhiều tỉnh thành kia đang bị nguy cơ vỡ nợ vì các chính quyền và doanh nghiệp địa phương tiếp tục đi vay để kích thích sản xuất.

Thống kê gia cư của tháng 5 và 6/2016 cho thấy đà tăng trưởng có chậm lại và báo hiệu nguy cơ sa sút và thậm chí suy trầm từ nay đến cuối năm. Khi kinh tế suy trầm, các tỉnh nghèo nhất và mắc nợ nhiều nhất sẽ bị khốn trước tiên vì bội chi ngân sách và thất nghiệp sẽ tăng. Đấy là chuyện rất đáng ngại và cần theo dõi.


Chính sách tín dụng «ăn xổi ở thì»

RFI: Bước qua lĩnh vực tín dụng thì phải chăng Trung Quốc tiếp tục «lấy ngắn nuôi dài» đến nỗi nhiều trung tâm nghiên cứu gọi Trung Quốc là “nhà máy in tiền lớn nhất thế giới” ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta có thể phân biệt hai loại nợ nần là nợ ngân hàng trên thị trường tín dụng và nợ từ giới có tiền đầu tư trên thị trường trái phiếu. Trên cả hai thị trường này, Trung Quốc đều đạt kỷ lục cao nhất thế giới kể từ năm 2009 cho tới nay.

Về tín dụng, với vai trò rất lớn của các ngân hàng quốc doanh, số nợ của các ngân hàng đo lường ở khối tiền tệ lưu hành hay nhà máy in tiền như người ta nói thì khoản nợ này cao hơn Hoa Kỳ tới 73% cho một nền kinh tế chỉ bằng 60% của kinh tế Mỹ.

Trong khối nợ vĩ đại này, các khoản nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất có thể chiếm một tỷ lệ đáng ngại là 25% tổng số dư nợ. Đấy là chưa kể đến loại nợ chui nằm ngoài sổ sách chính thức của các ngân hàng mà người ta gọi là shadow banking, vốn dĩ có rủi ro mất nợ còn cao hơn. Về thị trường trái phiếu, tức là vay tiền và trả bằng giấy nợ thì trong 18 tháng qua, số trái phiếu đã tăng 50% và cao bằng 80% của tổng sản lượng của toàn năm.

Nói vắn tắt thì Trung Quốc vay tiền mua thuốc bổ để đạt tốc độ tăng trưởng cao mà thật ra vẫn là tăng trưởng thiếu phẩm chất với hiệu suất đầu tư ngày càng suy sụp. Hậu quả sẽ là hai chuyện. Thứ nhất là nhiều doanh nghiệp, ngân hàng và các địa phương sẽ vỡ nợ và nhà nước lại phải bơm tiền chuộc nợ.

Thứ hai là trị giá đồng nhân dân tệ/yuan sẽ giảm so với nhiều ngoại tệ khác và lại thúc đẩy nạn tẩu tán tài sản trong khi Bắc Kinh cứ mơ ngày đồng bạc của mình nằm trong cái rỏ các ngoại tệ sáng giá nhất của thế giới. Khi ấy họ mới thấy uy tín quốc tế này chỉ là chuyện ảo và có cái giá rất đắt phải trả. Hậu quả chính trị của sự kiện ấy mới là đáng ngại hơn cả và sẽ tác động vào tranh chấp quyền lực hiện nay trên thượng tầng để chuẩn bị cho Đại hội đảng khóa 19 vào cuối năm 2018.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét