Thứ Ba, tháng 10 04, 2016

Ngân hàng Deutsche Bank và Trò ma Tranh cử



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 161003
Kinh Tế cũng là Chính Trị


Khủng hoảng Deutsche Bank không giống Lehman Brothers - mà nguy hiểm hơn

 * Ngân hàng buốn bã "


Trong mấy ngày qua, chẳng quan tâm đến tin tức kinh tế tài chánh người ta cũng nghe nói đến vụ Deutsche Bank, là ngân hàng tài trợ nhiều nhất của nước Đức (xin viết tắt là DB).

Sau nhiều tiết lộ rải rác từ đầu tháng, hôm Thứ Ba 26, có tin xác nhận rằng là Bộ Tư pháp Mỹ quyết định phạt DB 14 tỷ Mỹ kim vì có thể vi phạm khi bán loại chứng khoán được thế chấp bằng tín dụng gia cư trước khi có vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008. Năm đó, tổ hợp đầu tư Lehman Brothers sụp đổ ngày 15 Tháng Chín và lây lan khi kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ cuối 2007, nên dẫn tới “Tổng suy trầm 2008-2009”, với hậu quả tám sau vẫn chưa dứt.

Tin đó khiến cổ phiếu ngân hàng DB sụt nặng nhưng tăng lại khi ngày Thứ Sáu 30 có tin DB đã xin dàn xếp và có thể nhận nộp phạt khoảng năm tỷ tư. Chúng ta phân vân không hiểu: có tội hay không thì làm sao tính ra, nặng nhẹ thế nào mà có thể thương thảo và dàn xếp? Thế rồi trưa Thứ Sáu 30, một bình luận gia Mỹ kết luận, rằng “ngân hàng Đức gặp khó khăn, nhưng đấy không là khủng hoảng toàn cầu”. Đúng hay sai?

Vì kinh tế cũng là chính trị, có hai chuyện kinh tế rồi chính trị rất đáng nói ở đây.

Dưới ánh sáng của đạo luật kiểm soát tài chánh Dodd-Frank năm 2010, dàn luật sư của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã điều tra nhiều nghiệp vụ của ngân hàng DB vào các năm trước 2008 mà chẳng có cơ sở kết luận rõ rệt. Tới ngày 15 Tháng Chín vừa rồi, đúng vào ngày sụp đổ của tổ hợp Lehman Bros năm 2008 ngay giữa cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, thì ai đó bắt đầu xì tin  cho báo chí và gây biến động cho các thị trường tài chánh.

Năm 2008, vụ khủng hoảng Leman Bros. rồi sự hốt hoảng của thị trường và sự vụng dại của ứng cử viên John McCain – ông ngưng tranh cử ba ngày để tìm cách cứu vãn! – đã giúp Barack Obama thắng cử. Năm nay, có thể Chính quyền Obama muốn tái diễn “hội chấn Lehman Bros.” để giúp ứng cử viên Hillary Clinton nên chọn một số đại gia ngân hàng làm điểm nhấn, trong đó có DB với số tiền phạt là 14 tỷ đô la được nhá cho báo chí. Quả nhiên là ngân hàng DB bị rúng động.

Nhưng đấy là trò chơi dại của các chính khách Hoa Kỳ.

Chỉ vì có một tin khác mà truyền thông báo chí Mỹ ít chú ý là ngày Thứ Năm 29, ngân hàng Commerzbank của Đức loan báo việc sa thải gần một vạn nhân viên và cắt giảm cổ tức trong kế hoạch chấn chỉnh mang tính chất chiến lược. Commerzbank (xin viết tắt là CB) là ngân hàng có lượng tài trợ đứng hàng thứ nhì của nước Đức. Tức là hai đại gia của hệ thống ngân hàng Đức đều đang gặp vấn đề.

Vấn đề thành nổi cộm vì ra khỏi lãnh vực ngân hàng mà tràn vào chính trị: hôm Thứ Tư 27, khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu (European Central Bank – ECB) là Mario Draghi ra điều trần trước Hạ viện Bundestag của Đức thì ông bị các dân biểu Đức đàn hặc vì “chánh sách tiền tệ của ECB gây thiệt hại cho kinh tế Đức.” Trong khi ấy, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố là sẽ không tung tiền chuộc nợ cho DB. Có thể hiểu được vì khi đó còn phải chuộc nợ nhiều ngân hàng lâm nạn khác của Âu Châu…. Tiền đâu ra và của nước nào để chuộc nợ? Nếu không, giới đầu tư phải đắp nợ bao nhiêu?

“Chuộc nợ” hay “đắp nợ”, “bail-out” hay “bail-in” là cái gì đó rất Âu Châu mà dư luận Mỹ ít theo dõi vì chỉ nhìn vào cuộc tranh cử của mình. Chúng ta đang chứng kiến một chuyện gì đó rất đáng ngại.

Kể từ năm 2008, kinh tế Liên Âu vẫn chưa phục hồi và vụ khủng hoảng tài chánh của khối Euro bên trong Liên Âu lại bùng nổ từ năm 2010 mà các nước chưa tìm ra giải pháp. Có sản lượng mạnh nhất Âu Châu, nước Đức là cái neo cố giàng các nền kinh tế vào một khối, trong khi phải giải quyết vụ khủng hoảng di dân với cái giá chính tri rất đắt cho Chính quyền Merkel vì đảng của bà liên tục bị thất cử trong các cuộc bầu cử địa phương.

Trong khung cảnh ấy, ngân hàng chủ nợ lớn nhất là Deutsche Bank lại tròng trành và liên tục bị lỗ từ nhiều năm nay. Năm kia bị lỗ một tỷ bẩy Euro, năm ngoái lỗ gần sáu tỷ tám (hơn sáu tỷ đô la). Có tài sản trị giá một ngàn tỷ 629 triệu Euro tính đến cuối năm 2015 (tương đương với một ngàn tỷ 480 triệu Mỹ kim) và 10 vạn nhân viên trên toàn cầu, DB là loại “ngân hàng quá lớn để có thể sụp đổ”, vì nếu sụp đổ là gây tác dụng dây chuyền cho các doanh nghiệp khác. Nhưng cơ cấu tài chánh của DB đã có mầm ung thối, với những kén nợ cuộn tròn bên trong là các khoản nợ xấu - mà xấu đến cỡ nào thì chưa ai rõ. Tình hình tài chánh bấp bênh ấy khiến cổ phiếu DB mất giá, từ 50 Euro năm 2010 chỉ còn 10 Euro (11 đô la) vào Thứ Ba vừa qua khi có tin là sẽ bị Bộ Tư Pháp đòi phạt 14 tỷ đô la.

Nhưng trường hợp của DB không là duy nhất tại Âu Châu, hay cả Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản.

Sau vụ khủng hoảng 2008, các ngân hàng trên thế giới đều gặp nhiều khó khăn chung: thực giá tài sản thấp hơn mệnh giá kế toán, các nghiệp vụ bị kiểm soát quá chặt chẽ, giới đầu tư phải châm thêm vốn để tuân thủ các quy định mới, nên nói chung thì đều bị lỗ. Vì vậy, ngân hàng mất dần các chuyên viên ưu tú nhất – họ tìm doanh nghiệp khác – và việc các ngân hàng trung ương còn hạ lãi suất tới sàn, thậm chí xuống số âm, chẳng giúp gì cho hệ thống ngân hàng với doanh lợi bị bào mỏng. Tại Âu Châu, các ngân hàng của Đức, Ý và Tây Ban Nha đều rơi vào tình trạng khốn khó ấy.

Tháng Ba vừa qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế còn trực tiếp cảnh báo rằng Deutsche Bank có thể gây rủi ro cho cả hệ thống. Có lẽ phải nói thêm là cho cả hệ thống kinh tế chứ không chỉ có hệ thống ngân hàng. Nhưng việc chấn chỉnh lại cơ cấu tài chánh của các ngân hàng phải mất nhiều năm, trong khi tình hình kinh tế chung vẫn chưa sáng sủa.

Tình hình chưa sáng sủa vì luồng giao dịch ngoại thương giữa các nước đã không tăng mà sẽ còn giảm. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO trong phúc trình vừa công bố hôm Thứ Ba 27, khi ngân hàng DB bị Bộ Tư Pháp Mỹ đòi vụt cho một khoản nợ là 14 tỷ, đà tăng trưởng năm nay của ngoại thương toàn cầu nay sẽ chỉ ở khoảng 1,7% thay vì 2,6% như họ dự báo cách nay sáu tháng. Qua năm tới, đà gia tăng chỉ còn ở khoảng 1,8 tới 3,1% là nhiều, chứ không thể được 3,6% như dự báo trong phúc trình hồi Tháng Tư.

Tuần này, Quỹ Tiền Tệ IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ lại có phiên họp thường niên và chắc chắn là hai định chế tài chánh ấy cũng sẽ cảnh báo về tình hình chung của kinh tế toàn cầu.

 Dự báo u ám của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, công bố hôm Thứ Ba mùng bốn Tháng Chín


Khi các nước buôn bán với nhau ít hơn – mà nước nào cũng muốn bán nhiều hơn mua – tình hình sản xuất và thất nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất lại thuộc lãnh vực chính trị: quốc gia nào cũng thấy nhu cầu trấn an quần chúng ở nhà bằng chủ trương bảo hộ mậu dịch, và đả kích xứ khác là không có chánh sách “mậu dịch công bằng”. Lý luận mị dân ấy đang được cả hai ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa coi là chân lý kinh tế chính trị,

Vì vậy, chẳng những hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA bị đưa lên bàn mổ, mà hiệp ước TPP cũng bị Quốc hội Mỹ đẩy lui. Còn hiệp ước TTIP xuyên Đại Tây Dương do hai khối Âu-Mỹ đang thương thuyết được các nước Âu Châu đáp lễ là “không đáng đàm phán nữa”.

Trong khối Euro và toàn hệ thống Liên Âu, đầu máy kinh tế là nước Đức lại có nhược điểm lớn nhất là quá lệ thuộc vào xuất cảng. Khi ngoại thương sút giảm, kinh tế Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng. Đấy là lúc Chính quyền Hoa Kỳ đòi trừng phạt ngân hàng số một của họ là Deutsche Bank và gây ra không khí hốt hoảng hầu gom phiếu cho một ứng cử viên của mình! Chẳng cái dại nào giống cái dại nào.

Khủng hoảng Deutsche Bank sẽ còn khủng khiếp hơn vụ Lehman Brothers. Đấy là ta chưa nói tới núi nợ sẽ sụp nay mai tại Trung Quốc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét