Thứ Năm, tháng 11 10, 2016

Ninh Vi Thái Bình Khuyển…



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 161109
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Nước Mỹ Hỗn Loạn Trong Một Thế Giới Tao Loạn

* Ủng hộ và chống đối theo kiểu Mỹ *


Sau cả năm nhức đầu, Hoa Kỳ thở phào khi cuộc tổng tuyển cử 2106 kết thúc hôm Thứ Ba mùng tám vừa qua, để rồi còn nhức đầu hơn nữa với kết quả bầu cử trong những năm và tháng tới! Vâng, năm và tháng….

Cách nay đúng 80 năm và 50 năm, hai chính khách Mỹ là cựu Dân biểu Frederic René Coudert và Nghị sĩ Robert Kennedy cùng nhắc đến một câu từ cổ văn Trung Hoa như lời nguyền rủa: “hãy sống trong thời tao loạn”. Giới ngữ học tra cứu mãi mới đoán câu nói đó xuất phát từ một tác giả đời Minh-Thanh là Phùng Mộng Long trong tập truyện “Tỉnh Thế Hằng Ngôn” xuất bản năm 1627 (họ Phùng cũng biên soạn bộ tiểu thuyết nổi tiếng mà người Việt mình ai cũng biết là Đông Chu Liệt Quốc). Thật ra, câu đó là một lời than: Ninh Vi Thái Bình Khuyển, Mạc Tố Loạn Ly Nhân.

Nôm na là “thà làm con chó thời bình còn hơn làm con người thời loạn!”

Trong cuộc tranh cử vừa qua, nhiều người Mỹ ngao ngán tự cho rằng họ sống vào thời loạn! Họ chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ mà cũng chẳng cần biết Ai Cập vừa phá giá đồng bạc mất 48% (không phải 4,8%!) hay Bắc Kinh đã thọc bàn tay thô bạo vào Hong Kong để dẹp mọi mơ ước tự trị của Đặc khu Hành chánh Tự trị này. Trong khi đó, Tổng thư ký của Minh ước Bắc Đại Tây Dương là ông Jens Stoltenberg vừa tuyên bố là Minh ước NATO có thể ra lệnh báo động cho 300 ngàn quân chuẩn bị ứng chiến vì những động thái đáng ngại của Liên bang Nga như thử nghiệm võ khí và uy hiếp các lân bang. Còn nhiều biến cố ở nơi khác nữa…

Người dân tại những nơi đó hay nhiều khu vực khác mới thật là “loạn ly nhân”!


***


Bây giờ, hãy nói về tranh cử, nhìn từ bên trong và bên ngoài!

Nói về tranh cử tại Hoa Kỳ, chúng ta đều có thể khó chịu vì khẩu hiệu mị dân và từ bên ngoài, thiên hạ bèn tri hô về chủ trương mị dân của hai ứng cử viên dẫn đầu. Chẳng lẽ thiên hạ không biết rằng có tranh cử là có hứa hẹn để lấy lòng dân và Hoa Kỳ có nhiều thời kỳ mà chủ nghĩa “dân túy”, “đại chúng” hoặc nôm na là mị dân đã làm rung chuyển chính trường? Từ cánh tả, người ta mị quần chúng ở dưới cùng nổi lên thay đổi hệ chống chính trị của thiểu số ở trên. Từ cánh hữu, tinh thần mị dân không bung lên theo chiều dọc mà phát triển qua chiều ngang, liên kết nhiều thành phần quần chúng khác nhau, để nhắm vào một mục tiêu là thay đổi hiện trạng.

Nhưng năm nay, trò mị dân không là đặc sản Hoa Kỳ hay độc quyền của Donald Trump hoặc Hillary Clinton.

Đấy là hiện tượng phổ biến tại Âu Châu, khi các chính đảng truyền thống bị tê liệt và các lực lượng cực đoan nhất từ hai cánh tả hữu đều vận động quần chúng nổi dậy dùng lá phiếu lật đổ trật tự cũ trong Liên hiệp Âu châu. Các nước “văn minh hơn Mỹ” như Pháp, Hung, Hy Lạp, Ý, Ba Lan, Slovakia và cả Thụy Sĩ đều bàng hoàng về chuyện ấy mà chẳng vì Brexit hay Trump! Có cái gì đó bất toàn khiến quần chúng bất mãn đang đòi hỏi sự thay đổi lớn. Trên đỉnh của các đợt sóng ngầm, giới chính khách chỉ quậy cho xủi bọt và bảo rằng đó là thành tích của họ!

Thứ hai, người dân Mỹ nhạy cảm và tự do nhất đã diễn tả sự bất mãn ấy một cách ồn ào và thô tục khiến thế giới quên hẳn các vấn đề của mình mà phê phán sự lố bịch của chính trường và bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, và đây là điểm chính của cuộc tranh cử vừa kết thúc để mở ra một thời ly loạn mới tại Hoa Kỳ: người dân Mỹ đã nổi loạn mà giới lãnh đạo thắng cử lại chẳng biết là sẽ đưa họ đi đâu.

Giữa vụ Tổng khủng hoảng Kinh tế 1929-1933, cuộc tranh cử năm 1932 là một vụ nổi loạn có giải đáp từ đảng Dân Chủ với Tổng thống Franklin Roosevelt: Chính quyền can thiệp sâu hơn vào kinh tế và xã hội để tìm sự công bằng. Giữa thời khủng hoảng chính trị 1974-1979 (Watergate, Việt Nam và Iran), cuộc tranh cử năm 1980 cũng là một vụ nổi loạn có giải đáp từ đảng Cộng Hòa với Tổng thống Ronald Reagan: phải giới hạn tầm can thiệp của chính quyền và mưu tìm hòa bình bằng sức mạnh. Giữa hai bước ngoặt đó, cuộc tranh cử năm 1952 và 1968 bùng nổ giữa thời chiến tranh Cao Ly và Việt Nam cũng đưa ra hình ảnh bát nháo về nước Mỹ chẳng khác gì ngày nay.

Nói về tương lai, sau mùa bầu cử 2016, sáu vấn đề nghiêm trọng sau đây của hai chính đảng lớn vẫn chưa có giải đáp. Trước hết về đảng Cộng Hòa.

Như hiện thân của trật tự kể từ hơn trăm năm, đảng Cộng Hòa đang bị khủng hoảng mà có dám xóa bỏ trật tự nội bộ và lật đổ luôn các bậc trưởng thượng ở trên không? Chẳng phải Donald Trump, chính là sự bất mãn của thiểu số quần chúng đầy nhiệt tình ở dưới đã loại bỏ hơn một tá ứng cử viên khác ở vòng sơ bộ. Thảm bại nặng nề nhất là các bậc trưởng thượng, là gia đình Bush, từ cha đến con, đến anh em! Như một hiện thân của sợ ổn định xã hội, đảng Cộng Hòa cũng đang là đảng gây loạn ngay từ bên trong về kỷ cương và văn hóa. Lý luận “bảo thủ” đầy thế giá của đảng đang bị phá giá mà giới trí thức chưa tìm ra bạc mới! Vừa huy động sức mạnh của quần chúng lao động da trắng bị bỏ rơi, đảng này có mở rộng được nền tảng hợp tác và hội nhập với thành phần nghèo khổ da màu không?

Đấy là ba đáp án chưa có giải đáp và sẽ chỉ có sau nhiều vụ tranh luận hay nội chiến khác.

Hãy nhìn qua bên kia. Đảng Dân Chủ như hiện thân của công bằng xã hội từ thời Roosevelt 1932 cũng đã biến chất. Hết còn là đảng của quần chúng lao động – bị Hillary khinh thường là thất học hay cuồng tín – đảng này là của một thiểu số ưu tú ở chóp bu, kể cả nghệ sĩ trình diễn và truyền thông, đã cấu kết cùng tài phiệt và mở ra cơ hội cho xã hội chủ nghĩa. Đấy không là lý tưởng của Roosevelt! Thay vì phát huy tinh thần cấp tiến, luôn luôn đặt vấn đề và sẵn sàng nổi loạn, đảng Dân Chủ đang bảo vệ nguyên trạng và thiếu tư tưởng đột phá. Kết cuộc thì sự đột phá lại xuất hiện từ phía cực tả, với các nhân vật sặc mùi “Tân Tả”, ưa Marx mà sợ Stalin, như Elizabeth Warren và Bernie Sanders! Ngày nay, một chủ trương kinh tế xã hội ôn hòa như của Bill Clinton vào thời 1996-2000 có thể bị đảng này gọi là phản động hay thủ cựu!

Sáu loại vấn đề ấy sẽ không trút lên đầu Tổng thống thứ 45 mà là bài toán cho Quốc hội Khóa 115, cho Hạ viện và Thượng viện, cho các lãnh tụ như Paul Ryan hay Mitch McConnell và Nancy Pelosi cùng Chuch Schumer….

Trong khi thế giới đang nhìn vào Hoa Kỳ với sự hoài nghi, từ Hoa Kỳ nhìn ra, người ta lại có lo ngại khác.

Ngày tám Tháng 11, khi dân Mỹ đi bầu thì Chính quyền Nhật Bản lấy một quyết định đầy rủi ro: Hạ viện tranh luận về Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP và nếu được phê chuẩn thì Thượng viện có 30 ngày để thông qua. Rủi ro là Hoa Kỳ có thể lắc đầu sau khi Thủ tướng Shinzo Abe cố vận động Quốc hội phê chuẩn! Điều lệ của TPP là phải có ít nhất sáu trong 12 nước đồng ý và các nước đồng ý phải có sản lượng tổng cộng là 85%. Với sản lượng kinh tế là 60% của cả khối, Hoa Kỳ giữ vai trò then chốt, nhưng lắc hay gật lại còn tùy giới lãnh đạo tân cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào Tháng Giêng này. Cùng lúc đó, tuần qua mâu thuẫn Hoa-Nhật lại bùng nổ khi Nhật Bản phản đối Trung Quốc đã đưa dàn khoan tìm khí đốt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật tại Đông Hải.

Cũng trong vùng Đông Bắc Á, khủng hoảng chính trị tại Nam Hàn có thể là dịp lãnh đạo Bắc Hàn chơi bạo với võ khí mới. Khi ấy, Bắc Kinh, Tokyo, Hán Thành và các nơi khác phải chờ xem Hoa Kỳ tính sao? Hay là phải tự lo lấy thân khi chính trường Mỹ lại trôi vào ách tắc giữa hai đảng, giữa Hành pháp với Lập pháp? Kết quả có khi tùy ở lá phiếu của một vài tiểu bang xôi đậu, từ xanh vỏ biến sang đỏ lòng!

Ở trên, chúng ta vừa nói đến việc NATO báo động về động thái khiêu khích của Nga.

Chuyện ấy liên quan đến hai hồ sơ Ukraine và Syria, mà chuyện Syria lại kẹt vào lực lượng khủng bố ISIS và chiến dịch giải phóng Mosul. Ở nơi đó còn có các cường quốc Turkey, Iran và Saudi Arabia, Israel. Họ chờ đợi lãnh đạo mới của Hoa Kỳ hay sẽ nhân đó tạo ra sự đã rồi? Chẳng ngó gì đâu ở xa, ngay tại Tây Bán Cầu, Venezuela đang từ từ sụp đổ và an ninh của cả khu vực sẽ liên hệ đến Hoa Kỳ. Hoặc cần nước Mỹ có đối sách….

Sau khi tranh cử và thắng cử, lãnh đạo Hoa Kỳ mà nhìn ra ngoài thì thấy bốn phương chỉ những bãi mìn. Không phải xứ nào cũng là đồng minh hay đối thủ của Mỹ nhưng các quốc gia đó đang có những thách đố hay cơ hội mà họ không thể trì hoãn hoặc chờ đợi. Người dân lầm than ở mấy nơi đó thì khắc khoải giữa buổi loạn ly và không khỏi bực mình khi dân Mỹ than là Hoa Kỳ loạn quá! Lãnh đạo của họ cũng thế, khi gõ cửa và được giới tân cử trả lời từ Washington: Xin Đừng Làm Rộn!

Đáng ghét thật…. 

----

Bài này được viết trong ngày bầu cử cho số báo đặc biệt của Người-Việt 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét