Thứ Năm, tháng 12 08, 2016

Trưng Cầu Dân Ý – Dân Ý Đi Về Đâu?




Hùng Tâm - Người-Việt ngày 161208
"Hồ Sơ Người-Việt"

 
Không, Các Nước Liên Âu Sẽ Đi Về Những Đâu?   


* Matteo Renzi, Thủ tướng trẻ nhất của nước Ý, vừa phải "tạm từ chức" *


Sau cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật mùng bốn, Thủ tướng Ý là ông Matteo Renzi đã phải xin từ chức. Theo nguyên tắc dân chủ, ông tổ chức trưng cầu ý kiến người dân về việc tu chỉnh hiến pháp để giới hạn quyền lực và cấp số các Nghị sĩ tại Thượng viện nhằm tăng cường quyền lực cho chính quyền trung ương tại thủ đô Roma. Khi tuyên bố trước rằng mình sẽ từ chức nếu người dân không đồng ý với đề nghị tu chỉnh hiến pháp, ông cho dân Ý cơ hội đánh giá thành tích kinh tế của chính quyền nên đa số tới 60% đã trả lồi không.

Vì vậy, Ý lâm khủng hoảng, nhưng là ba vòng khủng hoảng nhập một: 1/ nền kinh tế đứng hạng thứ ba của khu vực Euro trôi vào bất định chính trị và sẽ có bầu cử năm tới; 2/ đã công khai nổi loạn ở bên trong, dân Ý ra mặt chống Liên hiệp Âu châu ở bên ngoài; 3/ Liên Âu tiếp tục phân hóa làm nền kinh tế số một là nước Đức bị ảnh hưởng, khi năm tới dân Đức sẽ đi bầu.

Tiếp theo nhiều bài về Âu Châu, kỳ này Hồ Sơ Người-Việt tìm hiểu về vụ khủng hoảng của Ý.



CHẲNG ĐÁNG NGẠC NHIÊN

Trước hết, người ta không chỉ thấy một trào lưu chung của tâm lý quần chúng, là sự chống đối hay nổi loạn ở nhiều nơi, mà còn thấy một sự thể khác là ít ai đoán trước được kết quả. Vì vậy, giới bình luận cứ đi từ kinh ngạc này qua kinh ngạc khác. Tại sao như vậy?

Đầu tiên là tổng tuyển cử tại Anh vào năm 2015 khiến ông David Cameron lên làm Thủ tướng sau khi hứa tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả dân ý đầy bất ngờ  vào Tháng Sáu vừa qua là Brexit, Vương quốc Anh xin ra khỏi Liên Âu và ông Cameron phải từ chức. Tại Nam Mỹ, Chính quyền Colombia cũng tổ chức trưng cầu dân ý về hiệp ước ngưng bắn đã dày công thương thuyết với tổ chức phiến loạn FARC nhưng lại bị dân chúng bỏ phiếu chống.

Tại Hoa Kỳ, tinh thần nổi loạn của dân Mỹ khiến ông Donald Trump đắc cử trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Tại Pháp, vòng sơ bộ trong đảng Cộng Hòa thuộc xu hướng trung hữu cũng thế: ba tuần trước ngày bỏ phiếu, cựu Thủ tướng François Fillon được dự đoán là đứng hạng tư với tỷ lệ ủng hộ chỉ có 7%, kết cuộc thì ông lại bỏ xa hai đối thủ dẫn đầu là cựu Thủ tướng Alain Juppé và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Dân Pháp hết tin tưởng vào các chính khách truyền thống và đương kim Tổng thống là François Hollande thuộc đảng Xã Hội bên cánh trung tả từ bỏ ý định ra tái tranh cử năm tới.

Tại Ý Đại Lợi, người ta không bị ngạc nhiên vì mọi cuộc thăm dò dư luận đã đoán trước là phe “Chống” sẽ thắng. Chuyện bất ngờ là thắng lớn!

Thủ tướng Renzi tạo cơ hội cho hai lực lượng chống đối lên tiếng. Đó là Phong trào Năm Sao (Movimento 5 Stelle) thuộc khuynh hướng quốc gia, đả phá các chính đảng truyền thống, đòi ra khỏi khối Euro và chống Âu Châu, và một lực lượng đòi ly khai là Liên minh Miền Bắc (Lega Nord per l'Indipendenza della Padania). Hai chính đảng này vận động dân Ý đi bầu và bỏ phiếu chống. Kết quả là Chính phủ Renzi bị đổ sau khi tưởng rằng đề nghị cải cách chính trị sẽ giải quyết được khủng hoảng kinh tế.


KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ


Nói về khủng hoảng, hệ thống ngân hàng Ý bị ngập nợ và có thể mất 18% trong sự trì trệ kinh tế kéo dài từ nhiều năm, với tỷ lệ thất nghiệp thuộc loại cao nhất Âu Châu, chỉ thua có Hy Lạp.

Nhưng tai họa tài chánh không là một đặc sản của Ý mà là bệnh hay lây, có thể gieo họa cho hai nền kinh tế dẫn đầu khối Euro là Đức và Pháp. Từ hai năm nay, Chính quyền Ý đã đàm phán với Liên Âu để tìm giải pháp mà chưa xong. Quyết định của dân Ý vừa qua cho thấy họ không tin vào khả năng giải quyết của Liên Âu, hay của nước Đức. Dân Ý muốn chính phủ  phải ưu tiên lo cho quyền lợi của quốc gia thay vì tìm giải pháp với quốc tế, tại thủ đô Bruxelles của Liên Âu hay tại Berlin của Đức.

Vì vậy, khủng hoảng ngân hàng Ý dẫn tới khủng hoảng chính trị tại thủ đô Roma, với các chính đảng có tính chất đại chúng hay mị dân như Phong trào Năm Sao, Liên minh Miền Bắc, và cả tập hợp trung hữu là Forza Italia của nguyên Thủ tướng Silvio Berlusconi, sẽ chống mọi giải pháp. Sau khi Thủ tướng Renzi chính thức từ chức vào ngày Thứ Tư mùng bảy, Chính phủ lâm thời thuộc đảng Dân Chủ theo khuynh hướng trung tả của ông Renzi chỉ có thể tìm ra giải pháp tạm bợ cho một vấn đề quá lớn, lại thường xuyên bị lực cản của các đảng đối lập kể trên cho đến cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Thể chế đại nghị của nền dân chủ Ý Đại Lợi có nghĩa là lưỡng viện Quốc hội bên Lập pháp chỉ định người cầm đầu Hành pháp là Thủ tướng. Còn Tổng thống chỉ có vai trò tượng trưng là quốc trưởng mà không có thực quyền. Nhưng nhược điểm của cơ chế chính trị Ý là cả Thượng và Hạ viện đều có quyền bằng nhau và thường thiếu thống nhất, nên bộ máy hành chánh thư lại của công quyền tha hồ tung hoành trong khi chẳng ai có thực quyền giải quyết việc nước.

Ông Renzi mới đề nghị giảm quyền của Thượng viện, với số Nghị sĩ tử 315 rút xuống còn 95, do giới dân cử địa phương và các thị trưởng bầu lên. Ngoài ra, Tổng thống có thể chỉ định thêm năm nghị sĩ. Mục tiêu cải cách là để Thượng viện không thể chống các dự luật của Chính phủ và từ nay trung ương cũng lấy lại một số quyền hạn của các địa phương. Ông Renzi xin dân cho Hành pháp có thêm khả năng cầm quyền và dân Ý lại lắc đầu.

Không có giải pháp, kinh tế Ý Đại Lợi sẽ lại bị suy trầm nữa với gánh nợ bằng 136% của Tổng sản lượng sẽ tăng và nhiều ngân hàng vỡ nợ. Hồ Sơ Người-Việt xin tạm gác nhiều chi tiết kinh tế có tính chất quá chuyên môn, và nan giải, để tìm hiểu tiếp về khủng hỏang Âu Châu.


KHỦNG HOẢNG ÂU CHÂU


Các nước Âu Châu cứ phê bình việc bầu cử tại Mỹ và việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống mà không nhìn vào thực tế còn bi thảm hơn của Liên Âu.

Theo khảo sát của Pew Research Center, trong các cường quốc Âu Châu, chỉ có Đức và Ba Lan là nơi mà đa số người dân tin vào cơ chế Liên Âu để giải quyết hồ sơ kinh tế. Tạm gọi là “đa số” vì đấy là 47% so với tỷ lệ thiếu tin tưởng là 38% tại Đức và 33% tại Ba Lan. Còn lại, theo thứ tự từ cao tới thấp, mọi nước đều không tin: Hy Lạp 92%, Ý 68%, Pháp 66%, Tây Ban Nha 65%, Thụy Điển 59%, Anh 55%, Hòa Lan 49% và Hung 48%. Có hai chi tiết đáng chú ý là: 1/ chỉ có 55% người dân Anh là hoài nghi Liên Âu vậy mà Anh Quốc đã Brexit; 2/ tỷ lệ hoài nghi Liên Âu đặc biệt rất cao tại bốn nước thuộc miền Nam, còn cao hơn Anh Quốc.

Ngày nay, khi nước Ý lâm khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị thì Liên Âu sẽ đi về đâu?

Hai năm về trước, khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp khiến người ta nêu giả thuyết Grexit là đẩy hay mời Hy Lạp ra khỏi khối Euro. Nhưng chuyện ấy không xảy ra vì Hy Lạp yếu thế và đành nhượng bộ những đòi hỏi của Liên Âu và Đức để giữ cho khối tiền tệ Euro khỏi sứt mẻ. Ngày nay, mối nguy hết là Hy Lạp cò con mà là nước Ý, có sản lượng kinh tế gần hai ngàn tỷ Euro, đứng hạng ba trong khối Euro. Quốc gia này cũng là một trong sáu sáng lập viên của Âu Châu thống nhất từ 70 năm qua. Làm sao tống cổ một sáng lập viên ra khỏi tổ chức?

Nhưng nếu dân Ý lại muốn thoát ly thì sao? Khủng hoảng của Ý cũng là khủng hoảng của khối Euro và của Liên Âu. Việc các thị trường tài chánh không bị rúng động và sụt giá sau khi biết kết quả trưng cầu dân ý không có nghĩa là giới đầu tư vẫn còn tin tưởng và không tháo chạy.

Xin được nhắc lại là năm tới lại là năm có nhiều cuộc bầu cử tại Âu Châu. Từ 22 tới 29 Tháng Giêng, đến lượt đảng Xã Hội Pháp sẽ vào vòng sơ bộ cho cuộc bầu cử Tổng thống vào hai ngày 23 Tháng Tư và mùng bảy Tháng Năm và cuộc tổng tuyển cử Pháp vào hai ngày 11 và 18 Tháng Sáu. Ngày 15 Tháng Ba, Hòa Lan có tổng tuyển cử, vài tuần trước việc thương thuyết về Brexit giữa Vương Quốc Anh với Liên Âu vào cuối Tháng Ba và cuộc bầu cử tại tiểu bang Saarland của Đức. Suốt mấy tháng, các cuộc bầu cử địa phương tại Đức sẽ lên tới đỉnh là Tổng tuyển cử vào Tháng 10 2017, khiến Thủ tướng Angela Merkel có khi thất cử! Trước đó, nước Ý có tổng tuyển cử và đất Catalonia có trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Tây Ban Nha hay không!

Khi đó, và trở lại chuyện Hoa Kỳ, người ta sẽ tranh luận về việc đóng góp cho Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Tháng qua, chính Tổng thư ký của minh ước quân sự này đã nói, như ông Donald Trump, rằng kể ra cũng phi lý khi Hoa Kỳ phải đóng góp tới 70% cho ngân sách NATO. Trong khung cảnh chính trị hiện nay, Chính quyền Âu Châu nào lại dám đề nghị tăng chi ngân sách cho một liên minh quân sự quốc tế? Chửi nước Mỹ keo kiệt thì dễ hơn!

Nói tới NATO thì Âu Châu nghĩ sao về một thành viên Hồi giáo duy nhất của tổ chức là xứ Turkey? Âu Châu có thể từ chối không cho xứ này gia nhập Liên Âu, nhất là sau vụ đảo chánh hụt vào ngày 15 Tháng Bảy. Nhưng Turkey lại là chìa khóa của làn sóng tỵ nạn từ Trung Đông tràn vào các nước miền Nam của Liên Âu, những quốc gia đang hoài nghi tinh thần hội nhập và thống nhất của Âu Châu!


----

Kết luận ở đây là gì?

Chúng ta đang chứng kiến sự phân rã khó tránh của trật tự Âu Châu thành hình từ 70 năm trước. Rủi ro ngắn hạn là khối Euro tan thành nhiều mảnh, và hệ thống tự do thương mại của Âu Châu sẽ thu hẹp vào chừng mươi quốc gia mà thôi. Trong lâu dài, các nước sẽ kiểm soát biên giới với nhau, để thanh lọc hàng hóa, và… người. Vấn đề không là Hoa Kỳ hay Donald Trump, mà giới thượng lưu ưu tú lại chẳng nhìn ra và nói thật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét