Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 170128
Tổng thống Hoa Kỳ muốn viết lại
luật chơi cho một trật tự mới
* Quan hệ song phương Anh-Mỹ vẫn khắng khít nhất *
Người
ta cứ cho rằng Donald Trump đang đảo lộn trật tự thế giới sau khi nhậm chức Tổng thống
Hoa Kỳ. Sự thật có khi lại khác. Ông tiếp nhận di sản không phải là tám năm của
vị tiền nhiệm bên đảng Dân Chủ mà từ nhiều thập niên của một trật tự cũ, từ an
ninh đến kinh tế, đang tan rã từ Đông sang Tây. Siêu cường Hoa Kỳ nằm giữa tâm
điểm của tình trạng hỗn loạn ấy nên Tổng thống thứ 45 mới có tham vọng xây dựng
lại một trật tự khác.
Từ
Đông sang Tây, người Mỹ thấy gì?
Trung Cộng hưởng lợi kinh tế, có thêm phương
tiện quân sự để đòi khống chế cả khu vực Đông Á, trong khi Bắc Hàn Cộng sản lại
coi trời bằng vung với kế hoạch võ khí hạch tâm nhằm đe dọa vùng Đông Bắc Á. Tại
Trung Đông, cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo cuồng tín và phương pháp khủng
bố không có kết quả sau 15 năm tốn công, của và mạng sống. Cuộc khủng hoảng của
thế giới Hồi giáo lan vào Âu Châu với làn sóng di dân, nơi mà tổ chức Liên Âu
có 28 thành viên bị chấn động, mất thống nhất, và khối tiền tệ Euro của 19 thành
viên Liên Âu chưa ra khỏi cơn khủng hoảng manh nha từ năm 2010. Giữa những biến
động tại Âu Châu, Liên bang Nga thừa thắng xông lên và coi thường Minh ước
NATO, thách đố trật tự của Âu Châu khi khống chế Ukraine và tiến vào Trung
Đông. Dù không thể là siêu cường có khả năng đe dọa quyền lợi Hoa Kỳ như Trung
Cộng, Liên bang Nga của Vladimir Putin cũng là bài toán cần giải quyết sau khi kế hoạch
hỏa giải (“reset”) của Chính quyền Obama với Putin không thành.
Nhưng giải
quyết những thách đố ấy với ưu tiên nào khi nội bộ Hoa Kỳ cũng có quá nhiều vấn
đề?
Từ
hai thập niên qua, Hoa Kỳ bị ảnh hưởng của ba trào lưu lớn là 1/ tiến trình
toàn cầu hóa khởi sự mạnh sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1992, 2/ cuộc
cách mạng thuật lý (technology) làm đảo lộn tiến trình sản xuất và cách bố trí
phương tiện lẫn nhân lực trong kinh tế; và 3/ nạn lão hóa dân số khi thế hệ Hậu
chiến, lớp người sinh đẻ từ 1946 tới 1964 lại bắt đầu về hưu, cần nhiều hưu liễm
và dịch vụ y tế hơn khả năng đóng góp của lực lượng lao động.
Những
chuyển động trên tại Hoa Kỳ không xuất hiện biệt lập trong biên vực của quốc
gia mà hòa chung vào hệ thống giao dịch toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng,
supply chain, giữa các nước về nguyên nhiên vật liệu và lực lượng lao động.
Trong khung cảnh đó, kinh tế Trung Cộng thu được nhiều lợi ích nhờ nhân công rẻ
nên công nghiệp hóa nhanh hơn các nước đi trước như Nhật Bản hay Nam Hàn. Ngược
lại, khu vực chế biến của Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất: sản xuất nhiều hơn với ít
nhân công hơn mà cũng có tỷ trọng thấp hơn nếu so sánh với khu vực tài chánh và
dịch vụ. Sự bất mãn của thành phần lao động trong khu vực chế biến này này trút
vào một nguyên nhân kinh tế là tự do thương mại, nhưng các nguyên nhân kia
chính là khoa học kỹ thuật cùng hệ thống đào tạo và giáo dục của Hoa Kỳ.
Khi
nhìn trên toàn cảnh và ra khỏi khuôn khổ Hoa Kỳ, người ta cón thấy hiện tượng
lão hóa dân số đang đe dọa nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan,
Trung Quốc, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả nước Đức. Giải pháp tiếp nhận
di dân - trẻ hơn, nghèo hơn, có tỷ lệ sinh sản cao hơn người bản địa không dễ
áp dụng cho các nước hải đảo hay quần đảo như Nhật, Hàn, Đài Loan, và còn gây
phản ứng ngược như tại nước Đức và Hoa Kỳ.
Việc
Hoa Kỳ mất tiền bảo vệ biên cương của nước khác, như qua Minh ước NATO chẳng hạn,
mà không bảo vệ được biên cương của mình tại miền Nam mới dẫn tới ý tưởng “xây
tường” tại biên giới với xứ Mexico là điều đã được luật lệ cho phép mà chưa
hoàn tất và cũng chẳng có biện pháp cưỡng hành. Lồng trong vấn đề an ninh đó
còn có kế hoạch cải cách thuế vụ do đảng Cộng Hòa chủ trương từ Tháng Sáu năm
ngoái, nhằm tăng thuế trên hàng nhập cảng và giảm thuế cho hàng xuất cảng. Nếu
Hành pháp Trump và Hạ viện Cộng Hòa thống nhất ý kiến về dự luật “điều chỉnh mậu
biên” (border adjustment), thuế thu vào từ hàng xuất cảng của Mexico có thể giải
quyết được nhu cầu tài chánh.
Chính
quyền Trump bắn tiếng rằng thuế suất 20% trên hàng nhập cảng từ Mexico có thể
tài trợ việc xây tường có khi chỉ là bước đầu của việc mặc cả mà thôi sau khi bị
nhập siêu tới 60 tỷ Mỹ kim từ Mexico (so với nhập siêu từ Canada là chín tỷ).
Người
ta đả kích ông Trump là đơn phương rút khỏi Hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình
Dương TPP mà quên rằng Hiệp ước này vô giá trị vì chưa được Quốc hội Hoa Kỳ phê
chuẩn sau khi gặp sự chống đối mạnh từ đảng Dân Chủ, kể cả hai ứng cử viên Dân
Chủ là Hillary Clinton và Bernie Sanders, lẫn một số không ít trong giới dân cử
Cộng Hòa. Tổng thống không thể “giết” một xác chết chưa chôn, ông chỉ đòi
thương thuyết song phương với từng nước trong số 11 quốc gia đã ký kết TPP.
Cũng vậy, ông chủ trương thương thuyết lại với từng nước trong Hiệp ước Tự do Mậu
dịch Bắc Mỹ NAFTA đã ban hành từ năm 1994, là Canada và Mexico.
Chính
quyền Mexico lâm vào thế kẹt vì áp lực trong và ngoài mà nếu rút khỏi Hiệp ước
NAFTA thì còn bị thiệt hơn nữa.
Sau
một tuần nhậm chức, người ta thấy Tổng thống mới của Hoa Kỳ tận dụng hai phương
tiện pháp lý là ‘sắc lệnh hành pháp” (executive orders) và “bị vong lục”
(memorandum, số nhiều là memoranda). Sắc lệnh hành pháp chỉ thị cho các cơ quan
hữu trách phải thi hành hoặc không thi hành những gì đã được đưa ra trước đó. Bị
vong lục (dịch nôm na là “phòng bị cho khỏi quên”) là văn kiện có giá trị hướng
dẫn bộ máy công quyền về đường lối chánh sách chung chứ không nêu ra chi tiết về
việc thi hành.
Qua
hàng chục văn kiện này, người ta thấy Tổng thống Hoa Kỳ vạch ra luật chơi cho
trận đấu với Lập pháp cùng doanh giới và, ra khỏi khuôn khổ Hoa Kỳ, cho các quốc
gia hay định chế quốc tế.
Theo
dõi trận đấu tại Thủ đô Washington với Quốc hôi hay trên thương trường với các đại
tổ hợp, người ta có thể thấy rằng Donald Trump muốn tiến tới một trật tự khác.
Nhưng với bên ngoài thì các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc hay NATO cùng
các quốc gia khác mới phải vò đầu bứt tai vì chủ trương vừa dọa vừa dụ của Tổng
thống Mỹ. Chưa ai biết là ông Trump có thành công hay chăng nhưng ai cũng biết
rằng sự thể ngày nay đã khác.
Nhìn
theo khuôn khổ thời gian lẫn không gian, chúng ta nên nhớ tới sự thất bại của hệ
thống mậu dịch toàn cầu khi Tổ chức Thương mại Thế giới WTO không khởi động nổi
vòng đàm phán Doha do Chính quyền George W. Bush đề nghị từ Tháng 10 năm 2001 –
15 năm qua rồi. Từ đó ta mới thấy những nỗ lực hợp tác đa phương, ở cấp vùng, giữa
từng nhóm quốc gia với nhau. Nỗ lực ấy cũng không thành, thí dụ không chỉ có Hiệp
ước TPP mà còn có Hiệp ước Xuyên Đại Tây Dương TTIP giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, hoặc
Hiệp ước Tự do Mậu dịch giữa Liên Âu với Canada.
Trào
lưu tử toàn cầu tụt xuống đa phương đã có trước khi cử tri Hoa Kỳ nghe nói đến ứng
cử viên Donald Trump! Ông Trump chỉ có tội hay có công là thúc đẩy trào lưu này
với giải pháp song phương, giữa Hoa Kỳ với từng nước. Bắc Kinh có một chữ cho nghệ
thuật vận dụng ấy vì họ thi thố từ lâu: “bẻ đũa từng chiếc”.
Chúng
ta sẽ còn cơ hội theo dõi những trận đấu này giữa Hoa Kỳ với từng nước, như
Nga, Đức, Tầu, Nhật… và không nên quên thế lực kinh tế của Mỹ là rất ít lệ thuộc
vào xuất cảng, vẫn còn công xuất khả dụng để thay thế số nhập cảng bị giảm sút.
Còn lại, ba chuyển động lớn là toàn cầu hóa, thuật lý và dân số, tiếp tục là
bài toán trường kỳ cho nước Mỹ mà Tổng thống Donald Trump chưa chắc đã giải quyết
được.