Thứ Sáu, tháng 4 06, 2012

Gian Nan của Miến Điện

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Viet Tribune 120406

Tương lai quốc gia trên đôi vai người phụ nữ  

* Bà Aung San Suu Kyi - Con đường sáng *



Trong cùng một giai đoạn, chúng ta chứng kiến hai ba sự lạ tại Á châu....

Trước hết, chuyện Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức lồng trong những đợt tin đồn úp mở về sự biến tại Trung Quốc. Khi úp hay khi mở thì đều có bàn tay đạo diễn của Bắc Kinh.

Những ai tò mò theo dõi thì nhìn thấy sự lạ là hiện tượng "Thái tử đảng", thành phần con ông cháu cha của các "lão đồng chí", những đảng viên đã cùng Mao Trạch Đông sáng lập ra Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Sự lạ là trong số này, nhiều người từng là nạn nhân của Mao và chế độ cộng sản tập quyền, nguyên nhân chính khiến Mao có thể tàn sát bất cứ ai đe dọa quyền lực của ông.

Nổi bật nhất có Tập Cận Bình, người đang được chuẩn bị lên thay Hồ Cẩm Đào làm Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước. Hay Bạc Hy Lai, con trai của một trong "bát đại nguyên lão". Tập Trung Huân và Bạc Nhất Ba đều bị hành hạ và làm nhục trong thời Cách mạng Văn hoá do Mao phát động. Một nạn nhân tiêu biểu khác của cuộc "Đại văn cách" là Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật số hai trong đảng và nhà nước, bị chết đói trong tù vì quyết định của Mao. Nhưng con trai ông ta nay là Trung tướng Lưu Nguyên, Chính ủy Học viện Quân sự và một nhân vật bảo thủ trong quân đội.

Sự lạ là đám con cháu của các lãnh tụ bị hàm oan đó, kể cả con cháu của Đặng Tiểu Bình, nay đều là công thần của chế độ hoặc nắm giữ nhiều cơ sở kinh doanh béo bở trong hệ thống kinh tế Trung Quốc. Họ vẫn phục vụ và củng cố chế độ chứ không vì những kinh nghiệm của gia đình và bản thân mà tìm một tương lai khác cho đất nước.

Đấy là lúc chúng ta nhìn qua Miến Điện.


***


Cuộc bầu cử hôm mùng một Tháng Tư vừa qua khiến Liên đoàn Dân chủ Quốc gia và lãnh tụ là bà Aung San Suu Kyi thắng lớn, một chiến thắng được gọi là long trời lở đất vì chiếm 43 trong 44 ghế của Quốc hội.

Phu nhân (Daw) Aung San Suu Kyi là con gái của Tướng Aung San, người có công giành lại nền độc lập cho xứ sở từ tay Đế quốc Anh mà bị đối lập ám sát trước khi xây dựng được nền móng quốc gia. Bắt đầu đấu tranh cho nền dân chủ Miến Điện từ năm 1988, Aung San Suu Kyi trả giá rất đắt cho việc làm của mình, bị cầm tù hay quản thúc trong gần hai chục năm kể từ 1991, mà không dời đổi lập trường.

So với hiện tượng Trung Quốc, bà có thể là khuôn mặt tiêu biểu cho một "Công nương đảng", nhưng không chọn con đường dễ dãi ấy. Ngày nay, tương lai Miến Điện đang đặt trên đôi vai yếu ớt và ý chí sắt thép của người phụ nữ này.

Khi nhắc đến sự lạ ấy, kết luận bất ngờ ở đây là sự cám dỗ của quyền lực độc tài – vì quyền lực cũng đem lại quyền lợi. Trong hoàn cảnh đó, ta có thể suy ra những gian nan của Miến Điện khi các tướng lãnh - và con cái họ - cũng sẽ quyết liệt bảo vệ "thành quả của chế độ" sau 60 năm cầm quyền tuyệt đối, kể từ 1962 cho đến nay....

Từ đó đến nay đã có ba thế hệ nối tiếp trong trận chiến giữa ác và thiện.


***


Chế độ quân phiệt của Miến Điện vẫn tồn tại trong thực tế, nó là sức mạnh của chính quyền dân sự hiện nay của Tổng thống/Thủ tướng Thein Sein.

Sinh cùng năm 1945 với Aung San Suu Kyi, Chuẩn tướng Thein Sein được quân đội đưa lên làm Thủ tướng rồi Tổng thống với quân hàm Đại tướng và tiến hành việc chuyển hóa chính trị chúng ta đang chứng kiến ngày nay. Nhờ sự chuyển hóa đó – mà bên ngoài gọi là dân chủ hóa – chế độ quân phiệt đã đổi áo kaki thành áo trắng, cho báo chí quyền tự do và cho bầu cử 6% các chức vụ đại biểu Thượng và Hạ viện trong đó có 43 ghế vừa mới đổi chủ vào tuần qua.

Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử vào năm 2015, chế độ quân phiệt vẫn nắm dao đằng chuôi, với 25% ghế đại biểu do Quân đội chỉ định và đa số ghế còn lại vẫn nằm trong tay đảng "Hội đồng Hoà bình và Phát triển Liên bang" cũng do các tướng lãnh chi phối. Giữ vai trò lãnh tụ đối lập với 43 ghế trong Hạ viện có 440 ghế, bà Aung San Suu Kyi là nguồn hy vọng cho dân tộc Miến Điện.

Và có thể gây thất vọng nếu không tạo ra phép lạ.

Từ năm 2009, chế độ quân phiệt thấy ra sự khủng hoảng của xứ sở khi Miến Điện bị thế giới cô lập và trôi dần vào quỹ đạo Trung Quốc. Họ muốn chuyển hóa dần, để tiến tới dân chủ hay chỉ để tháo gỡ cái ách cấm vận kinh tế, chúng ta thật chưa rõ. Bà Aung San Suu Kyi đã gặp Thủ tướng Thein Sein và đồng ý tham gia đấu tranh chính trị thay vì tẩy chay bầu cử và lấy rủi ro rất lớn là có mặt trong một chế độ chưa chắc đã có thực tâm cải cách.

Đấy là thiện chí đáng kính của bà thay vì đòi hỏi một điều tuyệt đối là giải tán chế độ. Bà đi vào một vùng nước lợ, một con kinh vẫn đen đặc những âm mưu và quyền lợi mờ ám.

Trong khi chờ đợi một trận đánh thật sự là việc soạn thảo và biểu quyết một bản hiến pháp khác hầu minh định luật chơi dân chủ cho một sân chơi bình đẳng, đảng dân chủ và những người ủng hộ bà sẽ phải chấp nhận một sân chơi bị lệch, với quyền lực vẫn nghiêng về tay chân của chế độ quân phiệt hiện nay.

Khuynh hướng dân chủ mà Aung San Suu Kyi có một lợi thế là họ tiến đến đâu thì Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ sẽ giải toả cấm vận và viện trợ đến đó.

Tiến trình giải tỏa ấy đã bắt đầu, với sự hoài nghi của cả bốn phía. Bên trong là chế độ quân phiệt và các nhà dân chủ; bên ngoài là các nước dân chủ, Âu-Mỹ và cả Ấn Độ, và thế lực của Trung Quốc. Ngay sau cuộc bầu cử Miến Điện, Bắc Kinh bỗng lên tiếng ngợi ca việc các nước Tây phương chấm dứt việc phong toả kinh tế xứ này, nhưng hẳn là thâm tâm thì biết rằng từ nay sân chơi trên đất Miến đã đổi và từ nay Trung Quốc hết còn ưu thế như xưa.

Cho đến nay, bà Aung San Suu Kyi khéo giữ một lập trường ôn hoà, là không triệt để chống lại ảnh hưởng quá lớn của Bắc Kinh và nhất là không để bị mang tiếng là một lá bài hay quân cờ của Tây phương. Đây là điều rất khó khi bà thành hôn với một giáo sư người Anh.

Nhưng lai lịch là con gái của một vị anh hùng dân tộc và thành tích kiên định tranh đấu cho dân chủ Miến Điện bên cạnh người dân thấp cổ bé miệng - chứ không lưu vong ra ngoài - có giúp cho hình ảnh ái quốc của một người dám hy sinh và không đi tìm giải pháp dễ dãi cho cá nhân hay gia đình.

Từ nay đến năm 2015, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải tiếp tục tranh đấu, nhưng trong một hình thái khác.


***


Một mối nguy ít ai nói đến là vai trò và vị trí địa dư của các sắc tộc thiểu số - đều tập trung ở vùng núi non hiểm trở phía Bắc, tiếp giáp với Trung Quốc.

Đế quốc Anh đã thâm hiểm ve vãn và nâng đỡ các nhóm sắc tộc này – duy nhất được tham gia vào quân đội trong thời ngoại thuộc – để dân Miến Điện đa số đảm nhiệm phần hành chính, và một thiểu số người Ấn giữ vai trò kinh doanh. Chánh sách chia để trị đó đã di hại cho Miến Điện và phần nào giải thích - chứ không thể biện minh – cho sự xuất hiện của chế độ quân phiệt.

Tướng Aung San thấy ra sự thể và chủ trương hòa giải để hội nhập sắc tộc nhưng ông mất quá sớm, vào năm 1948, các chính quyền nối tiếp đã từ bỏ chánh sách đó.

Khi Miến Điện bị cô lập kể từ năm 1988, Trung Quốc liền bước vào khoảng trống và tiếp cận, nuôi dưỡng lẫn dung hoà cả hai phe đối nghịch là chế độ quân phiệt ở trung ương lẫn các lãnh chúa thiểu số ở địa phương. Hợp tác với Bắc Kinh, các tướng lãnh cũng ít nhiều giải quyết - hay tạm đẩy lui - mối lo phân hoá nhờ vai trò "hòa giải" độc địa của Trung Quốc.

Bây giờ, khi việc chuyển hóa lại đe dọa quyền lợi và ưu thế của Bắc Kinh, người ta nên chờ đợi phản ứng bất ngờ của các lực lượng thiểu số. Thí dụ như họ bỗng nhiên túa chạy qua biên giới Trung Quốc và kêu cứu vì sợ bị dân Miến đàn áp - họ đem lại "chính nghĩa" cho sự can thiệp hay khuynh đảo của Bắc Kinh để cứu các "nạn dân".

Chủ trương và uy tín của Tướng Aung San năm xưa có thể giúp bà Aung San Suu Kyi đối thoại với lãnh tụ các nhóm sắc tộc thiểu số, nhưng ba bốn thế hệ đã qua rồi, có mấy ai còn nhớ? Và vai trò hoặc vị trí của dân thiểu số cùng các địa phương sinh hoạt phải được phản ảnh qua bản hiến pháp của một chế độ liên bang thực sự, là điều không dễ thực hiện khi Miến Điện còn nhiều ưu tiên khác.


***

Một ưu tiên gần gũi nhất là xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng và lành mạnh cho tư doanh Miến Điện và quốc tế cùng tham gia công cuộc phát triển. Nếu có hoàn tất thì phải năm ba năm sau này mới có kết quả tăng trưởng. Mà không dễ hoàn tất.

Miến Điện chưa có một guồng máy hành chánh công quyền hoạt động hữu hiệu cho mục tiêu phát triển, khác hẳn mục tiêu "ổn định" hoặc bảo vệ chế độ.

Xứ này cũng chưa có một hạ tầng cơ sở luật lệ cho sự xuất hiện của một nền tư pháp độc lập với các luật sư hay thẩm phán có cơ sở phán xét chuyện đúng/sai, hợp pháp hay phi pháp và bảo vệ quyền công dân trong đó có cả quyền sinh hoạt kinh tế. Và Miến Điện vẫn còn hệ thống kinh tế nhà nước, với các doanh nghiệp nhà nước là trung tâm trục lợi của tay chân các tướng lãnh, với sự chỉ vẽ của Trung Quốc: chủ nghĩa tư bản thân tộc và thái tử đảng với màu sắc Miến Điện.

Tiến trình dân chủ hóa tất nhiên dẫn đến tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là tước bỏ quyền lực kinh tế của thành phần con ông cháu cha và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền tư hữu của người dân.

Khi thận trọng giải tỏa lệnh cấm vận, các nước Tây phương đều ý thức ra những chướng ngại đó.

Nhưng thị trường và phản ứng hồ hởi của giới đầu tư hay đầu cơ có thể sẽ nhảy vào chụp giựt và gây vấn đề cho những người dân chủ. Miến Điện là một quốc gia chậm tiến mà giàu tài nguyên nhất Đông Nam Á. Hiện nay, những người thính mũi làm ăn đều nói đến xứ này như một "chân trời mới", nơi mà luật lệ chưa có nên ai cũng có thể làm giàu rất nhanh!

Kinh nghiệm tư nhân hoá và cổ phần hóa tại Liên bang Nga dưới thời Boris Yeltsin trong những năm 1992 trở về sau, hoặc gần hơn nữa, kinh nghiệm Cam Bốt sau khi hòa giải và "dân chủ hóa" dưới áp lực của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cách đây 20 năm lại dẫn đến việc định chế hóa chế độ tham nhũng. Kinh nghiệm còn hiện đại và kinh hoàng hơn của Việt Nam ngày nay cho thấy kinh tế thị trường không góp phần dân chủ hoá mà còn dẫn đến sự xuất hiện của một thiểu số nắm giữ đặc quyền để trục lợi và thực tế cản trở việc cải cách kinh tế lẫn chính trị.

Với sự toa tập của các doanh nghiệp ngoại quốc....

Trong môi trường đó, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế vì không có sự phán xét của truyền thông báo chí Trung Quốc. Các doanh nghiệp Âu-Mỹ thì không được như vậy.


***


Chúng ta có thể tin rằng các tướng lãnh Miến Điện ở trên đang muốn chuyển hóa, trong chừng mực mà sự chuyển hóa này sẽ không xoá sạch thành quả cụ thể của chế độ cho con cháu của họ. Ở bên dưới là một đa số bần cùng đang có nhiều khát khao và kỳ vọng. Bên ngoài là các cường quốc đang thậm trọng cân nhắc từng bước giải tỏa như Hoa Kỳ hay Âu Châu, Ấn Độ, hoặc từng bước bảo vệ ưu thế đã xây dựng được như Trung Quốc.

Ở giữa là một lực lượng dân chủ có chính nghĩa mà chưa hẳn là có kinh nghiệm đấu tranh nghị trường trước cả chục vấn đề đếu có vẻ ưu tiên như nhau.

Hiển nhiên là Aung San Suu Kyi có biết điều ấy. Bà chấp nhận rủi ro rất lớn để đem lại một chút ánh sáng cho xứ sở và dân tộc. Chúng ta chỉ mong rằng nhiều người Miến Điện cũng biết như vậy: họ đã dám đấu tranh khi đứng ở bên ngoài, nay sẽ còn phải đấu tranh sau khi đã nhập cuộc.

Và không chịu làm cây cảnh trang trí cho một chế độ tồi tệ. 


1 nhận xét:

  1. Hiện nay, hình ảnh của Bà Aung San Suu Kyi vân chỉ là một đốm sách nho nhỏ cho dân tộc của Bà ! Những khó khăn còn đang ở phí trước, đến năm 2015 khi Myanma tiến hành bầu cử Quốc Hội thì lúc đó Bà cũng đã 70 tuổi ! Không biết khi đó Bà có đủ sức khỏe và sự thông minh để lãnh đạo Đảng của Bà thằng cử không ?

    Thứ hai, hiện nay trong bộ máy lãnh đạo Myanma thì vai trò của những tướng lĩnh quân sự cong đang rất lớn, những người không phải là tướng lĩnh thì cũng sống và làm việc trong chế độ quân phiệt nhiều năm ! Không biết họ có thể tự mình thay đổi tư duy của mình để hướng đến một Myanma hùng cường không nữa ?

    Trả lờiXóa