Thứ Ba, tháng 8 07, 2012

Nhất Thời và Vạn Thế

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120806
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Bí ẩn Hoa Kỳ và Bầu cử Tổng Thống

 * George Washington - Quốc phụ và Tổng thống đầu tiên *


Người ta thường nói, không mấy sai, rằng Hoa Kỳ cứ thay đổi chính sách đối ngoại sau một cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng, nhìn trong trường kỳ thì ai lên lãnh đạo nước Mỹ cũng vẫn chấp hành một số chính sách nhất định. Một nghịch lý của chuyện nhất thời và trường cửu chăng?

Khi ra tranh cử tổng thống năm 2000, Thống đốc Texas là George W. Bush đả kích việc Chính quyền Bill Clinton can thiệp vào Kosovo và nhấn mạnh đến chủ trương đối ngoại của ông: hãy khiêm cung với thiên hạ, không áp đặt giá trị của Hoa Kỳ với các nước, tránh hao tốn tài nguyên đi "xây dựng quốc gia" cho xứ khác, để rồi sẽ gánh vác chuyện của thiên hạ. Quan điểm ấy phần nào phản ảnh một xu hướng tự cô lập trong đảng Cộng Hoà, hoặc của nước Mỹ nói chung từ thời lập quốc vào cuối thế kỷ 18, khi muốn tránh bị lôi vào các cuộc chiến của thế giới bên ngoài, thời đó là thế giới Âu Châu.

Chúng ta đều biết kết quả.

Chính quyền Bush mở ra ba chiến trường, chống khủng bố Hồi giáo, đưa quân vào A Phú Hãn rồi Iraq, với những hậu quả tệ hại mà ứng cử viên Bush đã tiên báo, trước khi thành Tổng thống. Thân phụ của ông, Tổng thống George H. W. Bush mở chiến dịch tấn công Iraq năm 1991, nhưng vào thật sâu rồi rút thật nhanh chứ không lật đổ chế độ Baghdad, theo khuyến cáo của Tổng trưởng Quốc phòng khi đó là Dick Cheney: lật đổ chế độ Saddam Hussein thì sẽ lãnh vạ xây dựng Iraq. Ông Cheney đầy khôn ngoan này chính là Phó Tổng thống của Bush 43, và mang tiếng là diều hâu chủ chiến trong vụ tấn công Iraq năm 2003!

Khi ra tranh cử tổng thống năm 2008, Nghị sĩ Illinois là Barack Obama có lập trường tương tự như Thống đốc Bush năm 2000. Phải xác định lại mục tiêu của Hoa Kỳ với Âu Châu, Liên bang Nga và thế giới Hồi giáo để tìm một vị trí khiêm nhường hơn cho nước Mỹ chứ không thể hung hăng can thiệp vào thiên hạ sự. À quên, nhân tiện thì phải đóng trại tù tại Guantanamo.

Chúng ta cũng đều biết kết quả.

Trở thành "người vái tứ phương" và phân bua về những sai lầm trước, ông Obama tiếp tục áp dụng đối sách ngoại giao của người tiền nhiệm, đôn quân vào A Phú Hãn như ông Bush đã làm tại Iraq, can thiệp vào Libya, gửi biệt kích qua Uganda, mở thêm căn xứ quân sự tại Úc và cho máy bay không người lái bắn hạ quân khủng bố trong lãnh thổ của xứ khác. Còn Guantanamo thì vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Chúng ta đụng vào một nghịch lý của Hoa Kỳ trong mùa bầu cử tổng thống, bốn năm lại có một lần. Đó là mâu thuẫn giữa lý luận tranh cử và chính sách thực tế. Chẳng lẽ Tổng thống nào cũng nói một đàng, làm một nẻo?


***

Từ nguyên thủy, George Washington đã có thể làm... Hoàng đế Hoa Kỳ.

Ông là tư lệnh quân đội giải phóng, lãnh tụ cách mạng và... chủ đất có thế giá của khu vực sau này sẽ là thủ đô Hoa Kỳ. Nhưng may cho nước Mỹ, các bậc quốc phụ lại chọn thể chế Cộng hòa, thành lập nền dân chủ. Và Hiến pháp soạn thảo thì cố tình thu hẹp quyền lực của Tổng thống!

Vì vậy, lãnh đạo nước Mỹ cứ bị đề cao là "lãnh đạo thế giới" chứ lại chịu nhiều dây nhợ bó buộc nhất. Tổng thống Mỹ cũng chẳng có toàn quyền về đối nội vì ba định chế có thẩm quyền và thực lực về ngân sách, hiến chế và tiền tệ: Quốc hội, Tối cao Pháp viện và Ngân hàng Trung ương.

Hiến pháp Hoa Kỳ không trao tay hòm chìa khóa cho Hành pháp. Có muốn lách qua một bên để tìm đề mục xã hội hấp dẫn cho thành phần cử tri của mình, như quyền phá thai hay đồng tính, Tổng thống còn phải đếm số phiếu bên Lập pháp, cứ hai năm một lần là lại có Hạ viện mới và nhiều khuôn mặt và tư tưởng mới.

Vì vậy, Tổng thống chỉ còn một ngả nhằm để lại dấu ấn cho hậu thế là lãnh vực đối ngoại. Nhưng phải tìm đủ hậu thuẫn chính trị bên trong và được Quốc hội mở hầu bao cho ngân sách về ngoại giao, an ninh và quốc phòng. Tức là phải lọt qua một khung cửa hẹp.

Chúng ta đang chứng kiến sự thể này.

Khi lưỡng viện đánh nhau tơi tả làm Quốc hội bị ách tắc, tổng thống chỉ có thể bí beng phát biểu chứ thị trường và kinh tế ngó chừng xem Ngân hàng Trung ương có xả thêm tiền vào kinh tế nhờ một đợt QE thứ ba hay chăng. Do quyết định của Quốc hội, ngân sách quốc phòng đương nhiên bị cắt mấy trăm tỷ trong 10 năm tới dù Tổng thống, giới chức ngoại giao và quốc phòng lẫn lãnh đạo cả hai đảng đều nói tới việc tái phối trí phương tiện về Đông Á. Từ Tổng trưởng Quốc phòng Leon Panetta đến lãnh đạo Cộng Hoà bên Quốc hội đều lên giọng diều hâu, bị cắt cánh, và Tổng thống thì du dương nói qua chuyện khác.

Khi tranh cử, ứng viên Tổng thống vẽ ra giấc mơ xoay bạch ốc dựng lầu đài. Sau khi đắc cử thì đành liệu cơm gắp mắm và thỏa hiệp bên trong để tìm đủ đa số cho một quyết định đối ngoại. Nếu không thì vẫn xoay về chốn cũ, như người tiền nhiệm. Cho nên bảo rằng Mỹ ưa thay đổi chính sách ngoại giao sau mỗi lần tranh cử là không sai – mà chưa đúng.

Nhiều người ưa nói đến một thuyết âm mưu. Rằng thế lực này hay nhóm tài phiệt nọ đã tính trước cả, để đưa lên một người sẽ lãnh đạo nước Mỹ hầu thi hành những việc có lợi cho họ. Nếu quả như vậy thì may quá! Khi cử tri còn phân vân về chuyện chợ búa hay việc làm thì ai đó đã dựng sẵn lá bài cho cuộc cờ toàn cầu.  Xin cứ yên tâm vì... "Mỹ nó tính trước cả rồi"!

Chúng ta quá quen với lập luận đó trước và sau 1975. Rồi ngỡ ngàng không hiểu vì sao một tổng thống đầy thành tích nội chính là Lyndon Johnson lại mất việc vì chuyện đối ngoại ở Việt Nam. Hoặc một tổng thống lẫy lừng về đối ngoại như Richard Nixon lại rớt đài vì một chuyện không đâu ở bên trong là vụ Watergate.

Nhìn từ bên ngoài, chúng ta có thể tìm ra một cách giải thích khác:  

Lãnh tụ nào cũng lãnh một tụ bài khi ngồi vào canh bạc - rồi liệu đó mà chơi. Ông Bush lãnh một quả bất ngờ là vụ khủng bố 9-11 đã có cái nhân từ các chính quyền tiền nhiệm nên vào cuộc là đành xoay 180 độ. Ông Obama cũng ôm kỳ vọng và lãnh hậu quả bất ngờ là bội chi ngân sách cho nên cái khó mới bó cái khôn. Khác nhau chỉ ở cách nín thở "giải nghiệp" như ông Bush năm 2004 hoặc đổ lỗi như ông Obama năm 2012.

Thật ra, từ trăm năm nay bất cứ ai lên lãnh đạo Hoa Kỳ đều đành quên mộng mị khi cầm ấn tín Tổng thống. Sau khi đọc hồ sơ và học bài về an ninh đối ngoại, Tổng thống phải dung hòa với các định chế bên trong và tìm cách củng cố mục tiêu truyền thống trước những xoay vần của thế giới bên ngoài.

Các mục tiêu đó là bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi cốt lõi tại Tây bán cầu, hai lục địa Nam-Bắc Mỹ. Kế tiếp là cân bằng quan hệ quốc tế để các cường quốc bị giàng vào nhau mà không xứ nào có thể đe dọa quyền lợi Hoa Kỳ. Quan hệ đó như chuyện Liên Xô với Đức Quốc Xã, như Nga với Tầu, Âu với Á, như Sunni với Shia hay dân Thổ dân Kurd  trong khối Hồi giáo. Như Trung Quốc ngày nay với các nước bán đảo hay hải đảo vây quanh: Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, khối ASEAN.... Đó là về chiến lược.

Về chiến thuật thì khi phải giải quyết một mâu thuẫn, Hoa Kỳ vận dụng ngần ấy phe can dự, cả đồng minh lẫn đối thủ, để tùy thế tác động. Yểm trợ phe chống Mỹ hoặc đàm phán với kẻ thù cũng không là sự lạ. Miễn rằng sau cùng, ai thắng ai bại thì nước Mỹ vẫn có lợi hơn cả.

Hoa Kỳ là nền cộng hoà có đạo lý cao thượng mà cũng đầy thủ đoạn quái quỷ của một đế quốc. Dung hoà được hai mâu thuẫn đó mới là Tổng thống vĩ đại. Trong thể kỷ 20, có hai người là thuộc lớp siêu hạng này. Nhưng được ca tụng vì thành quả nội chính, về xã hội như F. D. Roosevelt hoặc kinh tế như Ronald Reagan!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét