Chủ Nhật, tháng 8 12, 2012

Sự Tinh Tế Trong Cách Nói Và Viết Tiếng Việt

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 120811

Một trăm mấy chục trung tâm qua mấy chục năm truyền bá Việt ngữ


* Phù hiệu của Các Trung Tâm Việt Ngữ - Nam California *



Lời Giới Thiệu: Năm nay là lần thứ 24, Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California đã khai giảng khóa huấn luyện và tu nghiệp hàng năm cho hàng trăm thầy cô và phụ huynh của các trung tâm Việt ngữ tại Hoa Kỳ và Canada về tham dự. Mục tiêu là huấn luyện các thầy cô mới gia nhập việc giảng dạy và tổ chức tu nghiệp cho các thầy cô đã dạy Việt ngữ cho các em nhỏ từ lâu. Địa điểm của ba ngày học tập và thảo luận từ mùng 10 đến 12 Tháng Tám là Le-Jao Center, trường Coastline Community College, Westminster, California. Chủ đề năm nay là "Người Việt Nói Tiếng Việt".


Phần Thuyết Trình (xin yết lại ở đây cho các thầy cô):



Chúng tôi xin cảm tạ Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California đã yêu cầu trình bày một đề tài cho khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm mùa Hè 2012. Những nỗ lực bền bỉ từ bao năm nay của các thầy cô và ban đại diện khiến cho tôi phải "cung kính bất như tuân lệnh". Những lần trước, tôi được yêu cầu trình bày về bản "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi và "Truyện Kiều và sự Phong Phú của Tiếng Việt". Lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một đề tài khác, "Sự Tinh Tế Trong Cách Nói Và Viết Tiếng Việt".


Tôi xin bắt đầu phần thuyết trình bằng một tin vui: tôi không là một nhà ngôn ngữ học! Cho nên quý vị yên tâm là không bị hành hạ với hàng loạt khái niệm chuyên môn về ngữ pháp, văn phạm hay những từ khó hiểu như "ngữ tố", "phó từ", v.v...

Khi thầy Quyên Di liên lạc để đề nghị tôi trình bày đề tài này, tôi không dám hỏi lại là "tại sao?" Chỉ đoán rằng do nghề nghiệp, có lẽ là nghiệp hơn nghề, từ 15 năm nay, tôi hay trả lời phỏng vấn trên các đài phát thanh rồi viết nghị luận trên nhiều mặt báo nên được quý vị cho là có đôi chút hiểu biết về tiếng Việt, nhưng từ một giác độ thực dụng của người viết bình luận.

Thật ra, như nhân vật Jourdain rởm đời trong hài kịch nổi tiếng "Le Bourgeois Gentilhomme" của Molière, là "Gã Trưởng Giả Học Làm Sang", tôi dùng chữ nghĩa mà chẳng biết về ngữ học! Nhưng biết đâu là nhờ vậy mà đôi khi mình bắt gặp được sự tinh tế trong tiếng mẹ đẻ chăng?

Cho nên tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm hay ý kiến về sự tinh tế đó và sẽ cố nói chuyện suông đuột để gợi ý cụ thể về đề tài là tìm ra sự tinh tế của tiếng Việt.

Sau tin vui thì xin nói ngay chuyện kém vui.

Từ lớp trung học ngày xưa khi còn ở nhà, chúng ta được đọc hay nghe giảng văn về cái hay cái tuyệt của chữ nghĩa dân tộc. Mình không quên các bài học về thơ Nôm Hồ Xuân Hương hay câu đối của Nguyễn Khuyến chẳng hạn, để thầy trò cùng gật gù về ngôn ngữ hoa mỹ, thuật chơi chữ hoặc tài nói lái trong tiếng Việt. Xin lấy lại vài thí dụ cụ thể.

Một cô gái chanh chua ngổ ngáo bị té giữa sân là chuyện bất ngờ - và hơi quê. Nhưng cô gái là nữ sĩ nên bật ra một câu chữa thẹn mà lại là một câu đối tuyệt vời:
Giơ tay với thử trời cao thấp,
Soạc cẳng đo xem đất vắn dài!

Hoặc một bậc đại nho ba lần đỗ đầu mà hóm hỉnh tự diễu bằng một câu đối. Câu tự trào này còn ác liệt ở phép nói lái:
Già trên sáu chục chưa đeo kính
Thức suốt năm canh chỉ sợ gà.

"Chưa đeo kính" vì mắt còn tinh, và "chỉ sợ gà" vì sợ tiếng gà gáy buổi sáng làm mình thức giấc sau một đêm trằn trọc. Nhưng nếu nói lái hai chữ cuối là "đeo kính" và "sợ gà" thì mình mới kinh sợ cái tinh ma của câu đối. Ở đây đều là những người trên 17-18 tuổi nên ta khỏi cần kiểm duyệt.

Tuy nhiên, nếu cứ thấm nhuần những nét thâm thúy đó, chúng ta rất dễ "chiếu trung đỉnh ngất ngưởng ngồi trên" mà cho rằng ngôn ngữ của chúng ta là nhất. Rồi khỏi cần ngó ra ngoài.

Chuyện buồn ở đây là nếu mình hiểu ngoại ngữ thì có thể biết rằng dân tộc nào cũng có thủ thuật với ngôn ngữ của họ chứ chẳng riêng người mình. Nếu có thể điểm ra thì thiên hạ cũng có ba bốn chục cách chơi chữ khác nhau, mà nói lái cũng chẳng là một độc quyền của tiếng Việt. Hãy đọc bình luận của ngoại quốc thì sẽ thấy họ chơi chữ ngay trong tiêu đề của bài viết.

Tai hại nhất là khi ta lang thang trên đỉnh mà chẳng xuống được nữa, trong khi vẫn không chịu khó học thêm nét tinh tế của ngôn ngữ và khởi đầu là phải nói và viết đúng tiếng Việt. May là kỳ này cũng có một thầy phụ trách về đề tài đó. Và dù được giới thiệu là một nhà báo, tôi vẫn có thể góp ý về nhiều trường hợp viết sai tiếng Việt hoặc viết quá trúc trắc khó hiểu trên mặt báo.

Để kết thúc phần dẫn nhập này, tôi thiển nghĩ là như mọi dân tộc, chúng ta phải tự hào về nhiều sắc thái của dân mình, nhưng không cho rằng cái gì của mình cũng là nhất. Ngôn ngữ Việt Nam không hẳn là nhất, nhưng ta yêu ngôn ngữ đó nhất, cho nên phải tìm hiểu, học hỏi, duy trì và phát huy được cái hay trong ngôn ngữ đó.

Bây giờ, tôi xin được đi vào đề. Mà vì sao lại là sự tinh tế trong cách nói, rồi mới là cách viết?


1. Khởi Đầu Là Cách Nói: Học ở những người ít học


Mới chỉ bắt đầu vào đề, tôi ỷ vào sự rộng lượng của cử tọa mà nói trước tiên vài điều nhức đầu. Đợi đến cuối thì mọi người sẽ ra vẻ gật gù mà muốn ngủ gật.

Thưa rằng con người ta từ thuở khai thiên lập địa hay từ thuở chào đời đều nói trước viết sau. Nhiều người có thể không biết viết chứ ai cũng biết nói. Sau khi đã nói, người ta mới nghĩ đến chữ viết và sau này giới học giả có thể hệ thống hóa cách nói hay cách viết thành ra ngữ pháp hay văn phạm. Những người tinh tế thì còn phân biệt được mẹo luật quy cách của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Chúng ta xin tạm lánh qua một bên để không đi vào việc phân biệt ấy.

Dân tộc ta có cách nói từ khi xuất hiện. Dân tộc ta cũng có cách viết hay phiên âm lối nói đó, có thể là tiếng Việt Cổ hay Việt Mường. Khi xâm lăng nước ta, Mã Viện có nói đến những điều luật riêng của dân Việt, khác với người Hán. Nhờ vậy, ta đoán là điều luật ấy được viết thành chữ. Rồi chữ viết đó đã bị tiêu diệt trong ngàn năm Bắc thuộc.

Tuy nhiên, trong ngàn năm đó, dân ta vẫn nói chứ! Và nếu phải viết thì viết ra sao khi mà văn tự chính thức lại là chữ Hán của kẻ thống trị?

Các cụ ta dùng chữ Hán làm gốc, rồi mới dùng chữ đó pha chế thêm để phiên âm và chỉ ý cách nói riêng của dân ta, đấy là chữ Nôm. Tôi nghĩ là nỗ lực tự phát và âm thầm này nhắm vào hai việc. Thứ nhất là có thêm chữ diễn giải cách nói mà chữ Hán không giải quyết nổi. Thứ hai, tôi lạm đoán là còn tạo ra sự khác biệt hầu bảo vệ bản sắc ngôn ngữ riêng. Một trong những sắc thái riêng đó là cách nói về chuyện thực tế của nền văn minh gần sông gần biển mà lại mơ hồ với các khái niệm trừu tượng. 

Mà thật ra, "ngoài vòm trời này còn vòm trời khác". Không chỉ dân Việt mới có chữ Nôm. Nhiều dân tộc bị ảnh hưởng Trung Hoa cũng tạo ra chữ viết riêng. Thí dụ như hệ thống Kana của Nhật, gồm có chữ Manyogana khá cổ và hai loại chữ KatakanaHiragana hiện vẫn tồn tại cùng tiếng Hanji là Hán tự.

Cái khổ của chúng ta là muốn đọc ra chữ Nôm thì phải biết chữ Hán, tức là phải có học. Thế là làm sao?

Đa số ít học thì hàng ngày vẫn nói năng đối đáp và giải quyết nhu cầu truyền đạt thông tin mà không dùng bút. Thiểu số ở trên mới nghe cách nói ấy và tìm xem trong kho Hán tự những gì khả dĩ diễn tả được, hoặc có thể cải sửa để diễn tả được, và ghi lại thành cách viết, rồi dùng đó mà truyền bá giáo dục. Nhưng ngay từ đấy mình đã thấy ra một sự đối lập giữa nói và viết.

"Ăn nói nôm na" là lời người có học phê phán những người ít học. Nói thì nói Nôm và viết thì viết Hán, đấy mới là tiêu chuẩn văn minh của những người ưu tú. Và đấy mới là tai họa tập thể, vì tôi nghĩ ngược lại. Xin quý vị có học đừng cau mày khó chịu.

Thứ nhất, nếu muốn nói cho hay thì phải biết nghe đã. Nghe nhiều cách nói khác nhau thì sẽ biết nói thế nào để ai ai cũng hiểu được. Thứ hai, nếu người có học mà học được cách nói của người bình thường, may ra họ thành công trong cách viết, kể cả trong văn chương. Vì điều ấy phản ảnh được sự tinh tế của tiếng Việt truyền thống.

Tiêu biểu nhất là các nhà thơ Nguyễn Du, hay Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, nhiều lắm. Ngẫm lại thì mấy ví dụ về sự tinh tế của văn chương thơ phú hay chữ nghĩa mà tôi vừa nhắc đến ở trên đều xuất phát từ ngôn ngữ nói. Lời thơ cứ tự nhiên như lời nói.

"Soạc cẳng" là một từ nôm na mách qué nhưng có sự nhiệm mầu gần như một tiếng tượng hình. Nghe ra đã thấy đôi chân chàng hảng! Chữ "soạc", hay "toạc" hay "toác" là cách nói nôm na làm các cụ có học phải chau mày không ít. Thứ nhất vì thiếu thanh tao. Thứ hai là làm sao phiên ra cách viết từ chữ Hán? Đành dùng chữ "trạc" trong Hán tự để diễn chữ "soạc", hay chữ "khẩu" đi với chữ "tác" để diễn chữ "toác", chữ "khẩu" với chữ "hoạch" để diễn chữ "toạc". Rắc rối chưa?

Từ đó ta mới có hiện tượng là một chữ nói có vài ba cách viết làm các nhà ngữ học hay người nghiên cứu văn bản gốc rồi các khảo dị cứ cãi nhau xem chữ nào mới là đúng và đúng vào thời nào, ở nơi đâu. Trong khi ấy, dân ta vẫn thoải mái thưởng thức sự tinh tế của tiếng Việt.

Chuyện kế tiếp, người ta sinh ra mà sở dĩ biết nói là vì biết nghe. Không biết viết mà vẫn nói được là vì đã nghe và học bằng tai. Đó là cái học truyền khẩu.

Hầu như nghệ thuật hay kỹ thuật nào cũng vậy, sở dĩ tồn tại thì chính là nhờ truyền khẩu, rồi mới nhờ cách đọc chữ viết. Vì thế, văn chương truyền khẩu là những gì tồn tại sau sự đãi lọc âm thầm của thời gian. Và ngôn ngữ truyền khẩu đó nó gần nhất với tiếng nói. Cho nên, muốn biết tiếng Việt tinh tế chừng nào thì xin chịu khó tìm về văn học truyền khẩu của dân gian. Trong dòng văn học đó, ca dao hay tục ngữ là kho tàng về cách suy nghĩ và sinh sống của dân ta. Mà trong ca dao lại có cả thơ, cả ca, có tiết điệu nhịp nhàng dễ nhớ, dễ truyền.

Kết luận của tôi ở phần một này là chúng ta nên học lại từ người ít được đi học! Họ nói đúng với mẹo luật của tiếng Việt thuần túy. Bí quyết ở đây là muốn tìm hiểu về nét tinh tế của Việt ngữ và nhất là muốn viết tiếng Việt cho sát với cái hồn Việt và phổ biến sâu rộng nhất thì xin học lại ca dao, tục ngữ.

Nhiều khi, chính là người có học mới làm rách việc khi uyên bác giảng dạy về chữ nghĩa. Để quý vị khỏi buồn ngủ, tôi xin kết thúc phần một này với truyện ngụ ngôn về con rết. Trời đất sinh ra là nó đã biết đi. Hôm ấy, có người cắc cớ lại hỏi, rằng khi đi thì nhà bác nhích chân trái hay chân phải trước? Con rết bần thần suy nghĩ và hết đi được nữa!

Tôi xin bước qua phần hai để giải thích nghịch lý vừa nói, là đôi khi những người có học mới làm rách việc! Vì sao lại như vậy?



2 – Trăm Năm Trong Bốn Ngàn Năm: Quốc ngữ trong thời chuyển tiếp


Chúng ta hãy tạm chấp nhận là dân tộc Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến.

Trong 4.000 năm đó, 2.000 đầu là thời khuyết sử nhưng hiển nhiên là mình đã có tiếng nói, và có thể cả chữ viết. Sau đấy, chữ viết thì không còn, chứ tiếng nói tất nhiên là vẫn tồn tại và thay đổi cùng đời sống, cho đến ngày nay. Trong 2.000 năm sau, ta bị ngàn năm Bắc thuộc, từ năm 221 trước Tây lịch đến năm 939, vị chi là 1.050 năm. Vậy mà dân ta không bị Hán hóa, không bị đồng hóa.

Về cách nói, dân ta vẫn nói theo lối riêng, thí dụ như vẫn nói xuôi, trái với ngữ pháp Trung Hoa. Ví dụ ai cũng biết là ta nói "trời xanh", người Tầu nói "thiên thanh". Ta nói ngựa trắng chứ không trắng ngựa, như "bạch mã" của người Tầu. Ý chính là trời, là ngựa, chữ bổ túc là màu xanh hay màu trắng. Chuyện nhỏ nhặt ấy khiến ta nên để ý đến hai lối dùng chữ, nếu đã là thuần Việt thì phải xuôi và nếu là Hán-Việt thì phải ngược, đấy mới là đúng tiêu chuẩn.

Thí dụ như phải nói "kinh tế học" như từ Hán-Việt, chứ không nói "học kinh tế". Hoặc như ngày xưa, ta có "Quốc gia Nông tín cuộc" là cơ quan của nhà nước cung cấp tín dụng cho nông thôn. Chứ gọi là "Cục Phân bón Nhà nước" như sau này mới là chuyện ngớ ngẩn.

Một thí dụ còn đáng nhớ hơn nữa.

Nguyễn Khuyến đã làm một bài ngũ ngôn chữ Hán để khóc người bạn cùng khóa Cử nhân năm xưa là Dương Khuê, người làng Vân Đình, làm quan ngang hàng Thượng thư. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ viết theo đúng ngữ pháp Trung Hoa như sau: "Vãn Đồng Niên Vân Đình Tiến Sĩ Dương Thượng Thư" với câu mở đầu là "Dĩ hĩ Dương đại niên, Vân thụ tâm huyền huyền". Rồi chính Nguyễn Khuyến đã dịch bài thơ đó thành tác phẩm mà học trò ai cũng nghe nói là bài "Khóc Dương Khuê" với câu mở đầu là "Bác Dương thôi đã thôi rồi, Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta."

Đây là một bài thơ Nôm với hơi văn tự nhiên mộc mạc, đầy cảm động và hoàn toàn khác bài chữ Hán. Hán thì cực Hán mà Việt thì cực Việt. Vượt qua lằn ranh ấy, Nguyễn Khuyến quả là nhà thơ nắm vững sự tinh tế của tiếng Việt trong cách viết.

Chuyện ấy dẫn ta qua một tai nạn khác.

Sau ngàn năm thứ nhì của thời độc lập với phương Bắc, ta lãnh thêm một tai vạ ngôn ngữ là ảnh hưởng của Tây phương, với sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh. Nó được coi là ngôn ngữ chính thức của nước ta từ trăm năm nay. Ta không quên là thời trước, khi chữ Hán chiếm vị trí thống trị, dân ta cũng gọi chữ Nôm là "quốc âm" hay "quốc ngữ".

Bây giờ, từ trăm năm nay, ta lại có chữ quốc ngữ khác!

Nhiều người học nhiều mà hiểu ít vẫn ca tụng việc phát minh chữ quốc ngữ là điều may mắn cho dân ta trong thế kỷ 20 vì nhờ đó mà ta cách tân và phổ biến được chữ viết để theo kịp sự tiến hóa của nhân loại. Tôi e rằng cũng lại cái tật "chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên" trong ngôi làng bé xíu của mình vì không nhìn ra ngoài.

Có hai xứ Á Châu mà ngày nay ai cũng coi là tiên tiến nhất, là Nhật Bản và Đại Hàn. Họ không đi theo hướng đó, vẫn dùng cách viết cũ mà chả thua kém ai về khoa học hay cả văn chương lẫn truyền thống dân tộc. Trong khi ấy vì du nhập cách viết khác, như một thứ nhu liệu điện toán mới cho cái máy cũ, chúng ta... mất liên lạc với tiền nhân!

Muốn biết Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du nói gì viết gì, ta phải qua một tầng thông ngôn khác. Thiếu căn bản về chữ Hán, rồi chữ Nôm, mình chẳng còn hiểu được ý tưởng hay nghệ thuật của cổ nhân. Trong đó có khi mất luôn một phần quan trọng về sự tinh tế của tiếng Việt. Nếu lại chẳng chịu khó nghe và đọc xem dân ta nói như thế nào thì rất dễ mất đứt.

Nhưng đấy chưa là cái họa duy nhất.

Sau khi du nhập ngôn ngữ mới và dưới sự cai trị của người Pháp, những người có học và tử tế đàng hoàng của chúng ta đã dùng lăng kính Pháp để nói về hay giảng về ngôn ngữ Việt. Người ta áp dụng văn phạm hay ngữ pháp Tây để giảng giải ngữ pháp của Ta, ra cái điều là Ta cũng văn minh chẳng kém gì Tây, xét theo tiêu chuẩn Tây.

Tây mà có danh từ, động từ, chủ từ hay túc từ là ta cũng có như vậy. Nghĩa là người ta uyên bác phân biệt các tự loại, y hệt như muốn phân biệt cái chân bên trái hay bên phải của con rết. Đi cho đúng phép là phải nhấc chân trái trước. Nói cho mới lạ thì dùng thể thụ động, như Tây vậy! Tôi xin nêu một thí dụ về cái thể thụ động thấy quá nhiều trên mặt báo: "Buổi hội thảo về tình hình căng thẳng tại Biển Đông do Trung Quốc gây ra đã được Ủy ban ABC tổ chức tại đâu đó vào ngày giờ này nọ...." Người Pháp sẽ thấy câu này rất chuẩn, nhưng người mình thì không.

Xin nói thêm rằng hiện tượng Tây hóa xuất phát từ trên đầu xuống, từ thành thị ra ngoài, từ giới có học đến người bình dân và trước tiên từ những người viết. Cái thế đối lập giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết mà ta đã từng thấy trong lịch sử lại có thêm một giai tầng và cường độ.

Cũng y hệt như xưa, người ưu tú có học ở thành phố phải soi sáng cho người u mê ít học ở nông thôn. Trong khi chính thành phần có học và biết viết này lại xa dần ngữ pháp truyền thống của tiếng Việt. Chẳng những là xa dần mà còn làm biến chất ngữ pháp đó. Chính là người viết, thành phần có học có chữ ở thành phố, chứ không phải giới bình dân ở nhà quê, đang làm ngữ pháp đó thay đổi. Mà nhiều khi chính họ không biết.

Câu kết luận của tôi cho phần hai này là khái niệm về thời gian.

Chúng ta đang ở giữa một giai đoạn chuyển tiếp, dù có là trăm năm thì thật ra vẫn ngắn ngủi so với bốn ngàn năm của dân tộc. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, ta bị hoang mang, bát nháo và lùng xục mọi nơi để tìm những gì hay nhất mà học hỏi, lưu giữ trong khi trầm hương lại tưởng là củi mục.

Mong là sau một giai đoạn như vậy, chúng ta sẽ gạn được vàng trong thau như trong câu ca dao:
Thực vàng chẳng phải thau đâu
Đừng đem thử lửa cho đau lòng vàng.

Sau khi than vãn về những chuyện không may của văn hoá và lịch sử, bây giờ tôi xin được qua phần ba với một số ý kiến lạc quan tích cực hơn.


3 – Sự Tinh Tế Trong Cách Viết: Viết mà như nói


Khi phải viết, ta đều biết là viết để làm gì, cho ai đọc và phải viết dài ngắn ra sao, chứ chẳng thể miên man không bãi đáp. Tôi sẽ không dám lạc đề mà nói là viết thế nào mới là hay, thí dụ như viết cho con tim để gây xúc động tất nhiên là phải khác với viết cho bộ óc để thuyết phục, v.v... Ở đây, tôi xin được nói về sự tinh tế mà mình vẫn cảm được nếu biết về nhiều đặc tính riêng của ngữ pháp hay chữ nghĩa Việt Nam. Những đặc tính riêng ấy xuất hiện trong tiếng nói hàng ngày mà mình chẳng thèm chú ý.

Trước hết, đa số tiếng Việt ta là loại đơn âm vì đọc lên thì chỉ ra có một âm và không đổi tự dạng hay cách viết. Ta không viết ra số nhiều số ít hay phái tính nam nữ của từng chữ. Nhưng ý nghĩa của mỗi tiếng lại linh động uyển chuyển có khi nhờ chức năng hay vị trí trong câu nói.

Thứ hai, đa số tiếng Việt ta dùng lại không có tự loại, như danh từ, tĩnh từ, trạng từ hay động từ. Khi phân biệt tự loại như văn phạm của Tây, là xác định chức năng hay phần vụ của một từ, ta bó chặt sự linh động và thu hẹp sự tinh tế của ngôn ngữ. Tiếng Việt của ta không bị bó trong tự loại như vậy mà cùng một chữ có thể đảm nhiều phần vụ khác biệt, thí dụ là để nói ra ý chính, hoặc để bổ túc cho ý chính, hay là làm liên từ kết nối, hoặc làm phụ từ.

Tôi xin được nêu vài thí dụ ở lãnh vực mà cách viết phản ảnh lối nói đến độ thần tình. Đó là thơ.

Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi?.

Chữ "vèo" của Tản Đà trong bài "Cảm Thu Tiễn Thu" rõ ràng là có giá trị tượng hình của cái gì đi qua rất nhanh. Nó là tĩnh tự hay trạng tự, là bổ ngữ cho động từ "trông" hay danh từ "lá"? Chúng ta đâu cần biết chuyện ấy mà vẫn thấy hay.

Bài "Một Mình" của Mai Thảo là thí dụ khác:

Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy.

Nếu có một nhà thơ trong phòng này, ông ta hay cô ta sẽ giảng thêm cho chúng ta cái thú của chữ nghĩa đơn âm mà đa nghĩa nhờ vị trí. Chẳng hạn như "ngồi tượng hình". Ngồi có thể là động từ, nhưng "tượng" và "hình" hay "tượng hình" là nét họa cho thấy người lủi thủi ngồi như bức tượng hay hình ảnh đơn côi. Chủ yếu là do chữ "riêng" trong Ngồi tượng hình riêng một góc quầy. Chữ "riêng" này quả thật là phụ nhưng biết dùng thì mới là biết cái tinh tế của tiếng Việt.

Rồi "một ngụm chiều rơi lệ". Là một ngụm rượu làm mình rơi lệ chiều hôm đó hay sao? Đâu có dở vậy! "Ngụm chiều" bỗng dưng sáng rỡ nhờ ở "bình đêm"....

Kết luận rất nhỏ ở đây là cùng một tiếng có thể giữ nhiều chức năng trong câu nói. Chức năng ấy tùy vào vị trí chính hay phụ của câu nói, chức năng ấy là có thể là chủ điểm hay bổ ngữ, hoặc chỉ là tiếng nối - thí dụ như "và", như "để", như "vì" - và chức năng ấy cũng có thể là một tiếng phụ, như "vậy", như "ủa". Nhưng khi linh động sử dụng thì ý nghĩa của cả câu bỗng đổi khác.

Kế tiếp, tôi nghĩ tiếng đơn âm của ta còn có sự kỳ diệu khi được ghép thành điệp từ có nhiều âm với nghĩa khác. Thí dụ là màu "xanh xanh" thì phải nhạt hơn màu xanh. Màu "đo đỏ" thì chưa thành đỏ, còn "tim tím" có nghĩa là hơi tím thôi. Chuyện nhỏ nhoi ấy cho thấy là khi dùng chữ, đã đành là ta có thể đổi màu, mà còn hơn vậy. Nhờ thanh âm bằng trắc khiến câu nói hay chữ viết lại du dương hơn và đáp ứng được một nhu cầu đối âm, đối chữ hay đối ý. Và một âm lại còn có nhiều nghĩa nên ta rất dễ chơi chữ! Nếu khéo chơi thì "tim tím" có khi gợi ý về trái tim tím bầm!

Nói đến chơi chữ thì ta lại trở về bậc sư là Hồ Xuân Hương:
Một trái trăng treo chín mõm mòm
Nẩy vầng quế đỏ, đỏ lòm lòm!

Trong loại điệp từ của tiếng Việt, ta không chỉ có loại hai điệp âm như "quả cau nho nhỏ, cái vỏ xanh xanh" hoặc câu thơ vừa nhắc tới trong một bài "Hỏi Trăng" của Hồ Xuân Hương với chữ "mõm mòm" hoặc "đỏ lòm lòm", có khi là chữ với ba điệp âm.

Quả là ta còn có chữ với ba hay bốn điệp âm, như Nguyễn Du đã viết "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham" trong Truyện Kiều. Cái tai ác của Hồ Xuân Hương là ở một câu xanh dờn với ba điệp âm "hỏm hòm hom" trong bài "Hang Cắc Cớ" mà tôi chỉ xin đọc bốn câu đầu:

Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.

"Nứt làm hai mảnh" thì đã độc rồi, mà "hỏm hòm hom" thì tha hồ kích thích trí tưởng tượng!

Nếu gom lại thì ta có thể thấy ra đặc tính của tiếng Việt là giúp ta diễn tả được nhiều ý nghĩa. Tìm ra nét khác nhau ở từng ý là sự tinh tế của người viết khi khai thác được những đặc tính này.

Sau cùng, tôi xin được qua phần bốn, rất ngắn gọn thôi vì thời giờ có hạn mà ta cũng cần có phần hỏi đáp để quý thầy cô cùng trao đổi ý kiến. Đó là về kinh nghiệm bản thân, với thành ngữ mà mình không quên được, rằng "cái tôi là đáng ghét".


4 – Một Vài Kinh Nghiệm Bản Thân: Từ người sản xuất đến người tiêu thụ


Hình như là tôi cứ nói về thơ và còn nhấn mạnh là nếu ta viết được như cách nói thì dễ vận dụng được sự tinh tế của tiếng Việt. Tôi thiển nghĩ là đúng như vậy vì vài lý do khá cụ thể sau đây xuất phát từ những cảm nhận của bản thân:

Thứ nhất là những người bình dân hoặc cả nông dân mà ta bảo rằng ít học thật ra lại dùng tiếng Việt rất sát với quy tắc riêng của dân tộc. Và họ dùng trong tiếng nói hàng ngày. Chúng ta nên học điều này chẳng phải vì thành phần bình dân đó là quần chúng đông đảo nếu nói về thống kê dân số, mà vì những quy tắc ấy mới bao hàm các đặc tính làm nên sự tinh tế riêng của tiếng nói.

Thứ hai, vì nhịp điệu đầy chất thơ của tiếng nói, người đời sau có thể học từ người trước bằng cái tai, qua văn chương truyền khẩu. Ca dao, tục ngữ hay thành ngữ mới kết tinh những đặc tính ấy. Chuyện này quan trọng vì ngôn ngữ của chúng ta đã chịu ảnh hưởng rất sâu và rất lâu của tiếng Hán thời xưa rồi đến tiếng Pháp vào thời cận đại. Chúng ta tiếp nhận và đồng thời đãi lọc ảnh hưởng đó qua phần cốt tủy của ngôn ngữ truyền thống.

Thứ ba, khi phải viết, chúng ta đều biết nội dung là viết về cái gì, trong điều kiện nào, rồi tìm các từ đúng về chuyên môn hay ngữ pháp chẳng hạn. Đấy là giai đoạn xin gọi là sản xuất. Trong giai đoạn này, có phần quan trọng là đọc bản tin hay dữ kiện bằng ngoại ngữ mà mình phải lọc lại qua giác độ hay lăng kính Việt Nam.

Nhưng viết xong rồi thì mình phải nhớ đến nhà tiêu thụ, là người nghe hay người đọc...

Người nghe khó có điều kiện nghe lại. Nếu thấy trúc trắc khó hiểu là họ... tắt máy và ta nói một mình. Người đọc thì khó tập trung vào đề tài khô khan rắc rối, nên sẵn sàng... bỏ rơi tác giả. Cho nên, sau giai đoạn sản xuất, xin hãy nhớ đến người tiêu thụ và tìm cách nói cho gọn cho rõ, hoặc viết lại để người đọc chịu khó đọc tiếp, cho đến hết bài!

Nội dung, hay ý kiến về chuyên môn hoặc chính trị thì nhà sản xuất có quyền chọn. Nhưng người tiêu thụ cũng có quyền chọn là gạt qua một bên. Nếu hiểu như vậy thì đây là kết luận rất riêng tư của tôi:

Chuyện quan trọng không phải là điều ta nói hay viết mà là thính giả hay độc giả. Khi chú ý đến trọng điểm này thì ta phải diễn đạt lại, và nhờ đặc tính tinh tế của tiếng Việt, ta chọn được cách nói hay viết để đáp ứng yêu cầu của người tiêu thụ. Tôi học được điều ấy nhờ không quên ca dao và thành ngữ nên tìm trong kho tàng ngôn ngữ rất phong phú của dân tộc những chữ có thể phản ảnh sự tinh tế của tiếng Việt. Rồi mình... bắt chước! Thế thôi....

Sau khi thành thật khai báo cái chuyện chẳng có gì là ghê gớm, tôi xin đi vào kết luận.


***


Muốn phát huy Việt ngữ thì trước tiên chúng ta phải thuộc Việt ngữ đã. Đấy là việc làm cao quý của các trung tâm Việt ngữ khi nhắm vào các em tnhỏ rong cộng đồng. Chẳng cần nhà nước nhà nôi nào yểm trợ hay ban khen, quý vị vẫn duy trì được sinh hoạt này từ mấy chục năm nay. Các gia đình gửi con em đến học cũng chia sẻ một mục đích ấy, là gìn giữ được tiếng Việt và cái hồn Việt trong nhà.

Tôi xin kể một truyện vui về chuyện này. Chữ truyện trên là TR và chuyện dưới là CH.

Người ta nói rằng ai biết hai thứ tiếng thì được gọi là "bilingual", biết được ba thứ tiếng thì gọi là "trilingual". Thế người chỉ biết có một thứ tiếng thì ta gọi là gì? Câu trả lời khôi hài mà khá đúng là... "American, người Mỹ"! Là công dân quốc dân một siêu cường có ngôn ngữ phổ biến nhất địa cầu thì cần gì học thêm ngoại ngữ? Nháo nhào chạy ra ngoài, nhảy vào xứ khác mà chẳng hiểu gì thì lại la trời, "O My God!"

Trong xã hội này, nếu trang bị cho các em nhỏ một vốn liếng đa văn đa ngữ, chúng ta giúp các em dễ thành công hơn và vượt qua hàng rào của ngôn ngữ hay chủng tộc.

Gợi ý thứ hai là trong việc duy trì và phát huy Việt ngữ, tôi thiển nghĩ rằng học thuộc lòng không là thói xấu mà là cần thiết cho tuổi thơ. Miễn là biết học cái gì để làm gì. Nơi đây, ta không học để làm quan hay làm thơ vì đấy là cái nghiệp của từng người. Chúng ta học để giữ gìn và làm cho tiếng Việt mình thêm trong sáng khi diễn tả ý tưởng của mình. Vì vậy, ta có thể dùng chính tả, hội họa hay âm nhạc để truyền bá quốc ngữ và cái Việt tính của dân tộc, nhưng cũng nên nghĩ đến một tiết mục bổ ích và lý thú là ca dao và tục ngữ. Xin quý vị hãy tuyển chọn và tập cho các em học thuộc lòng một số câu thích hợp. Mai sau, cái kho kiến thức tưởng là vô vị ấy sẽ là kho tàng cho các em vì sẽ có ngày các em thấy ra sự tinh tế của Việt ngữ trong những tư tưởng và kiến thức rất sinh động của dân ta.

Gợi ý thứ ba là hãy nhìn lại cách nói của người miền Nam. Văn minh vô cùng! Văn chương miền Nam có rất nhiều đối thoại đôi khi cụt ngủn nhưng đầy kịch tính và rất sinh động. Khi chọn ca dao mà đọc mà học thì không thể quên ca dao trong Nam. Một câu tuyệt vời và đáng nhớ là:

Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về!

Tôi xin được kết thúc với một đoạn lý thú trong vở chèo cổ "Lưu Bình Dương Lễ". 

Khi Dương Lễ hỏi gia nhân về hình dạng của người bạn thân là Lưu Bình thì nhân vật Trù Phòng này trả lời như sau: Bác Lưu Bình "đội khăn nhiễu tam giang khấu Chu Du phóng hỏa". Rồi anh ta uyên bác giải thích như sau. "Khăn nhiễu tam giang khấu" là khâu bằng ba mảnh vải, và "Chu Du phóng hỏa" là rất đáng quăng vào bếp! Thế thì có đáo để không nào?

Ta có một câu vừa Nôm vừa Hán, lại nhắc đến truyện Tam Quốc mà nhiều người đều thuộc, với kết quả là làm mọi người bật cười về sự tinh tế của tiếng Việt! Nếu người lớn không quên và tìm lại thì con trẻ sau này sẽ không mất cái phần di sản đó của chữ nghĩa!

Tôi xin dứt lời, thành thật cảm tạ sự chú ý của thầy cô và xin đi qua phần giải đáp sau phút giải lao.  

3 nhận xét:

  1. Thưa Chú,
    Để sử sụng tiếng Việt chính (chuẩn) xác, có cần phải học tiếng Hán không ? Vì từ Hán Việt trong tiếng Việt nhiều mà đôi khi không hiểu hết nghĩa của nó. Xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn light về câu hỏi.

    Tôi thiển nghĩ rằng nếu biết tiếng Hán rồi tiềng Nôm thì mình hểu thêm về ngôn ngữ Việt và có thể viết chuẩn xác hơn, thí dụ như viết "sử dụng" chứ không phải "xử dụng", "dòng sông" chứ không phải "giòng sông", v.v...

    Nhưng nếu nghe cách nói của người Việt bình thường thì ta sẽ thấy ra một sự chuẩn xác khác, trong ý nghĩa là gần gũi với tiếng Việt truyền thống. Những người Việt bình thường ấy có thể không biết chữ Hán chữ Nôm, có khi cũng chẳng được đi học nữa, nhưng cách nói của họ vẫn là tiếng Việt phổ thông và có sự tinh tế riêng, với ngữ pháp hay văn phạm riêng.

    Tôi không biết rằng lời giải thích này có đáp ứng yêu cầu không, nhưng xin đề nghị là em nên tìm đọc sách hay các bài viết của ông Cao Xuân Hạo (con trai của cụ Cao Xuân Huy) thì sẽ thấy nhiều lý giải lý thú và bổ ích.

    Chúc em an lạc.

    NXN

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn Chú đã trả lời. Sau khi tham khảo qua một số bài viết của ông Cao Xuân Hạo và của một số ngừơi khác về tiếng Việt, cháu đã hiểu và biết thêm được nhiều điều khác. Hy vọng sau này có người nào đó hệ thống lại và hoàn thiện cách dạy tiếng Việt.

    Chúc Chú mạnh khoẻ và bình an.

    Trả lờiXóa