Thứ Sáu, tháng 2 28, 2014

Putin và Canh Bạc Ukraine


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140227

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền - mà cả hai đều thiếu cả hai     


 * Dân Ukraine "biểu đồng tình" tại Crimea, dưới lá cờ của mẫu quốc Nga - Ngày 24 vừa qua *


Sau ba tháng biến động có máu đổ, Ukraine bước qua giai đoạn chuyển tiếp - là bình thường hóa sinh hoạt chính trị trong hoàn cảnh bất thường về cả an ninh lẫn kinh tế: xứ sở có đầy tai ương này đang bị nguy cơ vỡ nợ. Ở bên ngoài thì gặp họa ngoại xâm.

Sau một Thế vận hội hào nhoáng, Tổng thống Vladimir Putin gặp thất bại tại Ukraine, lập tức phản công bằng cách biểu dương sức mạnh quân sự: Nga là cường quốc quân sự  chứ không tầm thường, thế giới Âu-Mỹ chẳng nên coi nhẹ sau vụ Ukraine.

Chúng ta hãy lạnh lùng điểm quân tính số xem chuyện thực hư của tình trạng cực kỳ bất thường này.


***

Tại Ukraine, vừa lên nhậm chức thì chính quyền lâm thời, tức là còn non yếu, báo động thế giới rằng xứ này có thể bị vỡ nợ và cần 35 tỷ đô la, tương đương với 20% Tổng sản lượng cỡ 175 tỷ.

Một cách cụ thể thì hàng tháng, Ukraine phải thanh toán một tỷ đô tiền nhập cảng khí đốt của Nga, mà nội Tháng Giêng thì đã mất hơn một tỷ trả nợ và một tỷ bảy tung ra để cấp cứu đồng bạc bị mất giá 15%. Dự trữ ngoại tệ bị hao hụt nặng nên chỉ đủ cho vài tháng nhập cảng, hay đủ cho việc trả nợ cả năm nay, là 17 tỷ. Vì vậy, đã có tin đồn là chính quyền hết tiền trả lương bổng và hưu liễm. Đúng lúc đó, Bắc Kinh nhanh nhảu báo tin là đòi Ukraine trả nợ ba tỷ đô la!

Trong một thế giới bình thường thì Ukraine có thể trông cậy vào 15 tỷ đô la của Nga và 20 tỷ đô la của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để tạm thoát cơn hoạn nạn. Nhưng thế giới này không bình thường.

IMF và các nước trong Liên hiệp Âu châu đều đồng ý – như đã từng – là cho Ukraine vay tiền để cứu nguy kinh tế với điều kiện là phải cải cách cơ chế quá lệch lạc, đầy chứng tật tham ô đã có từ thời xã hội chủ nghĩa. Với những khó khăn hiện nay của khối Euro, Liên Âu không thể đòi người dân của mình thắt lưng buộc bụng để cứu nguy các đại gia hay tài phiệt Ukraine. IMF cũng có những quy tắc viện trợ cấp cứu để chữa bệnh chứ không nuôi bệnh.

Người ta có thể thông cảm với lập trường khắt khe đó.

Nhưng khi chế độ của các đại gia và tài phiệt vừa cáo chung, chính quyền lâm thời tại Kiev vẫn phải lo cho nạn nhân của chế độ này. Và có thoát cơn nguy khốn thì mới nói đến việc chấn chỉnh. Đang lúc thập tử nhất sinh trên giường bệnh mà đòi bệnh nhân kiêng cữ và tập chạy một mình thì đấy là "giải phẫu không có thuốc mê" - và sẽ làm chính quyền lâm thời lập tức lâm nạn!

Phía bên kia, đầu gấu Putin quả là có hứa cho vay 15 tỷ Euro nhưng cũng với điều kiện.

Điều kiện đó là chối từ việc hội nhập với Âu Châu mà bước theo Nga vào Liên minh Quan thuế Âu-Á. Chế độ Viktor Yanukovich chọn hướng đó nên mới gặp chống đối, và ra lệnh nã súng vào dân nên mới bị lật đổ. Khi biến động xảy ra, Nga đã giải ngân ba tỷ thì lập tức xiết lại hầu bao nên 15 tỷ đô la vẫn treo lơ lửng, trong quỹ hưu bổng của dân Nga.

Không chỉ xiết nợ và đòi tiền một xứ láng giềng vừa ra khỏi bóng rợp của mình, Putin còn chứa chấp lãnh tụ Viktor Yanukovich bị Ukraine truất phế và truy nã, và biểu dương khí thế côn quang của mình. Đó là cuộc thao dượt quân sự được thông báo hôm Thứ Tư 26.


***


Theo chiều kim đồng hồ, Liên bang Nga có bốn Quân khu, mỗi Quân khu do một Thượng tướng ba sao làm Tư lệnh. Quân khu miền Nam nằm giữa Hắc hải và biển Caspian – bên trong có Hạm đội Hắc hải tại bán đảo Crimea; Quân khu miền Tây nằm tiếp giáp với Ukraine, Belarus, ba nước Cộng hoà Baltic và Phần Lan, kéo lên mạn cực Bắc, bên trong có thủ đô Moscow; Quân khu miền Trung trải rộng từ miền Tây qua Trung Á đến Tây Bá Lợi Á; Quân khu miền Đông là cả khu vực Viễn Đông tiếp cận với Trung Quốc, Tây Thái Bình Dương và tiểu bang Alaska của Mỹ. Lối tổ chức này là do Vladimir Putin ấn định từ năm 2010 trở về sau khi tiến hành cải cách quân sự.

Hôm Thứ Tư 26, trong khi Ukraine tần ngần đếm lại két bạc cạn đáy thì Tổng thống Putin rồi Tổng trưởng Quốc phòng, là Thống tướng bốn sao Sergei Shoigu, ra lệnh tập trận tại Quân khu miền Tây và Quân khu miền Trung, "để trắc nghiệm khả năng ứng chiến của quân đội Nga - chứ không liên hệ gì đến tình hình Ukraine".

Trong cuộc cờ này, Putin dàn ra 150 ngàn quân, 90 chiến đấu cơ, 880 chiến xa, 1200 đại pháo và hơn trăm trực thăng. Nhưng các đơn vị của Quân khu miền Nam và tại Crimea thì "án binh bất động", dù trụ sở Quốc hội Crimea đã bị phe thân Nga chiếm đóng và phất cờ lung tung. Dĩ nhiên là cờ Nga.

Trong quá khứ, chuyện thao dợt gọi là thường kỳ ấy chẳng có gì là bất thường, nếu nó không mở màn cho một vụ xâm lấn quân sự. Hồi Tháng Tám năm 2008, trước khi Putin đưa quân vào hai khu vực tự trị của Georgia là Abkhazia và Nam Ossetia, Quân khu Bắc Caucasus của Nga cũng đã tập trận nhiều lần!

Rút kinh nghiệm Georgia - điều bất ngờ cho Hoa Kỳ và Liên Âu thời ấy, than ôi - người ta thấy ngoài trò diễu võ, Putin còn có ngón đòn "con dấu", khắc bằng củ đậu: Nga rộng tay đóng dấu chứng nhận quốc tịch và thẻ thông hành Nga cho công dân của hai Cộng hoà Abkhazia và Nam Ossetia. Sau đó, các "công dân mới" của Nga kêu cứu Moscow đổ quân vào bảo vệ trước nguy cơ đàn áp của Chính quyền Georgia tại Tbilisi.

Lần này, Putin cũng chuẩn bị con dấu cho dân Ukraine thân Nga tại bán đảo Crimea.

Vì vậy, dù Putin và Shoigu đều nói cuộc thao dợt không liên quan gì tới Ukraine và dù Quân khu miền Nam chưa tham dự, người ta vẫn thấy hoài nghi. Putin có thể muốn tái diễn chuyện Georgia.

Lạc quan hơn theo lý luận phản chiến hay chủ hòa phổ biến tại Mỹ, thì có thể ông ta chỉ muốn nhắc Tây phương và các lân bang, rằng Liên bang Nga thời này hết là nước Nga suy yếu của 15 năm trước.

Ngày nay, Nga đã có thừa khả năng quân sự để trở lại vị trí cường quốc toàn cầu. Trước tiên là để hoàn thành năm nhiệm vụ chiến lược do Putin đề ra cho quân đội từ cuộc cải cách năm 2010: 1) tôn trọng luật lệ quốc tế, 2) trong một thế giới đa cực (thay vì độc bá của Mỹ!), 3) duy trì sự hữu hảo với các nước, 4) mà vẫn bảo vệ mạng sống và nhân phẩm của công dân Nga - ở bất cứ nơi nào, và 5) xây dựng ảnh hưởng trong các khu vực trọng yếu cho quyền lợi của Liên bang Nga. Màn biểu dương quân sự lần này chỉ cần khẳng định năm tôn chỉ có vẻ hiếu hòa kể trên.

Nhưng khốn nỗi hai khoản sau cùng - bảo vệ kiều dân và ảnh hưởng - đều hứa hẹn chuyện nháng lửa.

Đó là khi kiều dân Nga kêu cứu tại Crimea và khi Tây phương (Hoa Kỳ, Liên Âu và Minh ước NATO) lại đòi quảng bá những giá trị tinh thần của Âu Châu vào sáu nước miền Đông còn nằm trong quỹ đạo Nga, là Georgia, Ukraine, Armenia, Moldovia, Belarus và Azerbaijan!

Số là một năm sau khi Putin đẩy lui đà Tây tiến của Georgia, năm 2009, Liên Âu phát huy sáng kiến xây dựng thế đối tác với miền Đông (Eastern Partnership) do Ba Lan và Thụy Điển đề nghị, với hậu quả ngày nay là gây biến tại Ukraine, và đe dọa "công dân Nga" tại Crimea....

Vì vậy, sau quyết định của Nga tại Crimea và hai Quân khu, các Ngoại trưởng Ba Lan, Hoa Kỳ, hay Tổng trưởng Quốc phòng Đức cùng Tổng thư ký NATO, v.v... đều lên tiếng cảnh báo. Và các Tổng trưởng Quốc phòng của 28 thành viên NATO mời nhau họp hành ngày 27 tại Bruxelles. Chắc là sẽ có những tuyên bố nảy lửa như pháo ran.

Trong một bài bình luận ỡm ờ ("Lãnh đạo từ sau lưng quần chúng"), người viết có gợi ý là Tổng thống Barack Obama nên lập tức qua Bruxelles vào ngày 24 vừa qua để vừa hạ nhiệt tại Ukraine và nói chuyện phải quấy với Putin. Dĩ nhiên là Obama bận chuyện khác và cương quyết lãnh đạo từ sau lưng quần! Chưa kể là còn cần Putin giải quyết cho mình hồ sơ Syria và Iran, quan trọng hơn cho nước Mỹ của ông ta.

Đúng lúc đó, lúc này, Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ lại đề nghị cắt ngân sách và giảm quân số Bộ binh tới mức... Tiền chiến, trước Thế chiến II và thời Chiến tranh lạnh. Lạ chưa?

Cho nên, sau những phát biểu ồn ào, thì Liên Âu sẽ ngỡ ngàng và Ukraine lại bẽ bàng, và Putin có thể "thu hồi" Crimea do Nikita Krushchev lỡ dại trả cho Ukraine vào năm 1954. 

Rồi sẽ nuốt trọn  một khối u là của người Thát Đát - dân Tatars, gốc Thổ, theo Hồi giáo. Họ là dân bản địa từng bị Stalin tàn sát và đánh đuổi khỏi Crimea, ngày nay không yên tâm khi thấy Nga lại đòi tiếp thu Crimea. Khi bị đàn áp, họ có thể nghĩ tới, và tìm đến, các đồng đạo là trong sáu nước Cộng hoà Hồi giáo ở giữa Hắc hải và biển Caspian, trong đó có nhiều đám dân quân hay khủng bố đòi quyền tự trị!

Ngoài Crimea, dân Ukraine tại các nơi khác cũng không hèn, như họ đã chứng tỏ trong lịch sử và ba tháng biến động vừa qua. Nếu Ukraine bị Putin thôn tính thì họ cũng sẽ nổi dậy, và cho nước Nga nếm mùi chiến tranh du kích, phá hoại và nổi dậy...

Nhưng trước khi gạt lệ cho dân Ukraine đáng thương và đáng kính, thì cũng nên công bằng nhìn vào hầu bao của Putin trong canh bạc có vẻ xả láng này.


***

Từ năm năm nay, Vladimir Putin có tham vọng hiện đại hóa quân lực và mở tầm ảnh hưởng ra khỏi khu vực truyền thống của Đế quốc Nga. Tham vọng dễ hiểu của một cường quốc đã vang bóng một thời. Vang bóng một thời vì quân lực Nga chưa ra khỏi di hại cộng sản: có vẻ rất mạnh trên nền móng kinh tế rất yếu (nghe cứ như chuyện Trung Quốc thời nay!)

Sau 15 năm cố gắng của Putin, từ 1999 đến nay, quân lực Nga vẫn thuộc loại lạc hậu, về trang bị, kỹ thuật và khả năng. Muốn có cái lực cao bằng cái thế, Putin vẫn phải chọn ưu tiên là gạo hay súng, kinh tế hay an ninh. Như các lãnh tụ Xô viết, ông ta đã chọn. Và càng tự tin là làm được khi Tổng sản lượng của Nga đã tăng hơn gấp bảy trong 10 năm, từ hơn 300 tỷ năm 1995 đến nay là 2.200 tỷ.

Nhưng chuyện cụ thể là sẽ phải gia tăng ngân sách quốc phòng chừng 700 tỷ đô la trong 10 năm, so với 90 tỷ hiện nay. Với điều kiện là dầu thô vẫn trên trăm bạc một thùng. Ngân sách quân sự của Nga được dự phóng trên kịch bản là dầu thô ở mức 117 đô la. Là chuyện hết còn! Chưa kể là 63 trong 83 địa phương của Nga, từ các tỉnh, oblast đến các nước Cộng hoà linh tinh, đều bị bội chi, mắc nợ và có thể vỡ nợ nếu không được trung ương cấp cứu.

Ngoài giới hạn về ngân sách, phải tăng đến độ hụt hơi như Mikhail Gorbachev đã gặp sau mấy thập niên duy ý chí của Leonid Brezhnev, Putin còn bị kẹt là... thiếu người.

Khả năng trưng binh có hạn cho một dân số bị lão hóa, mà nếu có tăng lương lính để tuyển người thì kẹt ngân sách. Nga thiếu 300 ngàn để giữ quân số ở mức 800 ngàn như trù tính. Chi tiết bất ngờ ấy là con bài rất bèo trong canh bạc.

Giới hạn thứ ba còn chết người hơn. Hệ thống trang bị quân sự của Nga bị lỗi thời ít ra một phần tư. Ba phần tư là tàn dư sản xuất từ thời Xô viết. Vào năm 2010, cChỉ tiêu của Putin là trong 10 năm phải hiện đại hóa được 70%, mỗi năm nâng cấp 11% cho tới năm 2020. Chưa nói đến yếu tố kỹ thuật hay công nghệ chiến tranh, cả một hệ thống tiếp liệu và sản xuất võ khí của Nga vẫn bị ngộp trong quy cách Xô viết, và quyền lợi cục bộ đính kém từng phẩm vật.

Nói theo ngôn ngữ cờ bẻo, đấy không là con tẩy xì mà là tẩy sất. Lá bài lủng.

Cho nên, Liên bang Nga của Putin có thể uy hiếp Ukraine và thậm chí thôn tính bán đảo Crimea. Nhưng nếu muốn vươn ngang tầm cao thời đại thì sẽ lại bắt trớn Liên Xô. Vì lực bất tòng tâm nên hụt hơi mà chết. Khi ấy, chúng ta mới nhớ đến cuộc thi đua võ trang cuối thời Chiến tranh lạnh. Ngày nay, nếu những người hữu trách tại Hoa Kỳ mà suy tính như vậy thì quả là ác liệt.

Mà hơi ác....

8 nhận xét:

  1. Obama làm bộ ngó lơ, lại còn "... Đúng lúc đó, lúc này, Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ lại đề nghị cắt ngân sách và giảm quân số Bộ binh tới mức... Tiền chiến, trước Thế chiến II và thời Chiến tranh lạnh. Lạ chưa?"
    Lạ cái con khỉ mốc, bác Nghĩa nhỉa! Cái kiểu "thành hoang đồn trống" của Khổng tử xưa kia đấy mà! Nhử cho Tào tháo Putin hí hửng diệu võ giương oai, chạy đua vũ trang ồ ạt, có bao nhiêu dầu khai thác được đổ cả vào bộ máy quân sự yếu kém... Rồi sao ấy nhỉa! Khổng tử Obama bật hộp quẹt châm thuốc hút và nhẩn nha cầm quạt, phe phẩy ngọn gió vào giếng dầu mà Tào tháo Putin vừa đổ! Chuyện gì xẩy ra ấy nhỉa?!
    Hãi quá, cháu phải che mặt lại không dám nhớ đến "cuộc thi đua võ trang cuối thời Chiến tranh lạnh"!!
    Ác thật!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái kế "không thành", một trong tam thập lục kế, được Khổnng Minh áp dụng vào đời Tam Quốc, không phải là Khổng Tử.

      Ngày xưa, Hoa Kỳ thời Ronald Reagan có thể bày ra một cuộc thi đua võ trang loại siêu hạng, cho Liên Xô hụt hơi mà chết sau đó. Nhưng có lập trường cuơng quyết hơn Obama thời nay.

      Trong khi đó, những định chế có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ (về kinh tế hay quân sự) vẫn cứ vận hành. Khi hữu sự, với một lãnh đạo chính trị khác, họ vẫn xoay trở được.

      Chỉ thương các nước nhỏ yếu vùng biên địa có thể bị hy sinh oan uổng....

      Nếu Obama có thái độ cương quyết hơn thì chưa chắc Putin đã phá được Ukraine hay thôn tính nổi Crimea, nhưng vẫn phải cố chi tiền vào lãnh vực quân sự với kết quả là hụt hơi....

      Trong vụ này, cách xoay trở của dân Ukraine là đáng chú ý, vì họ không thể không biết về những giới hạn của sự yểm trợ từ Liên Âu và Hoa Kỳ... Các quốc gia Đông Âu và Trung Âu đều có kinh nghiệm ấy từ đã lâu.

      NXN

      Xóa
    2. Cám ơn bác Nghĩa đã chỉ ra chỗ lầm lẫn. Có dịp nào xin bác một bài nói về "những định chế có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ (về kinh tế hay quân sự)", bác nhé!
      VN cũng là môt trong các nước bị hi sinh oan uổng, bác nhỉa! Bác có nhận định gì về định mệnh hoặc dư địa của VN thế nào mà sao khổ thế?
      Cái lối hành văn của bác hài hước dí dỏm thông minh lắm! Lập luận vững chãi, uyên bác. Tuy nhiên, đôi khi khó hiểu và không dành cho giới thiểu kiến.

      Xóa
    3. Quang ơi,
      "Không thành kế" là loại kế thi hành lúc kẹt, liều lĩnh lao vào chỗ chết để tìm cái sốnhg và trông đợi vào phản ứng đa nghi của địch. Trong chuyện Mỹ Nga chạy đua này, có lẽ "dĩ dật đãi lao" mới đúng cách, là mình nhàn hạ chờ cho địch lao khổ hụt hơi. Luận ra thì còn nhiều cách nữa.

      Chuyện nước Mỹ và các định chế bảo vệ quyền lợi thì còn phải nói dài dài sau khi đã nói quá nhiều. Một thí dụ là doanh nghiệp và thị trường, họ tự động tìm ra giải pháp năng lượng KHÔNG do chính sách của Obama và kết quả là sản lượng của Mỹ tăng, giá dầu và khí giảm, các nước sản xuất và xuất cảng hết bắt bí Mỹ.

      Còn Obama thì chỉ bảo vệ quyền lợi và ý thức hệ của ông ta mà thôi. Từ 22 đến nay mới có phản ứng và tối 28 vừa lên truyền hình láp nháp về Ukraine thì đã nói nhảm. Làm sao biết là nhảm nếu không theo dõi và hiểu rõ?

      Muốn có dân chủ thì phải biết khi nào lãnh đạo sai, vì sao lại sai.... Mệt lắm - và đôi khi nguy lắm. Chi bằng hãy làm con sâu cái kiến mà cúi đầu. Dù có hoàn cảnh khó hơn Việt Nam ngàn lần, dân Ukraine không cúi đầu. Họ đáng kính trọng.

      Một thí dụ: khi biểu tình thì không hôi của và đốt sách. Vào lâu đài của Yanukovich không ăn cắp hay đập phá mà cứu lấy từng tài liệu trôi bên suối để còn lập hồ sơ.

      Hãy nhìn Việt Nam năm 1975 (hôi của và đốt sách ở trong Nam) và mãi mãi sau này thì biết tại sao dân ta không khá.... Đau lòng lắm.


      Xóa
    4. Chào bác,

      Nhìn Ukraina mà ngẫm dân ta bi quan hơn. Cứ nhìn sự hôi của hiện nay, tư duy nhồi sọ, văn hóa hiếu chiến.

      Có lẽ sẽ thỏa thuận chia cắt Ukraina, và ta nếu có biến cũng sẽ chia đôi bác nhỉ?

      Tuần mới tốt đẹp,

      Xóa
  2. Bác Nghĩa, quốc hội Nga phê chuẩn việc đưa quân vào Crimea rồi. Kịch bản Abkhazia và Nam Ossetia gần như sẽ xảy ra. Obama lên tiếng kiểu quan ngại sâu sắc (there will be costs) gần giống ông nào đó bên xứ thiên đường. Không biết quân đội Ukraine có đủ khả năng đối đầu ko. Nước nhỏ luôn bị thiệt thòi. Thế giới thật hỗn loạn.

    Trả lờiXóa
  3. Đáng tiếc là TT Obama phản ứng quá chậm - và chập chờn, "costs" cho những ai? - vì lẩn tránh. Muốn lãnh đạo từ sau lưng mà bị ở lại sau lưng. Chiến tranh dễ xảy ra vì sự nhu nhược đó.

    Trở về Ukraine, tất nhiên là quân đội không có khả năng đối đầu (bằng quân sự), nhưng người dân thì có, bằng nhiều cách khác. Họ biết nước Nga, không sợ và sẽ đấu tranh dai dẳng theo lối toàn diện, khiến Putin bị thế giới lên án, tiêu hao lực lượng mà vẫn khó kiểm soát được Crimea hay khống chế được Ukraine....

    Một trò chơi rất vui là Quốc hội Ukraine có thể yêu cầu chính phủ lập hồ sơ điều tra để truy tố Viktor Yanukovich về tội biển thủ, ít ra là 37 tỷ đô la trong những năm cầm quyền. Và yêu cầu Nga dẫn độ Yanukovich về Kiev để thực thi công lý.

    Nếu không, ở tại Moscow, Yanukovich phải gánh trách nhiệm trả lại cho nước Nga các khoản nợ của Ukraine trong thời gian vừa qua. Ăn nói sao đây nếu chúng tôi cũng bài bây như quý quốc?

    Chúng ta còn nên theo dõi và học hỏi kinh nghiệm xử trí của thiên hạ.

    NXN

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bài "Lời nguyền của thế vận hội" và bài "Putin và canh bạc Ukraine" tôi thực sự choáng váng trước viễn kiến của thầy Nghĩa. Thầy thực sự là một siêu nhân.

    Tình hình ở Crimea càng lúc càng nóng, và sẽ đến mức thiêu đốt sự nghiệp của gã mật vụ Putin.

    Trả lờiXóa