Thứ Năm, tháng 4 17, 2014

Cuốn Phim Âu Châu Đã Cũ



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt 140415

Điểm lại những đòn công thủ của Nga và Tây phương


* Hình hý họa về Georgia: Cha con đều... hỗn như gấu, và Tây phương là con bò *



Cuối tuần qua, một số người võ trang, có thể với sự yểm trợ của đặc công Nga, đã chiếm đóng nhiều công thự của Ukraine tại ít ra là sáu tỉnh miền Đông, kể cả Donetsk, Kharkiv và Mariupol.

Trước sự thể đó, Chính quyền lâm thời Ukraine tại thủ đô Kyiv ra lệnh giải phóng các trụ sở bị chiếm đóng và nói tới nguy cơ chiến tranh. Từ Moscow, Thủ tướng Nga là Dmitri Medvedev thì cảnh báo, hay hăm dọa, về rủi ro nội chiến tại Ukraine. Qua Thứ Ba, binh lính Ukraine đã lần đầu tiên nổ súng quanh phi trường của thành phố Kramatork trong khi đã xuất hiện nhiếu thiết giáp dưới cờ Nga ở trong lãnh thổ Ukraine ở miền Đông. Tùy viên báo chí Phủ Tổng thống là Jay Carney, hôm Thứ Hai 14, cho biết là Chính quyền Barack Obama đang lượng định tình hình và sẽ tham khảo ý kiến các đối tác về biện pháp ứng phó. Hôm sau thì Mỹ ngợi ca việc Ukraine sử dụng võ lực một cách dè dặt, chỉ để tự vệ...

Khi thời sự dồn dập tường thuật như vậy, giới quan sát quốc tế cho là đôi bên, Liên bang Nga và các nước Tây phương, đang bước vào một cuộc chiến tranh cân não trước khi có cuộc họp vào ngày Thứ Năm 17. Sự thể không ngắn ngủi và thu hẹp như vậy.

Vì thế, "Hồ Sơ Người-Việt" nhìn rộng ra toàn cảnh và lượng định lại tình hình qua những lần Nga can thiệp bằng quân sự vào các nước lân bang.


Can Thiệp vào Vùng Baltic và Uy Hiếp Lithuania


Nhìn vào tấm bản đồ, ai cũng có thể thấy Hải quân Nga chỉ có một vùng thông thương tiện lợi là qua vùng biển Baltic ở phía Bắc. Tại khu vực Viễn Đông, Nga gặp trở ngại và đã từng bị Nhật Bản chặn đường và khuất phục trong trận chiến Nhật-Nga năm 1905. Vì vậy, sau Thế chiến II, Liên bang Xô viết đã thôn tính ba quốc gia độc lập vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania.

Trong 40 năm thời Chiến tranh lạnh, người dân tại ba nước này vẫn nhất quyết tuyên bố độc lập, trước sự thờ ơ bất lực của Tây phương.

Khi Liên Xô trôi vào khủng hoảng, từ năm 1985, Chủ tịch Mikhail Gorbachev tiến hành cải cách (qua hai chính sách gọi là glasnost và perestroika). Xứ Lithuania bèn tìm cách thoát khỏi quỹ đạo Nga vào năm 1988. Khởi đầu là phong trào ủng hộ việc cải cách của Gorbachev (lấy tên là Sajudis) với mục tiêu thật là khôi phục bản sắc văn hóa Lithuania, và công khai hóa mật ước chia vùng ảnh hưởng giữa Liên Xô với Đức Quốc Xã theo đó xứ Lithuania đã bị Nga thôn tính.

Được dân chúng hậu thuẫn, phong trào Sajudis bắt trớn cho việc Lithuania đòi tuyên bố độc lập năm 1990. Trước sự xoay chuyển dồn dập ấy, Liên Xô bắt đầu phản ứng qua ba bước là 1) phong toả kinh tế Lithuania, 2) từ đầu năm 1991, lập ra phong trào Yedinstvo ủng hộ Xô viết và biểu tình phản đối chính quyền Lithuania tại thủ đô Vilnius; 3) vài ngày sau thì đưa lực lượng bán võ trang vào bảo vệ dân biểu tình và chiếm đóng nhiều công thự của Lithuania, dưới khẩu hiệu "Cứu Quốc". Súng đã nổ và máu đã đổ, 14 người thiệt mạng khi lính Xô viết chiếm đài truyền hình Vilnius....

Nhưng thời đó, Liên Xô đã kiệt quệ và biến động quân sự tại Vilnius gây phản ứng ngược về nhà, khiến chế độ Xô viết còn tan rã nhanh hơn. Tháng Chín năm 1991, Lithuania tuyên bố độc lập trước sự bất lực của Moscow.

Ba bước can thiệp của Liên Xô thời ấy có thể là cơ sở cho việc lượng định chuyện Crimea và Ukraine thời nay. Và ta nên suy ngẫm về những gì Liên bang Nga có khả năng tác động trong vùng Baltic. Khác biệt thời nay là cả ba nước Cộng hoà Baltic đều là thành viên của Minh ước NATO, còn Ukraine thì chưa.


Can Thiệp Vào Moldovia Vì Transdniestria


Moldovia là một nước nhỏ, nằm kẹt giữa Ukraine và Romania, có một dải đất hẹp ở phía Đông là Transdniestria được quy chế tự trị và nói tiếng Nga, trong khi dân Moldovia nói tiếng Romania. Dải đất Transdniestria lại tiếp cận với Ukraine và giáp giới với đất Odessa do Nga kiểm soát.

Khi Liên Xô bị khủng hoảng, tinh thần quốc gia Moldovia dẫn tới phong trào bảo vệ bản sắc văn hóa và ngôn ngữ, để thay tiếng Nga và nếp cai trị Xô viết từ Tháng Tám năm 1989. Trong nội bộ có nhiều mâu thuẫn và thậm chí xung đột giữa người Moldovia nói tiếng Romania và người Slav nói tiếng Nga. Nơi đụng độ mạnh nhất là khu vực tự trị Transdniestria, với các nhóm "dân quân tự vệ" được Moscow yểm trợ và có hậu thuẫn của những nhóm "thiện nguyện" người Nga và người Ukraine theo Nga, ở bên kia biên giới.

Đầu năm 1990, dân chúng tại Transdniestria tổ chức trưng cầu dân ý bên trong Cộng hoà Xô viết Moldovia và 96% ủng hộ việc ly khai để theo Nga. Qua năm 1991, Liên Xô đưa quân đồn trú tại Transdniestria tấn công các đơn vị Moldovia rồi dàn xếp "ngưng bắn" giữa Moldovia và dân quân Transdniestra kể từ 1991.

Từ năm 1992, coi như Moldovia mất luôn Transdniestria, vùng đất vẫn được Liên bang Nga yểm trợ về quân sự lẫn tài chánh và có thể tự xưng là Cộng hoà Transdniestra.

Ngày nay, sau khi thôn tính Crimea và khuynh đảo xứ Ukraine, Nga có lợi thế địa dư chính trị là từ đất Odessa của Ukraine và Transdniestria của Moldavia (đều do Nga kiểm soát) mà gây áp lực với Moldovia, một quốc gia cũng có ý muốn hội nhập vào Âu Châu y như Ukraine. Nhưng trở ngại của Tổng thống Vladmir Putin là 1) chưa có một lực lượng thân Nga đủ mạnh bên trong Moldovia và 2) nếu dùng biện pháp quân sự thì phải giải quyết bài toán tiếp vận qua lãnh thổ Ukraine ở hướng Tây, là chuyện không dễ, và 3) gây phản ứng phòng thủ dữ dội hơn của các nước lân bang với Moldovia. Với Putin, giải pháp kinh tế, phong tỏa năng lượng của Moldovia có thể là rẻ và dễ hơn.


Tấn Công Georgia Nhờ Abkhazia và Nam Ossetia


Từ Bắc xuống Nam, từ vùng Baltic đến Moldovia, người ta thấy Liên Xô rồi Liên bang Nga sử dụng cả chính trị, kinh tế lẫn quân sự để can thiệp vào các nước từng nằm trong quỹ đạo Xô viết. Cộng hòa Georgia không thoát khỏi số phận đó, khi bên trong cũng lại có hai khu vực tự trị là Abkhazia và Nam Ossetia. Người dân nơi đây có khác biệt văn hóa và sắc tộc với dân Georgia.

Khi Gorbachev phải tiến hành cải cách để cứu vãn chế độ, người dân Georgia không để lỡ cơ hội khôi phục tinh thần quốc gia và vận động phong trào độc lập. Nằm trong lãnh thổ Georgia, hai vùng đất kia sợ bị mất quyền tự trị và năm 1989, tại Abkhazia đã có xung đột võ trang giữa dân Georgia và dân Abkhaz. Khi đó, Liên Xô đưa quân vào can gián và phê phán cả hai để tái lập trật tự. Nhưng khi Georgia đòi có nhiều quyền hạn hơn từ năm 1990 và qua năm 1991 thì tuyên bố độc lập (được công nhận chính thức vào cuối năm) với Liên bang Xô viết, người Nga bèn can thiệp mạnh mẽ hơn, và ủng hộ dân Abkhaz.

Giữa năm 1992, Abkhazia tuyên bố độc lập và các nhóm dân quân của dân Abkhaz tấn công các trụ sở do chính quyền Georgia kiểm soát và giao tranh bùng nổ. Khi ấy, dư luận Tây phương chưa mấy chú ý và loan tin dù Liên bang Nga đã đưa quân từ mạn Bắc Caucasia vào yểm trợ dân Abkhaz và đẩy lui quân Georgia. Khi ấy, người ta mới chỉ theo dõi sự chuyển hóa của Georgia, một vùng đất có các nhân vật Xô viết nổi tiếng như Josef Stalin hay Eduard Schevarnadze, Tổng trưởng Ngoại giao của Gorbachev, về sau là Tổng thống Georgia.

Người ta không đế ý đến việc dân Georgia khuông muốn là người Nga, quốc gia là đất Nga, mà bên trong Georgia, dân Abkhaz lại không muốn làm người Georgia. Và họ được Nga nâng đỡ vì chủ đích riêng. Cũng vì vậy mà Tháng Tám năm 2008, Nga lại can thiệp lần nữa vào Georgia.

Lý do là khi Georgia tuyên bố muốn gia nhập Minh ước NATO. Với Putin thì đấy là mối nguy cho an ninh của Nga, hay ý đồ đen tối của các nước Tây phương. Các nước Tây phương lại chẳng nghĩ như vậy mà cho rằng đấy là trào lưu tất yếu của dân chủ.

Trước hết, Putin can thiệp gián tiếp bằng cách rộng rãi cấp phát thẻ thông hành Nga cho người dân tại Abkhazia và Nam Ossetia. Tức là họ trở thành "công dân Nga". Khi đám công dân mới này kêu gọi Noscow bênh vực vì lực lượng Georgia bắt đầu nã đạn vào các thành lũy đòi độc lập của Nam Ossetia, Putin có lý cớ đưa quân qua đường hầm Rokhi vào đẩy lui quân Georgia để "giải phóng" Nam Ossetia.

Kết thúc việc can thiệp, kể từ đó, Liên bang Nga chính thức công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, lưu giữ quân đội đồn trú tại đây, bất chấp sự phản đối của Georgia và các nước Tây phương. Trong khi ấy, Georgia tiếp tục vận động việc gia nhập Minh ước NATO, cái lý do ban đầu khiến Putin đưa quân can thiệp.

Ngày nay, sau khi đã vào Crimea và đang uy hiếp Ukraine, biết đâu Putin lại chẳng muốn can thiệp vào Georgia? Lãnh đạo xứ này tại thủ đô Tbilisi có thể nghĩ như vậy khi binh lính Nga ở Abkhazia và Nam Ossetia lại vừa mở ra một cuộc thao dượt quân sự và có tin (chưa xác nhận) là Nga lại cấp phát thẻ thông hành Nga, lần này là cho người dân ở tỉnh Samtskhe-Javakhewti, nơi tập trung khá nhiều người gốc Armenia.

Giữa vụ khủng hoảng Ukraine hiện nay, phần bổi cảnh như cuốn phim cũ ở trên về sự can thiệp của Nga vào Lithuania, Moldovia và Georgia từ năm 1989 tới nay, có thể giúp độc giả hiểu ra – và đoán trước – được sự thể. Điều ngạc nhiên là truyền thông Tây phương lại có vẻ ngạc nhiên, là lãnh đạo nhiều nước bị bất ngờ, và Chính quyền Obama thì còn "lượng định tình hình".

Hồ Sơ Người-Việt phải trình bày tiếp về cái thế công-thủ của Tây phương.


Tây Phương Duy Ý Chí


Một số người bênh vực quan điểm của Vladimir Putin đều nói đến sự cam kết ngầm giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Liên Xô (Tổng thống George H.W. Bush và Chủ tịch Mikhail Gorbachev) trong cơn hấp hối của Liên Xô. Rằng Hoa Kỳ, Âu Châu và Minh ước quân sự NATO sẽ không thừa thắng mà tiến về hướng Đông.

Lá chắn NATO là phương tiện phòng thủ thời Chiến tranh lạnh chống lại đà bành trướng của Liên Xô vào Âu Châu. Nhưng khi Liên Xô tan rã từ năm 1989 và sụp đổ vào năm 1991, lá chắn là tấm khiên có mục tiêu tấn công chứ không phòng thủ, và lăn vào khu vực trước kia thuộc về quỹ đạo hay lãnh thổ Xô viết. Không mấy chú ý tới khía cạnh an ninh, truyền thông Tây phương chỉ đề cao trào lưu dân chủ Đông Âu và những cuộc cách mạng muôn màu tại Georgia, Ukraine, Serbia, thậm chí ở mại tận Trung Á, tại Cộng hoà Kyrgyzsatn....

Với Putin, chuyện dân chủ đó chỉ là âm mưu của Hoa Kỳ và Tây phương, do CIA lặng lẽ tiến hành qua các tổ chức ngụy danh "phi chính phủ" mà thực chất là bình phong tuyên truyền. Ngoài khía cạnh chính trị là phát huy dân chủ để làm suy yếu chế độ độc tài của Putin, trào lưu đó còn là đòn tấn công về an ninh: lãnh thổ của ba nước Baltic hay Georgia mà được NATO bảo vệ thì cũng có nghĩa là võ khí của NATO được thiết trí ngay tại biên giới của Nga.

Đấy là phần ấn tượng (perception) hay giải trình (narrative) được báo chí loan tải và độc giả tiếp nhận như chân lý. Thực tế lại khác hẳn – vì vậy mới có "Hồ Sơ Người-Việt".

Thực tế là Âu Châu đã cổ võ cho trào lưu dân chủ ở đầu môi mà không đóng góp gì cho sức mạnh bảo vệ dân chủ, là hệ thống an ninh quốc phòng, hay Minh ước NATO. Chẳng những vậy, Âu Châu còn lạc quan, ngây ngô hay gian ác, gia tăng hợp tác kinh tế với Liên bang Nga.

Mười năm qua, Putin đã tăng quân phí tới gần 80% và ngân sách quốc phòng Nga nay lên tới 4,5% Tổng sản lượng GDP của Nga. Trong khi đó, các nước Âu Châu tiếp tục cắt giảm quân phí và so với tỷ lệ 4,5% của Nga thì Pháp chi gần 2% (nhiều nhất), Đan Mạch 1,4%, Đức 1,3%...

Họ nói chuyện an nhàn và hiếu hòa được là nhờ NATO, với Hoa Kỳ cáng đáng 75% các khoản chi (còn 25% kia là của 27 nước còn lại, trong đó có 26 nước Âu Châu!). Đối diện với việc giảm chi về quốc phòng, kinh tế Âu Châu lệ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga!

Âu Châu thì vậy, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama cũng hiếu hòa không kém và còn khắng khít hợp tác với Putin cho hồ sơ Syria và Iran. Sau khi tiến hành kế hoạch tài giảm binh bị với Liên bang Nga (New START), Mỹ đã đơn phương tháo gỡ nhiều phương tiện quốc phòng và còn sớm hơn lịch trình cam kết với Nga. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa thông báo điều ấy, hôm Thứ Ba mùng tám vừa qua.

________________

Kết luận ở đây là gì?

Những ai chủ trương bảo vệ nhân quyền hay phát huy dân chủ đều được coi là đáng kính trọng, miễn là không nói tới việc dụng binh, hoặc gia tăng phương tiện quốc phòng. Tinh thần lý tưởng và duy ý chí này là một sự cám dỗ lớn cho Putin.

Nhiều khi công lý của nhân loại cần tới sức mạnh. Putin nghĩ là mình có sức mạnh và áp dụng công lý của mình. Các nước Tây phương thì nói đến "quyền lực mềm" hơn là súng đạn. Nạn nhân ở giữa có thể là dân Ukraine - hay nhiều xứ khác....

1 nhận xét:

  1. Hoa Kỳ và Âu Châu đã qúa duy ý chí hiếu hòa với Nga, đến giờ mới thấy mình lúng túng phản ứng trước tham vọng bành tướng trổi dậy của Nga. Nhưng thật cũng chưa muộn vào lúc này, nếu Hoa Kỳ và Châu Âu sớm biết nhìn lại thực tế một nước Nga từ thế kỷ 16 tới giờ luôn cần bành trướng để tồn tại thì không lý do gì phải say mê những lý thuyết hòa bình suông mà quên đi những kế sách quốc phòng thật đủ mạnh mới có thể chủ động được trong việc bảo vệ nền hòa bình chung.

    Trả lờiXóa