Thứ Ba, tháng 4 29, 2014

Hiệu Ứng Phồn Vinh... Giả Tạo



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140428
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Tại sao biện pháp kích thích kinh tế lại thiếu công hiệu?

* Cửa nào của em cũng sáng! * 



Sau khi vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ vào Tháng Chín năm 2008 giữa một chu kỳ suy trầm (từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy 2009), Chính quyền Hoa Kỳ ban hành Đạo luật ARRA, Phục hoạt và Đầu tư (American Recovery and Reinvestment Act) trị giá 787 tỷ Mỹ kim nhằm kích thích kinh tế.

Khi đó, Tháng Năm năm 2009, Hội đồng Cố vấn Kinh tế bên Phủ Tổng thống công bố một dự báo về triển vọng nhân dụng nhằm giảm thiểu mức thất nghiệp. Đúng năm năm sau, tham khảo lại văn kiện này ta thấy dự báo ấy là quá lạc quan. Nhưng chưa thấm gì nếu so với phúc trình do Hội đồng Cố vấn này soạn thảo cho Tổng thống công bố vào Tháng Ba vừa qua. Một tác phẩm tuyệt vời về thành tích không có của biện pháp kích cầu.

Không tin vào giới chính trị trong một năm có bầu cử, ta nên chú ý đến kế hoạch kích thích của một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Federal Reserve Board – FRB hay Fed) với biện pháp hạ lãi suất và bơm tiền tới mấy ngàn tỷ (gọi tắt là QE). Được áp dụng liên tục từ năm năm nay, kế hoạch gây tranh cãi còn gay gắt hơn đạo luật ARRA dù Ngân hàng Trung ương Mỹ là định chế ít bị chính trị hóa nhất nhờ tư thế độc lập của mình.

Đầu Tháng Tư vừa qua, lần đầu tiên Fed công bố mô thức được áp dụng từ 1996 để thẩm định thị trường làm cơ sở cho các quyết định về tiền tệ và tín dụng. Ta có thể coi "Mô thức FRB/US" là tấm hải đồ mà các thuyền trưởng đã tham khảo và áp dụng để đưa kinh tế ra khỏi sóng gió. May ra thì mình hiểu tính chất hợp lý của các quyết định có ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của Hoa Kỳ, và cả thế giới, vì sức nặng của nền kinh tế này.

Người viết đã tự hành hạ (hí hí) khi đọc các tài liệu nhức đầu ấy, và sẽ hành hạ độc giả (hí hí bis) để nói dài hơn mọi khi về một sự hợp lý quái đản - một nghịch lý. Vì sao kinh tế chưa hồi phục, thất nghiệp còn cao mà người giàu lại còn giàu hơn trong khi giới trung lưu vẫn chật vật, và dân nghèo thì ngóng đợi nguồn trợ cấp của nhà nước, của các chính khách trong hệ thống chính trị?

Lòng vòng rồi vẫn về chuyện cũ: "kinh tế cũng là chính trị!" - với một chấm than....


***

Kinh tế chỉ phát triển khi tài hóa lưu thông. Tài hóa chỉ lưu thông khi người có tài sản chịu chi ra. Họ có mua sắm thì hàng bán mới chạy, hãng xưởng mới tuyển người rồi ai cũng thấy mình giàu hơn nên tiêu xài rộng rãi hơn trong sự hồ hởi chung. Giới kinh tế gọi đó là "hiệu ứng thịnh vượng" – wealth effect.

Từ năm 1987 đến nay, hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã có ba vị thuyền thưởng là các Thống đốc Alan Greenspan, Ben Bernanke và Janet Yellen. Họ chỉ đạo nhóm "tài công" trong một ủy ban hữu trách về chính sách tín dụng và tiền tệ có tên là FOMC (Federal Open Market Committee) cứ sáu tuần lại họp một lần để quyết định về các biện pháp tài chánh trên thị trường nhằm điều tiết khối tiền tệ theo hai mục tiêu là ổn định vật giá và tạo ra việc làm.

Ủy ban FOMC dùng Mô thức FRB/US để chẩn đoán tình hình và định hướng chính sách theo lý luận là người có tài sản mà đem ra tiêu thụ thì sẽ kích thích kinh tế - làm tài hóa lưu thông.

Người thịnh vượng chủ yếu là có tiền đầu tư vào thị trường chứng phiếu và có nhà cửa được giá. Đầu năm nay, tân Thống đốc Yellen phát biểu không khác gì hai vị tiền nhiệm: "Một phần của việc kích thích kinh tế đến từ giá nhà và giá cổ phiếu cao hơn khiến những ai có hai loại tài sản đó tiêu xài nhiều hơn, họ tạo thêm việc làm và lợi tức cho cả nền kinh tế".

Nôm na thì kinh tế tăng trưởng nhờ ấn tượng về thịnh vượng, có thể gọi đó là hiệu ứng "phồn vinh", một từ quen thuộc sau năm 1975.... Cũng xin nói ngay rằng không phải là mọi người trong số 12 ủy viên của FOMC đều đồng ý với lý luận "kích cầu" đó trong thời gian vừa qua.

Từ lập luận có vẻ hợp lý này, mình nên suy ngẫm thêm một bước. Nếu biện pháp kích thích có thể gia tăng sự thịnh vượng cho người có tài sản thì sức tiêu thụ sau đó sẽ tăng, và thất nghiệp dần dần sẽ giảm. Tìm ra mối liên hệ khoa học giữa đà gia tăng của tài sản và tiêu thụ thì ta có thể quyết định về biện pháp nâng đỡ những người có tài sản để nhờ đó tính ra mức độ nâng đỡ: thêm một đồng – thì thêm được mấy xu tiêu thụ?

Mô thức FRB/US của Ủy ban FOMC có tham vọng tính ra mức liên hệ đó làm căn bản của chính sách bơm tiền. Thí dụ như nếu tài sản tăng giá được trăm đồng thì tiêu thụ sẽ tăng từ năm đến 10 đồng. Dựa trên quy luật đầy vẻ khoa học ấy, Ngân hàng Trung ương Mỹ dự báo là kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng được 6% trong bốn năm qua, năm nay sẽ tăng thêm 2,9%, qua năm tới thì tăng được 3,5%.

Đấy là nguyên ủy của kế hoạch hạ lãi suất và ào ạt bơm ra hơn ba ngàn tỷ Mỹ kim, với kỳ vọng tạo ra số tăng trưởng là một ngàn tỷ Mỹ kim tính đến cuối năm ngoái.

Vậy mà con số ngàn tỷ đó vẫn chưa có.

Hình như các thuyền trưởng đã lạc quan tếu!

Từ nhiều năm nay, một số trung tâm nghiên cứu ảnh hưởng của sự thịnh vượng tới sức tiêu thụ từ năm 1930 tới 2013 đã phủ nhận mối quan hệ lạc quan giữa tài sản và tiêu thụ. Không nhiều đến mức là cứ giàu thêm một đồng là xài năm/mười xu, có khi chỉ ở khoảng 0,04 đến 0,06 thôi. Điều ấy phần nào giải thích vì sao năm qua giá cổ phiếu và địa ốc đã tăng mạnh (chỉ số tiêu biểu là S&P 500 tăng gần 18% và Chỉ số Giá nhà tăng hơn 9%, tổng cộng là tăng gần 27%) mà số tiêu thị chỉ tăng có 1,2%.

Nói theo người Hà Nội năm xưa thì đấy chỉ là sự phồn vinh giả tạo. Mà sai!

Vì Hoa Kỳ có sự phồn vinh thật, nhưng tập trung vào một thiểu số có tài sản đầu tư trong thị trường địa ốc và chứng khoán. Khổ nỗi cái ơn mưa móc ở trên lại không rỏ xuống dưới, nên người ta mới rên về sự bất công trong xã hội. Nguy hơn vậy, sự giàu có tích lũy ở trên lại đang thổi lên bong bóng, y như mà còn lớn hơn những gì đã thấy năm 2007-2008, khi bóng bể....

Tuy nhiên, sự thể vẫn không đơn giản là chính sách kinh tế Mỹ chỉ phục vụ nhà giàu như nhiều người có thể nghĩ. Ta nên nhìn xa hơn Mô thức FRB/US hay sự tính toán của Ngân hàng Trung ương Mỹ về khả năng kích cầu.

Nhìn vào sự thay đổi trong xã hội Mỹ từ năm năm qua.


***

Ngoài số tiền kỷ lục được bơm vào kinh tế, nước Mỹ còn có nhiều kỷ lục khác.

Thí dụ một, Đạo luật Cải tổ Y tế (Obama Care) dày tới 2.400 trang khiến nhiều người đọc không hết mà vẫn biểu quyết theo lời khuyên của Chủ tịch Hạ viện thời đó là Nancy Pelosi: cứ bỏ phiếu đi, rồi sẽ biết! Khi áp dụng thì các điều lệ lên tới hai vạn trang, và còn nhiêu khê hơn bộ luật thuế vụ. Trong doanh trường, chi tiết cần biết cho việc chấp hành có thể là năm vạn trang chưa nói tới giấy mực đổ ra cho cuộc tranh luận.

Gặp hoản cảnh đó, nếu chẳng không đủ giàu để kiếm bạc triệu trên thị trường cổ phiếu, các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa, thành phần tạo ra nhiều việc làm nhất, đều ngần ngại bỏ tiền ra mở mang cơ sở và tuyển thêm người.

Cũng trong cái trớn cải tạo sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, đạo luật Dodd-Frank cho lãnh vực ngân hàng là mấy ngàn trang điều lệ làm các ngân hàng ở địa phương chỉ có nước đóng cửa và nhường chỗ cho các đại gia "quá lớn nên không thể để sụp". Hệ thống kiểm soát là mạng lưới rất khít cho bầy cá nhỏ và xua các phiêu sinh vật, trương chủ cò con, vào các ngân hàng lớn.

Ngoài ra, còn biết bao luật lệ rắc rối nữa về môi sinh, năng lượng, thuế vụ giáo dục khiến nền kinh tế phải chịu nhiều ẩn phí và thành phần lưng chừng ở giữa bị chết ngộp.

Với lãi suất nằm quá lâu ở số không, giới trung lưu có tiền tiết kiệm đang là phiêu sinh vật. Họ phải trả thuế nhiều hơn để giúp những người còn nghèo hơn mình ở dưới bậc thang xã hội, mà rất ít hy vọng khởi sắc để nâng cao khả năng cung ứng.

Nạn suy trầm kinh tế đã chính thức kết thúc từ Tháng Bảy năm 2009, nhưng tình hình chưa khả quan mà còn đáng lo trong mấy năm tới chính là vì chánh sách kích cầu và chặn cung vừa qua.

Kinh tế học gọi đó là "liều thuốc đổ bệnh"....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét