Thứ Ba, tháng 7 01, 2014

Đội Mỹ Tréo Giò



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 140701
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

 Cứu Trung Đông Hay Trấn Đông Hải?  

* Lực lượng ISIL không còn là đặc công lén lút giết người - mà thành quân chính quy *



Không, rất phụ lòng giới hâm mộ túc cầu, cột báo này không viết về trận đá hôm mùng một Tháng Bảy của đội tuyển Mỹ trong Giải FIFA 2014 mà nói về một trận đấu khác, trên sân tròn, trải rộng từ năm Mậu Ngọ 1258 tới Giáp Ngọ 2014, từ Trung Đông qua Đông Hải.... 


Mặc áo số 44, Thủ quân của đội tuyển Mỹ là Barack H. Obama hỏi người viết rằng năm 1258 có gì lạ mà nhắc tới ở đây? Thưa là nói về chuyện Đại Việt đại thắng Mông Cổ trong vòng đầu vào năm 1258 là điều vô ích. Năm đó, kinh đô Baghdad có loạn và một Vương triều Hồi giáo từng ngự trị từ năm thế kỷ trước đã tan tành dưới vó ngựa của Khả hãn Húc Liệt Ngột.

Trước khi nhìn Hoa Kỳ từ bên ngoài, tên của cột mục này, xin có vài lời về ông Húc đã...

Dưới tên Âu hóa là Hulagu Khan, đấy là cháu nội Thành Cát Tư Hãn, con trai của Đà Lôi, và em trai của Mông Kha và Hốt Tất Liệt. Trong khi Hốt Tất Liệt đi về phía Đông-Nam, đánh đâu thắng đó và lập ra Đế chế Nguyên Mông tại Trung Quốc - cho tới khi bị gẫy răng hai lần tại Việt Nam - thì Húc Liệt Ngột đưa quân về phía Tây-Nam. Ông tiến tới vùng đất nay gọi là Cận Đông, tiêu diệt Vương triều của dòng Abbas ibn ‘Abd al-Muttalib tại Baghdad và lập ra Hãn quốc Y Nhi, trải rộng từ Syria tới Iran, Georgia, Afghanistan, Armenia, Turkey và Pakistan....

Tồn tại từ 750 đến 1258, Vương triều Abbas là "Caliphate" thứ ba trong tám Caliphate Hồi giáo. Đó là thời sự vì xuất hiện trong giấc mơ năm xưa của Osama bin Laden và tuần qua hiển hiện bằng xương bằng thịt - của người khác. Hôm Chủ Nhật 29, lực lượng xưng danh ISIL, "Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Đông phương" (Islamic State of Iraq and the Levant) công bố việc thiết lập một Vương triều Caliphate trên vùng đất Syria và Iraq để kế thừa sự nghiệp và thực thi Giáo luật Sharia của đấng Tiên tri Mohammed trong cả thế giới Hồi giáo.

Từ giấc mơ vĩ cuồng của bin Laden trong tổ chức Al-Qaeda nguyên thủy, lực lượng ISIL phát huy khả năng cuồng sát khiến lãnh tụ còn lại của Al-Qaeda là Ayman al Zawahiri phải rợn tóc gáy mà chối bỏ. Lãnh tụ đầy bí ẩn của ISIL là Abu Bakr al-Baghdadi vừa tự xưng là Caliph, người nối dõi và là tiếng nói của đấng Tiên Tri, với những đòn tấn công dồn dập quanh Baghdad khiến Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Iran phải cùng nhảy vào Iraq chống đỡ....


***

Lịch sử vừa sang trang: từ phương pháp khủng bố tự sát cho đến năm 2001, một số lực lượng quá khích nhất trong thế giới Hồi giáo đã tiến hành chiến tranh nổi dậy và ngày nay đe dọa một khu vực trải rộng từ Trung Đông tới Bắc Phi, Trung Á, từ Lebanon qua Syria, Iraq, tới Jordan, Egypt, Iran, Turkey và còn xa hơn nữa.... Nhưng với thủ quân Obama của đội tuyển Hoa Kỳ, chuyện "caliphate" này là cái gì đó rất lạ, có dịch là Vương triều hay Đế quốc đều chưa đủ.

Một Đế quốc do Thượng đế cai trị bằng tư tưởng mơ hồ để khích động tín ngưỡng nhưng với võ khí tàn sát rất cụ thể thì có gọi là Thần triều hay Giáo triều cũng chưa được. Phải gọi là Thiên triều Hồi giáo thì mới đúng. Thiên triều này hết là giấc mê sảng của một số người theo hệ phái Sunni, lom khom ráp lại vài mảnh cát đá trong sa mạc để xiển dương một đấng siêu hình khắt khe nào đó. Nó đã có đầy võ khí và bạc mặt lẫn các giếng dầu trong tầm đại pháo.

Từ những trang kinh mờ ảo, các phần tử cực đoan nhất đã vẩy máu như dầu loang lên tấm bản đồ làm các chiến lược gia vò đầu bứt tai mà nói về một trận đấu toàn cầu nằm trên nếp gấp của ba lục địa Âu-Á-Phi. Đấy là lúc ta hết đùa với trái banh mà nhìn vào tâm tư của Tổng thống Mỹ.

Trong sự hợp tan của thế giới Hồi giáo giữa các hệ phái Sunni, Shia, Wannabi, hay các sắc tộc Á Rập, Ba Tư, Thổ, Kurd, và nhiều sắc giáo khác quanh Địa Trung Hải, Obama không có sự lựa chọn dễ dàng để chặn đường tiến của dân quân ISIL. Kể cả vuốt mặt hợp tác với chế độ Bashar al Assad theo phái Alawi của dân Shia tại Syria, hay với Iran hoặc với Vladimir Putin – và tạm hoãn chuyện Ukraine của Âu Châu....

Nhưng đấy là lúc Tổng thống Mỹ bị gọi giật từ biển Địa Trung Hải qua một vùng biển lớn là Đông Hải, để nhìn vào một Thiên triều thứ thiệt. Đó là Trung Quốc.


***


Trong cuộc phỏng vấn của đài phát thanh National Public Radio vào ngày 28 Tháng Năm về đối sách ngoại giao Hoa Kỳ, Obama có nói tới Trung Quốc với vị chua ngọt làm chúng ta rùng mình.

Về Trung Quốc, trước hết nhà báo Steve Inskeep hỏi về mối đe dọa của Trung Quốc cho các đồng minh của Mỹ tại Đông Á, thí dụ như Nhật Bản, Tổng thống Obama trả lời khá vu vơ. Rằng Hoa Kỳ chẳng có lợi gì mà ngăn cản sự thành công của họ.

Khi bị nhà báo vặn ngược, rằng "tôi hỏi về sức mạnh chứ không về sự thành công của Trung Quốc", lần đầu tiên mà lãnh đạo Hoa Kỳ xác nhận nguy cơ phân rã của Thiên triều: "Dưới nhiều khía cạnh, có lẽ mối nguy còn lớn hơn cho an ninh của chúng ta là nếu Trung Quốc bắt đầu rã từng mảng ở mấy vết nối" (In many ways, it would be a bigger national security problem for us if China started falling apart at the seams).

Đấy là phần chua.

Vị ngọt mà Obama châm thêm là Hoa Kỳ chẳng mặn nồng gì với việc be bờ Trung Quốc mà, vì quyền lợi của mình, còn muốn có sự ổn định lâu dài tại Đông Á. Đấy là nơi có nhiều thị trường bán hàng Mỹ! Nói nôm na, Obama mong Trung Quốc tôn trọng những luật lệ quốc tế đã đem lại hòa bình và phát triển tại Đông Á. Nói theo thành ngữ Trung Hoa, mong chuyện sừng thỏ lông rùa.

Tất nhiên là các nước trong vùng đều thấy cay đắng vì giấc mơ chua ngọt đó của Hoa Kỳ.


***

Tổng kết lại thì 13 năm trước, khi tiến hành vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ, Al-Qaeda ra tuyên cáo là đánh phủ đầu nước Mỹ để tiến tới một Thiên triều Hồi giáo toàn cầu. Sau đó, Al-Qaeda và chế độ Taliban bị Mỹ đánh bật ra khỏi Afghanistan. Nhưng ba năm sau khi lãnh tụ bin Laden bị hạ sát, Al-Qaeda đã có kẻ nối dõi. Còn hung bạo gấp bội và đang biến giấc mơ Thiên triều thành hiện thực.

Hai ngày sau khi văn phòng Tổng thống Mỹ ra thông điệp chào mừng Tháng Chay Ramadan của đạo Hồi thì ISIL công bố sự tái xuất hiện của Thiên triều. Tuần tới khi phái bộ Mỹ của Ngoại trưởng John Kerry và Tổng trưởng Ngân khố Jacob Lew tới Bắc Kinh phó hội với Phó thủ tướng Uông Dương và Quốc vụ khanh (Ủy viên Quốc vụ viện thì xin viết gọn là Quốc vụ khanh, siêu Bộ trưởng không bộ!) Dương Khiết Trì, chúng ta sẽ nghe Chủ tịch Tập Cận Bình nói gì về giấc mơ lạnh mình của Trung Quốc?

Kết luận là đội tuyển Mỹ lại bị tréo giò nữa....

__________________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ


Tháng Năm vừa qua, đúng ngày giàn khoan Hải Dương 981 và tầu bè Trung Quốc làm Đông Hải đục ngầu thì một nhà mô phạm Mỹ... làm thơ tại Los Angeles. Thơ thẩn là quyền của mọi người, nhưng nhà mô phạm là người có trách nhiệm lớn về nền giáo dục Hoa Kỳ. David Coleman là Chủ tịch Hội đồng Giáo dục College Board, cơ quan tư nhân mà hữu trách về nhiều giáo trình trung tiểu học lên tới cao đẳng và đại học, kể cả lớp luyện thi SAT mà ai cũng biết.

Bài thơ đầy tính âm dương theo kiểu "thụ thụ rất thân" như sau: "Hán bạn tựa ánh dương. Soi Hán đạo cho Mỹ. Hội đồng là vầng nguyệt. Hoan hỷ nhận ánh dương."

Xin phiên dịch lại: Dưới sự lãnh đạo của Quốc vụ khanh Lưu Yến Đông, "Hán bạn" là cơ quan ngụy danh tư nhân nhưng là của đảng ở đằng sau Bộ Giáo dục Bắc Kinh có nhiệm vụ quảng bá văn hoá Trung Hoa với màu sắc Trung Cộng ra quốc tế qua mạng lưới tuyên truyền, kiều vận và tình báo gọi là Viện Khổng Tử. Các cơ quan giáo dục quốc tế mà hợp tác với "Hán bạn" (ta gọi là Hán biện) thì phải tôn trọng quan điểm của Trung Quốc và kiêng nói điều cấm kỵ. Thành tích của Hán bạn là trong 10 năm đã lập ra gần một ngàn 100 viện tại 120 quốc gia, với nhiều viện đã có mặt tại các đại học Mỹ.

Hội đồng Giáo dục Mỹ tênh hênh chờ ánh dương của Hán bạn reo rắc mộng mị của Trung Cộng vào đầu thanh thiếu niên Mỹ. Chuyện chỉ có tại các nước lạc hậu bị cấy sinh tử phù? 

May là Hiệp hội các Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP - American Association of University Professors) vừa kêu gọi hủy bỏ hoặc thương thuyết lại hợp đồng của các đại học Mỹ với Viện Khổng Tử: Vì "đấy chỉ là công cụ của chính quyền Bắc Kinh và không tôn trọng quyền tự do giáo dục". Sóng ngoài Đông Hải đã tràn vào trong nước Mỹ.

6 nhận xét:

  1. Hình như Khổng viện đang trong quá trình hình thành tại Hà Nội phải không anh Nguyễn Xuân Nghĩa? Đọc nhiều bài của anh, tôi có suy nghĩ thế này: ông Ô-bà-má có lẽ là vị đội trưởng kém nhất trong 44 đời đội trưởng của tuyển Mỹ. Tôi thấy ông ta đang dần dần làm lu mờ vai trò đại ca của tuyển Mỹ trên sân bóng thế giới. Có phải vậy không anh? Mong anh chỉ bảo thêm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Cậu bé quàng khăn đỏ" đã lùi banh đá rách gôn nhà, và có lẽ đang hoàn thành ước nguyện là một "Tổng thống chống Mỹ". Những chữ trong ngoặc kép là tôi đã viết để gọi Barack Obama từ 2008 và 2010.

      Tôi không ngạc nhiên về kết quả, nhưng buồn cho nước Mỹ và lo cho các quốc gia phải trông chờ vào Hoa Kỳ.

      NXN

      Xóa
  2. Mong bác đánh giá về bài viết dưới đây. Cháu cảm ơn.
    http://vietcatholic.com/News/Html/125859.htm
    Như chúng tôi đã nói nhiều lần, có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng để đối phó với những biến loạn mà khối Hồi Giáo có thể gây ra, Hoa Kỳ đã áp dụng hai biện pháp sau đây:

    Giai đoạn một: Thanh toán các lãnh tụ Hồi Giáo có chủ trương thành lập một khối Hồi Giáo thống nhất để tạo quyền lực chính trị như Saddam Hussein của Iraq, Hosni Mubarak của Ai-cập, Muammar Gaddafi của Libya hay Bashar al-Assad của Syria. Ba người đầu đã bị thanh toán, còn Assad đang bị vô hiệu hóa.

    Giai đoạn hai: Không tái lập một chính quyền mạnh có thể thống nhất một quốc gia Hồi Giáo mà để cho tình trạng phân hóa thực tế biến dần lãnh thổ tquốc gia thành nhưng khu tự trị. Tình trạng này đang xảy ra ở Libya, Iraq, Syria và rồi cũng sẽ áp dụng cho Afghanistan. Riêng tại Ai Cập, vì có sự vùng dậy của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đòi tự do dân chủ, Hoa Kỳ phải áp dụng giải pháp khác là thay thế Mubarak đã ngả gục bằng một Mubarak khác là Tướng Abdel Fattah el-Sisi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi tránh không đề cập tới bài viết của người mình, nhất là về chuyện tôn giáo.

      Có thể trong nhiều bài khác, Dainamax đã gián tiếp nói đến "thuyết âm mưu", nhưng có một quy luật khá phổ biến là ngoài những động lực lâu dài bên trong, mỗi Tổng thống lại có một ưu tiên khác, cho nên sự thể chưa chắc đã diễn tiến có lớp lang như vậy.

      Và bảo rằng Hoa Kỳ đã tính hết mọi chuyện thì hơi khôi hài!

      NXN

      Xóa
    2. Xin trả lời thêm cho Ngoc Anh Nguyen - và nhiều độc giả khác:

      Dainamax có phương pháp chung là xét vào những yếu tố căn bản và trường kỳ, chẳng hạn như địa dư hình thể, lịch sử, văn hoá rồi dân số, để thẩm xét phản ứng lâu dài, gần như trong tiềm thức vì tự nhiên, của một cộng đồng.

      Đấy là những động lực ngầm, thật sự chi phối quyết định của giới lãnh đạo trong nhiều thời kỳ. Đấy là chuyện địa dư chiến lược có khả năng ràng buộc nhiều thế hệ lãnh đạo, cho dù các lãnh tụ có thể nói phét là họ "đẩy sóng ra khơi, nối chân trời gần lại"!

      Sau đó, căn cứ trên những chuyển động nặng - và chậm - mình mới có thể tính xem lãnh đạo hiện nay làm được những gì? Đấy là cách nhìn thực tiễn, ngắn hạn, căn cứ trên tin tức kinh tế, thị trường hay tình báo. Nền tảng trường kỳ là khung cảnh chiến lược, tính toán đoản kỳ của người lãnh đạo là chiến thuật.

      Người xuất sắc - nên hiếm hoi - thì có thể đảo ngược được trào lưu lâu dài, nhưng không phải là dễ. Thường thì vì chủ quan nên mới có "liều thuốc đổ bệnh" - gây ra hậu quả bất ngờ mà người đi sau phải giải quyết!

      Đấy là cách phân tách và dự đoán của Dainamax, có đúng có sai!

      Thí dụ là đưa ra dự đoán bất ngờ, và trước tiên, rằng Obama sẽ tấn công Libya với kết quả là gây thêm loạn! Xin đọc lại những bài đã yết từ đầu năm 2011....

      Như trong một cuộc chạy tiếp sức của đội Mỹ, người lãnh đạo sau đó nhận di sản của người trước sẽ phải tính lại theo hoàn cảnh của mình, có đúng có sai, và thường thì trái ngược với lập trường khi tranh cử....

      Bảo rằng lãnh đạo Hoa Kỳ đã tính hết mọi chuyện là quên mất tính chất cực kỳ phức tạp của nước Mỹ.

      Good luck!

      NXN

      Xóa
  3. Cháu hiểu. Không có gì là tuyệt đối và hoàn hảo. Cháu cảm ơn bác.

    Trả lờiXóa