Thứ Ba, tháng 1 13, 2015

Quẻ Bói Kinh Tế

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFI Ngày 150113
Tạp chí Kinh tế


Đô la Mỹ tăng giá, thách thức của các nước đang trỗi dậy


Đô la Mỹ tăng giá, thách thức của các nước đang trỗi dậy
* 2015 : GDP toàn cầu tăng 5 %, tức thêm 1,6% so với 2014 - Reuters *


RFI:  Kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi. Khối euro vẫn là một khu vực đầy rủi ro. Nhật Bản chưa thoát khỏi đe dọa giảm phát. Nguy cơ Trung Quốc « bị vỡ bong bóng » thêm rõ nét. Nợ chồng chất của các nền kinh tế đang trỗi dậy.

Theo tạp chí kinh tế Economist Intelligence Unit của Anh, GDP toàn cầu trong năm 2015 tăng 5%, khả quan hơn so với tỷ lệ 3,4% của 2014. Thành tích đó có được nhờ Hoa Kỳ đã bắt đầu phục hồi : tổng sản phẩm nội địa tăng 3,1% theo dự báo của ngân hàng Goldman Sachs, thị trường lao động khởi sắc, các doanh nghiệp đầu tư trở lại và tận dụng thời cơ khi năng lượng và nguyên vật liệu đang mềm giá.

Hoa Kỳ được coi là một vùng khá an toàn. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương sẽ «bình thường» trở lại, đô la tăng giá, gây khó khăn cho các quốc gia đang đi vay bằng đồng tiền của Mỹ. Tư bản của thế giới sẽ lại đổ về Hoa Kỳ.

Đối với châu Âu, rủi ro từ chính trị đến tài chính vẫn còn nhiều. Hy Lạp chưa thoát hiểm và hãy còn là một ẩn số đối với các nhà lãnh đạo trong khu vực đồng euro. Trong khi đầu tàu kinh tế là Đức bắt đầu tỏ dấu hiệu hụt hơi với dự báo tăng trưởng 0,8% trong năm 2015. Pháp chưa thanh toán bớt nợ công và bội chi ngân sách xuống dưới ngưỡng 3% GDP như quy định của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Bên cạnh đó, Bruxelles đang đối mặt với đe dọa giảm phát. Thất nghiệp chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ngân hàng Trung ương châu Âu ghìm lãi suất chỉ đạo ở gần như số không vực dậy được đầu tư, tiêu thụ tăng rất chậm.

Nhìn sang Đông Âu, Nga đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng : trong năm 2014, Ngân hàng trung ương Nga đã chi ra hơn 76 tỷ đô la và 5,4 tỷ euro để cứu đồng rúp. Đơn vị tiền tệ của Nga mất giá 41% so với đô la và 34% so với euro. Dầu hỏa mất giá gần50 % trong sáu tháng cuối của năm 2014 và chính sách cấm vận của Âu Mỹ trừng phạt Matxcơva can thiệp vào Ukraina khiến Tổng thống Putin thêm đau đầu, đời sống của người dân Nga thêm chật vật.

Ở châu Mỹ, Brazil một trong những cột trụ của khối các nền kinh tế đang lên, lao đao khi thấy các dòng vốn đầu tư ồ ạt rút khỏi thị trường rộng lớn hơn 200 triệu dân này. Những tiến bộ về mặt xã hội trong hơn một chục năm qua bị đe dọa tan thành mây khói nếu không có tăng trưởng.

Quay sang châu Á, chính sách Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản vẫn còn đứng trước nhiều thử thách. Trong lúc Trung Quốc thì sẽ phải hài lòng với tỷ lệ tăng trưởng 7%, một tỷ lệ kém cỏi nhất trong 15 năm qua.

Bên cạnh đó là những bất ổn về địa chính trị, từ Trung Cận Đông đến miền đông Ukraina, từ đe dọa khủng bố đến hiểm họa dịch bệnh Ebola lây lan. Trong bối cảnh ảm đạm đó, ban Việt ngữ RFI đã nhờ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa «bói» cho một quẻ đầu năm.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như một cái điềm, ngay vào buổi giao dịch đầu năm của các thị trường tài chánh thì Mỹ kim đã lên giá đến mức cao nhất kể từ 11 năm nay. Chuyện ấy xảy ra một tháng sau khi có thông tin lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ, với đà tăng trưởng của Quý III quy ra toàn năm là 5%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ kể từ 11 năm nay.

- Nhưng ta cần lùi lại để nhớ rằng Hoa Kỳ từng là trung tâm của vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, đã manh nha từ trước với các ngân hàng Anh và Pháp bị điêu đứng vào năm 2007 vì nhiều món nợ ở tại Mỹ. Sau vụ khủng hoảng tài chính là nạn tổng suy trầm năm 2008-2009 khiến cả thế giới bị chấn động. Khi ấy người ta mới thấy ra khối kinh tế công nghiệp hoá Âu-Mỹ-Nhật đều có chung nhược điểm là vay mượn quá nhiều và tiêu xài bất cẩn. 

- Trong sáu năm kế tiếp, khối công nghiệp hóa này cố gắng trả nợ với nhiều kết quả khác biệt. Sau cùng thì kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục nhanh nhất trong khối, dù chưa được mạnh như trước. Năm nay, nước Mỹ tiếp tục bứt lên với nền kinh tế tương đối khả quan nhất.

- Khi khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008 từ nạn vay nợ quá nhiều của khối Âu-Mỹ-Nhật thì các nước gọi là "đang phát triển", khoảng 20 quốc gia có sản lượng cao nhất, lại ít bị chấn động. Một phần là nhờ mức vay mượn của họ còn thấp, một phần nữa là họ đã học kinh nghiệm khủng hoảng từ những năm 1994 tại Nam Mỹ rồi 1997 tại Đông Á. Nhưng qua sáu năm sau đó, vì nạn tổng suy trầm và các biện pháp ứng phó của khối công nghiệp hóa, là hạ lãi suất tới sàn và ráo riết bơm tiền với khối lượng khổng lồ, hiện tượng tiền nhiều và rẻ đã kích thích các nước đang phát triển là vừa bơm tín dụng vừa đi vay.

- Kết quả ngày nay là khối nợ của các nước gọi là đang phát triển này lại lên đến mức kỷ lục, mà đa số lại vay bằng đô la Mỹ. Khi đô la tăng giá như ta đang chứng kiến, thì năm 2015 này, các nước đang phát triển sẽ lại bị rủi ro khủng hoảng như 20 năm về trước và nếu có tránh được thì cũng gặp rất nhiều bất trắc.

- Chúng ta không quên mình vẫn đang ở giữa buổi giao thời khởi đi từ năm 2008, nhưng bây giờ thế giới có nhiều tốc độ tăng trưởng và nhiều chính sách ứng phó quá dị biệt mà vẫn tác động vào nhau nên càng gây thêm nhiều biến động khó lường.

RFI: Anh vừa tóm lược bức tranh toàn cảnh, trong đó có Mỹ  và các nước đã phát triển cùng một nhóm quốc gia đang phát triển, với nhiều chuyển động trái chiều tập trung vào nước Mỹ. Qua năm nay, tình hình kinh tế Mỹ sẽ ra sao, nếu ta nhớ lại là cả đồng đô la lẫn đà tăng trưởng đã lên tới mức cao nhất kể từ 11 năm qua?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không đánh giá cao lắm đà tăng trưởng 5% của tổng sản lượng Mỹ trong Quý III vừa kết thúc vào Tháng Chín. Mức gia tăng này được điều chỉnh lần thứ nhì mà bên trong có nhiều chi tiết không hẳn là lạc quan tích cực như người ta có thể nghĩ. Nhưng, sau khi ra khỏi nạn suy trầm từ thasng/ 2009, kinh tế Mỹ ì ạch sáu năm với thất nghiệp thực tế vẫn còn cao, thì năm nay có thể sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 3%. Dù chưa là khả quan thì vẫn là mạnh nhất trong khối công nghiệp hoá nếu ra nhớ đến những khó khăn của Châu Âu và Nhật Bản.
 
- Chính sức mạnh tương đối đó mới nâng đô la so với hơn 30 loại ngoại tệ và gây khó cho xứ nào mắc nợ bằng đô la, vì tiền Mỹ càng là tài sản dự trữ an toàn và càng lên giá vì lắm người mua. Sau khi hết bơm thêm tiền từ năm ngoái, nếu giữa năm nay mà Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu tăng lãi suất để trở lại tình trạng gọi là "bình thường" sau sáu năm nằm trên sàn, thì đô la Mỹ bung khỏi biên độ hiện tại mà lên tới đỉnh của những năm 2000. So với bây giờ thì còn tăng thêm hơn 30% nữa. Lúc đó dòng tư bản càng chảy ngược về Mỹ và gây họa cho xứ khác.

RFI: Anh nhấn mạnh đến gánh nợ của Mỹ, một trong nhiều lý do gây ra vụ khủng hoảng 2008. Sau đó, nước Mỹ thanh toán gánh nợ ấy như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không chỉ Hoa Kỳ mà cả khối công nghiệp hóa đã chật vật giải quyết theo hai hướng trái ngược. Một đằng là tư nhân, tức là doanh nghiệp và các hộ gia đình, đều cố trả nợ và tìm giải pháp tăng trưởng khác. Đằng kia thì khu vực công quyền, kể cả các ngân hàng trung ương lại tiếp tục vay thêm để bơm tiền vào kinh tế. Chính lượng tiền đến gần năm ngàn tỷ đô la của Mỹ mới chảy qua các nước đang phát triển và đang gây rủi ro khủng hoảng khi Mỹ kim lên giá vùn vụt.

RFI: Nhìn sang Trung Quốc. Khi vụ khủng hoảng bùng nổ năm 2008, lãnh đạo Bắc Kinh cũng tăng chi ngân sách và bơm tín dụng để kích thích kinh tế. Ngày nay, tình hình kinh tế xứ này ra sao? Đâu là những ưu tiên và đâu là những ưu tư của Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về Trung Quốc, tôi thiển nghĩ chúng ta cần một chương trình riêng, ít ra là 12 phút thì mới giải thích được các bài toán ưu tiên và ưu tư của họ. Kỳ này, tôi chỉ xin nói là lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được rằng nền kinh tế đang trôi vào dòng xoáy, là vòng luẩn quẩn giữa hai yêu cầu. Thứ nhất là trả nợ sau khi chất lên một núi nợ quá nhanh quá lớn, còn lớn hơn khoản nợ của Mỹ trong sáu năm trước khi bị khủng hoảng. Thứ hai là cố duy trì đà tăng trưởng ít ra là hình thức. 

- Đấy là cái vòng luẩn quẩn đẩy vào khủng hoảng khi đòi hỏi tăng trưởng quá 7% một năm sẽ thu hẹp khả năng trả nợ và ngược lại, việc trả nợ càng làm sản xuất suy sụp thêm. Trong năm tới, đà tăng trưởng của xứ này có thể chỉ còn chừng 5% và họ lại gặp nguy cơ giảm phát như Nhật Bản đã từng bị từ năm 1990. Trung Quốc mắc bệnh Nhật Bản mà không có dân chủ, sáng tạo và thuần chủng như Nhật, cho nên nếu bị khủng hoảng kinh tế thì sẽ là tai họa lớn bên trong, với hậu quả lan rộng ra ngoài. Năm 2015 có thể bắt đầu chu kỳ đó.

RFI: Sau Đại hội khóa 18 cuối năm 2012, thế hệ lãnh đạo thứ năm đã nói đến yêu cầu chuyển hướng kinh tế và lấy tiêu thụ làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất cảng. Hai năm sau thì họ đã làm được những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Họ rơi vào vòng luẩn quẩn thứ hai về chính sách. Lãnh đạo Bắc Kinh biết là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì kinh tế có tăng vọt nhờ năng suất và nhờ thị trường nhập cảng bên ngoài. Nhưng chỉ đến năm 2007 là họ đụng trần và bắt đầu thấy hậu quả của nạn lão hóa dân số như Nhật đã từng bị từ năm 1990. Thế rồi, vì duy ý chí, họ vẫn đẩy mạnh đầu tư tới gần 50% của Tổng sản lượng và tài trợ đầu tư bằng cách đi vay. Kết quả là chất lên một núi nợ sẽ đổ.

- Bài toán lưỡng nan về chính sách của họ là nếu cải cách cơ chế để có nền móng an toàn hơn về dài thì ngay vài năm tới sẽ bị suy trầm, thậm chí suy thoái kinh tế, là đà tăng trưởng giảm mạnh. Nếu muốn đối phó với rủi ro suy thoái thì lại bơm tiền và không trả nợ, tức là lại phải trả lãi đơn lồng lãi kép. Chưa kể là trong nội bộ, nhiều nhóm quyền lợi vẫn chống cải cách nên lãnh đạo phải giải quyết qua chiến dịch diệt trừ tham nhũng, với hậu quả là gây thêm hoang mang lẫn đình trệ trong bộ máy công quyền. Nếu kể thêm chuyện đấu đá phe nhóm trên thượng tầng, vốn không là nội dung phân tích ở đây, thì ta thấy năm 2015 sẽ có nhiều chuyện ly kỳ từ Trung Quốc.

RFI: Còn đối với Nam Á và Đông Nam Á?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ năm 2014 ngoài Trung Quốc người ta đã nói đến tám nước bất ổn trong nhóm kinh tế gọi là "đang lên". Châu Á có Ấn Độ và Indonesia nằm trong số đó.  Nhưng vấn đề còn rắc rối hơn vậy vì ba yếu tố. Một là các nước Á Châu, nhất là Đông Nam Á, đều lệ thuộc nặng vào Mỹ kim khi vay tiền Mỹ để kích thích kinh tế nội địa. Hai là khi đô la lên giá thì các thương phẩm nguyên nhiên vật liệu càng xuống giá, chứ không chỉ có dầu thô, cho nên xứ nào mà sống nhờ xuất cảng các sản phẩm ấy sẽ bị thất thâu nặng và cán cân vãng lai càng thiếu hụt, đồng nội tệ càng mất giá.

- Ba là trong sáu năm qua khi đi vay quá nhiều thì cơ cấu vay mượn ấy lại chuyển dịch về ngân hàng, trái phiếu và ngân hàng chui hơn là cổ phiếu. Vì vậy, chấn động ngoại hối sẽ bùng nổ sau nhiều đợt phá giá liên tục. Các nước Đông Nam Á đang tái diễn nguy cơ khủng hoảng đã từng thấy tại Đông Á năm 1997.

RFI: Việt Nam đứng ở đâu trong kịch bản hắc ám đó của năm 2015?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lần trước tức là quãng 1997-1998, Việt Nam chưa hội nhập vào kinh tế toàn cầu nên chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Lần này thì khác. Nếu so với tổng sản lượng GDP thì ngày nay, Việt Nam thuộc loại mắc nợ về ngoại tệ có tỷ lệ ngang bằng với Ấn Độ, Thái Lan, mà đa số là tín dụng của nước ngoài vì đi vay tiền rẻ ở Mỹ để kiếm lời cao hơn ở nhà.

- Khi Mỹ kim lên giá và dầu thô sụt gíá, Việt Nam bị thất thu vì bán dầu thô với giá rẻ hơn mà vẫn phải nhập xăng dầu và nhiều mặt hàng khác và thanh toán bằng đô la hiếm hoi hơn. Vì vậy sức ép trên đồng bạc sẽ là vấn đề và dự trữ ngoại tệ thật ra còn ít nên không thể kéo dài khả năng chống trả khi khủng hoảng hối đoái bùng nổ.   

- Năm nay, khi dòng tư bản tháo chạy về Mỹ, ta sẽ chứng kiến nạn tẩu tán tài sản cũng ly kỳ như tại Liên bang Nga. Các đại gia của nền kinh tế tư bản sòng bạc này thì có thể thoát vì tìm ra bãi đáp bên Mỹ chứ tiểu doanh nghiệp và giới trung lưu sẽ khốn đốn nặng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét