Thứ Sáu, tháng 5 01, 2015

Baltimore hay Baltiless?


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150501

Sự Thật Đen Trắng Tại Hoa Kỳ

* Xin mượn tranh hý họa của Ramirez: Bao cấp là trở về chế độ nô lệ *

 * Baltimore trước giờ ra quân: một đống rác! *


* Baltimore vào lúc hào hùng! *


Tuần qua, không chỉ có người Việt chúng ta mà cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng ngậm ngùi rồi ngẩn ngơ về nước Mỹ.

Qua chuyến thăm viếng kéo dài một tuần, Thủ tướng Abe vận động việc củng cố quan hệ Mỹ-Nhật về kinh tế lẫn an ninh, lần lượt gặp Ngoại trưởng rồi Tổng thống Mỹ và là Thủ tướng đầu tiên của Nhật được mời đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ trong một phiên khoáng đại. Sau ba ngày ở Thủ đô Hoa Kỳ, ông Abe chỉ muốn bay qua California để sớm thấy một nước Mỹ khác, tại Silicon Valley, San Francisco và Los Angeles, những nơi mà ông muốn học hỏi kinh nghiệm sáng tạo để cải thiện nước Nhật. Tại thủ đô Mỹ, ông chỉ thấy một trường bát nháo.

Lý do là từ khi rời Boston đến thủ đô Washington, ông bị thời sự đẩy qua một góc vì vụ khủng hoảng tại Baltimore. Trong buổi tiếp xúc với báo chí kéo dài một tiếng đồng hồ bên Tổng thống Barack Obama trước Vườn Hồng của tòa Bạch Ốc, vị thượng khách của nước Mỹ đứng làm cảnh mất 15 phút - lọt khỏi màn ảnh truyền hình – khi ông Obama trả lời báo chí về vụ Baltimore.

Đầu đuôi là hôm 19, một thanh niên da đen Freddie Gray của thành phố Baltimore đã chết vì cột sống bị hư hại trong một xe câu lưu của cảnh sát. Sau quá nhiều vụ người da đen tử vong vì cảnh sát, việc Freddie Gray bị chết trong hoàn cảnh mờ ám, và đang được điều tra, đã gây căm phẫn trong cộng đồng da đen, nhiều vụ biểu tình phản đối đã bùng nổ trên nước Mỹ.

Thế rồi, trong ngày tang lễ của Freddie, đám biểu tình biến thành bạo động, đốt nhà, hôi của, tấn công cảnh sát.

Baltimore của tiểu bang Maryland tiếp giáp với thủ đô Hoa Kỳ đã trở thành vùng giao tranh khi cảnh sát bị tràn ngập. Thị trưởng Stephanie Rawlings-Blake, một phụ nữ da đen sáng giá trong đảng Dân Chủ, cùng Ủy viên Cảnh sát Anthony Batts, một người da đen khác, phải cố bảo vệ quyền tự do phát biểu lẫn sự ổn định của thành phố mà 64% là người da đen. Nhưng bà Thị trưởng thất bại hoàn toàn trước cảnh bạo động tràn lan, Thống đốc Larry Hogan, một nhân vật Cộng Hòa, phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa Vệ binh Quốc gia vào vãn hồi trật tự.
Trong khi đó, phong trào phản đối cảnh sát vẫn lan rộng trên toàn quốc.

Nạn kỳ thị hay ngược đãi người da đen đang thành đề tài tranh luận, khi lần đầu tiên Hoa Kỳ có một Tổng thống da đen là Barack Obama, thuộc đảng Dân Chủ. Từ cánh tả của đảng này đã có nhiều tiếng nói về tình trạng bất công ấy đối với người da đen. Có lẽ, đảng Dân Chủ nên tự kiểm điểm về những gì đã xảy ra từ nửa thế kỷ - không, từ lâu hơn nữa - với vai trò bất ngờ của đảng.

Vì các chính khách ít dám nhìn vào đó, bài này sẽ giúp độc giả chúng ta thấy ra một phần sự thật về nước Mỹ, một nghịch lý bất ngờ.

***

Sau thời lập quốc, từ gần 190 năm nay, người da đen tại Mỹ đã là nạn nhân của đảng Dân Chủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một nhân vật Dân Chủ đã đắc cử Tổng thống vào năm 1828. Đó là người hùng Andrew Jackson. Từ khi ra đời vào thời điểm ấy, đảng Dân Chủ là đảng bảo vệ chế độ nô lệ, với nhiều đảng viên có nông trang trồng bông tại miền Nam và cần nhân lực lao động của dân nô lệ được đưa từ Phi Châu qua Mỹ. Trong các cuộc tranh cử từ 1840 đến trước Nội chiến, đảng Dân Chủ đưa chủ trương đó vào chương trình hành động.

Năm 1860, đảng Cộng Hoà với cả hai ứng viên tranh cử tổng thống là Abraham Lincoln và William Seward thì vận động bãi bỏ chế độ nô lệ. Trở thành Tổng thống, ông Lincoln tiến hành việc đó, với cái giá là cuộc Nội chiến (1861-1865) và cả mạng sống của mình.


Khi ấy, đảng Dân Chủ bị rạn trên đường tuyến Nam Bắc. Phe miền Nam đòi bảo vệ quyền sở hữu nô lễ bằng một đạo luật liên bang, miền Bắc thì cho là chỉ nên bảo vệ quyền đó ở cấp tiểu bang, so với miền Nam thì tiến bộ hơn được vài phân.

Sau Nội chiến, chế độ nô lệ được bãi bỏ nhưng người da đen chưa được hoàn toàn giải phóng. Đảng Dân Chủ phản công bằng cách khai triển các đạo luật phân biệt màu da, gọi là Jim Crow laws, và bằng tổ chức Ku Klux Klan (KKK).

Luật Jim Crow được tăng cường từ năm 1877 sau khi Bắc quân rút khỏi miền Nam và người Mỹ da trắng nơi đó khó chịu vì bọn nô lệ cũ còn dám cướp việc làm của họ. Còn tổ chức KKK thì thực tế là lực lượng “dân quân” sử dụng võ khí để bảo vệ quyền thế của người da trắng bằng cách giết hại và thiêu sống người da đen. Khi ấy, các đạo luật bảo vệ quyền mang súng là sáng kiến Cộng Hòa nhằm khai triển Tu chính án Hai của Hiến pháp để giúp người da đen có phương tiện tự vệ!

Một chính khách Dân Chủ, thành viên của tổ chức KKK hắc ám này mới chỉ tạ thế vào năm 2010. Nghị sĩ Robert Byrd. Như nhiều chính khách Dân Chủ khác, ông ta đã từng biểu quyết chống Đạo luật Dân quyền Civil Rights Act năm 1964.

Về đạo luật CRA đó, có vài sự thật cũng phải được làm cho sáng tỏ.

Người ta cứ ngỡ  rằng đấy là công trình của hai Tổng thống Dân Chủ là John Kennedy và Lyndon Johnson. Thật ra, Kennedy không có thiện cảm với phong trào tranh đấu cho dân quyền của người da đen vì ông sợ mất phiếu của miền Nam bảo thủ. Ông rất kỵ lãnh tụ Martin Luther King và cho người điều tra đời tư để vu cáo mục sư King mà không thành, vì Kennedy bị ám sát vào Tháng 11 năm 1963 tại Dallas.

Lên kế nhiệm Kennedy, Lyndon Johnson là một chính khách ưu hạng khác của đảng Dân Chủ.

Là người của miền Nam, thuộc tiểu bang Texas, Nghị sĩ Lãnh đạo khối Đa số (Dân Chủ) tại Thượng viện, Johnson từng hóa giải để phá hoại đạo luật CRA năm 1957 do Tổng thống Cộng Hòa Dwight Eisenhower đề nghị. Johnson còn thường xuyên bỏ phiếu chống lại các luật lệ bảo vệ người da đen. Vậy mà Đạo luật bị Johnson pha loãng để vô hiệu hóa còn bị Nghị sĩ John Kennedy bỏ phiếu chống!

Sau khi Kennedy bị ám sát và lên làm Tổng thống Xử lý Thường vụ, Johnson mới đổi ý và ủng hộ đạo luật Dân quyền vì sẽ phải ra tranh cử Tổng thống vào năm 1964. Nếu còn giữ tinh thần phân biệt đen trắng thì ông sẽ thất cử vì khi ấy đa số dân Mỹ đã ủng hộ chủ trương bình đẳng.

Sau đó là lịch sử. Lyndon Johnson là nhà quán quân tranh đấu cho người da đen với Đạo luật CRA 1964, và lời tuyên bố lạnh người của một chính khách đểu cáng: Tôi sẽ có bọn mọi đen ấy (niggers) bỏ phiếu Dân Chủ trong 200 năm tới! Nhiều người da đen (và cả da vàng) lại quên chuyện ấy rồi.

Họ càng không thấy rằng từ đó, chánh sách đãi ngộ da đen xuất phát từ đảng Dân Chủ và kế hoạch Đại đồng (Great Society) của Johnson mới dẫn đến tình trạng hôm nay: các gia đình da đen bị vỡ tan. Nhiều hộ gia đình thiếu người cha mà chỉ có bà mẹ độc thân, cứ thoải mái có con vì được nhà nước chu cấp.

Từ 1964 đến 2012, số trẻ em ngoại hôn, sinh ra ngoài hôn thú, tăng gấp bốn, từ 7% lên tới 41%. Trong cộng đồng da đen hiện nay, 70% trẻ em ra đời từ các bà mẹ độc thân, và chẳng là nhà xã hội học ta cũng biết rằng tuổi trẻ bất thường ấy rất dễ đưa tới sự nghèo khốn, và tội ác. Tỷ lệ có mức sống bần cùng của người đa đen là 27%, gấp ba dân da trắng, và nạn giết người cướp của liên quan đến người da đen chiếm hơn phân nửa trong xã hội Mỹ dù dân da đen chỉ có 13% dân số toàn quốc. Và nạn nhân của chuyện bạo hành chính là người da đen.

Hiện trường của tình trạng bi thương đó là các thành phố có đông dân da đen và được đảng Dân Chủ lãnh đạo. Baltimore là một thí dụ, thành phố vỡ nợ Detroit là một thí dụ khác. Nhiều lắm.

Người da đen là nạn nhân của người da đen, và trên cùng họ là nạn nhân của các chính khách Dân Chủ do họ bầu lên. Nhiều người trong đảng Dân Chủ đã thành công vượt bậc trong việc khai thác dân da đen mà khỏi cần các đạo luật Jim Crow hay KKK như ngày xưa. Nhưng người da đen không biết vậy, Thản hoặc như có người biết và nói ra thì bị đả kích là "nô lệ của bọn Cộng Hoà!"

Bao giờ nước Mỹ dám có "Đạo luật Baltiless" để trả lại quyền tự chủ và tự trọng cho người da đen?

_________

Những ai còn hoài nghi hoặc mắc bệnh mê đảng Dân Chủ mà không suy nghĩ, xin coi lại Giờ Giải Ảo  trên Người Việt TV về Kennedy, đã thực hiện từ trước Tết:

http://video.nguoi-viet.com/?p=22647

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét