Thứ Ba, tháng 5 05, 2015

Nối Dòng Dư Lệ


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 150505
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Một bài thơ cũ mà như mới….  


* Vũ Hoàng Chương (1916-1976) - Tranh Phan Nguyen *


Nghệ sĩ Édith Piaf của Pháp là danh ca có cuộc sống đặc biệt. Cái chết còn đặc biệt hơn nữa.

Sinh năm 1916 từ một gia đình thuộc loại “xướng ca vô loài’ trên vỉa hè Paris, bà trở thành tiếng hát lừng danh thế giới, Bà mất ngày 10 Tháng 10 năm 1963 tại thị trấn Grasse, “kinh đô nước hoa” trong tỉnh địa đầu Đông Nam của Pháp. Chi tiết ly kỳ là thi thể được người thân tín lén chở về tư thất của bà ở Paris, sau đó mới được bác sĩ riêng ký giấy khai tử giả, là mất tại Paris ngày 11 Tháng 11 năm đó. Toàn những con số dễ nhớ.

Ly kỳ hơn nữa là vì bà có cuộc sống riêng tư thác loạn nên không được Giáo hội Công giáo cho làm lễ xác trước khi mai táng tại nghĩa trang Père-Lachaise. Sau cùng, linh mục tuyên úy của nhà hát là cha Thouvenin de Villaret vẫn kín đáo ban phép lành. Và tang lễ khiến Paris kẹt xe, bốn vạn người lũ lượt tham dự trong nước mắt, kể cả những nghệ sĩ tên tuổi nhất Âu Châu.

Hôm 11 đó, khi được tin con nhỏ Piaf vừa ra đi, nghệ sĩ đa tài bậc nhất của Pháp là Jean Cocteau thở hắt: “Con thuyền vừa đắm. Hôm nay là ngày cuối của ta trên cõi đời này”. Ông tạ thế ngay sau đó.

Khách ngồi bên liền hỏi: “Hai nghệ sĩ ấy là người tình?”

Thưa rằng không. Hai người không hề có tình ý. Ông Hàn Jean Cocteau là người đồng tính, có bạn trai là tài tử điện ảnh Jean Marais, người dáng dấp trượng phu nhưng giọng gà mái. Jean Cocteau và Edith Piaf phục nhau về tài nghệ và là bạn thân từ nhiều thập niên.

Khách chưa hết vẻ tò mò: Vì sao nhà bác lại nhắc đến chuyện Edith Piaf và Jean Cocteau của Tây?

Vì nhớ đến nhiều chuyện khác của Ta.


***


Hôm 25 Tháng Ba năm 1969, sinh viên Đại học Văn khoa của Sàigon mất một vị giáo sư khả kính.

Đứng trên bục để bình giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang, thi sĩ Đông Hồ nổi tiếng của Hà Tiên bị xúc động với tác phẩm trác tuyệt này mà đột tử ngay trong lớp. Chẳng khác gì Molère trên sân khấu. Khi đó, Ngân Giang ở Hà Nội có được tin không? Nhiều phần thì không. Thời ấy không có thông tin và nữ sĩ tài hoa ấy đang sống bần hàn, bị hạ phóng vì chính trị, đi quét lá bàng bán lẻ, rồi mở quán nước cho qua ngày….

Sau 1975, khi nước nhà đã thống nhất trong thống khổ, có thể Ngân Giang được tin về một người bạn chí thiết thời “tiền chiến” - là nhà thơ Vũ Hoàng Chương.

Sinh cùng năm 1916 với Ngân Giang, Vũ Hoàng Chương được độc giả trong Nam tôn là thi bá, rồi được chế độ mới tận tình chiếu cố. Ngày 13 Tháng Tư năm 1976, ông bị bắt vào nhà giam Chí Hòa và chỉ được thả ra khi hấp hối. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày sáu Tháng Chín 1976, dưới chân “Gác Bút” tại Vân Đồn. Thọ đúng 60 tuổi, sinh năm Bính Thìn và mất cũng vào năm Bính Thìn.

Sau 1975, họ Vũ gọi cái gác xép nhỏ xíu của mình là Gác Bút, với chữ “gác” là động từ! Ghếch bút đếch chơi nữa…

Kẻ hậu bối này có được leo thang lên thăm ông tại nơi đó ngày 29 Tháng 11 năm 1975. Đi với cặp bài trùng Văn Đen Văn Đến. Văn Đen và Văn Đến?

Ngày xưa, họa sĩ Hergé người Bỉ có thực hiện nhiều truyện hình bằng tiếng Pháp. Trẻ em và cả người lớn, ai cũng mê. Nổi tiếng nhất là bộ truyện về nhà báo Tintin rất thanh niên, được nhiều nơi phiên dịch và sau này còn dựng thành phim. Trong số nhân vật xuất hiện bên Tintin, có hai viên cảnh sát chuyên làm nát việc vì tài điều tra rất xệ, là Dupond và Dupont.

Họ giống nhau như hai giọt nước, trừ bộ ria mép. Các bản Việt ngữ của truyện Tintin dán tên cho hai nhân vật này là Văn Đen và Văn Đến. Vì hai người bạn thân là nhà văn Mai Thảo Nguyễn Đăng Quý và nhạc sĩ kiêm ca sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương thường sánh đôi với nhau nên được quần hào khi đó gán cho hỗn danh là Văn Đen và Văn Đến.

Nhờ nước nhà được giải phóng, người viết này từ xe bốn bánh đã được lên cấp, đi xe Honda cọc cạch 50 phân khối. Bảnh chán. Trong Sàigòn mịt mù thời ấy, chiếc Honda thường chở ba. Khó nhất là khi Mai Thảo ngồi sau Hoài Bắc, cứ ngất ngưởng theo men rượu và tiếng gầm gừ chửi đổng!

Kỳ đó, Mai Thảo rủ đi thăm Vũ Hoàng Chương, nghe nói từ nhà bà Đông Hồ, là Mộng Tuyết, đã về bến Vân Đồn để “tạm biệt từ nay bẻ bút thôi”.

Lắc lư hai bánh ba người, chúng tôi tìm đến nhà như vào đất Thục. Kính chào bà Vũ Hoàng Chương, bà Thục Oanh, chị ruột của nhà thơ Đinh Hùng, với một chút quà mọn, ba kẻ hậu bối lom khom lên gác lửng để thăm hỏi ngôi Bắc đẩu của thi ca.

Không chấp là mình hơn Mai Thảo chín tuổi, hơn Phạm Đình Chương 13 tuổi, Vũ Hoàng Chương cứ mày tao như với bạn. Trong bộ quần áo the với thân hình gầy guộc, mắt long lanh ông đọc thơ về những cảnh trước mắt. “Tao nhìn họ ở dưới kia xúm xít chia nhau miếng thịt là nhớ đến… Khổng tử. Thấy họ chia thịt không đều, ông cụ than rằng đạo ta hỏng rồi, nên mới bỏ đi chơi!”

“À, mà chúng mày biết không? Hôm bữa, thằng Lưu Trọng Lư mò lên đây. Tao đốt bàn đèn mời nó một tẩu mừng ngày tái ngộ. Cu cậu từ chối. Thì thầm rằng con vợ nó ở dưới nhà với Thục-Oanh mà về báo cáo là vất vả!”

Vũ Hoàng Chương đã bỏ thuốc phiện, nhưng vẫn nhớ cảnh xưa với “Con Nai Vàng Ngơ Ngác” mà Lưu Trọng Lư đành thoái thác…. Dám đi thăm bạn thì cũng là hào rồi.

Thời ấy, chúng tôi lang thang với nhau như những kẻ bị nhiễm phóng xạ và thường xuyên chờ đợi bị vồ!

Trong cuốn bút ký “Ta Đã Làm Chi Đời Ta” xuất bản năm 1974, Vũ Hoàng Chương dành một chương “Bơ Vơ” viết về mối giao tình và những lần xướng họa với “Tiếng Vọng Sông Ngân” theo cách gọi của ông từ một tập thơ của Ngân Giang. Nhờ vậy trong Nam mới đọc bài “Mây trắng…” năm xưa của nữ sĩ:

Mây trắng lang thang mãi cuối trời,
Gió chiều heo hút khắp nơi nơi.
Cung đàn biết mấy dây chùng hẳn
Mái tóc bao nhiêu sợi lạnh rồi.
Chốn ấy tờ hoa đành lẻ ý
Mùa này chim nhạn có chung đôi?
Thương thay trên quãng đường chia ngả
Thì ngả nào không có lá rơi?

Vũ Hoàng Chương không chỉ nhớ mà còn họa lại bài thơ như sau:

Lửa khóa mây then bốn vách trời,
Về đâu mộng cũng chẳng đành nơi.
Vẫn chưa ý gửi vào thơ được,
Mà đã dâu toan hóa biển rồi.
Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng
Vầng trăng ai nỡ sẻ làm đôi?
Tin thu lạnh lắm… rồng ao cạn
Há chỉ phòng thu lệ nến rơi!

Nữ sĩ Ngân Giang tạ thế năm 2002, hiển nhiên là bà phải nghe tin Vũ Hoàng Chương được giải phóng năm 1976. Trong tiếng thở dài dằng dặc tựa sông Ngân?


***


Nếu tìm lại tập bút ký này của Vũ Hoàng Chương, chúng ta còn đọc bài thơ ông viết như lời ai điếu thi sĩ Đông Hồ, bài “Đông Hồ Đại Ẩn Am”, và ông mời Tôn nữ Hỷ Khương ngâm trong lễ cảm niệm của bằng hữu. Nhưng ngay chương sau, “Tâm Tư Thời Đại” lại có lời sấm ký….

Vũ Hoàng Chương dẫn vào thơ như thế này: 
 
“Nữ sĩ Thanh Quan trước đây hơn một thế kỷ đã cất tiếng não nuột khóc thành Thăng-Long, cảm thương cho nó trải từ Lý Trần vẫn thường oanh liệt sắm vai trò Đế Đô, rồi chẳng tội tình gì cũng bị chấm dứt vai trò ấy một cách tàn nhẫn:

Tạo hóa gây chi cuộc hý trường!
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương…"

Bài thơ này, học sinh nào cũng biết.

Có khuê danh là Nguyễn Thị Hinh, bà Huyện Thanh Quan sinh năm 1803, khi Gia Long đã thống nhất sơn hà và dời đô về Thuận Hóa. Đấy là Huế Đô của vị nữ lưu sinh tại Thăng Long. Hình như là về sau Tự Đức mới gọi Huế là Phượng Thành, đối với Long Thành ở phương Bắc.

Với nhà thơ Vũ Hoàng Chương, cuộc hý trường ấy còn kéo dài thành khúc bi thương trải rộng.

Nữ sĩ Thanh Quan khóc thành Rồng, ông khóc thành Phượng: ngay từ 1947, ông đã viết chuyện vật đổi sao dời khi vua Bảo Đại phải thoái vị, bị Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tước ấn kiếm Hoàng Đế vào năm 1945 tại Huế:

Nửa gánh gươm đàn tới Đế Đô
Mưa liền sông tạnh tưởng vào Ngô
Bìm leo cửa khuyết, ai ngờ rứa
Rồng lẩn mây thành, chẳng thấy mô.
Lăng miếu tỉnh chưa hồn cựu mộng?
Vàng son đẹp nhỉ, bức dư đồ
Tiếng chuông Thiên Mụ riêng hoài cảm
Tốt đã vào cung… loạn thế cờ.

Thấy khách ngơ ngác hỏi với giọng Quảng, người viết sinh tại đất Thăng Long bèn lạm lời mà giải.

Vũ Hoàng Chương viết để họa lại bài thơ Qua Huế Cảm Tác của nữ sĩ Mộng Thiên tại đất Thần kinh, như nối dòng dư lệ của nữ sĩ Thanh Quan từ thế kỷ trước. Câu thứ hai, vì vần Ngô khó đối, ông bèn mượn thơ Vương Xương Linh đời Đường, bài “Phù Dung lâu tống Tân Tiệm” (tiễn Tân Tiệm tại lầu Phù Dung): Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô…. Hai câu thực dùng phương ngữ đất Huế, như với rứa, ám chỉ việc Bảo Đại phải thoái vị. Và câu kết, ác liệt thay, tốt đã vào cung, nhắc đến việc hai kẻ vào cung tước kiếm - làm loạn thế cờ!

Quả là thời sự trong thơ….

Nào ngờ là chín năm sau đó, 1954, Vũ Hoàng Chương còn theo trăm họ vào Nam. Rồng Phượng gì cũng hết, ông sống tại Bến Nghé, tên cũ của Sàigòn. Trong một đời, ông thấy hai kinh đổi chủ. Vì vậy, mượn chữ trong Kiều, ông sáng tác bài Đường Xa Nghĩ Nỗi, thấy in trong tập thơ Cành Mai Trắng Mộng, do Văn Uyển xuất bản tại Sàigòn năm 1968…

Long Thành đâu nhỉ? Phượng Thành mô?
Lê, Nguyễn: hai dòng lệ cố đô.
Lệ chảy, chảy xuôi tràn Bến Nghé
Giựt mình… Nam hải sóng lô xô.

Bài tứ tuyệt làm chúng ta bàng hoàng. Thăng Long còn đâu? Huế còn đâu? Kinh đô của triều Lê triều Nguyễn đều trở thành cố đô. Và người với lệ đều chảy vào Nam, tràn Bến Nghé.

Rổi chảy đi đâu?

- Chảy ra Nam hải!

Khách bật khóc như con trẻ: Chẳng lẽ, từ trước 1968, Vũ Hoàng Chương đã biết chuyện thuyền nhân vượt biển sau 75?

Hay ông viết về sóng Nam hải đang chập chờn ngoài khơi vì mối nguy Trung Quốc trong thế kỷ 21?

Các nhà thơ lớn đều có khả năng tiên tri.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét