Thứ Sáu, tháng 11 18, 2011

Mỹ-Úc Múc Nước Đông Hải

Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày  20111117

Làm Trung Nam Hải chảy ngược dòng?


* Tổng thống Mỹ quay lại bắt tay Thủ tướng Úc sau bài diễn văn tại Căn cứ Darwin ngày 17 vừa qua, chung quanh là Binh sĩ Úc và Thủy quân Lục chiến Mỹ.*




Hôm 16 vừa qua, Tổng thống Barack Obama cùng Thủ tướng Julia Gillard long trọng thông báo hiệp định hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi (Australia).

Hiệp định là cơ sở pháp lý để Thủy quân Lục chiến Mỹ có nơi tập luyện và huấn luyện, với bước đầu là 250 binh lính, rồi sẽ tiến dần đến quân số 2.500 trong năm năm tới. Song song, các căn cứ không quân như Royal Australian Air Force Base Tindal có thể đón tiếp phi cơ chiến đấu hoặc cấp cứu lẫn chiến hạm tiếp liệu và oanh tạc cơ chiến lược của Hoa Kỳ. Các quân cảng tại miền cực Bắc của Úc là Darwin hay ở miền Nam như Perth cũng thành tiền trạm cho hải đội Hoa Kỳ. Hàng không mẫu hạm, tiềm thủy đĩnh hay các chiến hạm Hoa Kỳ sẽ có căn cứ tiếp liệu ở miền Nam Thái bình dương – lại rất Ấn Độ dương.

Tất nhiên là Bắc Kinh la trời!

Thiên triều thấy bất an và càng tin rằng Hoa Kỳ trở lại Đông Á, lập vành đai phòng thủ và xâm phạm vào quyền bành trướng chính đáng của mình.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại sự thể với tấm bản đồ và cuốn lịch....


***


Tháng Ba năm 2009, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập ra Hải biên và Hải dương vụ để quản lý mọi việc tranh chấp hay tranh tụng về chủ quyền ngoài biển. Được chỉ định điều khiển cơ quan này là các luật gia có kinh nghiệm về luật biển và công pháp quốc tế. Thiên triều chuẩn bị cơ chế và nhân sự cho hình thái đấu tranh ngoại giao và pháp lý.

Năm đó, vào ngày 13 Tháng Năm, các nước tham dự Hiến chương Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) cũng phải đệ nạp hồ sơ xác định chủ quyền và đặc quyền kinh tế của mình cho Ủy ban (trù hoạch) Ranh giới Thềm lục địa của Liên hiệp quốc (UNCLCS). Trước đó năm ngày, hôm mùng tám Tháng Năm, có cuộc đụng độ giữa tàu Ngư chính của Trung Quốc với chiếc Impecable của Mỹ tại miền Nam đảo Hải Nam.

Tức là cùng với dàn luật gia trên diễn đàn quốc tế, Thiên triều cũng thả xuống Đông hải – mà họ gọi là Trung Nam hải hay Hoa Nam, biển Nam của Trung Hoa - những chiến hạm được "dân sự hóa" thành tầu Ngư chính của Bộ Canh nông. Và những cơ hội đụng độ đã gia tăng.

Đấy là kết quả của một kế hoạch lâu dài phát động từ hai chục năm trước, nhằm xây dựng lực lượng hải quân để kiểm soát vùng cận duyên, biển xanh lục,và bành trướng ra vùng viễn duyên, biển danh dương. Song song là kế hoạch tái phối trí ưu tiên từ mạn Bắc xuống miền Nam.

Hải quân Trung Quốc có ba hạm đội: Bắc Hải Hạm đội có căn cứ tại Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông; Đông hải Hạm đội có căn cứ tại Ninh Bá thuộc tỉnh Chiết Giang; Nam hải Hạm đội từ nay sẽ được tăng cường phương tiện để từ quân cảng Trạm Giang của Quảng Đông kiểm soát vùng biển đối diện với Việt Nam và toàn khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ có vậy. An ninh và quyền lợi của Trung Quốc, từ eo biển Malacca qua Ấn Độ dương lên tới bờ biển Đông Phi, cũng thuộc thẩm quyền của Hạm đội miền Nam. Hơi rộng và hoà nhập với an ninh hay quyền lợi của nhiều quốc gia khác, kể cả Úc và Hoa Kỳ!

Hãy trở về với Úc và Mỹ.


***


Nếu Anh quốc là đồng minh chiến lược và sinh tử nhất của Hoa Kỳ bên Đại Tây dương – và toàn khu vực Âu châu – thì Úc Đại Lợi là nước Anh của Mỹ tại châu Á. Có lịch sử là một mảnh vụn của Âu châu tại cực Nam của Thái bình dương, nước Úc có hiện tại kinh tế và tương lai an ninh nằm tại châu Á.

Suốt thế kỷ 20 và sau này, quân đội Úc sát cánh với quân lực Mỹ trong mọi cuộc chiến: từ Thế chiến I rồi II đến Chiến tranh Cao Ly, Việt Nam, cuộc Chiến vùng Vịnh năm 1991, hoặc can thiệp vào Somalia vì mục tiêu nhân đạo, hay ổn định Đông Timore, và gần đây nhất là hai cuộc chiến tại A Phú Hãn (Afghanistan) và Iraq. 

Riêng tại Á châu, Úc là đồng minh chiến lược có tinh thần đồng văn – cùng văn hoá - gắn bó với Hoa Kỳ còn hơn Nhật Bản, qua các Hiệp ước ANZUS năm 1951, AUSCANNZUKUS năm 1958, Harold Holt (chia sẻ thông tin hải quân) năm 1963 v.v....

Trong khung cảnh đó, mùng năm Tháng Chín 2007, trước Thượng đỉnh APEC năm đó tổ chức tại Sydney, Tổng thống George W. Bush ký kết cùng Thủ tướng John Howard thuộc cánh hữu bản Hiệp định Hợp tác Mỹ-Úc về Thương mại và Quốc phòng (DSCT). Như vậy, nỗ lực hợp tác Mỹ-Úc là chủ trương lưỡng đảng ở cả hai nước. Các chính đảng Cộng Hoà và Dân Chủ Mỹ hay Quốc gia và Lao động Úc đều có cùng một tầm nhìn.

Và hướng vào Trung Quốc.

Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào Úc, một quốc gia đất rộng, người thưa và đồi dào tài nguyên khoáng cần thiết cho công cuộc kỹ nghệ hoá của Thiên triều. Nhưng, ngoài tấm chi phiếu rất dày và cách chi tiền rất hào phóng, Thiên triều cũng có thói lật lọng khó chơi, như trong vụ Rito Tinto mà nước Úc biết khá rõ. 

Ra khỏi nước Úc, Thiên triều cũng có tham vọng lớn lao không kém khi can thiệp hoặc viện trợ những quốc gia hải đảo nhỏ xíu như Fidji hay Đông Timore. Hai deo đất này lại nằm ngay ở cửa ngõ vào ra của Úc. Lùi xa hơn một, cả Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN cũng được Thiên triều chiếu cố và o bế. 

Trung Quốc còn tạo ra sức hút từ ASEAN với kế hoạch hợp tác ASEAN + 3 (cộng thêm ba nước Á châu là Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc), Sau đó còn có sáng kiến do Malaysia đề xướng là Thượng đỉnh Đông Á, East Asian Summit, quy tụ 16 nước Đông Á, từ Ấn Độ qua Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, đến các 10 ASEAN và Úc, mà không có Hoa Kỳ và Liên bang Nga.

Cùng với ảnh hưởng kinh tế và nỗ lực quốc phòng, Thiên triều mở ra thế liên hoàn để kết hợp với các nước khác, từ khối ASEAN ra bên ngoài, tới Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bùnh dương APEC.

Tất nhiên là Hoa Kỳ phản công, với việc xin gia nhập khối đối tác xuyên Thái bình dương từ đầu năm 2008, và mở rộng sáng kiến thương mại này thành một hệ thống đối tác chiến lược, Hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP. Rồi cùng Liên bang Nga gia nhập Thượng đỉnh Đông Á EAS sẽ nhóm họp trong hai ngày 18-19 tới đây tại Indonesia.

Việc tăng cường hợp tác quân sự với Úc Đại Lợi nằm trong hướng đó, y như với Indonesia.

Đây cũng là một nỗ lực lưỡng đảng, nay được Tổng thống Obama đẩy mạnh khi có hy vọng giảm bớt tầm can thiệp vào hai chiến trường Iraq và A Phú Hãn.


***

Hoa Kỳ trở lại Đông Á? Thật ra, Hoa Kỳ chưa hề rời Đông Á.

Nhìn lại và trong một viễn cảnh dài thì từ hơn 10 năm nay, Hoa Kỳ đã chuyển hướng, hợp lý hoá và hiện đại hoá vai trò quân sự của mình tại Á châu Thái bình dương. Trước hết với việc tân trang căn cứ hải quân tại đảo Guam và cải thiện các căn cứ quân sự tại Nam Hàn, Nhật Bản, yểm trợ Philippines trong nỗ lực tiểu trừ quân khủng bố Abu Sayyaf. Trong khi ấy, Singapore cũng là một tiền trạm vững chãi của các chiến hạm Mỹ.

Cho nên, dù có gây ấn tượng là xao lãng Đông Á vì cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ vẫn để mắt vào Á châu. 

Ngày nay, khi ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt, chừng 500 tỷ đô la trong 10 năm tới, nước Mỹ vẫn tiếp tục nỗ lực đó, một cách hợp lý và tằn tiện hơn: thay vì phải phóng chiếu sự can thiệp quân sự từ lãnh thổ Mỹ, hay hạm đội Thái bình dương, Hoa Kỳ sẽ có các trung tâm huấn luyện và bàn đạp thường trực nằm ngay tại Úc Đại Lợi. Đỡ tốn kém!

Mục tiêu không chỉ là giảm bớt sự tốn kém mà là hiện diện với sự khả tín. Là thuyết phục thiên hạ về lời cam kết của Mỹ, khi các nước Đông Á đang chọn lựa giữa lợi ích kinh tế với Trung Quốc và mối nguy an ninh từ Thiên triều.

Trên toàn cảnh thì mâu thuẫn là chuyện tất yếu giữa một Trung Quốc muốn bành trướng và một Hoa Kỳ không thể ra khỏi Á châu. Rủi ro va chạm hay xung đột cũng vậy. Tuy nhiên, các quốc gia bị kẹt ở giữa, như Nam Hàn, Việt Nam, Indonesia hay Úc, đều muốn có một thế lực đối trọng với Trung Quốc. Mà là một thế lực tin được.

Tháng Ba năm ngoái, sau khi Hoa Kỳ đã tuyên bố là trở lại Đông Á, hộ tống hạm Cheonan của Nam Hàn bị Bắc Hàn bắn chìm. Hoa Kỳ lập tức biểu diễn một cuộc thao dượt để thị uy.

Nhưng trước sự phản đối của Bắc Kinh, Mỹ vội dời địa bàn thao dượt... qua hướng Đông, vùng biển giửa bán đảo Triều Tiên với Nhật Bản. Sự nhu nhược, hay nhũn nhặn đó tùy cách gọi, khiến Nam Hàn phân vân không ít về lập trường của Mỹ: sẵn sàng gián chỉ Thiên triều hay là vì nhu cầu hợp tác với Trung Quốc mà sẽ lại nhượng bộ?

Hai chuyến Á du vừa qua của Tổng thống Mỹ, từ Thượng đỉnh APEC đến việc thăm viếng nước Úc – hai lần bị chính quyền Obama đình hoãn để lo chuyện nội bộ - và Indonesia rồi dự Thượng đỉnh Đông Á tại Bali, v.v... là cơ hội biểu dương ý chí và thuyết phục. Tổng thống Obama đã có những phát biểu rất nặng về Trung Quốc. Lời phát biểu ấy đã có nội dung - và bắp thịt - với hiệp định hợp tác Mỹ-Úc.

Nước Mỹ là siêu cường Á châu và sẽ còn ở lại châu Á. Đông hải của Việt Nam hay biển Đông Nam Á của các nước không là biển Hoa Nam, là ao nhà của Trung Quốc. Khi múc nước Đông hải như vậy, Hoa Kỳ đã ngự lên cái lưỡi bò của Thiên triều và đẩy ngược sóng Trung Nam hải lên phía Bắc.

Thể nào cũng sẽ có chuyện nháng lửa!

3 nhận xét:

  1. "Trâu bò húc nhau, ruồi muổi chết"! Đừng có ở đó mà hí hửng!

    Trả lờiXóa
  2. Có một lỗi nhỏ xin ông Nghĩa đính chính giùm kẻo độc giả bị lầm lạc. Phe đối lập Úc là Liên đảng Tự do và Quốc gia trong đó đảng Quốc gia là đối tác rất nhỏ trong liên hiệp bảo thủ này. Ngay cả chính phủ Lao động cũng cần phải liên kết với các dân biểu và nghị sĩ của đảng Xanh và độc lập mới có thể cầm quyền. Tình hình chính trị ở Úc xem ra phức tạp hơn nhiều, ngay cả quyết định của đương kim thủ tướng Lao động Julia Gilard cũng cho phép binh sĩ Mỹ đóng quân tại Bắc Úc cũng có thể gây nên hậu quả chính phủ của bà ta sẽ không được đảng Xanh hay các dân biểu, nghị sĩ độc lập ủng hộ. Nếu việc này xảy ra, chính phủ Lao động sẽ đổ và tương lai, chưa chắc gì liên đảng Tự do-Quốc gia đã thắng thế.
    Đừng có kỳ vọng vào Mỹ vì họ đã chứng minh trong quá khứ là rất mạnh mẽ bắt nạt mấy anh bé nhỏ và không có khả năng tự vệ hay võ khí nguyên tử như Iraq hay Libya chứ như Bắc Hàn và Iran thì Mỹ cũng còn ngần ngại, huống chi là bọn Tàu.

    Trả lờiXóa
  3. Xin cám ơn vị độc giả Anonymous ở trên về việc điều chỉnh. Còn việc chính quyền của Thủ tướng Julia có trụ được hay không thì xin hãy chờ xem. NXN

    Trả lờiXóa