Thứ Ba, tháng 11 29, 2011

Đông Phương Hồng hộc


Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 20111128
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Âu Châu Âu Sầu làm Bắc Kinh Kinh Hãi....




Cách đây đúng một tháng, các lãnh tụ Âu châu đã khiến chúng ta giật mình.

Không phải vì họ hoàn thành kế hoạch cấp cứu đồng Euro vào rạng sáng 27, sau ba thượng đỉnh khẩn cấp trong có năm ngày. Cũng chẳng vì dự án huy động tiền cứu chuộc cho Quỹ Bình ổn Tài chánh Âu châu EFSF khi chính các nước Âu châu lại từ chối châm thêm tiền vào quỹ đó. Người ta chẳng giật mình vì sau chính quyền Hy Lạp, đến lượt Chính quyền Ý cũng đổ khi lãi suất công trái Ý vọt lên trời....

Là cường quốc kinh tế của khối Euro, chỉ sau Đức và Pháp, khi Ý Đại Lợi cũng rung rinh, thiên hạ lại luận bàn về sự suy sụp của hai nền văn hóa cổ nhất Âu châu, Hy Lạp và La Mã! Những chuyện ấy, giờ này thì ai cũng đã rõ. Cuộc khủng hoảng chưa thấy lối ra, trừ phi Âu châu tiến tới thống nhất về chính sách kinh tế và kỷ cương ngân sách, tức là về chính trị - là điều Đức và Pháp đang vận động – mà rất nhiều nước lại không muốn....

Nhưng sở dĩ các lãnh tụ Âu châu gây giật mình về sự sáng suốt của họ vì sau đó lập tức kêu gọi Trung Quốc châm tiền cho quỹ bình ổn! Dĩ nhiên là Bắc Kinh thoái thác sau khi gặt hái thành quả tuyên truyền với thần dân: "nay Âu châu già nua và phản động đã phải kêu cứu Thiên triều chúng ta..." 

Bảnh!

Thật ra, vấn đề đáng chú ý ở bên lề là cuộc khủng hoảng Âu châu lại phơi bày ra nguy cơ khủng hoảng của Trung Quốc. Âu châu âu sầu làm Bắc Kinh phải kinh hãi!

Sau đây là những lý do.


***


Ngoài việc treo cao giá ngọc, và eo xèo về trái phiếu Âu châu với luận điệu của con cáo trước chùm nho quá cao – "nho xanh không xứng miệng người phong lưu" – lãnh đạo Bắc Kinh theo dõi xem Âu châu xoay trở ra sao với vụ khủng hoảng tài chánh và chính trị của họ.

Gồm 27 nước có hơn 500 triệu dân với lợi tức đồng niên một người là hơn ba vạn Mỹ kim, Liên hiệp Âu châu là thị trường nhập cảng lớn nhất của Trung Quốc, hơn cả Hoa Kỳ. Khi cả Mỹ và Nhật đều tăng trưởng chậm, nếu Âu châu cũng lại sa sút thì năm tới kinh tế toàn cầu có thể bị suy trầm lần nữa sau khi đã bị Tổng suy trầm trong các năm 2008-2009.

Đó là số phận chung của các nước buôn bán với nhau. "Vui thú về sự đau khổ của người khác" – khái niệm schadenfreude của Đức – không là biểu hiệu của sự khôn ngoan.

Huống hồ kinh tế của Thiên triều lại lệ thuộc quá nặng vào xuất cảng, và mức xuất cảng cứ giảm dần trong sự èo uột của kinh tế thế giới mà nhập cảng vẫn cứ tăng. Sở dĩ tăng vì xứ này vẫn cần nhiều thương phẩm – commodities – là nguyên nhiên vật liệu, khoáng sản và nông sản, cho nhu cầu đầu tư trong nội địa, nếu không là thất nghiệp tăng và động loạn sẽ bùng nổ. Vào một năm chuẩn bị Đại hội đảng Khoá 18 để chuyển giao quyền lãnh đạo mà lại gặp cảnh đó thì Thiên triều quả nhiên bất an!

Nhưng "hiệu ứng Âu châu" – cái vạ lây từ Liên Âu – nào chỉ có vậy!

Lãnh đạo Bắc Kinh biết rõ nhiều bất toàn trong cơ chế kinh tế của mình. Hội nghị Ban chấp hành Kỳ năm của Khoá 17 vào Tháng 10 năm ngoái đề ra đường hướng cải cách rộng lớn qua Kế hoạch Ngũ niên thứ 12 – cho các năm 2011-2016. Họ tìm cách mua thời gian để kịp sửa đổi khi chuẩn bị thay đổi lãnh đạo từ thế hệ thứ tư qua thế hệ thứ năm. Từ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo qua Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.

Trong lúc sang sông – hay vượt biển – thì ai cũng sợ sóng!


***


Nhìn vào bối cảnh rộng, chiến lược kinh tế của Trung Quốc chỉ là ấn bản màu hồng - cộng sản phai màu - của chiến lược Đông Á đã phá sản.

Đó là bấm bụng sản xuất để xuất cảng cho nhiều hầu tạo ra việc làm mà bất kể lời lỗ trong tiến trình sản xuất. Chiến lược đó với màu sắc Trung Quốc là đầu tư cho mạnh, vay tiền cho nhiều và hỳ hục sản xuất, có khi lại để chất đống mà bán không được, khiến cả triệu doanh nghiệp bị nguy cơ vỡ nợ.

Khi thế giới bị Tổng suy trầm vào năm 2008, lãnh đạo Bắc Kinh ráo riết tăng chi và ào ạt bơm tín dụng cho các ngân hàng của nhà nước thổi tiền vào các doanh nghiệp cũng của nhà nước, từ cấp trung ương đến địa phương, tiếp tục sản xuất và đạt mức tăng trưởng làm thế giới èo uột phải thèm thuồng. Nhưng kết quả của kế hoạch cấp cứu ấy trong cơ chế kinh tế lệch lạc thì cũng như bơm nước vào nơi úng thủy: thổi lên nạn đầu cơ địa ốc và thương phẩm. Bong bóng đầu cơ mà xì là ngân hàng bị sụp.

Dư luận chỉ nói đến núi nợ Âu châu chứ Bắc Kinh biết rõ núi nợ của mình.

Nhưng lớn cỡ nào thì Thiên triều ở trên cao lại không thể rõ vì hồ sơ sổ cách thiếu phân minh và vì các khoản chi ngoại ngạch, không bút ghi trong kế toán địa phương hay quốc gia. Tổng số nợ của chính quyền trung ương lẫn địa phương đã có thể cao bằng Tổng sản lượng quốc gia. Trong đó, khối nợ xấu - khó đòi, không sinh lời và sẽ mất - lên tới bao nhiêu thì không ai biết cho tường, kể cả các cơ quan hữu trách!

Đấy là chuyện trước mắt, trong một hai năm tới. Trong các ngày 14 và 23 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF liên tiếp công bố hai phúc trình về nền kinh tế thiếu bền vững và hệ thống tài chánh bấp bênh của Trung Quốc, mà ít ai thèm đọc. Vì chỉ nhìn vào chốn Âu châu âu sầu.


***


Tổng kết lại, chiến lược kinh tế Trung Quốc có giúp cho 300 triệu người cải thiện cuộc sống nên được trầm trồ ca tụng. Người ta quên một tỷ dân – ngàn triệu người còn lại! Đa số này sống tại nông thôn, ở các tỉnh bị khóa trong lục địa, bên lề của phép lạ kinh tế Trung Quốc.

Nói khí oan, chứ vốn dĩ dựng nghiệp cách mạng nhờ đám thần dân rách rưới đó, Thiên triều ở trên biết sợ, cho nên có tìm cách cải sửa, nhưng với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đó là duy ý chí tiến hành đô thị hóa, một biểu hiện của nếp văn minh công nghiệp tiên tiến. Đô thị hoá là chủ động biến nông thôn ra thành trị qua đầu tư, xây dựng, nhờ đó thôn dân sẽ có nhà, có việc và có đời sống thái hòa thời Nghiêu Thuấn! Đất đai vốn thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý – dưới sự lãnh đạo của đảng. Nên các đảng viên cán bộ đều thi đua cướp đất, một cách chính đáng và phải đạo: đất đai đem lại 40% nguồn thu cho ngân sách địa phương, và túi tiền cán bộ.

Vì vậy, đô thị hóa cũng là đầu cơ về địa ốc và dựng lên thành phố ma.

Từ các tỉnh duyên hải vào sâu trong lục địa, người người đều có cái bơm! Lớn nhất và có giá trị chỉ đạo vì vị trí chủ đạo là máy bơm của doanh nghiệp nhà nước, được vay ngân hàng cũng của nhà nước với lãi suất âm vì theo diện chính sách. Chung quanh là thân tộc của đảng viên cao cấp, các đại gia của chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Ở dưới cùng là đám thần dân bị cướp đất.

Muốn vào đô thị xin chia mảnh vụn của cái bánh phồn vinh thì lại không có sổ hộ khẩu: chế độ hộ khẩu vẫn được duy trì để bảo vệ an ninh! Mất đất, mất việc, mất tiền tiết kiệm ký thác vào ngân hàng, lại bị vật giá đẩy nồi cơm xuống đất đen, người dân chỉ còn con đường biểu tình!

Khi bóng bể, nhạc lắng, mây chìm, doanh nghiệp và ngân hàng vỡ nợ, ngần ấy quả trứng chắt chiu ấp ủ - như trứng cút năm xưa - đều tan tành. Hy vọng câu giờ nhờ kinh tế Âu châu hồi phục và xuất cảng khởi sắc, hy vọng đó đã lại lảng xa. Vì vậy Bắc Kinh mới kinh hãi.

Bài ca "Đông phương hồng" bỗng dưng lạc điệu. Mà trời ơi, nghe cứ như chuyện kinh tế chính trị... Việt Nam vậy!

Hèn chi đảng ta cũng nói đến tái cơ cấu kinh tế cho kế hoạch năm năm sắp tới....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét