Thứ Sáu, tháng 11 18, 2011

Đức Quốc, Thuốc Đắng và Đồng Euro

Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 20111118

Liều thuốc đắng của Cộng hoà Liên bang Đức....  

 * Thủ tướng Đức Angela Merkel: "xài đến đây thôi nhé!" *



Hôm Thứ Hai đầu tuần, ngày 14 Tháng 11, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thông báo sẽ thụ lý hồ sơ Cải tổ Chế độ Bảo dưỡng Y tế. Đây là một biến cố lớn của nước Mỹ.

Năm 2010, Chính quyền Barack Obama ban hành đạo luật cải tổ được Quốc hội khóa 111 trong tay đảng Dân chủ thông qua mà không có một lá phiếu Cộng hòa ở cả hai viện. Mục tiêu đạo luật là giúp mọi người Mỹ đều có bảo hiểm y tế, và còn quy định biện pháp chế tài cho những ai từ chối. Sau khi ban hành, đạo luật gặp phản ứng mạnh. Trước sau 26 tiểu bang đã kiện văn bản này là để chính quyền liên bang chi phối quyết định thương mại của công dân và xâm phạm quyền hạn của tiểu bang. Kết cuộc từ một chuỗi kiện cáo là Tối cao Pháp viện phải nghiên cứu. Tháng Ba này, chín vị thẩm phán sẽ nghe lời giải thích của mọi giới hữu trách trong những cuộc điều trần bất tận, để hy vọng sẽ có phán quyết vào Tháng Sáu.

Trận đánh về kinh tế, xã hội, chính trị và pháp lý về dự án cải tổ y tế khiến chúng ta liên tưởng đến.... Âu Châu.

Tại Hoa Kỳ, một quyết định hệ trọng như thu hồi một văn kiện đã được Quốc hội biểu quyết và Tổng thống ban hành, có thể nằm trong tay Tối cao Pháp viện. Nếu có muốn tu chỉnh lại cả bản Hiến pháp, chuyện cực kỳ hãn hữu, thì hai phần ba các dân biểu nghị sĩ phải đồng ý và/hoặc đem tu chính án ra thảo luận trước một "Nghị hội" quy tụ ba phần tư các tiểu bang để biểu quyết. Trong cả tiến trình đó, Tổng thống lại là "vô can" và không có quyền phủ quyết.

Nếu nhớ lại thì ta thấy rằng việc sửa đổi luật lệ tối cao quả là khó, mà không thể không làm nổi, với tỷ lệ cho dễ nhớ là hai phần ba. Không hề có chuyện một tiểu bang, dù lớn hay nhỏ, lại có quyền phủ quyết toàn bộ tiến trình này.

Ở Âu châu thì khác, và đó là một trong nhiều căn nguyên của vụ khủng hoảng hiện nay. Nói cho dễ hiểu, nếu xứ Slovakia nhỏ xíu kia mà lắc đầu thì cơ chế và chính sách Âu châu của 26 nước kia có thể bị kẹt! Chúng ta nên tìm hiểu tiếp về chuyện nhức đầu này vì tai họa kinh tế hoặc sự phân hoá của Âu châu là một vấn đề toàn cầu.

Đôi khi sẽ rớt lên đầu chúng ta!


***


Rớt lên đầu chúng ta? Xin mở một ngoặc đơn....

Sau Thế chiến II, nền Đệ tứ Cộng hoà Pháp (hiện nay là Đệ ngũ) gặp nan đề tự vệ trước sức ép của Liên bang Xô viết. Từ Minh ước NATO, bốn nước Âu châu là Cộng hoà Liên bang Đức (Tây Đức), cùng Bỉ, Hoà Lan và Luxembourg (ba nước nhỏ này được gọi tắt là Bénélux) biểu quyết đạo luật thành lập một Cộng đồng Phòng thủ Âu châu, gọi tắt là CED. Dưới sự điều động của NATO, lực lượng quân sự CED sẽ là tuyến đầu của hệ thống phòng vệ. Về địa dư, tuyến đầu này nằm tại Đức. Về chính trị, Đức sẽ có quân đội, nhưng hòa chung vào một tập thể Âu châu.

Mà Đức lại là cường quốc đã gây ba cuộc chiến thảm khốc cho Âu châu (năm 1870, 1914 và 1939) nên thực tế thì phải được giải giới!

Vào tới nước Pháp, hiệp ước CED đã ký kết năm 1952, mà chưa được Quốc hội thông qua đã gây tranh luận dữ dội. Đa số cánh hữu, trong đảng MRP, thì ủng hộ: họ coi Liên Xô là mối họa, Đức là đồng minh không đáng sợ. Bên cánh tả, đa số trong đảng Xã hội cùng đảng Cộng sản thì chống CED vì nước Đức mới đáng sợ, chứ Liên Xô là đồng minh. Ở giữa, phe của Tướng de Gaulle cũng chống vì muốn nước Pháp giữ quyền độc lập quân sự. Charles de Gaulle còn ngầm tiếp xúc với Liên Xô để lập kế hoạch chống CED!

Khi ấy, vào những năm 1953-54, chính trường Đệ tứ Cộng hoà có sự đàm phán và đổi chác giữa hai đảng. Cánh hữu đồng ý trao trả độc lập cho các nước Đông Dương - Việt Nam - và đổi lại đòi cánh tả ủng hộ hiệp ước CED. Một phần nào đó, số phận Việt Nam được giàng vào tính toán của Pháp và Âu châu liên quan đến nước Đức. Nếu chịu khó đọc lại lịch sử Đệ tứ Cộng hoà và những tranh luận sôi nổi về hồ sơ CED, có lẽ ta hiểu ra một lý do vì sao vừa lên làm Thủ tướng, Pierre Mendès-France đặt kỳ hạn kết thúc hoà đàm về Đông Dương tại Genève vào ngày 20 Tháng Bảy 1954: nhu cầu chính trị nội bộ của Pháp, chủ yếu là chuyện CED. Sau đó một tháng đạo luật này bị Quốc hội bác bỏ! Nhiều tướng tá Pháp hậm hực nghĩ rằng quân đội bị các chính khách ở Paris bỏ rơi tại Điện Biên Phủ!...

Ngoặc đơn khá dài ấy về Việt Nam thật ra chỉ để nói đến chuyện tái võ trang nước Đức, cường quốc truyền thống nằm giữa Âu châu.

Sau thất bại CED - sự trở cờ của Pháp – các nước Âu châu mất nhiều năm giải quyết nhu cầu thành lập lực lượng quân sự Âu châu. Mà chưa thành. Vả vẫn chưa thành sau khi Liên hiệp Âu châu ra đời năm 1993: Âu châu vẫn nằm dưới cái dù quân sự của NATO, do Hoa Kỳ tùy trường hợp mà xoè ra hay cụp lại !

Nếu muốn tự hành hạ, mình có thể suy ngẫm từ chuyện CED ngày xưa đến vụ Libya vừa qua thì sẽ phần nào thấy ra bài toán của Âu châu....


***

Trở lại chuyện Âu châu.

Sau khi "quốc tế" là Liên hiệp Âu châu - thực chất là lãnh đạo Pháp và Đức, với Thủ tướng Đức Angela Merkel giữ vai chủ động – gây áp lực để lật đổ hai chính quyền Hy Lạp và Ý Đại Lợi của Thủ tướng George Papandreou và Silvio Berlusconi, tình hình vẫn chưa khả quan.

Mâu thuẫn ở đây là sau khi hai Thủ tướng – dù sao là do dân bầu lên – phải từ chức để trao lại quyền hành cho một chính phủ liên hiệp, dưới sự lãnh đạo của hai "chuyên gia", để thi hành chính sách kinh tế khắc khổ do nước Đức đề ra. Người dân Hy Lạp và Ý nghĩ sao về chuyện đó? Họ có cam chịu liều thuốc đắng và nỗi nhục không? Để được gì? Câu hỏi này ít ai nhắc tới nhưng vẫn là một ẩn số có thể gây bất ngờ.

Nhưng vấn đề không chỉ có Hy Lạp hay Ý. Ngoài ra, Tây Ban Nha (Spain) và Bồ Đào Nha (Portugual) cũng có cùng cảnh ngộ kinh tế và ngân sách đầy rủi ro. Kế tiếp là Bỉ và cả nước Pháp.

Sau trận đấu trí và đấu lực vào đầu tháng 11, cuối tuần qua, truyền thông Đức loan tin rộng rãi về nhiều đề nghị giải quyết xuất phát từ Chính quyền Merkel, lãnh đạo một liên minh có đa số không lớn và sẽ có bầu cử Quốc hội vào năm tới.

Một trong các đề nghị là cứu xét và tu chỉnh Thỏa ước Maastritch được các nước ký kết năm 1992 để thành lập Liên hiệp Âu châu vào năm 1993, trong đó có cả điều khoản liên quan đến việc lập ra khối Euro, giữa các nước sẽ dùng chung một đồng bạc. Xin nhắc lại ở đây: Liên Âu có 27 quốc gia thành viên, bên trong có khối Euro gồm 17 nước. Khi nói đến việc tu chỉnh Thỏa ước này, ta nhớ đến Hoa Kỳ, vai trò của Tối cao Pháp viện, v.v... đã trình bày ở trên: không dễ vì bất cứ nước nào - ở trong khối Euro hay ở bên ngoài - như Anh quốc hay Đan Mạch cũng có thể lắc đầu.

Thủ tướng Angela Merkel còn tiến xa hơn vậy, khi phát biểu là nên đặt ra thời hạn nghiên cứu để Quốc hội từng nước có thể biểu quyết vào mùa Xuân năm tới. Lý do của lập luận và đề nghị này là Âu châu có thể đã tránh được khủng hoảng nếu các nước hội nhập chặt chẽ hơn. Nghĩa là nếu cơ chế Âu châu có nhiều thẩm quyền hơn để canh chừng chánh sách tài chính công quyền (ngân sách và thuế khoá) của từng hội viên hầu các nước cùng tôn trọng kỷ cương về chi thu và vay mượn.

Chúng ta hiểu ra sự hợp lý của lập luận đó: một hệ thống hội nhập và thống nhất thương mại hay thuế quan - để các nước tự do trao đổi hàng hóa với nhau - chưa thể vận hành tốt đẹp. Các nước vẫn có thể trôi vào khủng hoảng, nếu thiếu sự thống nhất về chính sách kinh tế của từng nước.

Nhưng nếu nhìn vào toàn cảnh trong trường kỳ, ta hiểu ra ý kiến thâm sâu của nước Đức: nhân vụ khủng hoảng, cường quốc trưởng tràng về kinh tế của Âu châu đề nghị các thành viên áp dụng kỷ cương thống nhất, theo sự hướng dẫn của Đức. Nếu không, khủng hoảng vẫn tiếp tục, các chính quyền có thể đổ rồi từng quốc gia vẫn phải chấp nhận chính sách khắc khổ do các thành viên khác đặt ra. Chi bằng Âu châu nên định chế hóa quyền hạn của một cơ chế siêu quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Đức, để điều tiết sinh hoạt kinh tế và quyết định về việc sung dụng tài nguyên giữa các nước: nếu làm ăn tử tế và theo đúng luật, xứ này có thể được xứ khác tài trợ.

Diễn giải cho nôm na dễ hiểu, nhân vụ khủng hoảng, Cộng hoà Liên bang Đức vừa ra một tối hậu thư cho các nước!


***


Chúng ta trở lại chuyện đời xưa để nhìn ra nan đề của đời nay.

Vì vị trí địa dư đặc biệt của mình - nằm trên bình nguyên trống trải của phía Bắc Âu châu, không có sự bảo vệ của sông ngòi, núi rừng hay biển cả - nước Đức thường xuyên lo sợ bị tấn công từ cả hai ngả Đông Tây. Và thực tế đã bị Pháp và Nga tấn công trong lịch sử. Phản ứng của họ là xây dựng sức mạnh quân sự để tự vệ. Và "tiên hạ thủ" là chiến lược từng được áp dụng. Vì vậy, Đức đã ba lần gây chiến rồi bị các nước đánh bại. Hai lần sau cùng – hai Thế chiến của thế kỷ 21 – là do sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ thực tế chia đôi nước Đức sau Thế chiến II, và yểm trợ việc Âu châu hội nhập Tây Đức trong một tập thể, dưới sự bảo vệ chiến lược của Minh ước NATO. Trong suốt giai đoạn Chiến tranh lạnh, các nước Tây Âu tiến hành việc hội nhập này với hai nền tảng chủ yếu: 1) sự hợp tác của hai nước láng giềng và cừu thù là Pháp và Đức, và 3) sự bảo vệ của Minh ước NATO.

Nước Pháp có lợi trong hợp tác vì có tiếng nói mạnh hơn thực lực kinh tế, trở thành một nước "lãnh đạo" Âu châu. De Gaulle và các lãnh tụ nối tiếp đã triệt để khai thác cái thế đó, dựa trên cái lực kinh tế của Đức. Với mặc cảm phạm tội, nước Đức chấp nhận chiến lược này vì từ nay sẽ khỏi lo về an ninh mà dồn sức vào phát triển, thậm chí còn có phản ứng "chủ hoà" hay "phản chiến". Về an ninh thì gánh nặng phòng thủ được trao cho NATO, về phát triển thì cơ chế Âu châu thống nhất là cơ hội cho Đức.

Toàn khối Âu châu, kể cả nước Đức, hài lòng với cách thu xếp đó. Cường quốc kinh tế là nước Đức có cơ hội phát triển mà khỏi sợ bị tấn công nên sẽ mất dần phản ứng "tiên hạ thủ". Các nước Âu châu còn được mối lợi đáng kể là đầu máy kinh tế Đức. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, các nước không chỉ hài lòng mà còn hồ hởi: Đức bỏ tiền ra chuộc lại Đông Đức như đã bỏ tiền tài trợ công cuộc phát triển của các nước khác. Người ta có thể quên một thực tế Âu châu là tinh thần san xẻ về canh nông hay công nghiệp giữa nước giàu với nước nghèo: Đức liên tục chi nhiều hơn thu cho kế hoạch hợp tác đó. Sau chiến tranh lạnh, cũng nước Đức đã tái thiết Đông Đức và góp phần yểm trợ khu vực Đông Âu và Trung Âu vừa được giải phóng, lẫn các nước miền Nam.

Nhưng chìm sâu trong kiến trúc này vẫn là thực tế cứng đầu của kinh tế, ít ra ở hai vế là lãi suất và hối suất: lạc quan với triển vọng hội nhập, nhiều quốc gia đã thống nhất đồng bạc và lập ra khối Euro. Trong khung cảnh đó, các nước giàu có hùng mạnh - chủ yếu tại miền Bắc - thì muốn giữ lãi suất cao để thu hút đầu tư. Hàng hóa ưu hạng của Đức vẫn xuất cảng dễ dàng mà chẳng cần hối suất thấp. Ngược lại, các nước nghèo - chủ yếu ở miền Nam - thì cần đồng bạc rẻ và lãi suất thấp. Sự chuyển dịch trái chiều ấy không thể kéo dài mãi mãi.

Trong hai chục năm giao thời, từ khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991 đến ngày nay, người ta lạc quan tin tưởng vào cách dàn xếp này. Nhưng, nếu chịu khó nhìn vào hai tiêu chuẩn căn bản – giữa nhiếu yếu tố khác – ta đã có thể thấy ra mầm loạn.

Thứ nhất là sai biệt lãi suất trái phiếu (spread) của Đức và các nước phía Bắc với lãi suất trái phiếu của các nước miền Nam. Khoảng sai lệch này liên tục mở rộng. Thứ hai là sự dị biệt phí tổn về nhân công, một biểu hiện khác về năng suất, cũng tăng liên tục từ cả chục năm nay. Chỉ số chi phí lao động của Đức nằm dưới đáy, còn Hy Lạp hay Tây Ban Nha, Ý leo lên đỉnh (Hoa Kỳ ở khoảng giữa và vẫn thấp hơn trung bình của toàn khối Liên Âu).

Khi sinh hoạt kinh tế còn thịnh đạt thì mầm loạn chưa phát tác.

Sau vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009l, các nước mới đụng vào thực tế đã bị khỏa lấp hay bị hiểu lầm. Đó là nguyên nhân sâu xa của vụ khủng hoảng mà biểu hiện ra ngoài chỉ là khủng hoảng tài chánh, ngân hàng, ngân sách, hay số phận của đồng Euro. Nguyên nhân thật và chìm sâu bên dưới là giải pháp chính trị nửa vời của cả Âu châu. Thiếu cơ chế chính trị thống nhất có thẩm quyền siêu quốc gia để kiểm soát chánh sách kinh tế tài chánh và ngân sách của từng quốc gia thành viên.

Nước Đức vừa đề nghị một giải pháp tiến tới sự thống nhất đó, theo quy củ và kỷ luật của Đức.

Sau gần trăm năm xoay trở để bảo vệ an ninh của mình, với cả giải pháp Wehrmacht của Hitler, nước Đức đang tìm lại thế lãnh đạo thực tế, một cách hòa bình và phi quân sự. Vì vậy, vấn đề không chỉ là chuyện Euro, có hay không có Hy Lạp. Vấn đề là các nước khác sẽ tính sao? Nếu bác bỏ đề nghị của Đức, họ có giải pháp nàp khác chăng? 

Nếu lại kể thêm một chuyển động ngầm là dân số và tỷ lệ di dân Hồi giáo ngày càng cao trong các nước Âu châu – bài này đã quá dài - người ta không thấy lạc quan. Chỉ mong rằng Âu châu sẽ không trở lại nghiệp cũ....

2 nhận xét:

  1. Day la tuong lai cua dong euro .

    VVD:Đổi Euro cho neuro
    .om 12:50. © AN P

    Các chính trị gia phải đưa ra quyết định nghiêm túc về sự ra đời của "neuro", một đồng tiền chỉ với các nước ở Bắc Châu Âu. VVD Patrick van Schie nói điều này vào thứ bảy trong AD. Van Schie là giám đốc của bộ phận khoa học của VVD (Đảng Tự Do Dân Chủ của Hà Lan-ND).

    Theo ông, bây giờ phải quyết định về tương lai của tiền tệ , nếu không chi phí sẽ chỉ tăng lên. "Chúng ta đang ngày càng bị kéo vào đầm lầy."

    Trò tuyên truyền

    VVD gặp khó khăn với " tuyên truyền" về sự thịnh vượng rằng đồng euro sẽ có phát triển thịnh vượng. Rằng đồng tiền đó đã mang lại sự thịnh vượng nhiều cho Hà Lan , ông gọi là "không bao giờ được chứng minh và không có bằng chứng rõ ràng". Van Schie lo ngại rằng đất nước chúng ta,sẽ bị giáng "một đòn nặng" do cuộc khủng hoảng đồng euro.

    Van Schie cảm thấy rằng nền kinh tế yếu kém như Hy Lạp và Ý phải bị loại ra khỏi đông tiền chung euro. Ông cũng thấy rằng nước Pháp không có chỗ trong 'Neuro-zone' bởi vì nó muốn dùng chính trị ảnh hưỏng tại ngân hàng trung ương. "Tôi biết rằng đó là chính trị khó để bán, nhưng tôi không tin rằng" neuro "mạnh mẽ hơn với người Pháp." (Biên tập)

    12/11/11 9:18

    Vâng ,người Hà Lan muốn sử dụng đồng tiền chung Bắc Châu Âu .

    Bây giờ các nước Băc Châu Âu đã bí mật gặp nhau để lên kế hoạch

    cho đồng tiền mới này .Điều này cho thấy sự tan rã của đồng euro chỉ

    là vấn đề thời gian .Nhưng hôm nay dân biểu Châu Âu Hans van Baalen

    cho biết ko tin vào đồng tiền neuro .Theo kêt quả điều tra sơ bộ 32% dân HL

    muốn quay lại dung tiền Gulden(tiền HL)47% dân HL tin sẽ sử dụng tiền chung

    Bắc Châu Âu neuro .Tất cả các tin dựa theo trang AD của Hà Lan .



    .

    Trả lờiXóa
  2. Merkel et Cameron actent leurs divergences sur l'euro

    http://www.lefigaro.fr/conjoncture/2011/11/18/04016-20111118ARTFIG00568-merkel-et-cameron-actent-leurs-divergences-sur-l-euro.php

    Đức và Anh bất đồng về tương lai đồng Euro.

    Xin theo link ở trên mà đọc bài tường thuật của tờ Figaro về quan hệ khá căng thẳng giữa hai Thủ Tướng Merkel và Cameron của Đức và Anh.

    Cũng qua bài đó, xin chú ý đến lời phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Đức. Chuyện này khá rắc rối đấy.

    Ông Nghĩa có lý khi trình bày hồ sơ này từ những nguồn ngọn xa xưa để chúng ta hiểu ra nhiều khúc mắc rắc rối.

    Nhưng hình như (và đây là cảm quan của cá nhân tôi), ông rất phục nước Đức. Ở tại Pháp, chúng tôi hơi... nhột! Néanmoins, merci!

    Trả lờiXóa