Thứ Ba, tháng 6 12, 2012

Giao Dịch Ngoại Hối Trực Tiếp Nhật Bản-Trung Quốc

Thanh Hà & Nguyễn Xuân Nghĩa - RFI Ngày 120612
TẠP CHÍ KINH TẾ 
Trong 15 ngoại tệ thông dụng nhất vẫn chưa có đồng Nguyên của Trung Quốc





Kể từ ngày 01/06/2012 Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu trực tiếp trao đổi ngoại tệ mà không cần thông qua trung gian của đồng đô la Mỹ. Đây là một biện pháp cho phép tăng cường trao đổi mậu dịch hai chiều và mở rộng vai trò của đơn vị tiền tệ Trung Quốc trên trường quốc tế.

Giao dịch và mua bán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ và đồng yen một mặt cho phép cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc cùng giảm bớt mức độ lệ thuộc vào tỷ giá của đồng đô la Mỹ. Nếu vì một lý do nào đó đồng đô la bị mất giá, dự trữ ngoại tệ của nhiều nước trong vùng châu Á, mà đứng đầu là của Nhật và Trung Quốc qua đó cũng sẽ giảm theo. Hiện tại Trung Quốc và Nhật Bản là hai nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất và nhì của thế giới. Ngược lại, trong trường hợp giá đồng đô la tăng cao, thì hàng xuất khẩu của Nhật và Trung Quốc sẽ tăng giá, qua đó mất sức «hấp dẫn» do đồng yen và nhân dân tệ được cột chặt vào đô la. Đó là mục tiêu đầu tiên đã thúc đẩy thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và đồng nhiệm Nhật Bản, Yoshihiko Noda, vào tháng 12/2011 thông báo việc hai nước nhanh chóng tiến tới việc mở rộng hợp tác tài chính và tiền tệ song phương.

Lợi thế thứ hai là, các bên sẽ giảm được những chi phí giao dịch trung gian qua đồng đô la của Mỹ. Thí dụ cụ thể đã được bộ trưởng tài chính Nhật nêu lên là Tokyo có thể tiết kiệm được khoảng 850 tỷ yen, tương đương với 8 tỷ đô la, một khi đồng nhân dân tệ và yen được hoán chuyển trực tiếp, các khoản bảo hiểm về cách biệt hối đoái sẽ giảm bớt đáng kể.

Ưu điểm thứ ba của việc trao đổi trực tiếp giữa hai đơn vị tiền tệ của nền kinh tế đứng thứ nhì và thứ ba trên thế giới là trong tương lai, Trung Quốc sẽ bắt buộc phải nới lỏng hệ thống hối đoái để phù hợp với luật cung cầu của thị trường. Nói cách khác, đây là một cách gián tiếp để Nhật Bản gia tăng sức ép lên hệ thống tiền tệ của Trung Quốc. Bởi vì đồng nhân dân tệ hiện bị coi là một công cụ để Trung Quốc tiếp sức cho khu vực xuất khẩu. Nhưng trong tương lai khi đồng yen của Nhật và nhân dân tệ của Trung Quốc được định giá theo quy luật cung cầu của thị trường thì tự nó, đồng tiền của Trung Quốc sẽ được tăng giá so với hiện nay.

Đây có thể sẽ là điều có lợi cho các tập đoàn lớn của Nhật và cũng là những nhà vô địch về xuất khẩu như Toyota hay Sony.

Tokyo là đối tác thương mại quan trọng thứ tư của Bắc Kinh sau Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASSEAN. Trong khi đó Trung Quốc à đối tác thương mại hàng đầu của Nhật: tổng trao đổi mậu dịch hai chiều trong năm 2011 lên tới 350 tỷ đô la, tăng gấp ba lần so với ở vào đầu những năm 2000. Trong 11 tháng đầu năm ngoái Nhật Bản xuất khẩu tới 136 tỷ đô la sang Trung Quốc và nhập vào 153 tỷ đô la. Nhập siêu của Nhật đối với bạn hàng Trung Quốc tăng lên đáng kể so với năm 2010.

Theo bộ Thương mại Nhật thì hiện có tới 60% các khoản trao đổi mậu dịch song phương được tính bằng đô la và cho tới nay, chỉ có chưa tới 1% tổng trao đổi mậu dịch hai chiều trên tổng số 350 tỷ đô la được thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ.

Về phần Bắc Kinh, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược «dùng một mũi tên trúng hai đích». Ngân hàng trung ương nước này nhấn mạnh đến việc «thúc đẩy trao đổi mậu dịch, đầu tư, hợp tác tài chính và kinh tế hai chiều». Nhưng mục tiêu chính của Bắc Kinh có lẽ là để từng bước để «quốc tế hóa đồng nhân dân tệ» và qua đó làm giảm thế độc quyền của đồng đô la.

Theo nguồn tin từ Tân Hoa Xã, cho đến cuối năm 2011 mới chỉ có hơn 9% tổng kim ngạch mậu dịch của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Để so sánh thì tỷ lệ này đã được tăng đáng kể so với hồi năm 2010. Bởi vì Trung Quốc đã lần lượt thỏa thuận với nhiều nước Đông Nam Á – gần đây nhất là Thái Lan để dùng đồng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán trực tiếp.

Kể từ đầu tháng 7/2009 đơn vị tiền tệ của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu được sử dụng để thanh toán giữa một bên là các tập đoàn ở Bắc Kinh,Thượng Hải và 4 tỉnh tại Quảng Đông và bên kia là các đối tác Hồng Kông, Macau và ASEAN. Nhưng chỉ một năm sau đó thì việc sử dụng đồng nhân dân tệ đã được mở rộng ra hơn. Đó là lý do giải thích vì sao tổng kim ngạch mậu dịch của Trung Quốc được thanh toán bằng nhân dân tệ đang từ 0,7% nhảy vọt lên thành 9% vào cuối 2011.

Tuy nhiên việc mở rộng tầm mức quốc tế của đồng tiền quốc gia cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với bản thân chính quyền Bắc Kinh. Thách thức đầu tiên là Trung Quốc sẽ mất dần khả năng kiểm soát đồng nhân tệ. Nguy cơ thứ hai là đồng tiền Trung Quốc có chiều hướng tăng giá dần theo luật chơi của thị trường.

Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ RFI chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ trước khi phân tích về những ý đồ chính trị của cả Tokyo lẫn Bắc Kinh nhắc lại về nguyên tắc của việc chuyển đổi ngoại tệ trực tiếp giữa hai quốc gia:


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi buôn bán với nhau, giả dụ như Nhật bán hàng cho Trung Quốc họ lấy về đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mà doanh nghiệp Nhật có thể dùng để mua hàng của Trung Quốc. Nhưng trong quan hệ giữa hai nước, có hai vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, Nhật có chế độ hối đoái tự do, là để đồng Yen lên hay xuống giá so với ngoại tệ khác theo quy luật cung cầu. Trong khi ấyTrung Quốc vẫn kiểm soát hối đoái và định giá đồng bạc theo một hối suất tính bằng đô la Mỹ, như một đô la ăn 6 đồng 36 trong một biên độ giao dịch trên dưới 1% giá chính thức được Trung Quốc công bố mỗi ngày.

Vấn đề thứ hai là cả hai nước cũng như nhiều xứ Á châu khác vẫn dùng đô la Mỹ làm đơn vị thanh toán luồng giao dịch song phương của họ. Cho nên mua bán gì với nhau cũng phải đổi qua đô la, rồi trả lệ phí và chịu thêm yếu tố rủi ro ngoại hối là tỷ giá đồng bạc của mình có thể lên xuống so với tiền Mỹ. Đó là về nguyên tắc. Bây giờ, hai nước đã thoả thuận là từ nay sẽ giao hoán hay đổi chác trực tiếp hai đồng nội tệ của mình chứ không dùng đô la làm trung gian nữa.

Số là do đề nghị của Thủ tướng Nhật khi thăm viếng Bắc Kinh vào tháng 12/2011, lãnh đạo hai xứ đã lấy một quyết định được đôi bên nghiên cứu và áp dụng rất nhanh. Cụ thể thì Nhật Bản vẫn thả nổi hối suất từ đồng yen qua đồng nhân dân tệ được xê dịch theo quy luật cung cầu của luồng trao đổi giữa hai nước. Nhưng nếu Nhật bán nhiều hơn mua thì đồng yen sẽ lên giá so với đồng nhân dân tệ. Phía Trung Quốc thì ấn định tỷ giá là 8,0686 đồng nhân dân tệ ăn 100 đồng yen, để giá cả xê xích trong biên độ giao dịch là 3% so với giá định ra mỗi ngày, tức là một biên độ dù sao cũng rộng hơn tỷ giá so với Mỹ kim. Nơi giao dịch là hai thị trường Thượng Hải và Tokyo.

RFI: Thưa anh, mục tiêu của hai nước này là gì khi thiết lập chế độ giao hoán trực tiếp đó? Có phải là để tiện dụng và đỡ phí tổn khi đôi bên phải đổi qua tiền Mỹ rồi mới thanh toán cho nhau? Hay là để giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng Mỹ kim khiến tiền Nhật và tiền Trung Quốc sẽ thành loại ngoại tệ có khả năng giao dịch phổ biến hơn trên thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhu cầu tiện dụng là số một, nhu cầu số hai là tiết kiệm một năm chừng hai ba tỷ vì trao đổi chéo qua tiền Mỹ. Nhìn về dài hạn thì phía Nhật Bản thúc đẩy việc đó vì muốn đồng Yen trở lại vị trí của một ngoại tệ quốc tế và tăng cường vai trò của thị trường Tokyo khi so với các thị trường New York, London hay Hong Kong và Singapore tại châu Á. Phần mình, nhu cầu quan trọng nhất của Trung Quốc tất nhiên là để củng cố vị thế đồng nhân dân tệ và giảm dần sự lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Chúng ta không quên rằng trong một ngày 24 tiếng, tức là không bao giờ dứt, các nước trên thế giới trao đổi với nhau một lượng ngoại tệ tương đương với gần bốn ngàn tỷ Mỹ kim. Trong số này, có đến 85% là mua hay bán Mỹ kim, rồi 39% là mua hay bán đồng Euro, hạng thứ ba, tới 19% là giao dịch của đồng Yen, v.v... với số tổng cộng là 200%. Nhưng trong 15 loại ngoại tệ thông dụng nhất thì vẫn chưa có đồng nhân dân tệ còn được gọi là Yuan, Trung Quốc. Việc hai nền kinh tế lớn nhất châu Á trực tiếp giao dịch ngoại tệ với nhau cũng là một cách nâng cao vị trí của đồng bạc và thế giá của quốc gia.

RFI: Nhưng thưa anh, hiển nhiên thì cũng để giảm ảnh hưởng của đồng đô la và nhất là trong bối cảnh đầy bất trắc của đồng Euro hiện nay. Thế phía Hoa Kỳ phản ứng ra sao về chuyện đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: -Tất nhiên là chính thức hoan hô mà kín đáo theo dõi với sự thú vị.

Thứ nhất, Hoa Kỳ không thể cản được nỗ lực của các nước Á châu từ 12 năm nay là tiến dần đến chế độ giao dịch hối đoái với nhau chứ không để bị đồng Mỹ kim chi phối nữa. Chúng ta sẽ có dịp trở lại đề tài này và cả hệ thống giao dịch ngoại tệ gọi là "currency swap" giữa Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN với ba cường quốc kinh tế Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật và Nam Hàn.

Tháng Năm vừa rồi, nhóm ASEAN+3 này vừa quyết định nâng gấp đôi số ngoại tệ dự phòng, tương đương với 240 tỷ đô la, mà 80% phần đóng góp của ba nước Đông Bắc Á. Nhưng nếu so với luồng giao dịch ngoại tệ cực lớn mỗi ngày là gần 4.000 tỷ đô la tiền mặt trên thế giới, với vị trí tương đối vẫn còn rất mạnh của Mỹ kim thì Hoa Kỳ chưa lo là đồng bạc sẽ bị truất phế. Và nếu so với cả ngàn tỷ Euro mà các nước Âu châu đã phải tung ra cấp cứu từ ba năm nay thì ngân khoản 240 tỷ của Á châu thật ra vẫn còn rất nhỏ. Nôm na là Á châu vẫn chưa thể tách rời và vượt qua các nước Tây phương như họ vẫn mơ ước.

Thứ hai, khi muốn thành một loại ngoại tệ phổ biến có thể dùng thanh toán nghiệp vụ giao dịch giữa các nước với nhau, Bắc Kinh bắt buộc phải nới dần chế độ kiểm soát hối đoái và tư bản, tức là cho phép trao đổi và chuyển ngân tư bản tự do hơn. Đó là lý do khiến Hoa Kỳ kín đáo theo dõi với sự thích thú. Thật ra, còn rất lâu Trung Quốc mới ra khỏi chế độ kiểm soát rất nhiêu khê hiện nay và dù có ổ định bên trong để bung ra rất mạnh thì cũng chưa thể đe dọa vị trí của Mỹ kim.

Sau cùng, việc giao dịch trực tiếp giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng là một sức ép phụ trội từ phía Tokyo khiến Bắc Kinh càng phải giải tỏa hệ thống kiểm soát của mình. Nói chung, nước nào cũng phải nghĩ đến quyền lợi riêng của mình và dù có tăng cường giao dịch với nhau thì họ không quên rằng bạn hàng lớn nhất vẫn là Hoa Kỳ và trong hoàn cảnh hiện nay, nỗi lo của họ chính là Mỹ kim lên giá khi các ngoại tệ kia đều gặp khó khăn và sẽ còn bị biến động rất mạnh.

RFI: Xin cảm ơn anh Nguyễn-Xuân Nghĩa đã trả lời từ California, Hoa Kỳ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét