Thứ Bảy, tháng 6 23, 2012

Tậu Voi Chung Với Đức Ông


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 120622

Chơi với Mỹ trong một năm tranh cử là chơi dại....



Năm nay Hoa Kỳ có bầu cử tổng thống và vì tình hình kinh tế lẫn việc làm chưa được khả quan, Tổng thống Barack Obama gặp nhiều khó khăn trong việc tái tranh cử. Người ta nên thông cảm với ông ta khi Chính quyền Obama tại thủ đô và ban tranh cử của ông tại Chicago bày ra nhiều trò lạ để đánh lạc hướng dư luận và vận động các thành phần cử tri truyền thống của mình.

Hàng loạt những quyết định về chính sách xã hội như quyền hôn nhân đồng tính, quyền phá thai, vai trò của phụ nữ, hoặc miễn trục xuất di dân lậu, v.v... thuộc về thủ thuật chính trị của một tổng thống yếu thế không có khả năng đề nghị một chương trình hành động quy mô để giải quyết nan đề ưu tiên của nước Mỹ, là kinh tế.

Tùy theo khẩu vị hay quyền lợi của mình, cử tri và công luận có thể tin hay không vào những chủ trương xã hội đó. Chuyện đáng nói là chánh sách đối ngoại cũng trở thành đề mục tranh cử với những thủ thuật kỳ bí mà nước ngoài có thể không hiểu.

Thí dụ nổi bật là hàng loạt tin tức được tiết lộ có chọn lọc cho loại truyền thông báo chí thân chính, có thiện cảm với chính quyền. Nhật báo New York Times thuộc vào loại đó và những tiết lộ dồn dập cho thấy hình ảnh Barack Obama là tổng thống quả cảm, dám lấy những quyết định táo bạo để bảo vệ an ninh của nước Mỹ.

Vốn xuất thân từ cánh tả, có lập trường phản chiến hay 'hiếu hòa', ông Obama cần khẳng định tinh thần cương quyết của mình. Vì vậy, một trong nhiều ấn tượng được phóng chiếu ra ngoài là Tổng thống Mỹ đích thân chọn lấy mục tiêu tấn công quân khủng bố tại A Phú Hãn hay Pakistan để máy bay không người lái (UAV, drones) thi hành.

Người ta không nên coi đây là chuyện khôi hài: những tiết lộ động trời từ "giới chức cao cấp xin giấu tên" đã được một nhà báo có cơ duyên với Tòa Bạch Cung là David E. Sanger của tờ New York Times viết thành sách.

Cuốn "Confront and Conceal: Obama's Secret Wars and Surprising Use of American Power" do  David Sanger vừa phát hành vào Tháng Sáu có đầy chi tiết mà Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Diane Feinstein, cho là chính mình cũng không được biết. Dianne Feinstein là một Nghị sĩ Dân Chủ có uy tín và đang yêu cầu Thượng viện mở cuộc điều tra về những tiết lộ mà bà cho là có hại cho an ninh của Hoa Kỳ.

Trước đó, cuốn "The Amateur: Barack Obama in the White House" của ký giả Edward Klein còn đáng chú ý hơn. Cuốn sách dẫn đầu số bán ngay từ tuần lễ đầu tiên và trong bốn tuần liền, cho đến tuần qua. Tác giả là cựu biên tập viên quốc tế của tuần báo Newsweek và 10 năm liền làm chủ biên tạp chí The New York Times Magazine của tờ New York Times. Ông trình bày nội tình của ban tham mưu của tổng thống qua rất nhiều cuộc phỏng vấn, với những phanh phui cho thấy Barack Obama là tay mơ (dịch cho đúng chữ "The Amateur").

Nhưng có một chuyện mà Chính quyền Obama lại không là tay mơ chút nào. Đó là cách Hoa Kỳ đối phó với kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran.

Qua những tiết lộ của David Sanger trên tờ New York Times vào đầu Tháng Sáu, người ta được xác nhận rằng hệ thống điện toán của Iran bị nhiễm trùng. Một loại vi khuẩn điện tử tên là Flame có sức công phá dữ dội của một điệp viên hai mang, và tung hoành trong cả ngàn máy điện toán của Iran, Sudan, Syria, Lebanon và Palestine.

Bị nặng nhất là hệ thống điện tử trong các trung tâm chế tạo võ khí hạch tâm của Iran.

Xuất xứ của sáng kiến tấn công trên không gian điện toán là từ Chính quyền George W. Bush vào năm 2006 nhằm cản trở dự án hạch tâm của Iran. Phương tiện thử nghiệm đầu tiên là loại máy ly tâm P-1 của Libya do lãnh tụ Muammar Gaddafi giao nộp cho Hoa Kỳ từ năm 2003 để bày tỏ thiện chí tự giải giới của mình. Iran cũng mua lại máy đó từ Pakistan, nhờ sự toa rập của nhà bác học nguyên tử  Abdul Qadeer Khan của Pakistan.

Thế rồi kế hoạch tinh vi này có bước đột phá là sự hợp tác của Chính quyền Israel, qua bộ phận tình báo "Unit 8200", một trung tâm tình báo điện tử tương tự như cơ quan NSA National Security Agency của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Chính quyền Obama nâng cấp kế hoạch cũ với mật hiệu mới là "Olympic Games" và càng có ý tăng cường hợp tác với Israel để thuyết phục Chính quyền Tel Aviv về quyết tâm của mình, hầu Thủ tướng Binyamin Netanyahu khỏi nghĩ tới giải pháp không tập các căn cứ hạch tâm của Iran.

Đấy là lúc xuất hiện loại sâu điện tử, computer worm tên là Stuxnet, một chương trình điện toán có khả năng phân thân để phát triển từ phần nhu liệu gián điệp (spyware) vào thật sâu trong từng máy điện toán để tiếp tục phá tác toàn bộ hệ thống.

Lần đầu tiên mà David Sanger tiết lộ bí kíp gián điệp điện tử này là vào đầu năm 2011.

Nhưng chi tiết dồi dào và hấp dẫn được cung cấp thêm là từ đầu Tháng Sáu vừa qua, hai ngày sau khi có tin là hệ thống điện toán của Iran bị tổn thất nặng. Những người cả tin nhất nước cũng có thể thấy ra sự trùng hợp của thời điểm: đấy là thành tích của tình báo Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo anh minh của Tổng thống Barack Obama, người đang ra tái tranh cử.

Trong mặt trận tình báo, chúng ta đều hiểu quy luật đấu tranh là "thắng thì im mà thua thì lặng".

Khi bị thua thì ngoài lý do ngoại giao, người ta cứ đành nín thinh để bảo toàn lực lượng và không xác nhận thêm bất cứ chuyện gì. Khi thắng thì không ai khoe thành tích của mình như vậy vì mặc nhiên cho đối phương biết về khả năng xâm nhập và tấn công của mình.

Chính quyền Obama lo cho ưu tiên tái đắc cử hơn là bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Vì vậy, Nghị sĩ Dianne Feinstein mới nêu thành vấn đề và đòi điều tra. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.

Vì còn chuyện "tình nghĩa đồng minh" nữa chứ.

Qua cuốn sách đang gây sôi nổi của David Sanger, ta được biết nguồn tin của tác giả là "các giới chức đương nhiệm hay hồi hưu của Hoa Kỳ, Âu Châu và Do Thái (Israel)". Không ai kiểm chứng được họ là ai - việc điều tra của Quốc hội có khi lại đụng vào Tu chính án số Một của Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và báo chí.

Nhưng chi tiết lý thú ở đây là phản ứng của Phó Tổng thống Joe Biden khi có người nêu vấn đề về chuyện tiết lộ bí mật tình báo. "Hẳn là tại Israel!" Biden ám chỉ là bí mật về an ninh đã bị lộ vì "Israel đi quá xa".

Nếu tình báo Do Thái là loại tay mơ khiến cho những bí mật sinh tử như vậy lại lọt ra ngoài thì xứ này quả là không đáng tồn tại giữa một biển người Á Rập và các chính quyền chỉ muốn xoá tên Israel trên bản đồ. Hoặc đẩy dân Do Thái xuống biển.

Thứ nữa, nếu loại sâu gián điệp Stuxnet này lại biến hoá vô lường và tấn công mọi máy điện toán bất kể là an ninh hay kinh tế, quân sự lẫn dân sự của các nước, thì Hoa Kỳ vi phạm một chính sách hiếu hòa của mình qua năm sáng kiến của "Chiến lược Quốc tế trên Không gian Điện tử" – International Strategy for Cyberspace - được Chính quyền Obama thông báo từ Tháng Bảy năm ngoái.

Nguyên tắc chỉ đạo của Chiến lược này được tuyên xưng rõ ràng: "Không gian điện toán digital là nơi bắt đầu có quy phạm hành xử hữu trách, công chính và hoà bình giữa các quốc gia và dân tộc". Hoa Kỳ chỉ phòng thủ chứ không bừa bãi tấn công những máy điện toán chẳng liên hệ gì đến Iran.

Nghĩa là nước Mỹ nói một đàng mà nếu có ai làm một nẻo thì đấy là Israel! Nói cho lịch sự, cái tội của Israel là chơi trò gian theo kiểu "binh bất yếm trá". Chứ Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Obama tất nhiên là cao thượng hơn nhiều!

Nếu quả là tình báo điện tử của Israel lại chểng mảng trong công vụ vì để lộ mật hoặc vô trách nhiệm trong hành động khi tấn công lung tung thì tình báo Hoa Kỳ và Chính quyền Obama phải trước tiên biết rõ chuyện ấy khi các cơ quan hữu trách đã hợp tác với nhau từ nhiều năm nay. Chẳng lẽ chuyên gia điện toán Mỹ lại không biết gì về việc làm của người đồng nhiệm trong cơ quan đồng minh kia?

Kết luận ở đây là gì?

Khi hữu sự, trong một mùa tranh cử, Chính quyền Obama có thể tiết lộ cho báo chí loan truyền ra hình ảnh và thành tích của mình. Nhưng một người hữu trách như Phó tống thống vẫn có thể cạo sửa lại thành tích. Phần tích cực là do sự quả cảm của lãnh đạo Mỹ, những sai lầm kia là của đồng minh Israel!

Vốn dĩ đã dày kinh nghiệm về chính trường Hoa Kỳ, Chính quyền Israel vẫn giữ im lặng trước chuyện tiết lộ và cả sự phản phúc đó của lãnh đạo Mỹ. Phải chăng, ưu tiên của họ là sự tồn vong trong khi ưu tiên của ông Obama chỉ là tái đắc cử?

Chúng ta bỗng nhớ đến ngạn ngữ của mình:
"Tậu voi chung với Đức Ông,
Vừa phải đánh cồng vừa phải rửa phân!"

Và hồi tưởng kinh nghiệm xa xưa của Việt Nam....

3 nhận xét:

  1. Xin phiền bác Nguyễn Xuân Nghĩa thêm vài dòng hồi tưởng kinh nghiệm xưa của Việt Nam để thêm phần sáng tỏ.
    Cảm ơn bác nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Tin này là thế nào hả bác:http://www.vietfin.net/hai-dai-gia-toc-tai-chinh-rothschild-rockefellar-bat-tay-nhau/

    Trả lờiXóa
  3. Tuong Can oi:

    Thưa rằng kinh doanh là sự thường! Có vậy thôi...

    Trả lờiXóa