Thứ Ba, tháng 1 07, 2014

Âu Châu Chạy Song Mã



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 140106
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Hai con ngựa Âu Châu trong một năm ngựa lồng 

 
 * Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức - François Hollandevà Angels Merkel *



Trước khi tin tức Á Châu sẽ tràn như thác lũ vào một năm Giáp Ngọ, ta nên liếc qua Âu Châu trong một năm đầy bất trắc.

Mở màn là việc Thủ tướng Đức Angela Merkel bị tai nạn khi trượt tuyết tại Thụy Sĩ. Là người từ bé đã gặp khó khăn khi leo trèo, bà Merkel vẫn không sợ và lấy rủi ro vào dịp nghỉ Giáng Sinh. Tưởng là tai nạn nhỏ mà hóa ra bị nứt xương chậu, bà phải tạm hoãn nhiều cuộc họp quốc tế.

Thầy bói thì nói rằng sinh năm Giáp Ngọ, bà Merkel gặp năm tuổi y như Tổng thống François Hollande của Pháp, cũng sinh năm 1954, đang nằm dưới đáy vực của các cuộc khảo sát về dân ý.

Vấn đề không chỉ có nguyên thủ hai cột trụ Âu Châu. Mà còn 28 thành viên Liên hiệp Âu Châu, bên trong có 18 thành viên của khối Euro chưa ra khỏi cơn khủng hoảng. Bên ngoài lại có Tổng thống Vladimir Putin của Liên Bang Nga chòm chõm nhìn vào như cú....


***


Nói về kinh tế thì giữa niềm hy vọng chớm nở của năm 2014, Liên Âu cố lách ra khỏi nạn suy trầm, tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao, cùng nhiều bất ổn xã hội và chính trị có thể đe dọa sự thống nhất của toàn khối. Trong cảnh luồn lách đó, các nước khó điều chỉnh lại cơ cấu để giải quyết bài toán trường kỳ. Đi vào chi tiết thì vài nước trong khối Euro có thể đạt kết quả là giảm thất nghiệp và tăng xuất cảng, dù không nhiều thì cũng tạm khả quan. Nhiều nước ở vòng ngoài (miền Nam), và cả Pháp lẫn Hoà Lan trong vùng cốt lõi, đều gặp tăng trưởng khiêm nhường và thất nghiệp cao. Vì hoàn cảnh đó, tín dụng cho doanh nghiệp và các hộ gia đình vẫn bị hạn chế.

Từ nhiều năm qua, nỗ lực giải quyết của Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB nhằm bơm tín dụng cho tiểu doanh nghiệp vẫn không có kết quả vì định chế này không có thẩm quyền đòi hỏi các thành viên chấp hành một chánh sách tín dụng thống nhầt và các ngân hàng do dự chưa dám cho vay. Vì kinh tế cũng là chính trị, vòng luẩn quẩn đó xoáy xuống dưới, gây bất ổn xã hội, dội lên thành biểu tình, và làm rạn nứt cơ chế thống nhất của toàn khối.

Sự rạn nứt đó được thấy ở trào lưu đáng ngại là đà chiến thắng của các đảng đề cao chủ nghĩa quốc gia hoặc hoài nghi lợi ích của việc thống nhất. Năm 2014 lại có nhiều cuộc bầu cử trong từng nước và bầu cử Quốc hội Âu châu vào Tháng Năm. Các chính đảng đòi ly khai – hay ít ra giành lại một số chủ quyền cho quốc gia, đối nghịch với yêu cầu của thủ đô Âu Châu tại Bruxelles - chưa thể lên cầm quyền. Nhưng họ vẫn có khả năng cản trở nỗ lực cải cách và đào sâu khó khăn bên trong khối Euro, khiến Liên Âu bị tê liệt và có thể tan rã.

Nhìn trên toàn cảnh và trong trường kỳ, ta thấy ra nhược điểm xương tủy của Âu Châu là triết lý kinh tế chính trị: vì kinh tế sẽ quyết định chính trị, thống nhất kinh tế sẽ dẫn tới thống nhất chính trị. Sự thật lại trái ngược.

Đã vậy, và ta trở lại bà Angela Merkel, việc thống nhất tiền tệ để một số nước trong Liên Âu dùng chung một đơn vị tiền tệ là đồng Euro lại thực hiện theo khuôn mẫu tốt đẹp của đồng Đức Mã (Deutsche Mark, DM), với một ngân hàng trung ương chung nhưng các bộ Tài chánh và Ngân khố riêng. Nôm na là các chính quyền có thể đi vay, phát hành trái phiếu bằng đồng Euro, mà không xứ nào có thẩm quyền kiểm soát nên gặp rủi ro vỡ nợ. Trước đó là vi ước, không giữ được lời cam kết.

Nằm ở tâm điểm, có nền kinh tế vững mạnh nhất, và hưởng lợi nhiều nhất từ đồng Euro, nước Đức lãnh trách nhiệm cấp cứu.

Nhưng từ một quốc gia bị chia hai và chỉ thống nhất sau 1989 với kinh phí do Tây Đức thanh toán, người dân Đức không muốn hứng thêm việc cấp cứu Euro. Thủ tướng Angela Merkel do dân Đức bầu lên để bảo vệ quyền lợi quốc gia nên không muốn có giải pháp Trái phiếu Âu châu thống nhất (Eurobonds) khi Âu châu chưa có cơ chế thống nhất về chính trị, trước tiên là ngân sách, thuế khóa. Tức là trong khi chờ đợi thì đèn nhà nào nhà ấy rạng, chứ đừng trông vào nước Đức.

Năm năm bế tắc đã dẫn tới sự thắng thế của chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong nội bộ Âu Châu.


***

Đây là chuyện.... quen quen tại Âu Châu.

Trăm năm về trước người ta cứ tưởng các nước Âu Châu đã buôn bán với nhau thì không gây chiến với nhau. Lầm to! Khi Thế chiến I kết thúc, nước Pháp bị Đức bợp tai hai lần (1870 và 1914) không quên được chuyện cũ nên đòi Đức trả giá cho việc tái thiết, với kết quả là sự thắng thế của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, với màu sắc Hitler. Thế chiến II bùng nổ cũng từ đó nên hai nước Pháp Đức đã hoà giải và kiến tạo ra cơ chế Âu Châu hiện nay.

Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp sẽ phải hàn gắn sự rạn nứt hiện tại. Âu Châu cưỡi xe song mã do hai tuổi Ngọ Merkel và Hollande cùng kéo là trong ý nghĩa đó. Nhưng lại kéo về hai ngả.

Sau tai nạn của Dominique Strauss-Kahn và Nicolas Sarkozy, Hollande gặp may nên đắc cử Tổng thống Pháp. Lên tới đài danh vọng thì rơi đúng vào khả năng thật của mình. Ở dưới đất. Ưu tiên của ông ta là tồn tại chứ chưa thể có viễn kiến và bản lãnh ở trình độ Charles de Gaulle hay François Mitterrand. Cho nên, Angela Merkel kéo xe một mình, với một chính phủ đại đoàn kết "tả hữu" và sức ly tâm đáng ngại trong các nước Liên Âu.

Đấy là viễn ảnh Giáp Ngọ của Âu Châu.

Nhưng Âu Châu nào chỉ có đồng tiền không nối liền khúc ruột? Trong tập thể Âu Châu vừa thành hình sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước Đông Âu vẫn khó quên lịch sử. Được hội nhập vào khối Tây Âu dân chủ, nhiều nước thấy mình vẫn thiệt thòi, di dân của họ còn bị xu hướng quốc gia kỳ thị trong vụ khủng hoảng đồng Euro. Nhìn ra ngoài thì Vladimir Putin của Nga đang mở cuộc tổng phản công và dùng võ khí năng lượng gây ly gián trong nội bộ Âu Châu.

Là quốc gia đã hứng mọi tai họa từ cả hai hướng Đông-Tây, từ Nga và Đức, Ba Lan gióng lên hồi chuông báo động và kêu gọi Liên Âu kết hợp và hội nhập các nước Trung Âu nằm trong tầm đạn của Nga. Đang mài đồng Euro, các nước Âu Châu chưa lý đến chuyện đó nên Putin có cơ hội bằng vàng....

Và Âu Châu gặp một lúc hai mối nguy. Bên trong có hầu bao Euro bị đục khoét, bên ngoài thì bị Putin gậm nhấm. Trong tình huống đó, Âu Châu chưa thể góp phần giải quyết các hồ sơ nóng khác, như chuyện Syria, vụ Hoa Kỳ hoà giải với Iran, khủng bố Hồi giáo, hay nạn dân từ Địa Trung Hải tràn lên, v.v.... Anh hùng nhất thì chỉ còn nước Pháp là can thiệp có giới hạn vào khu vực Tây Phi, vàng son cũ của thời thuộc địa.

Khi tuổi Giáp Ngọ Âu Châu gặp cảnh ngộ đó vào một năm Giáp Ngọ thì... thầy bói nói sao?


***


Hãy học võ của tuổi Giáp Ngọ Á Châu, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe!

Nước Nhật cũng có đầy vấn đề phải giải quyết sau hai chục năm suy sụp, như hai chục năm sắp tới của Âu Châu. Nhưng ông Abe đã khiến dân Nhật nhìn ra mối nguy từ Trung Quốc để nín thở cải cách và dàn trận đối phó trong năm Giáp Ngọ này. Bị điện giựt từ mối de dọa của Putin, Âu Châu có hy vọng chặn được đà phân hóa trong năm ngựa lồng này.

Angela Merkel là người thâm trầm mà liều lĩnh - và không sợ té. Hãy xem bà đứng dậy ra sao, và nói năng gì với Putin cùng Ba Lan?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét