Thứ Sáu, tháng 1 31, 2014

Nắn Giò Bát Tiên

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130131

Đầu năm, xin giải phẫu ngược một truyền thuyết vui, cho vui mà vẫn buồn...


* Xin chọc quê thầy Lão và lũ Khổng nho cóc nhái thời hiện đại *



Thưa rằng trong một số Tết thì bình luận những gì mà vẫn ra vẻ "ôn cố tri tân" và nói gì về truyền thống mà vẫn cứ là giải ảo về thời sự trong tinh thần mua vui cũng được một vài bát thang?

Xin nói về sự tích "bát tiên" mà mọi người Việt nghĩ rằng mình có văn hóa đều biết.

Đấy là tám nhân vật bất tử theo tín ngưỡng Lão giáo của văn hóa Trung Hoa, có thể là tổ tiên của những ông Công ông Táo mà bà con ta vẫn o bế trong ngày Tết...

Họ có thể là nhân vật lịch sử. Tức là dù mơ hồ thì cũng có thật, như trường hợp Lã Động Tân, Hán Chung Li và Trương Quả Lão. Hay hoàn toàn hư cấu như năm người kia. Họ có thể là quan to như Tào Quốc Cữu, tướng giỏi như Hán Chung Li, thuật sĩ giang hồ như Trương Quả Lão hay văn nhân tú sĩ như Lã Động Tân hoặc ngát tiếng cầm ca như Hàn Tương Tử. Họ có thể là mỹ nhân diễm tuyệt như Hà Tiên Cô hay là tay anh chị - vừa anh vừa chị vì... ái nam ái nữ tùy cái hứng vẻ vời của đời sau - như cô/cậu Lam Thái Hoà. Lam Thái Hòa quả là nhân vật hiện đại!

Nhân vật kiệt xuất và "ấn tượng" nhất – xin mượn chữ ấn tượng vô nghĩa của người Hà Nội – chính là Lý Thiết Quải.

Trong tám người, đấy là người đầu tiên đã tu lên hàng trường sinh bất tử vì là môn đồ chân truyền của vị thủy tổ ở tận đầu nguồn, là Lão Tử.


* * *


Luận về văn học sử Trung Hoa thì truyền thuyết về một số nhân vật phi phàm đã lác đác xuất hiện từ thời Hán Đường, ứng vào thời Bắc thuộc của nước Nam. Rồi cô đọng dần và hệ thống hóa vào đời Tống, khi nước Nam ta giành lại nền độc lập. Bát tiên chỉ bắt đầu hiển lộ từ thời Kim vào đầu thế kỷ 12, rồi nói có sách mách có chứng về tích "quá hải" là từ thời Nguyên Mông - khi Hán tộc rơi vào ách cai trị Mông Cổ từ thế kỷ 13.... Qua đời Minh về sau thì hình ảnh bát tiên đã tràn ngập sân khấu và nghệ thuật rồi xuất hiện ở từng nhà. Kể cả nhà Nam của chúng ta.

Luận về văn hóa chính trị, hình ảnh rạng rỡ nhất của bát tiên khởi sự xuất hiện vào đời Tống.

Đời Tống cũng là khi văn hóa Trung Hoa tỏa sáng với rất nhiều phát minh kỹ thuật và khi cuộc sống người dân lại có vẻ dễ thở nhất nhờ sự suy yếu của triều đình trung ương. Yếu nhất trong cả ngàn năm lịch sử gần đây của Trung Quốc. Mà yếu quá thì gẫy! Kể từ đó Trung Quốc mới bị các dị tộc họ coi là man rợ ở chung quanh khuất phục, sau Liêu, Kim, Tây Hạ, Tây Tạng thì có Mông Cổ và Mãn Thanh cho đến năm 1911...

Khi nhớ lại xuất xứ bát tiên và Bồng Lai cảnh thì ta cũng nghĩ đến một tiền lệ là Trúc Lâm Thất hiền vào đời Tấn (năm 263) của con cháu Tư Mã Ý sau thời Tam Quốc.

Đời Tấn là khi ách độc tài lên tới đỉnh hắc ám nhất và một số trí thức bèn trốn vào rừng trúc. Thất hiền là tiêu biểu cho nền văn hóa ở ẩn mà thật ra là lánh nạn khi triều đình Khổng Nho được tái lập. Thế rồi trước sau, họ đều phải bỏ áo Lão khoác áo Khổng ra hợp tác với chính quyền cách mạng. Chỉ còn Kê Khang là chết thảm, một phần cũng vì tay các đồng chí đồng đạo cũ trong vườn Trúc Lâm. Đừng vội chê những kẻ như Sơn Đào, họ hòa giải hòa hợp với chế độ tham tàn để góp phần xây dựng đất nước!

Một ngàn năm sau, khi đất nước Trung Hoa đã mất chủ quyền sau đời Tống thì bậc đại trí nghĩ xa hơn vườn trúc mà dựng nên đảo Bồng Lai và cõi bất tử, với tám người đã thành tiên. Trong số này, người bất tử đầu tiên và đúng là số một, không phải là Lã Động Tân mà là Lý Thiết Quải.

Nôm na là Lý Nạng Sắt...

* * *


Mỗi thời lại có một truyền thuyết về nhân vật này, nhưng tựu trung về bi kịch thì chỉ vì một tên đệ tử... có hiếu.

Chẳng biết là sinh vào đời Chu hay thời Tiên Tần, hoặc đời Tống, nhân vật Lý Huyền hay Lý Ngưng Dương, Lý Hồng Thủy, Lý Nguyên Trung, có tên lúc nhỏ khá tiền định là Quải Nhi và có tự là Lý Khổng Mục. Chỉ biết rằng ông học đạo với chính Lão Đam, hay hóa thân của vị sư tổ này là Thái Thượng Lão Quân, và lên tới bậc phi phàm. Ông coi chuyện hình tướng là vô dụng, tiền tài là dép rách. Hơi có mùi thiên đường xã hội chủ nghĩa...

Một ngày kia, Lý Huyền xuất hồn lên trời gặp thầy và dặn đệ tử là canh cái xác phàm của mình trong một tuần bảy ngày thì sẽ về. Đến ngày thứ sáu thì tên đệ tử nóng ruột vì có bà mẹ vừa mất. Chữ hiếu là quan trọng nhất. Quay về cư tang là chuyện phải đạo. Nhưng sợ cái xác phàm của thầy bị phạm nên trước khi đi lại đốt cháy thành than.

Cho nên khi hồn vía Lý Huyền trở về thì mất hộ khẩu.

Lang thang mãi nên đành gia nhập hàng ngũ quần chúng nhân dân lao động, là mượn cái xác của một người hành khất vừa chết. Quyết định sáng suốt mà thê thảm.

Người ăn mày chỉ có một chân, cái đầu gớm ghiếc, bộ mặt ghê hồn và tóc tai bù xù dơ bẩn. Ở trên kia, thầy Lão Tử thương người đệ tử không may mà phóng xuống một vòng vàng để cuốn tóc cho gọn, và một cái nạng bằng sắt để di chuyển cho nhanh. Từ đó Lý Huyền mới có dáng dị nhân và cái tên là Lý Nạng Sắt...

Việc đầu tiên của Lý Thiết Quải là thi triển thần thông. Trút thuốc trong bầu hồ lô cứu sống bà mẹ của tên đệ tử hiếu đễ mà lơ đãng này, rồi đi hành hiệp khắp bốn phương để cứu giúp người nghèo khổ, những kẻ bị áp bức.

Ông xứng đáng là khuôn mặt của Trung Quốc... thời cách mạng. Mà thời thân mẫu nào của Trung Quốc chẳng là thời cách miệng?

* * *


Ngày nay, nếu ai có sợ dáng vẻ dị hợm của Trung Quốc thì đã có người nói đến từ tâm của Lý Thiết Quải. Truyền thuyết phổ biến là họ Lý này hơi nóng nẩy thô bạo nhưng thật ra thì Trung Quốc cũng biết thương người. Với hình tượng của kẻ bần cùng nhất, đến độ phải đi ăn mày, Trung Quốc vẫn kết một cái kiềng vàng rực rỡ trên đầu. Có nghĩ đến cái vòng kim cô trên đầu kẻ sĩ làm quan hay đảng viên cao cấp thì cũng chẳng sai.

Và dù có cụt chân thì khi nổi giận nạng sắt đã thừa sức phang tới Đông hải...

Phép phân tâm học đời nay có thể nhìn ra nhiều ý nghĩa tiềm ẩn như vậy trong một nếp văn hóa tập thể. Sau mấy trăm năm lầm than nơi Bồng Lai không hề có, Trung Quốc ngày đang mơ ngày hái quả. Họ gọi đó là quá hải....

______________________________________

 
Đôi điều ký chú đinh ninh: Chuyện cận đại "bát tiên quá hải" - và hai lần đụng quân Nhật mà bươu đầu sứt trán - có được kể rõ trong số Xuân Việt Báo năm nay. Nhân đây, người viết thay mặt các tác giả góp phần cho Báo Xuân, xin có lời cám ơn chung tới quí vị bạn đọc. Báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ, với chủ đề "60 Năm Di Cư Di Tản - Gốc Việt và Nước Mỹ Di Dân - Thế Hệ Thiên Niên Kỷ", 320 trang, bán lẻ chín Mỹ kim, dù không kèm bất cứ quà tặng nào, vẫn được bạn đọc khắp nơi nồng nhiệt hưởng ứng. Cho tới cuối tuần qua, số lượng báo xuân dành cho các đại lý, tiệm sách hiện đã bán ra hết và không thể tiếp tục cung cấp thêm. Trân trọng cáo lỗi. Báo xuân Việt Báo hiện chỉ còn số lượng giới hạn tại toà báo dành cho chợ Tết khai mạc cuối tuần này. Hẹn gặp quí vị trong chợ Tết.

Kính chúc Năm Giáp Ngọ Thái Hoà.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét