Thứ Hai, tháng 3 27, 2017

Thảm kịch Obama Care



Thanh Hà, Nguyễn Xuân Nghĩa RFI Ngày 170327

Do đâu chính quyền Trump không khai tử được Obamacare? 

 * Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Dân biểu Cộng Hòa Paul Ryan công nhận thất bại - Ảnh Reuters *


Hạ Viện Mỹ đã rút lại dự luật bảo hiểm y tế để thay thế cho luật gây nhiều tranh cãi, Obamacare hiện hành từ tháng 3/2010. Báo chí nói nhiều đến thất bại của cá nhân tổng thống Donald Trump, do ngày đầu bước vào Nhà Trắng, ông đã ký sắc lệnh để thay thế luật bảo hiểm y tế của người tiền nhiệm.

Với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, ngoài tổng thống Trump, thất bại vừa qua trước hết là một vố đau với chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ là quốc gia tiên tiến về nhiều mặt nhưng lại có hệ thống y tế khá lạc hậu, là điều bất ngờ. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế thì nếu so với các quốc gia đã phát triển, dân Mỹ tốn nhiều tiền nhất cho dịch vụ y tế tính theo lợi tức trung bình một đầu người mà lại thua kém nhiều xứ khác về phẩm chất, như về số người không có bảo hiểm y tế, về qũy trợ cấp y tế Medicare cho giới cao niên hay quỹ cấp cứu y tế Medicaid cho dân nghèo, là hai quỹ mắc nợ cao hơn khả năng trang trải. Điều ấy có nghĩa là nước Mỹ có hệ thống y tế kém hiệu năng và cần cải cách, vấn đề được nêu ra từ nhiều thập niên rồi.

Vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự bất tài của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm đó khiến đảng Dân Chủ thắng lớn và kiểm soát hành pháp lẫn hai viện của lập pháp. Nhờ vậy, đảng Dân Chủ đã thông qua và tổng thống Barack Obama ban hành từ tháng 3/2010 một văn kiện cực kỳ phức tạp là đạo luật về chế độ bảo dưỡng y tế mà khỏi cần lá phiếu Cộng Hòa và bị chống đối từ đó.

Nhưng sự thật lại không được như đảng Dân Chủ hứa hẹn vì sau mấy năm áp dụng đầy vấp váp thì bảo phí y tế đã tăng cùng ngân sách trợ cấp của chính quyền liên bang và nhiều tiểu bang. Đã thế nhiều hãng bảo hiểm rút lui không hoạt động nên thu hẹp sự chọn lựa của người dân. Vì vậy, đạo luật gây tranh luận trong bảy năm liền và cũng là một trong nhiều lý do khiến ông Donald Trump thắng cử với lời hứa là sẽ thu hồi và ban hành một đạo luật tốt hơn cho mọi người.

Ngày đầu tiên vừa nhậm chức, tổng thống Trump ký ngay sắc lệnh hành pháp nhằm đề ra thể thức lâm thời khi sẽ thu hồi đạo luật. Nhưng rốt cuộc thì việc thu hồi đạo luật lại thất bại thê thảm vào hôm Thứ Sáu 25 vừa qua.

RFI: Vậy đâu là những sai lầm của đảng Cộng Hòa và nhất là của chính tổng thống Donald Trump?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Y như đảng Dân Chủ đã đại thắng vào năm 2009, đảng Cộng Hòa cũng mắc bệnh chủ quan sau khi thắng lớn năm ngoái vì kiểm soát cả Hành Pháp lẫn hai viện bên Lập pháp và 33 ghế thống đốc của 50 tiểu bang. Lần này, tất nhiên các dân biểu nghị sĩ bên Dân Chủ đều chống lại việc thu hồi và thay thế đạo luật gọi là Obamacare. Nhưng điều bất ngờ cho lãnh đạo Cộng Hòa tại Hạ Viện là dự luật của họ lại gặp sự chống đối của nhiều dân biểu bảo thủ và những người thuộc xu hướng tự do tuyệt đối trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Số này cho là không thể cải thiện được luật Obamacare và mọi cải sửa chỉ duy trì tệ nạn cũ mà thôi.

Chính quyền Donald Trump cũng phạm sai lầm khi nhảy vào thuyết phục đôi bên trong Hạ Viện Cộng Hòa, với hậu quả là nếu nhượng bộ phe bảo thủ lại làm phe ôn hòa phật ý và dù có đa số là 237 dân biểu trong Hạ Viện có 435 ghế thì chỉ cần 22 người chống họ cũng không đủ đa số 216 phiếu.

Sau khi lãnh đạo Hạ Viện bên Cộng Hòa đình hoãn một ngày việc dự luật thay thế cho Obamacare – dời sang ngày Thứ Sáu 24/03/2017 thay vì Thứ Năm 23/03/2017, ông Paul Ryan tính ra là vẫn không đủ phiếu vì có mấy chục dân biểu Cộng Hòa lắc đầu nên đành quyết định rút lại dự luật.

Nhân vật bị chê trách về sự thất bại là công trình sư của dự luật là Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện Cộng Hòa. Nhưng Tổng thống Trump cũng cho thấy sự giới hạn về khả năng thuyết phục và mang vạ lây. Vì vậy, Chính quyền Trump  quyết định chuyển trọng tâm vào kế hoạch cải tổ thuế vụ và ngân sách nhằm kích thích kinh tế và tạo ra việc làm, trong khi sẽ để đạo luật Obamacare vận hành cho tới khi sụp đổ.

RFI: Nhưng liệu hệ thống bảo hiểm y tế ở Mỹ có thể sụp đổ không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta trở lại hiện trạng là Hoa Kỳ có hệ thống y tế kém hiệu năng vì giới chính trị ưa lăng nhăng với công quỹ. Lời giải thích dễ hiểu nhất là vì không thể chấp nhận sự kiện có chừng 30 triệu người không có bảo hiểm y tế mà lập ra chế độ mới cho toàn dân với bộ máy thư lại của nhà nước quản lý thì thể nào bảo phí cũng phải tăng. Ai sẽ chia sẻ mức gia tăng đó? 

Khi lại được Nhà nước trợ cấp thì sẽ có lạm dụng và các hãng bảo hiểm bị kẹt đã rút lui làm người dân mất quyền chọn lựa và thị trường mất thế cạnh tranh.

Trong khi đó ngân sách liên bang và tiểu bang cũng bị hao hụt vì nhu cầu trợ cấp y tế cho hai quỹ Medicare của giới cao niên và Medicaid của dân nghèo. Đảng Dân Chủ mị dân và đảng Cộng Hòa ngoan cố vừa mất cơ hội cải sửa, và trận đánh về chế độ bảo dưỡng y tế sẽ tiếp tục trước sự phán xét của cử tri trong cuộc bầu cử năm 2018 khi công quỹ tiếp tục bị hao hụt cho tới lúc phá sản vì nạn chuyển dịch dân số và người già sống lâu hơn sẽ cần nhiều yêu cầu y tế hơn.

Chi tiết kinh tế đáng chú ý mà bị báo chí lãng quên là dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ tại Hoa Kỳ đã giảm mạnh, nhưng các dịch vụ y tế thông thường lại tăng nhanh hơn lạm phát vì các dịch vụ loại này do hãng bảo hiểm hay Nhà nước thanh toán phần lớn!
_____



Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa 27/03/2017 Nghe

XIN TỪ TỪ CHUYỂN QUA FaceBook DainamaxForum.com đang thành hình từ Tháng Ba 2017

9 nhận xét:

  1. cuộc chiến giữa ObamaCare và trumpCare có vẻ căng thẳng nhỉ, nhưng chắc hẳn đa số mọi người đều nghiêng về phía ObamaCare, TrumpCare dễ bị bác bỏ và không được chấp thuận, dù cho Trump là tổng thống đi chăng nữa :v

    cách tạo mắt hai mí

    Trả lờiXóa
  2. Thưa ông, cho cháu hỏi, nếu Obamacare mà sụp đổ thì nó sẽ khủng khiếp như thế nào ?

    Trả lờiXóa
  3. Thuần về kinh tế, Obama Care sẽ sụp đổ vì nhiều lý do, trong đó có sự lưu manh của đảng Dân Chủ. Sau đấy may ra tình hình sẽ khá hơn. Em nên cẩn thận khi theo dõi báo chí Mỹ và báo chí Việt Nam làm thông ngôn cho Mỹ.

    Trả lờiXóa
  4. Trích : "Chi tiết kinh tế đáng chú ý mà bị báo chí lãng quên là dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ tại Hoa Kỳ đã giảm mạnh, nhưng các dịch vụ y tế thông thường lại tăng nhanh hơn lạm phát vì các dịch vụ loại này do hãng bảo hiểm hay Nhà nước thanh toán phần lớn!" Có lẽ đây cũng là một trong nhiều lý do để Obamacare mau sụp đổ vì công quỹ sẽ hết tiền mau hơn chăng ! khi mà guồng máy thư lại bất lực. không thể kiểm soát được sự chị thu đúng tiêu chuẩn của chính sách bao cấp rộng rãi của Obamacare ? (căn bệnh kinh niên của guồng mày thư lại bao cấp)

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh27/4/17 7:51 CH

    Muốn huỷ bỏ một đạo luật hay một chương trình bảo hiểm y tế thì trước hết phải đưa ra một chương trình mới để dự thảo và đi đến biểu quyết.
    Muốn đưa ra một dự luật mới phải mời những Chuyên gia về Y tế và Kinh tế soạn thảo và họ phải là những người trình bày dự thảo để thuyết phục lưỡng Viện, chứ không phải là Paul Ryan. Ông ta đã thất bại hay ông ta đã thất trách hay thoả hiệp?
    Đất nước có thể đi đến chỗ "con thuyền không bến" phần lớn là do những chính khách chỉ giỏi biết nói mà không biết cách làm và thiếu một tôn chỉ sâu sắc nên đâm ra dễ dàng thoả hiệp vì những lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm nhất thời.
    God bless Trump. God bless America.

    Trả lờiXóa
  6. Bác Nghĩa ơi,


    Dạo này Bác "lặn" mất tiêu trên trang này và cả GGA, mà muốn liên lạc để hỏi thì cháu chỉ biết trang này thôi. Không biết có tới được bác không nhưng đành chịu.

    Vừa rồi, Bộ Tài chính thì phải, có trình cho ông thủ tướng viêc sáp nhập hai sàn chứng khoán và dĩ nhiên sau đó là đặt cái duy nhất kia ở HN. Nếu được, xin bác phân tích cho việc này, có thể trong chương trình của RFA - diễn đàn kinh tế.


    Cháu cảm ơn bác và chúc bác sức khỏe dồi dào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì Hà Nội chặn các blogspot nên tôi phải dùng hai Facebook, xin hãy qua đó mà tìm hiểu:

      Của Xuân Nguyen là
      https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562

      Của DainamaxForum là
      https://www.facebook.com/Nghia72/

      Xóa