Thứ Ba, tháng 12 31, 2013

Chuyện Trăm Năm



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngưòi Việt 131230
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Cư an mà chẳng tư nguy...

* Đại chiến 1914 - trăm năm về trước... *



Cứ đến hết năm, cuối một chu kỳ 12 tháng, người ta lại kiểm điểm quá khứ để dự đoán tương lai dù tương lai không nhất thiết tái lập chuyện cũ.

"Lịch sử không để lại bài học nào, mà lại trừng phạt rất nặng những ai không hiểu lịch sử", hình như một tác giả người Nga nói như vậy. Vì càng nhìn sâu vào quá khứ càng dễ tìm ra một vài bài học, vào dịp cuối năm chúng ta cố nhìn xa hơn chu kỳ một năm.

Sao không nói chuyện trăm năm?

Trăm năm về trước, thế giới bất ngờ lao vào một trận đại chiến khiến chín triệu người chết từ 1914 đến 1918. Sau đó là nhiều thiệt hại nhân mạng khác, ở nơi khác. Cuối năm 1913, một người viết bình luận tại thủ đô thế giới thời đó là London đã nhìn thấy gì và có thể viết những gì?

Nhà bình luận không dám viết là sẽ có "Thế chiến I", trong ý nghĩa là sẽ có đại chiến thế giới - rồi sau đó lại còn Thế chiến II vào năm 1939! Sáng suốt hơn thì cũng xoay viễn vọng kính về quá khứ để nói chuyện trăm năm.

Trăm năm trước đó, đầu thế kỷ 19, Âu Châu vừa bị xuất huyết về cuộc binh đao thời Napoléon nên tìm đường hòa giải. Các nước không nhắm vào nhau mà cùng nhìn về một hướng, cùng phát triển thuộc địa. Đây đó mà có chiến trận thì cũng là ở xa, mãi tận Viễn Đông. Vậy mà chiến tranh Pháp Phổ vẫn bùng nổ vào năm 1870. Rút tỉa bài học, các nước đều đồng ý rằng khi đã là bạn hàng thì chẳng ai rút gươm nã đạn vào két bạc. Nhờ vậy mà các nước Âu Châu đã khôn ngoan buôn bán với nhau.

Nhìn từ thủ đô London vào năm 1913, kinh tế Âu Châu đã nhất thể hóa - chữ toàn cầu hóa chưa được phát minh. Thương thuyền, tầu hỏa vả cả đường dây diện thoại, tổ tiên của hệ thống Internet thời nay, cứ rộn ràng liên lạc với nhau. Cho nên, sau nhiều lầm lẫn và chiến chinh, năm 1913 mọi nguời đều có thể nghĩ rằng "thiên hạ thái bình" là chân lý.

Chỉ một năm sau thôi, toàn cầu bốc khói! Thế chiến I chưa kết thúc thì Đế quốc Nga đổi chủ qua "Cách mạng Tháng 10" vào năm 1917. Nước Đức đại bại bị ép thì dựng lại sức bật trên nền móng khác. Việc hồ hởi tái thiết tại Hoa Kỳ cũng thổi lên bong bóng và khủng hoảng 1929 kéo dài đã tạo điều kiện cho Thế chiến II....

Nghĩa là trăm năm về trước, bình luận gia ở London đã đoán trật. Sau đó, nước Anh nhường ngôi bá chủ cho Hoa Kỳ. Thế giới chuyển trục từ Âu qua Mỹ.

Tại nước Mỹ này, một nhà bình luận vào năm 1913 thì thấy những gì và tiên đoán ra sao?

Nhớ lời tổ phụ, đừng dây vào thiên hạ sự ở bên đó, nước Mỹ rạch ròi viết ra chủ thuyết Monroe, "Mỹ châu là của người Mỹ". Tây bán cầu hay cả lục địa Trung-Nam Mỹ là vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, các nước Âu Châu xin đừng bén mảng. Không chỉ tránh xa Âu Châu, Hoa Kỳ nhìn qua Châu Á và gõ cửa Nhật Bản bằng pháo hạm vào năm 1853. Quả nhiên là Nhật phải mở cửa canh tân thời Minh Trị.

Nhưng trong khi nước Nhật vươn lên thì Hoa Kỳ lại rơi vào trận Nội chiến thảm khốc nhất lịch sử còn son trẻ của xứ này. Chuyện thiên hạ, xin cứ để đó vì nước Mỹ cần tự hoà giải với chính mình và hoàn tất cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Vào thời ấy có nhà bình luận nào tại Hoa Kỳ dám ngờ là chỉ vài chục năm sau, Nhật Bản đã khai chiến và đánh bại Đế quốc Trung Hoa của nhà Mãn Thanh trong trận chiến Giáp Ngọ 1894? Rồi 10 năm sau thì Nhật đánh tan Hạm đội Nga ở Eo biển Đối Mã trong trận hải chiến mà các sử gia Âu Châu gọi là có tầm quan trọng tương tự như trận Trafalgar đúng trăm năm trước.

Chiến thắng đó của Nhật đã mở ra hy vọng cho Châu Á da vàng, dẫn tới Phong trào Đông Du tại Việt Nam và Cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc. Nhưng với nước Mỹ, đấy là chuyện quá xa, dù là nhìn từ Hawaii.

Vì thế giới hỗn mang như vậy, nên người Mỹ của trăm năm trước không muốn và cũng chẳng tin là mình sẽ can dự vào một cuộc chiến nữa tại Âu Châu. Vào cuối năm 1913, họ cũng đoán sai như vị đồng nghiệp ngồi ở London.

Mà chúng ta nên e là người Mỹ ngày nay chẳng khá hơn các bậc tiền bối của trăm năm về trước.

Sau Thế chiến I, từ vòng ngoài của trung tâm thế giới là Âu Châu, Hoa Kỳ vượt lên thành đại cường trước sự tan rã của các Đế quốc Hung-Áo, Đức, Nga, Ottoman. Nhưng ít ai tin là nước Đức lại nổi lên thống trị Âu Châu và bắt tay với Đế quốc Xô viết trong Thế chiến II. Chẳng ai đoán là Hoa Kỳ dân chủ lại kết hợp với Liên Xô Cộng sản để đánh gục nước Đức và nhường phân nửa Âu Châu cho Stalin. Cũng ít ai ngờ là bên kia biển Thái Bình, Đế quốc Nhật lại tấn công hạm đội Hoa Kỳ vào cuối năm 1941. Vì thế, cũng ít ai tin rằng Hoa Kỳ sẽ dội bom nguyên tử lên đầu nước Nhật rồi hợp tác với Đức với Nhật như đồng minh chiến lược trong suốt thời Chiến tranh lạnh, cho đến ngày Liên Xô tan rã, Âu Châu tái thống nhất thành một khối với nước Đức là cốt lõi.

Như giới bình luận Anh thời trước, rút tỉa các bài học bất ngờ của lịch sử trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ ngày nay cũng tin rằng đã buôn bán với nhau thì chẳng ai muốn gây chiến. Kinh tế toàn cầu hóa là giải pháp khôn ngoan.

Quả thật là vào thời điểm 2014, Chiến tranh khó tái diễn vì Nga Tầu Nhật gì thì cũng đầu tư buôn bán với Âu-Mỹ và với nhau. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa hiếu hòa và doanh gia là thành phần phản chiến nhất!

Nhưng còn thế giới Hồi giáo?

Sau chục năm can dự lung tung, Hoa Kỳ đã ra khỏi Iraq và sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, và đánh câu đại xá để các nước giải quyết lấy xung đột của họ, từ Syria qua Lebanon, từ Libya tới Iran. Hoa Kỳ cười cầu tài và treo miễn chiến bài với thiên hạ. Vào dịp cuối năm, người Mỹ càng thấy rằng việc đó là đúng.

Các nước kia, từ Egypt đến Lebanon hay Liên bang Nga, bị khủng bố Hồi giáo đánh bom tự sát hay Trung Quốc ra tay đàn áp tộc Hồi tại Tân Cương càng khiến Hoa Kỳ muốn gom quân kéo về và hòa giải với mọi cường quốc gần xa.

Nhưng đấy mới là mầm loạn và chiến tranh càng dễ xảy ra, như trăm năm về trước.

Trong thế giới cứ gọi là toàn cầu hóa và thịnh vượng, có nhiều nước không được thịnh vượng và còn chối bỏ quy cách làm ăn toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa duy vật không có giá trị tâm linh và phải bị đánh đổ. Khủng bố Hồi giáo nằm trong mạch lý luận đó và với chủ trương "Thánh Chiến" còn khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc trong từng cộng đồng Hồi giáo.

Trong thế giới phồn vinh còn lại, nhiều người cũng thất vọng với kinh tế tự do và thiên về giải pháp bảo hộ mậu dịch. Đèn nhà  nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ. Và chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang được khai thác để phá vỡ hội nhâp, như tại Âu Châu. Hoặc để giành lại quyền tự trị, quyền độc lập, như tại Nga, hay bên Tầu. Ngay tại Đông Á, hai cường quốc lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều thi đua ái quốc bằng hạm đội ngoài biển...

Thế chiến I bùng nổ tại Âu Châu không vì một Đại công tước bị ám sát trong vùng Balkan mà vì chủ nghĩa quốc gia đã tạo ra nhiều chuyển động ngầm dưới mấy tầng địa chất của thời sự phù du. Những gì đang xảy ra ngày nay, trước sự thản nhiên của nước Mỹ, không nhất thiết dẫn tới chiến tranh. Nhưng ai đảm bảo là mình đoán đúng?

Cư an mà không tư nguy là sẽ gặp nguy?

Thứ Năm, tháng 12 26, 2013

Vì Sao Đoán Trật?

Nguyễn-Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng, RFA Ngày 131225
"Diễn đàn Kinh tế"


000_Hkg3450821.jpg-305.jpg
* Nhân viên một ngân hàng tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc đang xếp đôla Mỹ bên cạnh đồng Nguyên - AFP PHOTO *



Trong năm năm qua, kể từ vụ khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ, giới nghiên cứu kinh tế đưa ra nhiều dự đoán, nổi bật nhất là sự suy sụp của nước Mỹ, bên cạnh là sự lớn mạnh của các nền kinh tế đang lên, đứng đầu là Trung Quốc. Cuối cùng thì các dự báo đó đều sai. Tuần qua, kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng vọt trong khi các nền kinh tế đang lên, từ Trung Quốc đến Liên bang Nga hay Brazil, Ấn Độ đều gặp nhiều khó khăn. Trong loạt bài tổng kết cuối năm với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao mà nhiều người lại đoán trật....

 

Kinh tế Mỹ phục hồi

Vũ Hoàng: Thưa ông Nghĩa, đến tuần qua thì người ta có dấu hiệu là kinh tế Hoa Kỳ đã thật sự phục hồi với đà tăng trưởng của Quý Ba quy ra toàn năm đã vượt 4% và Ngân hàng Trung ương khởi sự tiết giảm biện pháp kích thích làm thị trường cổ phiếu tăng vọt lên đỉnh mới. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế thuộc loại đang phát triển lại chìm sâu trong khó khăn. Khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính năm năm trước đây, người ta dự đoán Mỹ trôi vào chu kỳ suy thoái và bị kinh tế Trung Quốc qua mặt trong vài năm tới. Bây giờ thì sự thể lại đảo lộn cho nên trong loạt tổng kết cuối năm, xin nêu câu hỏi là vì sao mà người ta lại có những dự báo sai lầm như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết về Hoa Kỳ thì đây là nơi xuất phát nhiều công trình chửi Mỹ nhất, mà không chỉ từ vụ khủng hoảng tài chính rồi nạn suy trầm kinh tế vào năm 2008-2009, tiếp theo là sự hỗn loạn trên chính trường về chi thu ngân sách. Nếu bên ngoài nhìn sự thể phiến diện thì cho là Hoa Kỳ hết thời và sẽ bị thiên hạ qua mặt, chứ thật ra, xã hội Mỹ có đặc tính biến báo hơn hẳn các nền kinh tế lớn khác. Tôi xin đơn cử vài ví dụ dễ so sánh như sau.

Biện pháp bơm tiền để kích thích kinh tế làm sụt giá đô la khiến thế giới coi thường đồng bạc xanh nên chẳng thấy là nhờ đó doanh nghiệp Mỹ có sức cạnh tranh cao hơn. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Bị khủng hoảng vì mắc nợ quá cao, dân Mỹ trả nợ nhanh và nhiều hơn khối công nghiệp kia, là Âu Châu và Nhật Bản. Biện pháp bơm tiền để kích thích kinh tế làm sụt giá đô la khiến thế giới coi thường đồng bạc xanh nên chẳng thấy là nhờ đó doanh nghiệp Mỹ có sức cạnh tranh cao hơn. Mà các doanh nghiệp đều phải sáng tạo để cải tiến năng suất bằng kỹ thuật mới và quả nhiên là thành công khi người ta còn than vãn về nạn thất nghiệp. Chuyện thứ tư là cách mạng dầu khí với hai loại công nghệ gạn cát và đào ngang đã nâng sản lượng và giảm chi phí về xăng dầu. Nhờ đó, khu vực chế biến Mỹ chiếm ưu thế mới, trái với lý luận tiêu cực về nạn đầu tư ra ngoài để có nhân công rẻ. Hoa Kỳ là nơi sẽ thu hút đầu tư vì có doanh lợi cao hơn nhiều trị trường khác.

- Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ là nên thận trọng với hai nhược điểm liên hệ đến chính trị. Thứ nhất là trong sự xoay chuyển quá nhanh như vậy, doanh lợi cao của giới đầu tư so với đa số có thể gây vấn đề về công bằng xã hội và dẫn tới lý luận đấu tranh giai cấp rất dễ bị khai thác. Thứ hai là Hoa Kỳ chưa hết bài toán bội chi và nhà nước đi vay. Nhờ kinh tế hồi phục, các chính khách mị dân có thể lại đòi tăng chi và đi vay nữa. Đó là về sự mạnh yếu của Hoa Kỳ.

Vũ Hoàng: Thưa ông, về các nền kinh tế khác thì sao? Lý do nào khiến người ta đã dự đoán sai?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mình có thể lần lượt nhắc lại chuyện cũ để thấy việc đoán sai như vậy là quy luật phổ biến làm nhiều người hiểu sai từ cả nửa thế kỷ chứ không  phải là bây giờ.


000_Was7208112-250.jpg
Bên ngoài Quốc Hội Mỹ chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, ngày 21 tháng 1 năm 2013 tại Washington, DC. AFP PHOTO / Stan HONDA.


- Trước hết, là thời Chiến tranh lạnh, không thiếu gì kẻ tuyên truyền thiên tả và học giả uyên bác của Mỹ đã báo trước Liên Xô sẽ bắt kịp và vượt Hoa Kỳ. Họ dựa trên đà tăng trưởng rất cao của thập niên 60 rồi phóng vào tương lai theo đường thẳng mà không thấy kinh tế Xô viết có vấn đề từ những năm 70. Và hai chục năm sau là tự sụp đổ lên chính nó. Đến năm 2008, có người lại lầm nữa khi nghĩ là với giá dầu thô vượt quá trăm đồng, Liên bang Nga lại là đại cường kinh tế. Thật ra nước Nga tụt hậu thành xứ chậm tiến chỉ biết đào đất bán tài nguyên mà không hiện đại hóa và đa năng hóa cơ chế kinh tế. Khi giá nhiên liệu sút giảm, mà sẽ giảm, kinh tế xứ này từ suy trầm sẽ suy thoái. Lý do dự đoán sai là vì đánh giá sai vai trò của tài nguyên, khả năng quản lý của nhà nước và sự tuyệt vọng quá lớn của người dân. Sau đó là dự báo sai về Âu Châu.

Vũ Hoàng: Quả thật là đã có thời mà người ta cho rằng mô hình phát triển Âu Châu có vẻ cân đối và ổn định hơn những xoay chuyển quá nhanh của Hoa Kỳ. Thưa ông vì sao như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đấy là vào đầu thập niên 70, khi Hoa Kỳ xuất huyết với cuộc chiến tại Việt Nam, rồi lãnh đòn phong tỏa dầu khí của Trung Đông rồi sai lầm với chính sách kinh tế khiến lạm phát tăng vọt. Khi đó, người ta nói về sự bải hoải hay "malaise" của nước Mỹ và cho rằng Âu Châu mới là nơi cuộc sống đẹp vì chú ý đến phẩm hơn lượng. Lúc đó, mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Bắc Âu mới là lý tưởng. Sự thật lại không hẳn như vậy vì chế độ bao cấp Âu Châu đã tích lũy nhiều vấn đề, làm tăng thất nghiệp và giảm sức cạnh tranh. Lý do dự đoán sai vẫn nằm trong cách đánh giá quá cao vai trò can thiệp của nhà nước vào kinh tế. Đấy cũng là lý do mà mươi năm sau người ta tiên đoán sự thắng thế của Nhật Bản.

 

Vài chục năm đoán sai một lần?


Vũ Hoàng: Thưa rằng nếu nhớ lại thì sau thời Tổng thống Jimmy Carter, lạm phát tại Hoa Kỳ từ 14% và thất nghiệp từ hơn 10% lại giảm mạnh và kinh tế Mỹ đã có mức tăng trưởng rất cao. Nhưng cũng vào lúc đó thì lại có lời tiên đoán về sức bật của Nhật Bản, thậm chí lời cảnh báo về việc Nhật Bản đang mua đứt nước Mỹ và thành bá chủ kinh tế toàn cầu. Vì sao họ lại đoán vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là câu hỏi này rất hay vì sau khi bi quan trước sự lớn mạnh của Liên Xô rồi Âu Châu, nhiều nhà nghiên cứu nhìn về Châu Á cũng với sự lầm lạc đó.


Khi bị khủng hoảng kinh tế thì nền dân chủ có lợi thế sửa sai cao hơn ách độc tài nhờ sự tham dự của mọi tác nhân kinh tế. Chính là việc tranh luận về cách sửa sai đó là khác biệt giữa thịnh và suy. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Đầu tiên, họ cho là tư bản chủ nghĩa kiểu Nhật có ưu điểm cân bằng và ổn định hơn kiểu Mỹ. Lý do là hệ thống Nhật dựa trên sự phối hợp giữa doanh nghiệp và ngân hàng với bộ máy hành chính, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của chính quyền. Ba chân kiềng của các tập đoàn tư doanh, bộ máy hành chính và chính quyền đã giúp Nhật tập trung công sức thành mũi nhọn. Vì vậy dân Mỹ mới được báo động rằng Nhật Bản sẽ làm chủ đầu tư trên thị trường Hoa Kỳ.

- Sự thật thì sau đó kinh tế Nhật bị khủng hoảng vì bể bóng đầu cơ và trải qua hai chục năm suy trầm cũng vì ưu thế gọi là ổn định của họ. Nhật Bản không dám mạnh tay cải cách và phá vỡ ung nhọt tích lũy từ nhiều thập niên về trước. Mãi đến năm nay, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe mới có quyết định khá táo bạo với kết quả khả quan hơn. Lý do dự đoán sai lầm vẫn là vì quá lạc quan về sự can thiệp và phối hợp của nhà nước. Sai lầm đó tiếp tục khi người ta nói về kinh tế Trung Quốc là nơi mà nhà nước là chủ đầu tư số một và dù kinh tế nhà nước độc tài thì cũng lấy quyết định hợp lý hơn là thị trường bát nháo như ở Hoa Kỳ.

Vũ Hoàng: Khi ông nhắc lại như vậy, chúng ta thấy cứ vài chục năm thì giới kinh tế lại đoán sai một lần, nào là về Liên Xô, Âu Châu, về Nhật Bản và Trung Quốc, mà lần nào cũng nói trước là Hoa Kỳ sẽ lụn bại. Trong khi thực tế thì nước Mỹ đổi thay liên tục mà các nước kia mới sa sút. Chúng ta đi tới chuyện ngày nay là đối chiếu dự đoán với thực tế. 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện ngày nay là người ta đoán sai về sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Lồng trong đó, khi ba khối Âu-Mỹ-Nhật bị suy trầm thì báo trật về sức bật của các nền kinh tế đang lên, như nhóm BRIC là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Người ta cũng đoán sai về giá thương phẩm theo lối tính bi quan về số cung có hạn làm giá sẽ tăng nên mới cho là xứ nào có tài nguyên thì sẽ giàu to, v.v....



000_DV531849-305.jpg
Từ trái sang: Chủ tịch Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil, Nga Dmitry Medvedev của Nga, Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc, và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bắt tay tại Yekaterinburg, Nga hôm 16/6/2009, trước một cuộc họp của BRIC. 
 
- Trước hết, từ hai năm qua, khối BRIC đó mới lụn bại nhất và chưa hết khó khăn. Thứ hai, Việt Nam cứ theo Trung Quốc là dựa vào trí tuệ có hạn của chính quyền và kinh tế nhà nước đã đi từ khủng hoảng này qua khủng hoảng khác, cũng với núi nợ chất đống và bong bóng đầu cơ bị bể. Thứ ba, một số nước có tránh khỏi tai họa đó vì từng bị khủng hoảng và nghiến răng cải cách. Họ chấp nhận rủi ro bất ổn của nền dân chủ, không dựa vào kho tài nguyên dưới lòng đất mà tin vảo khả năng cải tiến của người dân. Khả năng đó khiến xã hội tìm ra giải pháp thích hợp và nhà nước tạo điều kiện thử nghiệm với một sân chơi bình đẳng cho mọi người. 

- Thí dụ nổi bật nhất là Đài Loan và Nam Hàn, đã tự dân chủ hóa từ trước, rồi khi bị khủng hoảng thời 1997 thì triệt để cải cách. Theo sau, có trường hợp Philippines và Indonesia với triển vọng sáng láng hơn cả ở Đông Nam Á. Ngoài khu vực Đông Á thì phải nói đến xứ Chile, cũng đã cải cách kinh tế rồi chính trị nên xã hội ổn định và người dân giàu gấp bội so với xứ Brazil có nhiều tài nguyên hơn.
Sau cùng thì nói cho công bằng, không phải là ai cũng đoán sai về sự thịnh suy hay thăng giáng của các nước, vì có nhiều người nói ngược mà ít ai nghe!

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, vì sao lại có những dự đoán sai lầm như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ là ta nên phân biệt hai trường hợp gian ý và chân tình. Gian ý là loại con buôn đã lũng đoạn thị trường thông tin với dự báo sai, miễn là để thu hút thân chủ đầu tư vào các thị trường họ có chân đứng. Họ đánh trống hô hào rằng bên kia sông là ánh mặt trời để kêu gọi người người bỏ vốn. Kinh tế học gọi đó là phản ứng bầy đàn, nhưng trước tiên là phải có kẻ cố tình tô hồng sự thật. Trung Quốc giỏi chi tiền cho nghệ thuật quảng cáo đó nhờ các doanh nghiệp đang làm ăn với họ, mà quảng cao về chính trị chỉ là tuyên truyền.

- Chân tình là những người tin thật vào cái lẽ tất thắng của một số yếu tố như đất đai, tài nguyên, nhân công hay khả năng can thiệp sáng suốt của nhà nước. Họ tin thật chứ chằng muốn lừa gạt ai mà kết luận sai vì thiếu tầm nhìn sâu và rộng.

- Lý do ở đây là bất cứ một xứ chậm tiến nào cũng có thể học được vài bí quyết của các nước tiên tiến để vượt lên, nhờ đó mà có mươi mười lăm năm khá giả hơn xưa. Nếu cứ chỉ nhìn vào bước nhảy vọt đó thì ta dễ đoán sai vì phóng một đường tuyến giai đoạn vào tương lai trường kỳ. Trong khi thực tế lại khắt khe hơn vậy.

Vũ Hoàng: Ông nói thực tế khắt khe hơn vậy có nghĩa là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:  Tôi xin cố giản lược hóa ở vài ý. Thứ nhất, khi kinh tế có tăng trưởng so với thời trước thì ta phải đếm ra cái được và khấu trừ đi cái mất để có đà tăng trưởng đó. Đo đếm sự được mất này có nghĩa là phải nhìn trên toàn cảnh và về dài, và để thấy ra phẩm chất. Nếu đạt mức tăng trưởng 7-8% mà lại thổi bong bóng, gây ra tham ô, bất công, hay ô nhiễm môi sinh thì kinh tế vẫn không có tương lai và người dân không có thịnh vượng. Thứ hai, chế độ độc tài mà dựng ra nền tư bản nhà nước thì cũng chỉ phất được vài thập niên mà thôi. Và sau cùng, khi bị khủng hoảng kinh tế thì nền dân chủ có lợi thế sửa sai cao hơn ách độc tài nhờ sự tham dự của mọi tác nhân kinh tế. Chính là việc tranh luận về cách sửa sai đó là khác biệt giữa thịnh và suy.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài tổng kết này.


Thứ Ba, tháng 12 24, 2013

Nền Kinh Tế Cưỡi Cọp Của Trung Quốc


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 131223
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Chuyện kinh tế khi con cọp Chu Vĩnh Khang bị vật....
 
Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân mở đường cho Tập Cận Bình đi giết cọp







 





Từ lâu, người viết thường nói rằng việc quản lý kinh tế Trung Quốc cũng tựa như cưỡi xe đạp, xe không lăn bánh thì đổ. Bây giờ thì có lẽ phải điều chỉnh lại là cưỡi lưng cọp. Vất vả không kém mà nguy hiểm gấp bội - vì bước xuống là bị cọp vồ. Khi tổng kết cuối năm về chuyện kinh tế, xin được nói về hiện tượng đó....

Mọi sự khởi đầu, hay kết thúc, với tin Chu Vĩnh Khang sẽ lãnh án tử hình.

Sinh năm 1942, cho đến Đại hội 18 vào cuối năm ngoái họ Chu là một trong chín ủy viên của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ chế quyền lực cao nhất đảng Cộng sản Trung Hoa. Là Trưởng ban Chính Pháp Trung ương, Chu Vĩnh Khang chỉ huy mạng lưới tòa án lẫn hai bộ Công an và Quốc an. Công an là bộ Nội vụ. Quốc gia An toàn bộ thì phụ trách hệ thống tình báo và phản gián. Một nhân vật quyền thế như vậy mà bị tống giam và điều tra, như vừa xác nhận hồi đầu tháng, và nay mai thì sẽ có tin là bị án tử hình!

Chuyện còn lạ hơn vụ Jang Song Thaek (Trương Thành Trạch) bị người cháu là lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân bắt giữ, truy tố và hành quyết nội trong hai ngày vào hôm 12 vừa qua. 

Từ khi đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949, chưa khi nào có chuyện thanh trừng bằng luật pháp lên đến cấp cao như vậy. Hơn hẳn vụ kết án Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ vào năm 2006, Bộ trưởng Hỏa Xa Lưu Chí Quân bị tử hình hồi Tháng Bảy vừa qua, hay nguyên Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai bị cách chức đầu năm ngoái rồi ra tòa và lãnh án tù chung thân vào Tháng Tám vừa rồi. Ly kỳ hơn vậy là lý do kết án họ Chu: tham nhũng. 

Trùm an ninh và tình báo mà lại liên hệ đến số tiền vĩ đại là 100 tỷ đồng Nguyên, bằng 16 tỷ Mỹ kim? Tại sao vậy?

Thì kinh tế cũng là chính trị!

***


Trước khi có tin Chu Vĩnh Khang bị bắt, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia CNPC là Tưởng Cát Mẫn và năm đảng viên cao cấp khác trong ngành dầu khí đã bị điều tra. Tưởng Cát Mẫn vừa rời ngành dầu khí lên làm Trưởng ban Cải cách và Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước SASAC có mấy tháng thì vào tù. Đi theo là nhiều đàn em trong khu vực năng lượng, các đảng viên đã quản lý hai giếng dầu lớn nhất là Đại Khánh tại tỉnh Hắc Long Giang và Thắng Lợi ở tỉnh Sơn Đông và tổ hợp tài chánh Côn Luân của doanh nghiệp CNPC. CNPC là tập đoàn dầu khí số một của Trung Quốc, quản lý một tài sản hơn 480 tỷ đô la và cả PetroChina, doanh nghiệp có kết giá tài sản đứng hàng thứ nhì thể giới, chỉ sau ExxonMobile của Mỹ.

Mà họ Tưởng này lại là thuộc cấp ngày xưa, và đàn em ngày sau, của Chu Vĩnh Khang.

Trước khi làm trùm an ninh, họ Chu là chuyên gia dầu khí, đã lập thành tích quản lý năng lượng, làm Thứ trưởng về Dầu khí, Chủ tịch CNPC, Bộ trưởng Điền thổ và Tài nguyên Quốc gia rồi Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, một khu vực giàu năng lượng và bao trùm lên thành phố Trùng Khánh.

Năm ngoái, khi quyết định kỷ luật Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang là ủy viên duy nhất của Thường vụ Bộ Chính trị đã bỏ phiếu chống và gây ra nhiều suy luận về sự cấu kết giữa hai người, và cả tin đồn là họ dự tính tiến hành đảo chánh.... Phải chăng khởi đi từ việc hạ bệ Bạc Hy Lai vào đầu năm ngoái, hai năm thanh trừng chính trị đã  tạm kết thúc với việc kết án Chu Vĩnh Khang vào cuối năm nay?

Vì chính trị cũng là kinh tế, chúng ta cần nhìn sâu hơn vậy.

Qua vụ tống giam các đảng viên cao cấp của ngành năng lượng, người ta được biết là việc điều tra ngấm ngầm đã khởi sự từ năm 2011. Mục tiêu chính thức là diệt trừ tham nhũng, y như vụ Trần Lương Vũ ở Thượng Hải hay Lưu Chí Quân trong Bộ Hoả Xa, và đấy là phương châm được Tập Cận Bình phổ biến sau khi lên lãnh đạo: đánh cả cọp chứ không chỉ đập ruồi. Cọp là các ông kễnh trong mạng lưới tham nhũng.

Nhìn vào chiến lược kinh tế thì mới thấy rằng mục tiêu thật lại còn xa hơn vậy.


***
Từ thời Cách mạng kiểu Mao, kỹ nghệ nặng và năng lượng được coi là xương sống của kinh tế xã hội chủ nghĩa và các đảng viên phụ trách về dầu khí đều là đại công thần. Một nhân vật khét tiếng là Tướng Dư Thu Lý, Ủy viên Bộ Chính trị, lên cầm đầu hệ thống dầu khí từ thành tích khai thác giếng dầu Đại Khánh. Họ Dư được coi là thủ lãnh của "phái dầu khí" trong hệ thống quyền lực cho tới khi bị Đặng Tiểu Bình đánh bạt vì chủ trương bảo thủ và duy trì thế độc quyền của nhà nước. Sau đó, khu vực dầu khí bị phân tán thành ba tập đoàn để giảm bớt thế lực.

Nhưng từ hai chục năm nay, khi dầu khí lại trở thành nhu yếu phẩm cho kỹ nghệ hóa, các lãnh tụ thời cách mạng được dần thần thay thế bởi chuyên gia về dầu khí, như Tăng Khánh Hồng hay Chu Vĩnh Khang. Họ lặng lẽ xây dựng lại thế lực, và qua ba đợt chuyển quyền từ Đại hội 14 vào năm 1992, luôn luôn vận động để có một người lên tới Thường vụ Bộ Chính trị ở trên cùng. Bên dưới thì có nhiều người giữ vị trí trọng yếu ở các tỉnh và trong Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ. Phái dầu khí này hỗ trợ nhau để thời nào cũng có ảnh hưởng. Người lên tới tột đỉnh là Chu Vĩnh Khang còn nắm bộ máy an ninh, tình báo – và nhiều hồ sơ nhạy cảm của trung ương.

Chiến lược kinh tế Trung Quốc lấy đầu tư làm đầu máy tăng trưởng bất kể tới nạn tham ô lãng phí. Đó là nền kinh tế đi xe đạp và đạp xe chậm thì đổ, tăng trưởng thấp thì khủng hoảng. Sự bất công của chiến lược là đảng viên ở trên uống sâm cho nhân dân ở dưới đạp xe. Vì vậy xứ này có nhiều tỷ phú nhất thế giới trong khoảng thời gian ngắn nhất, mà cũng bị động loạn nhiều nhất khi quần chúng bất mãn biểu tình phản đối đảng viên cường hào ác bá và đại gia tham nhũng.

Chiến lược kinh tế có tính chất trưng thu và bóc lột đó khiến lãnh đạo rơi vào hoàn cảnh cưỡi lưng cọp và có ngày bị cọp vồ là khi dân chúng nổi loạn, như đã từng thấy trong lịch sử.

Chính là vì vậy mà ba thế hệ lãnh đạo nối tiếp, từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào rồi Tập Cận Bình, đã lần đầu tiên nhất trí là phải cải cách, nếu không thì đảng bị khủng hoảng. Mà việc cải cách phải khởi sự từ bên trong, từ bên trên, là triệt hạ các thế lực cứ liên thủ với nhau để duy trì nguyên trạng và bảo vệ quyền lợi. Một trong các thế lực đó là phái dầu khí và phe an ninh của Chu Vĩnh Khang.

Có thể là hệ thống lãnh đạo có quyết định này trước Đại hội 18, vì không họp Bộ Chính trị mà mở ra hội nghị bán chính thức tại Bắc Đới Hà vào cuối Tháng Năm 2012. Đây là loại hội nghị xa xưa từ thời Mao mà rất hiếm sau này, khi lãnh đạo trung ương và địa phương cùng các lão đồng chí đã về hưu gọi nhau đi nghỉ mát ngoài ven nước. Nơi đó, họ bàn thảo chuyện quốc sự bên ngoài sự theo dõi của bộ máy thông tin và tình báo hiện hành.

Chúng ta có thể liên tưởng đến chuyện ngũ đại gia của Mafia không họp tại New York mà đi nghỉ mát ở Florida, ngoài hệ thống thông tin và bảo vệ đã "có vấn đề". Khi trở về thì họ giải quyết vấn đề!

Việc Tập Cận Bình giáng cấp Trưởng ban Chính Pháp Trung ương ra khỏi Thường vụ Bộ Chính trị, đưa một chuyên gia tài chánh là Vương Kỳ Sơn lên vị trí Trưởng ban Kỷ luật và Giám sát trong Thường vụ Bộ Chính trị để thanh trừng đảng viên tham nhũng và lập ra Hội đồng An ninh Quốc gia để tập trung quyền lực cho thấy là vụ Chu Vĩnh Khang mới chỉ là màn đầu.

Màn kế tiếp là lần lượt phá vỡ các thế lực cưỡng chống việc chuyển hướng kinh tế. Chuyện an ninh quốc gia chính là an ninh của đảng, tiết mục đáng theo dõi trong năm tới....

Thứ Năm, tháng 12 19, 2013

Cải cách Chính trị tại Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 131218
Diễn đàn Kinh tế
 
Tập trung quyền lực về trung ương rồi mới xoay 
 
 
000_Hkg7053994-305B.jpg
* Nhân dân Đại sảnh đường trong một kỳ họp Đảng CS Trung Quốc, ảnh minh họa - AFP PHOTO / Ed Jones* 


Trong loạt bài tổng kết cuối năm và tìm hiểu về viễn ảnh năm tới, kỳ này mục Diễn đàn Kinh tế sẽ nói về những vấn đề chính trị của Trung Quốc khi phải chuyển hướng kinh tế trong các năm tới. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng đặt vấn đề với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Chuyển hướng để điều chỉnh

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa và kỳ này, chúng ta tiếp tục tổng kết về tình hình kinh tế năm 2013 sắp chấm dứt và về viễn ảnh của năm 2014. Trong nhiều kỳ trước đây, ông đã nói đến nhu cầu phải chuyển hướng và điều chỉnh của kinh tế Trung Quốc, như lãnh đạo mới của họ đã cho biết sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ thứ ba thuộc khoá 18 vào tháng trước. Ông nghĩ sao về nỗ lực này nếu tổng kết về kinh tế Trung Quốc sau một giai đoạn tăng trưởng dài?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được phép đặt vấn đề như thế này hầu ta hiểu rõ hơn về nhu cầu chuyển hướng để điều chỉnh của Trung Quốc. 

- Hàng ngày hay hàng tuần, ta phải theo dõi tin tức về kinh tế và chính trị để tường thuật nên quá chú ý vào chuyện trước mặt mà không đặt những thăng trầm nhất thời như vậy vào một bối cảnh dài. Thứ hai, khi kiểm lại kết quả về dài, ví dụ như kinh tế Trung Quốc có đà tăng trưởng là 9-10% hay như Việt Nam có lúc tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm liền, thì lại tưởng tình trạng khả quan ấy sẽ kéo dài mà khó thấy bước ngoặt. Thứ ba, khi nhìn rộng ra ngoài và với lợi thế là kiểm điểm lại quá khứ và so sánh được với các nền kinh tế khác, thì người ta đều có thể thấy rằng nhiều quốc gia đều có giai đoạn tăng trưởng cao rồi đến một khúc quanh là phải chuyển hướng. Vì nhiều lý do chủ quan, truyền thông quốc tế lẫn quốc nội của Trung Quốc lầm tưởng rằng kinh tế xứ này là một sự kỳ diệu, một phép lạ và đà tăng trưởng ấy kéo dài mãi để cuối cùng thì họ sẽ vượt Hoa Kỳ để có nền kinh tế số một thế giới trong mấy năm tới. Sự thật thì như nhiều nước đi trước, Trung Quốc đã đến lúc điều chỉnh, nếu không thì cỗ xe sẽ lật và xứ này sẽ bị khủng hoảng.

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì người ta có thể thấy trước chiều hướng thăng trầm hay lên xuống của một nền kinh tế nếu nhìn trong trường kỳ và nếu so sánh với các nền kinh tế đã từng có giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục như vậy. Xin ông đơn cử cho một vài thí dụ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có nhiều ví dụ lắm. Gần đây là trường hợp Nhật với tiềm năng rất lớn đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước mà vì không mạnh mẽ điều chỉnh họ bị hai chục năm suy sụp cho đến nay. Trước đó chính là kinh tế Liên bang Xô viết trong nhiều thập niên sau Thế chiến II đã tăng trưởng mạnh làm thế giới cho là sẽ bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ. Khác với Nhật Bản dù sao là một xứ dân chủ, Liên Xô không điều chỉnh được nên mới tan rã cách nay 25 năm, gần như cùng lúc với sự suy sụp của Nhật Bản. Một trường hợp khác là Nam Hàn, cũng có 20 năm tăng trưởng rồng cọp rồi bị khủng hoảng. Nhưng khi rơi vào bước ngoặt đó, xứ này đã cải cách rất mạnh, còn mạnh hơn Nhật Bản, nên đã sớm vượt qua nguy khốn và một lý do quan trọng là trước đó họ đã có cải cách chính trị theo hướng dân chủ hơn. Nói vắn tắt thì mọi nền kinh tế Âu, Mỹ, Nhật hay Trung Nam Mỹ, đều có được mươi năm hay vài chục năm tăng trưởng cao mà trước sau thì cũng phải chuyển hướng và dễ thành công trong sự điều chỉnh nếu có hệ thống pháp quyền nhà nước và một cơ chế dân chủ. Trung Quốc hay Việt Nam cũng vậy.


000_Hkg7169525-305.jpg
Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 11 tháng 4 năm 2012.


Vũ Hoàng: Chúng tôi vẫn xin hỏi thêm một điều vào dịp tổng kết này là liệu ta có thể rút tỉa một vài quy luật về sự chuyển hướng sau một giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là có và ta nên thường xuyên nhắc tới điều này để lãnh đạo đừng chủ quan lầm tưởng rằng mình có cây đũa thần hoặc sẽ vĩnh viễn cưỡi lên đầu sóng.   

- Quy luật thứ nhất, các nền kinh tế đều có thể được một giai đoạn tăng trưởng rất cao nếu ra sức đầu tư mạnh. Nhưng khi ào ạt đầu tư như vậy thì có lúc phải đi vay thêm và nếu lạc quan thì vay quá sức trả nên bị khủng hoảng về nợ nần. Liên Xô, Nhật Bản, Âu Châu hay Hoa Kỳ đều có lúc bị gãy đòn bẩy như vậy. Quy luật thứ hai là vì chỉ nhìn vào đà tăng trưởng ngoạn mục trong nhất thời, người ta dễ dự đoán sai và không lường được khó khăn của việc chuyển hướng. Thứ ba, sau một giai đoạn sung mãn kéo dài, một số thành phần kinh tế và xã hội lại có lợi nhiều hơn và nếu họ có khả năng chính trị thì tất nhiên cản trở việc điều chỉnh. Cho nên mọi nền kinh tế mà phải chuyển hướng đều đối mặt với việc điều chỉnh hay cải cách chính trị. Vì Trung Quốc gặp hoàn cảnh còn ngặt nghèo hơn Nhật thời trước nên bài toán chính trị của họ lại khó khăn hơn.

Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho cái hoàn cảnh ông gọi là khó khăn hơn của Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong hệ thống kinh tế Nhật, người ta có thấy ra sự cấu kết về quyền lợi giữa ba thế lực, như ba cái chân kiềng của phép lạ Nhật Bản, là các doanh nghiệp, bộ máy hành chính công quyền và các chính trị gia. Sự cấu kết ấy làm hệ thống chính trị khó xoay trở và việc điều chỉnh mới kéo dài mãi cho đến ngày nay. Trung Quốc cũng có loại bài toán tương tự khiến thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào, Uý Kiện Hành và Ôn Gia Bảo lên cầm quyền từ năm 2003 đã muốn cải cách từ những năm 2005-2007 mà không nổi. Sau đó, khi thế giới bị suy trầm từ năm 2008-2008, họ còn lao vào phía trước mạnh hơn và chất lên một núi nợ bên cạnh rất nhiều bong bóng đầu cơ. Khi giao quyền cho thế hệ lãnh đạo mới, họ trao cả một trái núi sẽ lở.

 

Dự đoán chiều hướng cải cách

Vũ Hoàng: Bước qua năm tới, ông dự đoán thế nào về chiều hướng cải cách của Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như chúng ta đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này trong tinh thần cảnh báo giới lãnh đạo kinh tế tại Việt Nam, Trung Quốc hết phép lạ và mô hình của họ không là mẫu mực đáng học. Đầu tiên, đà tăng trưởng nhờ đầu tư quá mạnh đã chấm dứt và Bắc Kinh phải trải qua thời kỳ tăng trưởng thấp hơn, phải chú trọng đến phẩm hơn lượng và tìm đầu máy khác, là tiêu thụ nội địa. Nhưng việc chuyển hóa sẽ đụng chạm vào quyền lợi của một thiểu số có chức có quyền nên cải cách kinh tế của Trung Quốc phải bắt đầu từ chính trị.

- Điều thứ hai, khi cải cách chính trị, lãnh đạo Bắc Kinh bị kẹt vì ba chuyện. Thứ nhất, họ không có chế độ dân chủ là sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật do người dân lập ra. Thứ hai, trên lãnh thổ quá rộng và có quá nhiều khác biệt, họ không có thể chế liên bang để dung hợp quyền lợi và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương. Thứ ba, họ không có nền pháp quyền nhà nước, tức là hạ tầng cơ sở luật pháp có khả năng cưỡng hành với mọi cấp bộ hành chính và kinh doanh, mà họ vẫn cứ bị chính trị độc đảng chi phối.

- Vì những lý do nói trên, việc chuyển hướng kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới đây sẽ khởi sự từ chính trị, nhưng theo một quy luật ngược. Đó là lãnh đạo sẽ tập trung quyền lực vào trung ương nên sẽ gây ra ấn tượng độc đoán hơn.

Vũ Hoàng: Ông vừa nói ra một nghịch lý mà thính giả của chúng ta có thể không hiểu. Thưa ông, Trung Quốc không có dân chủ nên sẽ khó cải cách, vậy mà ông cho rằng lãnh đạo của họ sẽ còn tập trung quyền lực về trung ương và có vẻ độc đoán hơn trước. Vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đơn cử một thí dụ có thể minh diễn ba tệ nạn là thiếu dân chủ, không có chế độ liên bang và hệ thống pháp quyền lỏng lẻo. Thí dụ đó là đạo luật ngân sách năm 1994, 20 năm trước. Từ khi đạo luật được ban hành, số thu về thuế khóa của các địa phương sụt mạnh vì nộp tiền thuế về trung ương mà lại không được tài trợ đầy đủ. Vì thiếu tiền mà lại có trách nhiệm tạo ra việc làm và ổn định tình hình, các đảng bộ ở địa phương phải sáng tạo theo ba hướng là 1) đặt thêm lệ phí tức là loại thuế trá hình, 2) là trưng thu tiền sử dụng đất do địa phương có quyền quản lý và 3) lập ra mạng lưới công ty đầu tư ở địa phương để vay tiền hệ thống ngân hàng của nhà nước. Kết quả của tình trạng quái đản này là đà tăng trưởng ảo, người dân bị bóc lột, bị cướp đất, các địa phương đều mắc nợ ngập đầu mà nợ đến cỡ nào thì chẳng ai biết trong khi đảng viên cán bộ ở địa phương làm giàu rất nhanh và muốn duy trì hiện trạng lệch lạc.

- Thế hệ lãnh đạo trước đã muốn cải cách theo cái hướng tập trung quyền lực về trung ương để phần nào giảm bớt bất công và đẩy lui nguy cơ động loạn mà không nổi. Thế hệ mới lên sẽ phải tiến hành việc đó và sẽ dùng chuyện diệt trừ tham ô làm lý cớ. Một thí dụ khác là hệ thống doanh nghiệp nhà nước với giới điều hành là đảng viên cao cấp đã thành đại gia hay tỷ phú. Việc chuyển hướng chính trị phải dẫn tới thanh trừng đại gia khi Trung Quốc cũng là một nước có nhiều tỷ phú nhất trong một giai doạn ngắn nhất!

Vũ Hoàng: Vì phải tường thuật thời sự hàng ngày như ông nhắc tới khi mở đầu, chúng tôi xin hỏi một chuyện là gần như cùng lúc với việc lãnh đạo mới của Bắc Kinh đề ra phương hướng điều chỉnh thì lại có tin đồn ngày càng được truyền thông quốc tế xác nhận. Đó là một nhân vật lãnh đạo vừa về hưu năm ngoái là ông Chu Vĩnh Khang bị tam giam để điều tra về nhiều hành vi phạm pháp trước đây. Thưa ông, việc chuyển hướng và vụ giam giữ hoặc tranh trừng vì tội tham nhũng có liên hệ gì đến nhau chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, lãnh đạo Trung Quốc muốn điều chỉnh về kinh tế mà không nổi vì hệ thống chính trị của họ, vì vậy mà từ hai năm nay đã có hàng loạt biến động chính trị trước và sau Đại hội 18. Trước Đại hội là vụ Bạc Hy Lai vào đầu năm ngoái, sau Đại hội là vụ Chu Vĩnh Khang vào cuối năm nay. Cả hai vụ này thật ra chỉ là một. Nó phản ảnh mức độ cấu kết rất rộng và tác động rất cao của các thế lực kinh tế và chính trị tại Trung Quốc. Trước khi có tin Chu Vĩnh Khang bị điều tra thì đã có việc bắt giữ hàng loạt nhân vật lãnh đạo tập đoàn dầu khí CNPC là Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, kể cả viên cựu Chủ tịch là Tưởng Cát Mẫn. Đấy là một Ủy viên Dự khuyết Trung ương, vừa được đưa qua làm Trưởng ban Cải tạo và Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước, và xưa kia là nhân vật dưới quyền của Chu Vĩnh Khang.

- Tôi nghĩ là trong hệ thống quyền lực xứ này, những kẻ cầm đầu hệ thống dầu khí đã có thể thâu tóm quyền lực và như Chu Vĩnh Khang, còn nắm luôn hệ thống an ninh trong vai trò Trưởng ban Chính pháp Trung ương, điều khiển hai bộ Công an và An toàn Quốc gia lẫn mạng lưới toà án và là Ủy viên trong Thường vụ Bộ Chính trị. Vì vậy, sau khi thanh lọc ở dưới, việc thanh trừng một nhân vật cấp lãnh đạo như Chu Vĩnh Khang là điều hãn hữu nhưng không bất ngờ.

- Nó cũng cho thấy bài toán nan giải của thế hệ lãnh đạo mới khi phải chuyển hướng mà chứng bệnh quái ác của họ đã lên tới đầu. Trong năm tới, ta sẽ theo dõi tiếp nhiều đợt thanh trừng khác trong nỗ lực cải cách chính trị với màu sắc của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.



Thứ Tư, tháng 12 18, 2013

Hoa Kỳ Giữa Đông-Tây Đôi Ngả



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 131217
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Và Ukraine Giữa Hai Nắp Tây Đông Của Thùng Dầu....

* Vị trí Ukraine và Âu Châu *


Tuần qua, hai chuyện thời sự cùng xảy ra mà hình như chẳng liên hệ với nhau. Hình như thôi....

Chuyện thứ nhất là sau nhiều tổ hợp dầu khí, Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ cũng yêu cầu Quốc hội nên xét lại đạo luật cấm xuất cảng dầu đã ban hành từ 40 năm trước. Thứ hai là sau Phụ tá Ngoại trưởng Victoria Nuland, hai Nghị sĩ John McCain (Cộng Hoà) và Chris Murphy (Dân Chủ) đã tới Ukraine úy lạo người biểu tình tại Kiev với những lời tuyên bố rất mạnh. Hai chuyện ấy cho thấy trái đất hình tròn - và Hoa Kỳ nằm ở giữa.

Trước hết là chuyện Ukraine.

Trong Thế kỷ 20, hai trận đại chiến đều xuất phát từ Âu Châu và Hoa Kỳ phải nhập cuộc dù rằng các bậc Quốc phụ của nước Mỹ từ lời lập quốc đều khuyên là đừng để bị dính vào "thiên hạ sự" tại Âu Châu. Cả hai cuộc chiến đều bùng nổ từ những biến cố tại Đông Âu....

Xin có vài chữ về quy ước gọi tên để nhớ lại địa dư và chính trị. Đông Âu là chữ thông dụng cho sáu quốc gia phía Đông của Âu Châu, từ Bắc xuống Nam là Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp (Czech), Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria. Đi tiếp về hướng Đông là các nước Trung Âu, xưa kia thuộc Liên bang Xô viết, từ Bắc xuống Nam là Estonia, Latvia, Lithuania, Belarus, Ukraine, Moldovia và Georgia.

Vì địa dư oan nghiệt, Đông Âu nằm trong vùng tranh chấp của các Đế quốc vây quanh là Nga, Đức, Hung-Áo và Ottoman. Hai trận Thế chiến đều bùng nổ từ những tranh chấp đó. Sau Thế chiến II, các nước Đông Âu rơi vào quỹ đạo Xô viết trong khi các nước Tây Âu được Minh ước NATO bảo vệ và được Hoa Kỳ yểm trợ để tái thiết và phát triển theo thể chế kinh tế tự do và chính trị dân chủ.

Trong hơn 40 năm Chiến tranh lạnh, các nỗ lực đấu tranh của Đông Âu (Hung năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968) đều thất bại cho tới khi Liên Xô khủng hoảng từ 1989 rồi tan rã năm 1991. Từ đó các nước Đông Âu lần lượt gia nhập Minh ước NATO (1999-2003) rồi Liên hiệp Âu châu (2004-2007 và có hai chục năm tự do và thịnh vượng hơn trước.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, Nga mất hết thế lực, nhìn các nước Đông Âu ngả về Tây, theo sau là các nước Trung Âu, từ biển Baltic xuống tới Hắc hải. Nhìn từ thủ đô Moscow, lãnh tụ Vladimir Putin của Đế quốc Nga thấy như bị lột từng manh giáp và hở lườn hở bụng với các cuộc cách mạng dân chủ muôn màu tại Ukraine, Georgia hay Kyrgyzstan.

Trong khi đó, Hoa Kỳ bận chuyện khủng bố, và lại muốn hợp tác với Nga để giải quyết hồ sơ Afghanistan. Nhưng George W. Bush vẫn còn có sáng kiến thiết lập lá chắn chiến lược tại Ba Lan và Tiệp, chính thức là để ngăn chặn đòn tấn công xuất phát từ Iran, thực tế là để bảo vệ Đông Âu.

Vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ rồi suy trầm kinh tế từ năm 2008 đã đảo lộn tất cả.

Vụ khủng hoảng và giá dầu tăng vọt tạo cơ hội quật khởi cho Putin với việc tấn công Georgia năm 2008 và uy hiếp Ukraine bằng võ khí năng lượng vào đầu năm 2009. Trung Âu phải trở về quỹ đạo Nga và Đông Âu phải là vùng trái độn, trong thế trung lập. Chúng ta trở lại chuyện Âu Châu muôn thuở, từ Thế chiến I....

Do sáng kiến của Ba Lan và Thụy Điển năm 2009, khối Liên Âu muốn hội nhập Trung Âu vào Âu Châu qua Hiệp ước Đối tác Eastern Partnership, bước đầu là hiệp định ngoại thương. Phản ứng của Nga là xây dựng Liên hiệp Quan thuế Âu-Á, kéo dài từ Trung Âu qua Trung Á đến tận Viễn Đông, bao trùm lên Việt Nam và Trung Quốc.

Đấy là lúc Tổng thống Barack Obama lên lãnh đạo Hoa Kỳ, đi vái tứ phương để lần lượt triệt thoái khỏi Iraq và Afghanistan rồi thả nổi tất cả để cải tạo nước Mỹ. Trong ý hướng này, Obama cần sự hợp tác của Putin để giải quyết vụ Syria và hòa giải với Iran.

Khi Chính quyền của Viktor Yanukovich tại Ukraine từ chối ký kết hiệp định ngoại thương với Liên Âu để được Nga viện trợ, người dân Ukraine biểu tình phản đối từ bốn tuần qua và bị đàn áp. Phân nửa Ukraine ở phía Tây thì thiên về Âu Châu, phân nửa phía Đông còn do dự nhưng cũng chẳng muốn xứ sở trở về thân phận thuộc quốc hay chư hầu của Đế quốc Nga.

Liên Âu đã phản ứng mạnh, với quyết định trừng phạt chính quyền Ukraine và đả kích sức ép của Nga. Cuối tuần qua, lãnh đạo Pháp và Tổng thống Đức còn cho biết là sẽ không dự Thế vận hội mùa Đông do Nga tổ chức đầu năm tới tại Sochi, bên bờ Hắc hải, ngay cạnh Georgia.

Đấy là lúc thiên hạ nhìn vào Hoa Kỳ. Trong vụ tranh chấp Nga-Âu về hai ngả Đông-Tây của Ukraine, nước Mỹ sẽ phản ứng thế nào?

Nói cụ thể hơn, giữa hai định hướng về chánh sách đối ngoại, là quyền lợi và giá trị tinh thần, Hoa Kỳ chọn hướng nào? Quyền lợi của Hoa Kỳ là nên tránh bị lôi vào tranh chấp của thiên hạ, và còn gian hiểm vận dũng thiên hạ giải quyết vấn đề của mình. Giá trị tinh thần của nước Mỹ, như ghi trong Hiến pháp, là phát huy tự do dân chủ cho nhân loại.

Hoa Kỳ từng được ngợi ca khi bảo vệ tự do và mở rộng dân chủ cho xứ khác, kể cả yểm trợ các cuộc cách mạng dân chủ tại Trung Âu hay Trung Á. Hoa Kỳ cũng từng bị kết án là bội phản đồng minh, hy sinh dân chủ hoặc hợp tác với các chế độ độc tài, như đã thấy từ Thế chiến II....

Hiện nay Tổng thống Obama vẫn đề cao lý tưởng nhân quyền và dân chủ nhưng quá thực dụng về đối ngoại đến nỗi bị nhiều đồng minh kết án là đảo điên xảo quyệt. Chuyện lạ là phản ứng của Chính quyền Obama với vụ Ukraine. Tại thủ đô Kiev của Ukraine, Nghị sĩ McCain ngợi ca Ngoại trưởng John Kerry là có lời tuyên bố dũng cảm nhất trong đời (!) khi đả kích việc Chính quyền Yanukovich đàn áp dân biểu tình là "đáng tởm" – disgusting.

Đấy là lúc ta trở về chuyện năng lượng.

Trong khi Obama cải tạo xã hội Mỹ - và phờ phạc với đạo luật cải tạo chế độ bảo dưỡng y tế - thì xã hội Hoa Kỳ đã lặng lẽ tiến hành nhiều cuộc cách mạng. Nổi bật là cách mạng về kỹ thuật khai thác năng lượng khiến nước Mỹ thành đại gia về dầu khí và than đá, sẽ vượt sản lượng dầu thô của Saudi Arabia và Liên bang Nga vào năm 2015. Và có tiềm năng xuất cảng rất cao.

Nhưng doanh nghiệp Mỹ không được phép xuất cảng dầu vì một đạo luật xuất phát từ vụ phong toả dầu thô năm 1973. Đạo luật đã lỗi thời, mà còn được tăng cường bằng một đạo luật khác, khi đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ viện từ vụ bầu cử 2006.

Lý do cấm xuất cảng năm xưa là để bảo vệ an ninh về năng lượng. Lý do ấy đã hết, mà việc cấm xuất cảng vẫn được duy trì là để ghìm giá nội địa. Nhưng cũng vì vậy mà làm giảm sức bật của Mỹ trong lãnh vực năng lượng toàn cầu: nếu Mỹ được bán dầu thì giá dầu trên thế giới sẽ giảm.

Chúng ta đi lại vòng kia của địa cầu.

Putin vẫy vùng là khi dầu thô lên giá. Nếu giá dầu mà sụt dưới mức 90 đô la, Ngân sách sẽ rách và kinh tế đang suy trầm sẽ suy thoái. Cũng vậy, việc Nga dùng khí đốt để chi phối Âu Châu và bắt ép Ukraine mất dần tác dụng nếu số cung về năng lượng sẽ tăng nhờ đạo luật lạc hậu kia được Quốc hội Mỹ thu hồi.

Nói cách khác, trong vụ Ukraine, quyền lợi và đạo đức của Mỹ có khi nằm trong thùng dầu....

_________________________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ

Nhân viên TSA (bảo vệ an ninh phi trường) đã tịch thu khẩu súng khâu trong bao tay hình con khỉ của một hành khách. Phyllis May tại thị trấn Redmond của tiểu bang Washington đã làm các bao tay này cho mùa Giáng sinh và trang trí với khẩu súng nhựa bé tí xíu chỉ có năm phân (cm). Nhưng, vì sự an toàn cho phi trường, nhân viên an ninh đã giải giới con khỉ của nàng! Công việc của nhân viên an ninh chắc là không đòi hỏi khả năng suy xét....