Thứ Ba, tháng 4 30, 2013

Cầu Viện Để Đánh Giặc



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130430
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Việt Nam Cộng Hoà còn thất thủ vì... lý do kinh tế  

* Cảnh khủng bố thường tình - Tổn thất kinh tế là bao nhiêu? *



Hàng năm cứ đến Tháng Tư người Việt chúng ta lại nhớ đến biến cố 1975 với bao ngậm ngùi và nhiều câu hỏi về cái lẽ bại trận. Có một thắc mắc ít được nhắc tới là vì sao được Hoa Kỳ viện trợ dồi dào như vậy mà Việt Nam Cộng Hòa vẫn không thành công? Bài này xin nêu ra một trong nhiều lý lẽ: chính là vì viện trợ mà không thể thành công!

Một cái nhìn khác về kinh tế cũng là chính trị....

Về bối cảnh, trong 30 năm can thiệp vào Việt Nam, từ 1943 đến 1973, sáu đời Tổng thống Mỹ đã chẳng hiểu gì về Việt Nam, từ văn hoá đến lịch sử, mà lại có mục tiêu dời đổi thất thường. Nào là tìm đồng minh chống Nhật thời Thế chiến II, rồi hỗ trợ phong trào "giải thực" nên mặc nhiên chống Pháp tại Đông Dương, qua đến be bờ chặn làn sóng đỏ thời Chiến tranh lạnh, rồi xây dựng dân chủ để phát huy giá trị tinh thần của "Thế giới Tự do", trong khi vẫn dùng lá bài Việt Nam tác động vào quan hệ với Liên bang Xô viết, với Trung Quốc, v.v....

Mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tiễn khiến Hoa Kỳ là đế quốc có lúc ngây thơ mà đôi khi lật lọng khó tin. Ra vào hùng hổ như con voi trắng trong cửa hàng đồ sứ.

Với tinh thần đó, Hoa Kỳ lao vào cuộc chiến toàn diện, gồm các lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, thông tin, văn hoá, qua nhiều hình thái như phá hoại, khủng bố, khuynh đảo, du kích chiến rồi trận địa chiến ở cấp sư đoàn trở lên. Và thực hiện việc đó dưới sự phán xét khắt khe của một hệ thống truyền thông có đầy tự do mà thiếu hiểu biết. Ngày nay, sự nông cạn đó vẫn làm nhiều người hiểu sai về cuộc chiến và tiếp tục nhục mạ miền Nam.

Trong khi ấy, bộ máy kinh tế lại vận hành theo quy luật khác.

Quốc hội có thẩm quyền về công chi thu thì đòi các khoản chi ngân sách phải ưu tiên phục vụ quyền lợi Hoa Kỳ. Một đồng viện trợ Mỹ phải đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Mỹ - tính ra thành hệ số nhân - và cho các địa phương đã bầu lên người biểu quyết về ngân sách. Nhiều khi các đại diện dân cử đầy ảnh hưởng này lại chẳng biết gì về Á Châu, Đông Nam Á, Việt Nam hay cộng sản. Những ông nài mù cưỡi con voi trắng.

Vì vậy, Hoa Kỳ bị tổn thất về nhân mạng, kinh tế và tinh thần mà vẫn lãnh vết nhơ lịch sử là bại trận. Phần thiệt hại của người Việt Nam chỉ là một cước chú nhỏ trong tâm tư dân Mỹ. Đó là về bối cảnh.

Về kinh tế, Hoa Kỳ có hai mạch viện trợ song hành cho Việt Nam.

Một là chương trình CIP, một sao bản thời chiến của kế hoạch Marshall do Hoa Kỳ viện trợ cho Âu Châu tái thiết trong thời bình sau Thế chiến II. Chương trình CIP được áp dụng từ 1955 đến 1975, trừ mấy tháng gián đoạn khi Cậu ấm Kennedy gây áp lực với Chính quyền Ngô Đình Diệm. Chương trình kia là PL 480, được mệnh danh là "Nông phẩm Phụng sự Hoà bình" theo lối gọi mỹ miều từ Chính quyền Kennedy.

CIP hay Commercial Import Program hay Commodity Import Program, là "Chương trình Nhập cảng Thương phẩm". Vắn tắt thì Mỹ viện trợ cho ngân sách quốc gia Việt Nam một số ngoại tệ do Quốc hội phê chuẩn hàng năm để chính phủ Việt Nam bán lại cho doanh gia với hối suất ưu đãi và lãi suất thấp hầu nhập cảng một số hàng Mỹ. Doanh nghiệp xuất cảng hàng hóa Mỹ thì nhận đủ số đô la y như bán cho các thị trường tự do khác, còn doanh nghiệp Việt Nam thì tốn ít tiền hơn mà vẫn nhập được một lượng hàng cần thiết cho thị trường tiêu thụ nội địa. Tiền Việt Nam mà chính phủ Sàigon thu được từ doanh gia Việt Nam được đưa vào một quỹ đối giá để tài trợ ngân sách quốc gia, trong đó có cả quốc phòng, cảnh sát hay lương công chức.

Chế độ viện trợ này có nghĩa là dân ta càng tiêu thụ nhiều thì ngân sách quốc gia càng thêm tiền đánh giặc! Khi tóm lược như vậy, ta thấy ngay mâu thuẫn xương tủy giữa bài toán chiến tranh toàn diện với giải pháp đối phó về kinh tế, hối đoái và ngân sách! Hoa Kỳ tất nhiên bại trận với một chế độ viện trợ phi lý như vậy.

Khi Mỹ giảm viện trợ thì hậu phương miền Nam hết xài đồ nhập cảng do doanh nghiệp Mỹ cung cấp và ngân sách hết lương cho lính. Trong khi ấy, đầu tư vẫn bị cản trở so với tiêu thụ và càng bị cản trở vì hình thái chiến tranh phá hoại. 

Tháng Tám năm 1971, khi Chính quyền Nixon đơn phương thả nổi đồng bạc và hủy bỏ hệ thống tài chánh Bretton Woods thì đấy là tín hiệu nguy ngập mà chúng ta chưa nhìn ra. Qua năm sau, cuộc khủng hoảng dầu hỏa vì tình hình Trung Đông là tín hiệu khác mà ít ai thấy. Hậu phương chỉ than vãn về lạm phát hay xăng dầu lên giá mà chưa hiểu rằng miền Nam đang bị bức tử - xiết bao tử trước. 

Kỳ diệu nhất là chương trình CIP chứng minh lý luận tuyên truyền của phe Cộng sản. Rằng Mỹ gây chiến chỉ để doanh nghiệp hay tài phiệt Mỹ bán hàng! 

Chương trình kia, PL 480 hay Nông phẩm Phụng sự Hoà bình, có nghĩa là Việt Nam nhận được một số nông sản Mỹ để bán lại cho dân và lấy tiền tài trợ ngân sách. Đây là một phi lý khác.

Lý tưởng ban đầu của PL480 từ Chính quyền Eisenhower vào năm 1954 là cứu đói các nước nghèo. Nhưng Quốc hội Mỹ chuyển dần qua mục tiêu chính trị là giúp nông gia Mỹ có thị trường còn Hành pháp thì viện dẫn mục tiêu chiến lược là dùng viện trợ nông sản để kết nạp đồng minh.

Thế rồi, quan niệm về đồng minh có thể dời đổi từng thời, thậm chí từng mùa bầu cử, trong khi quốc gia thọ nhận viện trợ do bộ Canh nông và Cơ quan USAID quản lý, tùy chương trình, thì xây dựng toàn bộ kế hoạch phát triển kinh tế trên chế độ viện trợ đó. Rồi bị ràng buộc mà thu hẹp khả năng xoay trở, cho tới khi bị bó tay.

Vì mục đích nâng đỡ nông gia Mỹ, Chương trình PL480 còn có quy định thắt họng: quốc gia cầu viện không được dùng nông sản viện trợ làm nguyên nhiên vật liệu chế biến ra mặt hàng khả dĩ cạnh tranh với hàng Mỹ. Bông vải hay sữa bột của Mỹ không thể làm áo quần hay thực phẩm bán trên các thị trường có loại sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ.

Ngoài hoàn cảnh ngặt nghèo do chiến cuộc gây ra, ngoại viện Mỹ khó giúp quốc gia cầu viện đầu tư theo hướng tích cực là phát triển ngoại thương để có độc lập về kinh tế. Nên chỉ còn chánh sách tiêu cực – mà ăn khách thời đó – là "thay thế nhập cảng".

Hai quốc gia giàu kinh nghiệm về viện trợ Mỹ là Đài Loan và Nam Hàn đã đặt ra quốc sách là phải chấm dứt sự lệ thuộc vào viện trợ càng sớm càng hay. Họ thắt lưng buộc bụng để tự túc tự cường rồi trở thành rồng cọp kinh tế. Miền Nam thì không, vì nhiều người tin rằng "Mỹ không thể bỏ Việt Nam". Có muốn xoay ra thì đã có miền Bắc kéo vào bằng pháo kích như mưa, nhờ nguồn viện trợ của Liên Xô và sự chỉ đạo của Trung Quốc!

Mà hình như là bi hài kịch đó vẫn chưa dứt, với những "món nợ đáng tởm" mà Hà Nội phải trả cho Bắc Kinh.... Thế hệ ngày nay nên suy ngẫm lại.
 
Và cử tri người Mỹ gốc Việt nên tận dụng sự hiểu biết lẫn lá phiếu để không tái diễn thảm kịch này cho xứ khác - và cho Việt Nam khi lãnh đạo Mỹ lại đòi "chuyển trục" tại Đông Á. Một thí dụ cụ thể là hãy nhìn vào đạo luật Nông sản, Farm Bill. Thê thảm....
 

Thứ Bảy, tháng 4 27, 2013

Robot Cop - Cảnh Sát Họ Đinh

Anne Khánh Vân - Việt Báo Ngày 130427
"Viết Về Nước Mỹ"

Kỹ Thuật Đã Kinh Hồn - Văn Hoá Mới Siêu Tuyệt
 
 * Truyện RoboCop là giả tưởng - Chuyện cảnh sát họ Đinh là đời sống * 

Tác giả Anne Khánh Vân đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với bài viết  "Duyên Nợ Với Nước Mỹ," kể chuyện gia đình có ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi cái hẹn với Hoa Kỳ. Chuyện cảm động nhất là bài viết đã góp phần biến giấc mơ thành sự thật khi tác giả vận động và hoàn tất mọi giấy tờ để đưa ba má từ Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp hầu dự lễ phát giải và du lịch Mỹ Quốc. Anne Khánh Vân sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế - tài chính kế toán tại Pháp, hiện sống và làm việc tại Virginia. Bài viết mới của cô kể về phép lạ y khoa Hoa Kỳ dành cho một viên cảnh sát gốc Việt Nam: cải tử hoàn sinh khi tim đã ngừng đập, và ráp nối tuyệt hảo thân thể đã bị gẫy vỡ nhiều nơi. Dainamax Tribune trân trọng giới thiệu bài này, khi vừa được Việt Báo đăng tải.  

*** 

Chuyện của Tháng, của Năm, hay Chuyện Khó Quên?  

 
Tin địa phương (CBS-DC, All News 99.1 WNEW):
    
Một vụ tai nạn gây chết người ở Annandale, thuộc quận Fairfax, tiểu bang Virginia.  

Một người đàn ông đã chết và một sĩ quan cảnh sát bị thương nặng sau cuộc rượt đuổi với kết thúc là một cái đụng trực diện khốc liệt. Một phần đường Little River Turnpike (Route 236) phải đóng trong vòng gần sáu giờ, khuya sáng ngày thứ Năm, 28 tháng Hai.  

Cuộc rượt đuổi bắt đầu ngay sau nửa đêm khi các sĩ quan cảnh sát đến giải quyết một sự xáo trộn tại một ngôi nhà trên dãy 4800 đường Tapestry. Người đàn ông ở ngôi nhà đó được xác định 40 tuổi tên Cicero I. Liberea. Ông ta nói chuyện qua loa rất nhanh với cảnh sát rồi tháo chạy vào một chiếc xe SUV màu trắng và tẩu thoát.   

Cảnh sát cho biết họ đã cố gắng ngăn chặn người đàn ông. Hắn ra khỏi đường Roberts và nhập vào đường 236. Cảnh sát tiếp tục rượt chiếc SUV từ các làn đường hướng đông khi Cicero lái cùng hướng ở phía đường đối diện.  

Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết khoảng bốn dặm trước vụ đụng trực diện khốc liệt với xe cảnh sát, Cicero suýt đụng vào nhiều xe trên đường vì tốc độ của ông quá cao. Xe cảnh sát trong tai nạn là xe đến tiếp viện từ hướng ngược lại, trên cầu vượt I-495 khoảng 12:30 am.  

Cicero, không có địa chỉ cố định, đã bị chết trong vụ đụng, cảnh sát nói.  

Cái đụng trực diện làm nhân viên cảnh sát bị kẹt bên trong xe cho đến khi cấp cứu đến cắt mui xe để cứu nhân viên cảnh sát. Anh ta được đưa tới bệnh viện với rất nhiều vết thương trầm trọng. Cảnh sát cho biết người cảnh sát trong tai nạn 28 tuổi, trực thuộc Hạt Mason. Hiện vẫn chưa rõ ma túy hay rượu là yếu tố trong vụ tai nạn. Sự việc đang được điều tra.  


Đó chỉ là bản tin nhanh trên Radio và báo CBS địa phương vùng thủ đô DC của Hoa Kỳ. Chi tiết về tai nạn, nhất là phần hậu tai nạn để cứu sống người cảnh sát, mới thật đáng kể. Phép lạ!

Người cảnh sát trong tai nạn khốc liệt đó là một người Việt Nam họ Đinh. Bản tin viết “Xe cảnh sát trong tai nạn là xe đến tiếp viện từ hướng ngược lại” cho thấy nhiệm vụ của cảnh sát Đinh là chận đầu kẻ đào tẩu.

Tại hiện trường, xe cứu thương có mặt ngay tức khắc. Vận tốc của xe tuần cảnh khoảng 65 dặm một giờ. Vận tốc của chiếc SUV nhanh gấp đôi: hơn 120 dặm một giờ (200km/giờ). Khi xe SUV đụng trực diện xe tuần cảnh, xe tuần cảnh bị tông văng lùi cách nơi hai xe đụng nhau 102 bộ (feet, 30 thước). Phần đầu xe SUV của nghi can bể vụn trên khắp đoạn dài của tai nạn khiến người lái chết ngay trong tai nạn. Xe tuần cảnh của cảnh sát Đinh là xe đời mới vừa ra lò, do đại uý Lee cấp một tuần trước. Xe dài 12 feet (bốn thước), được trang bị đầy đủ cơ phận để có thể sống còn trong một tai nạn, nhưng vẫn thun dúm lại còn 8 feet sau tai nạn. Cảnh sát Đinh bị kẹt cứng bên trong. 

Không có cách nào khác cứu cảnh sát Đinh ra khỏi xe ngoài việc phải cưa đứt nóc xe. Nhưng vẫn chưa mang cảnh sát Đinh ra được. Phải kéo giãn một vài nơi vừa đủ khoảng trống mới lấy được thân thể gẫy nhiều đoạn của cảnh sát Đinh ra ngoài. Kiểm tra nhịp tim: Không còn!

Hiện trường không mấy xa bệnh viện hiện đại nhất của quận Fairfax. Cảnh sát Đinh được tức khắc đưa đến đó.

Khoảng hơn nửa tiếng sau tai nạn, có người đến gõ cửa nhà người thân cảnh sát Đinh.


Viên cảnh sát Long Đinh - trước tai nạn


Phép Lạ Thứ Nhất
 
Khi ông Đinh cha được đưa đến bệnh viện, có khoảng ba tiểu đội cảnh sát đứng xếp hàng ở sảnh ra vào, trang nghiêm chào. Đồng đội và cấp trên của cảnh sát Đinh xem anh như đã chết. Họ chào cha anh như nghi lễ chia buồn người thân của người “quá cố”. Ông Đinh cha nhìn cảnh này nghĩ bụng, “Vậy là rồi đời thằng con tui rồi!” Ông không còn giữ được bình tĩnh, la làng: “Con tui đâu, nó ra sao rồi? Cho tui thấy mặt nó.” Ông muốn quỵ xuống.  Một vài đồng đội của cảnh sát Đinh đến đỡ ông đứng lên và nói, “Mr Dinh, please stand, please stand.” Họ dìu ông Đinh cha đến nơi cảnh sát Đinh đang nằm.

“Trời ơi, còn mặt mũi gì nữa đâu mà nhìn. Mặt nó méo mó, xương hàm gẫy nhiều khúc, móp xọp vào trong. Toàn thân bất động.” – Ông Đinh cha kể lại chi tiết cho tôi nghe.

Nhìn được con chỉ trong giây lát, ông Đinh cha phải ra ngoài. Cả chục bác sĩ và y tá đang quây quần bên cảnh sát Đinh. Họ đang cố kéo lại nhịp tim của cảnh sát Đinh. Sau một lúc, nhiệm mầu thay, tim cảnh sát Đinh bừng đập lại, nhưng dĩ nhiên anh ta không tỉnh, vẫn mê man.

Chân phải của cảnh sát Đinh gẫy 3 nơi: ở gần khuỷ mắt cá, trên ống quyển, và trên đùi gần háng.

Chân trái gẫy 2 nơi. Tay phải gẫy 2 nơi. Xương vai gẫy 2 nơi. Và hàm thì gẫy nhiều nơi. Từng chiếc răng sút ra khỏi hàm.

Vì phải đợi hơi lâu trong khi nhân viên cấp cứu cưa nóc xe tuần cảnh để lấy cảnh sát Đinh ra, anh bị ngộp; và cũng vì tốc độ bị đụng khá mạnh và lực văng lùi lại sau khá xa, anh hút đầy khói và bụi cháy của tai nạn vào phổi. Việc kế tiếp sau khi mang lại được nhịp tim cho cảnh sát Đinh là làm sạch phổi. Đinh lên sốt cao vì phổi bị nhiễm trùng.  Các bác sĩ phải dùng một hệ thống như máy hút bụi để hút tất cả bụi bẩn ra ngoài và làm sạch phổi trở lại, trong khi Cảnh sát Đinh vẫn mê man.

Bên ngoài, đường 236 bị đóng hơn 6 tiếng để dọn dẹp hiện trường. Ở nhà thương, cũng là những giây phút “run như run Thần Tử thấy Long nhan, run như run hơi thở chạm tơ vàng”…"Tử Thần thấy Long nhan", tức là Tử Thần thấy mặt của Long rồi. Cảnh sát Đinh tên Long!

Vì chưa thể xác định độ trầm trọng của việc não bộ bị chấn thương và sự hôn mê, các bác sĩ chưa thể giải phẫu những chỗ gẫy. Dù đã cứu lại được nhịp tim, nhưng cảnh sát Đinh vẫn có thể “đi luôn” bất cứ lúc nào nếu cơ thể anh không chịu nổi cuộc giải phẫu, dù là một giải phẫu nhỏ. Não bộ và toàn thân anh như hoàn toàn “tắt điện”. Phổi đã sạch nhưng bị giập. Anh được khoét một lỗ xuyên qua vành bụng để đưa chất dinh dưỡng vào thẳng bao tử.  Xung quanh anh, hàng trăm dây nhợ.

Có lúc, các bác sĩ đã tính cả cách tách rời não bộ ra và nuôi sống nó riêng biệt ở bên ngoài, trong khi chờ giải quyết lại từng bộ phận bị gẫy hoặc đang ngưng hoạt động khác vì tình trạng não của cảnh sát Đinh cũng rất trầm trọng. Giữa lớp sọ và não bên trong cũng có li ti những mãnh vụn của xương hàm khi vỡ và vô số máu bầm. Nhưng rồi cuối cùng họ đã quyết định vẫn để nguyên não dính liền với cơ thể. Không đụng đậy gì cả. Các bác sĩ lại tiến hành việc hút những mãnh vỡ và máu bầm giữa lớp sọ và não.

Nói chuyện thì nghe có vẻ đơn giản như việc nhồi nắn hình nhân từ đất sét. Nhưng chúng ta dư biết nó phức tạp và đòi hỏi trình độ hiện đại, tinh vi và chính xác đến mức nào trên thực tế khi các bác sĩ phải thực hiện công việc ấy.

Chân phải của cảnh sát Đinh được kéo dài ra hơn 1 feet (hơn 30 phân) để dây gân chằng của chân không bị thun lại trong thời gian chờ đợi được giải phẫu. Làm sao kéo chân dài ra? Ở xương mắt cá, họ khoan một lỗ và cho một thanh platinum xuyên qua. Sau đó họ cột vào thanh platinum một trọng lượng đủ nặng thòng xuống để trì dây chằng căng ra. Nhìn cảnh sát Đinh nằm trên giường, chân phải dài hơn chân trái hơn một feet, 30 phân.

72 giờ đầu “chết đi thở lại”, dưới sự săn sóc và quan sát đặc biệt của cấp cứu hồi sinh, là thời gian có thể gọi “kinh khủng” nhất phải trải qua, không phải với chính cảnh sát Đinh, vì anh đang còn “du ngoạn” tận nơi đâu, chẳng hề hay biết chuyện gì đã và đang xảy ra với mình. Kinh khủng và căng thẳng là với cha mẹ anh, người thân của anh, bạn bè đồng nghiệp của anh và ngay cả với ê-kíp bác sĩ giỏi nhất của nước Mỹ!

Từ sau hôm xảy ra tai nạn, được tin về em Long (cảnh sát Đinh), tôi cứ chốc chốc lại nghĩ tới em, lại cầu nguyện cho em. Lỡ giựt mình trong đêm, tôi cũng thầm cầu nguyện cho Long-nhỏ tai qua nạn khỏi, Trời Phật thương giúp em hồi sinh, lành lặn, tỉnh táo với đầy đủ trí khôn ngoan. Trong sở làm của tôi cũng xôn xao vì tin vụ tai nạn. Khi biết cảnh sát Đinh là con trai một anh bạn của tôi, mọi người đều muốn góp lời cầu nguyện thêm cho em.


Thêm Phép Lạ 

 
Đã không phải chỉ vài người chúng tôi cầu nguyện. Cũng không phải chỉ một trăm hay một ngàn người cầu nguyện. Hơn thế nữa. Hơn rất nhiều. Gia đình em, người thân quen của em, toàn bộ cảnh sát trong quận Fairfax, kể cả những cảnh sát trong vùng DC/VA, rồi cả những người không hề quen biết, chỉ xem tin qua báo đài… Họ cũng cầu nguyện. Và quả thật đã có phép lạ để cảnh sát Đinh vẫn thở và có vẻ “hợp tác”, chịu đựng nổi các cuộc giải phẫu.

Bắt đầu bằng những giải phẫu đơn giản nhất. Đơn giản là so với những giải phẫu trầm trọng nhất trong những chấn thương trên cơ thể cảnh sát Đinh, chứ không phải những giải phẫu đơn giản nhất trong y khoa, vì vết thương nào trên người cảnh sát Đinh cũng thuộc loại “khó nuốt”, không biết sau giải phẫu chuyện gì sẽ xảy ra.

Cảnh sát Đinh được giải phẫu chân phải, rồi chân trái. Những vết gẫy được đo đạc kỹ lưỡng và được gắn phụ thêm bằng những thanh platinum giúp chỗ gẫy có thể tự tạo lại xương và một khi giải phẫu xong và hai chân lành thì chúng phải cao bằng nhau. Mỗi cuộc giải phẫu cho mỗi nơi được kéo dài từ khoảng hai đến ba tiếng. Sau mỗi cuộc giải phẫu phải đợi xem sức chịu đựng và phản ứng của cơ thể của anh ta ra sao rồi mới tiếp tục giải phẫu kế tiếp. Có ngày, cảnh sát Đinh trải qua 3 cuộc giải phẫu. Dù khả năng y khoa của bệnh viện Fairfax thuộc hạng nhất nước Mỹ, các bác sĩ vẫn luôn xác nhận “chúng ta đã liên tục nhận phép lạ”. Cơ thể của cảnh sát Đinh “hợp tác” với các giải phẫu rất hài hòa.

Vài ba bữa tôi lại gọi điện thoại cho ông Đinh cha hỏi tin con ông. “Nó chỉ nhúc nhích những ngón chân khi được kêu tên. Nó vẫn chưa tỉnh nhưng coi như có những dấu hiệu nghe.” Đã hơn 2 tuần. Chưa được thăm viếng nhiều vì em vẫn trong tình trạng theo dõi đặc biệt.

Đến lúc phải giải phẫu bộ phận bị thương nặng nhất: Hàm.

Khi hai xe đụng nhau, đầu xe SUV thì nát nhừ vì nó mềm hơn đầu xe tuần cảnh. Đầu xe tuần cảnh thì bị thun dúm lại, vành tay lái gẫy, quả cầu khí (airbag) của xe tuần cảnh mở ra. Khi xe bị bắn mạnh về phía sau với vận tốc của SUV hơn 120 dặm một giờ, rồi ngừng lại thật nhanh, quả cầu khí lúc ấy đã vỡ. Không còn cái để bảo vệ, đầu của cảnh sát Đinh đập mạnh về phía trước và va vào trụ của tay lái không có vành xung quanh. Hàm của em vì vậy bị gẫy nhiều khúc, khuôn mặt méo mó, móp xọp vào trong.

Ca giải phẫu được dự trù kéo dài trong vòng 8 tiếng, gồm hai nhóm bác sĩ: nhóm đầu tiên là giải phẫu để gắn liền các xương hàm lại; ngay sau đó nhóm bác sĩ thẩm mỹ phải tiếp tục công việc làm đẹp cho con trai ông Đinh cha. Cứ nghĩ trên mặt cảnh sát Đinh sẽ phải có nhiều vết xẹo khâu vá, nhưng không. Họ làm mọi thứ từ bên trong vòm miệng. Luồn vào trong ruột của xương hàm những sợi platinum như bê tông phải có cốt thép, để từ đó xương hàm tái tạo lại theo đúng khuôn mẫu. Từng chiếc răng được gắn vào hàm. Sau đó họ khớp nguyên cả hàm lại trong tình trạng đó trong vòng hai tuần lễ để “bê tông” an toàn khô cứng.

Kết quả phân tích tai nạn cho biết, khi xe bị đụng mạnh và thun dúm lại, khoảng cách từ lưng ghế cảnh sát Đinh ngồi đến trụ của tay lái chỉ khoảng 1 feet. Nhờ cảnh sát Đinh nhỏ con và có mặc áo giáp bảo vệ đạn, nên xương sườn lồng ngực không bị gẫy bẹp; chân cũng không mấy dài, nên chỉ bị gẫy “bấy nhiêu” khúc, và đầu không bị đội lên nóc xe để có thể vỡ luôn cả sọ.

 
Hôn Mê và Lai Tỉnh 
 
Sau hai tuần lo âu chờ đợi và cầu nguyện, cảnh sát Đinh vẫn chìm sâu trong hôn mê.

Trong suốt thời gian em còn hôn mê, lúc nào trong phòng cũng phải có người. Vì không biết khi em tỉnh, thần kinh em ra sao. Có sẽ hốt hoảng, có sẽ la khóc vùng vẫy, có sẽ tháo chạy,… trong khi cơ thể em chưa thể đứng lên được. Ngoài người thân và y tá, đồng nghiệp cũng thay phiên nhau luôn có mặt trong phòng, 24 giờ trên 24 giờ. Mỗi ngày có khoảng hai ba chục cảnh sát đến thăm chừng. Luôn có hai cảnh sát gác ngoài cửa phòng. Chẳng biết ngoài việc thăm chừng bạn mình có thể tỉnh lại bất cứ lúc nào, cơ quan cảnh sát có mục đích nào khác khi cho cảnh sát canh chừng phòng em 24/24.

Sang tuần thứ ba, cảnh sát Đinh tỉnh lại. Có lẽ cũng nhờ được giải phẫu hàm thành công, “hồn” em nhận ra khuôn mặt dễ thương của mình nên cuối cùng đã chịu nhập vào lại thân xác, sau bao tuần rong chơi trên Long Cung. Khi “hồn” nhập vào lại thân xác, nó bắt đầu có những cảm giác thể chất. Em mở mắt, chưa nhận ra người đàn ông ngồi bên là cha mình. Thấy những giọt nước mắt em từ từ lăn xuống. “Nó cảm nhận ra sự đau đớn trên toàn cơ thể từ đầu xuống chân.” Ông Đinh cha nhìn con rơi nước mắt.

Mọi người xung quanh vẫn xa lạ. Em chưa nhận ra được người thân. Trí nhớ trống rỗng. Em không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Không hề biết mình đã trải qua bao nhiêu trận giải phẫu thập tử nhất sinh. Một vài hôm sau, khi được nhắc, em biết ra một số tên, nhưng vẫn lẫn lộn khi ráp tên với người.

Và rồi em dần dà tỉnh táo hơn trong tình trạng nhẹ nhàng, đón nhận những lời giải thích một cách bình tĩnh. Em được chuyển sang bệnh viện phục hồi các chức năng thể lý (physical rehabs).

Gia đình em mang nhiều hình ảnh kỷ niệm đến cho em xem, rồi kể những kỷ niệm họ có với nhau. Đồng đội cũng thế. Từng tiểu đội trong cùng khắp quận Fairfax và lân cận, mang hoa, quà, fund raising tuyên dương công trạng cho cảnh sát Đinh. Hình của từng tiểu đội có chữ ký của từng người và những lời cổ võ dán kín tường của phòng anh. Với sự giúp đỡ phục hồi trí nhớ thật tận tình cùng bao lòng thương yêu của mọi người thân, em Long dần nhận ra cha, ra mẹ, những người thật gần với em. Cơ thể em mỗi ngày cũng dần nhớ lại chức năng của từng bộ phận. Em chưa ăn được vì răng và hàm vẫn còn yếu, chưa thể nhai. Em chỉ húp chút ít nước súp mỗi ngày để cơ thể quen dần lại việc phải ăn từ miệng, thức ăn phải đi qua thực quản, rồi xuống bao tử; chứ không phải cứ có ống đi tắt xuống tận bao tử mãi.  


Đến Thăm Em
 
Khi tôi đến thăm cảnh sát Đinh là 5 tuần sau tai nạn. Tôi đã tự chuẩn bị nhưng sao vẫn cứ thấy xúc động trên đường đến bệnh viện. Không hình dung ra nổi kết quả hiện đại của y khoa và tài năng của các bác sĩ Mỹ ra sao. Không biết khuôn mặt của em Long “đẹp trai” lại đến mức nào. Nó tỉnh bao nhiêu. Không biết khi thấy tôi, Long-nhỏ sẽ làm gì?

Tôi đến phòng em và đến bên giường em đang nằm. Ngạc nhiên thay, em lên tiếng chào tôi trước. “Chào chị!” Tôi cười tươi, nói với em, “Wow, em khỏe ru à hen. Giỏi quá! Thương quá.”

Em đối đáp rất bình thường, “Dạ, em khỏe từ từ rồi.”  

Em vẫn nói tiếng Việt chậm rãi như tôi biết về em trước kia. Sinh ra ở Mỹ nhưng em nói tiếng Việt khá rõ ràng, chỉ thỉnh thoảng pha đôi chút tiếng Anh cho những chữ tiếng Việt em không biết. Tôi hỏi em tiếp một câu, “Em nhớ chị là ai không?” Long trả lời, “Dạ không.”

Tôi cười và nói, “Không sao. Chị sẽ có cái giúp em nhớ ra chị là ai.”

Ông Đinh cha cũng ngạc nhiên không biết tôi có cái gì để giúp em Long nhớ. Ông cười và chờ đợi. Tôi nhìn thấy trong nụ cười đó là một nụ cười thật, sau bao ngày đêm chẳng còn sức sống bên tình trạng của con trai.

Tôi lấy ra một bức hình. Tôi chỉ mới in nó ra lần đầu tiên, trước khi đến bệnh viện. Trước khi đưa nó cho bố con anh Đinh xem, tôi hỏi Long nhỏ, “Em có nhớ năm ngoái em về Việt nam không?” Long trả lời, “Dạ nhớ.” Dĩ nhiên chuyện nhớ này là nhờ ba em đã nhắc lại và mang cả “kỷ vật” chiếc nón lá Việt Nam vào treo trong phòng em nằm. Em cần hình ảnh, hình ảnh cụ thể. Em cần âm thanh, tiếng cười nói của người thân. Bộ nhớ của em đang được tái phối thức… như máy computer sau khi reformat phải được cài đặt lại từng chương trình.

Em Long nói em nhớ đã về Việt nam nhưng có lẽ đó chỉ là thông tin được cài đặt lại chứ không phải nhớ thật, vì khi tôi hỏi thêm về những người em đã cùng về Việt Nam hoặc gặp ở Việt Nam thì em không biết.

Tôi tiếp tục cài đặt thêm vào trí nhớ của em. Thì… “năm ngoái, khi em về Việt Nam chơi, trong chuyến trở qua Mỹ, chị đã đón em ở sân bay, vì em bay qua Mỹ cùng với má của chị. Ba em và em đã đưa má của chị qua Mỹ dùm. Em đã ngồi cạnh má chị trên máy bay hơn 24 tiếng đồng hồ, em nhớ không?”

Hai chị em bắt đầu chuyện trò. Long có vẻ chậm rãi nhập cuộc. Nhưng chuyện tôi muốn nhắc lại và cho Long xem hình không phải chuyện tôi đón em mà là một kỷ niệm khác rất vui…

Cũng ngộ là cảnh sát Đinh này cũng đã sao đó có "duyên" với cái nhà Hai Lúa của tôi. Long nhỏ là con trai của một trong những bạn thân của tôi. Cùng với một vài người bạn, chúng tôi rủ nhau cùng về Việt Nam chơi. Khi trở qua thì tùy ai có ít ngày nghỉ thì qua trước; ai có nhiều ngày nghỉ thì qua sau.

Chưa bao giờ được biết quê hương Việt Nam nên Long rất nôn nóng và thích thú khi được ba cho đi Việt Nam. Tôi cũng rất hưởng ứng vì thời điểm đó trùng với thời gian má Hai Lúa của tôi vừa nhận visa sang Mỹ và tôi cũng sẽ cần về đưa má tôi qua. Mọi chi tiết của chuyến đi chơi chung được sắp xếp chắc chắn và cụ thể; nhóm sẽ đi những đâu, sẽ làm những gì. Nhưng phút chót có vài thay đổi vì tôi chuyển qua sở làm mới. Công việc còn bề bộn với trách nhiệm nhiều hơn, tôi không thể nghỉ phép lâu để cùng đi với mọi người. Trong khi đó, má Hai Lúa đã mua vé máy bay trùng ngày về của bố con nhà anh Đinh, mà cũng chính là ngày tôi và má Hai Lúa sẽ cùng bay qua Mỹ.

Thế là tôi phải… cáo lỗi ông Đinh cha, năn nỉ ổng đừng giận tôi không thể đi chung; và đã vậy, tôi còn nhờ bố con anh làm ơn đưa má Hai Lúa của tôi qua Mỹ dùm trong chuyến về của họ. Được vậy thì tôi đỡ phải đổi chuyến bay của má và sắp xếp lại chuyến đi của tôi.

Ông Đinh cha la tôi, “Trời ơi, cái cô này, đã không đi với tụi tui còn giao bà má.” Ổng chỉ “mắng yêu” thôi chứ anh em tôi thân nhau như anh em trong gia đình. Bố con anh sẽ sẵn sàng đưa dùm má Hai Lúa của tôi qua Mỹ. Và thật vậy, họ đã đưa má Hai Lúa tôi đến nơi không sứt mẻ.

Trên máy bay, vì không dành được chỗ ba người ngồi chung dãy, má Hai Lúa tôi ngồi cạnh Long-nhỏ suốt đường đi. Anh Đinh cha ngồi riêng một chỗ khác. Trong thời gian bay, má Hai Lúa tôi chuyện trò chuyện Việt Nam cho Long nhỏ nghe. Có khi bà đọc cả thơ cho Long-nhỏ biết thơ văn Việt Nam là… thế nào. Khi đến nơi, nghe anh Đinh cha kể lại chuyện, tôi còn nhớ đã trách má Hai Lúa tại sao đã “tra tấn” Long-nhỏ dữ thần vậy. "Tội nghiệp thằng nhỏ tiếng Việt không rành mà còn phải nghe thơ của má."

Má Hai Lúa tôi kể ở Hồng Kông, khi ngừng để chuyển tiếp máy bay, má tôi thấy Long-nhỏ cứ ngồi đó, sợ Long nhỏ chán, má tôi nói, “Để cô coi đồ cho, Long đi vòng vòng chơi đi.” Long-nhỏ trả lời, “Con mới là người phải coi chừng cô, chứ không phải cô coi chừng cho con.” Má tôi cười hìhì… không biết thằng Long là cảnh sát (Mỹ đàng hoàng chứ không phải giỡn!) nên nó luôn có trách nhiệm và tính cách của một người cảnh sát, bất cần biết là đang thi hành nhiệm vụ hay đang đi chơi. Cứ chốc chốc lại hỏi má tôi có cần gì không.

Khi đến Mỹ, hai bố con anh Đinh tiếp tục sốt sắng làm giúp phần thủ tục giấy tờ cho má tôi. Long-nhỏ cứ chạy ra chạy vào văn phòng làm giấy tờ để ghi chép dùm những lời khai. Cha con Hai Lúa của tôi đứng đợi bên ngoài thật lâu mới thấy tới phiên gia đình họ Đinh bước ra. Đi trước là Long-nhỏ, đẩy xe đầy hành lý. Đi theo sau là má tôi. Và sau cùng là anh Đinh cha. Coi như bố con anh Đinh đã “hộ tống” má Hai Lúa tôi đúng nghĩa “garde de corps”.

Đứng bên ngoài, nhìn thấy cảnh này, vừa xúc động, vừa thấy vui thật vui. Nhiều chuyện trên đời này, mình sắp xếp một đằng, nó lại xảy ra một nẻo. Phải là tôi đang đẩy hành lý đi ra trước và má Hai Lúa đi theo sau, mới là phải. Nhưng biết làm sao. Hình như người ta vẫn hay nói "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên?"

Tôi đến chào bố con anh Đinh và cảm ơn họ, cảm ơn Long nhỏ đã “làm giúp phần phận sự của chị”. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp em. Thật giản dị, khiêm nhường. Long đáp lời tôi, “Không có gì, chị. Đi chung với cô cũng vui lắm. Mới tức thì đây, bị hải quan chận lại vì thấy trong vali có trứng. Long hỏi cô có "trứng trong vali không cô?" thì cô nói không. Long giải thích là họ scan vali thấy có trứng. Nếu cô nhớ có trứng chỗ nào thì mình mở vali lấy ngay món đồ đó ra, hải quan sẽ đỡ phải lục tung hành lý của mình.” Má tôi đâu có nhớ và cũng chỉ nghĩ trứng là quả trứng thiệt, còn sống và còn vỏ… Ai dè một hồi lâu mới nhớ ra đã mua cho tôi hai ba gói bánh Bía. Trong đó cái thì nhân sầu riêng, cái thì nhân khoai môn, cái thì nhân đậu xanh và trứng. Chính hắn! Thế là mở vali ra đi tìm gói bánh Bía có nhân trứng. Mèn ơi, ai mà biết má tôi mua bánh Bía cho tôi. Từ sau vụ cúm gà, “trứng” đâu còn được du lịch và tự tiện vào Mỹ nữa! Má tôi cứ thắc mắc làm sao cái trứng, không còn vỏ, đã nấu chín, nằm dưới bao nhiêu lớp, nào là đậu xanh, rồi cái bao ở ngoài, rồi bao nhiêu là đồ đạc xung quanh, rồi bên ngoài còn cái vỏ vali đen xì… mà sao họ vẫn thấy cái trứng và phải lấy ra vứt cho bằng được. Long cười hìhì và “chào mừng cô đã thật sự đến Mỹ.”

Tôi kể lại những chuyện đó cho Long nghe và dường như em cũng đã mường tượng ra được khá nhiều hình ảnh. Em cười rất thích thú và như thật nhớ lại chuyến đi Việt Nam đó. Long hỏi tôi, “Vậy rồi bức hình chị vẫn chưa cho em xem là hình gì?”

Đi cùng với tôi ra đón bố con anh Đinh và má Hai Lúa tôi có tía Hai Lúa tôi và người anh họ lái xe từ Virginia Beach lên. Chúng tôi chỉ lái một xe ra sân bay vì nghĩ sẽ dư chở má Hai Lúa và hành lý của má. Nhưng phút chót bên nhà anh Đinh có trục trặc không ai ra phi trường đón hai bố con anh được, nên sau khi tính toán tới lui, mọi người cũng lại muốn… đi chung cho vui. Có nghĩa là cả thảy chúng tôi gồm sáu mạng, cùng với cả thảy hành lý gồm 6 cái ký gửi, 3 cái xách tay và 2 nón lá; tất cả chất hết lên chiếc xe Toyota Corolla của tôi. Và hình tôi chụp không phải là một bức hình kiểu, thấy mặt mọi người, mà là một bức hình trong tư thế rất tự nhiên, khi mọi người đang ráng buộc cốp xe lại vì sau khi chất được 6 hành lý vào, cốp xe không đóng lại được. Cũng may nhà anh Đinh không mấy xa sân bay, chúng tôi cứ chầm chậm chạy xe về nhà anh Đinh; gia đình anh Đinh xuống, tôi lái nhà Hai Lúa về nhà tôi. Trong suốt đoạn đường từ sân bay về, xe không ngừng tiếng cười khúc khích. Tôi đưa ra bức hình của kỷ niệm đó cho bố con anh Đinh xem. Mọi người lại có dịp cười thêm một trận.

Chị em tôi nói chuyện hồi lâu. Nói xong chuyện Việt Nam rồi lại sang chuyện của Mỹ, chuyện của những thành quả tuyệt vời của y khoa Mỹ. Cũng tai nạn này mà xảy ra ở những nơi khác, khó lòng tôi còn dịp gặp lại em Long.

Em Long nói “Em chẳng nhớ một chút gì về những gì đã xảy ra. Hy vọng em sẽ không ác mộng thấy lại nó sau này.” Tôi trấn an em, “Em cũng chẳng cần phải nhớ những chuyện đó. Nếu có biết hay nhớ lại gì đó thì chỉ nên tự hào về mình và cảm ơn Trời Phật đã giúp em vượt qua được thử thách khổng lồ đó. Chị nhìn em, thấy em vẫn đẹp trai như trước kia, không nói gì thì chẳng biết gì hết. Một Long Đinh hoàn toàn!”

Nghe khen đẹp trai, Long thích thú nhìn tôi cười và nhướng nhướng đôi chân mày. Em nói tiếp, “Dạ, em cũng nghĩ vậy. Em chẳng cần phải nhớ nó làm gì.” Tôi ủng hộ em, “Đúng rồi, em chỉ nên nhớ những chuyện vui, những hình ảnh hạnh phúc.”

Tôi cầm tay Long lên, “Rất nhiều người đã cầu nguyện cho em. Ai cũng yêu quý em. Mọi người xúc động về những gì đã xảy ra và rất tự hào về em. Em sẽ khỏe, em còn một quãng đường dài trước mặt để tiếp tục đi. Để chị xem chỉ tay em coi nào.” Long rút bàn tay phải lại và đưa bàn tay trái ra. Em nói, “Hình như chị phải xem tay trái của em mà phải không?” Tôi ngạc nhiên quá. Long "tỉnh" hơn tôi nghĩ. Tôi cười hì hì hỏi em, “Ủa, em cũng biết phải xem cho nam bên trái sao? Giỏi quá. Chị thì xem cả hai tay vì chị nghĩ tay nào cũng là của mình… hihi.”

Tôi nhìn lướt qua bàn tay em rồi đưa tay em lên và chỉ vào cho em xem bằng chính mắt mình. “Em thấy không, em có một đường sanh đạo thật rõ và dài. Em có một cù-lao ở đây, nhưng coi như em đã qua khỏi rồi. Từ đây về sau sẽ là từ sau cù-lao trở đi. Cả một đường dài suông sẻ, không dấu vết.” Em nhìn theo những gì tôi chỉ và dạ dạ thích thú nói, “Đúng rồi, still a long life há chị?”

Anh Đinh cha nhìn tôi thắc mắc không biết tôi làm… “thầy bói” từ khi nào khi nghe tôi dùng từ… chuyên môn “cù-lao trên đường sanh đạo”. Tôi không phải là “thầy bói” đâu.  Tôi chỉ mới đọc sách Chỉ Tay vài phút trước đó để có chuyện làm cho vui thôi.

Trong lúc tôi trò chuyện với bố con anh Đinh thì có bốn cô y-tá bước vào. Tiếp tục trò chuyện thì tôi nghe có tiếng máy bộ đàm. Đảo mắt nhìn quanh, không thấy cảnh sát hay nhân viên an ninh. Tiếng trong máy bộ đàm nghe rất lạ, cứ như đang phúc trình một sự việc gì đó. Nó nói, nó tắt, rồi lại nói… Mắt tôi ngừng lại ở người y tá phát ra tiếng máy khả nghi. Tôi cười và "nửa đùa nửa thật" hỏi, "Cô là Cóp đúng không?" Cô ta cười, gật đầu, "Không phải chỉ mình tôi. Cả ba cô kia nữa." Tôi lần lượt nhìn từng cô "Cớm Chìm" này và nói, "Trời, một mình nó mà tới bốn cô?" Chắc mấy cô hiểu ra tôi có ý nghịch… nên đồng loạt phá lên cười, cho thêm chút phấn khích, "Không sao đâu, mỗi lần chỉ một đứa, one by one, tụi tôi thay phiên khám thằng Robot Cop này." Tôi đang định hỏi "mấy cô khám gì nó" thì một cô Cóp nói vô, "Bây giờ người hùng cảnh sát này của chúng tôi đã có bí danh riêng, "Robot Cop" vì trong cơ thể nó chứa khá nhiều sắt thép. Vả lại nó đã qua được một thử thách mà chỉ có người “Robot thứ dữ” mới sống sót được thôi.

Robot Cop là cảnh sát rô-bô, nhưng tôi chợt nhớ hình như Long nhỏ này cũng là một thằng cọp. Như vậy gọi Long là Robot Cop là phải rồi. Sẽ vừa có nghĩa Cảnh sát rô-bô mà cũng là Robot Cọp, tức Cọp Sắt. Tôi hỏi Long, "Hình như em tuổi cọp phải không? Nếu vậy thì em nhỏ hơn chị đúng một con giáp." Tôi vừa dứt lời thì Long hỏi tôi, "Vậy em nhỏ hơn chị 12 tuổi hả?"    

Wow, lại thêm một lần cho tôi thấy Long "tỉnh" hơn tôi nghĩ. Nó còn nhớ một con giáp là 12 năm. Hoàn toàn không phải thông tin được cài đặt. Quá khả quan rồi!  
Người thanh niên luôn xông xáo trong những nhiệm vụ khó đang nằm đó, đã tỉnh, đang dần hồi phục. Cùng với chị, hàng trăm người thân quen khác, kể cả những người xa lạ… vẫn tiếp tục cầu nguyện cho em. Họ cảm ơn em đã dũng cảm cố gắng ngừng chiếc xe tội phạm đó trước khi nó có thể gây ra nhiều tai nạn chết người khác.
 
 
Trở Lại…
 

 
Tác giả Anne Khánh Vân cùng viên cảnh sát họ Đinh
 

Tôi cùng vài người thân trở lại thăm Long. Vào phòng, em đã ngồi lên được. Nhìn em tươi tắn, mạnh khỏe, chỉ hơi gầy hơn đôi chút. 
 
Thật không thể ngờ. Chỉ bảy tuần sau nạn, một tai nạn khốc liệt, một tai nạn chỉ một phần sống, ngàn phần chết, và em đã ngưng thở, vậy mà hôm nay em đã có thể ngồi dậy. Nhìn thấy trong em một sức sống mãnh liệt. Chỉ đứt tay chút đã thấy đau. Chỉ nhức đầu một chút đã khó chịu. Xương cốt em gẫy từng đoạn, từ đầu xuống chân. Có thể hình dung được sự đau nhức của nó ra sao. Dĩ nhiên có thuốc giảm đau cho em, nhưng cũng có những giai đoạn lượng thuốc giảm xuống, và độ thuốc giảm đau cũng được giảm dần, em sẽ thật sự cảm nhận sự đau nhức trong cơ thể. Em phải tập làm quen với sự hiện diện của những vật lạ sắt thép bên trong mình. Thế nhưng em vẫn tươi tắn. Khi hỏi em có đau chỗ nào không, em bình thản trả lời, “Không có vấn đề gì hết.” Có lẽ em cảm nhận được lòng thương mến của tất cả mọi người.  Nó lớn hơn những đau đớn của em.  Nó giúp em đấu tranh với những đau nhức để phục hồi và tươi tắn nhìn mọi người thân quen.
 
Những người thân quen em gặp lần đầu tiên sau tai nạn thì em không nhớ là ai. Nhưng những người em gặp sau tai nạn thì em nhớ họ khi gặp lại. Tôi đến thăm em lần đầu tiên cách đây hai tuần. Tôi hỏi em thử nói tên tôi ra xem em đã nhớ giỏi ra sao. Em trả lời “Chị Vân.”  Rồi sau vài giây, em tiếp tục, “Chị Kây-Vi.” Em còn nói lớn hơn với mọi người, “Từ nay mình hãy gọi chị Khánh Vân là chị Kây-Vi đi, nghe hay lắm.” Tôi nghe xong ngạc nhiên quá trời quá đất và cười hì hì. Ngạc nhiên thứ nhất là em nhận ra tôi và ráp cho tôi đúng cái tên. Ngạc nhiên thứ nhì là em không chỉ nhớ mà còn rất nhậy bén và đủ lém lắc nghĩ ra cho tôi một cái tên bí danh nghe rất dễ thương: Kây-Vi.  Từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới nay chỉ có một người gọi tôi là Ka-Vê.  Hôm nay em cũng trong công thức tắt đó, gọi tôi chị Kây-Vi.
 
Em đang tập luyện cử động lại cơ thể, cử động lại từng khớp xương, từng cơ bắp. Hiện nay mỗi ngày em phải tập khoảng 2 giờ. Các y tá và bác sĩ ở bệnh viện nơi đã giải phẫu và chăm sóc cho em ngay sau tai nạn vẫn thường xuyên đến thăm em ở bệnh viện nơi em đang hồi phục và luyện tập thể lý. Dường như có một liên hệ rất thân thiết được tạo nên từ khi em sống lại, giữa em và các bác sĩ y tá, giữa em và đồng đội, và kể cả giữa em và người thân trong gia đình.
 
Đồng nghiệp đã tạo ra một trang web để tuyên dương công trạng cho Long (www.valorspotlight.org). Không chỉ tuyên dương sự dũng cảm khi em tìm cách ngăn chận phạm nhân, mà còn cho cả sự chiến đấu với những vết thương chết người bằng sức mạnh của thể chất lẫn sức mạnh tinh thần. Long phải luôn giữ quân bình để đối phó với những lên xuống thất thường của cảm xúc.
 
Chị Kây-Vi tin chắc Long sẽ phục hồi nhanh chóng và trở lại hoàn toàn như trước. Thể chất em sẽ mạnh mẽ lại vì em có một nghị lực phi thường. Bộ nhớ em cũng sẽ được đong đầy lại hình ảnh và em có một may mắn đặc biệt đó là cơ hội gạn lọc lại những điều muốn cho vào lại trong bộ nhớ: những chuyện ý nghĩa, những chuyện vui, những chuyện hạnh phúc. Trong những chuyện vui muốn nhớ lại, em có thể nhớ thêm rằng khi má Hai Lúa của chị cảm ơn em ở sân bay, má chị còn nói, "Cô cảm ơn Long nhiều. Mai mốt Long lấy vợ, cô sẽ tới phụ rửa chén cho đám cưới Long."
 
Cuộc đời vẫn rất đẹp. Nó cần có lại một "Robot Cop" như cảnh sát Đinh và một thanh niên dễ thương đáng quý như Long. Em sẽ dần khỏe mạnh và còn khỏe hơn cả trước. Em sẽ lại tiếp tục làm cảnh sát, với một trái tim nhân ái, biết phục vụ, biết hiến dâng. Và em sẽ có gia đình để má Hai Lúa chị có dịp thực hiện điều bà muốn làm để cảm ơn.  

Cảm ơn đồng đội đã yêu quý và cổ võ Long Jr Dinh. Cảm ơn tất cả những người thân quen, tất cả những trái tim nhân ái đã giúp đỡ tinh thần cho gia đình anh Đinh cha trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
 
Xin vô cùng cảm ơn y khoa và tài năng các bác sĩ Mỹ. Xin chúc mừng thành công tuyệt vời của Y khoa Mỹ trong việc làm sống lại Long Jr Đinh và tạo nên Robot Cop Long Jr Đinh cho chúng ta. 
 
Cuối cùng, xin cảm ơn Thượng Đế!
 
Anne Khánh Vân
 
-----------------------
 
Bản chính của tin, cùng hình ảnh:
 
[A deadly crash in Fairfax County - February 28, 2013 9:52 AM
Man Killed Police Officer Injured in Deadly Pursuit in Annandale 
 
ANNANDALE, Va. (CBSDC) — A man is dead and a police officer badly injured following a pursuit in Fairfax County that ended with a head-on collision that closed portions of Little River Turnpike/Route 236 for nearly six hours early Thursday morning.

Police say the pursuit began shortly after midnight when officers responded to a domestic disturbance at a home in the 4800 block of Tapestry Drive. A man at the residence, identified as 40-year-old Cicero I. Liberea, spoke briefly with police before getting into a white sport utility vehicle and driving away erratically, authorities say.
Police say officers attempted to stop the fleeing man, who turned off Roberts Road and into oncoming traffic on Route 236. Officers continued pursuing the SUV from the eastbound lanes as Cicero drove in the same direction on the opposite side of the roadway, police confirm.

A police spokesperson says Cicero nearly struck several vehicles as he traveled at a high rate of speed for roughly four miles before crashing head-on into a cruiser, who was responding from opposite direction, on the I-495 overpass around 12:30 a.m.

Cicero, of no fixed address, was killed in the collision, police say.

The collision trapped the officer inside his vehicle until authorities were able to cut the roof off his cruiser. He was taken to the hospital with numerous injuries and is listed in stable condition.

Police say the officer, 28, is assigned to the Mason Police District.

It is unclear whether drugs or alcohol were a factor in the crash.

The crash is being investigated.]

 A deadly crash in Fairfax County. (credit: John Domen/All-News 99.1 WNEW)


Xe khi đã cưa nóc xuống để lấy viên cảnh sát ra ngoài.
 
___________________________________________

Dainamax trân trọng giới thiệu bài viết này để chúng ta phần nào mường tượng ra vị trí của một người cảnh sát (Cop hay Cớm theo cách nói lóng hay thân mật) trong xã hội Hoa Kỳ, đối với đồng đội và cộng đồng. Họ hãnh diện là cảnh sát, có bản năng là bảo vệ và tạo ra sự tín nhiệm đối với mọi người. Gặp cảnh sát là ta yên tâm... Khác xa với nhiều nơi khác.

Tác giả Khánh Vân cho biết: "hôm nay (Thứ Sáu 26 Tháng Tư) thằng Cóp đã được về nhà, có cả chục xe moto cảnh sát tháp tùng, rồi cả xe cruiser cảnh sát... nhấn còi như đưa Tổng thống đi.... Cả làng xóm ra xem... Rất xúc động."

Nếu viên cảnh sát họ Đinh không quen biết tác giả Khánh Vân thì có khi chúng ta hụt mất chuyện này. Đọc xong, mình có thể hiểu ra nỗi đau của cảnh sát khi có đồng đội bị kẻ gian hay khủng bố hạ sát. Đấy là một nét văn hóa ít ai biết về nước Mỹ....

Xin cám ơn Khánh Vân và chúc viên cảnh sát họ Đinh tên Long sớm bình phục. NXN

Thứ Sáu, tháng 4 26, 2013

Giá Vàng Rơi


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130427

"Vàng Rơi Vàng Rơi Thâu Mênh Mông"

 * Vàng chảy từ trên trời xuống hay sao? *


Nếu có vàng thì tôi sẽ bán. Bao giờ bán chưa biết, nhưng bây giờ thì hãy mua đã....

Suốt Tháng Tư, chuyện giá vàng lên hay xuống đang làm nhiều người thắc mắc. Sau khi vọt lên đỉnh cao là 16 ngàn Mỹ kim một troy ounce cuối năm ngoái, vàng bỗng sụt giá mạnh hôm Thứ Sáu 12, biến cố ấy được nhiều người chú ý. Cái gì khiến loại quý kim này nhảy nhót trên thị trường? Rồi sẽ nhảy đi đâu?

Mọi chuyện có thể khởi sự từ khá sớm và khá xa:

Trung tuần Tháng Ba, Cộng hoà Cyprus con con của Âu Châu bị đe dọa vỡ nợ nên đòi nạo tiền ký thác của thân chủ, rồi loay hoay mãi với các giải pháp cứu nguy mà chưa xong. Sau đấy là lời đồn bán vàng, xuất phát từ một khuyến cáo của Đức vào Tháng 11 năm ngoái. Cyprus có dự trữ vàng khoảng 13,9 tấn, không nhiều lắm nếu phải bán tháo. Nhưng xứ này có thể là cái chốt bị bật khiến các nước lâm nạn khác cũng họa lây và phải bán vàng trả nợ, như Bồ Đào Nha với hơn 385 tấn hay Ý Đại Lợi với hai ngàn 451 tấn.... Đó là chuyện xa, mà chưa xa lắm.

Huống hồ, mùng hai Tháng Tư vừa rồi, tổ hợp ngân hàng Pháp Société Générale công bố một phúc trình về "Ngày tàn của Kỷ nguyên vàng" với dự báo là giá vàng trong suốt năm chỉ ở khoảng 1.500 Mỹ kim, và tới cuối năm sẽ rớt tới mức 1.375, hoặc thấp hơn!

Qua mùng 10 thì tổ hợp Goldman Sachs phụ họa trong lá thư gửi các thân chủ: "hãy bán khống". Nôm na là đầu cơ theo chiều hướng vàng sụt giá, short sell.

Ở giữa hai thời điểm ấy, mùng bốn Tháng Tư, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật thông báo chính sách cứu nguy kinh tế theo hướng thổi lên lạm phát, với một lượng tiền bơm ra gấp đôi biện pháp "quantitative easing" mà Hoa Kỳ đang áp dụng, lần thứ ba: mỗi tháng 200 tỷ đô la. Nhật sẽ kích hoạt khu vực địa ốc, đồng Yen sẽ sụt giá, và vừa liều lĩnh đánh cá là sẽ thoát hiểm sau 15 năm èo uột....

Khi đã nhấp nhổm muốn chạy, bất cứ một tin gì bất lợi như vậy là mọi người đều túa ra cửa. Bán tháo. Với niềm tin vào tương lai màu xám, người ta bắt đầu nêu giả thuyết về âm mưu mờ ám.

Nào là vì Ngân hàng Trung ương Mỹ bán ra 400 tấn vàng hôm Thứ sáu 12 nên vàng rụng như lá thu. Hoặc Mỹ đang tung vàng tấn công kinh tế Trung Quốc, theo lời bình luận của các "học giả" Bắc Kinh.

Kết luận của bậc thức giả là sau 12 năm tăng giá vùn vụt, từ 400 lên ngàn chín và bay lên cõi ảo, vàng đã rơi vào thực tế và sẽ sụt giá. Chúng ta đang chứng kiến sự hốt hoảng được củng cố bằng suy đoán có vẻ hợp lý về những ý đồ đen tối. Vàng đã hết thời!

Nhưng có nên nhìn lại sự thể một cách lạnh lùng tỉnh táo hay chăng?

Tám chục năm trước, trong vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933, Tổng thống F.D. Roosevelt ban hành sắc lệnh ngày một Tháng Năm 1933, rằng mọi người phải nộp cho Ngân hàng Trung ương mọi loại vàng thoi, vàng lá, tiền vàng và chứng chỉ vàng để mỗi troy ounce lấy về 20,67 đô la (quãng 370 đô la theo hiện giá ngày nay). Việc giữ vàng là phi pháp cho đến khi Tổng thống Gerald Ford ký đạo luật cho phép giữ vàng, vào ngày 31 Tháng 12 năm 1974.

Nghĩa là người ta chỉ tự do mua bán vàng kể từ năm 1975 mà thôi. Vẫn cái năm 75 oan nghiệt!

Sinh viên kinh tế có thể chỉ ra là giá vàng lên hay xuống là tùy theo cung cầu. Cung là khả năng cung cấp của kẻ đào vàng hay những nơi đang có vàng trong kho. Cầu là số vàng mà người ta muốn mua vào....

Về số cung, khối vàng đã được khai thác trên toàn cầu hiện ở mức 171 ngàn tấn và dự trữ còn lại dưới lòng đất được ước tính là 51 ngàn tấn. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ USGS thường xuyên theo dõi tình hình khoáng sản và kim loại còn cho biết thêm rằng từ 1900 đến nay, mỗi năm khối vàng được đào thêm là khoảng 2.500 tấn so với tổng số 30.000 tấn đã có từ trước. Nếu mỗi năm người ta đào thêm được 2.500 tấn thì nâng được số cung chừng 1,5% một năm (mà thôi) và với số dự trữ dưới lòng đất ở khoảng 51 ngàn tấn thì đào thêm được 20 năm là hết mạch!

Con số đáng nhớ là số cung chỉ tăng được 1,5% một năm nếu tiếp tục đào thêm mỗi năm 2.500 tấn. Số cầu là từ những ai muốn mua vàng để đầu tư, không tính đến vàng trang sức hay công nghiệp.

Vàng để đầu tư gồm có tiền vàng, vàng thoi, vàng lá và cả vàng giấy, là vàng mua bán trên thị trường có hạn kỳ, gọi là "futures". Đây là nơi nhà đầu tư hứa mua hay bán với cái giá nhất định vào một tương lai hẹn trước. Trước khi hoặc đến kỳ hạn thì nhà đầu tư giải kết bằng một hợp đồng trái ngược và nghiệp vụ đầu tư này thực hiện bằng giấy, chứ không có chuyện trao vàng. Chúng ta nên để ý đến chuyện vàng giấy này vì chẳng ai sờ vào thoi vàng mà vẫn ảnh hưởng đến giá vàng. Nói cách khác, có sự khác biệt giữa giá vàng thấy niêm yết trên thị trường (gold price) và trị giá của vàng thật (price of gold)!

Câu hỏi kế tiếp là vì sao người ta đầu tư vào vàng – và ảnh hưởng đến số cầu? Có thể vì ba động lực.

Vàng là một phương tiện bảo vệ tài sản chống nạn lạm phát, sợ tiền mất giá thì đổi đồng bạc thành vàng. Nếu nhìn trong dài hạn từ 1975 đến nay, khi so sánh giá vàng với chỉ số lạm phát, ta thấy ra một kết quả thất thường, khi được khi thua, khi lời khi lỗ chứ không an toàn chắc chắn. Đấy là nếu mình còn tin vào thống kê về giá cả - trường hợp chưa có tại Việt Nam. Cũng tại Việt Nam, người ta mới để ý đến vụ Ngân hàng Nhà nước thọc tay vào vàng! Rửa sạch rồi mới bán ra....

Vì động lực chống lạm phát, vàng lên giá vùn vụt khi thiên hạ thấy các nước lân nạm đã in bạc bơm tiền nên sợ là vật giá gia tăng. Nào ngờ lạm phát chưa xảy ra mà sản xuất vẫn co cụm và hệ thống ngân hàng ngồi trên khối dự trữ dư dôi đã dồn tiền qua thị trường chứng khoán. Sao không bán vàng để chơi stock? Đấy là những lý do khiến người ta hoài nghi việc giữ vàng để chống lạm phát.

Ngoài nhu cầu ngăn ngừa lạm phát, người ta có thể mua vàng để tránh rủi ro hối đoái. Đó là động lực thứ hai.

Giữ tài sản bằng tiền Mỹ, tiền Nhật hay đồng Euro đều có thể nguy hiểm nếu xứ nào cũng bơm tiền làm các đồng bạc đó đều mất giá, vì vậy trên lý thuyết người ta bán ngoại tệ để mua vàng. Nhưng nếu nhìn lại thống kê về giá vàng và hối suất của các đồng ngoại tệ chính kể từ năm 1975 trở lại, giới nghiên cứu thấy giá vàng và giá tiền của các nước đều chuyển dịch cùng hướng. Coi bộ không lời mà mỗi lần đổi qua đổi lại lại bị lỗ vì trả hoa hồng hai cửa.

Người ta còn có thể mua vàng vì một lý do thứ ba, hiện đại vô cùng: canh chừng ngân hàng nhà nước!

Từ nhiều năm nay, các ngân hàng trung ương hay ngân hàng quốc gia, ngân hàng nhà nước, đều thi đua kích thích kinh tế bằng nhiều biện pháp thông thường về tiền tệ, tín dụng. Và cả biện phát bất thường gọi là "quantitative easing", trước nhất tại Nhật Bản và mới nhất mà cũng mạnh nhất vẫn là Nhật Bản. Đấy là hiện tượng chung của các nước công nghiệp hóa, mà Trung Quốc cũng chẳng là ngoại lệ với núi nợ chất đống. Người ta lại chợt nhớ đến khả năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội. Để tiền đó cho các ngân hàng trung ương lũng đoạn thì nguy quá. 

Chính là nỗi lo ấy mới khiến số cầu về vàng gia tăng.

Và trong hoàn cảnh chung, ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển đều có nhu cầu thủ thế: nâng tỷ trọng vàng trong khối dự trữ quý kim và ngoại tệ cho an toàn hơn. Nếu các quốc gia này, dù sao có đà tăng trưởng cao nhất và sức nặng kinh tế hơn hẳn thời xưa, mà cũng muốn có tỷ trọng vàng và ngoại tệ tương đương với các nước công nghiệp hóa thì số cầu sẽ vọt lên trời.

Thí dụ như chỉ riêng bốn nước trong nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) mà muốn có tỷ lệ vàng tương tự như Mỹ thì họ phải tìm ra và mua vào 78 ngàn tấn. So với khối lượng hiện hữu của cả thiên hạ là 171 ngàn tấn thì đấy là điều nan giải. Nếu bốn xứ này lại theo tiêu chuẩn an toàn của Thụy Sĩ mà muốn trữ vàng nhiều hơn thì thế giới phải có thêm quãng 350 ngàn tấn. Chuyện bất khả.

Nếu kể thêm nhu cầu của các nước còn lại, như Nam Hàn, Nam Dương hay Mễ, v.v... chúng ta thấy ra biến động của quy luật cung cầu: vàng sẽ còn lên giá vì số cung có hạn.

Vì vậy, sau 12 năm tăng giá, vàng đang ở vào giai đoạn điều chỉnh làm nhiều người lật đật bán tháo. Nhưng nhìn xa hơn một mùa hoảng hốt, giá vàng sẽ tăng. Phải chăng vì vậy mà Goldman Sachs lại vừa thông báo rằng họ thu lại khuyến nghị bán khống mới đưa ra hôm mùng 10?

Lời cuối cho Việt Nam: thơ Bích Khê có một câu rất đẹp trong bài "Tỳ Bà": "vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông...." Ai cũng hiểu "Thu" là mùa lãng mạn. Nhà buôn có khi nghĩ đến thu là thu tiền hay thâu ngân. Nhưng "thâu", viết theo bộ Xa, còn có nghĩa là thua bạc. Nhìn vào Việt Nam thì mới thấm!