Thứ Tư, tháng 9 26, 2012

Liên Minh Thuế Quan

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120926 

Từ Liên minh Thuế quan đến Không gian Kinh tế rồi Liên hiệp Âu-Á: Putin muốn gì? 



* AFP photo - Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo v
ới các nhà lãnh đạo APEC tại thành phố Vladivostok của Liên bang Nga hôm 09/9/2012 *


Khi việc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP bị trở ngại, thì Việt Nam có nên xúc tiến việc thương thuyết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Thuế quan do Liên bang Nga đề xướng hay không? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về hai hồ sơ này qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Hiệp định TPP

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong một chương trình vào đầu Tháng Sáu vừa qua, khi đề cập đến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP, ông trình bày những trở ngại khiến chỉ tiêu do Tổng thống Hoa Kỳ đề nghị, là hoàn tất nội trong năm nay, sẽ khó thành. Quả như vậy vì sau kỳ họp thứ 14 của chín nước liên hệ, trong đó có Việt Nam, vào hôm 15 vừa qua, người ta nói đến kỳ họp tới vào Tháng 12 tại New Zealand, với hai quốc gia nữa sẽ tham dự là Canada và Mexico, nhưng dự đoán là vòng đàm phán này cũng sẽ thất bại.

Trong khi ấy, dư luận lại chú ý đến một hy vọng vừa nhen nhúm nhân Hội nghị Cấp cao vào tuần trước của Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương là APEC, tại thành phố Vladivostok của Liên bang Nga. Đó là việc Bộ trưởng Công thương Việt Nam đã ký với Bộ trưởng của Liên minh Thuế quan một biên bản nghiên cứu để khởi sự đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh này, được giới thiệu như một sáng kiến của Liên bang Nga. 

Như vậy, trong có một tuần ta thấy ra hai hồ sơ cùng liên hệ đến tự do mậu dịch là, thứ nhất, chuyện TPP đang bị trở ngại; và thứ hai, Việt Nam có triển vọng khác qua việc hợp tác với Liên minh Thuế quan này. Chúng tôi đề nghị là mình cùng tìm hiểu về hai hồ sơ đó, nhất là về Liên minh Thuế quan mà nhiều thính giả của chúng ta chưa nghe tới bao giờ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thực đơn kỳ này của chúng ta có hai món đều khó tiêu cả nên tôi e rằng thính giả của chúng ta có khi bị bội thực! Tôi xin bắt đầu với Hiệp định Đối tác Thái bình dương.

- Cách đây 11 năm, vào Tháng 10 năm 2001, tức là ngay sau vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ thời đó đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mở ra một vòng đàm phán mới, gọi là Vòng Doha do tên của thành phố tổ chức hội nghị. Mục đích của Vòng đàm phán Doha là tiến tới chế độ mậu dịch tự do, với thuế biểu tối thiểu và hết còn rào cản, giữa các nước, trong đó quan trọng và có lợi nhất là các nước đang phát triển. Nhưng sau chục năm cố gắng, vòng đàm phán ấy không thành vì dị biệt quyền lợi và quan điểm quá lớn giữa các nước.

- Mùa Thu năm 2008, cũng chính Tổng thống George W. Bush đã nhân sáng kiến hội nhập thương mại của bốn nước trong vành cung Thái bình dương, là Chile ở Nam Mỹ và Singapore cùng New Zealand rồi Brunei tại Đông Á, mà mở rộng và nâng cao sáng kiến thành Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương, với vai trò chủ động của nền kinh tế lớn nhất địa cầu là Hoa Kỳ. Khi đó, mục tiêu của Mỹ có trọng tâm khiêm nhường hơn vì thu hẹp hơn vòng đàm phán Doha giữa 157 thành viên của tổ chức WTO. Nhưng chìm bên dưới thì ta còn thấy một chủ đích khác, đó là xây dựng thế hội nhập kinh tế giữa các nước mà không có Trung Quốc.

- Sau khi nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama đẩy mạnh sáng kiến của vị tiền nhiệm và còn hy vọng hoàn tất bản Hiệp định nội năm nay. Nhưng 14 kỳ họp vẫn chưa san bằng nhiều chướng ngại, thí dụ như về quyền sở hữu trí tuệ, chế độ lao động, môi sinh, tự do sử dụng Internet, hay vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Vũ Hoàng: Đây là một điều đáng tiếc vì trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu đang bị trì trệ nếu các nước đạt được một hiệp định thương mại tự do thì là điều có lợi cho mọi người. Nhưng thưa ông, phải chăng cũng vì những chấn động kinh tế vừa qua trên thế giới mà xu hướng bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa lại gia tăng trong nhiều nước nên mới gây thêm trở ngại?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đấy cũng là một lý do khá quan trọng.

- Thí dụ như tại Hoa Kỳ, là nước chủ xướng, Chính quyền Obama chưa xin Quốc hội quyền đàm phán theo thủ tục nhanh gọn, gọi là "fast track", để thúc đẩy việc thương thuyết. Rồi sức ép của xu hướng bảo hộ mậu dịch, bảo vệ môi sinh hay các nghiệp đoàn Mỹ trong một năm tranh cử cũng dẫn tới những đòi hỏi mà nhiều nước cho là quá đáng. Ngược lại, vai trò nặng nề mà yếu kém của khu vực nhà nước và chế độ kiểm soát mạng điện tử như tại Việt Nam cũng đi ngược chủ trương chính yếu của Hiệp định. Nếu mà ngoài 11 quốc gia đang đàm phán với nhau, Hiệp định lại mở rộng để nhận thêm các nước khác, thí dụ như Nhật Bản, Úc hay Nam Hàn, thì khó khăn sẽ càng tăng chứ không giảm.

- Nhìn chung thì Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đang thành một trung tâm kiện tụng quốc tế về nạn cạnh tranh bất chính. Khi Vòng Doha bị tê liệt thì từng nước tìm cách kết hợp nhỏ hơn, giữa từng nhóm quốc gia với nhau, thí dụ như giữa Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN với ba nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Nhưng chính là tranh chấp về quyền lợi lẫn an ninh giữa các nước Á châu này, mà điển hình là vụ khủng hoảng Hoa-Nhật, càng đẩy lui hy vọng thành lập một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn.

 

Liên minh Thuế quan 


033_RIA12-1233612_3028-250.jpgChủ tịch nước VN Trương Tấn Sang (thứ 2 từ phải) tại Diễn đàn APEC, thành phố Vladivostok, Nga hôm 09/9/2012. AFP photo
Vũ Hoàng: Bây giờ qua phần hai, về Liên minh Thuế quan mà lãnh đạo Liên bang Nga đề nghị Việt Nam tham dự nhân hội nghị vừa qua của diễn dàn APEC, thưa ông, liên minh ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là câu chuyện dài mà có lẽ ta phải trở lại từ thời Liên bang Xô viết thì mới suy ra mục tiêu của Liên bang Nga ngày nay.

- Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Liên bang Nga là cường quốc mạnh nhất trong tập thể cũ nhưng bị khủng hoảng cả chục năm và chỉ dần dần hồi phục dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin từ năm 2001. Từ đó, Nga muốn chinh phục lại ảnh hưởng đã mất với các nước Cộng hòa của Liên bang Xô viết cũ, khởi đầu với việc tấn công Georgia vào Tháng Tám năm 2008 và gây áp lực về khí đốt Ukraina vào đầu năm 2009 rồi đẩy lui dần làn sóng dân chủ và thân Tây phương tại Đông Âu.

- Trong khu vực Đông Âu, một quốc gia bị khóa trong đất liền và không tiếp cận với Âu Châu là Cộng hoà Belarus thì vẫn nằm trong quỹ đạo Nga. Tại khu vực Trung Á, thì Nga ra sức củng cố ảnh hưởng với năm nước Cộng hoà theo Hồi giáo là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Takikistan, xưa nay có nền kinh tế quá lệ thuộc vào nước Nga.

- Chính ảnh hưởng kinh tế quá mạnh đó mới khiến Kazakhstan lần đầu tiên đề nghị chế độ quan thuế thống nhất với Liên bang Nga vào năm 1994. Khi Nga đã quật khởi thì sáng kiến này trở thành một kế hoạch của ông Putin và được chuẩn bị từ năm 2008. Liên minh Thuế quan ra đời hôm mùng một Tháng Giêng năm 2010 giữa ba nước là Liên bang Nga, Belarus và Kazakhstan.

Vũ Hoàng: Thưa ông, nội dung kinh tế của Liên minh này gồm có những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước thống nhất quan thuế biểu trong luồng giao dịch với nhau. Còn với các nước bên ngoài Liên minh thì họ áp dụng thuế biểu của Nga. Từ mùng một Tháng Bảy năm ngoái, họ bãi bỏ chế độ kiểm soát quan thuế hay hải quan giữa ba nước với tiêu chí là mở ra một "Không gian Kinh tế Thống Nhất" của Liên minh từ đầu năm nay do Nga lãnh đạo.

- Một cách cụ thể thì Belarus và Kazakhstan bãi bỏ thuế suất nhập khẩu khá thấp của họ để áp dụng thuế suất cao hơn của nước Nga khi họ mua hàng của các nước nằm ngoài Liên minh. Nghĩa là hội nhập và lệ thuộc nhiều hơn vào kinh tế của Nga. Nội dung kinh tế đó chỉ đưa ba nước trở lại quỹ đạo ngày xưa của Liên Xô.

- Nhưng đáng chú ý hơn vậy là nội dung an ninh và chính trị khi mà Công an Thuế vụ của Nga sẽ phụ trách việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của ba nước trong Không gian Kinh tế này. Và một khía cạnh đáng chú ý nữa - và có được phản ảnh khi Việt Nam ký kết với Liên minh này hôm mùng bảy vừa qua - là tăng cường hợp tác về kỹ thuật quân sự giữa các nước.

Vũ Hoàng: Ông vừa nêu một chi tiết có thể làm thính giả suy nghĩ. Đó là Belarus và Kazakshtan áp dụng thuế suất nhập nội của nước Nga vốn dĩ cao hơn của họ. Phải chăng vì vậy mà họ sẽ giảm dần việc trao đổi với các nước ngoài Liên minh hay Không gian Kinh tế này và tăng cường trao đổi với Nga?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, việc gọi là "hội nhập" đó khiến các nước trở lại vị trí chư hầu của Nga như trong quá khứ mặc dù thống kê kinh tế thì nói đến luồng trao đổi giữa ba nước đã tăng 18% trong một năm, tính đến quý một của năm nay.

- Cũng vì thế mà Ukraina do dự khi được mời vào Liên minh dù Tổng thống Viktor Yanukovich hiện nay là người thân Nga và thực tế được ông Putin yểm trợ để loại bỏ xu hướng thân Âu Châu và trở lại nắm quyền. Nhưng Liên bang Nga vẫn có cách khác để gây áp lực, như qua các tập đoàn dầu khí quá mạnh của hai nước. Tập đoàn Naftogaz của Ukraine sẽ nhường quyền khai thác khí đốt cho tập đoàn Gasprom của Nga để Ukraine được mua khí đốt từ Nga với giá rẻ và đấy cũng là một đòn bẩy của Putin. Ngoài Ukraine thì các nước khác, kể cả Armenia rất thân Nga, Uzbekistan, Turkmenistan hay Azerbaijan và nhất là Georgia thì vẫn đứng ngoài. Nói chung, xứ nào cũng thấy ra mục tiêu chính trị của Nga nằm dưới vỏ bọc kinh tế và mậu dịch.

 

Việt Nam được gì?  



hang-hoa-4-250.jpgHàng hóa trong một siêu thị ở Hà Nội, ảnh chụp tháng 9/2012. RFA photo  



Vũ Hoàng: Khi Liên minh này nói về bước phát triển từ ngoại thương qua một "Không gian Kinh tế", chúng ta đều thấy yếu tố địa dư ở bên trong. Đó là các quốc gia được mời vào liên minh về thuế quan đều tiếp cận với Nga. Trường hợp Việt Nam nằm tại Đông Nam Á và nếu tiếp cận thì với Trung Quốc chứ có gần nước Nga đâu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông nêu một câu hỏi rất chí lý khiến chúng ta phải tiến thêm một bước vào chuỗi suy luận của lãnh đạo Nga. Trước khi tuyên bố sẽ ra tái tranh cử Tổng thống vào năm ngoái, Thủ tướng Vladimir Putin đã nói đến kế hoạch thành lập một Liên hiệp Âu Á, cũng tương tự và có thể là một lực đối trọng với Liên hiệp Âu châu hiện nay.

- Khi tìm hiểu kỹ kế hoạch, người ta thấy tham vọng của Nga là dùng hợp tác kinh tế để có một khối thống nhất từ Đông Âu đến Viễn Đông, đến Á châu Thái bình dương, với tiêu chí của ông Putin là lập nền móng của sự hợp tác này vào năm 2015. Về thực tế thì đây là dự tính trường kỳ, dọ dẫm từng bước theo kiểu liệu cơm gắp mắm, tiến được chừng nào hay chừng đó.

- Bước đầu tiên là Liên minh Thuế quan, kế đó là Không gian Kinh tế, rồi đến Liên hiệp Âu Á. Nếu Liên minh Thuế quan có thực lực, Không gian Kinh tế sẽ mở rộng cùng sự hợp tác về an ninh và chính trị. Trên thế mạnh đó, Liên bang Nga mới có điều kiện thuận tiện để vận động các nước trong quỹ đạo lập ra Liên hiệp Âu Á, và trở thành là lực đối tác với Âu Châu ở hướng Tây và Trung Quốc ở hướng Đông. Cũng vì vậy mà Nga mời Ấn Độ và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, ký hiệp định với Liên minh Thuế quan để gia tăng giao thương với châu Á.

Vũ Hoàng: Khi thấy bức tranh toàn cảnh, người ta có thể hiểu rằng vấn đề không chỉ là ngoại thương hay quan thuế. Theo nhận định của ông, Việt Nam có lợi gì trong sự hợp tác này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từng nằm trong quỹ đạo Xô viết, Việt Nam có quan hệ lâu đời với nước Nga. Nhiều giới chức trong đảng hay quân đội cũng vậy. Giữa cảnh thúc bách với Trung Quốc, một số người lãnh đạo có thể nghĩ đến giải pháp đa diện hoá sự giao kết của mình, nhân đó tìm thêm một chút lợi nhuận. Mà Nga lại biết mua chuộc và chẳng làm phiền mình về chuyện nhân quyền hay dân chủ! Nhìn theo một cách nào đó thì đây là một tính toán hợp lý.

- Huống hồ, Việt Nam là hội viên của Tổ chức WTO mà Nga mới vừa gia nhập, là thành viên của Hiệp hội ASEAN, lại được cả Hoa Kỳ và Âu Châu ưu đãi về mậu dịch, nên Việt Nam có thể là cửa khẩu cho Liên bang Nga hay Liên minh Thuế quan mở rộng giao thương với châu Á. Tại Thượng đỉnh APEC, Đệ nhất Phó Thủ tướng Nga là Igor Shuvalov đã nói là năm mười năm tới, lượng giao thương của Nga với Á châu Thái bình dương sẽ vượt qua ngạch số với Âu châu.

- Chúng ta biết Liên bang Nga muốn gì. Vấn đề là khi thương thuyết về Hiệp định Tự do Thương mại với Liên minh, Việt Nam có muốn và biết bảo vệ quyền lợi của mình hay không? Đấy là chuyện cần theo dõi. Sau cùng, trở ngại hiện nay của Hiệp định Xuyên Thái bình dương có thể khiến Hà Nội thấy hợp tác với Nga là hấp dẫn. Nhưng có lẽ cũng cần nhìn xem Liên minh Thuế quan của Nga có thể mở tới đâu và có thực lực gì không nếu so với các khu vực mậu dịch khác. Chúng ta sẽ còn cơ hội tìm hiểu về chuyện ấy.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.  

Thứ Ba, tháng 9 25, 2012

Trận Đấu Hoa Nhật

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFI Ngày 120925

Trung Quốc cân nhắc hơn thua về kinh tế


Phong trào chống Nhật có thể gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Trung Quốc. Trong ảnh, biểu tình tại Thành Đô (Tứ Xuyên-Trung Quốc), 18/09/2012
* Phong trào chống Nhật có thể gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Trung Quốc. Trong ảnh, biểu tình tại Thành Đô (Tứ Xuyên-Trung Quốc), 18/09/2012 REUTERS *


Vào lúc nhiều chỉ số cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bị chựng lại, đọ sức với Nhật Bản trên phương diện thương mại là một tính toán đầy rủi ro. Nhật Bản có nguy cơ xét lại các dự án đầu tư vào Trung Quốc, đẩy thất nghiệp tại nước đông dân nhất địa cầu lên cao.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc không ngần ngại đe dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản để phản đối chính quyền Nhật «quốc hữu hóa» quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Làn sóng bài Nhật của người Trung Quốc trong 10 ngày qua đã gây nhiều thiệt hại tài chính cho nền kinh tế thứ ba thế giới. Nhưng nếu mâu thuẫn về chủ quyền tràn sang địa hạt thương mại, cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc cùng có hại. Nhật Bản sẽ xét lại chính sách đầu tư vào Trung Quốc. Hàng bị tẩy chay và các cơ sở bị tấn công, thì giới doanh nhân Nhật Bản sẽ hướng tới việc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu «hạ cánh», GDP tăng dưới 8 %; hai thị trường lớn nhập hàng ‘Made in China’ là Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ tăng trưởng uể oải, Trung Quốc cần bảo đảm ổn định trong xã hội trong giai đoạn chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho một thế hệ lãnh đạo mới. Đó là những yếu tố cho thấy Bắc Kinh khó có thể mở ra một cuộc chiến kinh tế và thương mại với Nhật Bản do tranh chấp chủ quyền đối với 5 hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Theo quan điểm của nhà phân tích Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ thì Biển Hoa Đông đang «dậy sóng» vì hai lý do: thứ nhất đó một sự diễn giải sai lầm của Bắc Kinh trước việc chính quyền Nhật Bản muốn mua lại ba trong số năm hòn đảo thuộc quần thể Senkaku/Điếu Ngư. Lý do thứ hai là chính quyền Trung Quốc tìm cách «đánh lạc hướng bằng liều thuốc ái quốc và chống Nhật», để che đậy những khó khăn kinh tế, đang đe dọa trực tiếp đến miếng cơm manh áo của một tỷ rưỡi triệu dân trên địa cầu. Đương nhiên đây là một bài toán đầy rủi ro.

Kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc cùng đang hứng chịu nhiều tác động tiêu cựu của khủng hoảng châu Âu. Tháng 8/2012 xuất khẩu của Nhật giảm 5,8 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đối với Trung Quốc, chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm trong 11 tháng liên tiếp do xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị chưng lại. Theo thẩm định của ngân hàng HSBC để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5 % cho năm nay, Trung Quốc bắt buộc phải có những biện pháp hỗ trợ kinh tế. GDP của Trung Quốc trong quý hai bị chựng lại.


Thiệt hại cho cả đôi bên

Vào lúc các báo đài Trung Quốc khẳng định, rằng quê hương của ông Mao Trạch Đông thừa sức trừng phạt Nhật Bản, với việc «tấn công vào các hoạt động kinh tế» của xứ hoa anh đào. Các chuyên gia phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đều kết luận rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại, thì phía Nhật Bản sẽ bị tổn thương, nhưng không mấy ai nói đến tác động đối với bản thân Trung Quốc.

Ngược lại, báo Wall Street Journal thì cho rằng trong trường hợp hai cường quốc số 2 và số 3 kinh tế thế giới lao vào một cuộc chiến thương mại, thiệt hại sẽ rất đáng kể đối với cả đôi bên.

Đơn giản do Trung Quốc lệ thuộc vào đầu tư và công nghệ của Nhật Bản và Nhật là thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc lớn thứ ba, sau Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Vậy thì Trung Quốc liệu có đủ can đảm để quay lưng lại với thị trường Nhật Bản hay không khi biết rằng, nếu Nhật Bản ngưng mua hàng «made in China» hàng triệu người lao động Trung Quốc sẽ mất việc.

Ngược lại, trong trường hợp người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật, đương nhiên điều đó sẽ tác động trực tiếp đến công việc làm, kim ngạch xuất khẩu và qua đó là GDP của Nhật. Thế nhưng Bắc Kinh đã vội quên rằng, một phần lớn hàng Nhật tư xe hơi đến hàng điện tử…. được bán ra trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình được sản xuất tại chỗ và do bàn tay của người lao động Trung Quốc tạo ra.

Một điều khác nữa là đến nay tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có được cũng là nhờ đầu tư quốc tế FDI. Trung Quốc vừa cần vốn của nước ngoài để phát triển kinh tế và tạo công việc làm cho người dân, vừa cần tiếp thu công nghệ. Năm 2011, tổng đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc tăng gần 10 %, đạt mức kỷ lục 116 tỷ đô la. Vào lúc mà vốn của các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu giảm sụt thì, chỉ tỷ lệ đầu tư của khu vực châu Á vào Trung Quốc lại tăng thêm 14 %. Tổng đầu tư trực tiếp của Nhật vào Trung Quốc năm 2011 lên tới 6,3 tỷ đô la. Nhìn chung trong giai đoạn từ 1996 tới nay các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 80 tỷ đô vào Trung Quốc. Các doanh nghiệp ngoại quốc muốn chen chân vào thị trường rộng lớn Trung Quốc, nhưng họ cũng cần được bảo đảm về ổn định chính trị và xã hội. Do vậy theo giới phân tích làn sóng bài Nhật để bày tỏ tinh thần yêu nước của người dân Trung Quốc đang làm xấu đi hình ảnh của một nền kinh tế «đầy tiềm năng, ổn định và phát triển hoài hòa».

Những yếu tố trên cho thấy đe dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản chỉ là một «đòn hù dọa» nhất là khi hai siêu cường kinh tế châu Á này lại lệ thuộc rất nhiều vào nhau. Trả lời đài RFI chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa trước hết tóm lược bối cảnh của tranh chấp Nhật - Trung lần này, những động cơ của cả đôi bên khiến cuộc đọ sức trên biển Hoa Đông trở nên sôi động. Trong phần cuối, ông Nghĩa đi sâu hơn vào những tác động kinh tế đối với «cơ xưởng lớn nhất hành tinh».


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về bối cảnh thì mâu thuẫn về chủ quyền trên quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku hay Tiêm Các Chư Đảo thật ra đã có từ sau Thế Chiến II khi Hoa Kỳ đánh bại nước Nhật năm 1945 và trực tiếp quản lý các hòn đảo này mặc dù Đài Loan và Trung Quốc nhận là của họ và gọi là Điếu Ngư hay Điếu Ngư Đài. Quần đảo này gồm có năm đảo nhỏ xíu do Mỹ trao lại cho Nhật quản lý từ năm 1972, thật ra là của một gia đình tư nhân mà chẳng có ai ở.

- Qua mấy chục năm các nước liên hệ ít chú ý đến mấy hòn đảo ấy, mãi đến 1969 là khi Ủy ban Liên hiệp quốc về Kinh tế Xã hội Á châu Thái bình dương ESCAP, thời đó còn có tên là ECAFE, cho là bên dưới có tiềm năng dầu khí. Thế rồi, khi Trung Quốc cải cách kinh tế và cần năng lượng lẫn sự vận chuyển ngoài biển thì quần đảo ấy có thêm vai trò chiến lược về an ninh cho cả ba nước vì nối tiếp chuỗi quần đảo Lưu Cầu hay Ryukyu của Nhật, trong đó có Okinawa, với lãnh thổ của Đài Loan mà Trung Quốc cũng coi là một tỉnh của mình.

RFI: Trước đây, tranh chấp cũng đã từng xảy ra, nhưng vì sao lần này tình hình lại có vẻ nghiêm trọng một cách bất thường như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong các năm 2005 và 2010, mâu thuẫn Hoa-Nhật đã lên tới cao điểm, nhưng lần này thì đáng ngại hơn cả vì những lý do nội bộ ở bên trong từng nước.

- Vào Tháng 10 năm 2010 là khi ngư thuyền của Trung Quốc lại tông vào chiến hạm Nhật Bản trong khu vực có tranh chấp, nhưng rồi mọi chuyện cũng lại êm sau vài cuộc biểu tình phản đối của người dân Trung Quốc. Trước đó nữa, vào Tháng Tư năm 2005, dân chúng Hoa lục đã ồn ào biểu tình chống Nhật vì hai chuyện. Một là vì Nhật xin vào Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và hai là vì chính quyền Nhật cho xoá bớt tội ác của quân Nhật vào thời chiến tranh ngày xưa trong một cuốn sách học về lịch sử. Lần đó vào năm 2005, tình hình nghiêm trọng hơn cả nhưng chưa dẫn tới làn sóng chống Nhật dữ dội và bạo động như lần này, khi biểu tình lan rộng qua cả trăm thành phố của Trung Quốc trong 10 ngày liền.

RFI: Những lý do nội bộ bên trong của Nhật và Trung Quốc là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết về nội tình Nhật Bản thì ta nhớ là xứ này chưa ra khỏi hai chục năm kinh tế đình trệ và mắc nợ quá nhiều, nay còn bị khủng hoảng chính trị khi xu hướng ái quốc nổi lên và thách đố hai chính đảng lớn là đảng Dân Chủ Nhật đang cầm quyền và đảng Tự do Dân Chủ bên phía đối lập. Thí dụ như hôm 12 vừa rồi, Thị trưởng Toru Hashimoto của thành phố Osaka, đông dân hạng ba sau Tokyo và Yokohama, quyết định lập ra một đảng mới là Đảng Duy Tân Nhật để chuẩn bị tranh cử với chủ trương ái quốc và canh tân kinh tế cho tự do hơn.

- Thế rồi, Tháng Tư vừa qua, Đô trưởng của Tokyo cũng thuộc khuynh hướng ái quốc và bảo thủ là ông Shintaro Ischihara đề nghị thủ đô Tokyo mua lại ba trong năm hòn đảo này để biểu dương ý chí quốc gia. Mâu thuẫn từ đấy bùng nổ khi người Hoa tới đó cắm cờ Trung Quốc hay cờ Trung Hoa Dân Quốc của Đài Loan, hôm sau đến lượt dân Nhật cũng lên đảo Uotsuri giương cờ Nhật dù là bị cấm.

Chính là để giải tỏa nguy cơ xung đột, Thủ tướng Yoshikiko Noda mới quyết định là chính phủ mua lại ba hòn đảo này theo tôn chỉ "Ba Không"; là 1) không cho dân Nhật vào đó, 2) không xây cất công thự hay hạ tầng trên đảo và 3) không cho khảo sát hay nghiên cứu khoa học gì ở đó. Thực tế thì Nhật vẫn đưa tuần duyên ra ngăn cản dân chúng đổ bộ vào mấy hòn đảo này.

Nhưng đề nghị của ông Noda lại gây phản ứng ngược từ phía Bắc Kinh, vì được suy diễn là Nhật muốn quốc hữu hóa quần đảo này. Hôm 18 Tháng Chín vừa qua lại là ngày kỷ niệm 81 năm khi quân Nhật tấn công Mãn Châu năm 1931 và bắt đầu xâm lược Trung Quốc, nên phía Bắc Kinh khai thác biến cố thành phong trào chống Nhật. Chính quyền suy yếu của Thủ tướng Noda bị lúng túng vì thái độ của Trung Quốc lẫn sức ép của cánh hữu bên trong chính trường nên cũng khó nhượng bộ. Tình hình càng thêm căng thẳng cũng vì lý do đó.

RFI: Còn về phía Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cứ 10 năm một lần, đảng Cộng sản lại tiến hành chuyển giao quyền lực. Lãnh đạo Bắc Kinh đang tổ chức Đại hội khóa 18, may lắm thì triệu tập nổi vào Tháng 10 này, để đề cử những người thuộc thế hệ thứ năm như Phó Chủ tịch Tập Cận Bình hay Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường lên thay những người như Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo.

- Từ đầu năm nay, việc chuẩn bị Đại hội gặp trở ngại vì tranh chấp quyền lực trong nội bộ, ví dụ nổi bật là Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai thuộc thế hệ thứ năm lại bị đẩy ra khỏi Bộ Chính trị vì các vụ án tai tiếng. Trong khi ấy, dân chúng bất mãn biểu tình ngày càng đông và càng bạo vì đủ loại lý do như bất công xã hội, đảng viên cán bộ tham ô, kinh tế bị lạm phát và đình đọng, môi sinh bị ô nhiễm. Động loạn xã hội đi cùng tranh chấp quyền lực trên thượng tầng khiến lãnh đạo phải xả sức ép và chuyển hướng bất mãn của quần chúng qua một đối tượng khác.

- Ngoài ra, cũng về bối cảnh chính trị, Trung Quốc có cơ chế lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội. Sau Đại hội 18, lãnh đạo đảng và nhà nước sẽ là một lớp người mới. Nhưng chỉ huy quân đội lại là hai cơ chế có cùng tên là Trung ương Quân ủy hội của đảng và của nhà nước với cùng một thành phần nhân sự 12 người trong đó có 10 tướng lãnh dưới quyền của hai nhân vật dân sự là Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Sau khi hết làm Tổng bí thư đảng và Chủ tịch Nhà nước từ Đại hội 16 vào năm 2002, Giang Trạch Dân vẫn gài người của mình trong hệ thống lãnh đạo và giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm hai năm. Lần này, có thể Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng muốn lãnh đạo Quân ủy Trung ương thêm mấy năm trước khi trao cho Tập Cận Bình. Vì vậy, ông vừa lấy lòng giới tướng lãnh theo xu hướng cứng rắn về đối ngoại, vừa gây không khí bất ổn để chứng tỏ vai trò cần thiết của mình trong Quân ủy. Nói chung, cả Hồ Cẩm Đào sắp đi và Tập Cận Bình sẽ lên đều không muốn tỏ ra là mình mềm yếu trước điều mà nhiều người gọi là "sự hung hăng của Đế quốc Nhật". Vì vậy mà họ xẵng giọng mị dân và chống Nhật.

RFI: Bước qua phần tìm hiểu về quan hệ kinh tế chồng chéo giữa Nhật Bản và Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kinh tế của hai nước cần tới nhau về rất nhiều mặt, như đầu tư, thương mại, ngoại thương, du lịch. Do đó, nếu mâu thuẫn về chủ quyền lại tràn qua lĩnh vực kinh tế thì đôi bên đều bị thiệt hại, khi mà thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ đang co cụm và kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.

- Như trong luồng giao dịch giữa đôi bên trị giá cỡ 360 tỷ đô la thì Trung Quốc đạt xuất siêu, tức là xuất nhiều hơn nhập, chừng hơn 20 tỷ dù đầu máy kinh tế Nhật Bản chính là xuất cảng và thị trường lớn nhất của Nhật chính là Trung Quốc. Về kỹ nghệ du lịch của hai nước thì hàng năm có ba triệu du khách Nhật viếng thăm Trung Quốc và 40% du khách ngoại quốc vào đất Nhật lại đến từ Hoa lục. Bây giờ mà cãi nhau thì hãng máy bay, lữ hành hay khách sạn sẽ càng ế khách.

- Thứ hai, Trung Quốc cần tới đầu tư của Nhật để tiếp nhận công nghệ và tạo ra công ăn việc làm cho người dân ở nhà. Như năm ngoái, Nhật đầu tư trực tiếp vào Hoa lục khoảng 12 tỷ đô la và 25% các doanh nghiệp hải ngoại của Nhật về các ngành nằm ngoài khu vực chế biến lại đang tạo ra cả triệu việc làm cho người dân Trung Quốc. Thí dụ như hệ thống tạp hóa "Seven-Eleven" của Nhật hay các hãng xưởng và nhà hàng Nhật là những trung tâm mua bán mà Trung Quốc chưa thể thay thế trong ngắn hạn. Cho nên, nếu có kêu gọi tẩy chay thì đôi bên đều kẹt.

- Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật giữ vị trí trọng yếu trong chuỗi cung cấp nhập liệu cho kỹ nghệ ráp chế của quốc tế. Ngoài các cơ sở sản xuất Nhật Bản, các hãng xưởng Hoa Kỳ hay Đài Loan đang đầu tư tại Trung Quốc để ráp chế thành phẩm như điện thoại tinh khôn hay máy vi tính đều có sử dụng linh kiện hay sản phẩm Nhật ở bên trong.

- Nói chung, hoàn cảnh toàn cầu hóa đang dẫn tới nền kinh tế "nhất thể hóa". Đa số các nước đều làm ăn và cần tới nhau vì quá nhiều quan hệ chồng chéo chứ không thể có hiện tượng phân ranh hay quốc tịch như thời Chiến tranh lạnh. Giữa hai nước có sản lượng kinh tế đứng hạng thứ nhì và thứ ba của thế giới, quan hệ chồng chéo này càng khiến lãnh đạo hai nước phải cân nhắc. Nhưng kẹt nhất trong vụ này chính là lãnh đạo Bắc Kinh.

RFI: Vì sao «kẹt nhất trong vụ này chính là lãnh đạo Bắc Kinh»?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như trong nhiều vụ khủng hoảng quốc tế, động lực chính yếu có thể chỉ là chính trị nội bộ. Nhưng nền chính trị thiếu dân chủ và thừa gian hùng của Trung Quốc mới dễ gây tai họa kinh tế mà cuối cùng bất lợi sẽ nghiêng về phía họ.

- Đảng Cộng sản hứa hẹn áo cơm và vuốt ve tự ái dân tộc để bảo vệ quyền độc tôn của mình. Nay kinh tế đang là vấn đề với nguy cơ hạ cánh nặng nề nên lãnh đạo đánh lạc hướng bằng liều thuốc ái quốc và chống Nhật. Nhưng họ khó kềm được lòng dân như khi đã thả cọp khỏi chuồng. Đảng cầm quyền tại Nhật có thể thất cử thì đảng khác lên lãnh đạo, Trung Quốc thì không có sự chọn lựa đó.

- Trước hết, bất trắc trên thượng tầng còn kéo dài cho đến khi hoàn tất việc thay bậc đổi ngôi vào đầu năm tới, cho nên nhu cầu khích động còn tiềm ẩn mà lại bị nhồi thêm hiệu ứng đồn đãi để sách động trên mạng lưới xã hội, qua Internet. Vì vậy, không khí tranh chấp sẽ tiếp tục và ngay trước mắt thì sự hiện diện của quá nhiều tầu hải giám hay tuần duyên có thể gây tai nạn bất ngờ.

- Dù có tránh nổi chuyện bất lường ngoài biển thì nếu hàng Nhật bị tẩy chay và cơ sở bị tấn công liên tục, doanh nghiệp Nhật sẽ nghĩ đến việc đầu tư ở những xứ an toàn hơn. Các công ty Trung Quốc liên doanh với Nhật bị thiệt hại trước, sau đó sẽ là nạn thất nghiệp. Đã vậy, dân biểu tình không chỉ phá phách hoặc đốt xe Nhật, kể cả xe của cảnh sát, họ còn oán chính quyền là nhượng bộ Nhật Bản nếu bị ngăn cấm và xoay ra phản đối vì nhiều chuyện khác. Bắc Kinh ở vào cảnh lưỡng nan vì tiến thoái gì cũng thất lợi.

- Chuyện thứ ba là trước đây, quốc tế chẳng muốn ngả về phe nào, nhưng khi làn sóng bài bác Nhật Bản lan rộng với hành vi bạo động thì uy tín của Trung Quốc sa sút và các nước càng e ngại sự hung hăng của Bắc Kinh không chỉ ở vùng biển Đông Nam Á mà còn trên biển Hoa Đông tiếp cận với Nhật Bản.

Có lẽ vì thế, từ hôm Thứ Sáu 21/09/2012, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuống giọng hòa hoãn với các Bộ trưởng của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á nhân Hội chợ ASEAN tại Nam Ninh trong Khu Tự trị của người Choang ở tỉnh Quảng Tây. Nhưng mâu thuẫn Hoa-Nhật thì vẫn còn và có khi tác động ngược lên việc chuyển giao quyền lực trên thượng tầng.

Thanh Hà



Tử Thủ Trên Núi Nợ


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 120924
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Cử Tri Trong Thế "Xin-Cho" Giữa Đầm Lầy Chính Trị


 * Quốc hội Hoa Kỳ - hay con thuyền say sóng... nợ *


Qua một bài xã luận trên tờ Wall Street Journal ngày 17 tuần trước, năm giáo sư thuộc hạng danh dự về kinh tế vừa gióng hồi chuông báo động về tình trạng tài chánh nguy ngập của Hoa Kỳ. Trong số này, một vị có thể lãnh giải Nobel Kinh tế năm nay, xin chờ tháng tới!

Là chuyên gia đã phục vụ chính quyền liên bang của cả hai đảng, năm tác giả góp ý về lãnh vực chuyên môn của họ với câu nhập đề lạnh mình: "Vị Tổng trưởng Ngân khố sắp tới sẽ gặp vấn đề nguy ngập tới độ Alexander Hamilton cũng khó bảo vệ được niềm tin và khả năng trả nợ của Hoa Kỳ". Hãy tưởng tượng đến một lời báo động gần gũi hơn với chúng ta: "Nguy cơ ngoại xâm trầm trọng tới độ Hưng Đạo Vương cũng thấy khó!"

Alexander Hamilton là Tổng trưởng Ngân khố (Tài chánh) đầu tiên trong Nội các George Washington, có chủ trương can thiệp vào thị trường để tìm sự quân bình chứ không cổ xuý tự do kinh tế. Lý do báo động là vì từ bốn năm qua, ngân sách Hoa Kỳ bị thâm thủng liên tục với mức chưa từng thấy, mỗi năm hơn ngàn tỷ, nên chính quyền mới đi vay. Và chất lên đầu mỗi hộ gia đình một gánh nợ vô hình, trung bình là 55 ngàn Mỹ kim. Khi đã đi vay thì phải trả tiền lời, chi phí tài chánh ấy lại đắp thêm vào núi nợ  và sẽ có ngày núi lở khi sau này lãi suất gia tăng....

Bài tiểu luận không lọt vào mắt của đa số vì những biến động tại Trung Đông.

Thị trường tài chánh thì còn hồ hởi với quyết định mới nhất từ Ủy ban Tiền tệ FOMC của Ngân hàng Trung ương hôm 13: Tiếp tục cứu nguy vô hạn định với hai biện pháp bất thường. Thứ nhất là nâng mức lưu hoạt có định lượng đợt ba ("quantitative easing 3" hay QE3), với mỗi tháng 40 tỷ đô la được bơm vào kinh tế - được in ra, ghi vào trương mục các ngân hàng. Thứ hai, tiếp tục "xoắn lãi suất" ("operation twist" hay bán ngắn mua dài): bán trái phiếu ngắn hạn và mua trái phiếu dài hạn để hạ lãi suất dài hạn và kích thích kinh tế mà khỏi in bạc.

Quý độc giả có nhức đầu về mấy chi tiết chuyên môn đó thì đừng buồn: đa số dân Mỹ cũng thế mà thôi! Chỉ cần biết là trong sự tê liệt chung của chính quyền, định chế độc lập là ngân hàng trung ương đã lại tung lưới cấp cứu. Mỗi tháng bơm thêm khoảng 80-85 tỷ Mỹ kim "cho đến khi tình hình nhân dụng sáng sủa hơn". Nôm na là cho đến khi thất nghiệp giảm.

Giảm đến cỡ nào thì vừa? Bao giờ sẽ đạt giấc mơ đó?

Lãnh đạo Hệ thống Dự trữ Liên bang là Chủ tịch Ben Bernanke khéo lách để khỏi đưa ra một con số. Dại gì mà tự đóng đinh? Nếu tò mò tìm hiểu – phải tò mò khi viết về chuyện kinh tế chính trị trên cột báo này, khổ thật! - thì qua một bài diễn văn của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Khu vực Minneapolis, ta suy ra tỷ lệ thất nghiệp "chấp nhận được" ở khoảng 5,5%.

Xin tính nhẩm: mỗi tháng kinh tế Hoa Kỳ phải tạo ra 125 ngàn việc làm cho lớp dân số đến tuổi bước vào thị trường lao động. Muốn hạ mức thất nghiệp hiện nay là 8,1% được cỡ một điểm (1%) thì mỗi tháng phải tạo thêm 250 ngàn công việc mới. Tức là kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng 3% mỗi năm - một phép lạ so với sự èo uột hiện nay (dưới 2%). Mà phép lạ ấy phải kéo dài liên tục trong ba năm liền thì con tầu kinh tế mới cập bến thất nghiệp 5,5%.

Sự thật lại u ám hơn vậy. Từ hai tháng qua, cả triệu người nản chí ra khỏi lực lượng lao động. Họ chỉ lục tục quay lại nếu hy vọng tìm ra việc làm. Trong giả thuyết lạc quan là họ tìm ra việc, thì hàng năm kinh tế phải tạo thêm ba triệu việc mới - suốt năm năm liền. Tức là từ vụ suy trầm cuối cùng (Tháng 12 năm 2007 đến Tháng Bảy 2009), Hoa Kỳ sẽ ra khỏi niềm u uẩn hiện nay nếu kinh tế liên tục tăng trưởng trong chín năm liền. Trung bình, bảy năm là suy trầm một lần, bây giờ nếu được chín năm? Với chữ "nếu", ta có thể nhét Paris vào cái lọ!

Nhưng giấc mơ tăng trưởng đó là bất khả nếu ta nhớ lại núi nợ trên đầu và nhu cầu cắt giảm công chi mà ai cũng nói đến dù chẳng dám làm vì sợ thất cử.

Ở trên có nhắc đến kỳ vọng thất nghiệp 5,5% của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Minneapolis.

Ông ta là loại "diều hâu", thuật ngữ của ngân hàng trung ương về chủ trương triệt để canh chừng lạm phát. Vừa rồi, ông lại đồng ý với quyết định bơm tiền mà hết ngại lạm phát vì còn sợ điều nguy ngập hơn: nạn thất nghiệp. Ông ta đổi lông thoát xác thành "bồ câu", quan tâm đến nhân dụng hơn lạm phát.

Con diều hâu lẻ loi còn lại là Richard Fisher, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ khu vực Dallas. Dù là dân Texas (hi hi), Fisher theo đảng Dân Chủ, hai lần tranh cử Nghị sĩ mà thất bại, trước khi được bổ nhiệm vào hệ thống ngân hàng trung ương và là người cực ngần ngại với quyết định bơm tiền.  

Trong bài diễn văn hôm 19 tại Câu lạc bộ Harvard ở New York, và từng đi học trong trường hải quân, ông nói đến chuyến hải hành của con tầu kinh tế vào nơi vô định. Ngân hàng Trung ương cứ phải quyết định mà bên trong chẳng ai biết được khi nào tới bến! Đã đành là thường dân chúng ta thì khó biết, nhưng khi các hoa tiêu hay tài công trên phòng lái xác nhận rằng họ cũng không biết thì quả là thế gian này có nhiều điều khó hiểu.

Chủ tịch Ngân hàng Dallas giải thích như sau: muốn kích thích kinh tế, người ta cần biện pháp tiền tệ và biện pháp ngân sách. Phần mình, ngân hàng trung ương đã bấm bút tiền tệ và chất lên một núi tiền mấy ngàn tỷ mà máy không chạy, kinh tế chưa nhúc nhích. Chỉ vì Quốc hội cứ ngồi trên cái cần trục ngân sách. "Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà tiếp tục chất nợ, đẩy con cháu xuống nước và không làm tròn nhiệm vụ với quốc gia. Tỉnh giấc đi chứ, làm cái gì đi chứ!"

Khi chủ tịch một ngân hàng dự trữ văng tục bằng tiếng La tinh "Illegitimum non Carborudum" thì ta hết nói. Dịch cho sát khẩu khí của một chuyên gia thì câu "Don't let the bastards grind you down" có thể là "đừng để lũ khốn nạn làm ta khốn khổ!"

Mấy ai dám nặng lời như vậy với hệ thống chính trị hiện hành?

Độc giả tất nhiên tò mò tự hỏi. Rằng dù chính trị ách tắc, chính quyền cứ tăng chi rồi ngất ngư đi vay "như thủy thủ say rượu" thì ngân hàng trung ương cũng đã bơm mấy ngàn tỷ Mỹ kim từ bốn năm qua. Vì sao chưa công hiệu?

Một trong nhiều cách giải thích: Chính quyền ngồi trên núi nợ, ngân hàng ngồi trên két bạc mà doanh nghiệp có cả ngàn tỷ trong túi vẫn không nhúc nhích vì sợ bất trắc.

Từ bốn năm nay, công báo của chính quyền liên bang có thêm cả ngàn trang luật lệ mới được ban hành. Một kỷ lục cao bằng núi nợ. Theo Liên đoàn Quốc gia các Doanh nghiệp Độc lập NFIB, luật lệ nhiêu khê và thay đổi khiến tiểu doanh thương không dám lấy rủi ro đầu tư và tạo thêm việc làm.

Môi trường kinh doanh bất trắc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngân hàng trung ương mà là trách nhiệm của chính quyền. 

Nghĩa là làm sao? Là cử tri đã bầu lên những đại diện thiếu trách nhiệm trong cơ chế hành pháp và lập pháp. Họ tăng chi để mua phiếu mà bất kể chuyện nợ nần về sau. Họ tử thủ trên núi nợ, rồi chứng tỏ sự mẫn cán bằng sáng kiến luật lệ để kiểm soát thị trường, điều tiết giao thương, phân định ngành nghề xấu tốt, phải đạo hay không, đáng trợ cấp hay không. 

Họ vẽ ra một trận đồ làm doanh giới cò con chóng mặt, hết dám bung ra thành lập các cơ sở mới, vốn dĩ là những trung tâm tuyển dụng cao nhất.

Hy vọng cập bến thất nghiệp 5,5% là chuyện xa vời nếu con tầu kinh tế cứ nằm trong đầm lầy chính trị hiện nay. Và chính cử tri mới là những người quyết định sau cùng và có lãnh đạo xứng đáng với mình. Nếu cứ duy trì tinh thần "xin-cho" ngày nay thì Hoa Kỳ chưa khá và kinh tế vẫn nằm dưới đáy vực.

Trên đỉnh cao vòi vọi là ráng mây đỏ của núi nợ - sẽ có ngày ụp xuống con cháu!


Thứ Tư, tháng 9 19, 2012

Sở Hữu Chồng Chéo Làm Ngân Hàng Tròng Trành

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120919
"Diễn Đàn Kinh Tế "

Vỡ Nợ Chầm Chậm, Rồi Đột Ngột   

* RFA photo - Trụ sở Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga tại Hà Nội *

Từ vụ các đại gia ngân hàng tại Việt Nam bị bắt cách đây ba tuần, dư luận ngày càng lo sợ nguy cơ khủng hoảng tài chính do hiện tượng đầu tư chồng chéo của nhiều người có quan hệ đặc biệt với các giới chức quyền thế. Diễn đàn kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề cực kỳ phức tạp này qua phần trao đổi của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Đầu tư chồng chéo

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Từ vụ bắt giữ các nhân vật quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam như ông Nguyễn Đức Kiên rồi ông Lý Xuân Hải, các công ty lượng giá trái phiếu đã chú ý đến tình trạng bấp bênh và gánh nợ quá lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thế rồi khi tìm hiểu thêm về nhiều khúc mắc bên trong, người ta còn thấy ra hiện tượng đầu tư chồng chéo và giả tạo của một số đại gia ngân hàng. Ông nghĩ sao về mối nguy khủng hoảng xuất phát từ những hiện tượng bất thường đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa ông, trước hết là nhìn trong trường kỳ trên bối cảnh rộng thì các "đại gia ngân hàng" như dân chúng trong nước vẫn gọi và cả những ông chủ hay các nhà lãnh đạo ẩn mặt ở bên trong đã chẳng phát minh ra điều gì cả. Họ chỉ học các thủ thuật nguy hiểm của thiên hạ mà lại học tắt trong một môi trường thiếu luật lệ công minh và thông tin trong sáng, cho nên họ sẽ gặp tai họa còn sớm hơn nữa.

- Đầu tiên, tôi xin được nhắc lại rằng vụ sụt giá cổ phiếu tại Mỹ năm 1929 rồi Tổng khủng hoảng thời 1929-1933 cũng xuất phát một phần tự hiện tượng đầu tư chồng chéo. Đó là khi tập đoàn tài chính này đầu tư vào tập đoàn kia trong mối quan hệ chằng chịt mà chẳng còn biết đâu là gốc là ngọn. Hiện tượng đó dẫn tới vấn đề đơn giản nhất là mâu thuẫn về quyền lợi và trách nhiệm. Vấn đề thứ hai mới đáng ngại hơn, đó là gây ra rủi ro sụp đổ dây chuyền vì một quỹ đầu tư mà vỡ nợ là kéo theo các quỹ khác. Vấn đề thứ ba, cực kỳ nguy hiểm là người ta cứ thế mà đầu tư trong vòng luẩn quẩn, gây ra ảo tưởng thịnh vượng và bong bóng đầu cơ như một lâu đài xây trên cát. Cái vòng xoáy tai hại đó mới khiến vụ sụt giá cổ phiếu Hoa Kỳ dẫn đến nạn vỡ nợ dây chuyền. Sau đó, giới đầu tư quốc tế lại còn kinh nghiệm tai hại của Nhật Bản nên họ chả thấy ngạc nhiên về những gì đang xảy ra tại Việt Nam và cả Trung Quốc nữa.

Vũ Hoàng: Chúng tôi đoán là ông muốn từng bước trình bày bài học đã qua của các nước khác để thính giả của chúng ta khỏi ngạc nhiên và đặt vấn đề vào đúng bối cảnh của nó. Thế chuyện Nhật Bản là như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dù rằng có nền văn hoá khác và đi vào công nghiệp hóa theo một hướng khác với Hoa Kỳ, Nhật Bản đã nghĩ đến việc tập trung tài nguyên và trí tuệ vào một số khu vực chủ đạo, cũng như Việt Nam đang tập tành ngày nay.

- Nhật Bản xây dựng một hệ thống đầu tư chồng chéo giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Các doanh nghiệp có thể đầu tư hàng dọc, từ trên xuống và từ dưới lên, để lập ra loại tập đoàn sản xuất hội nhập với nhau là các "keiretsu". Trong khi ấy, các ngân hàng thì đầu tư hàng ngang, ngân hàng này góp vốn vào ngân hàng kia và cùng nương nhau mà phát triển.

- Ở trên cùng, hay ở dưới cùng, là sự yểm trợ của bộ máy công quyền để các tập đoàn kỹ nghệ và tài chính ngân hàng này thực hiện chính sách phát triển của nhà nước. Các "chaebols" Nam Hàn cũng có xu hướng tương tự là do học được của Nhật.

Vũ Hoàng: Thưa ông, thế rồi chuyện gì đã xảy ra?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cũng lại là hiện tượng hồ hởi sảng và bong bóng đầu tư bị bể. Sau Mỹ đúng 60 năm, Nhật Bản bị bể bóng từ năm 1989 và các doanh nghiệp lẫn ngân hàng bị khủng hoảng từ năm 1991 vì quan hệ đầu tư chồng chéo dẫn đến nạn sụp đổ dây chuyền. Nam Hàn cũng có bài  học này vào năm 1997 và đã phải vất vả tiến hành cải cách. Bây giờ ta mới nói về Việt Nam, với nhiều khác biệt cơ bản khi ta so sánh với các trường hợp mình vừa nhắc đến.

 

Nạn ỷ thế làm liều


Vũ Hoàng: Những khác biệt ấy là gì, ông có thể trình bày từng chuyện cho thính giả của chúng ta được chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa ông, các nước đó thuộc loại tiên tiến và có nền tảng luật pháp nghiêm minh chặt chẽ mà còn bị rủi ro về quản trị như trường hợp Hoa Kỳ hơn 80 năm trước.

- Nhật Bản hay Nam Hàn thì áp dụng chiến lược phát triển gần như một quốc sách cho toàn dân để thi hành chính sách công nghiệp hóa có định hướng và với sự yểm trợ của nhà nước. Nền tảng luật lệ của họ lại công khai minh bạch trong một môi trường chính trị dù sao cũng dân chủ hơn Việt Nam gấp bội. Vậy mà họ vẫn bị khủng hoảng và còn gặp những tệ nạn khó tránh khi có sự cấu kết như vậy. Đó là nạn tham nhũng móc ngoặc; đó là nạn tư bản thân tộc bao che cho nhau; và nhất là cái nạn "ỷ thế làm liều", nói theo danh từ kinh tế và bảo hiểm là nạn "moral hazard".

Vũ Hoàng: Hình như Việt Nam cũng có ba loại tệ nạn ông vừa nhắc đến. Như nạn tham nhũng thì theo định nghĩa là trục lợi bất chính nhờ tiếp cận với công quyền và còn được viên chức công quyền bảo vệ. Như nạn tư bản thân tộc là khi con cái lãnh tụ đã một bước lên làm Tổng quản trị CEO, hay mẹ làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, con là Tổng giám đốc, con rể là Tổng kiểm soát. Còn về nạn ỷ thế làm liều thì người ta nghĩ ngay đến Vinashin hay Vinalines.

...các tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ là trung tâm bòn rút tài nguyên quốc dân, kể cả vay mượn, để đưa vào dự án có giá trị kinh tế thấp mà rủi ro cao trong khi tay chân và thân tộc của lãnh đạo thì trục lợi rất lớn. Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đấy mới chỉ là mấy chuyện nhẹ nhất chứ chưa nghiêm trọng!

- Trên lý thuyết thì Việt Nam muốn học theo Nhật Bản và Nam Hàn vì thấy Trung Quốc cũng đi vào hướng đó. Tức là nhà nước lập ra và yểm trợ một khu vực chủ đạo làm đầu máy tăng trưởng và phát triển cho cả nước. Nhưng đấy chỉ là lý thuyết, hay truyên truyền. Chứ về thực tế thì trong khu vực chủ đạo ấy, các tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ là trung tâm bòn rút tài nguyên quốc dân, kể cả vay mượn, để đưa vào dự án có giá trị kinh tế thấp mà rủi ro cao trong khi tay chân và thân tộc của lãnh đạo thì trục lợi rất lớn.

- Thế rồi nhờ thế lực chính trị dựa vào chính sách công nghiệp hóa ở ngọn, nhiều lãnh tụ đưa tay chân lên hàng đại gia để không chỉ thu vét tài sản công quyền mà còn hút cả tài sản của công chúng vào các nghiệp vụ đầu tư chồng chéo này. Họ làm như học theo Nhật Bản và Nam Hàn mà thực chất chỉ là con buôn chứ chưa xây dựng được những cơ sở lớn như mấy nước kia.

- Nhưng nghiêm trọng hơn cả là các thế lực chính trị lẫn đại gia kinh doanh còn có thể can thiệp và làm lệch lạc chính sách công quyền để kiếm lợi riêng. Thí dụ đang được bà con trong nước nói đến chính là trong hệ thống ngân hàng và vai trò đáng nghi của ngân hàng nhà nước khi nâng hay hạ lãi suất vào những thời điểm có lợi nhất cho các đại gia thôn tính hay sát nhập. Chúng ta có một vòng tròn khép kín của một tổ chức lường gạt ở cấp quốc gia được ở trên bảo vệ.

Vũ Hoàng: Ông mường tượng ra cái vòng khép kín này là như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, ta không quên một "đặc sản" của Việt Nam ngày nay là loại doanh nghiệp tư nhân giả hiệu mà điển hình là nhiều ngân hàng thương mại cổ phần. Quốc tế thì ngợi khen việc cải cách kinh tế và sự xuất hiện của thành phần kinh tế tư doanh trên thị trường Việt Nam nhưng rồi họ cũng biết về sự thật ở đằng sau, ở bên dưới.

- Ở trên cùng, các lãnh tụ chính trị phân vùng kinh doanh với nhau và chi phối các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các tập đoàn đó có thể lập ra ngân hàng thương mại cổ phần với danh hiệu là tư nhân mà về thực chất thì do một tay chân thân tín của lãnh tụ đứng làm chủ. Ông hay bà hay cô chủ ngân hàng này mới lại lập thêm các công ty đầu tư hay cơ sở tài chính để đứng tên vay tiền của ngân hàng mẹ. Tất nhiên là họ được giải ngân tháo khoán dễ dàng vì là mẹ cho con vay theo kiểu đầu tư chồng chéo hay tròng chéo vì có cùng một tròng. Bước kế tiếp, công ty đầu tư hay cơ sở tài chính mới đi tìm các dự án tài trợ thật ra có sẵn trên giấy. Đây là loại dự án ảo về chế biến, thương mại hay bất động sản với trị giá được ước tính rất cao để vay tiền thật nhiều mà giá trị kinh tế hay kinh doanh thì rất đáng ngờ. Vậy mà vẫn trót lọt vì chỉ là cửa thu tiền cho lãnh tụ.

- Rốt cuộc thì từ ngân hàng mẹ, người ta có công ty đầu tư con và các dự án thuộc hàng cháu. Dòng tiền ở trên cứ chảy xuống, từ ngân hàng vào công ty đầu tư đến các dự án và chảy ngược về ông bà chủ ngân hàng. Họ không chỉ là chủ ngân hàng hay công ty đầu tư mà còn nắm trong tay nhiều dự án bất động sản hay cổ phiếu để lại dùng làm đòn bẩy góp vốn vào ngân hàng, mở ra cơ sở đầu tư khác hoặc thâu tóm ngân hàng khác. Nhờ ba lớp đòn bẩy này, họ mới trở thành đại gia. Thật ra, toàn bộ kiến trúc ly kỳ đó vẫn chỉ là cái tháp ảo vì mỗi lần cho vay ra lại là một lần tích lũy nợ xấu, nhưng người ta ỷ thế làm liều vì tin rằng ở trên cùng đã có sự bảo vệ của ông chủ thật là lãnh tụ chính trị và các tập đoàn kinh tế nhà nước trong quỹ đạo của vị lãnh chúa này.

 

Rủi ro tiềm ẩn

 

NH-VIB-250.jpg
Ngân hàng Quốc tế VIB tại Hà Nội. RFA photo    


Vũ Hoàng: Thưa ông, loại kiến trúc hình tháp ấy hình như lại dựng ngược và có quá nhiều rủi ro vì dựa trên chuỗi liên hoàn chồng chéo những nghiệp vụ vay mượn và tài trợ cho các dự án không thật, hoặc có giá trị kinh doanh rất thấp. Nhưng vì sao mà người ta có thể tiến hành được các nghiệp vụ đó? Chẳng lẽ ngân hàng không có sổ sách hay hồ sơ tài trợ phân minh sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta trở lại chuyện nền tảng luật lệ. Khi người có gian ý mà làm luật thì kẻ chấp hành ở dưới có nhiều thủ thuật để lách luật mà biết là họ được ai đó ở trên bảo vệ. Chuyện rắc rối chỉ bùng nổ và đại gia bị kết tội phạm luật kinh tế như bậy giờ khi có đấu đá ở trên cùng.

Vũ Hoàng: Trong cái vòng xoáy này, rủi ro cho công chúng là những gì? 

Từ hai năm nay, người ta đã thấy cái nạn vỡ nợ có vẻ như âm ỉ chầm chậm tại Việt Nam và cả Trung Quốc nữa. Chúng ta đã nói đến kinh nghiệm Hoa Kỳ thời 1929, của Nhật thời 1989, nay mai sẽ có thêm kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam. Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Rủi ro đầu tiên mà ai cũng thấy ra là hệ thống ngân hàng bị lũng đoạn vì thói tật kinh doanh đó ở một tầng rất cao và có rất nhiều quyền hạn. Thứ hai là các ngân hàng có thể sụp đổ vì cái núi nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Mức nợ ấy đã được quốc tế báo động mà người ta chưa biết là xấu đến cỡ nào, là 10% hay còn cao hơn nữa nếu so với số dư nợ tín dụng? Khi ngân hàng sụp đổ thì thân chủ ký thác tức là công chúng có thể mất tiền oan. Thứ ba là trị trường trái phiếu hay tín dụng sẽ bị khủng hoảng vì các công ty đầu tư phát hành trái phiếu để vay tiền trên thị trường qua môi giới trung gian của ngân hành. Các công ty đầu tư này vay tiền ở ngoài để gom về cho ngân hàng mẹ dưới dạng cổ phần của ngân hàng. Khi công ty đầu tư hay ngân hàng sụp đổ thì chủ nợ có tờ trái phiếu biến thành giấy lộn. Chuyện ấy càng dễ xảy ra vì ngân hàng lại dùng số vốn vay mượn đó đi đánh bạc trên thị trường chứng khoán!

Vũ Hoàng: Thưa ông, kết cuộc thì sẽ ra sao?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nhớ đến một câu đối thoại trong truyện "The Sun Also Rises" của nhà văn Hoa Kỳ Ernest Hemingway. "Ông bị vỡ nợ như thế nào vậy? – Thưa rằng qua hai cách. Ban đầu còn chầm chậm, sau đó mới đột biến"!

- Từ hai năm nay, người ta đã thấy cái nạn vỡ nợ có vẻ như âm ỉ chầm chậm tại Việt Nam và cả Trung Quốc nữa. Bây giờ thì người ta chờ đợi một sự sụp đổ tan tành, xảy ra rất nhanh vì là kết quả tích lũy của tình trạng thao túng và lũng đoạn một khu vực huyết mạch của kinh tế là hệ thống tài chính và ngân hàng. Chúng ta đã nói đến kinh nghiệm Hoa Kỳ thời 1929, của Nhật thời 1989, nay mai sẽ có thêm kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam.

Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Thứ Ba, tháng 9 18, 2012

Tự Do Ngôn Luận và Oanh Kích Tự Do


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120917
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Lãnh đạo Hoa Kỳ tập trung vào một hồ sơ được mấy phút?

 * Hình ảnh quen thuộc: cờ hoa của nước Mỹ lại bị đốt *

Có những ngày mà thời sự của địa cầu xoay như chong chóng. Chỉ theo dõi thôi đã chóng mặt.

Nếu lại phải theo dõi để kịp thời ứng phó, thì đó là nỗi khó của lãnh đạo Hoa Kỳ! Tính đến cuối tuần, phong trào chống Mỹ nổ ra trong bạo động tại 13 thành phố, từ Bắc Phi qua Nam Á, là Casablanca của Maroc, Tunis của Tunisia, Benghazi và thủ đô Tripoli của xứ Libya, Cairo của Egypt, Khartoum của Sudan, Tripoli của Lebanon, Gaza City và Rafah trên Dải Gaza, Aman của Jordan, Sannan của Yemen, Baghdad của Iraq, Dhaka của Bangladesh.

Ở nhiều nơi khác, dân Hồi giáo cũng biểu tình dù chưa có cảnh đốt nhà hôi của, từ Tây qua Đông là tại Basra, Bagdhad, Maysan và Wasit của Iraq, Kuweit City của Kuweit, Doha của Qatar, Tehran của Iran, Karachi của Pakistan, Kuala Lumpur của Malaysia, Jakarta của Indonesia, Paris của Pháp và vài thành phố khác của Úc.

Trong khi ấy, đã có dấu hiệu bất ổn tại cả chục địa điểm khác như Nouakchott của Mauritania, Abuja của Nigeria, Lusaka của Zambia, Bujumbura của Burundi, hay Mumbai, Delhi, Hyderabad và Chennai của Ấn Độ và Cebu của Philippines....

Người viết điểm danh khói lửa như vậy mà biết là còn sót vì theo không kịp!

Có phải là Mỹ bị tai vạ trúng đầu vì một cuốn phim thực hiện tại Hoa Kỳ, có nội dung bài xích Hồi giáo với trình độ nghệ thuật hạng Z trên bảng điểm A-B-C? Câu trả lời là "Chưa chắc!" Vì cuốn phim có tên mỉa mai là "Innocence of Muslims" (sự Vô tội của người Hồi giáo) xuất hiện từ mùng một Tháng Bảy mà chẳng ai thèm để mắt.

Thế rồi, mùng tám Tháng Chín, nhân vật Sheikh Khalid Abdullah thuộc hệ phái Salafist tại Ai Cập lại giới thiệu cuốn phim với phụ đề trên truyền hình, từ đó phong trào chống Mỹ nổi lên rầm rầm.

Xin nhắc lại, sau "Mùa Xuân Á Rập" tại Ai Cập, phe Hồi giáo thắng lớn và lực lượng Huynh đệ Hồi giáo MB đắc cử Tổng thống trong khi đảng Al Nour của hệ phái Salafist còn cực đoan hơn thì vẫn ngồi ghế đẩu bên lề. Phe Salafist bèn dùng cuốn phim lấy trớn cho đấu tranh chính trị, chủ yếu là với Chính quyền của Tổng thống Mohammad Moursi thuộc lực lượng MB. Từ tiết lộ của phe Salafist trên truyền hình Ai Cập về cuốn phim Mỹ, quần chúng Hồi giáo mới nổi điên và kết luận về âm mưu báng bổ Hồi giáo của Hoa Kỳ.

Nhân đó, xin nhắc lại một chuyện khác về quyền tự do ngôn luận tại Mỹ.

Năm 1996, họa sĩ Anh gốc Nigeria là Chris Olifi vẽ chân dung rất lớn của Đức Mẹ Đồng Trinh, có tên là "Black Madonna". Đức Mẹ da đen khoác áo xanh, chung quanh trét phân voi và nhiều mảnh dán tục tĩu. Xin đừng kỳ thị, trét phân voi là phong cách nghệ thuật của Nigeria.

Cách đây đúng 13 năm, Tháng Chín 1999, tác phẩm hội họa ấy được đem qua triển lãm tại Viện Brooklyn ở thành phố New York. Khi ấy Thị trưởng Rudolph Giuliani muốn ngăn cản việc một viện bảo tàng được ngân sách công quyền tài trợ lại trưng bày một bức họa ông gọi là "bệnh hoạn và đáng tởm". Ông thất bại vì một phán quyết của toà án: đấy là xâm phạm quyền tự do ngôn luận! Dĩ nhiên là người Công giáo có biểu phản đối và cánh tả thì kịch liệt bênh vực quyền tự do sáng tác! Tuần tới, người ta sẽ gặp chuyện phẫn nộ khác với phim "The Master".

Thiên hạ tha hồ điểm phim, bán báo và bình loạn, chứ Hoa Kỳ không có bộ Thông tin Văn hoá mà cũng chẳng chấp nhận chế độ kiểm duyệt. Việc dân Mỹ đốt cờ Mỹ, gọi lãnh đạo là Phát xít hay Hitler, là những quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ. Lãnh đạo cứ thế mà hành xử.

Nhưng hành xử thế nào mà để bốn người bị giết tại Libya, kể cả Đại sứ Christopher Stevens, một nhà ngoại giao tử tế đã sát cánh cùng dân Libya trong cuộc đấu tranh lật đô chế độ Muammar Ghadafi năm ngoái? Ông bị hạ sát trong Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi vào ngày 11 Tháng Chín sau tám tiếng đồng hồ lẩn trốn và bặt tin.

Về địa điểm, sau khi chế độ Muammar Ghadafi bị tiêu diệt năm ngoái, Benghazi là nơi thiếu an ninh vì là đất tung hoành của nhiều lực lượng nổi dậy, trong đó có các thị tộc lẫn tổ chức khủng bố xưng danh "Tháng Chiến" và thân Al-Qaeda. Về thời điểm thì từ trung tuần Tháng Năm, Benghazi liên tiếp bị bốn vụ khủng bố có bàn tay của "Thánh Chiến" và các nhóm đặc công mà báo chí cấp tiến hiền khô gọi là "dân quân".

Then chốt nhất là hôm 11 Tháng Chín, ngày kỷ niệm vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ năm 2001.

Vì sao Đại sứ Stevens lại có mặt trong khuôn viên tạm bợ và khó phòng thủ của tòa Tổng lãnh sự tại Benghazi vào ngày "nhạy cảm" đó? Chúng ta phải chờ cuộc điều tra của nhà chức trách và điều trần của Quốc hội. Nhưng như mọi khi, tranh luận lại om xòm bùng nổ tại Hoa Kỳ. Trong khi các cơ sở của Mỹ như sứ quán, trường học hoặc nhà hàng bị tấn công khắp nơi.

Giới quan sát vụ Benghazi thì đoán là quân khủng bố chuẩn bị ra tay từ trước và nhân làn sóng biểu tình mà mở ra nhiều đợt tấn công trong nửa ngày liền. Làm sao các đặc công biết được là sẽ có biểu tình? Và có sự hiện diện của Đại sứ Hoa Kỳ lẫn căn hầm ẩn trú trong lãnh sự quán, để ào ạt tấn công qua ba đợt với trung liên, súng phóng lựu và hoả tiển cầm tay?

Ngược với quan điểm của Bộ Ngoại Giao được Toà Bạch Cung bênh vực, rằng mọi sự xuất phát từ cuốn phim, Lữ đoàn "Tháng Hai 17", một lực lượng chống Ghadafi được Mỹ yểm trợ tại Benghazi, cho biết họ có báo trước về nguy cơ khủng bố vào dịp 9-11. Tiết lộ ấy càng gây tranh luận. Và đổ lỗi về nguyên nhân cùng trách nhiệm

Có cả chục mâu thuẫn trong cách giải thích về vụ ám sát tại Benghazi, xin miễn nói ra vì giấy báo có hạn. Nhưng đấy chỉ là loại biến cố bất ngờ và thách đố khả năng ứng phó lẫn đởm lược và cá tánh của lãnh đạo.

Vả lại, nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ còn nhiều bài toán nan giải hơn.

Sau khi can thiệp vào Libya và thả võ khí cho các nhóm nổi dậy chống Ghadafi, Hoa Kỳ gặt hái hậu quả bất lường tại Benghazi. Nhưng dù bốn nhân viên ngoại giao đã tử nạn, nạn nuôi ong tay áo ở Libya chỉ là bài toán nhỏ. Chuyện lớn hơn nằm tại Syria, nơi cả vạn thường dân bị tàn sát từ cả năm nay mà Hoa Kỳ vẫn né. Nhân quyền, dân chủ hay "Mùa Xuân Á Rập" đâu rồi?

Chuyện lớn hơn cả Syria là Ai Cập, hay Iran.

Tại Ai Cập, chế độ mới muốn chứng tỏ hai điều trái ngược: 1) Họ là loại văn minh chứ không quá khích như bọn Salafist, nhưng 2) hết thân Mỹ và sẽ xét lại việc hòa giải với Israel. Nền tảng ổn định Trung Đông của Hoa Kỳ từ năm 1978 đang lung lay vì thế liên kết giữa Ai Cập với Israel bị đe dọa. Kết quả bi hài là chính trường Mỹ tranh luận về lập trường của Tổng thống sau khi đi quyên tiền tranh cử tại Las Vegas: "Ai Cập không là đồng minh mà cũng chẳng là kẻ thù!"

Ai Cập hết là đồng minh mà lại được viện trợ một tỷ rưỡi và đang xin xoá nợ một tỷ? Người ta bèn cãi cọ về định nghĩa của chữ "đồng minh ngoài NATO". Miệng lưỡi chính khách còn dẻo hơn luật gia Bill Clinton về định nghĩa của "quan hệ tình dục"!.

Vụ tranh luận càng làm nổi bật lập trường dị biệt giữa Israel và Hoa Kỳ về cách ứng xử với mối nguy từ Iran. Tổng thống Mỹ không có thời giờ gặp Thủ tướng Binaymin Netanyahu vào cuối tháng này nhân kỳ họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Lại bận đi quyên tiền tranh cử?

Trong khi ấy, lính Mỹ vẫn bị lực lượng Taliban phục kích và hạ sát tại Afghanistan. Tại Iraq, Chính quyền của Thủ tướng Nouri al-Malaki theo xu hướng Shite và thân Iran thì tuyên án tử hình một lãnh tụ Sunni thân Mỹ, Phó Tổng thống Tareq al Hashemi. Bạo động bùng nổ tại Iraq từ mươi ngày qua khiến hơn trăm người thiệt mạng. Chuyện không đáng nói vì bề nào Hoa Kỳ cũng sẽ rút khỏi các vùng lửa đạn Hồi giáo này?

Vì sao dân Mỹ đã đổ máu cho nền dân chủ của thiên hạ, đã cứu dân Hồi giáo từ vùng Balkan qua Afghanistan rồi Iraq và từ hơn ba năm nay, Tổng thống Obama đã phân trần tứ phương mà Hoa Kỳ vẫn bị chống đối? Đáng nói hơn vậy, lãnh đạo Hoa Kỳ dành được bao nhiêu phút cho ngần ấy hồ sơ toé lửa vì những hiềm khích nghi ngờ tích lũy từ đã lâu?

Và sau đó, dành mấy ngày để giải thích linh tinh về chuyện bất lường?