Thứ Ba, tháng 11 29, 2011

Trung Quốc: Tài chính Bấp bênh

Thanh Hà & Nguyễn Xuân Nghĩa - RFI ngày 20111129
Lo ngại của ngành tài chính, ngân hàng Trung Quốc


REUTERS/Petar Kujundzic
 
Hai báo cáo của IMF về tình trạng ngân hàng và tương lai kinh tế của Trung Quốc không mấy sáng sủa. Nợ xấu của ngân hàng, đe dọa vỡ bong bóng địa ốc ngày càng đè nặng lên nền kinh tế thứ nhì trên thế giới.

Ngày 14/11/2011, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố một bản báo cáo về tình trạng của các ngân hàng Trung Quốc. Theo đó, lĩnh vực tài chính và ngân hàng của nền kinh tế thứ hai toàn cầu «nhìn chung vẫn vững mạnh» nhưng dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, đặc biệt là trước đe dọa vỡ bong bong địa ốc. Chưa đầy 10 ngày sau, cũng IMF trong "Báo cáo về Phát triển Bền vững của Trung Quốc" không hoàn toàn lạc quan về tương lai kinh tế của nước đông dân nhất địa cầu.

Trong bối cảnh kinh tế châu Âu bị đe dọa khủng hoảng và suy thoái, các đầu tàu kinh tế thế giới khác là Hoa Kỳ, Nhật Bản đều đang bị ách tắc, những tin xấu về viễn ảnh tăng trưởng của Trung Quốc càng gây hoang mang.

Nợ xấu, căn bệnh trầm kha của ngân hàng Trung Quốc

Căn cứ vào một cuộc khảo sát trên 17 ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, bảo đảm đến 83 % các hoạt động của các ngân hàng ngoại thương, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã đi đến kết luận : "nhìn chung, hệ thống ngân hàng Trung Quốc có khả năng đối phó với những khó khăn riêng lẻ" nhưng sẽ khó đứng vững nếu như gặp quá nhiều khó khăn dồn dập cùng một lúc như hiện tượng thiếu tín dụng, khu vực địa ốc bị khủng hoảng, tỷ giá nhân dân tệ giao động đột ngột hoặc lãi suất ngân hàng biến đổi bất thường.

IMF cũng cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ nợ khó đòi gia tăng. Phía Trung Quốc nhấn mạnh là tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nước này đang trên đà được thu hẹp lại. Tuy nhiên, mọi người còn nhớ là trong hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây (năm 1999 và 2004) Trung Quốc đã vô cùng nhức đầu vì nợ xấu. Trong khi đó thì ngân hàng trung ương luôn báo cáo là tỷ lệ khó đòi chỉ tương đương với 1 % các khoản tín dụng mà hệ thống ngân hàng trên toàn quốc cấp cho khu vực sản xuất và tư nhân.

Vào thời điểm năm 1999, các chuyên gia quốc tế đã báo trước là tỷ lệ này tương đương với ít nhất là từ 30 đến 40 %. Cũng phải nói thêm là khác với hai đợt khủng hoảng tài chính trước đây tại Trung Quốc, lần này môi trường phát triển kinh tế toàn cầu không được thuận lợi bằng.

Theo đánh giá của ngân hàng Thụy Sĩ, Credit Suisse, trong vài năm sắp tới, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ lên tới 12 % và như vậy sẽ hút đến 60% thanh khoản của các ngân hàng. Hậu quả trực tiếp là tiền mặt thêm khan hiếm. Doanh nghiệp tư nhân sẽ càng vất vả khi đi vay tín dụng.

Trong báo cáo gần đây nhất, chính Quỹ đầu tư của nhà nước Trung Quốc CICC - cực chẳng đã - phải lên tiếng báo động về hiện tượng nợ khó đòi của các ngân hàng sẽ tăng lên trong nửa đầu năm 2012. Quỹ CICC cho rằng "khan hiếm tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" là nguyên nhân làm tăng mức độ rủi ro của ngân hàng.

Dự trữ vốn yếu kém

Thế nhưng đây lại chính là điểm thứ nhì đáng lo ngại trong mắt IMF. Do để hỗ trợ tiêu thụ nội địa và để khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế, chính quyền Bắc Kinh ngay từ cuối 2008 đầu 2009 đã bơm thêm 440 tỷ đô la vào cỗ máy kinh tế quốc gia. Gói kích cầu này đành rằng đã giúp Trung Quốc duy trì được tỷ lệ tăng trưởng vẫn trên 8- 9 % một năm. Nhưng mặt khác hiện tượng « tiền đổ vào như nước » cũng đã góp phần làm suy yếu thêm hệ thống ngân hàng. Hiểu theo nghĩa các ngân hàng đã dễ dãi cấp tín dụng, đặc biệt là cho các tập đoàn nhà nước mà không đòi hỏi nhiều bảo đảm hay không đòi hỏi về hiệu quả kinh tế ....

Ngân hàng Trung Quốc từ 2009 tới nay đã nhắm mắt cho vay và theo : IMF tại có tới 20 % tín dụng các ngân hàng Trung Quốc cấp cho tư nhân chỉ được đảm bảo ở mức rất thấp, là chưa đầy 8 %.

Luận điểm này đã bị ngân hàng Ngoại Thương Trung Quốc phản bác lại. Theo đó tỷ lệ vốn lõi của các ngân hàng Trung Quốc là 21,5 % tức cao vào mức kỷ lục. Để so sánh, Công ước ngân hàng Bassel 3 quy định đến năm 2013 tỷ lệ vốn lõi so với khoản tín dụng mà một cơ quan tài chính có thể cho vay tối thiểu phải là 9 %.

Nói một cách dễ hiểu, phía Trung Quốc cho biết để có thể cho vay 100 đồng, ngân hàng cần chứng minh có một khoản dự trữ ít nhất là 21 đồng rưỡi. Thế nhưng theo các chuyên gia, nếu như tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng Trung Quốc thực sự là ở mức cao kỷ lục 21,5 % thì điều đó chứng tỏ là ngành ngân hàng ở nước này không mấy tin tưởng vào khả năng thanh toán của các con nợ. Thêm vào đó không phải bất kỳ một ngân hàng nào ở Trung Quốc đều có tỷ lệ dự trữ an toàn hơn 20 % như vừa nêu.

Nói như một nhà tài chính nổi tiếng của Hoa Kỳ thì hệ thống ngân hàng Trung Quốc rất mong manh vì được "xây trên cát lầy". Vùng cát lầy đó theo quan điểm của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế là nợ chồng chất của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là của ngành mua bán bất động sản. Chính vì điểm này, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế kêu gọi Bắc Kinh nên xét lại tiêu chuẩn cấp tín dụng cho các đơn vị sản xuất. Định chế tài chính đa quốc gia này mong mỏi quyết định cấp tín dụng hay không phải được dựa trên các tiêu chuẩn kinh tế - như mức độ tin cậy đối với người đi vay, hay tiềm năng phát triển của một cơ sở sản xuất ... - chứ không phải là được căn cứ trên cơ sở chính trị như hiện nay.

IMF kêu gọi Trung Quốc nên "tiến hành cải cách, kể cả việc cho phép các ngân hàng hoạt động dựa trên cơ chế thị trường". Để làm được việc đó, "chính phủ Trung Quốc cần giảm bớt vai trò của mình trong hệ thống ngân hàng và cho phép các nhà cho vay đưa ra quyết định dựa trên mục tiêu thương mại".

Nguy cơ thị trường địa ốc sụp đổ

Như vừa nói, nhà đất là một khu vực kinh tế được đặc biệt ưu đãi, được cấp vốn dồi dào để xây dựng. Với hậu quả là quả bóng địa ốc ở Trung Quốc đã nổi lên. Giá nhà đất trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình đã liên tục giảm sút từ tháng 8/2011. Tại các thành phố lớn giá cả nhà đất còn đổ mạnh hơn. Nguy cơ vỡ bong bóng địa ốc tại Trung Quốc theo các nhà quan sát ngày càng rõ nét : từ năm 2009 giá bất động sản ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải tăng đều đặt hơn 30 % trong một năm. Thế nhưng, trong ba quý đầu năm, ngành địa ốc tại nước đông dân nhất địa cầu đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất.

Các vụ kiện chủ thầu bán nhà cho tư nhân với giá quá cao ngày càng nhiều và bên cạnh đó thì khối lượng các căn hộ, các khu nhà cao tầng đã xây xong nhưng vẫn còn để trống cũng ngày thêm lớn. Trong khi đó số người không có nhà ở cũng ngày càng gia tăng khi mà «đồng lương của cả đời người» chưa chắc đã đủ để sắm một căn nhà tươm tất tại các thành phố lớn.

Chỉ riêng trong tháng 10, tại thủ đô Bắc Kinh hơn 120 000 căn hộ vừa được hoàn tất nhưng vẫn chưa tìm được chủ nhân. Hoạt động trì trệ của ngành địa ốc khiến 177 văn phòng mua bán nhà đất phải đóng cửa và cũng trong tháng 10, giá nhà ở tại 30 thành phố lớn của Trung Quốc giảm đi rõ rệt.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 4/2011 cảnh báo là chỉ cần lạm phát tại Trung Quốc tăng 5% trong một năm là cũng đủ để đe dọa đến sự phồn thịnh của ngành địa ốc. Lạm phát Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua đã lên tới 5, 5 %.

Để hạ nhiệt thị trường bất động sản, chính quyền Bắc Kinh đã tìm cách «kiểm soát» giá nhà đất, giới hạn các dịch vụ mua nhà đầu cơ. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các «liều thuốc» này có hiệu quả không và làm sao chính quyền có thể kiếm soát được các vụ mua bán nhà đất đó ?


Địa ốc và núi nợ 1000 tỷ euro của các chính quyền địa phương

Thêm một vấn đề khác đặt ra: do muốn tránh hiện tượng «bể bóng địa ốc», Trung Quốc đã yêu cầu giới ngân hàng từng bước siết lại các vòi tín dụng, đòi tư nhân phải chứng minh là có những bảo đảm thế chấp ngày càng lớn. Mặt khác thì chính quyền cũng đã áp dụng các biện pháp tăng thuế nhà đất. Các biện pháp này đã khiến hoạt động của ngành địa ốc «chạy chậm» lại. Nhưng khi tư nhân dời lại dự án tậu nhà, thì nạn nhân đầu tiên lại là các chính quyền địa phương. Câu hỏi đặt ra là làm sao Bắc Kinh có thể giải quyết núi nợ 1000 tỷ euro của các chính quyền địa phương do chỉ có chính quyền địa phương mới đủ thẩm quyền trưng thu hay mua lại đất đai để xây dựng những khu nhà cao tầng.

Dự báo của nhiều trung tâm quốc tế nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc cho thấy, nhiều vụ biểu tình trước các công ty bất động sản sẽ diễn ra trong tương lai khi những người mua nhà, nhận thấy rằng căn hộ họ đã mua với giá quá đắt không phản ánh đúng giá trị của nó. Khi đó liệu chính sách kiểm soát tiền tệ để kềm hãm lạm phát của Bắc Kinh sẽ còn có hiệu quả hay không ?

Trở lại với hai báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế về tình trạng ngân hàng và phát triển bền vững của Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu lên những lý do giải thích vì sao IMF không chút lạc quan khi nhìn vào cỗ máy kinh tế đồ sộ của ông khổng lồ châu Á này.

Trước hết chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết vì sao trong chưa đầy 10 ngày Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lại công bố hai văn bản về tình hình Trung Quốc.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau vụ khủng hoảng Đông Á vào các năm 1997-1998, từ năm 1999, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF có chương trình lượng định tài chính trong 25 khu vực kinh tế của địa cầu, tiến hành mỗi năm năm cùng Ngân hàng Thế giới. Mục đích là để khỏi bị khủng hoảng bất ngờ như thế giới đã từng bị. Căn cứ trên dữ kiện tình hình năm ngoái, báo cáo IMF về hệ thống tài chính Trung Quốc thuộc khuôn khổ đó, và hoàn tất từ Tháng Sáu, nên không hẳn là một sự biện bạch từ những gì đang xảy ra tại Âu châu. Thế rồi, cũng do sự bất ổn chung, Quỹ IMF mới chủ động thanh tra và thẩm lượng mức độ an toàn của các hệ thống tài chính tại 25 quốc gia khác nhau, trong đó có Trung Quốc, vì có thể gieo họa cho cả cơ cấu quốc tế.

- Chuyện thứ hai là giữa những bất trắc của kinh tế toàn cầu, từ Thượng đỉnh năm ngoái của nhóm G-20, IMF được yêu cầu đáng giá khả năng phát triển bền vững của bẩy đầu máy kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Ấn Độ, và báo cáo cho Thượng đỉnh G-20 tại Cannes vào tháng 11 vừa rồi. Phúc trình về khả năng bền vững của kinh tế Trung Quốc được soạn thảo trong mục tiêu đó, với sự đồng ý và hợp tác của Bắc Kinh. Nó đáng chú ý vì nói đến tình trạng bấp bênh của kinh tế Trung Quốc và sự khác biệt về cách ứng phó của Bắc Kinh và IMF.

- Tuy nhiên, ngay trước mắt thì người ta chú ý đến hồ sơ cấp bách hơn của tương lai ngắn hạn, đó là những rủi ro trong hệ thống tài chính và ngân hàng của Trung Quốc.

RFI: Theo dõi hồ sơ tài chính này từ lâu, anh nghĩ sao về những yếu kém của hệ thống ngân hàng Trung Quốc qua cách đánh giả của Quỹ Tiền tệ Quốc tế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Phúc trình IMF có đầy thuật ngữ chuyên môn lồng trong ngôn từ ngoại giao lịch sự của một định chế quốc tế nên có thể không phản ảnh hết sự u ám của cả kiến trúc tài chính Trung Quốc. Chưa kể là họ cũng không muốn gây thêm tâm lý hốt hoảng vào lúc này!

- Một cách cụ thể thì sau khi ngợi ca thành tích cải cách kinh tế của Trung Quốc, IMF nêu ra cả chục rủi ro. Trước hết là bốn rủi ro ngắn hạn của các ngân hàng Trung Quốc, rồi nguy cơ bất ổn về cơ cấu trong tương lai trung hạn - từ hai đến năm năm tới - nếu không tiến hành cải cách hệ thống tài chính và ngân hàng. Sau cùng, quan trọng nhất là sự lệch lạc do chính sách kinh tế chính trị gây ra cho xứ này.

RFI: Chúng ta sẽ bắt đầu từ bốn loại hiểm tai trước mắt, thưa anh, đó là những rủi ro gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết là hậu quả về cả phẩm lẫn lượng của việc ào ạt bơm tín dụng vào kinh tế qua hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp của nhà nước. Vì được bơm tiền quá nhiều mà sổ sách luật lệ thiếu nghiêm minh thì người ta không thẩm định rủi ro khi cho vay, nên càng không tính ra được rủi ro tín dụng. Nguy cơ khủng hoảng được đánh giá là từ trung bình đến cao.

- Thứ hai là hiện tượng "tài trợ ngoại ngạch", là khỏi bút ghi trong kết toán tài sản các nghiệp vụ tài trợ nên gây ra nạn "ngộ dụng tài nguyên", là bơm tiền không đúng chỗ. Hệ thống tài chính Trung Quốc không chỉ có các ngân hàng bị đe dọa mất nợ mà còn có tình trạng bơm tiền vào hoạt động đầu cơ về địa ốc hay thương phẩm - và trước mắt thì còn gây ra rủi ro lạm phát khá cao.

- Thứ ba, nạn đầu cơ thổi lên bong bóng địa ốc làm giá cả bất động sản tăng vọt, dẫn tới rủi ro bể bóng làm ngân hàng mất nợ vì đã và đang tích lũy nhiều khoản nợ khó đòi và sẽ mất. Mà rủi ro đến cỡ nào thì khó ai biết được vì sổ sách mờ ảo và lại được bảo vệ bởi quy tắc bí mật quốc gia.

- Vấn đề thứ tư, chính là cơ chế mất quân bình hiện tại với vai trò quá lớn của doanh nghiệp nhà nước và thẩm quyền mờ ám của các địa phương khi tiến hành đầu tư để kích thích kinh tế bằng cách đi vay ngân hàng cũng của nhà nước ở địa phương. Kết cuộc là một núi nợ rất lớn có thể sụp đổ. Mà lớn tới cỡ nào thì các ngân hàng và cả trung ương vẫn chưa biết được.

RFI: Đấy là loại rủi ro ngay trong ngắn hạn, chứ trong trung hạn thì bất ổn về cơ cấu đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Kiến trúc tài chính và ngân hàng phải có chức năng yểm trợ phát triển kinh tế trong lâu dài nên cần được cải cách. Nhưng nạn sơ cứng trong chính sách quản lý vĩ mô lại cản trở việc cải cách này, cho nên Trung Quốc không chỉ gặp rủi ro trước mắt mà còn tích lũy bất ổn cho tương lai trung hạn. Then chốt ở đây là thứ nhất, chính sách vĩ mô nhằm đạt mức tăng trưởng cao về lượng mà không chú ý đến phẩm, và thứ hai là chức năng phân phối tài nguyên hay tín dụng lại chủ yếu nằm trong tay nhà nước, qua ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, từ cấp trung ương đến các địa phương.Vì vậy mà nếu xứ này có thoát rủi ro nhất thời thì sau đó vẫn còn nhiều nguy cơ hoạn nạn!

RFI: Sau khi lượng định như vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo các ngân hàng của Trung Quốc nên cải tổ như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Họ khuyến cáo qua 29 đề nghị khá rắc rối! 

- Về đại thể, chính quyền phải đẩy mạnh hơn việc cải cách ngân hàng theo quy luật thị trường và quy củ kinh doanh: khi cho vay thì phải biết tính lời lỗ, có chứng từ sách phân minh, cần thẩm định rủi ro cho chính xác để ngân hàng đảm nhiệm cho tròn chức năng thu hút tiết kiệm và phân phối tín dụng sao cho an toàn và có lời. Song song, chính quyền phải bớt can thiệp vào nghiệp vụ ngân hàng, cần loại khí cụ điều tiết tiền tệ và tín dụng tinh vi hơn là quyết định hành chính thô thiển như hiện tại. Cao hơn vậy, bản phúc trình còn đề nghị gia tăng quyền độc lập cho Ngân hàng Trung ương và khả năng lượng định tinh tế hơn cho các cơ quan hữu trách ở trên hầu lãnh đạo có thể thấy trước rủi ro mà còn kịp ngăn ngừa. Đây là một loạt khuyến cáo về cải cách định chế, hoặc "định chế hóa" sự vận hành của các ngân hàng theo sát với tiêu chuẩn quốc tế.

RFI: Câu hỏi cuối thưa anh, nếu dự báo này xảy ra thì nguy cơ với các ngân hàng Trung Quốc là gì và hậu quả sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau ba đợt "trắc nghiệm ứng suất" hay "stress test" của các ngân hàng Âu châu với kết quả tưởng khả quan mà thực tế vẫn gây nhức tim, Quỹ Tiền tệ IMF cùng Trung Quốc cũng đã trắc nghiệm khả năng ứng phó với sóng gió của 17 ngân hàng Trung Quốc. Kết quả cũng có vẻ an toàn nếu có bị hiệu ứng của "vài ba cú sốc đơn lẻ", chứ thật ra tình hình lại nguy ngập hơn mà chẳng ai tính ra vì thiếu thông tin khả tín ở mọi cấp!

- Đa số dân Trung Quốc còn nghèo mà tiết kiệm lại rất cao, đến 40 lợi tức vì họ thiếu mạng lưới an sinh ở dưới. Khi ngân hàng sụp đổ, dân nghèo chết trước, doanh nghiệp phá sản và dân thất nghiệp sẽ theo sau. Hiện nay, các tiểu doanh thương của tư nhân đều đã ở mé bờ khủng hoảng và nạn cho vay lãi cắt cổ trên thị trường tín dụng đen đã thành phổ biến. Nếu hệ thống tài chính này bị đổ thì vấn đề không chỉ là kinh tế hay xã hội mà sẽ dội lên thượng tầng chính trị. Ở một nước thiếu dân chủ như Trung Quốc, có lẽ những biến động xã hội và chính trị như tại Âu châu chỉ là chuyện lãng du. Lãnh đạo Bắc Kinh không thể không biết mối nguy đó nên Kế hoạch năm năm thứ 12 mới đặt ưu tiên là cải cách và IMF nhân đó mà đề nghị cải cách mạnh hơn.





Đông Phương Hồng hộc


Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 20111128
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Âu Châu Âu Sầu làm Bắc Kinh Kinh Hãi....




Cách đây đúng một tháng, các lãnh tụ Âu châu đã khiến chúng ta giật mình.

Không phải vì họ hoàn thành kế hoạch cấp cứu đồng Euro vào rạng sáng 27, sau ba thượng đỉnh khẩn cấp trong có năm ngày. Cũng chẳng vì dự án huy động tiền cứu chuộc cho Quỹ Bình ổn Tài chánh Âu châu EFSF khi chính các nước Âu châu lại từ chối châm thêm tiền vào quỹ đó. Người ta chẳng giật mình vì sau chính quyền Hy Lạp, đến lượt Chính quyền Ý cũng đổ khi lãi suất công trái Ý vọt lên trời....

Là cường quốc kinh tế của khối Euro, chỉ sau Đức và Pháp, khi Ý Đại Lợi cũng rung rinh, thiên hạ lại luận bàn về sự suy sụp của hai nền văn hóa cổ nhất Âu châu, Hy Lạp và La Mã! Những chuyện ấy, giờ này thì ai cũng đã rõ. Cuộc khủng hoảng chưa thấy lối ra, trừ phi Âu châu tiến tới thống nhất về chính sách kinh tế và kỷ cương ngân sách, tức là về chính trị - là điều Đức và Pháp đang vận động – mà rất nhiều nước lại không muốn....

Nhưng sở dĩ các lãnh tụ Âu châu gây giật mình về sự sáng suốt của họ vì sau đó lập tức kêu gọi Trung Quốc châm tiền cho quỹ bình ổn! Dĩ nhiên là Bắc Kinh thoái thác sau khi gặt hái thành quả tuyên truyền với thần dân: "nay Âu châu già nua và phản động đã phải kêu cứu Thiên triều chúng ta..." 

Bảnh!

Thật ra, vấn đề đáng chú ý ở bên lề là cuộc khủng hoảng Âu châu lại phơi bày ra nguy cơ khủng hoảng của Trung Quốc. Âu châu âu sầu làm Bắc Kinh phải kinh hãi!

Sau đây là những lý do.


***


Ngoài việc treo cao giá ngọc, và eo xèo về trái phiếu Âu châu với luận điệu của con cáo trước chùm nho quá cao – "nho xanh không xứng miệng người phong lưu" – lãnh đạo Bắc Kinh theo dõi xem Âu châu xoay trở ra sao với vụ khủng hoảng tài chánh và chính trị của họ.

Gồm 27 nước có hơn 500 triệu dân với lợi tức đồng niên một người là hơn ba vạn Mỹ kim, Liên hiệp Âu châu là thị trường nhập cảng lớn nhất của Trung Quốc, hơn cả Hoa Kỳ. Khi cả Mỹ và Nhật đều tăng trưởng chậm, nếu Âu châu cũng lại sa sút thì năm tới kinh tế toàn cầu có thể bị suy trầm lần nữa sau khi đã bị Tổng suy trầm trong các năm 2008-2009.

Đó là số phận chung của các nước buôn bán với nhau. "Vui thú về sự đau khổ của người khác" – khái niệm schadenfreude của Đức – không là biểu hiệu của sự khôn ngoan.

Huống hồ kinh tế của Thiên triều lại lệ thuộc quá nặng vào xuất cảng, và mức xuất cảng cứ giảm dần trong sự èo uột của kinh tế thế giới mà nhập cảng vẫn cứ tăng. Sở dĩ tăng vì xứ này vẫn cần nhiều thương phẩm – commodities – là nguyên nhiên vật liệu, khoáng sản và nông sản, cho nhu cầu đầu tư trong nội địa, nếu không là thất nghiệp tăng và động loạn sẽ bùng nổ. Vào một năm chuẩn bị Đại hội đảng Khoá 18 để chuyển giao quyền lãnh đạo mà lại gặp cảnh đó thì Thiên triều quả nhiên bất an!

Nhưng "hiệu ứng Âu châu" – cái vạ lây từ Liên Âu – nào chỉ có vậy!

Lãnh đạo Bắc Kinh biết rõ nhiều bất toàn trong cơ chế kinh tế của mình. Hội nghị Ban chấp hành Kỳ năm của Khoá 17 vào Tháng 10 năm ngoái đề ra đường hướng cải cách rộng lớn qua Kế hoạch Ngũ niên thứ 12 – cho các năm 2011-2016. Họ tìm cách mua thời gian để kịp sửa đổi khi chuẩn bị thay đổi lãnh đạo từ thế hệ thứ tư qua thế hệ thứ năm. Từ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo qua Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.

Trong lúc sang sông – hay vượt biển – thì ai cũng sợ sóng!


***


Nhìn vào bối cảnh rộng, chiến lược kinh tế của Trung Quốc chỉ là ấn bản màu hồng - cộng sản phai màu - của chiến lược Đông Á đã phá sản.

Đó là bấm bụng sản xuất để xuất cảng cho nhiều hầu tạo ra việc làm mà bất kể lời lỗ trong tiến trình sản xuất. Chiến lược đó với màu sắc Trung Quốc là đầu tư cho mạnh, vay tiền cho nhiều và hỳ hục sản xuất, có khi lại để chất đống mà bán không được, khiến cả triệu doanh nghiệp bị nguy cơ vỡ nợ.

Khi thế giới bị Tổng suy trầm vào năm 2008, lãnh đạo Bắc Kinh ráo riết tăng chi và ào ạt bơm tín dụng cho các ngân hàng của nhà nước thổi tiền vào các doanh nghiệp cũng của nhà nước, từ cấp trung ương đến địa phương, tiếp tục sản xuất và đạt mức tăng trưởng làm thế giới èo uột phải thèm thuồng. Nhưng kết quả của kế hoạch cấp cứu ấy trong cơ chế kinh tế lệch lạc thì cũng như bơm nước vào nơi úng thủy: thổi lên nạn đầu cơ địa ốc và thương phẩm. Bong bóng đầu cơ mà xì là ngân hàng bị sụp.

Dư luận chỉ nói đến núi nợ Âu châu chứ Bắc Kinh biết rõ núi nợ của mình.

Nhưng lớn cỡ nào thì Thiên triều ở trên cao lại không thể rõ vì hồ sơ sổ cách thiếu phân minh và vì các khoản chi ngoại ngạch, không bút ghi trong kế toán địa phương hay quốc gia. Tổng số nợ của chính quyền trung ương lẫn địa phương đã có thể cao bằng Tổng sản lượng quốc gia. Trong đó, khối nợ xấu - khó đòi, không sinh lời và sẽ mất - lên tới bao nhiêu thì không ai biết cho tường, kể cả các cơ quan hữu trách!

Đấy là chuyện trước mắt, trong một hai năm tới. Trong các ngày 14 và 23 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF liên tiếp công bố hai phúc trình về nền kinh tế thiếu bền vững và hệ thống tài chánh bấp bênh của Trung Quốc, mà ít ai thèm đọc. Vì chỉ nhìn vào chốn Âu châu âu sầu.


***


Tổng kết lại, chiến lược kinh tế Trung Quốc có giúp cho 300 triệu người cải thiện cuộc sống nên được trầm trồ ca tụng. Người ta quên một tỷ dân – ngàn triệu người còn lại! Đa số này sống tại nông thôn, ở các tỉnh bị khóa trong lục địa, bên lề của phép lạ kinh tế Trung Quốc.

Nói khí oan, chứ vốn dĩ dựng nghiệp cách mạng nhờ đám thần dân rách rưới đó, Thiên triều ở trên biết sợ, cho nên có tìm cách cải sửa, nhưng với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đó là duy ý chí tiến hành đô thị hóa, một biểu hiện của nếp văn minh công nghiệp tiên tiến. Đô thị hoá là chủ động biến nông thôn ra thành trị qua đầu tư, xây dựng, nhờ đó thôn dân sẽ có nhà, có việc và có đời sống thái hòa thời Nghiêu Thuấn! Đất đai vốn thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý – dưới sự lãnh đạo của đảng. Nên các đảng viên cán bộ đều thi đua cướp đất, một cách chính đáng và phải đạo: đất đai đem lại 40% nguồn thu cho ngân sách địa phương, và túi tiền cán bộ.

Vì vậy, đô thị hóa cũng là đầu cơ về địa ốc và dựng lên thành phố ma.

Từ các tỉnh duyên hải vào sâu trong lục địa, người người đều có cái bơm! Lớn nhất và có giá trị chỉ đạo vì vị trí chủ đạo là máy bơm của doanh nghiệp nhà nước, được vay ngân hàng cũng của nhà nước với lãi suất âm vì theo diện chính sách. Chung quanh là thân tộc của đảng viên cao cấp, các đại gia của chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Ở dưới cùng là đám thần dân bị cướp đất.

Muốn vào đô thị xin chia mảnh vụn của cái bánh phồn vinh thì lại không có sổ hộ khẩu: chế độ hộ khẩu vẫn được duy trì để bảo vệ an ninh! Mất đất, mất việc, mất tiền tiết kiệm ký thác vào ngân hàng, lại bị vật giá đẩy nồi cơm xuống đất đen, người dân chỉ còn con đường biểu tình!

Khi bóng bể, nhạc lắng, mây chìm, doanh nghiệp và ngân hàng vỡ nợ, ngần ấy quả trứng chắt chiu ấp ủ - như trứng cút năm xưa - đều tan tành. Hy vọng câu giờ nhờ kinh tế Âu châu hồi phục và xuất cảng khởi sắc, hy vọng đó đã lại lảng xa. Vì vậy Bắc Kinh mới kinh hãi.

Bài ca "Đông phương hồng" bỗng dưng lạc điệu. Mà trời ơi, nghe cứ như chuyện kinh tế chính trị... Việt Nam vậy!

Hèn chi đảng ta cũng nói đến tái cơ cấu kinh tế cho kế hoạch năm năm sắp tới....

Thứ Bảy, tháng 11 26, 2011

Liên Âu Thiếu Thống Nhất

Nguyễn Xuân Nghĩa & Thy Nga - RFA Ngày 27 tháng Giêng, 2004
"Diễn đàn Kinh tế " Đài Á châu Tự do


Năm 2004 có khi đánh dấu sự suy sụp và phân hoá của Âu châu....  






Tuần qua, các cuộc biểu tình của thợ thuyền tại Pháp, Ý và Portugual khiến dư luận chú ý đến nguy cơ sự phân hóa trong nội bộ Liên hiệp Âu châu, nhất là khi tổ chức này sẽ nhận thêm 10 hội viên vào tháng Năm. Diễn đàn Kinh tế trao đổi về vấn đề này với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình chuyên hàng tuần do Thy Nga thực hiện.

Hỏi: Trong khi ta chuẩn bị đón Tết Giáp Thân thì hàng loạt các vụ đình công đã xảy ra tại nhiều quốc gia Âu châu. Xin ông giải thích cho nguyên do và hậu quả của sự việc này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là mặt nổi của nhiều vấn đề tiềm ẩn bên dưới cơ chế chính trị và kinh tế thống nhất của Liên hiệp Âu châu, mà ta gọi tắt là Liên Âu. Tại Ý Đại Lợi, hãng hàng không quốc doanh Alitalia đã hủy 364 chuyến bay hôm 19 vì nhân viên đình công để chống lại việc giảm lương trước khi cổ phần hóa và tư nhân hóa công ty. Tại Pháp, nhân viên phi cảng, y tế, hỏa xa và năng lượng đã luân phiên đình công từ ngày 20 đến 22. Tại Portugual mà xưa kia ta gọi là Bồ Đào Nha, hôm 23 cũng có một vụ lãng công toàn quốc của công nhân viên chức trong khu vực nhà nước. Vì hiện tượng đình công xảy ra quá thường xuyên tại nhiều nước Âu châu nên dư luận hết coi là quan trọng nhưng hiện tượng này có thể báo hiệu rất nhiều khó khăn, thậm chí sự rạn nứt cơ chế Liên Âu trong năm nay.

Hỏi: Vì sao vấn đề lao động lại nghiêm trọng như vậy cho cơ chế Liên Âu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Suốt năm qua, nhiều vụ đình công và biểu tình đã xảy ra tại Đức, Pháp, Ý và các xứ khác vì công nhân thợ thuyền phản đối việc cải cách lao động trong khuôn khổ cải tổ kinh tế để đưa Liên Âu ra khỏi nạn suy trầm và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Chế độ bao cấp ăn sâu vào xã hội và chính trị Âu châu khiến việc cải cách gặp trở ngại và các chính trị gia không dám đưa ra biện pháp mạnh vì sợ thất cử. Có thể gọi đây là hiện tượng xơ cứng hay ngạnh hóa xã hội của nhiều nước Âu châu.

- Vấn đề trở thành rắc rối cho Liên Âu vì Hội đồng Âu châu đã than phiền về nhịp độ cải cách quá chậm của các nước, khiến kinh tế Âu châu không thể cạnh tranh nổi với các khối kinh tế khác. Vắn tắt thì quốc gia có vấn đề nội bộ nên khó chấp hành quyết định của một cơ chế siêu quốc gia là Hội đồng Âu châu. Hôm 21 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng, ông Romano Prodi, phàn nàn là các quốc gia hội viên chưa thi hành tới 40% những cam kết cải tổ để thống nhất nền kinh tế Âu châu. Ông cụ thể nêu ra hai hồ sơ gắn bó với nhau là ngân sách và quỹ hưu bổng.

- Thực ra, chẳng chính quyền nào muốn cắt tiền hưu liễm của công nhân viên trong khi xã hội bị lão hóa, với thành phần cao niên hưởng tiền hưu liễm thì ngày càng đông, trong khi dân số lao động, tức là đóng tiền vào quỹ hưu bổng lại ngày một ít đi. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Hội đồng Âu châu dọa sẽ đưa Hội đồng các Bộ trưởng ra tòa vì không có biện pháp chế tài đối với nạn bội chi ngân sách của Đức và Pháp, vốn là hai nước tiên phong đòi hỏi là phải có kỷ luật ngân sách sau đó lại vi phạm vì bị bội chi quá 3% Tổng sản lượng GDP. Ngược lại, các nước hội viên thì hăm là sẽ hạn chế mức gia tăng ngân sách Âu châu sau khi thấy hội nghị về Hiến pháp Âu châu tan vỡ năm ngoái vì tranh luận giữa Tây Ban Nha và Ba Lan với Pháp và Đức liên hệ đến quyền đầu phiếu.

Hỏi: Như vậy, hậu quả là kinh tế toàn khu vực Âu châu sẽ tiếp tục trì trệ trong năm nay?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có thể còn tệ hơn một sự trì trệ hay suy trầm. Tuần qua, tại Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu ở Davos, Kinh tế trưởng của tổ chức OECD quy tụ các nước công nghiệp hàng đầu thế giới vừa báo động là kinh tế Âu châu đã sụt rất mạnh và hồi phục rất chậm mà có thể suy sụp nặng và lâu hơn nếu không chặn được đà tăng giá của đồng Euro làm hàng hóa Âu châu lên giá và mất thế cạnh tranh. Qua tháng tới, trong hội nghị của nhóm G-7 quy tụ bảy nước công nghiệp tiên tiến, trong đó có bốn nước Âu châu, giới lãnh đạo kinh tế sẽ thảo luận về vấn đề này, nhưng ít ai tin là Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ giúp Âu châu chặn đà tăng giá tiền Euro. Muốn tiền Âu bớt tăng giá thì Ngân hàng Trung ương Âu châu phải hạ lãi suất, là điều họ rất ngại.

- Thống đốc cơ chế này là ông Jean Claude Trichet vừa cảnh báo tuần qua về nguy cơ lạm phát tại Âu châu, với tỷ lệ lạm phát hiện cao gấp hai Hoa Kỳ. Vì vậy, ta thấy ra mâu thuẫn giữa cơ chế tiền tệ chung và nhu cầu xuất khẩu của từng nước, chưa kể tới mâu thuẫn về hồ sơ cải tổ lao động để nâng khả năng cạnh tranh của Liên Âu.

Hỏi: Trong khi đó, Liên Âu còn chuẩn bị nhận thêm 10 hội viên mới vào tháng Năm này, và có phải là điều đó sẽ lại gây ra mâu thuẫn khác hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vâng, và đây là một hồ sơ khác mà người ta cần theo dõi trong năm nay. Liên Âu sẽ có thêm 10 hội viên mới, đa số là các nước Đông Âu trong khối Xô viết cũ, đó là Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, Slovakia, Hungary, Slovenia và ba nước vùng Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia. Có năm nước Liên Âu đã sẵn sàng áp dụng quy chế lao động tự do và mở cửa đón nhận thợ thuyền Đông Âu qua tìm việc làm tương tự như người bản xứ, đó là Anh, Hòa Lan, Ái Nhĩ Lan Ireland, Đan Mạch Denmark và Thụy Điển Sweden.

- Quyền tự do lao động ấy là một trong các lợi ích của việc liên hiệp và thống nhất sinh hoạt kinh tế, khiến các nước kia mới muốn gia nhập. Thế nhưng, một số quốc gia khác lại đòi hạn chế quyền tự do có thể đến bảy năm cho các hội viên mới, lý do là sợ nhân công bản xứ mất việc vì công nhân các nước Đông Âu chịu nhận lương thấp hơn. Năm nước đòi hạn chế tự do là Đức, Pháp, Bỉ, Phần Lan Finland và Áo là Austria. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các xứ này cũng chống lại quan điểm của các hội viên mới về bản dự thảo hiến pháp năm ngoái: họ có cùng biên giới với các nước Đông Âu. Mâu thuẫn về lao động và chính trị vì vậy sẽ tiếp tục đào sâu giữa các nước, chưa kể đến nhiều bất đồng khác.

Hỏi: Xin ông liệt kê sơ lược những bất đồng này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Các nước Đông Á, nhất là trong hiệp hội ASEAN, cứ hão huyền nuôi mộng thống nhất nền kinh tế khu vực theo mô thức của Liên Âu. Họ quên là Âu châu đã trải qua ba trận đại chiến và mất nửa thế kỷ cãi cọ mới đi tới một chế độ liên hiệp về kinh tế và thống nhất có hạn chế về tiền tệ và ngay trên đà thống nhất này thì Liên Âu bắt đầu gặp vấn đề, có thể dẫn tới rạn nứt lớn kể từ năm nay trở đi.

- Lý do là trong cái tập thể gọi là Âu châu này, có những quốc gia là hội viên trọn vẹn của Liên hiệp Âu châu mà không muốn thống nhất tiền tệ, là trường hợp của Anh và Đan Mạch. Trong cơ chế Âu châu, được xây dựng và củng cố thời Chiến tranh lạnh, có ba quốc gia vẫn giữ thế trung lập, không gia nhập Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Tại Âu châu, có một nước đang muốn là hội viên trọn vẹn và bị đặt ra điều kiện rất khó là xứ Thổ Nhĩ Kỳ, Turkey, một nước Hồi giáo duy nhất nằm trong NATO và lại ở vào vị trí chiến lược là nằm ngang hai lục địa Âu Á, trong vùng giao tiếp giữa Âu châu với thế giới Hồi giáo tại Trung Đông và Trung Á. Sau cùng, trong vụ Iraq, nhiều nước Liên Âu thì kịch liệt chống Mỹ, như Pháp, Đức, Bỉ, ngược hẳn với lập trường ủng hộ Mỹ của Anh, Ý và Tây Ban Nha (Spain) và nhất là của các tân hội viên, điển hình là Ba Lan và Hungary.

- Thành thử tập thể Âu châu có quá nhiều dị biệt mà lại là những dị biệt đang mở rộng. Điều duy nhất khả dĩ kết hợp các nước với nhau là quyền lợi kinh tế thì lại gây nhiều mâu thuẫn khác, thí dụ như lao động, việc giảm lãi suất ngân hàng hay không, việc gia tăng ngân sách chung để giúp các hội viên mới hay không.

Hỏi: Tuy nhiên, nếu có e ngại thợ thuyền xứ khác đến lấy mất công việc làm của xứ mình thì cũng là một sự quan tâm chính đáng chứ, nhất là đối với giới chính trị do dân bầu ra?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Mối lo đó không có cơ sở, Hội đồng Liên Âu đã có công trình nghiên cứu về việc này để thấy hậu quả rất nhẹ đối với thị trường lao động sau khi Liên Âu đón nhận hội viên mới. Nhưng, giới chính trị và các lãnh tụ công đoàn lẫn đa số dư luận ít chú ý đến loại nghiên cứu khô khan đó mà chỉ tìm cơ hội chứng tỏ là họ quan tâm tới công ăn việc làm của công nhân, điều đó ăn khách hơn về chính trị, dù có gây rạn nứt trong nội bộ Liên Âu. Và chúng ta cũng nên thông cảm với họ: các quốc gia hạn chế tự do lao động này đều có chánh sách bao cấp rất nặng nên bị thất nghiệp rất lớn, từ 8% trở lên, đến độ chính quyền trở thành con tin của các công đoàn và không thể tiến hành được việc cải cách như đã giao kết.

Hỏi: Hậu quả là....

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Là Liên Âu sẽ lụn bại dần về kinh tế lẫn thế lực ngoại giao, nhất là khi một số quốc gia lại dùng diễn đàn Âu châu làm bệ phóng cho ước mơ đại cường đã tiêu tan của mình, mà không lý tới quan điểm của các hội viên khác. Từng nước sẽ tìm ra những mối lợi riêng và tiến tới hiệp định thương mại song phương với các khối kinh tế khác, hoặc sẽ dọa trả đũa, như Hungary đã làm. Xứ này có tỷ lệ thất nghiệp thấp, chỉ 5,8%, bên cạnh Pháp và Đức mới mức thấp nghiệp là 9-10%, nên công nhân Pháp Đức có khi tìm việc làm tại Hung còn dễ hơn ở trong nước! Năm 2004 này có khi đánh dấu sự suy sụp rồi phân hóa của Liên Âu sau khi ăn mừng việc mở rộng biên cương để đón nhận các tân hội viên....


[Đăng lại bài này đã phát thanh từ đầu năm... 2004, trong rất nhiều bài phân tách khác từ nhiều năm trước, về những mâu thuẫn tiềm ẩn bên trong hệ thống kinh tế chính trị Âu Châu. Cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là bất ngờ! NXN]

Thứ Tư, tháng 11 23, 2011

Tăng trưởng qua sóng gió

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20111123

Bi lạc quan về kinh tế Đông Á Thái Bình Dương  


* AFP photo - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Christine Lagarde, 
trong một cuộc họp báo tại Washington, DC hôm 24 tháng 9 năm 2011 *


Hôm 22/11, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo cập nhật mỗi sáu tháng về triển vọng kinh tế Đông Á Thái bình dương với những dự đoán không lạc quan về hậu quả của những biến động Âu châu lẫn thiên tai cho các nước đang phát triển trong khu vực. Chúng tôi có cuộc trao đổi sau đây với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do về dự báo này, nhất là cho Việt Nam.

Thành phần "đang phát triển"


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Ngân hàng Thế giới thường có những nghiên cứu cập nhật một năm hai lần về các nền kinh tế đang phát triển trên toàn cầu. Sáng Thứ Ba 22, định chế này công bố từ Singapore bản Cập nhật về Kinh tế Đông Á và Thái bình dương. Chúng tôi đề nghị ông trình bày về tài liệu đó và sau đấy ta sẽ tập trung vào những gì liên hệ đến Việt Nam. Như mọi khi, ta sẽ lại nói về bối cảnh trước, thưa ông.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngân hàng Thế giới thường phổ biến các phúc trình như vậy cho truyền thông và giới nghiên cứu từ nhiều ngày trước để tìm hiểu nội dung trước khi họ chính thức công bố. Vì nhiệm vụ, tôi đã phải tham khảo tài liệu trăm trang của họ. Trong hoàn cảnh bất trắc của kinh tế toàn cầu, ta cũng nên chú ý đến nhận định, dự báo và khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới.

- Thứ hai là về cách gọi tên để biết là ta đang nói chuyện gì, ở đâu. Theo định nghĩa phổ biến, danh mục các nền kinh tế "đang phát triển" hay "đang lên" tại Đông Á và Thái bình dương gồm chín quốc gia: là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Mông Cổ, hai xứ nhỏ trong Nam Dương quần đảo là Papua New Guines và Timor-Leste, và một số hải đảo Thái bình dương. Cũng theo định nghĩa được Ngân hàng Thế giới áp dụng, loại "kinh tế vừa công nghiệp hóa" hay Newly-Industrialized Economies – mà tôi xin gọi là "Tân hưng" cho gọn - gồm có năm đơn vị là Hong Kong, Trung Quốc, Nam Hàn, Singapore và Đài Loan. Thuộc loại "có lợi tức trung bình" gồm năm nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Có lợi tức loại thấp thì vẫn là hoàn cảnh của Cam Bốt và Lào.

- Nói vắn tắt, trong khối này tất nhiên không có Nhật Bản là nước đã công nghiệp hóa, thậm chí "hậu công nghiệp". Còn Việt Nam là thành phần "đang phát triển", chưa tới trình độ "tân hưng", hết còn là "lợi tức thấp", mà chưa đạt mức "lợi tức trung bình" như Thái Lan hay Philippines. Nôm na thì vẫn còn nghèo, dù có dân số gần 90 triệu.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông về cách gọi tên để mong là chúng ta sẽ thống nhất khi nói đến thứ bậc kinh tế của từng nước theo quy ước quốc tế. Trở lại bản phúc trình của Ngân hàng Thế giới, đã có lúc người ta đặt kỳ vọng vào các nền kinh tế đang lên tại Đông Á vì có thể là đầu máy tăng trưởng tách biệt khỏi tình trạng sản xuất èo uột của ba khối kinh tế công nghiệp hoá là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Bây giờ tình hình sẽ ra sao khi cả ba khối kinh tế đó chưa hồi phục?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quả là sự thật phũ phàng khi định mệnh kinh tế Đông Á vẫn còn giàng vào các nền kinh tế công nghiệp hóa và báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh đến yếu tố bất ổn nhất là kinh tế Âu châu trong nỗ lực cần kiệm ngân sách và tái phối trí tài chính của các ngân hàng.

Còn Việt Nam là thành phần "đang phát triển", chưa tới trình độ "tân hưng", hết còn là "lợi tức thấp", mà chưa đạt mức "lợi tức trung bình" như Thái Lan hay Philippines.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

- Hậu quả được nhìn thấy ở hai mặt là số cầu sút giảm, nhất là về mặt hàng chế biến, và lượng tư bản tài chính cho đầu tư tại Đông Á cũng sa sút. Trên đại thể của cả ba khối Âu-Mỹ-Nhật, người ta còn thấy một nỗ lực chung là kiện toàn chi thu ngân sách cho nên Đông Á sẽ mất nguồn lợi cố hữu là xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến và phải trông đợi vào số cầu trong nội địa, kể cả số cầu từ Trung Quốc.

- Ngoài ra, trong tình trạng có thể gọi là "họa vô đơn chí", năm nay thiên tai bão lụt lại hoành hành tại nhiều xứ Đông Á, dữ dội nhất là động đất tại Nhật Bản hồi Tháng Ba, nguy kịch nhất là Thái Lan hiện nay - chưa nói đến những gì trong đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên Ngân hàng Thế giới dự báo là mức tăng trưởng năm nay của Đông Á sẽ giảm và còn giảm nữa qua năm tới. Bình quân là 8,2% cho năm 2011 và 7,4% 2012.

Vũ Hoàng: Khi thấy mức tăng trưởng chỉ có 1-2% của các nước công nghiệp hoá thì có lẽ những con số nói trên cũng chưa đế nỗi quá tệ, ông nghĩ sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, đó là khía cạnh lạc quan của báo cáo, rằng Đông Á sẽ tăng trưởng chậm hơn, nhưng vẫn có tăng trưởng. Nếu không kể tới sức nặng của Trung Quốc thì tốc độ tăng trưởng bình quân của các nước đang phát triển có thể là 4,7% trong cả năm nay. Một khía cạnh đáng chú ý khác là kinh tế Trung Quốc sẽ giảm đà tăng trưởng, tức là hạ cánh nhẹ nhàng. 

- Một động lực của đà tăng trưởng này của toàn khối Đông Á chính là số cầu của các nền kinh tế thuộc loại "lợi tức trung bình" như ta vừa nói ở trên. Vì các yếu tố nêu trên, ngoài nước Mỹ ra, chúng ta nên chú ý đến tình hình Âu châu là nơi mua hơn 16% số xuất khẩu của Việt Nam. Và cả khối Đông Á thì nên theo dõi việc Trung Quốc cải cách để tiêu thụ nhiều hơn vì sức tiêu thụ đó có thể là sức kéo cho các nền kinh tế khác.

 

Hiệu ứng Âu Châu


000_DV1073885-200.jpg
Người biểu tình viết trên mặt đất trước biểu tượng Euro câu "Chiếm Frankfurt". Ảnh chụp ở Đức ngày 08 tháng 11 năm 2011. AFP
 
 
 
Vũ Hoàng: Ngoài phần dự đoán ông cho là lạc quan, hiển nhiên là Ngân hàng Thế giới cũng có những nhận định bi quan hơn hoặc nhiều khuyến cáo cho các nước trong khu vực chứ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trên toàn cảnh thì khối công nghiệp hóa sẽ tăng trưởng bằng phân nửa ngày xưa và tình trạng này còn kéo dài trong trung hạn là dăm ba năm. Trong khối đó, Âu châu sẽ bết bát nhất, nên Ngân hàng Thế giới dự báo là vẫn còn rủi ro tổng suy trầm toàn cầu qua các yếu tố xin gọi là chuyển lực sau đây: 1) xuất nhập khẩu, 2) đầu tư tài chính, 3) tiền gửi về cho thân nhân, 4) tâm lý bi quan của thị trường về tiêu thụ và đầu tư.

- Cụ thể thì đầu tư quốc tế sẽ giảm, tiền bạc đổ vào thị trường cổ phiếu Đông Á cũng vậy nên chứng khoán sẽ mất giá. Hiệu ứng Âu châu còn khiến các thị trường trái phiếu thăng giáng thất thường trước khi có hy vọng ổn định. Nhưng chính là trong giai đoạn trung hạn đó, các nước đang phát triển lại càng phải cải cách.

Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới. Ông đọc thấy những gì là hữu ích nhất?

Nguyễn Xuân Nghĩa: -
Tôi thiển nghĩ rằng một động lực thiết yếu của tăng trưởng chính là đầu tư, nhất là cho các quốc gia vừa chuyển hướng và đang lên như Trung Quốc và Việt Nam. Đó là hoàn cảnh chung. Khi đầu tư từ thế giới công nghiệp hóa sút giảm thì các nước này phải tìm lực đẩy thay thế và đồng thời có nỗ lực thu hút và tận dụng hiệu năng của đầu tư sẽ khan hiếm hơn.

- Ngân hàng Thế giới cho rằng nhờ tăng trưởng cao hơn khối kinh tế công nghiệp hoá, các nước Đông Á vẫn còn hy vọng thu hút đầu tư của thế giới nên càng phải cải tổ thị trường tư bản cho sâu và rộng hơn để tận dụng phương tiện sản xuất quý báu ấy. Nôm na là vì "người khôn của khó" nên Ngân hàng Thế giới nhắc nhở các nước phải cải cách cho thị trường đầu tư trở thành thông thoáng, minh bạch, an toàn và ít tốn kém về lệ phí giao dịch. Đó là chi tiết mà Việt Nam nên lưu ý khi huy động đầu tư quốc tế, đặc biệt là về vai trò bất lợi của doanh nghiệp nhà nước.

- Song song, các nước cũng phải cải cách để nâng cao hiệu năng của đầu tư nội địa. Đáng chú ý trong các khuyến cáo là "cái bẫy xập" của các nước muốn lên tới trình độ lợi tức trung bình.

Vũ Hoàng: Ông nói đến "cái bẫy sập" của lợi tức trung bình, đó là gì vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong giai đoạn khởi phát hay cất cánh, xứ nào cũng dồn sức đầu tư rất mạnh, tới 30% của Tổng sản lượng Nội địa GDP, thì mới đạt mức tăng trưởng đủ cao hầu nâng lợi tức cho quốc dân. Trung Quốc, Việt Nam hay Cộng hoà Mông Cổ cũng đang đi vào giai đoạn ấy. Nhưng duy trì một lượng đầu tư rất lớn như vậy trong lâu dài là điều không dễ và nếu hụt hơi thì lại rơi vào bẫy, là không vượt qua giai đoạn khởi phát và trở lại trạng thái nghèo khốn như xưa. Lẽ thứ hai được Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh là vấn đề không chỉ có số lượng đầu tư mà còn là phẩm chất của đầu tư.

- Phẩm chất ở đây là tiến trình trù hoạch, lượng giá, tuyển chọn và thực hiện các dự án để dùng tài nguyên đầu tư một cách tối hảo. Cách đây sáu tuần, diễn đàn của chúng ta đã nói đến chuyện "Đem Tiền Đầu Tư" là trong tinh thần đó. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì nhắc nhở việc cải thiện quản lý đầu tư của khu vực công quyền để đạt hiệu năng cao hầu có thể bung khỏi cái bẫy này.

Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần phân tích về Việt Nam. Thưa ông, Ngân hàng Thế giới dự báo ra sao và khuyến cáo những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có lẽ trong một kỳ khác ta sẽ tìm hiểu thêm về vai trò của thương phẩm như nguyên nhiên vật liệu, khoáng sản và nhất là nông sản và lương thực vì Việt Nam có ưu thế nhờ thương phẩm lên giá và sẽ còn cao giá, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới. Nhưng dù xứ này có lợi thế về xuất khẩu nông sản, nông gia Việt Nam vẫn không có lợi và đây là điều đáng quan ngại cho một xứ mà nông dân vẫn là một lực lượng lao động quan trọng nhất.

Cụ thể thì đầu tư quốc tế sẽ giảm, tiền bạc đổ vào thị trường cổ phiếu Đông Á cũng vậy nên chứng khoán sẽ mất giá. Hiệu ứng Âu châu còn khiến các thị trường trái phiếu thăng giáng thất thường trước khi có hy vọng ổn định.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Trở lại chuyện tổng thể thì Ngân hàng Thế giới dự báo năm nay Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 5,8% với lạm phát bình quân là 19%. So với năm ngoái thì quả là có sa sút. Qua năm tới, đà tăng trưởng có thể lên đến 6,1% và lạm phát ở mức 10,5%, là chi tiết khá lạc quan. Đó là kết quả của sự xoay trở giữa hai mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chặn đà vật giá gia tăng.

- Trong chi tiết thì cán cân thương mại có cải tiến vì mức tăng nhập khẩu có chậm lại và xuất khẩu khá hơn nhờ thương phẩm như dầu thô và nông sản lên giá. Nhưng mặt trái của bức tranh màu hồng này là bất ổn của hệ thống ngân hàng do biện phát xiết chặt tiến tệ để giải trừ lạm phát. Và chìm sâu bên dưới vẫn là tình trạng kém hiệu năng của đầu tư công quyền và khu vực quốc doanh.

 

Khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới


000_Hkg5203505-250.jpg
Khu dân cư cao tầng mọc bên cạnh một khu nhà ổ chuột dọc sông Sài Gòn hôm 10 tháng 8 năm 2011. AFP
 
Vũ Hoàng: Về các khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới thì ông thấy có những điểm gì là đáng chú ý nhất?
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể tiếp nhận nhiều điều có ích trong cả phúc trình của Ngân hàng Thế giới. Riêng về mấy trang dành cho Việt Nam thì đây là những nhận xét đáng quan tâm.

- Thứ nhất, kết quả ổn định vĩ mô của Việt Nam thật ra vẫn mong manh nếu xứ này lại nới lỏng chính sách. Thứ hai, Việt Nam phải tiếp tục thi hành chương trình chấn chỉnh ngân sách và tái cơ cấu như đã đề ra từ Nghị quyết 11 vào đầu năm nay. Thứ ba, bên trong khuôn khổ này, Việt Nam phải tái phối trí lại và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng.

- Bản báo cáo kết luận là muốn xây dựng một nền tảng kinh tế vững bền và có hiệu suất cao cho giai đoạn tăng trưởng lâu dài sau này, Việt Nam cần có lãnh đạo quả quyết, việc thực hiện thận trọng, sự yểm trợ của nguồn cấp viện và đầu tư quốc tế và phải chịu một số gian nan ngắn hạn.

Vũ Hoàng: Kỳ trước trên diễn đàn này, ông có nói đến yêu cầu cải tổ hay tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước như một trung tâm tham ô và kém hiệu năng của các nhóm lơi ích kinh tế và thậm chí chính trị. Ngân hàng Thế giới cũng nhắc đến việc cải thiện khu vực kinh tế nhà nước như ông vừa trình bày. Thế còn khu vực ngân hàng mà bản báo cáo vừa đề cập tới?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  -Tôi trộm nghĩ là trong trung hạn từ hai đến năm năm tới, khu vực quốc doanh cần được cải cách và vì nằm ở trung tâm của cả hệ thống kinh tế chính trị Việt Nam nên việc cải cách phải được khởi sự trước tiên, nghĩa là lập tức. May ra mấy năm tới thì có kết quả vì phải vượt qua nhiều chướng ngại rất lớn và rất sâu về quyền lợi. Trong khi đó, và ngay trước mắt, thì hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang rung rinh và có thể đổ.

- Từ trước đó rồi, Ngân hàng Thế giới đánh giá là Việt Nam có quá nhiều ngân hàng và hệ thống ngân hàng có nhược điểm là kém an toàn và thiếu lành mạnh. Báo cáo hôm Thứ Ba về triển vọng kinh tế Đông Á không thể đề cập tới những biến động Tháng 10 về lãi suất liên ngân hàng, về sự bấp bênh của các ngân hàng cổ phần sẽ sụp đổ hoặc bị sát nhập và nhất là hiện tượng cho vay lãi cắt cổ trên thị trường tín dụng đen và những vụ xù nợ lan rộng ở mọi nơi.

Việt Nam cần có lãnh đạo quả quyết, việc thực hiện thận trọng, sự yểm trợ của nguồn cấp viện và đầu tư quốc tế và phải chịu một số gian nan ngắn hạn.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Phải nói rằng từ bốn năm trước, Việt Nam đã nói đến cải cách ngân hàng mà chưa thực hiện. Khi kinh tế bị lạm phát rồi thị trường địa ốc bị đóng băng, thị trường chứng khoán tuột dốc thì ngân hàng mất nợ và có thể sụp đổ hàng loạt. Tháng trước, Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương đảng nói đến việc tái cơ cấu về đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và tài chính. Nghĩa là những người cầm quyền thấy ra vấn đề, mà chẳng biết là có kịp cải tổ không.

- Trong khi chờ đợi, câu hỏi mà ít ai nhắc đến là số phận của tư doanh, họ vay tiền ở đâu để sản xuất hầu duy trì đà tăng trưởng qua cơn sóng gió bên trong và bên ngoài như vậy? 
 
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này của đài Á châu Tự do.

Thứ Ba, tháng 11 22, 2011

Sự Hình Thành của "Liên Bang Âu Châu"

Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20111122
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Và sự bần thần của Liên Bang Hoa Kỳ


 * Âu châu ba màu tươi sáng - hý họa của WSJ *


Mừng Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, bài này kể chuyện vui vui mà gây ớn lạnh....


Tuần qua, Tổng thống Barack Obama có chín ngày rong ruổi Đông Á, với Thượng đỉnh APEC tại Honolulu rồi Thượng đỉnh AES tại Bali, thăm viếng Úc và Indonesia (không nói đến việc chớp nhoáng ghé San Diego ở miền Nam California).

Tại Hawaii, nơi Mỹ đăng cai tổ chức Thượng đỉnh APEC năm nay, ông tuyên bố là sinh tại Hawaii, ông là vị Tổng thống Á châu nhất của Mỹ. Giữa bao đề tài sôi nổi của các cuộc gặp gỡ quốc tế - kể cả "cuộc hội ngộ Mỹ-Hoa của thế kỷ" mà cột báo này đã viết hôm mùng bảy - chả ai phiền hà gì về chi tiết đó, trừ đài Fox News. Họ nhẹ nhàng châm biếm: là tiểu bang Hoa Kỳ từ 1959, Hawaii là quần đảo giữa Thái bình dương, chứ không là một phần của châu Á.
Chỉ là tiểu tiết mà cũng om xòm!

Chuyện lớn hơn vậy là sau nhiều lần thăm viếng và phát biểu dữ dội về Á châu của Ngoại trưởng Hillary Clinton và Tổng trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Tổng thống Mỹ đến tận nơi dõng dạc khẳng định rằng Hoa Kỳ là cường quốc Á châu và còn ở đó. Việc ấy gây phiền hà không ít cho Trung Quốc.

Tại Bali, nhân Thượng đỉnh Đông Á, Tổng lý Quốc vụ viện của Bắc Kinh là Ôn Gia Bảo yêu cầu gặp riêng Tổng thống Mỹ. Giới chức Hoa Kỳ cho biết sau đó là Ôn Thủ tướng lại có lời lẽ ôn tồn, y như cách phát biểu trước lãnh đạo của 18 nước Đông Á. Sự ôn tồn này mới đáng chú ý và sẽ còn được bình luận trong thời gian tới.

Nhưng địa cầu vốn có hình tròn. Khi mặt trời ló dạng tại châu Á thì Âu châu chưa ra khỏi bóng tối.... Ở giữa, có Hoa Kỳ đối diện với cả hai mặt tối sáng của địa dư, hay nhân thế. Đó là bối cảnh.


***

Chúng ta bước qua chuyện vui.

Cùng ngày Thượng đỉnh Đông Á kết thúc, hôm Thứ Bảy 19, nhật báo The Wall Street Journal mở đầu mục "Review" rất nghiêm túc hàng tuần với bài viết của giáo sư Niall Ferguson, ở ngay trang C1.

Là học giả người Anh tốt nghiệp Oxford, đang giảng dạy tại hai đại học danh tiếng là Harvard của Mỹ và London School of Economics của Anh, về lịch sử, kinh tế, tài chánh, quản trị công quyền, v.v... ông đã biên soạn nhiều cuốn sách có giá trị và thường được truyền thông mời lên phỏng vấn. Thuộc xu hướng bảo thủ (hay tự do về kinh tế, tùy cách gọi), chuyên gia người Anh này còn là cố vấn của Nghị sĩ John McCain trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008.

Con người ấy quả là không thuộc về một nước hay một vùng địa dư. Cái nhìn của ông cũng thế.

Trong bài viết khá dài, Niall Ferguson nói chuyện vị lai, chưa tới, nhưng ở các ranh giới đã từng thấy trong lịch sử Âu châu. Ông thông báo sự hình thành của Liên bang Âu châu, United States of Europe, hình thái khác của United States of America. Từ nay, ngoài USA sẽ có USE. Thời điểm là năm 2021, 10 năm tới. 

Ông khơi khơi đứng từ thời điểm ấy mà nhìn lại bây giờ.

Từ nay đến đó là sự... phân rã Âu châu, khởi đi từ hai cái nôi của văn hoá Âu châu là Hy Lạp và La Mã, nơi mà hai Thủ tướng vừa phải từ chức. Từ nay đến đó có thêm 10 chính quyền Âu châu bị đổ, kể cả Tây Ban Nha (Chủ Nhật qua, dễ đoán quá!), Pháp (năm tới) và Đức vào năm 2013.

Người về từ tương lai là Ferguson còn báo trước: Thủ phủ Âu châu sẽ từ Bruxelles dời về Vienna, trù phú hơn trên một địa bàn thu hẹp.

Nhưng chuyện động trời là cùng Ireland, Anh sẽ ra khỏi Liên hiệp Âu châu thành một khối màu hồng của Vương quốc Tái thống nhất! Trong khi bốn nước Bắc Âu là Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan sẽ đứng riêng một cõi xanh rì cùng xứ Iceland, tiền trạm của nguồn hàng Trung Quốc!

Nói về lượng, Liên Âu của 27 quốc gia sẽ tiêu vong, mà Liên bang Âu châu lại có 29 thành viên. Khác biệt là sự tham gia của sáu nước trong khu vực Balkan thuộc Cộng hoà Nam Tư cũ, và của hai nước... Bỉ, dưới hai tên mới của hai sắc dân Flamand gần Hoà Lan và Wallon gần Pháp!

Với đa số dân Mỹ, những dự báo ấy quả lạ lùng, nếu không là xa lạ.


***


Nhưng tác giả không là thày bói, hoặc người khùng ưa báo trước ngày Tận thế.

Ông là chuyên gia kinh tế và sử gia, theo dõi từ thị trường trái phiếu đến sự vận hành của các nền văn minh hay đế quốc. Với văn phong dí dỏm ông giải thích sự tan rã tất yếu của Liên Âu, sự tồn tại của đồng Euro trong một khối kinh tế thu hẹp. Và sự tái xuất hiện của một Đế quốc trung tâm Âu châu, tương tự các Đế quốc Hung-Áo hay Áo-Phổ. Với nước Đức là trụ cột!

Vắn tắt thì Liên bang Âu châu đó có chánh sách thống nhất về ngân sách, với kỷ cương mang màu sắc Đức quốc.


* Ông chủ Đức nhàn hạ tắm nắng tại Ý Đại Lợi - Hý họa của WSJ *


Liên bang mơn mởn màu vàng vọt có các nước miền Nam như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Hy Lạp và vài xứ khác, sẽ an dưỡng tuổi già dưới nắng ấm Địa trung hải, trên các cơ sở du lịch hoặc nhà nghỉ mát của chủ đầu tư người Đức. Miền Đông Bắc có Ba Lan và ba nước Cộng hoà Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia, là trung tâm của kinh tế tự do, sức mạnh mới của đồng Euro mới. Ở giữa, Đức là trưởng tràng chính trị, sẽ đối thoại với Liên bang Nga về sự phân vùng Đông-Tây. Tương tự như một Hiệp ước Yalta của Thế kỷ 21. 

Cũng là một dự đoán ly kỳ về lẽ hợp tan của Âu châu.

Nhưng Hoa Kỳ đứng đâu và làm gì trong "cựu thế giới" đó?


***


Nhìn từ năm 2021 về hiện tại, Niall Ferguson viết rằng thiên hạ lạc quan tếu về triển vọng dân chủ tại Bắc Phi và Trung Đông vào năm 2011! Vì sau đó, biến cố năm 2012 lại làm địa cầu rung chuyển.

Israel tấn công trung tâm nguyên tử của Iran và châm lửa vào cái thùng thuốc súng mà thiên hạ gọi là "Mùa Xuân Á Rập". Iran lập tức phản công với hai lực lượng đồng minh trên Dải Gaza và tại Lebanon (là Hamas và Hezbollah).

Cũng lạ là trong kịch bản, tác giả am hiểu về kinh tế như Ferguson lại không nói rõ hơn về một thế phản công khác của Iran. Đó là mở ra du kích chiến ngoài biển, để phong toả eo biển Hormuz. Khiến dầu thô bốc giá lên trời, làm kinh tế toàn cầu bò ngang mặt đất!

Chỉ vì Hoa Kỳ không ngăn được hành động của Israel nên lui về thế quan sát, cố bảo vệ luồng chuyển vận trên eo biển Hormuz mà tránh khai hỏa. Thực tế thì bất động vì thủy thủ đoàn của một chiến hạm Mỹ bị Vệ binh Cách mạng Iran bắt làm con tin! Hy vọng tái đắc cử của Tổng thống Obama bốc khói. Một tái diễn của bi kịch Jimmy Carter.

Thừa cơ, cường quốc Hồi giáo trong khu vực là Turkey ngả về phe Iran, bên trong thì xoá bỏ chủ trương của quốc phụ Mustapha Attaturk, là phân biệt pháp quyền nhà nước với đạo Hồi: Turkey sẽ theo chủ nghĩa Hồi giáo. Trong khi lực lượng Huynh đệ Hồi giáo lên cầm quyền tại Ai Cập, rồi bác bỏ hòa ước với Israel. Quốc vương Jordan đành bọc xuôi, Hoàng gia Saudi thì không thể bảo vệ Israel, nên chỉ than phiền là đáng lẽ phải ngăn kế hoạch hạch tâm của Iran. Israel bị cô lập....

Trong khi ấy, chính quyền của Hoa Kỳ xoay vào chấn chỉnh ngân sách ở bên trong!


***


Với giọng phớt tỉnh như người Anh, Niall Ferguson mỉa mai là vào lúc cuối Liên bang Âu châu bèn can thiệp để tránh kịch bản hãi sợ của dân Đức: lâm cơn tuyệt vọng, Israel chơi trò nguyên tử! Ông viết như diễu, rằng khi ấy, Ngoại trưởng Liên bang Âu châu phân trần trên đài truyền hình Al Jazeera của dân Á Rập: "ban đầu, chúng tôi sợ giá dầu thô làm sứt mẻ đồng Euro yêu quý. Nhưng hơn hết, chúng tôi sợ phóng xạ nguyên tử sẽ nhiễm độc các khu nghỉ mát ưa chuộng nhất của chúng tôi"....

Tưởng rằng Niall Ferguson là học giả, nào ngờ còn là kịch tác gia, lâu lâu soạn hài kịch quốc tế.

May là ông không nói thêm về kịch bản Á châu khi Âu châu có loạn! Và mừng là vài ngày sau, hôm Thứ Ba 22, từ Singapore, Ngân hàng Thế giới có một phúc trình hình như vẫn tương đối lạc quan về triển vọng kinh tế Đông Á.