Thứ Ba, tháng 9 30, 2014

Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Trong: Hãy Còn Long Đong



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140930
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Chuyện hãi hùng: sự bất lực của chính trị trước bài toán kinh tế

* Bội chi ngân sách so với sản lượng Hoa Kỳ qua các triều Tổng thống *


Không, quý độc giả không lầm và người viết không lẫn trong cột báo định kỳ, về "Kinh Tế Cũng Là Chính trị", chứ không phải là "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài". Xin chịu khó đọc tiếp thì hiểu....

Còn năm tuần nữa, cử tri Hoa Kỳ sẽ đi bầu – vào ngày Thứ Ba, mùng bốn Tháng 11 – mà coi bộ chẳng biết bỏ phiếu ra sao, hoặc tệ hơn vậy là sẽ bỏ phiếu chẳng ra sao cả. Bài này sẽ nói về chuyện ấy, nhìn từ giác độ kinh tế.

***

Cách nay 25 năm, khi Liên bang Xô viết đi vào khủng hoảng - nói theo kiểu thơ Bút Tre, bỗng dưng "chuyển sang từ trần" - và khi 40 năm Chiến tranh lạnh đi vào kết thúc, một nhà tư tưởng thời ấy là chiến lược gia của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có để lại dấu ấn lạ. Đấy là Francis Fukuyama, nay là chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Stanford sau khi là Giáo sư tại George Mason.

Dấu ấn của ông là sự hồ hởi gọi là "lịch sử cáo chung", khi tư bản chủ nghĩa và dân chủ chính trị của Hoa Kỳ đã cả thắng chủ nghĩa phát xít rồi cộng sản. Ông khải triển tiếp lý luận lạc quan ấy thành cuốn "The End of History and the Last Man", xuất bản vào năm 1992.

Gần đây, Fukuyama chuyển sang bi quan khi viết về Hoa Kỳ trong cuốn sách mới nhất "Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy". Trong mục điểm sách tuần này, tạp chí The Economist của Anh kết luận như sau về nhãn quan mới của Fukuyama: "Ông ta lý luận rằng các định chế chính trị đã giúp Hoa Kỳ thành công với một nền dân chủ hiện đại nay đang bắt đầu rữa nát."

Lý do là các chính đảng Mỹ bị phân cực theo ý thức hệ và các nhóm quyền lực nên phủ quyết mọi quyết định họ không ưa. Và "chế độ cực quyền phủ quyết" (vetocracy, chữ của Fukuyama) khiến Hoa Kỳ gần như hết khả năng giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Đại học giả cũng có thể lầm, như Fukuyama đã hồ hởi sảng năm 1989 hoặc ủng bộ Barack Obama trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008. Nhưng nhận xét của ông về chính trị Hoa Kỳ nhìn từ bên trong thì quả là đáng chú ý.

Bài này sẽ nói về khía cạnh kinh tế của chuyện đó.


***

Hoa Kỳ hiện có nền kinh tế khá nhất trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật. Khi nói "khá nhất" thì đấy chỉ là một so sánh tương đối, là ít tệ nhất và chắc chắn là khá hơn kinh tế của Trung Quốc. Nhưng thật ra lại rất tệ và sẽ còn tệ hơn nữa.

Ngân sách Hoa Kỳ có hai loại công chi, "bắt buộc" và "nhiệm ý" (entitlement và discretionary). Phần bắt buộc là các khoản lên tới gần hai phần ba của tổng chi và đang tăng, mà hầu như vượt khỏi thẩm quyền của Quốc hội, trừ phi có một cuộc cách mạng hay... đại chiến. Phần nhiệm ý, kể cả ngân sách quốc phòng thì còn có thể cắt được và đang bị cắt nên càng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.

Nhìn vào tương lai, trong mươi năm tới, khoản chi bắt buộc đứng hạng thứ ba sẽ là tiền lời thanh toán cho các chủ nợ vì nhà nước đi vay sau khi gây bội chi ngân sách. Còn lại là các khoản chi cho An sinh Xã hội, Cứu trợ Y tế cho người già và người nghèo (Medicare và Medicaid). Theo đà này, thì giữa thập niên tới (2015-2024) tức là năm năm nữa thôi, tổng số chi bắt buộc, kể cả tiền lời của công trái đã vượt Tổng sản lượng GDP, sẽ cao hơn tổng số thu ngân sách.

Đấy là trong giả thuyết lạc quan, gần như bất khà, là từ nay đến đó, kinh tế không bị suy trầm nữa, sau khị đã bị vào năm 2008-2009, và các nền kinh tế tiên tiến còn lại đều thoi thóp.

Giả thuyết thực tế, hầu như chắc chắn, là bội chi hay khiếm hụt ngân sách sẽ tăng vọt vào quãng 2020 trở đi. Và kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị khủng hoảng: hãy tưởng tượng đến một gia đình hồn nhiên cà thẻ tín dụng cho đến khi tiền lời hàng tháng sẽ vượt qua lợi tức kiếm ra, chưa nói gì đến tiền chợ búa và ăn học cho con em trong nhà!

Khi quý độc giả đọc tới phần u ám này thì hiển nhiên là lãnh đạo và giới chức hữu trách đã phải biết. Họ không thể để cho cỗ xe kinh tế phăng phăng lao xuống vực như vậy. Họ có thê làm gì?

Về chính trị, các chính khách đều dán mắt vào cuốn lịch tranh cử và biết rằng 80% dân Mỹ đang lo ngại về số bội chi ngân sách quá lớn. Vì vậy, như một gánh hát, họ đánh trống om xòm về gánh nợ. Nhưng khác với chúng ta, các chính khách còn biết đón gió. Họ hiểu là gần 70% cử tri không muốn giảm trợ cấp Medicare và gần 80% thì không muốn cắt tiền Medicaid trong các khoản chi bắt buộc.

Khi lòng dân lại như vậy thi các chính trị gia sẽ vừa đánh trống báo động vừa tống ga cho cỗ xe lao xuống vực.

Đấy là chuyện ngày mai như chuyện ngày nay khi thiên hạ oán Obama làm bậy với số bội chi quá lớn mà tiếp tục bỏ phiếu cho viên Tổng thống bất tài này. Chúng ta hiểu Francis Fukuyama muốn nói gì.

'May là còn có Ngân hàng Trung ương và bà Chủ tịch Janet Yellen.

Chuyện thê thảm khác!

***\


Khi vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ đúng năm năm trước (Tháng Chín 2008) thì kinh tế Hoa Kỳ đang bị suy trầm (recession). Sự hốt hoảng của thị trường và nét quờ quạng của Nghị sĩ John McCain bên đảng Cộng Hoà đã giúp Nghị sĩ tay mơ là Barack Obama bên đảng Dân Chủ đắc cử Tổng thống, Ông áp dụng bài bản kinh tế thiên tả cố hữu và gây bội chi ngân sách với gánh nợ công trái lên tới kỷ lục.

Sau đó là hiện tượng chính trường bất lực vì phân cực quá nặng như Francis Fukuyama đã nói.

Cũng do tai họa chính trị đó, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ phải tung lưới cứu nguy. Lãi suất được hạ tới sàn, mấp mé số không, rồi gần bốn ngàn tỷ đô la được bơm ra qua ba đợt QE "quantitative easing", "tăng mức lưu hoạt có định lượng". Từ năm nay, biện pháp "quy y" bất thường ấy chấm dứt thật chậm, và được thu hồi còn chậm hơn nữa, với viễn ảnh mà ai cũng biết là qua năm tới lãi suất sẽ tăng để trở về trạng thái bình thường sau sáu năm bò trên sàn.

Trong kịch bản khả quan thì mỗi sáu tuần, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất 25 điểm căn bản (0,25%) và đến năm 2016 thì may ra sẽ trở lại mức 2%. Đấy là... tin vui cho giới đầu tư tài chánh và các chủ nợ đã gom tiết kiệm để kích thích kinh tế. Nhưng, nếu lúc đó kinh tế Hoa Kỳ lại rơi vào suy trầm và cần kích thích bằng biện pháp tiền tệ khi hệ thống chính trị vẫn bị tê liệt thì sao?

Viết lại cho đơn giản, nếu kinh tế đình trệ và ngân sách bị bội chi tới bờ khủng hoảng mà định chế duy nhất có thể cứu vãn với lãi suất vừa ngoi tới gần 2% thì sự thể sẽ ra sao? Dĩ nhiên là lại cắt lãi suất! Và người ta sẽ lại có dịp vay tiền miễn phí nhờ phân lời quá rẻ. Chúng ta trở lại chu kỳ èo uột 2008-2009.

Đấy là "triển vọng" của nền kinh tế mạnh nhất địa cầu, hơn hẳn Liên Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Đấy mới là kịch bản hãi hùng của những chấn động sắp tới - nếu như chuyện Ukraine, ISIL, Iran hay vụ Trung Quốc vỡ nợ và Liên Âu phá sản, v.v..., chưa thêm phần trầm trọng. Xin quý khách cài dây lưng an toàn vì chuyến bay của chúng ta đang đi vào vùng biển động.

Còn cử tri Hoa Kỳ thì vẫn thoải mái đi bầu như sự đời vô sự....

Thứ Ba, tháng 9 23, 2014

Cột Tay Lính Bằng Luật



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140922
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
 
Sư đoàn luật sư trong nhiễu âm của nước Mỹ

 * "Lãnh đạo từ sau lưng" - Đại tướng Dempsey và Obama *



Trong nhiễu âm của Chính quyền Barack Obama về chiến lược đối phó với tổ chức khủng bố xưng danh "Nhà nước Hồi giáo" (hay IS, ISIS, ISIL) người Việt ta bỗng lãnh một cái tát muộn. Mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" nói về cái tát đó rồi mới trở về tiếng cãi cọ như trong trại gà của ban tham mưu Obama.


***

Thứ Tư 17 vừa qua, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ là James Clapper công bố phúc trình về "Chiến lược Tình báo Quốc gia". Dịp này viên chức cầm đầu 16 bộ phận an ninh tình báo Mỹ - kể cả CIA, FBI và nhiều đơn vị quân báo hay nội an - trả lời nhà báo phỏng vấn. Và tự thú vài chuyện động trời 1) "Chúng ta lỡ đánh giá thấp ý chí chiến đấu của IS, 2) như đánh giá thấp Việt Cộng, và 3) Bắc Việt, và 4) đánh giá quá cao ý chí của miền Nam Việt Nam."

Trong một câu ngắn mà nói bốn điều sai thì chỉ có thể làm tham mưu cho một người như Obama.

Thứ nhất là phân biệt Việt cộng với Bắc Việt, vốn là thực thể thống nhất. Thứ hai là nói về ý chí chiến đấu của Hà Nội mà quên sức yểm trợ ồ ạt của Liên bang Xô viết và Trung cộng. Thứ ba là coi thường ý chí chiến đấu của Quân lực miền Nam, một quân đội bị Hoa Kỳ xẻ ngang gọt dọc từ sau 1965 để tiến hành chiến tranh theo kiểu Mỹ mà vẫn bền chí chiến đấu cho tới khi Mỹ nhụt chí, rồi bị cột tay trao trọn gói cho đối thủ vào năm 1975.

Năm đó James Clapper là sĩ quan cao cấp của Không quân Hoa Kỳ nên không thể không biết về cuộc chiến Việt Nam. Mà nay vẫn nói nhảm để chạy tội cho nước Mỹ về hồ sơ Việt Nam, nhân tiện nhục mạ một đồng minh đã bị bức tử!

Bây giờ trở lại chiến lược chống IS của Chính quyền Obama như một sân nuôi gà vịt.


***

Chiến lược Obama không chỉ thiếu nhất quán mạch lạc mà còn ồn ào phát ra nhiều tín hiệu mâu thuẫn vi vậy mới bị gọi là nhiễu âm. Hãy bắt đầu từ viên Tư lệnh Trại gà Obama, huê dạng như chú gà sống thiến.

Ba tháng sau khi gọi lực lượng IS này là "đội banh tay mơ" Junior Varsity, Tổng thống Mỹ mới công nhận mối nguy của IS cho quyền lợi Hoa Kỳ. Rồi ỏn ẻn cho biết là chưa có chiến lược gì để đối phó. Năm tuần sau khi ù ù cạc cạc bên trong rồi Obama mới nói đến quyết tâm tiêu diệt đối thủ, bằng cách phân giải thành từng bài toán "có thể xử lý được". Sau đó mới là bài diễn văn hùng hồn hôm mùng 10 Tháng Chín về một chiến lược làm mọi người hiểu sao cũng được nên... chẳng hiểu gì cả.

Trừ một việc là nhất quyết không thả các đơn vị tác chiến vào trận địa. No boots on the ground.

Sau khi Tổng thống Mỹ mô tả cách xử trí với mối nguy IS – mô tả chứ chưa phải là chiến lược – ban tham mưu của ông mới ào ạt xuất quân.

Đầu tiên là Cố vấn An ninh Quốc gia Suzan Rice từ nách chuồng gà te te ra điểm xuyết cho Chiến lược Obama trên hệ thống CNN vào ngày 11: "Tôi chẳng biết rằng ông nên gọi đó là một cuộc chiến hay một chiến dịch chống khủng bố kéo dài. Riêng tôi thì cho rằng đấy là một chiến dịch chống khủng bố cần nhiều thời gian". Xin nhấn mạnh giúp độc giả: "cuộc chiến" (war) có khác với "chiến dịch chống khủng bố (counter-terrorism campaign). Nhân đó ta phân biệt thêm với "chống nổi dậy" (counter-insurgency). Hình như là có khác với "chiến tranh".

Rồi suốt một tuần thì Ngoại trưởng John Kerry tả xung hữu đột để phân bua rằng "một chiến dịch không tập tại Iraq chưa thể là một cuộc chiến.... Nhưng nếu có ai hiểu rằng chúng ta đang có chiến tranh với tổ chức ISIL thì cũng được."

Khi bị báo chí vặn hỏi, hôm 12, Tùy viên Báo chí của Tổng thống là Josh Earnest lập luận rằng chiến dịch quân sự chống ISIS có cơ sở pháp lý là "được Quốc hội cho phép dùng võ lực chống tổ chức al-Qaeda và chế độ Saddam Hussein". Vòng qua đó rồi, Earnest mới xác định rằng "Hoa Kỳ đang có chiến tranh với ISIL". Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng là Phó Đề đốc John Kerby mới chỉnh nhẹ Tùy viên Báo chí, rằng "Đây không là cuộc chiến như Chiến tranh Iraq năm 2002. Nhưng xin quý vị đừng lầm, chúng ta đang lâm chiến với ISIL như đã và đang lâm chiến với al-Qaeda và các chi nhánh".

Nếu quý độc giả có ù tai về mấy cấp biện bạch ấy thì xin đừng tuyệt vọng.

Trước khi trù hoạch ra chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, ban tham mưu của Tổng thống Mỹ đã ồn ào tranh cãi về mục tiêu hay định nghĩa của việc dụng binh. Có là chiến tranh hay chăng? Ngần ấy cách giải trình đều cho thấy Mỹ đang thực tế lâm chiến với tổ chức IS, nhưng vì Tổng thống nói trước là sẽ không có lính lâm chiến, nên Hoa Kỳ có tranh mà chưa có chiến.

Trong vụ tranh cãi này, giới kaki nghĩ sao về vai trò của một quân lực thuộc loại tối tân và tinh nhuệ nhất vì tác chiến nhiều nhất từ hơn 70 năm nay?

Từ các Đại tướng đương nhiệm – như Tổng tham mưu trưởng Martin Dempsey đến Tham mưu trưởng Lục quân Raymond Ordierno - tới các tướng dày công hãn mã vừa hồi hưu như James Mattis, người ta thấy ra khác biệt quan điểm với ban tham mưu của Tổng thống: 1) không nên lâm trận mà tự giới hạn trước là chỉ oanh kích và không cho binh lính lâm chiến; 2) nếu 1.600 lính Mỹ đang huấn luyện quân đội Iraq mà phải tiếp tay truy lùng quân khủng bố IS thì nên cho phép, dú có thể gọi đó là tác chiến; 3) chứ nếu nói mãi rằng Hoa Kỳ không thả quân vào trận địa thì sẽ tự chui vào bẫy...

Khi các tướng lãnh nêu ý kiến như vậy và chờ lệnh Tổng thống thì từ Tòa Bạch Cung đã có lời điều chỉnh, và dư luận còn được biết thêm rằng chính Phủ Tổng thống sẽ chọn từng mục tiêu không tập cho các đơn vị thi hành. Thằng mù chấm tọa độ cho người sáng thì quả là nước Mỹ tối thui!

Tổng kết lại thì Chiến lược Obama là chuyện quân hồi vua phèng, ông nói gà bà nói vịt, và quy vào định nghĩa "chiến tranh", quyền lâm chiến, quy cách tác chiến và thể thức giao tranh. Trật một cái là binh lính có thể vi phạm luật lệ.

Tại sao lại khổ như vậy? Câu trả lời là... "Tại vì.... cuộc chiến Việt Nam!"


***

Sau trận thảm bại Việt Nam, đảng Dân Chủ, truyền thông và các nhà luật học trên tháp ngà hết tin vào Tổng thống hay Ngũ giác đài về chuyện chiến hòa và về thể thức ra quân. Từ đấy về sau, họ muốn là mọi quyết định từ chiến lược đến chiến thuật đều phải có hợp pháp.

Đi sâu xuống dưới là loại câu hỏi thế nào là khủng bố, là tù binh, tòa án nào sẽ xử các hung thủ đã bị bắt, trò "trấn nước" có phải là tra tấn không? Vân vân...

Hậu quả, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nay có dưới trướng một vạn luật sư, đủ quân số cho một sư đoàn có nhiệm vụ thanh lọc lại mọi tính toán quân sự theo tiêu chuẩn "hợp pháp". Quân chủng đó mới chỉ đạo kế sách cho quân đội đệ trình Tổng tư lệnh trong Tòa Bạch Cung duyệt xét.

Lên tới cấp này, quan điểm của dân chuyên nghiệp lại qua hai cái lọc: Bộ Tư pháp và Ban tham mưu an ninh của Phủ Tổng thống. Đến Tổng thống Obama thì còn thêm cái lọc thứ tư, dàn cố vấn chính trị từng phất cờ tranh cử cho cậu bé quàng khăn đỏ năm xưa, và nay đã lên quan. Dù chỉ biết cầm súng nước, đám thầy dùi ấy có biệt tài đón gió để khuyên Tổng thống lấy những quyết định an toàn nhất về chính trị cho... Obama.

Còn thắng bại của quốc gia, hay tử sinh của binh lính, là chuyện không đáng kể.

Vì thế, khi truy đuổi kẻ thù, việc binh lính có được quyền đạp đất không mới là chuyện chỉ có tại nước Mỹ. Các đồng minh nghĩ sao về việc sát cánh với Hoa Kỳ để chống khủng bố? 

Hèn gì, họ né!


Thứ Tư, tháng 9 17, 2014

Ngân Sách và Kế Sách Cứu Nguy Kinh Tế của Trung Quốc

Kính Hòa & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140917
Diễn đàn Kinh tế   


Cải tổ ngân sách chưa thể cứu nguy được kinh tế vì gánh công trái quá nặng    

Các tòa nhà cao tầng trong khu tài chính Lujiazui vào ban đêm vào Tết Trung Thu ở Phố Đông, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 08 Tháng Chín 2014 (ảnh minh họa)
* Các tòa nhà cao tầng trong khu tài chính Lujiazui vào ban đêm vào Tết Trung Thu ở Phố Đông, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 08 Tháng Chín 2014 (ảnh minh họa) AFP * 



Sau 10 năm thai nghén, kế hoạch cải tổ hệ thống ngân sách Trung Quốc được thông qua vào cuối Tháng Tám, khi kinh tế lại có dấu hiệu đình trệ đáng ngại nhất kể từ sáu năm nay. Vào hoàn cảnh ấy, đâu là triển vọng cải cách và đâu là rủi ro khủng hoảng của nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu câu chuyện này qua phần phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa, do Kính Hòa thực hiện sau đây hầu quý thính giả. 

Kính Hòa: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, hôm 31 Tháng Tám, Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua đạo luật ngân sách được chuẩn bị và điều chỉnh nhiều lần từ mười năm nay. Cùng lúc đó, vào tuần trước đây, Cục Thống kê Quốc gia lại cho thấy rằng sản lượng công nghiệp của nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới đã có dấu hiệu đình trệ nặng nhất kể từ nhiều năm qua. Theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc từ lâu, ông nghĩ sao về hai luồng thông tin ấy và dự đoán thế nào về tương lai của Trung Quốc khi lãnh đạo đang muốn cải tổ để tránh khủng hoảng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đi từng bước để trước hết thẩm định tình hình kinh tế Trung Quốc ngay trước mắt, sau đó mới tìm hiểu về nỗ lực cải tổ hệ thống ngân sách mà lãnh đạo đã muốn tiến hành từ lâu. Từ đấy mình mới có thể kết luận về hy vọng lẫn rủi ro cho nền kinh tế cứ tưởng là rồng cọp này.

Trong Tháng Tám, sản lượng công nghiệp Trung Quốc quy ra toàn năm chỉ tăng có 6,9%. Đây là mức gia tăng thấp nhất kể từ Tháng Năm năm 2009, từ năm năm nay.  Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Về tình hình kinh tế trước mắt, Cục Thống kê của họ cho biết là trong Tháng Tám, sản lượng công nghiệp Trung Quốc quy ra toàn năm chỉ tăng có 6,9%. Đây là mức gia tăng thấp nhất kể từ Tháng Năm năm 2009, từ năm năm nay. Vì thống kê của Trung Quốc không có mức khả tin cao và dữ kiện về sản lượng của một tháng có thể lên hay xuống trong ngắn hạn, người ta mới chú ý đến một dữ liệu có giá trị tiêu biểu cao hơn, nghĩa là trình bày một hình ảnh trung thực hơn về kinh tế. Dữ liệu ấy là sản lượng về điện năng: sản lượng điện của Trung Quốc chẳng những không tăng mà còn giảm mất 2,2% so với năm ngoái. Đây là con số thật sự đáng ngại vì chưa từng thấy kể từ khi thế giới bị nạn Tổng suy trầm sáu năm về trước, từ đầu năm 2008.

Kính Hòa: Thưa ông, khi đọc một bản tin như vậy từ báo chí chuyên đề về kinh tế như xem một tấm hình thì người ta có thể suy luận thế nào về diễn biến kinh tế như trong một khúc phim?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi rất cảm ơn về câu hỏi này vì nó cho thấy khó khăn của người làm truyền thông vì phải nhớ lại hình ảnh trước và so sánh để nhìn ra sự xoay chuyển vận hành của nền kinh tế trong thế động.

- Thứ nhất, chúng ta nhớ lại rằng lãnh đạo Bắc Kinh đang lúng túng vì hai yêu cầu trái ngược. Yêu cầu đầu tiên, được nhìn thấy và nêu ra từ năm 2007 là phải cải cách cơ chế kinh tế để có nền tảng quân bình và lành mạnh hơn. Yêu cầu thứ hai là làm sao cho sản lượng kinh tế không sa sút hơn vì có thể gây vấn đề xã hội. Yêu cầu thứ hai này dẫn tới quyết định vẫn bơm thêm tín dụng để kích thích kinh tế, dù là bơm ít hơn vì họ cần tránh rủi ro tài chính khi đã chất lên một núi nợ.

- Khi nhớ lại như vậy, ta mới chú ý thấy rằng lãnh đạo Bắc Kinh đã kín đáo bơm thêm chừng 155 tỷ vào nền kinh tế. Vậy mà sản lượng kinh tế lại không tăng nhưng vẫn giảm như ta có thể suy đoán từ con số sản xuất về điện năng.

Kính Hòa: Thưa ông, nhớ đến yêu cầu thứ nhất là quân bình lại cơ chế kinh tế thì việc sản lượng sút giảm như vậy là điều tốt hay xấu? Lý do của câu hỏi là trên diễn đàn này, ông từng phát biểu rằng nền kinh tế Trung Quốc như chiếc xe đạp và nó sẽ đổ nếu không lăn bánh. Nhưng yêu cầu chuyển hướng cũng khiến người ta phải giảm tốc độ với rủi ro sẽ làm cái xe bị đổ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy là một ẩn dụ dễ hiểu và khi thấy rằng Bắc Kinh bơm thêm tín dụng để kích thích sản xuất mà sản lượng vẫn giảm thì mình đã có thể kết luận là liều thuốc này thiếu công hiệu và đấy là một vấn đề.

Lãnh đạo Bắc Kinh đã kín đáo bơm thêm chừng 155 tỷ vào nền kinh tế. Vậy mà sản lượng kinh tế lại không tăng nhưng vẫn giảm như ta có thể suy đoán từ con số sản xuất về điện năng.  Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Nhìn trong dài hạn hơn như qua khúc phim, ta còn thấy bài toán trường kỳ của Trung Quốc. Trong năm qua, kinh tế Trung Quốc vẫn cần lực đẩy của cái đòn bẩy đầu tư, nó chiếm đến 47% của Tổng sản lượng. Sức bật đến 47% này đáng chú ý vì tăng quá mạnh so với chưa đầy 40% vào năm 2012, để bù vào sự giảm sút của xuất khẩu, trong khi tỷ trọng của tiêu thụ vẫn nằm ở mức quá thấp là chỉ có 34% Tổng sản ượng mà thôi.

- Vấn đề thứ hai là khoản đầu tư lớn đến 47% lại trút vào khu vực xây cất gia cư, các dự án hạ tầng, chuyển vận hay năng lượng của hệ thống doanh nghiệp nhà nước và của các địa phương với hậu quả là gây ra nạn bong bóng đầu cơ. Vấn đề thứ ba là Bắc Kinh vẫn chưa cải thiện được cơ chế qua việc nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa, nghĩa là tìm ra một lực đẩy khác. Vì vậy, nếu đà tăng trưởng kinh tế mà có giảm thì cũng chưa là vấn đề, miễn rằng khi cỗ xe chạy chậm hơn thì cũng là lúc chuyển hướng qua việc cải cách.

Kính Hòa: Chính là trong khung cảnh ấy ta mới bước qua phần hai, là trở lại việc cải cách hệ thống ngân sách vừa được thông qua. Thưa ông, việc cải cách này nhắm vào những mục tiêu gì và có khả thi hay không? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ đầu năm 1979 thì năm 1994, Trung Quốc mới có một hệ thống ngân sách khác để trung ương phân bố phương tiện cho các địa phương. Đạo luật Ngân sách 1995 có đáp ứng một số yêu cầu, mà cũng gây hậu quả tai hại là đòi hỏi các địa phương phải tìm phương tiện ngân sách cho yêu cầu sở tại. Họ giải quyết bằng quyền sử dụng đất đai để tìm ra 40% số thu cho ngân sách. Từ đó mới có nạn cướp đất của dân và đầu tư vào đất đai theo kiểu đầu cơ. Một cách giải quyết khác là các đảng bộ địa phương lập ra công ty đầu tư của địa phương để vay tiền và chất lên một núi nợ của khu vực công, mà bên trong xấu tốt thế nào thì chẳng ai biết.

Chế độ chính trị Trung Quốc trao độc quyền cho một thiểu số, cho nên bên trong nhiều người được quyền làm bậy và đạo luật ngân sách mới sẽ tìm cách giải quyết vấn đề ấy bằng cách gia tăng kỷ luật. Nếu lạc quan thì có lẽ đấy là một bước tiến, ít ra về mặt đạo đức và trách nhiệm. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Song song, một vấn đề khác cũng được đặt ra là trung ương phải tái phân phối tài nguyên và lợi tức cho các địa phương hay thành phần dân chúng bần cùng để có nền tảng phát triển cân bằng và ổn định hơn. Dù có thấy ra vấn đề và cần điều chỉnh lại hệ thống ngân sách từ năm 2005, mãi tới nay lãnh đạo Bắc Kinh mới tìm ra sự đồng thuận để biểu quyết đạo luật ngân sách mới cho một nền kinh tế đã thay đổi khá nhiều so với mươi năm trước.

Kính Hòa: Thưa ông, Đạo luật Ngân sách mới của Trung Quốc nhắm vào những gì? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là yêu cầu về thông tin. Các địa phương phải minh bạch hóa thủ tục ngân sách để trung ương biết họ làm những gì, lấy tiền ở đâu, nhằm tài trợ mục tiêu gì? Một cách cụ thể thì mọi nguồn tài trợ của chính phủ phải được bút ghi trong bốn loại ngân sách: thứ nhất là ngân sách chung của toàn quốc, thứ hai là ngân sách do chính phủ quản lý, thứ ba là ngân sách các khoản tài sản của từng doanh nghiệp nhà nước và sau cùng là ngân sách về an sinh và bảo hiểm xã hội. Hệ thống chi thu ấy phải được công khai hóa trong 20 ngày sau khi được biểu quyết. Trên một quốc gia quá rộng lớn, việc nắm vững thông tin về tài chính là một yêu cầu mãi cho tới nay mới trở thành luật và sau vài năm thi hành thì mới biết được kết quả.
- Yêu cầu thứ hai sau thông tin là tìm sự ổn định để tránh rủi ro tài chính tại 31 tỉnh và thành phố. Một cách cụ thể thì mọi nơi phải lập ra một dự phóng ngân sách đa niên của nhiều năm, với mục tiêu được xác định hầu tránh nạn trùng dụng, lãng phí, vay mượn dễ dàng để đầu cơ hay làm bậy. Năm nào mà được thặng dư, là thu nhiều hơn chi, thì số thặng dư ấy phải được giữ trong một quỹ dự phòng để thanh toán cho năm bị bội chi thay vì được tung ra xài hết. Chỉ với điều kiện đó, từ nay các địa phương mới có quyền phát hành trái phiếu, tức là đi vay, nếu yêu cầu đó nằm trong hạn ngạch do Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ chấp thuận trước. Cán bộ nào mà vi phạm thì sẽ bị kỷ luật và có thể bị trục xuất khỏi đảng.

Về công chi thu của khu vực công quyền thì khoản vay mượn của các cấp nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong có bốn năm, từ 2010 đến 2013, tức là bình quân thì mỗi năm tăng đến hơn 17%. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Kính Hòa: Thưa ông, người ta có thể thắc mắc về vài chuyện sau đây. Như trong các chế độ dân chủ thì chính đại diện của người dân mới quyết định về ngân sách của các cấp chính quyền. Ở đây, chính phủ trung ương lại có thẩm quyền và đang cố bắt các địa phương tuân thủ, trong khi người dân lại chẳng có tiếng nói và ít được quyền tiêu thụ. Đấy có là vấn đề hay chăng? Thắc mắc kia là dự tính cải cách này có khả thi không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các vấn đề ông nêu lên quả thật là cơ bản về chế độ chính trị và về khả năng quản lý.

- Chế độ chính trị Trung Quốc trao độc quyền cho một thiểu số, cho nên bên trong nhiều người được quyền làm bậy và đạo luật ngân sách mới sẽ tìm cách giải quyết vấn đề ấy bằng cách gia tăng kỷ luật. Nếu lạc quan thì có lẽ đấy là một bước tiến, ít ra về mặt đạo đức và trách nhiệm.

- Về tính cách khả thi cao hay thấp của việc cải cách này, chúng ta nên thấy rằng ngay trước mắt thì tình hình chưa thể thay đổi trong ngắn hạn và kết quả đúng sai thì phải mất vài ba năm mới tính ra được. Mà vài ba năm nữa cũng là giai đoạn cực kỳ rủi ro về cả kinh tế lẫn chính trị.

Kính Hòa: Thưa ông, một cách cụ thể thì rủi ro như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong mấy năm qua, Trung Quốc chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ khi ta nhớ lại số lượng tín dụng đã được bơm ra ào ạt. Chúng ta đã nhiều lần nói đến rủi ro này. Riêng về công chi thu của khu vực công quyền thì khoản vay mượn của các cấp nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong có bốn năm, từ 2010 đến 2013, tức là bình quân thì mỗi năm tăng đến hơn 17%. So với sức tăng của sản lượng trong cùng thời gian đó thì cao hơn gấp đôi.

- Đấy là sự lãng phí vô cùng phi lý và thật ra là bất công vì tài nguyên đó do nhân dân thanh toán mà lại trút vào túi của một thiểu số có chức có quyền, chính vì vậy mà thiểu số này mới cưỡng chống việc cải cách và đạo luật ngân sách mới bị ngâm tôm trong cả chục năm.

- Hậu quả thuần về kinh tế là nợ của khu vực công, gọi là nợ công hay công trái đã gia tăng đột ngột và đa số các khoản nợ sẽ đáo hạn vào năm 2016, tức là đến kỳ thanh toán trong hai năm tới. Ngoài nguy cơ khủng hoảng tài chính của các ngân hàng, rủi ro lớn nhất của hai năm tới cũng vẫn là chuyện nhà nước địa phương phải trả nợ! Từ nay đến đó, việc cải tiến ngân sách chưa thể có kết quả và vì thế, biến động tài chính vẫn dễ xảy ra, trong một môi trường quốc tế đang có nhiều bất trắc.

Kính Hòa: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi khá chuyên môn này về những rủi ro trước mắt của kinh tế Trung Quốc.


Thứ Ba, tháng 9 16, 2014

Kinh Tế Dối Trá



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140915
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Những lý luận nhảm nhí dẫn đến tiêu vong

* Cùng một lò nhảm nhí *


Một nhân vật Hoa Kỳ đã có lời phát biểu đáng suy ngẫm:

"Tôi phải nghiên cứu chính trị và chiến tranh, để các con tôi có thể được tự do học hỏi toán pháp và triết học, địa dư và lịch sử thiên nhiên, kiến trúc hải thuyền và kỹ thuật hải vận, thương mại và canh nông - ngỏ hầu đời con của chúng có cái quyền được nghiên cứu hội họa, thơ văn, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, thêu dệt và nghệ thuật đồ sứ".

Sinh vào năm 1735 và mất năm 1826, John Adams không chỉ nghiên cứu về chính trị. Ông là nhà lãnh đạo thuộc lớp "Quốc Phụ" và là Tổng thống thứ nhì của Mỹ. Lời phát biểu đáng chú ý ở vài chi tiết, có và không:
 Về chuyện "có", hai lần John Adams nhắc đến "kiến trúc".

Thế hệ của ông là những người đi làm cách mạng để giành độc lập nên phải học hỏi và vận dụng cả chính trị lẫn quân sự. Nhờ vậy mà thế hệ nối tiếp, trong đó có con trai ông là John Quincy Adams sau này cũng làm Tổng thống Hoa Kỳ, được quyền tự do học hỏi về kiến trúc hải thuyền (naval architecture). Đấy là một bộ môn kết hợp cả chiến tranh cho hải quân, lẫn khoa đóng tầu và thương mại hàng hải. Mục tiêu là để tới đời thứ ba, các con cháu mới được quyền nghiên cứu về kiến trúc, một ngành học rất gần với nghệ thuật. Họ kiến trúc cho kiến trúc, đó là sáng tạo....

Điều "có" trong lời phát biểu này là trình tự thăng tiến của quyền tự do.

Thế hệ đầu tiên đi vào đấu tranh là để giành được quyền học hỏi cho thế hệ nối tiếp. Việc học hỏi ấy mở từ quân sự để bảo vệ an ninh qua hàng hải để phục vụ đời sống, hầu  thế hệ thứ ba có thể tự do nghiên cứu về kiến trúc hay thi ca, hội họa hay thêu thùa... Quyền sáng tạo khởi đi từ tự do, và xứ sở chỉ có tự do khi giải quyết được bài toán ban đầu.

Then chốt nhất là bài toán chính trị.


***


Đọc cuốn "Đèn Cù" của tác giả Trần Đĩnh, người viết nhớ John Adams và trình tự thăng tiến của các thế hệ từ thời đấu tranh đến xây dựng để tiến tới quyền tự do mơ chuyện viển vông cho nghệ thuật vì nghệ thuật.

Nhớ đến ba vòng xoay lên của John Adams thì cũng biết được ba vòng xoáy xuống vì chính trị đốn mạt. Nếu trong đấu tranh có thể thủ tiêu đối thủ chính trị, cải cách ruộng đất hay truy diệt trí thức thì kết cuộc về nông tang là chuyện tang thương, về sáng tạo là sự nhắm mắt, hoặc thậm chí chẳng nhíu lưỡi thì "nhíu nhìn" - chữ của Trần Đĩnh.

Còn về hàng hải, thế hệ đốn mạt thứ ba cho ta Vinashin phá sản và hải quân Việt Nam ngơ ngác thúc thủ trước dàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc....

John Adams là đại trí thức và tranh đấu cho một nền chính trị sau này có thể đảm bảo quyền tự do cho mọi người, kể cả trí thức và nghệ sĩ. Những gì xảy ra tại Việt Nam từ 90 năm nay lại xoay theo hướng khác, và trí thức cùng nghệ sĩ là thành phần bị đầy đọa nhiều nhất.


***

Chúng ta trở lại một điều "không" trong lời phát biểu của John Adams.

Nhân vật lỗi lạc này nói đến quyền tự do nghiên cứu về toán học, triết lý, về địa dư, lịch sử, cho tới kiến trúc, thi ca, hội họa và cả nghệ thuật điêu khắc hay dệt thảm, v.v... vậy mà chẳng thấy ông nói gì về... kinh tế. Chỉ vì kinh tế cũng là chính trị, nội dung của cột báo định kỳ này.

Chính trị, như một cách diễn tả khác của Khổng Tử, là làm cho ngay ngắn. Nền tảng đầu tiên cho cả xã hội mà được ngay ngắn thì quyền tự do học hỏi và sáng tạo mới được phát huy theo viễn kiến lý tưởng của John Adams. Nếu vậy, tại sao ông không nhắc tới kinh tế, hay kinh tế chính trị học, là khái niệm đã có trong thời đại của ông?

Phải chăng vì đấy là môn học quá khó? Nhà vật lý thời danh của Thế kỷ 20 là Max Planck có lần nói với kinh tế gia nổi tiếng John Maynard Keynes rằng ông cũng có lúc muốn học về kinh tế mà về sau phải bỏ là môn quá khó. Có lẽ ông chỉ muốn nói cho vui, hay cho bạn mình vui mà thôi. 

Nhưng quả rằng nếu ai cũng có thể học về kinh tế, khi hành về kinh tế thì sợ đời lại khác. Vì khoa kinh tế cũng chứa đầy chân lý nhảm nhí, hoặc bị bẻ queo để phù trợ chánh sách nhảm nhí của chính trị.

Nhảm nhất là "Kinh tế Chính trị học Mác-Lênin", một môn học thuộc diện khảo cổ về loài tuyệt chủng, hay trong các Trường đảng của những đảng Cộng sản chỉ còn đếm được bằng vài ngón của nửa bàn tay. Nhảm nhì là "kinh tế học xã hội chủ nghĩa", theo định hướng nhà nước, với màu sắc Trung Hoa, Ba Đình hay Venezuela....

Tại sao một bộ môn có vẻ khoa học mà lại có thể đưa tới áp dụng nhảm nhí và gây phá sản, hoặc hiện tượng "sản nhập" thay vì sản xuất?

Lý luận nhảm nhí thật ra không phải là chuyện điên khùng. Nó khởi đi từ những tư tưởng có vẻ hợp lý và nghe được. Nếu không thì đã chẳng được cái mẽ khoa học tráng sơ ở bên ngoài và được nhiều chính khách áp dụng với khẩu hiệu bùi tai. Nhưng xâu chuỗi lý luận ấy thiếu mất vài mắt xích - và thành lý luận nhảy cóc.

Mắt xích bị thiếu đầu tiên – vi thiếu nên ít ai thấy! – chính là định nghĩa. Không có định nghĩa thì nhân dân hay giai cấp có thể hòa làm một và đảng của một giai cấp có thể cai trị toàn dân. Không định nghĩa thì "cải tạo" là xoá rồi mới xây, mà xây không nổi nên sau cải tạo mới là khủng hoảng. Thiếu định nghĩa nên "địa tô" mới là đấu tố, điền chủ mới bước xuống hố chôn người, "công bằng" mới thành cào bằng. Và mọi người đều thành vô sản dưới quyền cai trị của một thiểu số đang là đại gia phe phẩy sau khi đảng ta đã "đổi mới".

Định nghĩa của đổi mới hay định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Đấy là một bí mật quốc gia của hệ thống lý luận nhảm nhí của kinh tế.

Cuốn sách của Trần Đĩnh vẽ lại chân dung u ám của kinh tế chính trị học Mác-Lênin khiến lãnh đạo thời nay ở Hà Nội... yên tâm. Vì so với thời xưa được Trần Đĩnh viết lại thì họ có vẻ khá hơn cha anh trong đảng. Họ có thể nhét vào đầu chúng ta cái lý luận nhảm nhí đó về kinh tế thời nay.

Mà không chỉ có tại Trung Quốc hay Việt Nam, lý luận nhảm nhí về kinh tế cũng xuất hiện - và tung hoành – trong các nước có dân chủ, kể cả Hoa Kỳ.

Nhảm nhí như lý luận về mức lương tối thiểu pháp định đang được chính trường Mỹ thổi lên với sự cổ động om xòm của các nghệ sĩ màn bạc. Cái mắt xích bị thiếu là "hậu quả bất lường".

Chính khách viện dẫn mục tiêu cao đẹp của biện pháp mà bất chấp hậu quả không lường được về kinh tế là càng làm giới trẻ và những người nghèo hoặc thiếu tay nghề càng khó kiếm việc. Lãnh tụ các nghiệp đoàn thiên tả đều biết vậy mà lại ồ ạt chi tiền vận động không vì quyền lợi công nhân viên. Họ trục lợi nhờ biện pháp đó. Vì sao lại có nghịch lý ấy thì nhiều người không hiểu, nhất là trong giới truyền thông!

Kỳ khác ta sẽ tìm hiểu tiếp.


***


Ở đầu dòng, bài kinh tế này khởi sự với John Adams. Xin kết thúc cũng với John Adams, một trong những nhà sáng lập ra nền dân chủ Hoa Kỳ.

Nhân vật uyên bác này vẽ ra giấc mơ lý tưởng về chính trị, nhưng chẳng là người hoang tưởng khi nhắc rằng trong lịch sử ông chưa thấy một nền dân chủ nào mà không tự sát. Nền dân chủ có thể tiêu vong không vì nạn động đất hay ngoại xâm, mà vì tự sát khi áp dụng lý luận nhảm nhí.

Thí dụ thời sự là chuyện Argentina vỡ nợ. Đầu thế kỷ trước, xứ này thuộc về 10 quốc gia giàu nhất thế giới. Kinh tế vốn không dối trá, nhưng lý luận nhảm nhí về kinh tế khiến xứ này lụn bại dần.

Lên tới trình độ ấy mà còn tuột dốc thì lý gì đến Việt Nam, vốn chưa leo khỏi cái hố của đảng.