Thứ Bảy, tháng 4 28, 2012

Trung Quốc Tụt Hậu

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston, số ra ngày 120501

Những Sai Lầm Trong Chánh Sách Kinh Tế


 * Dưới chân cao ốc.... *



Tiếp theo bài phê phán "định hướng xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam, Ngày Nay yêu cầu bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế, phân tích mẫu mực kinh tế và chính trị của Việt Nam, là Trung Quốc. Ông đưa ra một kết luận đầy nghịch lý: Trung Quốc đang tụt hậu.... 



Nói rằng Trung Quốc đang tụt hậu thì nhiều người khó tin, nhất là sau khi xứ này vừa vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để thành nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới trong khi cả ba khối công nghiệp hoá là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu vẫn chưa ra khỏi bốn năm suy trầm với nhiều khó khăn chồng chất. Và từ năm ngoái, thiên hạ còn được dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trong mươi mười lăm năm nữa. Hão huyền!

Sự thật kinh tế ở bên trong Trung Quốc lại không được như vậy, và đây là hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam, vốn dĩ vẫn cứ đi dưới bóng rợp của nước láng giềng anh em.

Chúng ta phải vượt qua nhiều nghịch lý trên bề mặt thì mới thấy sự thật kinh tế và xã hội ở bên dưới....


***


Trong hai quý cuối cùng của 2011, sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã giảm sút đáng kể, và đây là một điều hay!

Tháng Ba vừa qua, sau kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa 11, Tổng lý Quốc vụ viện (Thủ tướng) Ôn Gia Bảo thông báo chỉ tiêu tăng trưởng năm nay là 7,5% và đề ra một số đường hướng cải cách. Nói cho dễ hiểu, lãnh đạo xứ này muốn cỗ xe chạy chậm lại để có thể quẹo cua mà không lật vì biết là phải chuyển hướng. Vì vậy, nếu đà tăng trưởng có giảm thì không hẳn là điều dở. Nhưng với điều kiện là để có thể cải cách.

Sự thật là lãnh đạo thì tính như vậy, nhưng các tỉnh vẫn cố rồ máy tống ga nên Trung Quốc vẫn sẽ có đà tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu, như thực tế của mọi năm trước, trong khi vẫn chất chứa những nhược điểm, xuất phát từ sai lầm về chính sách. Chúng ta sẽ tìm hiểu chuyện đó ở đây.

Trước hết, khi kinh tế toàn cầu còn bị suy trầm, đà tăng trưởng của Trung Quốc vẫn cứ bị hiểu lầm và được ngợi ca. Nếu kinh tế thật sự tăng trưởng với phẩm chất tốt đẹp thì cỗ máy tạo ra phép lạ ấy là các doanh nghiệp tất nhiên là phải phát đạt hơn. Nếu vậy, tại sao thị trường chứng khoán xứ này – và cả Việt Nam – vẫn cứ èo uột?

Thật ra tăng trưởng của Trung Quốc thiếu phẩm chất mà thừa lãng phí.

Một cơ thể mà được bồi dưỡng quá nhu cầu và một cách vô ích thì dẫn tới nạn mập phì. Trong lãnh vực kinh tế, nạn mập phì đó là lạm phát.

Khi nạn tổng suy trầm toàn cầu nổi lên từ năm 2008, lãnh đạo Trung Quốc ráo riết tăng chi và bơm tín dụng vào kinh tế để nâng mức đầu tư hầu phần nào bù đắp sự hao hụt của xuất cảng vì ba thị trường nhập cảng lớn là Âu-Mỹ-Nhật đều co cụm. Biện pháp kích thích kinh tế đó lớn bằng 40% tổng sản lượng, cỡ 2.000 tỷ Mỹ kim, tương đương với 5.800 tỷ đô la nếu cũng được áp dụng tại Mỹ!

Một cơ thể được bơm vào một lượng thuốc bổ bằng 40% sức nặng thì tất nhiên dẫn tới hiện tượng dân ta nôm na gọi là "phì lủ", béo vì bệnh. Bệnh đó là nạn bong bóng đầu cơ và lạm phát.

Cả một nền kinh tế hay cơ thể mà phải lệ thuộc vào thuốc bổ thì mới vận hành là điều nghịch lý.

Nó thể hiện ở nạn lạm phát thực tế còn trầm trọng hơn những con số thống kê biểu kiến. Và nó dẫn tới sự lầm than của dân nghèo. Đa số người dân Trung Quốc vẫn chưa có mức lợi tức trung bình có bốn đô la một ngày.

Mà ưu thế tăng trưởng ngoạn mục trên bề mặt, như 10% một năm trong hai chục năm liền, đang hết dần vì cái vựa người đã cạn: nhờ chính sách mỗi hộ một con, dân số Trung Quốc hết giảm và đã sớm bị lão hóa, doanh nghiệp bắt đầu thiếu người.

Muốn gia tăng sản xuất, người ta có thể nâng cao bốn loại nhập lượng là đất đai, tiền bạc, nhân công và kỹ thuật. Khi nhân công hết còn tăng mạnh mà kỹ thuật không cải tiến để nâng cao hiệu năng của lao động thì người ta chỉ còn đất và tiền. Hãy nói về đất và tiền.

Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân nhưng do đảng và nhà nước quản lý và phân bố - chủ yếu là phân bố cho doanh nghiệp nhà nước và thân tộc của đảng viên các cấp. Nhu cầu tăng trưởng chỉ tính theo lượng mà bất kể tới phẩm tất nhiên dẫn đến nạn cướp đất, là chuyện đã xảy ra tại cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, với hậu quả bong bóng địa ốc khiến giá nhà tăng vọt trong khi nhu cầu gia cư vẫn không được thoả mãn.

Một thí dụ cụ thể là thông thường, giá trung vị (median price) của một ngôi nhà bằng ba hai năm năm lợi tức trung bình của cư dân – theo định nghĩa của Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới – thì được coi là bình thường. Tại Trung Quốc, trái bóng địa ốc khiến người dân bình thường phải cầy mất 12 năm, hoặc tại Bắc Kinh là 27 năm, thì mới có thể mua nhà! Đó là về đất và bóng.

Về tiền thì khi nhà nước tiếp tục bơm tiền như nhồi thuốc bổ vào một cơ thể có bệnh, lạm phát tất nhiên bùng nổ, như cả Trung Quốc và Việt Nam đều bị.

Khi vật giá leo thang, mà các doanh nghiệp vẫn được tài trợ dễ dãi thì họ tính sao? Họ ra sức mua vào nguyên nhiên vật liệu và sản xuất rất mạnh – lại vượt chỉ tiêu – rồi... cất hàng vào kho. Vì vậy, chính sách bơm tiền kích thích kinh tế không chỉ thổi lên trái bóng địa ốc hoặc trái bóng thương phẩm – là các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu và nông sản – mà còn dẫn đến hiện tượng tồn kho chất đống. Nghĩa là hàng ế, phố hoang, cửa hàng vắng khách.

Một trong các tiêu chuẩn thẩm định xem kinh tế đã ra khỏi suy trầm hay chưa là ngó vào lượng tồn kho.

Nếu tồn kho giảm thì kinh tế bắt đầu ra khỏi chỗ trũng và sẽ phát đạt khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất thêm và tuyển lại người. Các doanh nghiệp chủ đạo của Trung Quốc đã đầu cơ bằng tồn kho, lại còn được ngân hàng tài trợ thêm, hoặc du di các khoản nợ đáo hạn để có sổ sách gọi là quân bình, làm sai lạc số lượng nợ xấu, khó đòi và sẽ mất.

Cho nên việc điều chỉnh tồn kho nghĩa là bán cho hết hàng ế, vẫn bị trì hoãn, bị đẩy lui. Nghĩa là người ta không giải quyết vấn đề mà chỉ đánh bùn sang ao. Và gây ấn tượng hoành tráng cho những kẻ thiếu hiểu biết – khá đông tại Hà Nội – rằng kinh tế Trung Quốc vẫn mạnh, vẫn có đà tăng trưởng cao.

Bây giờ, chúng ta hiểu vì sao Ôn Gia Bảo muốn hạ chỉ tiêu tăng trưởng – mà có khi không nổi!

Vấn đề chính ở đây là Trung Quốc phải cải thiện năng suất của bộ máy sản xuất. Năng suất mà không cải tiến thì càng bơm tiền kích thích kinh tế sẽ càng gây lạm phát. Yêu cầu chuyển hướng và cải cách kinh tế mà Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng đề ra năm ngoái và Quốc hội công bố năm nay chính là để nhắm vào chuyện năng suất đó.

Mà sẽ không thành!


***


Lý do là bộ máy nhân sự điều khiển bộ máy sản xuất đó không thấy nhu cầu!

Cho đến nay, các đại gia có quan hệ tốt với đảng viên cán bộ các cấp từ trung ương và các thành phố lớn đến các tỉnh và địa phương vẫn cứ ăn nên làm ra. Vì vậy, họ không cần cải tiến cái cơ chế ưu đãi và còn ra sức phá hoại nỗ lực cải cách. Điều ấy không là một suy đoán có ác ý mà nằm ngay trong ngân sách năm nay. Thay vì giảm thuế cho doanh nghiệp thì lại tăng chi, thêm 14% cho tài khoá 2012.

Về chuyện thuế, doanh nghiệp Trung Quốc bị đè dưới gánh nặng thuế khóa. Người ta tính ra là 45% phí tổn về nhân công chính là gánh thuế phải nộp cho chính phủ, một tỷ lệ cao hơn các nước công nghiệp hóa, kể cả Hoa Kỳ của Barack Obama.

Vì yêu cầu tăng trưởng "bằng mọi giá", doanh nghiệp Trung Quốc có mức doanh lợi cực thấp trong suốt một chuỗi sản xuất từ trên xuống dưới và càng làm gia công ở dưới thì tỷ lệ lợi nhuận càng thấp. Họ bù lỗ bằng chế độ bóc lột nhân công được hợp pháp hóa, định chế hóa bởi chiến lược "nhân công rẻ".

Nhưng bộ máy đàn áp công nhân có thể dẹp được biểu tình chứ không thoát khỏi quy luật kinh tế. Lãnh đạo Trung Quốc lãnh hai hậu quả xã hội và kinh tế nghiêm trọng như nhau.

Về xã hội là nạn khiếu kiện tập thể và biểu tình lan rộng, về kinh tế là sự phá sản hàng loạt các tiểu doanh thương tư nhân nằm ở công đoạn thấp nhất của chu trình sản xuất. Kết quả chung cuộc là lợi tức quá thấp của người dân không nâng cao được số cầu của thị trường nội địa, qua sức tiêu thụ của dân chúng, cho nên kinh tế vẫn lệ thuộc vào đầu tư của nhà nước và vào xuất cảng.

Khi các nước nhập cảng đều gặp khó khăn như hiện này, xuất cảng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nên nhà nước lại càng ra sức đầu tư, tăng chi để đầu tư, các địa phương đi vay để đầu tư, hầu giữ đà tăng trưởng và tránh thất nghiệp. Mà càng đầu tư vào bộ máy kém hiệu năng thì càng thổi lên bong bóng và lạm phát.

Sau kỳ họp của Quốc hội tháng trước, người ta chỉ chú ý đến vụ khủng hoảng tại Trùng Khánh và những hành vi mờ ám của gia đình Bạc Hy Lai.

Nhưng nếu chịu khó nhìn thêm vào ngân sách được Quốc hội ban hành, ta còn thấy một sự việc khác: chính quyền nói đến cải cách mà vẫn làm như cũ. Không cải cách vì không thể cải cách. Vụ điều tra về thành tích biểu kiến của Trùng Khánh dưới quyền lãnh đạo của Bạc Hy Lai từ năm 2007 cho đến khi bị cách chức vào Tháng Ba cho thấy một hiện tượng chung: các địa phương có thể qua mặt trung ương mà làm bậy và  mắc nhợ quá nhiều y như Trùng Khánh.

Chẳng những vậy, các lãnh tụ địa phương mà có thần thế ở trung ương còn có khả năng tác động vào chính sách kinh tế quốc dân ở cấp cao nhất! Họ dẫn xứ sở vào cái "bẫp xập của cải cách", nghĩa là hết dám cải cách, như nhiều trí thức trong bộ máy nhà nước đã công khai than phiền từ đầu năm nay.

Cơ chế kinh tế chính trị xứ này tạo ra các nhóm quyền lợi, những trung tâm cản trở nỗ lực cải cách mà chẳng ai biết vì báo chí không có tự do và xứ sở không có dân chủ nên chẳng ai dám nói.


***


Bây giờ, ta hãy nhìn rộng ra ngoài.

Các tổ hợp quốc tế bước vào làm ăn tại Trung Quốc đều nhìn ra nhược điểm này. Và tận tình khai thác. Họ tìm ra đòn bẩy là mối quan hệ giữa các đại gia, các tập đoàn nhà nước với lãnh đạo ở trên nên họ kiếm lời rất khỏe. Họ đều biết thủ thuật ăn cắp công nghệ của Trung Quốc nên phải thủ rất kín, đôi khi thất bại khi mà việc ăn cắp hoặc ăn cướp tác quyền trí tuệ được Bắc Kinh coi là quốc sách. Nhưng đa số thì vẫn thành công.

Vì vậy họ vẫn ở lại!

Họ thành công khi trao cho doanh nghiệp Trung Quốc các công đoạn thấp nhất của tiến trình sản xuất và giữ lấy cho mình phần có giá trị nhất. Trong tiến trình hợp tác đó, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ làm gia công và ra sức bóc lột công nhân bằng lương thấp bổng kém để đạt mức doanh lợi cao hơn cũng theo hình tháp, là càng ở dưới thì càng ít lời mà cần nhiều nhân công.

Nhìn cách khác, Trung Quốc làm thế giới khâm phục hoặc hãi sợ khi ồ ạt sản xuất hàng gia dụng hoặc tiêu dùng hạng sang, kể cả xe hơi hay máy điện toán. Nhưng khác với các tổ hợp quốc tế Âu, Mỹ, Nhật và cả Đại Hàn, doanh nghiệp Trung Quốc chưa tiến lên trình độ quyết định về giá cả - hoặc có khả năng "làm giá", kinh doanh học gọi là "pricing power" – mà vẫn chỉ loay hoay với chiến lược bán rẻ để bán nhiều.

Đó là ưu thế của một nước lạc hậu!

Khi nhìn cả tiến trình mở cửa và hợp tác như một cái tháp, các doanh nghiệp quốc tế ở trên đỉnh vẫn giữ phần hơn. Họ thực tế chỉ đạo hoặc khống chế các khu vực chiến lược và béo bở nhất của kỹ nghệ Trung Quốc và thải xuống những phần xương xẩu cho các doanh nghiệp Trung Quốc ra sức giành nhau, trên lưng của công nhân.

Vì vậy, trên các thị trường quốc tế, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ có tiếng chứ không có miếng và chưa thể cạnh tranh với những Samsung, Hyundai của Nam Hàn, hay HonHai của Đài Loan. Người ta cứ la trời rằng trong cái iPad có đầy cơ phận thực ra là "chế tạo tại Trung Quốc". Nhưng đó chỉ là đồ "made in China", chưa thể là "product of China"!

Các nước tiên tiến thật ra vẫn nắm dao đằng chuôi, doanh nghiệp của họ cũng vậy. Trong khi cả kiến trúc vĩ đại của Trung Quốc với các tập đoàn công nghiệp hay ngân hàng của nhà nước chỉ đứng phất cờ, thổi lên bong bóng, gây ra lạm phát. Và còn được nhà nước yểm trợ để làm ra cái trò huê dạng này.

Chính sách phát triển tư bản nhà nước của Trung Quốc chỉ phát triển ra hệ thống "tư bản thân tộc" – crony capitalism - và chế độ "quần đới quan hệ" (nepotism) là khi một người làm quan cả họ được nhờ. Mà "quần đới" là gì? Thưa là cái dải quần!

Chiến lược chủ động công nghiệp hoá qua vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước đã thất bại thê thảm. Trung Quốc tụt hậu là trong ý nghĩa đó. Theo sau là Hà Nội lúp súp ôm lấy cái dải quần mà không dám buông tay

Vì vẫn chưa thoát khỏi cái định hướng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc.


Gió Chướng Từ Âu Châu

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune 120427

Và vách núi của Hoa Kỳ


 * Ca khúc "Hò Leo Núi" trên thị trường tài chánh - đốc đỏ là gánh nặng công trái 
của các nước công nghiệp hoá, nền xanh là sản lượng. Hình ảnh của Der Spiegel *



Sau vòng sơ bộ hôm Chủ Nhật 22, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là hồi chuông cảnh báo.

Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy chỉ được 27%, thua ứng cử viên François Hollande của đảng Xã Hội cỡ điểm rưỡi, trong khi ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen của Mặt trận Quốc gia đạt số phiếu kỷ lục là 18%. Dù cố thu hẹp khoảng cách trong những tuần cuối, ông Sarkozy vẫn chỉ về nhì và sẽ gặp ông Hollande ở vòng chung kết vào mùng sáu Tháng Năm.

Qua ngày Thứ Hai 23, các thị trường tài chánh lớn của Âu Châu đón nhận kết quả thật ra chẳng bất ngờ với màu đỏ: cổ phiếu sụt giá 3-4% và đồng Euro rơi rụng lả tả, kéo theo các thị trường Hoa Kỳ và Á Châu.

Vì hôm đó Âu Châu lãnh thêm cơn gió chướng là Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte tuyên bố giải tán nội các vì không đạt thỏa thuận về giảm chi ngân sách. Trong khi ấy, Tây Ban Nha vẫn ngắc ngoải với nền kinh tế quá lớn để Âu Châu mặc nhiên cho trôi xuống vực như Hy Lạp, mà cũng lại quá nặng để Âu Châu có thể cứu. Hai ngày sau, Anh quốc chính thức thông báo là kinh tế lại bị suy trầm nữa – đụng đáy hai lần – một sự đình trệ dài nhất thời bình kể từ trăm năm nay.

Khủng hoảng của Liên hiệp Âu châu chưa dứt mà đang vào hồi nguy kịch làm các tổ hợp đa quốc của Mỹ đều xanh mặt vì đầu tư quá nhiều vào Âu Châu, hơn hẳn ngạch số đầu tư vào các thị trường khác trên thế giới. Trong những tháng tới, hiệu ứng Âu châu mà dội về Mỹ, kinh tế Hoa Kỳ lại bị chấn động. Và đấy sẽ là bài học sắp tới cho nước Mỹ.


***


Các thị trường đầu tư vốn phi chính trị, mà chỉ lạnh lùng tính toán về triển vọng sinh lời và rủi ro bị lỗ khiến doanh nghiệp thải người và kinh tế lại bị suy trầm nữa sau bốn năm chưa khởi sắc. Các thầy mo thầy pháp lạc hậu mà ngồi dưới đáy giếng suy đoán lăng nhăng về những nhận định chính trị là thiên về Cộng Hoà hay Dân Chủ ở bên Mỹ thì nên tìm hiểu nhiều hơn về hiện tượng này!

Trước hết, cả khối Âu châu đã sống quá lâu trong chế độ bao cấp được tô hồng là "quan tâm đến xã hội" mà không tìm hiểu xem là lấy tiền đâu ra để trang trải các khoản phúc lợi xã hội dồi dào hơn khả năng sản xuất.

Nếu liên minh giữa đảng Xã hội và cánh cực tả Pháp thắng cử tháng tới, như người ta dự đoán, nước Pháp càng trôi vào con dốc bao cấp nguy hại này. François Hollande khuyến dụ cử tri qua chương trình kinh tế chống kiệm ước và khắc khổ. Bằng cách tăng chi và tăng thuế, tới 75% cho thành phần giàu nhất có lợi tức trên một triệu Euro. Giữa cơn khủng hoảng tài chánh Âu châu xuất phát từ nạn lạm chi kéo dài quá lâu, người có hy vọng lên lãnh đạo nước Pháp chủ trương là phải tăng chi hơn nữa và nếu ngân sách bao cấp mà thiếu tiền thì cứ việc tăng thuế là xong!

Phát huy tinh thần quốc gia rẻ tiền là chống lại cam kết giảm chi của 25 nước Âu châu, cánh tả tại Pháp muốn áp dụng chánh sách kinh tế Obama - hay Robin de Bois, ấn bản Pháp: lấy của nhà giàu chia cho người nghèo là cách hốt phiếu gọn nhất. Chẳng khác gì Chính quyền François Mitterrand 30 về trước – vào các năm 1981-1982 – với hậu quả ra sao thì nhiều người đã quên. Hoặc nếu còn ngồi trong đáy giếng thì chưa hề biết.

Nước Pháp đang góp phần tích cực cho cơn khủng hoảng Âu châu lây lan và kéo dài – đến ngày Euro tan rã.

Ban đầu, các nước Nam Âu như Hy Lạp, Ý hay Tây Ban Nha lâm nạn trước tiên – vì chi nhiều hơn thu và cứ thoải mái xài đồng Euro nhờ sức mạnh kinh tế Đức – làm đảng cầm quyền theo nhau sụp đổ. Khi ấy Hoà Lan cười khẩy với vẻ chế nhạo. Ngày nay, liên minh cầm quyền xứ này lại không thống nhất nổi quan điểm về giảm chi để đạt chỉ tiêu của Âu châu, là giữ mức bội chi không quá 3% của Tổng sản lượng. Với đà này, ngân sách Hoà Lan năm tới sẽ bị bội chi 4,6%.

Là một nước giàu có hạng nhất Âu Châu, lại gần như cột trụ của khối Euro sau Đức và Pháp, nếu Hoà Lan cũng lại xé rào và bội chi – mà Hội đồng Âu châu không thể cản được – tương lai đồng Euro sẽ còn bi thảm hơn quá khứ vốn dĩ đã quá đen tối từ hai năm qua.

Trường hợp Tây Ban Nha còn khốn khó hơn vậy sau khi trái bóng địa ốc bị bể tan tành. Mà cho đến nay, hậu quả kinh tế của tình trạng lạc quan tếu ngày xưa nay vẫn chưa dứt. Kinh tế Anh có thể đụng đáy hai lần chứ Tây Ban Nha chưa thấy đâu là đáy: giá nhà có thể còn sụt thêm 35% và sẽ sụt nữa vì lương lậu gì cũng giảm. Nhìn từ Hoa Kỳ thì trái bóng địa ốc vừa bể của Mỹ thật ra vẫn còn là nhỏ so với bong bóng Tây Ban Nha. Và xứ này hiện đã mắc nợ tới mức nguy khốn là 90% Tổng sản lượng.

Giới nghiên cứu kinh tế định ra là xứ nào có gánh nợ cao quá 90% khả năng sản xuất thì rất khó phục hồi. Việc trả nợ sẽ đánh sụt đà tăng trưởng và kinh tế có thể suy trầm cả chục năm, thậm chí suy thoái.

Nhưng vì sao khủng hoảng tại Âu Châu lại là bài học cho Hoa Kỳ?


***


Cho đến năm ngoái, nền kinh tế của gần 500 triệu dân trong 27 nước Liên Âu hiện vẫn là lớn nhất thế giới: tính cho dễ nhớ theo mệnh giá thì một năm Âu Châu sản xuất ra gần 18 ngàn tỷ đô la, hơn cả Hoa Kỳ với hơn 300 triệu dân làm ra sản lượng là 15 ngàn tỷ.

Chế độ bao cấp lưu cữu của Âu Châu, với dân số bị lão hóa nhanh hơn Hoa Kỳ, khiến các nước Liên Âu mắc nợ. Hiện nay nếu tính trung bình thì gánh công trái Âu Châu đã quá 80% Tổng sản lượng và năm nay sản lượng kinh tế có thể sụt thêm 2%. Nhưng nhìn qua Hoa Kỳ, họ vẫn có thể tự hào là chưa đủ bao cấp – lý luận rất... Hollandais – vì gánh nợ của nước Mỹ đã lên tới 16 ngàn tỷ, tức là hơn 100% Tổng sản lượng. 

Với chính sách kinh tế và ngân sách quốc gia của Chính quyền Obama trong ba năm qua, mỗi năm nước Mỹ sẽ lại vay thêm ngàn tỷ dù mức bội chi ngân sách hiện đã lên tới 10%. Mà kinh tế vẫn chưa thể phục hồi.

Khi đã mắc nợ quá nhiều, người ta không thể tiếp tục tăng chi để tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa tính ra là các nước trên thế giới đã tăng chi cả thảy 14 ngàn tỷ để kích thích kinh tế mà vô hiệu.

Nhìn cỗ xe Âu Châu đang lao xuống vực với gánh nợ là 83% tổng sản lượng, người ta có thể thấy trước đường tuyến bi đát của kinh tế Mỹ với gánh nợ đã vượt 100%. Nếu dân Mỹ không quyết định chọn một hướng khác thì bỗng dưng một ngày nào đó giới đầu tư – bọn nhà giàu gian ác – sẽ không muốn cho nước Mỹ vay tiền nữa.

Rầm một cái, phân lời trái phiếu sẽ vọt lên trời!

Một kẻ gian ác khác, Lenin, đã nói về một chuyện khác: "có những thập niên mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Thế rồi có những tuần mà nhiều thập niên lại xảy ra (there are decades when nothing happens and there are weeks when decades happen).

Đấy là lúc Hoa Kỳ sẽ bất thần đâm vào vách nếu các chính khách tiếp tục tăng chi và đi vay – để đem lại phúc lợi cho cử tri.


Thứ Tư, tháng 4 25, 2012

Doanh Nghiệp Nhà Nước Mới Là Vấn Đề

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120425

Doanh nghiệp Nhà nước trục lợi, gây lạm phát và cản trở cải cách 




* AFP photo - Toàn cảnh phiên họp Thượng viện dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch 
Amado Boudou về việc quốc hữu hóa tập đoàn dầu khí YPF hôm 25/4/2012 tại Buenos Aires.*


Gần như trong cùng một tuần, hai biến cố trái ngược từ hai lục địa khiến người ta tự hỏi về giá trị của các doanh nghiệp nhà nước. Ở giữa, có vấn đề nổi cộm về doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam và Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu câu chuyện qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Thứ Hai 16 vừa qua, các thị trường tài chính quốc tế đều xôn xao về việc Chính quyền Argentina quyết định quốc hữu hóa tập đoàn dầu khí lớn nhất xứ này là YPF khi đòi mua lại 51% phần vốn của tổ hợp Repsol của Tây Ban Nha trong tập đoàn. Gần như cùng lúc, Chính quyền Liên bang Nga cho biết là dù có bị trở ngại nhất thời, Nga vẫn tư nhân hoá một phần vốn của ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank. Một bên thì muốn quốc hữu hóa để nhà nước nắm lấy một ngành sản xuất chiến lược, một bên  lại muốn bán cổ thần cho tư nhân tham gia vào lĩnh vực cũng chiến lược không kém là ngân hàng.

Trong khi ấy, tại Việt Nam và Trung Quốc, giới chức kinh tế cũng đang nói đến yêu cầu cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước như các nhà nghiên cứu quốc tế và bản xứ đã từng khuyến cáo. Vì vậy, chương trình kỳ này của chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề ấy, với một câu hỏi cụ thể về giá trị của hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia. Ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ cố gắng đề cập đến câu chuyện rộng lớn này qua bốn phần trình bày về bối cảnh và sau đó là phân tích các vấn đề then chốt.

- Thứ nhất, dù quốc hữu hóa không là hiện tượng hãn hữu tại Mỹ châu La tinh - từ 70 năm nay đã có chục lần đáng kể - trường hợp Argentina lại hơi trái mùa. Xứ này lâm vào cảnh cùng quẫn với chính sách bao cấp và trợ giá xăng dầu và chính quyền nghĩ đến giải pháp mị dân hay "dân túy" vì lý do chính trị, làm cho người dân sẽ phải trả giá cho quyết định này. Lý do chính trị là khích động tinh thần ái quốc của dân chúng để khỏa lấp khó khăn kinh tế nhưng cái giá phải trả là đã chẳng giải quyết được vấn đề kinh tế mà còn làm giới đầu tư bỏ chạy nên xứ sở sẽ lại tụt hậu vì thiếu tiền và kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, chẳng khác gì xứ Venezuela.

- Về chuyện Liên bang Nga thì sau khi hồi phục từ vụ tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, từ năm 2010, xứ này phát động kế hoạch tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước. Là ngân hàng lớn nhất nước, và hạng nhì Âu châu nếu kể về trị giá cố phiếu, Sberbank nằm trong danh mục các cơ sở sẽ tiến hành việc đó với tiêu chí là vào tuần thứ ba của tháng này. Họ gặp trở ngại là vụ khủng hoảng tài chính Âu châu lẫn việc ông Putin trở lại làm Tổng thống có thể làm các thị trường tài chính e ngại nên họ sợ là nếu bán cổ phần lúc này thì chẳng được giá. Nhưng Ngân hàng Trung ương tuyên bố là vẫn xúc tiến rất sớm vì đấy là quyền lợi của xứ sở. Lý do then chốt ở đây là Nga cần tới nguồn đầu tư của thế giới để cải tiến hiệu suất kinh tế ở bên trong.

Vũ Hoàng: Đó là bối cảnh chung của Argentina và Liên bang Nga. Ở giữa hai trường hợp này có Trung Quốc và Việt Nam cũng là nơi mà người ta đang nói đến yêu cầu cải cách hệ thống quốc doanh và phải tư nhân hoá, hoặc cổ phần hóa nói theo lối Việt Nam. Thưa ông, bối cảnh của chuyện này là gì? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc đang vào buổi giao thời trước Đại hội 18, nhưng lãnh đạo xứ này cũng đã thấy nhiều nhược điểm của cơ chế kinh tế chính trị và muốn tiến hành cải cách. Nhất là khi họ biết đà tăng trưởng sẽ giảm sút sau này và thực tế là dù được ưu đãi các tập đoàn nhà nước vẫn cạnh tranh thua kém các tổ hợp tư doanh xứ khác. Vụ Bạc Hy Lai càng khiến họ rà soát lại mô thức Trùng Khánh, vai trò quá lớn và gánh nợ quá nặng của chính quyền các cấp.

- Sau nạn tổng suy trầm vừa qua, người ta thấy rằng việc bơm tín dụng và công quỹ vào doanh nghiệp nhà nước chẳng đem lại lợi ích mà còn gây ra tệ nạn tham ô, lãng phí và thổi lên bong bóng đầu cơ cùng lạm phát. Thật ra Việt Nam cũng theo mô thức Trung Quốc và gặp giới hạn tương tự nên lãnh đạo đã nói đến yêu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế, trong đó có hồ sơ nổi cộm là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, từ nói đến làm rồi làm được hay chăng thì còn một chặng đường khá dài cho hai xứ này. Dù sao, tôi không tin rằng giải pháp quốc hữu hóa của Argentina đã được Bắc Kinh hay Hà Nội cho là đáng noi theo.   

Nhược điểm của Hệ thống DNNN 


ngan-hang-nong-nghiep-250.jpg

Ngân Hàng Nông Nghiệp Agribank, một ngân hàng quốc doanh. Ảnh minh họa. RFA photo  

 
Vũ Hoàng: Kế tiếp phần bối cảnh và bước qua việc phân tích, thưa ông, nói chung thì đâu là nhược điểm của hệ thống doanh nghiệp nhà nước? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta khởi đi từ cái đầu, từ cách suy nghĩ. Nhiều quốc gia mới bước công nghiệp hóa đã tin là chính quyền phải giữ thế chủ động để định hướng phát triển cho tương lai qua chính sách công nghiệp hơn là dựa vào quy luật thị trường quá rắc rối và bất trắc. Hiện tượng ấy đã thấy tại nhiều nước, dù đã có dân chủ chính trị. Tại các nước độc tài thì lối chọn lựa này càng dễ xảy ra vì không dám có tranh luận để cân nhắc giá trị của từng chiến lược, từng giải pháp.

- Nối tiếp cái nếp tư duy theo đó nhà nước luôn luôn sáng suốt hơn thị trường, hơn giới tư doanh hay quần chúng, một số quốc gia mới chọn chiến lược phát triển có định hướng, Nghĩa là đề ra những khu vực nào mà họ tin là ưu tiên vì có sức kéo cao hơn cho cả nền kinh tế quốc dân. Điều đó thì mình cũng hiểu được vì ấn tượng tập trung đầu tư thường có vẻ có hiệu quả hơn là phân tán.

- Rồi từ định hướng ấy, các nước mới tổ chức toàn bộ cơ chế chính trị và kinh tế chung quanh sự phối hợp và bố trí của nhà nước, bộ máy công quyền và các doanh nghiệp. Bên trong tổ chức doanh nghiệp, các ngân hàng giữ vai trò huy động tiết kiệm và điều hướng luồng đầu tư vào các khu vực sản xuất được coi là có sức bật cao nhất. Chúng ta có thấy hiện tượng đó trong các nước Đông Á nối tiếp thành tích vượt bực của Nhật Bản thời hậu chiến.

Vũ Hoàng: Nhưng hình như là lối tư duy rồi chiến lược phát triển có định hướng cùng với cách tổ chức theo ba chân vạc là nhà nước, bộ máy hành chính và doanh nghiệp cũng có nhược điểm và gây ra khủng hoảng như người ta đã thấy tại Đông Á. Có phải vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng khi tiến hành công nghiệp hóa theo tinh thần chiến đấu, Nhật có xây dựng loại tập đoàn chủ đạo được nhà nước yểm trợ ở đằng sau là những "zaibatsu" rồi "keiretsu". Nối tiếp thì Nam Hàn cũng học theo phép đó với sự thành lập của các "chaebols". Ta gọi chung hiện tượng ấy là "tập đoàn tài phiệt", với doanh nghiệp và ngân hàng kết hợp phương tiện thành từng khối theo hàng dọc để thực thi chiến lược do nhà nước đề ra và yểm trợ.

- Chiến lược và tổ chức ấy có đạt kết quả ban đầu mà cũng dẫn tới nạn sung dụng tài nguyên lệch lạc và sự cấu kết mờ ám giữa chính trị và kinh doanh. Đông Á sở dĩ bị khủng hoảng, tại Nhật vào năm 1990 và tại các nước khác vào năm 1997, cũng vì chuyện này. Tuy nhiên, ta cần thấy rõ rằng các tập đoàn ấy thật ra là của tư nhân và sinh hoạt theo quy luật thị trường dưới chế độ dân chủ. Chính là chế độ dân chủ mới cho phép họ thay đổi nhân sự và cải cách kể từ kinh nghiệm tiêu cực và đắt đỏ của thực tế. Trung Quốc và Việt Nam thì không. 

Khi bộ máy chính trị và công quyền thấy ra vấn đề và tính cải sửa chính sách thì lại bị các thế lực này cản trở. Trong một chế độ dân chủ, người ta còn có thể sửa được, độc tài thì khó hơn.
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Ông cho là hai xứ này đi sau, học theo mô thức Đông Á nên cũng tập trung tài nguyên và quyền lực vào trong tay nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và nay cũng đang gặp thực tế đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì đi sau, lại giữ độc quyền chính trị, hai quốc gia này áp dụng mô thức Đông Á của các nước đi trước và đang gặp hiện tượng xin gọi là "cái đuôi điều khiển cái đầu".

- Nói về cái đầu thì chiến lược, lối tổ chức và chính sách quản lý kinh tế vĩ mô theo kiểu đó dẫn tới lãng phí, bất công, lạm phát và tham nhũng vì các doanh nghiệp được coi là đầu máy chủ đạo không bị cạnh tranh nhờ được bảo vệ. Đó là cái đuôi đã phình nở thành của nợ, những trung tâm kinh tế tốn kém. Nhưng chúng lại điều khiển cái đầu vì sự cấu kết mờ ám giữa quyền lợi kinh tế ở dưới với quyền lực chính trị ở trên và gây ra vấn đề mà khỏi bị trừng phạt. Khi bộ máy chính trị và công quyền thấy ra vấn đề và tính cải sửa chính sách thì lại bị các thế lực này cản trở. Trong một chế độ dân chủ, người ta còn có thể sửa được, độc tài thì khó hơn.

Gây nhiều Hậu quả 


000_Hkg4401234-250.jpg

Một con tàu của Tập đoàn Vinashin đang được sửa chữa, ảnh minh họa. AFP photo  
 
Vũ Hoàng: Nói về vấn đề, ông có thể trình bày một số thí dụ cụ thể hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi từ Trung Quốc, vốn dĩ là mẫu mực cho Việt Nam vì đi trước và theo cùng một định hướng chính trị gọi là "xã hội chủ nghĩa". 

- Ban đầu, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể phát triển mạnh nhờ sự yểm trợ của chính quyền và sự tài trợ của các ngân hàng cũng của nhà nước. Nhưng ba chục năm sau khi cải cách, hệ thống kinh tế quốc doanh vẫn chỉ có thể chiếm hữu thị trường nhờ ưu thế là giá rẻ chứ không là hàng tốt. Các doanh nghiệp quốc tế khai thác nhược điểm của chiến lược đó mà bỏ tiền vào để đầu tư theo lối trao cho doanh nghiệp Trung Quốc cái công đoạn thấp ở dưới.

- Kết quả là nhà nước cùng hệ thống quốc doanh và các tổ hợp quốc tế cùng khai thác sức lao động của công nhân với lương thấp và giá rẻ. Nhưng các tập đoàn của nhà nước thì vẫn khó cạnh tranh nổi với các tổ hợp quốc tế. Nguy hiểm nhất là lãnh đạo các tập đoàn này không thấy ra nhu cầu cải tiến để cạnh tranh nhờ được nhà nước bảo vệ và nâng đỡ. Vì đặc quyền kinh doanh, họ còn ra sức củng cố chế độ bảo vệ đó. Trong khi ấy đây là những vấn đề cụ thể mà ta đã thấy ra.

- Trước hết, chiến lược phát triển của Trung Quốc và của cả Việt Nam dẫn tới hiện tượng "tăng trưởng để tăng trưởng" mà bất kể đến phẩm chất và khỏi cần cải tiến hiệu năng sản xuất. Hãy nhìn vào thị trường cổ phiếu èo uột của hai xứ này thì ta rõ. 

- Thứ hai, tăng trưởng thiếu hiệu năng thì tất yếu dẫn tới lạm phát trong khi dân chúng lại bị bóc lột vì nhà nước chọn ưu thế cạnh tranh là lương thấp. Lương thấp thì lợi tức không đủ nâng số cầu của thị trường nội địa hầu bù vào sự hao hụt của thị trường xuất khẩu quốc tế. Nhà nước càng sợ nạn suy trầm làm sút giảm xuất khẩu và càng bơm tiền kích thích kinh tế như trong mấy năm qua thì càng gây ra lạm phát. Hậu quả xã hội là người dân nghèo, thu nhập ít lại bị lạm phát bóc lột nhiều nhất.

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì nạn lạm phát cũng là hậu quả từ chiến lược kinh tế sai lầm đến vai trò chủ đạo của hệ thống quốc doanh?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy vì lạm phát không chỉ là hậu quả của chính sách tiền tệ mà còn xuất hiện dưới một dạng khác là sức mua sút kém của đồng bạc vì hiệu suất đầu tư quá thấp, nhất là của quốc doanh. Vì doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo và được ưu tiên tài trợ, nhà nước càng tài trợ, càng dồn tiền kích thích kinh tế qua hệ thống quốc doanh lại càng gây ra lạm phát. 

- Sau nạn lạm phát, hậu quả thứ hai cũng đã xảy ra tại hai xứ này là nạn bong bóng đầu cơ.

Vũ Hoàng: Ta cùng thấy ra hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản của Việt Nam và Trung Quốc. Ông cho rằng đấy cũng là vấn đề xuất phát từ hệ thống doanh nghiệp nhà nước? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng lý do đầu tiên là từ chính sách quản lý đất đai nằm trong tay nhà nước các cấp và từ ưu thế của doanh nghiệp nhà nước. Khi được bơm tiền với lãi suất rẻ các doanh nghiệp này có cơ hội trục lợi nhờ chính sách đất đai và tiền tệ với hậu quả là cướp đất của dân để thổi lên bong bóng địa ốc.

- Tại Trung Quốc, khi lạm phát bùng nổ, doanh nghiệp nhà nước còn lao về phía trước là sản xuất cực nhiều rồi cất vào kho để phòng ngừa. Vì thế, trái bóng đầu cơ không chỉ là bất động sản mà còn là những kho hàng ế ẩm có ngày mất giá làm doanh nghiệp và ngân hàng sẽ theo nhau phá sản. Đấy là hiện tượng kinh tế khá phổ biến. 

- Hiện tượng xã hội nguy khốn hơn thế chính là "chủ nghĩa tư bản thân tộc" khi chủ nghĩa tư bản nhà nước phát triển cùng nạn độc tài chính trị.

Khi có lạm dụng quá đáng và tham ô quá nặng thì người ta phô diễn chiến dịch diệt tham nhũng mà thực ra là chỉ phân bố lại vùng khai thác của các phe phái.
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho hiện tượng này. "Chủ nghĩa tư bản thân tộc" là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhờ nắm độc quyền chính trị, bộ máy nhân sự của đảng và nhà nước đưa gia đình vào thao túng hệ thống doanh nghiệp nhà nước mà không ai lãnh trách nhiệm. Sở dĩ như vậy vì nhóm chính trị nào ở trên cũng có khu vực kinh doanh của thân tộc hay vây cánh của mình ở dưới. Họ gọi là đồng thuận chứ thực tế thì chia nhau từng vùng khai thác.

- Khi có lạm dụng quá đáng và tham ô quá nặng thì người ta phô diễn chiến dịch diệt tham nhũng mà thực ra là chỉ phân bố lại vùng khai thác của các phe phái. Như tập đoàn điện lược nhà nước ở trong tay ông thủ tướng có thể lập ra ngân hàng cổ phần hay công ty vệ tinh có hình thức pháp lý là tư doanh mà chỉ là các trung tâm vun quét quyền lợi cho vây cánh của ông ta và cản trở mọi ý hướng cải cách. Kết luận thì người ta phải sửa từ cái đầu, từ quan niệm về vai trò của nhà nước rồi mới cải sửa được ung nhọt của các doanh nghiệp nhà nước.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.   

Thứ Ba, tháng 4 24, 2012

Một Phim Giả Tưởng

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120423
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Trùng Khánh Dưới Ống Kính Hoa Kỳ....

 * Trinh thám đen: Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, cùng cặp mắt tướng pháp gọi là 'thư hùng' *   


Kỳ này, xin phép độc giả mà luận về phim trinh thám giả tưởng. Nếu chẳng giải trí mà lại gây nhức tim thì đấy chỉ là sự ngẫu nhiên cố ý của người viết....

Hôm Thứ Năm 19 Tháng Tư, tòa Đại sứ Mỹ tại thủ đô Bogota của xứ Colombia bỗng choáng váng vì một biên bản từ sở cảnh sát thành phố Cartagena bên ven biển: một số nhân viên của sở Bảo vệ Yếu nhân Mỹ - mà Hoa Kỳ gọi là Mật Vụ, Secret Service - bị liên tụy đến một vụ điều tra vì không thanh toán sòng phẳng khi "giao du thân mật" với gái bán dâm. Các tay cận vệ này thuộc dàn tiền đạo được tới sớm để chuẩn chuyến công du của Tổng thống Barack Obama khi ông tham dự Thượng đỉnh của 33 quốc gia Mỹ châu vào ngày Thứ Sáu 20.

Vụ điều tra của cảnh sát bản xứ khiến Đại sứ quán phải trình lên thượng cấp là Bộ Ngoại giao ở nhà và nội vụ đang gây xấu hổ cho dư luận Mỹ. Nhưng không là pha trinh thám đáng nói ở đây.

Phim trinh thám chính trị ở đây đã xảy ra trước đó, tại Trùng Khánh. Nó mở màn như thế này:


***

Màn một: 

Mùng bảy Tháng Hai, công xa của an ninh Trung Quốc bỗng chiếm đóng một khu vực rộng lớn của Thành Đô và tràn ngập đường Lingshiguan Road trước dinh thự số bốn trên con đường có tên chữ Hoa là Lãnh sự quán lộ. Tại các cao ốc chung quanh, từ Khách sạn Hữu Nghị đến Giao thông Ngân hàng ở trước mặt, người ta thấy lấp ló nhiều xạ thủ. Chi tiết lạ là các đặc công không trí súng vào cao ốc số bốn mà hình như lại canh chừng nhau.

Nguyên một tầng của Giao thông Ngân hãng được di tản làm bộ chỉ huy của nhiều viên chức cao cấp. Trong số này, hình như có nhân viên của hai Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách hai Ủy ban Trung ương là Ban Kỷ luật và Ban Chính pháp. Đến từ Bắc Kinh, họ thì thầm với vẻ lạnh lùng trong khi dàn cận vệ nhìn nhau như hổ đói....

Ống kính chiếu vào cao ốc số bốn ở bên kia đường: Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô.

Thế rồi từ lãnh sự quán, hai lính Thủy quân Lục chiến bước ra cùng sáu viên chức dân sự Mỹ vây quanh một người Hoa. Họ len qua xe cộ bố trí chung quanh, bước đi giữa các họng súng và ăng ten tua tủa, rồi được một dàn đặc vụ dẫn vào Giao thông Ngân hàng. Khi họ trở ra, không còn thấy người Hoa kia nữa. Nửa tiếng sau, khu phố bỗng vắng tanh...

Trên màn ảnh hiện lên trang báo của Tân Hoa Xã hôm mùng tám Tháng Hai: "Đồng chí Vương Lập Quân bị lao lực nên được đưa về Bắc Kinh an dưỡng".

Theo kiểu flashback, khán giả được dẫn qua màn hai, về hai ngày trước,


***


Màn hai:

Cũng vẫn cao ốc số bốn xưa kia đã được Phó Tổng thống George H. Bush khánh thành vào năm 1985 - khán giả biết vậy nhờ tấm hình rất lớn treo tại hành lang bên ngoài - hôm Thứ Hai mùng sáu, điện thoại văn phòng Tiến sĩ Peter Haymond reo vang: "Xin ông Tổng xuống ngay phòng tiếp tân."

Nói thông thạo tiếng Quan thoại, Lào, Thái và biết cả tiếng Pháp, ông Haymond là Tiến sĩ Luật và chuyên gia về kinh tế, năng lượng và ngoại giao Á châu trước khi đến Thành Đô làm Tổng lãnh sự. Phòng tiếp tân ở lầu hai có cửa sổ với lớp kính bảo vệ rất dày nhìn xuống Tổng lãnh sự lộ. Chênh chếch đối diện ở bên kia đường là Giao thông Ngân hàng đã có khách xếp hàng.

Ở nách bên trái của sứ quán, đằng sau cao ốc thương mại mang số hai, có quán Starbucks là nơi nhân viên ngoại giao đang nhâm nhi ăn sáng. Họ chẳng hay là viên Tổng lãnh sự đã gặp "sự cố trong đời" khi phải xử lý chuyện người khách lạ mà quen đi xe vào xin... tỵ nạn chính trị.

Khách lạ vì đương sự giả trang thành phụ nữ đi xe dân sự mang số ẩn tế. Mà quen vì ông ta là Giám đốc Công an kiêm Bí thư đảng ủy của Chi bộ Công an Trung Khánh, kiêm Phó Thị trưởng của thành phố có 30 triệu dân ở cách đó 300 cây số....

Đó là vụ Vương Lập Quân xin đào tỵ. Màn ba bắt đầu.


***

Màn ba:

Trùm Công an Trùng Khánh xin một bình trà và nơi thay xiêm áo. Ông yêu cầu được gặp riêng Tổng lãnh sự trong một căn phòng kín. Ông đem theo bộ nhớ trong máy điện toán cầm tay và trong cái đầu của một người biết quá nhiều mà hết đất chạy. Ông sợ bị thủ tiêu nếu được giải về Trùng Khánh.

Chuyện tử sinh của họ Vương là bài toán cho Tổng lãnh sự Peter Haymond.

Ông Haymond chăm chú theo dõi câu chuyện và tạm lo việc ăn ở qua đêm cho họ Vương rồi gọi ngay Đại sứ Gary Locke ở Bắc Kinh. Hai người đàm đạo bằng tiếng Anh, đôi khi xen cả tiếng Hoa khi phải giải thích sự quái. Viên Đại sứ có tên thật là Lạc Gia Huy, người Mỹ gốc Hoa.

Mạng điện thoại bảo mật đã hừng nóng từ Thành Đô qua Bắc Kinh về Washington, khi ấy đã là buổi chiều hôm trước. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và tư thất bà Ngoại trưởng Hillary Clinton bỗng là hai trung tâm hành quân viễn liên. Bộ chỉ huy tối cao trong Toà Bạch Cung cũng bỏ bữa tối.

Ai đó phải báo cáo lên Tổng thống Barack Obama khi ấy đã chuẩn bị xong cuộc gặp chính thức vào tám ngày nữa với người sẽ lên thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Phó Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cơ quan kiểm thính an ninh điện tử National Security Agency tại Maryland cũng được báo động. Xem rằng có ai nghe lén ngần ấy vụ điện đàm không và rằng luồng thông tin điện tử của Trung Quốc nối liền Thành Đô, Trùng Khánh với Bắc Kinh và Quân khu Thành Đô hay Bộ Tư lệnh Trùng Khánh có gì bất thường chăng....

Các chi tiết lần lượt từ Thành Đô gửi về với các danh tính như Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai hay Neil Heywood, v.v... được hai cơ quan CIA và FBI đưa vào bộ não. Rồi nhả ra chuyện kinh dị. Hình như là khi doanh gia Neil Heywood bị ép uống thuốc độc có thạch tín, chính bà vợ Bạc Hy Lai là Cốc Khai Lai đã đứng đó để giám sát vụ ám sát!

Họ tìm ra lai lịch của Bạc Hy Lai và nhiều quan hệ với các doanh gia hay tướng lãnh từ mười mấy năm về trước. Ba chuyên gia về Trung Quốc được lệnh trình diện để phân tích nguyên nhân và hậu quả của vụ tỵ nạn.

Một cơn địa chấn chính trị.

***


Nhìn từ bên ngoài, chúng ta tự hỏi là Hành pháp Hoa Kỳ phải xử trí thế nào với vụ Vương Lập Quân hồi Tháng Hai?

Xử lý kín đáo và xử trí công khai là hai mặt âm dương của một đồng tiền, dưới sự giám sát của lưỡng viện Quốc hội. Hạ viện Cộng Hòa và Thượng viện Dân Chủ đều đã được báo cáo và sau đó cùng đồng thanh nín lặng! Câu chuyện không chỉ là một vụ tỵ nạn chính trị hụt biến ra chuyện hai ba phe muốn cướp tù xa....

Kíp nổ Thành Đô đã kích hoạt bãi mìn Trùng Khánh: Bí thư Bạc Hy Lai của Trùng Khánh bị bãi chức rồi đuổi ra khỏi Bộ Chính trị và Trung ương đảng. Trong khi ấy, có tin là người đỡ đầu cho họ Bạc từ khi còn ở Liêu Ninh là Chu Vĩnh Khang, Trưởng ban Chính pháp Trung ương, cũng bị điều tra. Và các tướng được đẩy ra hô khẩu hiệu đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng.

Còn hơn trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, vụ Trùng Khánh đang làm rung chuyển tâm chấn ở Bắc Kinh, trước "Thập bát đại" là Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Hoa.

Khi ấy Hoa Kỳ nắm được họ Vương mà chưa biết làm gì với con bài vì sợ phỏng tay? Bây giờ, phải chăng lá bài đã được ném lại vào chiếu bạc, và chúng ta chờ xem kết quả cùng dư chấn....

Trong khi chờ đợi, xin... đọc lại truyện Tầu!

Ta nhớ tích Công tử Tiểu Bạch, nhờ biết dùng Quản Trọng mà nên nghiệp bá là Tề Hoàn Công, hoặc tích Công tử Trùng Nhĩ, sau là Tấn Văn Công bá chủ chư hầu.... Cả hai đều thành danh từ tranh chấp quyền bính giữa anh em cùng cha khác mẹ.

Ống kính Trùng Khánh vừa rọi vào Bạc Hy Lai thì truyện cổ Trung Hoa hóa ra hiện đại.

Họ Bạc có anh em và con trai lấy họ Lý của mẹ chứ không họ Bạc của cha. Con trai lớn từ bà vợ trước của Bạc Hy Lai lại lấy tên là Lý Vọng Tri hay Lý Tiểu Bạch, hoặc Brandon Li. Hơn hẳn cậu út Bạc Qua Qua, cậu Lý này tốt nghiệp Đại học Columbia, kinh doanh rất khoẻ và dẫn tổ hợp Citigroup của Mỹ vào Liêu Ninh khi Bạc Hy Lai còn làm Bí thư Liêu Ninh rồi Bộ trưởng Thương mại. Nhưng trong doanh trường, cậu lấy tên công ty đầu tư và tư vấn của mình là... Trùng Nhĩ. Tiểu BạchTrùng Nhĩ? Một hồi khác của phim chính trị giả tưởng? 

Xin quý vị cứ bàn tiếp cho vui, cứ như chuyện Hà Nội ngày nay vậy. Mà... hoành tráng hơn nhiều!


Thứ Sáu, tháng 4 20, 2012

Bạc Hy Lai Trong Bình Sa Lậu

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 120420

"Đồng thuận Bắc Kinh" bỗng rung rinh vì Trùng Khánh....


 * Tuyên thệ trung thành hay huơ quyền thách đảng? *



Như dòng cát chảy trong cái bình đồng hồ, mà dân Tầu gọi là "sa lậu", vụ án Trùng Khánh - hay chuyện Bạc Hy Lai ngã ngựa và bà vợ là Cốc Khai Lai có khi vào tù - tiếp tục nhỏ xuống và tràn ra những tin ghê người về sự nghiệp và hành vi của cựu Bí thư Trùng Khánh cùng gia đình.

Tuần trước, trong bài "Trùng Khánh Trùng Trùng" cột báo này đã trình bày bối cảnh của nội vụ và suy đoán về lý do thật khiến Bạc Hy Lai bay chức Bí thư Trùng Khánh rồi bị đuổi khỏi Bộ Chính trị cùng Ban Chấp hành Trung ương đảng Khoá 17. Lý do thật là sự chọn lựa sinh tử của đảng Cộng sản Trung Hoa về chiều hướng lãnh đạo trong tương lai. Chuyện ấy nay đã rõ.

Nhiều dịp trước đấy, người viết cũng giới thiệu và phê bình mô hình phát triển của thành phố Trùng Khánh, có thời xem là mẫu mực và còn được sáu trong chín Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ngợi khen. Nó giúp Bạc Hy Lai trở thành khuôn mặt sáng của thế hệ lãnh đạo thứ năm, sẽ thăng quan tiến chức trong Đại hội 18 sắp tới.

Chuyện ấy cũng đã xong khi lãnh đạo Bắc Kinh đang cho điều tra lại tình trạng tham ô và nợ nần của Trùng Khánh lẫn hành tung của Bạc Hy Lai từ khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh hiu quạnh rồi Bộ trưởng Thương mại rất nổi cộm.

Nhưng, ngoài các chi tiết hấp dẫn được phanh phui gần như mỗi ngày, người ta còn cần nhìn ra nhiều chứng tật bẩm sinh của mô thức chính trị Trung Quốc mà bên ngoài gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh", hay "Beijing Consensus". Từ nguyên thủy, xin nhắc lại rằng đó là một chữ do doanh nghiệp du thuyết – chuyên về "lobby" – của Henry Kissinger đặt ra từ năm 2004 với dụng ý ngợi khen và gây ấn tượng tốt đẹp về mô thức Trung Quốc so với các mô thức khác.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung từ bốn năm nay của các nước đi theo kinh tế thị trường, chính trị dân chủ và xã hội cởi mở - chủ yếu là ba khối kinh tế Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản - giải pháp chủ động phát triển với vai trò lãnh đạo của nhà nước có thể đạt kết quả khả quan hơn, như trường hợp Trung Quốc, với mức tăng trưởng tột bậc.

Vì vậy, mô thức Trung Quốc có sức cám dỗ rất cao cho nhiều quốc gia chậm tiến và các chế độ độc tài. Thậm chí, việc nhà nước can thiệp nhiều hơn vào thị trường cũng được nhiều nước dân chủ đề cao, như ta đang thấy ngay tại Hoa Kỳ, với chủ trương của Chính quyền Barack Obama và đảng Dân Chủ.

Nhưng chuyện Bạc Hy Lai đang chết kẹt trong cái bình sa lậu là cơ hội cho chúng ta nhìn lại tất cả....


***


Trước hết, trên nguyên tắc, khi được đề cử vào Bộ Chính trị, 25 người cầm đầu đảng Cộng sản Trung Hoa đều mặc nhiên cam kết là ngày nào mà họ còn tại chức thì bản thân không liên hệ vào bất cứ một cơ sở kinh doanh nào. Lý do lý tưởng ở đây là nhờ vậy, họ có thể ở vào vị trí khách quan để thẩm xét những chọn lựa chiến lược về quốc kế dân sinh, chứ không vì tư lợi.

Trong thực tế, gia đình và thân tộc của họ vẫn có quyền và nhờ đó có cái thế tham gia vào việc kinh doanh trong một hệ thống kinh tế mà các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo và được ưu đãi. Nhưng trên nguyên tắc, đám thân tộc này vẫn được gọi là "tư doanh" và còn được giới đầu tư quốc tế ve vãn qua các công ty môi giới, hay doanh nghiệp thuyết khách, và các tay cò mi cò mồi quốc tế.

Doanh gia Neil Heywood bị tình nghi là đánh độc dược bằng thạch tín là một loại cò mồi đó – mà vẫn chỉ là cò con – và thi hài được lật đật hoả táng, cho đến khi Giám đốc Công an Trùng Khánh phanh phui làm Bạc Hy Lai và gia đình ngã ngựa.

Hiện tượng Bạc Hy Lai, con trai của Bạc Nhất Ba, một trong "bát đại nguyên lão" – các đồng chí cách mạng thời Mao Trạch Đông – hay bà vợ là Cốc Khai Lai, con gái của một viên sĩ quan lừng danh năm xưa khi "cho Việt Nam một bài học" năm 1979, cùng nhiều nhân vật khác trong "Thái tử đảng" không là hy hữu mà là quy luật.

Khi vụ Trùng Khánh đổ bể, người ta biết thêm về vai trò "doanh gia" của anh và em Bạc Hy Lai như Bạc Hy Dũng, Bạc Hy Thành, hay các chị em của Cốc Khai Lai là Cốc Hoàng Giang, Cốc Hoàng Ninh, v.v.... Nào chỉ có vậy, con cháu những Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng – công trình sư của vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989 – hay rất nhiều lãnh tụ khác trong khu Trung Nam Hải, kể cả Ôn Vân Tùng, con trai của Tổng lý Quốc vụ viện là đương kim Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đều là loại doanh gia thành công và rất được quốc tế trọng vọng.

Sự cấu kết giữa "tư doanh" có thế lực và quan hệ với các tập đoàn nhà nước trong một chế độ tư bản nhà nước tất nhiên dẫn đến "chủ nghĩa tư bản thân tộc", "crony capitalism", một ấn bản hiện đại hơn của quy luật châu Á nay hết là độc quyền Á châu: một người làm quan cả họ được nhờ.

Đấy là sự bất công của hệ thống tư bản nhà nước "với màu sắc Trung Hoa" hay "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" vì tạo ra một sân chơi bất bình đẳng. Nhưng... nhập gia tùy tục, tư bản quốc tế vẫn nhảy vào sân chơi đó với cái đòn bảy là mối quan hệ cùng thân tộc của lãnh đạo.

Nhiều người còn tô màu ngũ sắc cho sự cấu kết mờ ám bằng khẩu hiệu "Đồng thuận Bắc Kinh".

Điều mà người ta ém nhẹm bên dưới là nhìn từ quan điểm quyền lợi của bá tánh hay sự vững bền của mô thức phát triển, các nhóm quyền lợi đó tác động vào sự chọn lựa của lãnh đạo ở trên. Họ thực tế cản trở việc cải cách và đưa xứ sở vào "bẫy xập" là điều mà chính đám trí thức của chế độ đã báo động: Trung Quốc hết dám cải cách khi chiến lược phát triển đã đi hết giới hạn của sự vận hành khả quan từ 30 năm qua. Nay đang bị nguy cơ khủng hoảng!

Đấy là lúc không nên thoái lui về chủ trương bảo thủ của Mao Trạch Đông do Bạc Hy Lai minh diễn với sự hùng hồn của một nghệ sĩ. Nhưng vấn đề không chỉ có khía cạnh kinh tế chính học học nhờ nhờ màu đỏ như vậy!


***


Vấn đề nó sâu xa hơn thế: với quyền lực tuyệt đối của đảng và con mắt tinh tường của Ban Kỷ luật Trung ương, cơ chế tối cao về nhân sự và kỷ cương trong đảng, còn cao hơn cả Ban Tổ chức Trung ương lẫn Ban Chính pháp Trung ương, vì sao một nhân vật như Bạc Hy Lai đã có thể vọt lên như ngôi sao băng?

Phải chăng, thành tích hay tỳ vết của họ Bạc khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh rồi Bộ trưởng Thương mại trước khi về lãnh đạo Trùng Khánh năm năm về trước là những gì mà ở trên không biết? Hoặc đã biết một cách lệch lạc nên mới sớm đề bạt và còn ngợi ca? Bây giờ Ban Kỷ luật mới lại mở cuộc điều tra - mà càng điều tra càng thấy giật mình.

Tệ nạn tham nhũng của họ Bạc đã có từ thời ở Liêu Ninh và thành tích "đả hắc" tại Trùng Khánh – diệt trừ các tổ chức tội ác của xã hội đen –  đã che giấu nạn thủ tiêu đối lập và cấu kết với mafia! Ngoài Bạc Hy Lai, còn những ai khác ở nơi khác có thể đang ở trong trường hợp này?

Nếu Vương Lập Quân không bò ra và bỏ chạy vào tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô để tìm cõi sống, thì trung ương có biết không? Mà có bao giờ mà người dân được biết không?

Ngoài cái nạn tư bản thân tộc và việc kiểm tra nhân sự, chuyện thứ ba, còn gai góc hơn cho "Đồng thuận Bắc Kinh" là việc chuyển giao quyền lực.


***


Với cái nhìn lạnh lùng về mọi cuộc đấu tranh giành quyền lực ở mọi thời, mọi nơi, người ta đều phải có thể kết luận - một cách phiến diện - rằng vụ Bạc Hy Lai là một biểu hiện của chuyện tranh quyền.

Có thể họ Bạc được hậu thuẫn của Trưởng ban Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang - cựu Bộ trưởng Công an, nay là nhân vật thứ chín trong Thường vụ Bộ Chính trị, cầm đầu cơ chế của trung ương có chức năng chỉ huy cả hai bộ Công an và bộ An toàn Quốc gia, nghĩa là cảnh sát và tình báo - hoặc một số tướng lãnh, kể cả con trai duy nhất còn lại của Lưu Thiếu Kỳ là Tướng Lưu Nguyên. Nhưng lại gặp trở ngại từ nhiều nhân vật lãnh đạo khác trong Bộ Chính trị. 

Họ là những ai? Chúng ta khó biết được.

Có thể là Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo hay Hạ Quốc Cường, Trưởng ban Kỷ luật Trung ương, là những người thuộc lớp lãnh tụ sắp về hưu. Hay Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, là hai người sẽ lên thay thế cặp Hồ-Ôn. Hoặc Bí thư Quảng Đông là Uông Dương, một cựu Bí thư Trùng Khánh và nhân vật đang hy vọng ngồi vào ghế "thất hiền", bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sau Đại hội 18.

Xuyên qua đó, ta có thể đoán ra một số thế lực bên trong "cái đa số thầm lặng" này.

Nhưng hãy nhìn sân khấu chính trị Trung Quốc trong viễn cảnh sâu xa hơn.

Từ năm 1981, Đặng Tiểu Bình đề ra nguyên tắc đồng thuận là tập thể lãnh đạo phải giữ vẻ thống nhất – không công khai hóa những dị biệt về quan điểm hay chủ trương – và tuyệt đối gạt bỏ tệ sùng bái cá nhân như dưới thời Mao. Ông ta cũng đề ra nguyên tắc chuyển giao quyền lực một cách ôn hoà khi lãnh đạo chọn trước những người sẽ lên thay thế trong thập niên tới.

Vậy mà họ Đặng đã tuột tay trong vụ khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 khiến mấy ngàn người bị tàn sát và Tổng Bí thư đương thời là Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia cho đến chết.

Lần đó, các tướng lãnh đã được điều vào thay thế Quân khu Thủ đô để dẹp loạn tại Bắc Kinh. Nhờ đó, Giang Trạch Dân và Kiều Thạch cùng Lý Bằng đã lên ngôi, trong khi cũng theo ý họ Đặng mà chọn trước Hồ Cẩm Đào sẽ lên thay thế trong Đại hội 16 vào năm 2002. Nhờ vậy từ 1991, Trung Quốc đã bảo đảm được sự chuyển quyền tương đối êm ả trong hai chục năm.

Thế rồi vụ Bạc Hy Lai bị đột ngột hạ bệ cho thấy nhược điểm của lối tuyển chọn âm thầm đó. 

Vì có âm thầm là có mờ ám! Sự mờ ám này làm đảng Cộng sản Trung Hoa đang bị khủng hoảng khi chuyển giao lãnh đạo cho thế hệ thứ năm và chuẩn bị người thay thế trong thế hệ lãnh đạo thứ sáu.

So sánh với tiến trình tranh cử ồn ào, tèm lem và đầy bất ngờ của các nền dân chủ, sự ổn định ở bề mặt của mô thức Trung Quốc mới là một bất trắc sinh tử! Sinh tử nhất, nếu ta không mắc bệnh quên trí nhớ là vụ Thiên an môn bùng nổ vì một nguyên nhân đầu tiên: dân chúng biểu tình phản đối nạn tham nhũng và mối lo về lạm phát. Chuyện đấu tranh cho dân chủ chỉ là hậu quả, đến sau.... Mà tham nhũng hay lạm phát cũng đang là mối lo hiện đại của lãnh đạo vì là sự bất mãn của quần chúng.

Vấn đề ấy dẫn ta về hiện tại là chuyện thứ tư là sự đổi thay của xã hội.


***


Khi Đặng Tiểu Bình còn tại thế, xã hội Trung Quốc chưa lãnh cuộc cách mạng tín học và làn sóng thông tin có thể gọi là vô cương, không biên giới.

Xưa kia, nhờ khả năng bưng bít thông tin và tuyên truyền có định hướng, các lãnh tụ ở trên đã có thể âm thầm và nham hiểm kiểm soát nhận thức của mọi người như những đạo diễn có tài, vì mọi diễn viên trong hậu trường đều theo sát kịch bản đồng thuận đã được tập thể chọn lựa. Nhưng qua thế kỷ 21, hiện tượng thông tin vô cương và mạng lưới xã hội điện tử toàn cầu đã đảo lộn trò chơi hắc ám này.

Khi nội vụ đổ bể từ hôm mùng bảy Tháng Hai – là lúc Vương Lập Quân đồng ý ra khỏi toà Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô để được giải về trung ương là Bắc Kinh thay vì có thể bị tay chân họ Bạc thủ tiêu ngay tại Trùng Khánh – làn sóng thông tin đã phá vỡ những bức vách ngăn cách của lãnh đạo.

Ban đầu, các lãnh tụ Bắc Kinh còn tương kế tựu kế mà cho loan truyền một số tin tức có chọn lọc và dụng ý về Vương Lập Quân rồi Bạc Hy Lai. Nhưng trong hai tháng liền, qua các mạng thông tin chằng chịt ở trong và ngoài Trung Quốc, làn sóng đó đã gây phản tác dụng theo đúng quy luật "lộng giả thành chân": có nơi loan tin về nguy cơ đảo chánh quân sự và có nơi phát động phong trào đề cao Mao Trạch Đông – để bênh vực Bạc Hy Lai.

Chuyện đồng thuận và âm thầm bỗng dưng chấm dứt và nhiều người loan tin trong các blog bị cầm tù. Vì trò chơi của trung ương lại mở ra nguy cơ tranh luận công khai không chỉ trên thượng tầng mà ngay trong quần chúng và cả... quân đội.

Kết cuộc thì y như trong vụ Lâm Bưu tử nạn năm 1971 sau một vụ đảo chánh hụt và bị phản đảo chánh, các tướng lãnh phải lên tiếng thề bồi là Quân đội Giải phóng vẫn tuyệt đối trung thành với đảng! Chu Vĩnh Khang cũng giương tay thề thốt không kém.


***


Khi nhìn lại toàn vụ, từ chuyện tư bản nhà nước, tư bản thân tộc đến tham nhũng và tranh quyền, từ việc kiểm tra nhân sự đến tuyển chọn lãnh đạo và điều hướng dư luận, mô thức Trung Quốc hay cái gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" chỉ là bi kịch của xã hội đen khoác áo đỏ.

Xét cho cùng thì cũng chẳng khác chi tuồng hát đang tưng bừng ở Hà Nội. 


Tam giác Tây, Ta, Tàu

Nguyễn Xuân Nghĩa & Đinh Quang Anh Thái Ngày 100510
"Giờ Giải Ảo"

 Con rồng cháu tiên mà cõng rắn cắn gà nhà?

* Giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc đánh bại quân Pháp... tại Bắc Ninh - Tranh dân gian... của Tầu *



ĐQAThái: Đây là Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, phát thanh mỗi tối Thứ Ba trên băng tần 1190AM của đài NVR và trên mạng lưới điện toán kxmx.com cùng trang nhà của nhật báo Người Việt. Xin kính chào ông Nghĩa cùng quý thính giả gần xa.

Mặc dù rằng đây là một việc rất riêng tư, đài NVR vẫn xin mượn làn sóng điện này có lời phân ưu cùng ông Nguyễn Xuân Nghĩa và tang quyến sau khi thân phụ ông Nghĩa là cụ Nguyễn Xuân Hiếu vừa tạ thế hôm Thứ Tư mùng năm vừa qua và chúng tôi xin cảm tạ ông Nghĩa vẫn trở lại với chương trình Giờ Giải Ảo mặc dù gia đình đang rất bận về tang lễ.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng tôi xin kính chào và cảm tạ nhật báo Người Việt, đài NVR và nhiều thân bằng quyến thuộc cùng thính giả gần xa đã liên lạc để chia buồn. Thông thường, theo phong tục xưa thì khi có đại tang trong nhà, chúng ta cứ thấy như trái đất ngừng quay và trong ba năm thì coi như không được làm gì cả để gọi là "cư tang", nếu không thì mang tiếng là "bất hiếu". Chúng ta nên đổi khác việc đó và cách hay nhất để tưởng nhớ đến người đã khuất chính là tiếp tục làm việc tử tế cho những người còn lại....

ĐQAThái: Kỳ này, ông Nghĩa sẽ đề cập tới chuyện gì trong một chuỗi các vấn đề mà ông cho là mình cần giải ảo?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng có chuyện trăm năm!

- Chuyện trăm năm về trước khi Pháp nhóm ngó Bắc Kỳ và chuẩn bị tấn công Hà Nội lần đầu vào năm 1872. Chuyện ấy cho thấy vấn đề của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và đáng lý đã phải khiến dân ta suy nghĩ vào năm 1972, khi Nixon qua Tàu!

- Trước tiên, xin đọc một bài thơ của Ông Ích Khiêm, một người văn võ toàn tài và đã có nhiều công lao chống giặc và trừ loạn, đã than phiền việc tướng tá của ta không ngăn được giặc Pháp mà phải thuê giặc Tàu là quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc.

Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Ðến khi có giặc phải thuê Tàu!
Từng phen võng giá mau chân nhẩy
Ðến bước chông gai thấy mặt đâu?
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu!
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.

ĐQAThái: Nghĩa là hơn trăm năm trước, khi thực dân Pháp xâm lăng nước ta, triều đình đã phải thuê một đám giặc cướp người Trung Hoa cùng ngăn giặc Pháp và có một viên tướng của chúng ta lại không đồng ý với việc đó? Vì thế, ông mới nhắc tới bài thơ của cụ Ông Kích Khiêm?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhắc lại bài thơ của Ông Ích Khiêm vì một vấn đề còn lớn hơn gấp bội.

- Nhà Mãn Thanh từ đời Gia Khánh và Đạo Quang khi ấy đã lụn bại sau vụ nổi loạn của Hồng Tú Toàn và phong trào gọi là "Thái bình Thiên quốc" nhuốm mùi tôn giáo vào năm 1850. Vụ khởi nghĩa lớn lao ấy làm nhà Thanh bị rung chuyển, xuýt bị lật đổ nên mới giải thích vì sao lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay rất sợ giáo phái Pháp luân công! Giáo phái Thái bình Thiên quốc này nổi lên từ hai tỉnh miền Nam giáp giới với nước ta là Quảng Đông và Quảng Tây. Sau đó, dư đảng của Hồng Tú Toàn mới trở thành đám giặc Cờ Vàng, Cờ Trắng và Cờ Đen qua nhũng nhiễu miền Bắc nước ta.

- Sau khi chiếm Nam kỳ Lục tỉnh vì tưởng rằng có thể lần theo sông Mekong vào buôn bán với Trung Hoa, quân Pháp mới tìm đường từ sông Hồng lên và chuẩn bị tấn công miền Bắc. Khi ấy, vào triều Tự Đức, quân ta chống cự không nổi và nghĩ đến cách nương tựa Trung Quốc. Nhưng, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh gửi mật sớ lên vua Thanh, nói rằng: "nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía bắc sông Hồng Hà".

- Bởi vậy triều đình nhà Thanh mới sai Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây, sau lại sai quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân sang tiếp ứng. Xin quý vị xem lại Việt Nam sử lược, chương XIII của cụ Trần Trọng Kim.

- Trong khung cảnh lịch sử ấy, ta mới nhớ ra cái thế "tam giác" giữa Tây, Ta và Tàu! Tưởng rằng mượn quân của Trung Quốc để chống Tây chống Mỹ, giờ này dân ta mới thấy hố. Mà Trung Quốc thời nay lại không mục nát rệu rã như nhà Mãn Thanh thời xưa cho nên chuyện trăm năm trước chính là chuyện ngày nay!...

ĐQAThái: Ông nhắc tới chuyện ấy thì mới thấy ra những cảnh tương đồng! Khi còn bé mà đi học thì ta chỉ nhớ lõm bõm nào là giặc Cờ Vàng Hoàng Sùng Anh hay giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc.  Ít ai chú ý tới khung cảnh gọi là địa dư chính trị của hoàn cảnh "tay ba" vào thời ấy. Bây giờ, nhờ ông nhắc thì ta mới thấm thía lời kêu gọi của Ông Ích Khiêm: "Ai ơi hãy chống trời Nam lại - Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!"

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta có nhiều cách suy nghĩ về chuyện xưa lắm.

- Lưu Vĩnh Phúc chẳng hạn, có thể là một nhân vật của tiểu thuyết hay điện ảnh mà tôi cho là còn ly kỳ gấp trăm lần phim "The Last Samurai" của Mỹ hay truyện "Lord Jim" của Anh. Các em nhỏ thích chơi trò điện ảnh thì nên nghiên cứu và tìm hiểu về hoàn cảnh lịch sử và nhân vật này vì nó liên hệ đến cả miền Bắc, đến dân thiểu số miền núi, đến tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Tầu, đến tay thương nhân đầy chất con buôn phiêu lưu là Jean Dupuis hay cha Puginier của Công giáo.

- Lưu Vĩnh Phúc là kẻ đã phục kích quân Pháp hai lần tại Ô Cầu Giấy và giết chết hai viên tư lệnh của đội quân viễn chinh Pháp tại Bắc Kỳ là Đại úy Francis Garnier vào cuối năm 1873 và Đại tá Hải quân Henri Rivière vào đầu năm 1883. Tôi còn nhớ là hồi bé mình có đọc được một cuốn tiểu thuyết của Đinh Hùng ký tên Hoài Điệp Thứ Lang mô tả lại trận phục kích Francis Garnier và nói rằng Garnier bị một hiệp khách của ta giết chết. Quý thính giả nào còn nhớ tới truyện này thì xin mách cho biết, chứ tôi thì quên mất rồi! Ở đây thì chỉ còn nhớ bài văn tế Francis Garnier của cụ Nguyễn Khuyến.

ĐQAThái: Ông có thể đọc lại bài văn tế đó ở đây không?  

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau khi Garnier bị giết năm 1873, tổng đốc Hà Nội là Trần Đình Túc phải vâng lệnh triều đình hoà hoãn với quân Pháp và phải tổ chức lễ truy điệu. Cụ Tam nguyên Yên Đổ là Nguyễn Khuyến bậc đại khoa được cử viết bài văn tế. Cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc có ghi lại bài đó như sau trong cuốn "Giai thoại Làng nho" xuất bản ngày xưa ở Sàigòn:

Than ôi! Một phút sa cơ, ra người thiên cổ
Nhớ ông xưa: Cái mắt ông xanh, cái da ông đỏ
Cái tóc ông quăn, cái mũi ông lõ
Đít ông cưỡi lừa, miệng ông huýt chó
Ông đeo súng lục-liên, ông đi giày có mỏ

Ông ở bên Tây, ông sang bảo-hộ
Ông dẹp Cờ Đen, để yên con đỏ
Nào ngờ: Nó bắt được ông, nó chặt mất sỏ
Cái đầu ông kia, cái mình ông đó
Khốn-khổ thân ông, đù mẹ cha nó

Tôi: Vâng lệnh quan trên, cúng ông một cỗ
Này chuối một buồng, này rượu một hũ
Này xôi một mâm, này trứng một rổ
Ông có linh-thiêng, mời ông xơi hộ
Ăn uống no say, nằm cho yên chỗ
Ới ông Ngạc Nhi ơi! Nói càng thêm khổ!

- Ngày xưa, các cụ mình phải phiên âm tên của Francis Garnier ra Nhạc Nhi. Mình nên nhắc lại cho đời sau khỏi quên. 

- Cũng cần nói lại là sau vụ phiêu lưu và làm ẩu của Francis Garnier, ông ta bị chính phủ Pháp quy cho là có trách nhiệm chính. Nhưng sau này, vào đầu năm 1983, thi thể của Francis Garnier được khai quật (cũng như của Ernest Doudart de Lagrée) và được hỏa táng. Các lọ đựng tro được bàn giao lại cho Tổng lãnh sự Pháp tại Sàigòn ngày 2 tháng 3 năm 1983 và được chuyển về Pháp sau đó để chôn cất tại quận sáu của Paris trước một đài kỷ niệm ở công trường Camille Julian. Ngày nay, tên Francis Garnier còn được dùng cho một chiến hạm vận tải nhẹ của Hải quân Pháp.

ĐQAThái: Đó là một cách nghĩ lại chuyện xưa. Nhưng hình như ông còn có cách khác nữa phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, nếu mình chịu khó đọc lại sử Tầu vào thời đại ấy thì sẽ thấy ra rất nhiều chuyện lạ và... rất hiện đại.

- Thí dụ như Hồi giáo đòi tự trị, các tỉnh miền Nam thì đòi tách riêng, và liệt cường Tây phương, kể cả nước Nga, thì gõ cửa đòi giao thương làm ăn. Triều Thanh khi ấy rất hoang mang, hốt hoảng vậy mà vẫn còn ý định xâm lấn nước ta. Và triều đình nước Nam vào năm 1882 còn cầu cứu với Trung Hoa. Đó là lý do khiến ngoài đám giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, Bắc Kinh còn phái thêm bốn vạn quân của hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây qua đánh Pháp. Rốt cuộc thì lãnh thổ nước Nam thành địa bàn giao tranh giữa quân Thanh và quân Pháp trước sự lúng túng của triều đình. Rồi vì nội loạn và kiệt quệ, nhà Mãn Thanh đành ký hòa ước Thiên Tân với Pháp vào năm 1883 để thừa nhận là nhường chủ quyền trên đất nước ta cho thực dân Pháp. 

- Sau đấy, chúng ta lại tái diễn sai lầm cũ khi Cộng sản Việt Nam lại mượn quân Tàu đánh Tây đánh Mỹ và lần này thì chưa biết là sẽ làm sao thoát vì đảng Cộng sản Việt Nam nay tự nhận là phụ dung của đảng Cộng sản Trung Quốc. Bất cứ ai muốn lên lãnh đạo đảng ở Hà Nội thì cũng phải chạy qua Bắc Kinh xin cầu phong trước! Khác với ngày xưa có giặc Cờ Đen, nay ta có giặc cờ đỏ nằm ngay trong triều đình ở Hà Nội!


________

Vì vấn đề đang... lại nóng, xin đăng lại một bài cũ trong chương trình "Giờ Giải Ảo" năm xưa, đã phát thanh ngày 20100510 - NXN