Thứ Bảy, tháng 7 30, 2016

Vì Sao Khó Chống Khủng Bố?



Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160728
Hồ Sơ Người-Việt


Tây phương lầm về khủng bố và về chính mình


* "Khủng bố Hồi giáo đã vào tới sân sau nhà tôi" - một hộp đêm của dân đồng tính tại Orlando *



Từ 15 năm nay, Hoa Kỳ lâm vào một cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo mà chưa có kết quả.

Từ 15 tháng nay, từ 15 ngày qua, quân khủng bố ra tay gần 50 lần làm mấy ngàn người thiệt mạng tại mọi nơi, kể cả trong các nước Âu Châu như Bỉ, Pháp và Đức, hay tại Hoa Kỳ như vụ sát hại 49 người ở thành phố Orlando, tiểu bang Florida…. Phải chăng Hoa Kỳ và các nước Tây phương đang thất bại? Phải chăng cuộc chiến chống khủng bố chưa thành công vì các nước đã lầm mục tiêu? Hồ Sơ Người-Việt sẽ phân tách chuyện này….



Thành Tích Diệt Thù


Với quần chúng và các nhà bình luận lẫn chính trị gia, Hoa Kỳ đã đạt thành tích là tiêu diệt hay ám sát được các lãnh tụ khủng bố nguy hiểm nhất.

Thí dụ kể ra thì rất dài, dài như các cuộc họp báo để biểu dương thành tích. Gần đây là một thủ lãnh của tổ chức Taliban tại Afghanistan là Mullah Mohammed Akhtar Mansour, bị Hoa Kỳ hạ sát hôm Thứ Bảy 21 Tháng Năm, hai tuần sau khi một lãnh tụ khác của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS là Abu Wahib bị không kích và tử nạn. Trước đó, Hoa Kỳ đã hạ sát mấy trăm đặc công của quân khủng bố xưng danh Thánh Chiến.

Kể từ vụ 9-11 tại Hoa Kỳ năm 2001, đấy là thành tích không nhỏ, kể cả mấy tay đứng đầu danh trạng: như Osama bin Laden, người sáng lập tổ chức Al-Qaeda, bị giết tại Pakistan ngày một Tháng Năm, 2011; hay người sáng lập Al-Qaeda tại Iraq là Abu Musab al-Zarqawi, bị bắn chết tại Iraq ngày bảy Tháng Sáu, 2006. Gần đây hơn, giữa Tháng Ba 2016 là tư lệnh quân sự Abu Omar al-Shishani của ISIS, hoặc thủ lãnh của tổ chức ISIS tại Libya Abu Nabil bị giết ngày 13 Tháng 11 năm 2015…. Xen vào đó, có tay sáng lập phong trào Taliban tại Pakistan là Baitullah Mehsud, tử trận ngày năm Tháng Tám, 2009, hay lãnh tụ của tổ chức khủng bố Al-Shabaab xuất thân từ Al-Qaeda là Hassan Ali Dhoore bị tiêu diệt tại Somalia ngày một Tháng Tư 2016….

Khi nhớ lại, người ta có thể quên tên từng nhân vật, nhưng nên giật mình về một sự thật khác: quân khủng bố có quá nhiều tổ chức hay danh hiệu. Nào là Al-Qaeda thành danh trong vụ 9-11 sau khi tấn công Hoa Kỳ nhiều lần kể từ năm 1993, rồi Al-Qaeda tại Iraq, rồi Al-Qaeda tại Bắc Phi Trung Đông (AQIM, khu vực Maghreb Hồi giáo), Al-Qaeda tại Bán đảo Á Rập  (AQAP), Al-Qaeda tại Yemen hay Somalia. Sau Al-Qaeda là lực lượng Taliban tại Afghanistan và Pakistan, rồi mới đến tổ chức ISIS, có mặt tại Syria, Iraq, Libya, đã lập thành tích sát thủ với các đặc công xuất xứ từ Trung Á. Hoặc sinh đẻ ngay trong các nước Tây phương.

Hoa Kỳ đã lập thành tích mà thất bại – và sẽ còn thất bại – vì lầm lẫn căn bản nhất: coi khủng bố là một tổ chức.

Quân khủng bố có nhiều tổ chức đôi khi giết hại lẫn nhau chứ không thống nhất. Yếu tố thống nhất không là phương pháp khủng bố mà là phong trào. Yếu tố then chốt, khủng bố không là một quốc gia như Afghanistan, hay một tổ chức phi quốc gia như Al-Qaeda, hoặc một tổ chức đã có một phần lãnh thổ như ISIS, hay các nhóm tự phát ở nơi này nơi khác, hoặc vài kẻ học đòi làm bom tiểu thủ công nghiệp và dùng súng tự động, hoặc lấy xe vận tải nặng 19 tấn cán vào đám đông….

Khủng bố là phong trào lan rộng, đôi khi tự phát, cùng chia sẻ một ý thức hệ là tàn sát bất cứ ai không coi Hồi giáo là hệ tư tưởng tất nhiên phải lãnh đạo toàn cầu trong một khái niệm mơ hồ là Thánh Chiến, chiến tranh tôn giáo. 


Từ Tổ Chức đến Phong Trào


Theo quy tắc “sát nhất nhân vạn nhân cụ” – giết một người làm vạn người sợ - nạn giết hại kẻ vô can để gây hãi sợ đã xuất hiện từ mấy ngàn năm. Nhưng kể từ cuối Thế kỷ 19 đấy là phương pháp phổ biến từ tầng lớp trí thức Nga theo chủ nghĩa vô chính phủ, rồi lan rộng qua Âu Châu đến nhiều nơi khác tại Á Châu hay Trung Nam Mỹ. Thời Chiến tranh lạnh, cả Liên bang Xô viết lẫn Trung Hoa Cộng Sản (Trung Cộng) đã áp dụng và huấn luyện phương pháp này cho các tổ chức chư hầu hay “đồng chí” của họ. Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tác phẩm nổi bật mà “được” truyền thông quốc tế hiểu lầm nên xóa tội!

Bây giờ quốc tế tiếp tục hiểu lầm nữa trong một trận chiến sinh tử khác….

Vì sinh sau đẻ muộn lại có sức mạnh kinh tế và quân sự lớn nhất, Hoa Kỳ không hiểu khủng bố chỉ là một phương pháp đấu tranh trong nhiều phương pháp. Các cường quốc chống Mỹ đã khai triển phương pháp đó và lập ra những nhóm khủng bố, rồi hệ thống hóa thành nhiều tổ chức.

Trong thế giới Hồi giáo, tổ chức khủng bố của người Palestine (dân Á Rập theo Hồi giáo sinh sống trên đất Palestine) do Yasser Arafat lãnh đạo đã gây nhiều vấn đề cho quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ. Xưng danh là Tổ chức Giải phóng Palestine, PLO, lực lượng này được Liên Xô huấn luyện và yểm trợ để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực Trung Đông và là tổ chức khủng bố có thành tích nhất.

Sau đó mới là các nhóm khủng bố khác tại Ý, tại Nhật, thậm chí bên Peru ở Nam Mỹ….

Khi là một tổ chức, quân khủng bố phải có hệ thống lãnh đạo được phân cấp thành từng tiểu tổ biệt lập với thông tin cực kỳ giới hạn để bảo mật. Muốn diệt trừ quân khủng bố thì Hoa Kỳ hay đồng minh như Israel phải xâm nhập nhằm phá hoại và ly gián từ bên trong. Kinh nghiệm chống khủng bố của nước Mỹ xuất phát từ đó, và coi như mỹ mãn sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, và PLO bị phân hóa chính trị.

Yếu tố quyết định là Liên Xô tan rã, là Chiến tranh lạnh kết thúc, nhưng hậu quả tai hại là Hoa Kỳ lại tưởng rằng đấy là thành tích chống khủng bố của mình rồi áp dụng vào việc chống khủng bố Hồi giáo ngày nay. Tai hại hơn vậy, Chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Barack Obama lại không dám gọi tên cho đúng là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mà chỉ nhắm vào tổ chức khi tư tưởng Hồi giáo quá khích đã trở thành phong trào.

Khi mà khủng bố đã là phong trào, được nhiều người tham gia mà chẳng cần gia nhập tổ chức – nên khó bị xâm nhập hơn – thì cần câu, ngọn cỏ hay súng nhỏ, dao dài hoặc cái xe vận tải lẫn dây lưng đầy chất nổ cũng có thể là võ khí. Các con sói độc, thiếu nhi hay “chiến sĩ gái” cũng có thể là anh hùng tuẫn đạo cho một đấng Allah không có tiếng nói mà lại đầy giáo sĩ phát ngôn viên cuồng tín.

Hoa Kỳ có máy bay tự động tấn công các đặc công hay cơ sở của tổ chức khủng bố tại Syria hay Afghanistan mà chẳng thể đối phó với loại khủng bố đơn lẻ, tự phát của kẻ cuồng sát trong xã hội Mỹ. Rồi vì tính chất “phải đạo chính trị”, cánh tả tại Hoa Kỳ lại xoay ra kết tội khẩu súng! Nơi có luật lệ kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất như Pháp hay Đức vẫn có thể bị khủng bố tấn công, bằng cách khác.

Vì vậy, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đưa ra hai hình ảnh trái ngược, được giới bình luận suy diễn sai lạc vì quan điểm chính trị.

Hình ảnh đầu tiên là sự chiến thắng của nước Mỹ trên trận tuyến chống ISIS khi nhiều thủ lãnh khủng bố bị máy bay tự động hạ sát tại Syria hay Iraq, hay Libya. Tổng thống Obama có lý trên bề mặt khi nói tổ chức ISIS đang bị đẩy lui. Hình ảnh kia là tư tưởng sát nhân của ISIS hay Al-Qaeda tiếp tục reo rắc nạn khủng bố tại Mỹ với những thống kê u ám, khét lẹt. Nếu các cơ quan an ninh Hoa Kỳ ráo riết ngăn chặn hiện tượng này trong xã hội Hoa Kỳ, thì tư tưởng đó dẫn tới khủng bố tại nơi dễ thành công hơn: các mục tiêu mềm hay đối tượng vô can tại Âu Châu….


Sức Mạnh của Khủng Bố Hồi Giáo


Khủng bố Hồi giáo, dù thuộc hệ phái Sunni hay Shia, theo sắc tộc này hoặc thuộc bộ lạc nọ, có sức mạnh vì đã thành phong trào. Dù xuất phát từ một tổ chức, khi mà khủng bố trở thành phong trào thì nó khỏi cần giao liên để tiếp xúc, liên lạc, huấn luyện hay yểm trợ. Các nước chống khủng bố đều có thể giải thích rằng mình đã triệt hạ một số nhân vật đầu não của tổ chức thì cũng chỉ nhìn vào tổ chức như vào kính chiếu hậu, lấy hư làm thực. Và càng khoe thành tích diệt trừ thủ lãnh của tổ chức thì lại càng tuyên truyền cho phong trào.

Trong phong trào này, có những kẻ không hề biết gì về tổ chức mà vẫn học được kỹ thuật giết người rẻ tiền và dễ thi hành nhất. Nguồn cung cấp kỹ thuật sát nhân là mạng lưới thông tin. Hệ thống thông tin hiện đại là điều gì đó mà PLO hay Lữ đoàn Đỏ hoặc các tổ chức khủng bố truyền thống trước đây không hề có.  

Ngoài môi trường thông tin thuận lợi, một sức mạnh khác của Khủng bố Hồi giáo chính là cuộc khủng hoảng văn hóa của Tây phương.

Chỉ có tại các nước Tây phương, Âu Châu và Hoa Kỳ, tinh thần hoài nghi Thiên Chúa Giáo và mặc cảm phạm tội lẫn lý tưởng đại đồng mơ hồ mới được đề cao. Từ đã lâu, Thiên Chúa Giáo và cả Thiên Chúa, đã bị hạ bệ, “Thượng Đế Đã Chết!” Nhiều Đại học Hoa Kỳ còn cấm đưa môn học về Văn minh Tây phương vào giáo trình nhân văn. Thảng hoặc như nếu nói tới Tây phương hay Thiên Chúa Giáo thì chỉ nói đến Thập Tự Chinh, đến tính chất độc đoán của Giáo hội Công giáo thời Trung Cổ, nạn buôn nô lệ da đen, hay tội thực dân, đế quốc, v.v….

Cùng với trào lưu đó, ít ai biết gì về các nền văn minh hay đế quốc khác hay nhiều cuộc thảm sát trong lịch sử xuất phát từ những hệ thống tín ngưỡng hay tư tưởng đã từng chinh phục địa cầu bằng chiến tranh và tàn sát. Cuối cùng, sau hai Thế chiến, Tây phương tiến lên lý tưởng đại đồng, là đánh đồng mọi tôn giáo, tín ngưỡng hay văn hóa trong một thế giới đa văn hóa được tự do lưu hành cả người và vật lẫn những tư tưởng kỳ thị, thậm chí đề cao lũ sát nhân vì đạo pháp.

Nhưng nói chung, lãnh đạo các nước dân chủ cố tránh xúc phạm đến thế giới Hồi giáo có một tỷ 700 triệu người. Trong số này, không phải mọi người đều là quân khủng bố và đa số lại là nạn nhân của khủng bố. Nhưng dù đa số đều chối từ tinh thần cuồng tín của quân khủng bố xưng danh Thánh Chiến, họ không thể làm gì hơn là ra tuyên cáo lên án, rồi mọi người kết luận rằng đấy là hành động của một thiểu số điên khùng.

Thiểu số đó chưa có quốc gia, quân đội hay chiến binh mang đồng phục và dù chỉ có chừng 1% thì cũng là 17 triệu người! Chỉ có 0,01% trong số này cùng nhau nuôi dưỡng tư tưởng giết người thì đạo quân vô danh mà hữu thực đó cũng gần hai ngàn đặc công khỏi cần chiêu mộ hay kết nạp cũng có thể làm thế giới chấn động trong vài thập niên tới.


-----


Kết luận ở đây là gì?

Một cuộc chiến chống Hồi giáo là điều bất khả, khối Hồi giáo phải giải quyết vấn đề này của họ.

Nội chiến trong thế giới Hồi giáo là tất yếu, mà Tây phương không đưa ra giải pháp cho họ, lại giết lãnh tụ Hồi giáo độc tài như Saddam Hussein hay Muamar Gaddhafi để khủng bố lan thành phong trào.  

Không giáo dục công dân và con em của mình về giá trị tinh thần của Tây phương, các nước sẽ còn sống với khủng bố.

Trong cõi sống đó, Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ lại tuyên bố hôm Thứ Sáu 22 rằng mối nguy cho nhân loại ngày nay là hóa chất hydrofluorocarbons trong tủ lạnh! Ai sử dụng cái chất độc hại đó? Quân khủng bố có thể trả lời ngay là bọn nhà giàu tại các nước Tây phương!

 Ai mới là người điên trong cõi khùng này?  


Thứ Tư, tháng 7 27, 2016

Là Ngoại Tệ Dự Trữ Thì Được Gì?

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160727
Diễn đàn Kinh tế 
 
Nên mong cho đồng Nguyên vào giỏ ngoại tệ dự trữ - rồi vào rọ!   
 
 
000_Hkg3595085-622.jpg
* Đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. AFP * 


Đầu Tháng Chín này, Trung Quốc sẽ chủ trì hội nghị cấp lãnh đạo của nhóm G-20 tổ chức tại thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là lúc giới lãnh đạo Bắc Kinh ngợi ca việc đồng Nguyên của họ được đưa vào giỏ ngoại tệ dự trữ gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt SDR kể từ mùng một Tháng 10. Nhưng mặt trái của vị trí tôn quý ấy là gì?


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, theo quyết định năm ngoái của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, với sự đồng ý của các nước thành viên, kể cả Hoa Kỳ và Tây phương, thì vào Tháng 10 tới đây, đồng bạc Trung Quốc được đưa vào giỏ ngoại tệ của bốn loại tiền thông dụng nhất thế giới là đồng Mỹ Kim, đồng Euro, đồng Bảng Anh và đồng Yen Nhật. Chắc là tại thượng đỉnh của nhóm G-20 gồm hai chục nền kinh tế dẫn đầu thế giới, năm nay được tổ chức tại Hàng Châu vào đầu Tháng Chín, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ chào đón biến cố ấy và nói đến sự đóng góp của Trung Quốc cho thịnh vượng và ổn định tài chính của thế giới. Nhưng sự thật của biến cố này là gì và phải chăng điều ấy báo hiệu việc đồng Nhân Dân Tệ hay đồng Nguyên của Trung Quốc sẽ thay vị trí đồng đô la Mỹ như Bắc Kinh mong muốn từ lâu?


Nếu họ muốn đồng bạc tổng hợp, rồi đồng Nguyên sẽ thay đô la Mỹ thì họ lầm to vì kinh tế Trung Quốc không chịu đựng nổi trách nhiệm nặng nề ấy của một ngoại tệ phổ biến nhất. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong vụ này, chúng ta có hai ba vấn đề cần phân tích vì lý do khá chuyên môn khó hiểu. Một ngoại tệ dự trữ, trước tiên phải là một đồng bạc được các nước sử dụng làm phương tiện thanh toán việc mua bán một cách phổ biến nhất; sau đó phải là loại tài sản đáng tin cậy để các nước lưu giữ trong khối dự trữ ngoại tệ của mình. Vì vậy, ngoại tệ ấy được dùng làm cơ sở so sánh trị giá của các đồng bạc khác, gọi là tỷ giá hay hối suất. Trong ý đó, sau Thế chiến II, Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất từ 70 năm về trước, và ngày nay vẫn duy trì vị trí đó khi chiếm 64% khối dự trữ ngoại tệ của các nước trên thế giới, trước đồng Euro của Âu Châu, đồng Bảng Anh và đồng Yen Nhật.

- Thứ hai là sau vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ năm 2008, các nước như Pháp, Đức, Nga, Tầu, hay cả Ấn Độ và Brazil tại Nam Mỹ, đều yêu cầu tăng cường vai trò của một ngoại tệ dự trữ khác để thay đồng Mỹ kim. Đó là một giỏ có nhiều ngoại tệ do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF quy định, gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt, hay Quyền Đặc Trích, dịch từ Special Drawing Rights, viết tắt là SDR. Thứ ba, do sức mua bán phổ biến của nền kinh tế có sản lượng thứ nhì thế giới, Trung Quốc muốn đưa đồng Nguyên của họ vào giỏ ngoại tệ đặc biệt ấy và đã được IMF đồng ý từ năm ngoái. Nhưng nếu họ muốn đồng bạc tổng hợp này rồi đồng Nguyên của họ sẽ thay đô la Mỹ thì họ lầm to vì kinh tế Trung Quốc không chịu đựng nổi trách nhiệm nặng nề ấy của một ngoại tệ phổ biến nhất. Nhìn từ giác độ Việt Nam, tôi còn mong rằng họ sẽ đi tới đó và sớm gặp khủng hoảng của một con ếch mà muốn to bằng con bò!


Nguyên Lam: Thưa ông, ông vừa nói đến một khái niệm khá bất ngờ là “trách nhiệm nặng nề của một ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất”. Điều ấy bất ngờ vì xưa nay người ta vẫn cho là nhờ vị trí ngoại tệ dự trữ phổ biến mà Hoa Kỳ chiếm ưu thế và gần như trục lợi trên lưng các nước khác. Rồi, với đà phát triển của mình, Trung Quốc cũng mong có ngày tiến lên vị trí ấy để có ưu thế như Hoa Kỳ. Bây giờ, ông lại nói là mong Trung Quốc lên tới đó và sớm gặp khủng hoảng! Ông giải thích thế nào về nghịch lý này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một trong nhiều hiểu lầm phổ biến nhất của thiên hạ, kể cả các chuyên gia kinh tế ít quan tâm đến kế toán quốc gia. Người ta cứ cho rằng Mỹ chiếm lợi thế, thậm chí lợi thế bất chính, là nhờ vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng Mỹ kim, nhưng chẳng biết là ưu thế ấy đem lại những trách nhiệm mà chỉ nền kinh tế và chính trị Hoa Kỳ mới chịu nổi.



000_Hkg3450821.jpg-305.jpg
Một nhân viên ngân hàng đang xếp tiền đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tại một ngân hàng ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hôm 08/4/2010.



- Quả thật là từ mấy chục năm nay rồi, nhiều quốc gia ghen tức với thế lực Hoa Kỳ và nhiều nhà bình luận kinh tế cứ nói là nhờ vai trò dự trữ của Mỹ kim, nước Mỹ có thể tiêu thụ và vay mượn thả giàn vì các nước đều mua tiền Mỹ dưới dạng Công khố phiếu. Thứ hai, nhờ các nước mua công khố phiếu, hay phiếu quốc trái, hay trái phiếu của quốc gia, nên phân lời trái phiếu hạ làm lãi suất tại Mỹ giảm và điều ấy có lợi cho kinh tế Hoa Kỳ. Sự thật nó lại rắc rối gấp bội.

- Thứ nhất, do vị trí ưu đãi của đồng Mỹ kim, dân Mỹ phải tiêu nhiều hơn chứ chưa hẳn là được tiêu xài nhiều hơn như thiên hạ vẫn lầm tưởng; thứ hai, vì các nước phải mua Công khố phiếu Mỹ nên lãi suất mới giảm tại Hoa Kỳ một cách giả tạo. Nếu nhớ tới hai vế cung cầu về tư bản trong kế toán quốc gia thì ta biết là khi thiên hạ ào ạt mua Mỹ kim thì hối suất đô la sẽ tăng làm giới sản xuất bị bất lợi và thất nghiệp có thể tăng. Khi ấy, Mỹ phải ứng phó bằng cách tăng mức tín dụng tiêu thụ hay nâng số vay nợ của nhà nước, tức là chính sách kinh tế tài chính của quốc dân Hoa Kỳ bị xứ khác chi phối. Tôi gọi đó là gánh nặng.


Gánh nặng và trách nhiệm của đồng Mỹ kim

 

Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể khó hiểu yếu tố chuyên môn phức tạp này, vì vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm cho rõ. Có phải là việc Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất khiến ngân hàng trung ương và giới hữu trách về kinh tế tài chính Hoa Kỳ phải đối phó với quyết định mua bán hay lưu giữ đồng đô la Mỹ của các nước khác chăng? Và nếu Trung Quốc tiến tới vị trí đó thì họ không thể xoay trở nổi với cái mặt trái của ưu thế tượng trưng này, thưa ông, có phải vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi nói tới Trung Quốc thì hãy nghĩ đến hoàn cảnh Nhật Bản khi đồng Yen vọt lên giá vì biến động sau vụ Anh Quốc vừa quyết định ra khỏi Liên Âu vừa qua. Biến cố ấy gây bất lợi cho kinh tế Nhật chứ không làm dân Nhật vênh mặt như dân Tầu khi đồng tiền của họ được chiếu cố như một ngoại tệ mạnh. Sự thật thì vị trí ngoại tệ dự trữ trên trường quốc tế có mặt trái là khiến các nước khác chi phối số cầu nội địa và gây khó cho chính sách kinh tế bên trong. Thí dụ khác là năm 2011, Bắc Kinh ào ạt mua đồng Yen, và mặc nhiên hạ thấp vị trí của ngoại tệ phổ biến là Mỹ kim, thì Nhật phản đối dữ dội và ráo riết mua đô la để trung hòa sự chiếu cố của Tầu, tức là nhường lại cho Mỹ cái ưu thế bất chính mà Trung Quốc và nhiều nước khác vẫn đả kích! Lý do chuyên môn rất khó hiểu ở đây là kế toán quốc gia.


Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng tiếp nhận tư bản nước ngoài ào ạt đổ vào hay rút ra, tức là chịu nổi gánh nặng hay trách nhiệm của đồng Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất. Trung Quốc thì còn lâu!  Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Theo định nghĩa kế toán thì cán cân vãng lai hoặc cán cân chi phó là kết số chi thu ngoại tệ, nó cũng là sai biệt giữa tiết kiệm và đầu tư. Nếu tiết kiệm nhiều hơn đầu tư thì cán cân vãng lai được thặng dư. Khi Tầu mua tiền Nhật và trả bằng đồng Nguyên thì điều ấy có nghĩa là tư bản Tầu trút vào Nhật. Nếu Nhật Bản tiết kiệm ít và thiếu tiền đầu tư ở bên trong thì sẽ hoan hỉ đón nguồn tư bản ngoại nhập ấy, nhưng họ không cần và nếu Tầu ào ạt mua tiền Nhật thì tất nhiên tiết kiệm của Nhật phải giảm cùng mức độ của thặng dư vãng lai. Khi đó tiêu thụ của Nhật sẽ tăng cùng mức độ với số nợ ngoại quốc, là điều Nhật Bản không thể chịu nổi. Và khi đó thất nghiệp tại Nhật sẽ tăng là điều còn khó chịu đựng hơn nữa. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng tiếp nhận tư bản nước ngoài ào ạt đổ vào hay rút ra, tức là chịu nổi gánh nặng hay trách nhiệm của đồng Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất. Trung Quốc thì còn lâu!


Nguyên Lam: Cho tới nay, hầu hết mọi người đều nói là nhờ vị trí của Mỹ kim mà dân Mỹ mặc sức tiêu thụ với lãi suất hạ và điều ấy khiến nước Mỹ mắc nợ nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn và bị nhập siêu quá nặng, tức là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Đã vậy, Hoa Kỳ còn chiếm ngôi bá chủ kinh tế nhờ ưu thế của đồng bạc do họ tự nhiên phát hành trong khi các nước có thể bị điêu đứng vì dòng tư bản chảy vào hay rút ra trong các giai đoạn bất ổn. Thưa ông, sự thật lại không phải như vậy hay sao? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến thành ngữ Trung Hoa là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”! Trung Quốc chưa đi tới chỗ ấy nên mới mơ chuyện hão…

- Người ta lầm tưởng là các nền kinh tế đều cần đầu tư nước ngoài vì tư bản đưa vào sẽ tài trợ yêu cầu phát triển của mình. Thật ra, đầu tư nước ngoài chỉ có lợi cho quốc gia tiếp nhận nếu là kỹ thuật hay kiến năng mới về tổ chức và kinh doanh và nếu kinh tế không tiết kiệm đủ cho nhu cầu về đầu tư. Sự thật thì Hoa Kỳ là xứ tiên tiến về công nghệ và nếu tiết kiệm giảm thì tại vì đầu tư ngoại nhập khi thiên hạ mua tiền của Mỹ về làm ngoại tệ dự trữ. Người ta ít hiểu ra nghịch lý ấy vì thuần về kế toán hay tính toán sổ sách, nếu đầu tư quốc ngoại chảy vào Mỹ, cũng tựa như các nước xuất khẩu tư bản vào thị trường Hoa Kỳ, sai số hay thặng dư về đầu tư so với tiết kiệm tại Mỹ tất nhiên bằng với số thặng dư về tiết kiệm trên đầu tư của xứ khác. Vì chuyện này khó hiểu, người ta mới oán nước Mỹ là trục lợi bất chính. Trong khi đó, chính là tư bản ngoại quốc chảy vào Mỹ góp phần thổi lên sự phồn vinh trong các năm 2002-2007 khi giá cổ phiếu và nhà cửa tăng vọt. Khi ấy ai cũng ca tụng khả năng tiêu thụ và công ăn việc làm được tạo ra trong mấy năm thịnh đạt. Thế rồi khi bùng nổ vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, sức tiêu thụ sa sút và thất nghiệp tăng đã dẫn tới nạn Tổng suy trầm. So với ngần ấy quốc gia bị lao đao từ 2010 đến nay thì Hoa Kỳ vẫn phục hồi mau nhất và nếu muốn tránh sự dao động ghê gớm ấy thì nước Mỹ nên áp dụng chế độ kiểm soát tư bản, là từ bỏ vị trí ngoại tệ dự trữ của đồng đô la. Hoa Kỳ không làm như vậy và vẫn cáng đáng vai trò này trong khi Trung Quốc thì chưa thể đảm nhận nổi và sẽ loạn to nếu cũng xả cảng cho tư bản tự do chảy ngược xuôi.


Nguyên Lam: Như vậy, một cách cụ thể, thì sau khi đồng Nguyên được nhận vào rổ Đặc Trích SDR từ đầu Tháng 10, thưa ông, những gì có thể xảy ra? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là chẳng có gì cả ngoài cái danh hão mà lãnh đạo Bắc Kinh mua về cho thần dân u mê của họ! Đồng ngoại tệ tổng hợp SDR có năm ngoại tệ, theo tỷ trọng do IMF quy định kể từ Tháng 10 này là 41,37% cho Mỹ kim, 30,93% cho Euro, 10,92% cho đồng Nguyên, 8,33% cho đồng Yen Nhật, và 8,09% cho đồng Anh kim. Nếu ngân hàng trung ương nào mua trái phiếu yết giá bằng đồng SDR giả tạo đó thì Quỹ IMF có thể đóng chốt bằng cách mua vào năm ngoại tế ấy với cùng tỷ lệ thì sự thể chung cuộc lại chẳng có gì khác. Nếu Bắc Kinh muốn đồng Nguyên có thế giá hơn thì có thể mua đồng bạc này, hoặc nếu họ muốn đánh hạ vai trò của đô la Mỹ như họ vẫn nói thì mua các ngoại tệ kia nhiều hơn tỷ trọng ấy. 

- Điều này chẳng bao giờ xảy ra và cho tới nay, chính Bắc Kinh cứ mua tiền Mỹ và củng cố vai trò của đô la vì nếu không xuất khẩu tư bản vào Mỹ thì sẽ bị thất nghiệp và bị còn nặng hơn nếu đồng Nguyên được chiếu cố! Vì vậy, những ai ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc, kể cả giới tuyên truyền của Bắc Kinh, cứ chỉ nói cho vui, chứ ngày nào mà Trung Quốc mon men đưa đồng bạc vào cấp quý tộc thì ngày đó họ bị thất nghiệp cao và gặp động loạn kinh tế tài chính lẫn chính trị!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.


Thứ Ba, tháng 7 26, 2016

Nền Kinh Tế Quỷ Nhập Tràng



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày160725
"Kinh Tế cũng là Chính Trị"

Dân Chủ Hoa Kỳ và Đảng Trị Trung Quốc   


* Đầu tư vào Trung Quốc là... giỡn với tử thần! *



Sau một Đại hội Cộng Hòa kỳ diệu là tránh được trận nội chiến giữa các đại biểu ngay trên sàn Cleveland, Đại hội Dân Chủ tại Philadelphia lại phơi bày nhiều rạn nứt: Chủ tịch đảng là Debbie Wasserman Schultz phải từ chức trước khi gõ búa khai mạc đại hội vì tội dùng bộ máy đảng ngầm ngầm ủng hộ Hillary Clinton. Người sẽ tạm xử lý là Donna Brazile cũng chẳng khá hơn vì có cùng một tội!

Nhìn từ bên ngoài, kẻ nhẹ dạ có thể ngao ngán với nền dân chủ bát nháo này và thầm mơ một sự “nhất trí” giữa các lãnh tụ - như tại Trung Quốc!

Đúng là nhẹ dạ…. Mục “kinh tế cũng là chính trị” kỳ này xin nói về chuyện nhất trí và sự nhẹ dạ đó.

Về Hoa Kỳ, chi tiết đáng chú ý là cả hai ứng cử viên tổng thống, bên Dân Chủ và Cộng Hòa, đều chọn người đứng phó có khả năng bổ sung cho mình. Donald Trump đã chọn Thống đốc Indiana là Mike Pence vì ông này có lập trường bảo thủ rõ rệt, dù xuất thân từ phong trào Tea Party lại khá điềm đạm, chứ không lang ba vi bộ từ tả qua hữu hoặc bay lên trời, như người thụ ủy liên danh Trump-Pence. Hillary Clinton cũng vậy, đã chọn Nghị sĩ Tim Kaine của Virginia không chỉ vì vị trí bản lề của tiểu bang này mà còn vì lập trường ôn hòa của ông, xin hiểu là trung dung hay trung tả, chứ không cực tả như người thụ ủy liên danh Clinton-Kaine vì bà phải vượt qua hàng rào cực tả của Nghị sĩ Bernie Sanders trước khi được đảng Dân Chủ tấn phong.

Cả hai đều vớt cá hai tay - vì cần lá phiếu cử tri. Dân chủ là vậy, là phải biết xin và đếm phiếu. Vì thế, cả hai đều có thể thoải mái với mâu thuẫn lập trường ở bên trong. Như về kinh tế, cả hai ứng cử viên Phó Tổng thống đều kín đáo ủng hộ tự do mậu dịch, khác với lập trường nghi ngại của hai người cầm đầu liên danh.

Bây giờ, hãy nhìn qua Trung Quốc, nơi mà sự nhất trí – chữ của người Hà Nội – được định chế hóa như một chân lý chắc nịch.

***

Nếu không quá bận theo dõi cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, ngay từ Tháng Năm, ta đã thấy mâu thuẫn giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, hai nhân vật đứng hàng thứ nhất và thứ nhì của Thường vụ Bộ Chính Trị gồm có bảy mạng.

Khác Hoa Kỳ là nơi mọi chuyện đều được phơi bày, mọi chuyện tại Trung Quốc chỉ được thấy hoặc được phỏng đoán qua bức màn khói, màn tre hay màn sắt. Người trong cuộc mà đoán sai là mất nghiệp!

Từ ngày chín Tháng Năm, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Bắc Kinh có bài tiểu luận trích dẫn một “viên chức có thẩm quyền”, với nội dung đả kích chánh sách kinh tế của người có trách nhiệm chính thức là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ai là kẻ có gan nuốt búa mà đòi phê phán nhân vật thứ hai của đảng?

Còn ai trồng khoai đất này? – Chính là Tập Cận Bình, người đang thâu tóm quyền lực vào trong tay, của hầu hết mọi khu vực quân sự, an ninh lẫn kinh tế và chỉ huy các Tiểu tổ Lãnh đạo về lý luận để toàn đảng và toàn dân cùng nhất trí mà nhìn chung một hướng. Vì vậy nhiều nhà quan sát mới nói tới nạn thanh trừng chính trị và tranh đoạt quyền lực trên thượng tầng của đảng.

Nó âm u mờ ám chứ không om xòm công khai như các đại hội đảng tại Hoa Kỳ!

Sau đó, hôm mùng bốn vừa qua, trong một kỳ họp của Quốc Vụ Viện là Hội đồng Chính phủ, người ta lại thấy mâu thuẫn Tập-Lý về vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong khi Lý Khắc Cường nêu ý kiến về việc chuyển hướng kinh tế theo quy luật thị trường và cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước cho tinh giản thì Tập Cận Bình lại khẳng định vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp này, như những mũi nhọn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Khác biệt quan điểm chấm dứt vào ngày 21 vừa qua vì Lý Khắc Cường phải cúi đầu ngợi ca chủ trương kinh tế của Tập Cận Bình. Ít ai bên Mỹ này chú ý chuyện đó vì đảng Cộng Hòa vừa hoàn tất Đại hội tại Cleveland.

Chuyện đáng nói hơn những mâu thuẫn chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh ở bên trên là thực tế kinh tế ở bên dưới: tình hình trầm trọng tới mức nào? Có nguy kịch như lời cảnh báo của Donald Trump về nước Mỹ không?

Trung Quốc đang bị nguy cơ suy trầm vì sự sa sút của thị trường bất động sản qua các thống kê của Tháng Năm và Tháng Sáu. Kèm theo đó là nạn bội chi ngân sách và nguy cơ vỡ nợ của các địa phương vì đi vay quá nhiều để đầu tư vào các dự án kém hiệu năng từ gia cư tới xây dựng hạ tầng và sản xuất nguyên nhiên vật liệu như xi măng, than thép. Vấn đề thứ ba là gánh nợ quá lớn, từ tín dụng ngân hàng đến trái phiếu, đã vượt Hoa Kỳ trước khi nước Mỹ bị khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Mọi chuyện ấy kết tinh vào doanh nghiệp nhà nước mà Tập Cận Bình muốn củng cố thành mũi nhọn, hay nói theo người Hà Nội là “quả đấm thép”! Nói theo giới đầu tư quốc tế, đấy là các doanh nghiệp quỷ nhập tràng, zombie companies. Những xác chết chưa chôn mà cứ bay nhẩy như ma trơi.


***

Vài con số sau đây có thể minh diễn sự lạ đó, để khói mang tiếng xuyên tạc!

Tổng số nợ của Trung Quốc ở khoảng 247% hay 282% Tổng sản lượng GDP. Hãy lấy con số nhỏ của Moody’s Investors Service tính tới cuối năm cho khỏi nhức tim; con số kinh hãi kia là của McKinsey Global Institute công bố từ đầu năm ngoái và nay chắc còn cao hơn nữa.

Tính đến cuối năm 2015 thì tổng số nợ của các doanh nghiệp lên tới 165% GDP, của các hộ gia đình là 40% và của chính quyền trung ương là 22%. Của các chính quyền địa phương là bao nhiêu thì không ai biết, kể cả chính quyền trung ương lẫn các “viên chức có thẩm quyền”.

Bây giờ, nói về các doanh nghiệp mắc nợ tới 165% GDP thì ta có tư doanh và quốc doanh.

Theo cách tính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF thì hệ thống quốc doanh Trung Quốc có sản lượng là 22% GDP mà lại có dư nợ bằng 55%. Sai biệt giữa xuất lượng là 22% và nhập lượng là khối nợ cao tới 55% giải thích hiện tượng quỷ nhập tràng. Đấy là những xác chết chưa chôn mà cứ bay nhảy như chơi vì nằm trong hệ thống chính trị, do các đảng viên của trung ương và địa phương quản lý nhằm thực hiện chánh sách kinh tế của đảng và nhà nước. Chánh sách này là do chính Tập Cận Bình đề ra sau khi đẩy Lý Khắc Cường qua một bên.

Bây giờ, gom ba chuyện gia cư, ngân sách và nợ nần làm một thì ta hiểu ra thế nào là ôm một mối mơ.

Hiện tượng xác chết chưa chôn trên doanh trường Trung Quốc đã có từ năm năm trước, từ 2011. Nhưng ai dám chôn cất các doanh nghiệp có chức năng đầu tư và tạo ra công ăn việc làm, như đầu tư vào công nghiệp nặng và tạo ra việc làm trong ngành xây dựng và gia cư? Khi thị trường gia cư bể bóng từ Tháng Ba năm 2014 thì tình hình sa sút khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước chết lâm sàng, nhất là tại các địa phương. Rồi tín dụng được bơm vào để xác chết đứng dậy. Vì vậy, ta mới thấy kinh tế vẫn tăng trưởng và sản xuất thừa thì vẫn kể là sản xuất, thừa thì phá giá để xuất cảng làm thiên hạ kêu trời.

Nhưng còn các khoản nợ kia thì sao? Thủ thuật kế toán là đổi nợ thành vốn, quyết định do Quốc Vụ Viện Bắc Kinh công bố hôm 18 vừa qua. Đa số chủ nợ là các ngân hàng của nhà nước, từ nay làm chủ đầu tư của các doanh nghiệp quỷ nhập tràng cũng của nhà nước. Đấy là sự nhất trí tuyệt vời của đảng với nhà nước Trung Quốc. Tiếp tục bơm tiền để nuôi xác chết.

Nhưng ở ngoài bãi tha ma kinh tế đó vẫn còn các doanh nghiệp của tư nhân. Họ thấu hiểu kinh tế thị trường theo định hướng của đảng và nhà nước, nên lặng thinh nín thở qua sông, đầu tư ít đi và nếu có tiền thì giấu nhẹm. Hoặc tẩu tán ra ngòai. Vì tư doanh giấu nhẹm, kinh tế Trung Quốc rơi vào cái bẫy xập của thanh khoản: tiền bơm ra để kích thích kinh tế mà chẳng nâng được sản lượng. Đây là kết luận mới nhất của một viên chức thuộc Ngân hàng Trung ương.

Diễn nôm là nhà nước Bắc Kinh đang… đẩy sợi dây.

Thành thử cuộc tranh luận về chánh sách hay tranh đoạt quyền bính chính trị tại Bắc Kinh không đơn giản là màn đấu lực giữa hai họ Tập-Lý. Nó là sự nhất trí giữa ngần ấy phe là làm sao bảo vệ được nguyên trạng kỳ quái này, để may ra còn có thể cải cách sau Đại hội Khóa 19 vào cuối năm tới.

Vì kinh tế cũng là chính trị, ta thấy nền dân chủ bát nháo của Hoa Kỳ vẫn có nét dễ thương, chứ không là chuyện tà ma như tại Trung Quốc!